Oa oa oa! Hu hu...
Phố cảng, chợ hải sản tanh rình. Người qua kẻ lại chen chúc nhau mưu sinh. Tiếng khóc một đứa bé xen cùng tiếng cãi cọ, tranh giành, tiếng kêu la, tiếng còi xe... như đấm vào lỗ tai từng con người kham khổ. Cả góc phố không ai khó chịu, thậm chí còn phì cười. Cảnh này đã thành thói quen.
Trên đường phố, lách qua giữa dòng người là một phụ nữ đã trạc ba mươi, đầu đội nón lá đã cũ. Tay phải cô cầm cái chổi, tay trái cô kéo tai một đứa bé tầm 11, 12 tuổi. Đứa bé khóc rống lên, vừa rống vừa la, vừa kêu cứu. Nó quơ tay túm lấy người qua lại, sắc mặt bi khuất làm người ta không nỡ nhìn. Người phụ nữ mặt lấm lem, da đen nhẻm, nhưng vẫn nhận thấy đôi chút nhan sắc ẩn khuất. Mặt cô vừa giận, vừa buồn, vừa bất đắc dĩ, ngượng ngùng nhìn mọi người xung quanh như xin lỗi.
Bên quầy hàng, hai bà béo vừa chứng kiến cảnh đó vừa buôn chuyện.
- Thằng con chị Thanh lại bỏ học đi chơi net rồi.
- Khổ thân chị Thanh. Con cái nhà tôi mà như vậy tôi cũng không chịu nổi, Ít ra phải tát cho nó gãy hết răng. Mình cả ngày làm lụng quần quật cho nó ăn học mà cũng không xong.
- Mà bà Thanh cũng có chút nhan sắc, sao không kiếm một thằng đàn ông chèo chống gia đình, một mình nuôi con như vậy, lại là thân phụ nữ...
- Bà không biết, ông Cường bên xí nghiệp cá cũng đã đánh tiếng, lão thọt bên kho hàng cũng đang thòm thèm. Bà cứ nghĩ ai cũng xấu xí vô duyên như bà...
Mấy mụ ngồi tám chuyện với nhau, câu chuyện bát nháo dần dần đổi sang chủ đề nào không ai biết. Gian phòng nhỏ, Văn ngồi trên một cái bàn học xiêu vẹo. Mắt nó đỏ thâm quầng. Mông nó còn nhức nhối. Nó căm tức đôi lúc liếc mắt qua cái chổi đặt bên giường. Mẹ nó sau khi quật cho nó một trận thừa sống thiếu chết cũng đã quay lại chỗ làm. Bản thân nó cũng biết, vì nó mà mẹ nó phải bỏ dở công việc để chạy ra tiệm net tìm nó.
Văn không ham hố chuyện chơi net, nhưng nó ghét học. Bất cứ đứa trẻ nào cũng không thích học, mà những đứa trẻ càng học kém lại càng không thích học. Với trẻ con, những thất bại trong chuyện học hành là những thất bại đầu đời lưu lại những ám ảnh tâm lý cực kì kinh khủng.
Mẹ nó đặt tên nó là Văn. Nhiều lần mẹ đã giải thích, Văn tức là đẹp. Mẹ nó mong sau này nó biết hướng về cái đẹp, trở thành một con người tốt.
Tiểu học Kình Ngư nằm giáp ranh giữa khu chợ cá với khu đô thị. Học sinh trong đó xuất thân đủ mọi thành phần, con lao động có, con công chức có, con nhà giàu cũng có. Như mọi hế thống học viện trên Đế quốc này, trường Kình Ngư miễn học phí, nhưng yêu cầu giáo dục cũng cao vô cùng. “Uốn cây từ thuở còn non, ép khuôn từ thuở trẻ còn bơ vơ”. Trong Đế quốc này, Học là cội nguồn của mọi cường giả. Từ Kĩ sư, Bác sĩ, Thầy đồ, cho tới cao thủ Võ học, tới cả Pháp sư, Thuật sĩ... cũng đều từ những môn học cơ bản như Toán Lý Hoá Văn Sử Địa Thể dục mà ra. Học, học nữa, học mãi, chỉ có học mới có thể sinh tồn.
Văn không thích học. Vì kết quả học tập của nó cực kém. Mẹ nó chỉ đăng kí cho nó học Văn. Chị Thanh không mong con mình trở thành bất cứ nhân vật gì cao xa, chị chỉ mong nó có một tâm hồn đẹp và sống có đạo đức. Nhưng khốn thay, thằng Văn không học nổi môn Văn. Nó đã cố hết sức, nhưng tâm hồn nó quá lý trí, quá lạnh lùng và cứng rắn. Như một chiến binh. Mẹ nó không hài lòng. Chị lại càng bắt nó phải học Văn, chỉ khi nào con chị có tâm hồn như một con người, nó mới sẵn sàng để học những thứ khác. Chị không muốn nó giống bố...
Thằng Văn không biết bố mình là ai. Từ nhỏ tới giờ nó chỉ biết có mẹ. Mẹ nó cho nó ăn, ngày 2 bữa cơm rau cá. Mẹ nó kể chuyện cho nó nghe, bỏ thời gian dạy nó học. Mẹ nó cấm nó chơi với lũ trẻ con bát nháo trong xóm chợ. Mẹ nó kể cho nó nghe về một thế giới nhân ái, hài hoà. