Thẩm tẩu tử và Thẩm
lão nương vừa vào nhà, hai người hành một cái lễ chẳng ra lễ, sau đó
Thẩm tẩu tử lên tiếng cười bảo rằng: "Chúng tôi đến tìm Nhị nãi nãi
không phải vì chuyện gì khác mà chính là chuyện liên quan đến tiệm nhà.
Phụ nữ trong nhà họ Thẩm cũng ra ngoài làm ăn buôn bán kiếm chút lời,
xin Nhị nãi nãi đừng chê cười. Thứ tiệm tôi bán cũng là thứ mà trong phủ cần, hẳn là phủ ta cũng cần vải vóc đổi quần áo theo mùa nhỉ, hàng nhà
tôi đều là hàng nhập từ Hàng Châu cả đấy."
Nói đoạn, Thẩm tẩu tử lại tiếp lời: "Người ở Đài Châu này ai ai cũng đều biết, tuy tiệm
của chúng tôi không lớn nhưng vải vóc đều là thứ tiệm khác không có
được. Vải vóc trong phủ năm rồi đều là mua từ cửa hàng nhà chúng tôi cả, ngay đến rèm cửa trong phòng này cũng chính là vải nhà chúng tôi. Nhị
nãi nãi xem đấy, mua vải nhà ai cũng đều là mua, chiếu cố cho người nhà
một chút, chúng ta quen biết cũng dễ nói năng, nãi nãi muốn thứ vải gì
thì cứ lên tiếng, chúng tôi sẽ đặc biệt đến Hàng Châu lấy về cho nãi
nãi."
Nhắc đến chuyện làm ăn, miệng lưỡi Thẩm tẩu tử lanh lẹ
hơn hẳn, thao thao bất tuyệt, Nhược Thủy mỉm cười nghe thị nói nhưng
không gật đầu lấy một lần. Thẩm tẩu tử nghĩ mình nhận được sự đồng tình
từ Nhược Thủy bèn vừa cười vừa nói: "Nhị nãi nãi yên tâm, họ đều là
khách quen, nhất định sẽ cho mình giá tốt nhất."
Sau rồi Thẩm tẩu tử cố tình hạ giọng nói nhỏ: "Nếu Nhị nãi nãi lấy vải của nhà tôi
thì tôi sẽ tặng thêm một xấp gấm mây giá hai mươi lượng, coi như là chút quà mọn biếu Nhị nãi nãi. Trên gấm có thêu hoa văn như ý cát tường, Nhị nãi nãi dùng làm áo mặc thì đẹp vô kể. Nhà mà chúng tôi nhập hàng vào
ấy, bên ấy cũng bán cho cả mấy vị trong cung, chất vải dày dặn, số lượng tuồn ra ngoài rất ít, các nương nương trong cung mỗi năm cũng chỉ có
ba, bốn xấp gấm loại này thôi."
Nhược Thủy vừa cười vừa đáp:
"Nghe Thẩm tẩu tử nói vậy ta cũng rất có hứng thú, nhưng gấm mây này dù
tốt nhưng cũng không phải thứ nhà ta cần đến. Nói thêm về những loại
khác đi."
Thẩm tẩu tử rành mạch nói: "Dạ dạ, vừa nhìn đã thấy Nhị nãi nãi biết chăm lo. Nghe nói Nhị nãi nãi đến từ kinh thành có
phải không?"
Nhược Thủy gật đầu, Thẩm tẩu tử bèn to gan nói:
"Vậy để tôi nói cho Nhị nãi nãi nghe về xiêm y mặc đông của tiệm chúng
tôi, Nhị nãi nãi quý phái thế này hẳn là phải dùng lụa và lụa dệt nổi,
lụa dệt nổi thì hai lượng một xấp. Còn có vải nhung xanh, cũng cùng giá
hai lượng. Nhị nãi nãi có thể mua thêm mấy xấp gấm để dành, khi nào ra
ngoài thì dùng mặc. Người dưới thì chất vải ở đâu cũng giống nhau, đều
là vải thô, sáu tiền một xấp."
Nhược Thủy cười nói: "Thẩm tẩu tử quả là người lanh lợi, giá bán từng loại nhiều như vậy cũng nhớ rõ
ràng. Trước đây cũng là giá này cả sao? Cô đừng thấy ta mới đến thì cố
tình làm giá."
Thẩm tẩu tử làm ra vẻ sợ hãi, kêu lên: "Úi
trời trời, Nhị nãi nãi nói xem sao có thể chứ. Tiệm chúng tôi làm ăn
buôn bán ngay thẳng chứ nào phải gian thương đâu."
Nhược Thủy suy nghĩ một lát rồi nói: "Được, vậy đi, Thanh Tố mang giấy bút ra đây. Thẩm tẩu tử quanh năm buôn bán, trí nhớ ta không bì được với cô. Cô ghi lại giúp ta xem năm rồi nhà ta đã mua những loại vải gì, sau đó viết
kèm giá tiền bên cạnh. Ta sẽ đem so với sổ sách, xem xem trong phủ có cả thảy bao nhiêu người, cô cũng biết nhà ta không chỉ phải lo cho người
trong phủ mà còn phải sửa soạn cho cả người trong cửa hàng. Số người này ta cũng phải cẩn thận xem lại, sau đó xem tổng hết cả là bao nhiêu
tiền, mấy ngày nữa ta sẽ phái người mời cô sang, nhớ mang vải đến cho ta xem thử, nếu tốt thì ta lấy luôn."
Thẩm tẩu tử nghe vậy thì vui mừng ra mặt, hí hửng nói: "Úi chà, Nhị nãi nãi đúng là người thoải mái."
Lúc này Thanh Tố vừa cười khúc khích vừa cầm giấy bút đến, Thẩm tẩu tử vươn tay nhận lấy rồi viết những gì được dặn ban nãy. Vừa viết vừa lẩm bẩm
"Tôi sẽ liệt thêm cho nãi nãi mấy loại gấm, nãi nãi cứ xem cho kỹ. Trước đây, hằng năm Nhị gia đều làm thêm vài bộ y phục, người làm ăn phải chú ý đến thể diện, bằng không người ta cũng chẳng muốn bàn chuyện cùng."
Nhược Thủy ngồi cạnh thi thoảng lại phụ họa thêm: "Thế sao, con người ai nấy
đều thế cả nhỉ, đều có thói đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài."
Thẩm tẩu tử rằng: "Cho nên Nhị nãi nãi cũng phải làm thêm vài bộ y phục mới
đi thôi, nãi nãi vừa mới tân hôn mà." Sau khi viết xong, Thẩm tẩu tử đưa lại cho Nhược Thủy. Nhược Thủy nhìn qua thì thấy chữ viết của Thẩm tẩu
tử xiêu xiêu vẹo vẹo, nhưng chí ít cũng còn nhìn ra được.
Nhược Thủy vừa xem vừa nói: "Phải rồi, tiệm nhà các vị tên gọi là gì nhỉ, viết lên đây cho ta để sau còn phái người đi tìm chứ."
Thẩm tẩu tử cười nói: "Nãi nãi xem tôi kìa, vui quá quên bẵng mất." Nói rồi thị cẩn thận viết tên cửa hàng lên tờ giấy.
Thẩm tẩu tử vừa viết, Nhược Thủy lại vừa cười nói: "Coi như là ta tin cả vào cô rồi đấy, nếu so ra có đắt hơn trước kia thì mối làm ăn này cũng
không cần giữ nữa."
Thẩm tẩu tử vỗ ngực đảm bảo: "Giá tiền tôi viết ở đây chính xác là giá của năm trước, nãi nãi không tin có thể kiểm tra."
Nhược Thủy nhận lại tờ giấy, thoáng nhìn qua rồi đặt sang một bên, nàng cười
bảo: "Được rồi, cứ vậy đi. Đến khi ấy ta sai người sang."
Thẩm tẩu tử và Thẩm lão nương thấy thế bèn vội vàng đứng lên, cất tiếng nói: "Chúng tôi về đợi tin tức của Nhị nãi nãi, Nhị nãi nãi cũng bận rộn,
khi nào có thời gian chúng tôi lại đến thỉnh an." Nói rồi hai người cao
hứng rời đi.
Nhược Thủy xem lại những gì Thẩm tẩu tử vừa
viết, cười lạnh nói: "Thanh Tố, ngày mai bảo Đường ma ma dẫn người dạo
một vòng quanh các tiệm vải trong thành, cũng theo cách này mà lấy giá
cả của từng tiệm về. Giấy trắng mực đen, mỗi xấp ít nhất cũng tăng lên
gấp đôi, đã ăn nhiều như vậy còn chưa thỏa. Ta cũng không muốn dây dưa
nhiều lời với bọn họ!"
Thanh Tố cười nói: "Nhị nãi nãi đã nắm được chúng cứ, người nói xem đến lúc ấy bọn họ đổ lỗi này lên người ai?"
Nhược Thủy nói: "Người một nhà thì nào có ai sạch sẽ gì, đến khi ấy để bọn họ tự mình đánh nhau. Phải rồi, cũng đến giờ cơm rồi, mau đi xem xem Nhị
gia đang làm gì. Gọi Nhị gia về dùng cơm thôi."
Lại nói về
Tiết Minh Viễn như con thỏ chạy loạn, đúng là y đến thăm Tiết Hạo và
Tiết Uyên, nhưng lại không chỉ đơn thuần là đến thăm bọn nhỏ. Khi Tiết
Minh Viễn đến thư phòng, Chu tú tài đang để hai đứa nhỏ nghỉ ngơi một
lát, còn mình thì cầm bút son phê bài tập viết của chúng. Tiết Hạo nằm
bò trên bàn, một tay cầm bánh ngọt, tay kia thì vẽ loạn trên bàn; Tiết
Uyên cũng bò ra bên cạnh, không biết đang thì thầm nói chuyện gì.
Chu tú tài thấy Tiết Minh Viễn đến thì đứng dậy cung nghênh. Hai đứa nhỏ
cũng vui mừng chạy lại, Tiết Minh Viễn xoa đầu bọn chúng nói: "Ngoan
ngoãn theo Chu tiên sinh học hỏi, chớ có bướng bỉnh nghe chưa?"
Hai đứa nhỏ đồng thanh hô: "Dạ biết!"
Tiết Minh Viễn chắp tay hướng về phía Chu tiên sinh: "Hai đứa nó làm phiền ngài quá."
Chu tú tài đáp lễ nói: "Hưởng lộc của vua thì cùng vua phân ưu. Huống chi hai vị công tử rất thông minh lại hiếu học."
Tiết Minh Viễn cúi đầu cười hỏi Tiết Hạo và Tiết Uyên: "Hôm nay hai con học cái gì?"
Tiết Hạo giơ ngón tay nói: "Sáng sớm thầy dạy bọn con học hai trang chữ, sau đó thì giảng《Thiên tự văn》. Buổi chiều thầy cho chúng con đối câu đối
về chuyện xưa, sau đó lại dạy chúng con mấy bài vè, chơi vui lắm ạ. Khi
nãy thì thầy cho chúng con phân tích mấy bài thơ, thầy nói bây giờ không cần phải làm được thơ ngay, học phân tích nhiều một chút sẽ làm được
thôi. Bây giờ chúng con nghe thôi đã biết đánh giá là thơ hay hay dở rồi đó!"
Lời này khiến Tiết Minh Viễn lẫn Chu tú tài đều thấy
vui, trẻ con đều thích huênh hoang, bọn chúng không cố ý nhưng nhận thức của chúng không đến mức gọi là "biết" được, cho nên khi nói ra nghe
thấy rất đáng yêu. Tiết Minh Viễn cười nói: "Tốt lắm, bây giờ ta đọc một bài thơ, hai con đánh giá một chút, nhớ nghe cho kỹ nhé. 'Bất thị nhân
gian chủng, di tòng nguyệt lý lai, nghiễm hàn hương nhất điểm, xuy đắc
mãn sơn khai'."
Khi Tiết Minh Viễn trò chuyện với đám nhỏ thì Chu tú tài cũng ở bên cạnh, Chu tú tài nghe xong thì tròn mắt nhìn,
không kìm được mà phải gật đầu liên hồi. Tiết Minh Viễn hỏi Tiết Hạo và
Tiết Uyên: "Nào nào, bình bài thơ này xem."
Tiết Hạo trả lời không chút do dự: "Hay!"
Tiết Minh Viễn nói: "Hay như thế nào? Mau nói ta nghe thử." Tiết Hạo ngượng
ngùng đỏ mặt, tìm không ra từ ngữ thích hợp. Bất chợt Tiết Uyên giòn giã hồi đáp: "Êm tai!"
Tiết Minh Viễn phì cười, cất tiếng nói: "Các con 'nghe' thơ tốt lắm, đánh giá cũng rất khá."
Tiết Hạo tủi thân nhăn nhỏ khuôn mặt nhỏ, nhìn Chu tú tài đợi chờ. Chu tú
tài nhìn hai đứa nhỏ rồi phân tích cho chúng nghe: "Loại hoa của cung
trăng là hoa gì? Đó chính là hoa quế. Bài thơ này mượn hình ảnh để tả
hoa quế nhưng lại không nhắc đến một từ hoa quế nào, song lại viết ra
được câu từ gợi lên hình ảnh hoa quế nở đầy khắp khung cảnh, một chữ
'xuy' (*thổi) còn toát lên được cả thần thái của hoa. Đây chính là cảnh
giới cao nhất của thi tác, cho nên các con nghe thấy rất êm tai." Hai
đứa nhỏ nghe xong thì gật gù.
Lúc này Chu tú tài mới quay
sang nói với Tiết Minh Viễn: "Chẳng hay học trò có thể biết danh tính vị đã làm ra bài thơ này không, nếu được thì học trò cũng muốn đàm luận
thơ văn cùng người này."
Tiết Minh Viễn cười nói: "Không phải là thi phẩm của bậc thầy nào đâu, bài này là do bà nhà tôi làm khi ra
ngoài du ngoạn hôm trước. Tôi thấy hay nên muốn làm một bức tranh chữ,
mạn phép đến hỏi Chu tiên sinh xem có biết nhà nào tay nghề giỏi thì
giới thiệu giúp cho." Nói đoạn y lấy bài thơ Nhược Thủy làm từ trong
ngực áo ra, thưởng thức lần nữa.
Chu tú tài ngây ngẩn cả
người, bài thơ này lại là do Tiết phu nhân làm, là một cô gái làm. Lại
thấy Tiết Minh Viễn lấy tờ thơ ra xem, nét chữ uyển chuyển, dường như
còn toát ra mùi thơm. Chu tú tài nhìn bài thơ mà trầm mặc, nhớ lại những câu thơ ban nãy. Y nhớ đến lần đầu tiên gặp gỡ Nhược Thủy, từ khi ấy y
đã cảm mến cô gái thông minh sắc sảo này, y lại liếc nhìn Tiết Minh Viễn đang vui vẻ ngắm chữ do Nhược Thủy viết, đáng tiếc, thật đáng tiếc, cớ
sao người như vậy lại gả cho một người dung tục mình đầy hơi tiền này.
Đúng là phí của trời mà!
Tiết Minh Viễn ngẩng đầu hỏi: "Chu tiên sinh?"
Lúc này Chu tú tài mới định thần lại, cất tiếng nói: "À, ở phía Tây chợ
Đông có một vị sư phụ già làm tranh chữ có tiếng từ lâu. Nếu Tiết tiên
sinh không tìm được thì cứ giao cho ta, ta sẽ mang đi làm."
Tiết Minh Viễn lắc đầu cự tuyệt: "Không phiền Chu tiên sinh. Ngài cứ làm
tiếp việc của mình đi." Đoạn, y quay sang nói với hai đứa nhỏ: "Sắp đến
giờ cơm rồi đừng ăn bánh ngọt nữa, lát nữa hai đứa đến cùng ăn cơm với
ta và mẫu thân." Nói rồi Tiết Minh Viễn mang theo thi tác rời đi.
Hai đứa nhỏ cười hì hì quay lại chỗ ngồi. Trong đầu Chu tú tài vẫn còn
quanh quẩn câu chữ của bài thơ, còn có cả hình bóng của Nhược Thủy. Y
cảm thấy một cô gái thông minh sắc sảo như vậy lại gả cho một thương
nhân không thông thạo văn chương hẳn là có nỗi khổ tâm. Có lẽ vì cuộc
sống bức bách, cũng có khi vì lệnh của phụ mẫu.
Bây giờ hẳn
nàng đang bi sầu không ai thấu hiểu, vần thơ truyền cảm nàng đọc chẳng
ai nghe, chữ uyển chuyển chẳng ai thưởng thức. Nhất định là nàng đang
rất đau khổ, mình không thể khoanh tay đứng nhìn, dù không có kết quả
mình cũng phải cho nàng biết, có một người biết đến nàng hiểu nàng như
thế, nguyện ý vì nàng chia sẻ mọi khổ đau.
Vì vậy, Chu tú tài đã to gan đưa ra quyết định.