Nhà văn nam và nhà phê bình Tôi thực kinh ngạc đàn ông làm sao có thể nghiêm khắc được cơ chứ? Họ có một thứ dài dài treo bên ngoài. Nó có thể tự lên lên xuống xuống... Nếu tôi là đàn ông, có lẽ ngày nào tôi cũng tự cười nhạo mình đến chết mất.
- Yoko Ono -
Tôi thấy mình cần phải ở nhà, nướng bánh và uống trà.
- Hilary Clinton -
Có lúc tôi thấy mình giống chú cún Snoopy hoặc Linus trong tranh hoạt hình. Chỉ có điều, thứ mà tôi vĩnh viễn không thể tách rời không phải là tấm thảm, mà là tình yêu.
Tôi luôn cần tình yêu, thậm chí còn cần hơn những phụ nữ khác, tựa hồ như không có nó, tôi không thể thở nổi, không thể sống được. Tôi ngậm tình yêu trong miệng, giấu dưới gối, nhét sâu trong tử cung, viết ra trên giấy.
Trước đây, phần lớn bản chất của tình yêu là đem lòng yêu người. Đám đàn ông chỉ là những chiếc phong bì biết đi, có dương vật dài. Tôi đem tình yêu của tôi tạm thời nhét vào những chiếc phong bì đó, giả bộ như có một người nào đó ở một nơi nào đó trên thế giới này gửi cho tôi một lá thư cầu hôn lãng mạn. Để rồi giả bộ vô cùng kinh ngạc và mừng rỡ khi nhận được những lá thư đó, nhưng thật ra nội dụng trong đám thư đó - tình yêu - do chính tôi tạo ra. Chỉ có điều tôi cần phải đem nó gửi tạm lên người một gã đàn ông.
Nhưng Muju hầu như không giống những gã đàn ông phong bì kia. Lần đầu tiên, anh khiến tôi cảm nhận được một thứ tình yêu ấm áp, chân thành mang theo cả tính thiền. Lần đầu tiên anh khiến tôi thấy được ma lực của tình dục và không gian tưởng tượng vô hạn. Lần đầu tiên, anh khiến tôi lĩnh hội được tình yêu và tình dục có thể kết hợp được hoàn mỹ đến như thế.
Nhưng thực tế là anh còn đem lại cho tôi rất nhiều thứ ngoài tình yêu. Anh mở ra rất nhiều cửa sổ trước mắt tôi, chỉ cho tôi thấy một thế giới mà trước đây tôi chưa từng thấy hoặc đã nhìn thấy nhưng không thực sự chú ý.
Khi chúng tôi ở bên nhau, dùng rất nhiều thời gian để đọc báo, trò chuyện, ngồi im lặng suy ngẫm, làm tình, ăn, đi bộ, cười phá lên, tất nhiên cũng có những cuộc cãi vã nho nhỏ nữa. Tôi không còn hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc ngủ nữa. Những giấc mơ của tôi tĩnh lặng hơn trước kia, và xuất hiện bãi biển của núi Phổ Đà, những con núi và ngọn miếu.
Lúc đó đã là tháng Ba. Tình yêu giữa tôi và Muju cũng đã được ba tháng.
Bên cạnh lối đi bộ trên đường phố New York đã bắt đầu nảy những mầm xanh yếu ớt. Thấp thoáng đâu đó những chồi tí xíu của cây anh đào. Gió vẫn rất mạnh nhưng vẫn chịu được vì mọi người đều biết mùa xuân đang cận kề phía trước.
Tuần này, tôi sẽ rất bận.
Trước hết thứ hai sẽ có một buổi giảng bài ở khoa Đông Á trường Đại học Columbia do các thạc sĩ và tiến sĩ tổ chức. Tôi và một nhà văn từ Trung Quốc Đại lục tới sẽ là người giảng chính.
Hôm đó, giảng đường đông dễ sợ. Nhìn xuống chỉ thấy toàn một màu tóc đen và vàng. Rất nhiều người phải đứng nghe ở lối đi. Hỏi một người tổ chức mới biết một tờ báo Trung văn lớn nhất toàn nước Mỹ đã đăng một bài dài về buổi giảng này. Nhiều người đọc được tờ báo mới chạy tới.
Bảy nhà văn nam cỡ trung niên trở lên, thắt caravat chỉnh tề, mặc complê thẳng muốt còn chưa kịp dứt nhãn. Một nữ nhà văn trẻ có móng tay dài, tóc dài, trên mặt luôn thường trực nụ cười đầy tính tự vệ. Tám người ngồi thành một hàng, đối mặt với khán giả.
Sau khi mỗi người trình bày ngắn gọn về chủ trương văn học của mình sẽ đi vào phần khán giả nêu câu hỏi.
Khán giả đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi, tôi trở thành nhân vật chính. Nhưng tôi khá cẩn thận, cố gắng chuyển hướng tập trung vào nhà văn nam thứ bảy ngồi ở phía xa và lớn hơn tôi rất nhiều. Thậm chí khi trả lời câu hỏi, tôi còn nhân tiện tán dương luôn tất thảy các nhà văn này và trân trọng gọi họ là “các thầy cô“.
Các câu hỏi chẳng có gì là mới mẻ, đều được mấy trăm nhà báo hỏi đi họi lại từ lâu nay.
“Tại sao lại chọn con đường sáng tác?”
“Tỉ lệ của tính chân thực và tính hư cấu của tác phẩm là bao nhiêu?”
“Nếu sách của cô là do một nhà văn nam viết, liệu còn bị báo chí phê bình dữ dội như vậy không?”
“Sự khác biệt giữa cô và các nhà văn thế hệ trước là gì?”
“Cô thích đàn ông phương Tây hơn hay đàn ông Trung Quốc hơn?”
Tôi trả lời rất thuần thục. Khán giả chốc chốc lại cười rộ và vỗ tay. Nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy nếu so với các nhà văn nam mặc complê, ngồi ngay ngắn này, tôi nom thời trang nhưng thật bất lực. Ngồi trước những đôi mắt màu hau háu tò mò, tôi như một con chim bị khiếp đảm.
Khi đám khán giả chuyển hướng sang các nhà văn nam, tôi ra sức củng cố dũng khí của mình, nhưng cũng không tránh khỏi áp lực tâm lý. Tuy xã hội ngày càng tiến bộ nhưng vẫn tồn tại những cái nhìn phiến diện và hiểu lầm về phụ nữ. Nhất là khi người ta đem bạn ra gắn với tình dục, thậm chí là liên hệ với một phù hiệu xã hội nào đó.
Sau buổi giảng, cả đám người kéo tới nhà hàng Mountain King. Mười ba người vây quanh một chiếc bàn tròn to đùng, nom thật bình đẳng và thân thiện. Sau những bụi bặm và chông gai, đã đến lúc cần phải dùng đồ ăn để bù lấp những kẽ nứt khiến người ta phiền lòng.
Giáo sư khoa Đông Á gọi đồ ăn. Hơn hai mươi món được bày ê hề ở giữa bàn như tôm hầm hải sâm, tôm hùm hấp hành gừng, vịt quay Bắc Kinh, salad thịt viên, canh đậu phụ trai. Màu sắc và mùi vị của chúng thật khác nhau, hương thơm nức mũi, không khí vui nhộn hẳn. Đồ ăn Trung Quốc phức tạp và phong phú thường khiến người ta chìm đắm trong khoái lạc. Đồ ăn Trung Quốc luôn là lý do để hơn 50% số dân Trung Quốc phải sống và tiếp tục sống.
Mười ba người, không một ai còn nhắc tới những gì có liên quan tới văn học. Đám nhà văn nam cao hứng nói về Trung văn, không ngừng chạm cốc và cười hớn hở, như thể một đội quân đồng minh mạnh mẽ. Họ cũng không ngại ngùng việc thương lượng với giáo sư của khoa Đông Á về thời gian biểu đi thăm quan New York trong mấy ngày tới. Chẳng hạn như khi nào đi thăm Viện bảo tàng Metropolitan, Broadway và tất nhiên còn có cả di tích của vụ “11.9” đang nóng bỏng.
Cuối cùng, mấy gã đàn ông với quyết tâm nghiên cứu thực tế về văn hóa tư bản chủ nghĩa hủ bại, cũng lắp bắp đề nghị họ dẫn tới một câu lạc bộ sex.
Trong số hộ chưa có một ai định nói chuyện tử tế với tôi. Họ không thể tha thứ được cho tiếng Anh của tôi, mớ trang phục trị giá mấy trăm đô la của tôi, thậm chí ngay cả những nốt mụn trứng cá trên mặt tôi. Chắc hẳn trong đầu họ đã không chỉ một lần tưởng tượng cái cảnh lột sạch quần áo trên người tôi.
Tôi cắm cúi ăn. Mỗi lần cắn một miếng lại cảm thấy mình mạnh mẽ lên một chút. Mọi thứ hiểu lầm, rào cản ngăn cách, đố kị, cố ý, không lành mạnh chỉ tăng thêm khả năng miễn dịch của bạn và mở rộng tâm hồn bạn mà thôi. Uống sạch chỗ nước bẩn đó, để lại biến chúng thành từng tia sữa tinh khết. Chất nữ tính vĩ đại đã dẫn dắt loài người bay lên.
Sau đó vào một tối thứ năm, nhà xuất bản tổ chức cho tôi một buổi tiệc nhỏ chừng hai mươi người tham gia. Địa điểm là một tiệm cà phê nhỏ ở Village.
Đến dự gồm có những người của nhà xuất bản như biên tập, phát hành, người phụ trách PR và một số nhà văn, nhà phê bình văn học. Trong đó có một nhà văn nghe nói gần đây vừa giật được giải thưởng. Nhìn qua anh nom giống hệt nhân vật chính trong bộ phim As good as it gets do Jack Nicholson đóng, chuyển thể từ tác phẩm ăn khách của nhà văn Melvin. Ông này có thú vui là lăng nhục động vật, phụ nữ, người đồng tính và người da màu. Nhưng cuối cùng gã lãng tử cũng biết quay đầu bởi tình yêu đã giúp ông trở thành người tốt.
Tôi trò chuyện với nhà văn này. Ông có ngoại hình khiến người ta rất yêu thích, mặc dù có phần hơi ngông cuồng. Ông mang theo một chú chó Shepherd thuần chủng Đức tới dự tiệc, khiến tiệm cà phê vốn nhỏ lại càng thêm chật.
“Chú chó xinh quá”, tôi khen ngợi.
“Hà”, ông cười lớn, “Như vậy đấy. Khi một người đẹp mê hồn không tiếc lời khen con chó của tôi, tôi có hy vọng ngay lập tức“. Ông nháy mắt với tôi, rồi đột nhiên thò tay bẹo mông tôi một cái.
Đột nhiêm nôm ông chẳng còn chút gì uyên bác cả, chỉ là một con dê già mặc áo sơ mi bằng vải flannel, bên cạnh dắt theo một chú chó.
Tôi tránh xa ông, đi quanh một vòng, cười nói xã giao với mọi người, rồi đi tới trước mặt một thanh niên trẻ.
Anh ta có mái tóc đỏ, rất trẻ, gương mặt rất thư sinh. Anh ta chẳng khác gì các học sinh mặt đầy mụn trứng cá mà tôi vẫn thường bắt gặp trong sân trường Đại học Columbia. Trên nắp túi áo của anh ta có cắm mười hai cây bút bi rỉ mực và mặc một chiếc quần bò một năm mới giặt một lần.
Nhưng trò chuyện xong mới biết anh ta không phải là sinh viên. Anh ta vừa trở thành nhà phê bình sách của tờ Thời báo New York không lâu, tên là Eric.
Tôi nói cho anh ta biết thực ra sách của tôi đã ba lần xuất hiện trên tờ báo này. Tiếc là một lần vào dịp một năm trước, mặc dù chỉ được đăng nửa trang báo. Một lần là tuần đầu tiên sau sự kiện 9.11 và một lần trong tập chuyên đề về du lịch Thượng Hải.
Anh ta cười, đáp rất thân thiện rằng đã đọc sách của tôi và rất thích.
Khi chúng tôi nói về văn hóa phương Đông, anh ta kể bố anh là một giáo sư nghiên cứu về Tây Tạng, rất tôn sùng đạo Phật. Cách đây không lâu, anh còn định tới Tây Tạng một chuyến.
“Tây Tạng là một trong những nơi còn lưu giữ được ý thức của loài người một cách nguyên sơ nhất”, anh nói. Tôi tán thành.
Chúng tôi trò chuyện rất nhiều. Tôi phát hiện thấy anh thật vui vẻ, thông minh, thân thiện và nhạy cảm.
Khi nói chuyện, sự tập trung của anh lại không ngớt bị cuốn hút lên bộ trang phục bằng tơ tằm màu đỏ của tôi. Bộ cánh này từ cổ chạy dọc xuống eo có ba chiếc khuy màu đen hình con bướm được làm từ tơ.
Anh không ngớt lời tán tụng kỹ thuật làm khuy áo của Trung Quốc. Những lời ngợi khen khiến tôi thấy mình nhẹ bỗng như đang bay, đành phải kể với anh rằng, những loại khuy áo được làm tư tơ hoặc bông kiểu này có tới hơn một trăm loại. Có dạng hình đám mây, hình hoa cúc, hoa sen, hình thoi bạc, hình cá vàng...
Anh ta tròn mắt ngạc nhiên, không ngớt lộ vẻ thán phục. “Đàn ông có thể dùng loại khuy này để trang sức không?”, anh đột ngột hỏi.
“Tại sao lại không?”, tôi đáp nhưng không nhịn nổi cười. Anh ta thật đáng yêu, chẳng có chút gì phách lối hoặc ra vẻ như các nhà phê bình sách khác. Có lẽ vẫn chưa kịp có thì phải.
Trước khi buổi tối kết thúc, tôi và Eric trao đổi số điện thoại, hẹn nhau khi nào đi uống cà phê. Tôi thấy thích anh ta. Có lẽ anh là là dân đồng tính. Anh ta không khỏi khiến tôi phải nhớ tới Hỉ Nhĩ mười năm về trước khi chưa trở thành phụ nữ.