Cuối cùng thì Tiết Minh Viễn và Nhược Thủy cũng chấp nhận sự thật rằng hai người đã có
con, bọn họ vui mừng ôm chầm lấy nhau. Đám hạ nhân cũng hân hoan đến
chúc mừng cầu thưởng, Tiết Minh Viễn đương xúc động, lập tức vung tay
ban thưởng ngay. Sau khi nhận ra đây là thật, Nhược Thủy cầm khăn tay
chấm nước mắt. Đường ma ma ở bên cạnh vội khuyên nhủ: "Nhị nãi nãi đang
có thai, người đừng khóc nữa, sức khỏe quan trọng hơn."
Tiết
Minh Viễn vừa nghe thế bèn ngồi bên nàng, lo lắng nói: "Phải phải, ma ma nói rất đúng. Lát nữa sẽ xin đại phu kê cho nàng chút thuốc bổ dưỡng
thai, sức khỏe nàng vốn yếu nên cần bồi bổ nhiều. Nàng muốn ăn gì cứ nói với ta. À phải rồi, khi có thai phải kiêng vài thứ, lát nữa ta đi hỏi
thăm rồi chép lại. Còn gì nữa nhỉ..."
Đường ma ma vừa cười vừa bảo: "Nhị gia, ngài cũng đừng lo lắng quá, khi nãy đại phu đã nói thai của Nhị nãi nãi rất tốt."
Tiết Minh Viễn cười cười, y chợt như nhớ ra điều gì: "Nhược Thủy, chúng ta mau biên thư báo tin mừng cho nhạc phụ nhạc mẫu đi!"
Nhược Thủy lúc này mới ngẩn ra, nàng nín khóc rồi mỉm cười đáp: "Đúng là phu quân suy nghĩ chu toàn."
Nói đoạn, Tiết Minh Viễn đích thân mài mực, đề bút viết xong rồi đưa lại
cho Nhược Thủy. Nàng vừa cười vừa bảo rằng: "Thiếp còn muốn gửi ít đồ
về, ngày mai thiếp sẽ thu xếp rồi phái người đưa thư về kinh." Tiết Minh Viễn của bây giờ đương nhiên ngoan ngoãn nghe lời Nhược Thủy: "Nàng nói vậy thì là vậy."
Cả buổi chiều Tiết Minh Viễn cứ lẽo đeo theo Nhược Thủy như một cái đuôi, quanh quẩn bên nàng không rời nửa bước.
Ví dụ như nàng muốn uống nước, Thanh Tố vừa bưng lại thì bị Tiết Minh Viễn đoạt lấy, y cẩn thận thổi nguội, sau khi thổi thì nhấp một ngụm, "Ừm,
hết nóng rồi, nhiệt độ vừa phải. Nương tử, nàng từ từ uống nhé."
Rồi thì khi Nhược Thủy muốn uống thuốc bổ, Đường ma ma vừa bưng đến, Tiết
Minh Viễn đã lập tức đón lấy, cầm muỗng khuấy cho thuốc nguội, miệng hỏi luyên thuyên: "Bên trong chứa cái gì?" Sau khi nhận được câu trả lời
thuyết phục từ Đường ma ma, y mới gật đầu tỏ vẻ hài lòng, nhấp nếm một
miếng: "Ừm, không mặn không nhạt rất vừa miệng, nào nương tử." Nhược
Thủy bây giờ chẳng khác gì một con cừu non bị Tiết Minh Viễn trông chừng nghiêm ngặt.
Nhược Thủy mỉm cười khuyên nhủ: "Được rồi, ở
đây có rất nhiều người trông nom thiếp, ma ma lại có kinh nghiệm, chàng
cứ an tâm đi làm việc của mình đi." Tiết Minh Viễn vẫn bám riết lấy
Nhược Thủy không chịu buông, sau cùng y phát hiện nụ cười cố kìm nén
trên gương mặt Thanh Tố và Đường ma ma, lúc bấy giờ y mới nhận ra mình
đã lo lắng thái quá. Tiết Minh Viễn kia cười khúc khích rồi rời đi.
