Thiên Kim Làm Vợ Kế

Chương 41: Chương 41: Nghiên cứu thi từ




Tiết Đinh e dè đứng bên cạnh nhìn Thẩm Mộ Yên khóc lóc, muốn an ủi nhưng không biết phải làm sao. Thẩm Mộ Yên quay sang ôm lấy Tiết Đinh, càng khóc càng to, trong đầu chỉ nghĩ rằng cuộc sống này không còn đương đi nữa rồi, thị ta cảm thấy bản thân vô duyên vô cớ bị tai kiếp. Tất cả mọi người đều vậy, khi nảy sinh vấn đề vốn không bao giờ tìm nguyên nhân ở bản thân mà chỉ chăm chăm nghĩ có người hại mình, nếu không thì là do không may.

Dường như Thẩm Mộ Yên đã mắc phải chứng hoang tưởng rằng mình bị hại, thị ta vừa khóc vừa nói với Tiết Đinh: "Di nương số khổ, sao mọi người lại đối xử với ta như thế chứ! Di nương không thể cho con vẻ vang, thật lòng xin lỗi con! Nếu con được Nhị nãi nãi sinh ra thì tốt biết mấy, bây giờ con hãy đến chỗ Nhị nãi nãi, từ nay về sau con là con của Nhị nãi nãi, con không biết ta, ta với con cũng không quan hệ." Nói xong, thị ta đẩy Tiết Đinh ra khỏi mình.

Tiết Đinh bị dọa sợ, cậu bé òa khóc, vừa nức nở vừa run rẩy mà rằng: "Di nương, con sẽ nghe lời, người đừng bỏ con. Di nương."

Tay chân Thẩm Mộ Yên mềm nhũn, oán hận nói: "Chẳng phải là không muốn ta xuất hiện trước mặt ả sao, từ nay về sau hai mẹ con ta nương tựa nhau mà sống. Con phải nhớ kỹ từng chuyện từng chuyện, cố gắng đọc sách đỗ đạt hiển vinh, có thế chúng ta mới giành lại được tiếng nói."

Có những chuyện chúng ta tiếp nhận trong vô thức, một lời dối trá được nói đi nói lại một trăm lần rồi cũng thành lời thật. Thẩm Mộ Yên không dưới ba lần nhắc đến chuyện này với Tiết Đinh, khi thì với tâm trạng thù hận, khi thì lại khóc lóc thương tâm mà rằng. Dần dần, trong tâm trí Tiết Đinh xuất hiện một vết hằn, mỗi lần mỗi lần Thẩm Mộ Yên nhắc lại, vết hằn ấy lại càng thêm sâu.

Mình là con vợ kế, cuộc sống của mình bị Nhược Thủy chèn ép, bản thân không được đối xử công bằng, nếu không tự mình nỗ lực giành lấy công danh vì vĩnh viễn không có ngày ngẩng đầu lên được. Còn chuyện mình bị chèn ép thế nào, không công bằng ra sao, cho đến tận bây giờ Tiết Đinh cũng chưa từng nghĩ đến, đến lúc cậu bé có thể tự mình nhận thức thì trong ấn tượng đã có một vết hằn chẳng thể xóa nhào.

Từ đó, Tiết Đinh càng chăm chỉ đọc sách, hoàn toàn nghe theo yêu cầu của Thẩm Mộ Yên, không để ý đến những chuyện bên ngoài, toàn tâm toàn ý đọc sách thánh hiền.

Cùng lúc đó, người không bình thường còn có Tiết Minh Viễn. Dạo gần đây Tiết Minh Viễn về rất sớm, tuy thế nhưng không bưng trà ngồi trong sân nói chuyện trên trời dưới đất với Nhược Thủy như trước nữa, mà lại đến thư phòng viết viết vẽ vẽ cái gì đó.

Nói đến Tiết Minh Viễn, y có một điểm rất đặc biệt, đó chính là trong thiên hạ này không gì y không biết. Bất kể là hai người không quen biết nhau, chỉ cần đối phương nói ra thứ mình thích, Tiết Minh Viễn có thể lập tức triển khai trọng tâm câu chuyện, sau cùng hai người xa lạ lại như huynh đệ thất lạc nhiều năm, trò chuyện không rời, khó nói câu tạ từ. Nhược Thủy đã từng hỏi Tiết Minh Viễn về chuyện này, Tiết Minh Viễn đơn giản giải thích rằng bản thân không thích đọc những loại thi thư dày đặc chữ, thế nhưng những thứ như du ký sơn thủy, hay mấy thứ tạp thư thì khác.