Sau khi Tiết Minh Viễn đi khỏi, Nhược Thủy nói nàng muốn nghỉ ngơi rồi cho
Đường ma ma và Thanh Tố lui xuống. Nhược Thủy muốn ở một mình, nàng phải cố hiểu xem chuyện hoài thai này rốt cuộc là thế nào. Nhược Thủy vẫn
nhớ cái lúc nàng hôn mê bất tỉnh, khi tỉnh lại đã nghe thái y của thái y viện nói như thế.
Nhân số trong thái y viện không phải ít,
đương nhiên cũng chia ra nhiều phân nhánh, chủ yếu là bốn khoa: Thực y,
Tật y, Dương y và Thú y. Thực y trông coi việc phân lượng vị nóng vị
lạnh cho các món ăn trong cung; Tật y chuyên chữa trị những căn bệnh
thuộc về căn bên trong; Dương y thì có ý nghĩ như tên gọi, chuyên trách
ngoại thương do đao kiếm gây ra. Vu thái y chính là cao thủ về phụ khoa
trong nhóm Tật y.
Vết thương của nàng khi ấy do đao gây ra,
như vậy người đầu tiên đến thăm khám không thể là Vu thái y. Quả nhiên
sau đó nàng nghe mẫu thân thuật lại mọi chuyện, ngay sau khi nàng bị
thương, hoàng thượng đã phái Khương thái y - vị thái y sáng giá nhất,
quyền uy nhất trong thái y viện – đến. Khương thái y giúp nàng xử lý vết thương, khẳng định tính mạng nàng không bị nguy hiểm, tuy nhiên lại bị
nội thương cho nên cần người tài bên phụ khoa. Khương thái y hồi cung
phục mệnh, xế chiều hôm đó Vu thái y - Kỳ Hoàng thánh thủ, thái y chuyên về phụ khoa của thái y viện - được phái đến, giúp nàng chẩn bệnh.
Nhược Thủy nhìn ra ngoài cửa sổ, Vu thái y là kỳ Hoàng thế gia, con cháu đều
giữ chức thái y trong cung. Y thuật ông cao minh, thân lại giữ địa vị
cao trong thái y viện, trong cung chỉ có phi tần từ phân vị phi trở lên
mới có tư cách mời Vu thái y đến bắt mạch bình an. Ông ta chẩn đoán sai, có khả năng không, e là xác suất này quá nhỏ!
Hơn nữa trước
này hoàng gia vốn là nơi giấu bệnh sợ thuốc, chẩn bệnh luôn nói nhẹ đi
ba phần, lúc nào cũng là cảm mạo phong hàn thông thường chỉ cần nghỉ
ngơi an dưỡng là khỏe lại, nào có ai dám phán quý nhân bệnh tình nguy
kịch nguy hiểm đến tính mạng? Cho nên lần chẩn bệnh này của ông ta ắt có chỗ bất thường. Quan trọng nhất là tuyệt chiêu toàn mạng ai ai trong
thái y viện biết, tuyệt đối không được nói chữ "chết"!
Giống
như chuyện chẩn đoán này chẳng hạn, giả như ông ta nói nàng có thể mang
thai, nhưng xác suất rất thấp, nếu sau khi nàng tiến cung sinh được một
đứa con lại càng là chuyện vui lớn.
Nếu lỡ như không sinh
được thì cũng không liên lụy đến ông ta, ông ta có thể lật lại mà bảo
rằng cơ thể đã chịu tổn thương quá nặng, sau lại không được nghỉ ngơi
tốt. Nói chung là rất dễ viện cớ, rất dễ tìm ra chỗ sơ hở để chối bỏ
trách nhiệm. Trái lại, ông ta khẳng định chuyện xấu như thế, nếu một
ngày nàng mang thai, chức quan của ông ta khó lòng giữ được, tiếng xấu
"lang băm" sẽ đeo bám ông ta vĩnh viễn.
Ấy vậy mà ông ta dám
kết luận chắc chắn là thế, có khi nào ông ta nắm chắc rằng sau này nàng
tuyệt đối không thể hoài thai? Những chuyện này khiến Nhược Thủy toát mồ hôi lạnh. Trước đây cũng là nàng tự ý ngưng thuốc, nhờ sự cam chịu,
chấp nhận số phận kia mà nàng đã cứu được con mình.
Vì sao
nhà nàng lại chấp nhận lời chẩn đoán của thái y không chút nghi ngờ? Thứ nhất, thái y của thái y viện tài nghệ xuất chúng, nếu Vu thái y đã
khẳng định ắt có nguyên do, dù là ai chẩn đoán cũng sẽ cho ra kết quả y
hệt.
Thứ hai, cũng là điểm quan trọng nhất, thái y là ai,
người ta là ngự dụng chẩn bệnh cho hoàng gia, nhất là những cao nhân ở
vị trí cốt cán như Vu thái y, có thể nói ông ta như yết hầu của hoàng
đế, cho nên Diêu gia hoàn toàn tin tưởng người hoàng đế phái đến. Trong
một số trường hợp, họ chẳng phải người của hoàng hậu hay thái hậu, chủ
nhân của họ chỉ có hoàng đế, tiên hoặc hoặc tân đế.
Thế nên
người trên kẻ dưới ở Diêu gia chẳng ai mảy may nghi ngờ lời nói của thái y, trong chuyện này sao có thể có kẻ thù không đội trời chung nhúng tay vào được cơ chứ. Nhưng kết quả bây giờ thì sao, Nhược Thủy bỗng nhận ra nàng đã lầm, nàng không kìm được mà ngửa mặt lên trời cười thật lớn.
Nàng chẳng khác gì một kẻ ngu đần, có lẽ cả nhà nàng cũng vậy, trong mắt kẻ
khác họ chẳng khác nào đang chơi trò bí mật vô nghĩa. Trong chuyện này
liệu có bàn tay của hoàng hậu đương triều nhúng vào không? Không ai biết được, có thể có mà có thể không. Nhưng thế thì sao chứ, bọ ngựa đánh úp hoàng tước, bên trên đã ngầm tiếp tay cho chuyện này còn ai điều tra ra được, giả như điều tra xong thì nàng tính thế nào đây? Nhược Thủy cúi
đầu, đôi dòng lệ tuôn.
Nhược Thủy run rẩy lấy lá thư Tiết
Minh Viễn biên gửi về kinh ra, nàng mồi lửa đốt lá thư ấy thành tro, để
nó lụi tàn giống như tình cảm của nàng dành cho thái tử. Chuyện nàng
mang thai không thể cho nhà nàng biết, nếu chuyện này khiến người thân
nghĩ rằng nàng đang tức giận, khi ấy họ phải làm sao.
Lại
nói, nếu nhà nàng không có động thái gì, nàng sẽ rất đau lòng, nàng sẽ
cảm thấy như mình không được coi trọng, tuy nàng hiểu rõ hiện thực là
thế, nhưng cũng sẽ không kìm lòng được mà cảm thấy đau khổ vô ngần. Nếu
nhà nàng có bất kỳ động thái gì, nàng lại càng đau hơn, nàng sẽ trở
thành đứa con bất hiếu kéo toàn gia xuống vũng bùn nhớp nhúa. Cho nên
lúc này, im lặng là cách tốt nhất để bảo vệ người thân và bản thân nàng, hãy để thời gian xóa nhòa tất cả. Khi nàng có thể bình thản chấp nhận
mọi chuyện, nàng sẽ đưa con trẻ hồi kinh gặp phụ mẫu, khiến họ vui mừng, và cũng để chuyện này thật sự biến thành một chuyện đáng để vui mừng.
Riêng chuyện phải báo cho phụ mẫu biết rằng nên cẩn thận như thế nào, ấy ấy,
người nhà họ Diêu đâu phải lũ ngu đần, bằng không sao có thể đứng vững
như bàn thạch qua mấy triều đại quân thần chứ. Nhược Thủy nhẹ nhàng vỗ
về bụng mình, nàng ngước mắt nhìn chén thuốc vẫn đang tỏa hơi nóng, cất
tiếng bảo: "Con ngoan, mẫu thân đã tìm cho con một phụ thân rất tốt. Tuy phụ thân không thể cho con cả thiên hạ, nhưng phụ thân sẽ xem con như
là cả thiên hạ của mình. Như thế là đủ rồi, con nhỉ!"