Thêm vào đó y rất thích tán gẫu, thích nghe người khác kể về những gì họ đã trả qua, bất kể là người buôn bán nhỏ hay các quan lớn, nếu nhân gia có lòng kể, Tiết Minh Viễn sẵn lòng nghe. Bây giờ giả dụ như y đang nói chuyện với Nhược Thủy, nếu Nhược Thủy nhắc đến chuyện năm xưa phụ thân của Trương Thụy Dương từng chinh chiến ở Cựu Nam Sở, Tiết Minh Viễn sẽ giới thiệu những nét đặc sắc của Cựu Nam Sở, chỉ ra nơi ấy khác với Đại Ung ở chỗ nào, thậm chí còn kể đến cả những danh môn vọng tộc. Nếu nói Trương gia đã từng giúp đỡ Giang gia - một trong bát đại thương gia, Tiết Minh Viễn sẽ kể ra những giống ngựa đặc chủng của Giang gia, sau đó lại kéo sang chuyện các vị cao thủ thuần ngựa ra sao.

Tiết Minh Viễn hào hứng nói, Nhược Thủy rất thích nghe, những chuyện này đối với nàng đều thú vị, như mang đến luồng sinh khí mới cho cuộc sống. Bọn nhỏ cũng rất thích nghe kể chuyện, hai đứa con trai ngồi bên cạnh Nhược Thủy, vừa ăn hoa quả vừa nghe, nếu là chuyện chúng không thích thì phần ăn chiếm nhiều hơn một chút.

Nhưng dạo gần đây, Nhược Thủy phát hiện Tiết Minh Viễn toàn chui vào thư phòng, lúc nào cũng nói mình có việc bận cần giải quyết. Ban đầu Nhược Thủy nghĩ chắc gần đây có một đối tác mới muốn bàn chuyện làm ăn, hẳn là trong tiệm đang suy nghĩ xem phải bàn bạc thế nào, cần phải suy tính kỹ càng. Thế nhưng đã mấy hôm rồi, Nhược Thủy bỗng cảm thấy lạ, bận rộn đi chăng nữa thì cũng chỉ vài ngày, huống chi bây giờ sau khi về phòng, ngày nào Tiết Minh Viễn cũng trông như bị tổn thương rất lớn, chẳng khác nào bị người ta tàn nhẫn hủy hoại. Song lại chẳng nghe nói việc làm ăn gặp phải vấn đề gì.

Nhược Thủy lo lắng, nàng cố tình gọi Đông Tử - người thường ra ngoài cùng Tiết Minh Viễn - đến hỏi chuyện. Đông Tử bị Nhược Thủy hỏi thì luống cuống, cứ nghĩ rằng mình đã làm sai chuyện gì nên nơm nớp lo, tâm trí rối bời, không ít lần tự trấn an rằng bất kể Nhị nãi nãi có hỏi gì cũng không được hoảng loạn, phải từ từ suy nghĩ cho kỹ mà trả lời, phải thật hoàn mỹ không được có sơ xuất... Y còn đang chìm trong suy nghĩ, Nhược Thủy đã đột ngột hỏi: "Chuyện làm ăn trong tiệm gần đây thế nào?"

Đông Tử ngẩn ra: "À dạ, chuyện làm ăn rất thuận lợi."

Nhược Thủy mỉm cười: "Thật vậy không, sao ta lại nghe có người nói khác nhỉ?"

Nét mặt Đông Tử lộ vẻ khó xử: "Thật vậy mà, nhà ta vốn định mở thêm tiệm mới, nhưng nghe mấy thương nhân buôn dược liệu nói có thể mùa đông này phải tăng giá, mà trong tiệm chỉ còn trữ một ít hàng nên không thể vội vàng khai trương. Ngoài ra thì không có chuyện gì lớn cả, nãi nãi đã nghe người ta nói gì ạ?"

Nhược Thủy thấy Đông Tử không giống đang nói dối: "Không có gì, toàn là những lời khó nghe thôi, cũng may không phải thật. Không sao, ngươi lui xuống đi." Không phải chuyện cửa hàng thì là chuyện gì? Chuyện này Nhược Thủy nhất định phải tìm hiểu rõ ràng, vạn nhất có chuyện lớn, Tiết Minh Viễn sợ mình lo lắng mà không cho mình hay thì khó mà giải quyết.

Đến buổi tối, Tiết Minh Viễn lại lấy cớ bận rộn chui tọt vào thư phòng. Nhược Thủy đợi một lát, rồi dùng chiêu đơn giản nhất là đưa thuốc bổ đến thư phòng. Trước khi gõ cửa, Nhược Thủy còn thầm khinh bỉ bản thân mình, cất công nghiên cứu đủ chiêu để vào thư phòng, đến khi thực hiện lại lười không dùng. Bây giờ nàng có thể danh chính ngôn thuận bước vào, khi ung dung thì tình thế cũng khác, phần còn lại thôi đành tùy cơ ứng biến. Nàng tự khinh bỉ mình xong, sau đó khóe môi vẽ thành một nụ cười, một tay gõ nhẹ lên cửa.

Giọng nói bối rối của Tiết Minh Viễn truyền ra, Nhược Thủy bỗng có một suy nghĩ kỳ quái, chẳng lẽ Tiết Minh Viễn đang xem xuân cung đồ, nếu không sao phải bối rối như thế? Vào phòng, Nhược Thủy vừa cười vừa bước đến bên bàn đọc sách, dịu dàng nói rằng: "Phu quân vất vả quá nên thiếp cố ý sắc chút thuốc bổ, phu quân nghỉ ngơi một lát đi." Nói đoạn, nàng đặt khay thuốc trên bàn sách, rót một chén đưa cho Tiết Minh Viễn.

Tiết Minh Viễn cười ha hả rồi nhận lấy chén thuốc, mới nhấp một ngụm đã khen ngon. Nhân cơ hội này, Nhược Thủy nhanh mắt đảo qua một lượt trên bàn lớn. Không có gì cả, chỉ có mấy tờ giấy trắng, nhưng không ngay ngắn. Miệng nàng méo xệch, cẩn thận đảo mắt một lần nữa thì phát hiện dưới mông Tiết Minh Viễn hình như có thứ gì, dưới lớp y phục màu lam đậm là một tờ giấy màu ngà. Đây hẳn là việc chàng bận nhỉ, rốt cuộc phía dưới kia là thứ gì?

Tiết Minh Viễn uống thuốc bổ xong, y không "bận" nữa mà kéo tay đưa Nhược Thủy về phòng. Nhược Thủy cố gắng ngoảnh lại nhìn nhưng không thấy rõ, chỉ biết chắc chắn rằng trên ghế có thứ gì đó. Nhược Thủy về phòng ngồi phịch xuống ghế, nàng còn chưa nghĩ ra cách điều tra xem thứ kia rốt cuộc là gì thì đáp án đã hiển hiện trước mắt nàng. Phải, đáp án nằm ngay trên mông Tiết Minh Viễn!

Có lẽ khi Nhược Thủy vừa gõ cửa, Tiết Minh Viễn cũng vừa viết chữ xong, mực trên giấy còn chưa khô thì Tiết Minh Viễn đã luống cuống giấu dưới mông, vết mực chưa khô kĩa đã in hằn lên áo. Y phục ở nhà của Tiết Minh Viễn còn là loại vải bông thấm hút tốt, vết mực càng rõ ràng, sắc nét.

Nhược Thủy cố gắng nín cười nhưng không được, nàng bật cười thành tiếng. Tiết Minh Viễn bị Nhược Thủy cười thì cuống quít hỏi: "Nàng cười gì thế?" Nhược Thủy nắm chặt cánh tay Tiết Minh Viễn, không cho y xoay người, nàng nũng nịu nói: "Múa bút vẩy mực thế nào mà viết cả lên mông, để thiếp xem xem là đại tác phẩm gì."

Tiết Minh Viễn "á" một tiếng, vội vàng dùng tay che đi, cố gắng xoay người lại hòng để Nhược Thủy không thấy được. Nhược Thủy dẩu môi nói: "Vậy mà còn gạt thiếp, làm như có chuyện gì bí mật lắm. Không cho xem thì thôi, thiếp không thèm nhìn." Nàng đặt mông ngồi lên giường, thay y phục chuẩn bị đi ngủ.