Nhược
Thủy nhoẻn cười, nàng cuối cùng cũng thấu hiểu tâm trạng của phụ mẫu năm ấy. Từ nay về sau, ta phải bảo vệ đứa con này, tuyệt đối không để bất
cứ kẻ nào làm nó tổn thương, dù cho có phải đánh đổi bằng cả sinh mệnh.
Cục cưng, con cứ yên tâm bước vào thế giới này, mẫu thân và phụ thân đã
chuẩn bị xong cả rồi!
Tin Nhược Thủy mang thai truyền ra
ngoài phủ rất nhanh, thực ra việc bốn năm ròng Nhược Thủy không có động
tĩnh gì khiến mọi người xì xào không ít, nhưng chỉ đơn thuần là chuyện
trà dư tửu hậu chứ không có ý biến nó thành tin đồn thị phi. Vì sao ư?
Vì nàng là vợ kế mà, Tiết minh Viễn có con trai vợ cả rồi cả con trai
của thiếp, người khác còn muốn bát nháo gì nữa, còn có thể ý kiến gì
nữa. Cho nên khi ai nấy hay chuyện Nhược Thủy hoài thai đều rất bình
tĩnh, thế à, chuyện tốt đấy, chúc mừng nhé.
Thẩm Mộ Yên cũng
bình tĩnh chẳng kém, đừng nói đến chuyện ra tay hãm hại Nhược Thủy này
nọ, ngay đến nghĩ thôi thị ta cũng chẳng dám. Thứ nhất, Thẩm Mộ Yên có
gan hại một mạng người không còn phải xem lại, chư vị nghĩ ai cũng
chuyên nghiệp đến độ nghĩ ra đủ trò hãm hại người ta sảy thai mà vẫn
bình tĩnh mặt không đổi sắc, tim không loạn nhịp ư? Chuyện này nếu bị
tra ra, không chỉ thị ta xong đời mà còn liên lụy đến cả Tiết Đinh.
Thứ hai, vì có Nhược Thủy, thị ta biết gia sản kia không đến lượt con trai
mình kế thừa, dù nàng ta có thai chăng nữa cũng chẳng đến lượt, chuyện
này đâu phải thị ta không hiểu. Cũng vì nguyên do ấy mà thị ta ra sức
động viên Tiết Đinh cố gắng học tập, kết giao với con nhà quyền quý,
củng cố cho tiền đồ sau này. Thế nhưng lần này, Thẩm Mộ Yên lại ôm hi
vọng trong viện của Nhược Thủy sẽ phát sinh trò vui. Chẳng phải cô thiện lương lắm sao? Chẳng phải cô coi Tiết Hạo như con ruột mình sao? Đã đến nước này, chẳng phải cô nên tháo bộ mặt giả nhân giả nghĩa ấy xuống rồi sao? Thẩm Mộ Yên tin chắc rằng, một khi vì con của mình thì không ai là Bồ Tát cả, gia sản của Tiết Minh Viễn sẽ về tay ai đây, thị ta rất mong chờ!
Không chỉ riêng Thẩm Mộ Yên mà cả vú em của Tiết Hạo
cũng có cùng suy nghĩ. Thẩm Mộ Yên vắt chân chữ ngũ nóng lòng xem trò
vui, trong khi bà vú là thật lòng lo lắng cho Tiết Hạo. Bà vú cũng đứng
từ góc độ của một người bình thường mà nhìn nhận, có người mẹ nào lại
không suy nghĩ cho con ruột của mình. Trước kia Nhị nãi nãi chưa mang
thai, bà thấy Nhị nãi nãi đối xử với Tiết Hạo rất tốt, nhưng bây giờ nãi nãi có thai rồi, ai dám cam đoan Nhị nãi nãi sẽ không biến thành một
Thẩm Mộ Yên thứ hai chứ.
Bà vú kéo tay Tiết Hạo lại, mỉm cười nói: "Hạo nhi, con có biết mẫu thân có em bé không? Chẳng mấy nữa con
sẽ có thêm một đệ đệ, con có vui không?"