Tiết Minh Viễn quay sang dỗ ngọt Nhược Thủy, y nói, "Đâu phải ta không muốn cho nàng xem, nào có phải ta cố ý. Ô kìa, nàng cứ thế nói giận là giận à. Được rồi, tại ta, tại ta không tốt, ta không nên lớn tiếng với nàng." Cuối cùng, Tiết Minh Viễn bất đắc dĩ xoay người để Nhược Thủy nhìn cho rõ. Với vóc người của Tiết Minh Viễn, vừa ngồi xuống thì nội dung vừa viết đã in cả lên mông, Nhược Thủy nhìn rất chăm chút.

Nội dung kia khiến Nhược Thủy ngỡ ngàng, bên trên chính là hai bài thơ. Tiết Minh Viễn lại đọc thơ cổ sao? Nếu là binh pháp vận dụng vào việc kinh thương thì Nhược Thủy còn hiểu được, dù cho là lấy sử ký xem xét cũng không tệ. Thế nhưng thứ y đọc lại chính là thơ của thi nhân các triều, chẳng lẽ Tiết Minh Viễn đọc thơ để bồi dưỡng, tu thân dưỡng tính. Nhược Thủy vội lắc đầu, đừng tự mình hù dọa mình. Tiết Minh Viễn chuyển biến cỡ nào mới đạt được tới cảnh giới này?

Nhược Thủy mỉm cười bảo: "Sao chàng lại đọc thi từ vậy?"

Tiết Minh Viễn đáp lại, có vẻ hơi gượng gạo: "Chuyện này... Ta chỉ muốn học thêm một số thứ thôi."

Nhược Thủy ngạc nhiên hỏi vặn lại: "Chẳng phải chàng không thích mấy thứ này sao, học để làm gì khi chàng không dùng đến?"

Tiết Minh Viễn cười nói: "Chuyện này... Tự nhiên ta thích thế, nên bớt chút thời gian nghiên cứu thử xem."

Nhược Thủy suy nghĩ một lát rồi hỏi tiếp: "Mấy hôm nay chàng đều đọc những thứ như thế này à?" Cũng chính vì đọc thi từ nên dáng vẻ lúc nào cũng như chịu ủy khuất?

Tiết Minh Viễn gật đầu, "Ừm, ta đến tuổi này mới học nên thấy hơi mất mặt, vì thế mới phải nói là đang bận."

Nhược Thủy lại cảm thấy Tiết Minh Viễn tuyệt đối không thể thích những thứ này, tính cách của y là thế. Giống như bản thân Nhược Thủy không thích đọc kinh Phật, dù có người vì nó tu thân dưỡng tính thì Nhược Thủy cũng đọc không nổi. Nhưng vì muốn cầu phúc cho mẫu thân nên nàng vẫn phải niệm. Nếu vậy, Tiết Minh Viễn tự ép mình thế này là vì đâu?

Nhược Thủy không cố truy vấn, nàng chỉ cười bảo "Chàng thích là được rồi", rồi cho qua việc này một cách nhẹ nhàng. Bây giờ không phải lúc truy cứu, việc Tiết Minh Viễn đọc thi từ mà không muốn cho Nhược Thủy biết đã là chuyện hiển hiện trước mắt, nói chi đến nguyên nhân sâu xa bên trong.

Tháng tám trời nắng như đổ lửa, tâm trạng cả nhà Chu đại nhân cũng chói chang như vầng thái dương. Bọn họ phải khởi hành vào kinh thuật chức, họ đến gặp mặt Nhược Thủy một lần, chẳng những đưa đến thư tiến cử mà còn cố ý đánh tiếng trước với bên viện thư, đầu xuân sang năm bọn nhỏ có thể lập tức vào học.

Khi khóa học vỡ lòng kết thúc, cũng là lúc phải chia tay hai vị tiên sinh trong nhà. Nhược Thủy chuẩn bị lễ vật phong phú để tạ ơn hai người. Chu tú tài nhận tiền công năm nay, sang năm y sẽ vào kinh ứng thí. Trước khi đi y còn tỏ vẻ như kiểu giờ thì thoát, không cần ở đây nữa rồi. Chu tú tài quyết ý lấy tâm tư bày tỏ thành ý chứ không giãi bày bằng thành quả, y vẫn tự huyễn hoặc mình rằng Nhược Thủy không hiểu được ý tứ trong bài thơ y viết là do bài thơ kia quá hàm súc!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.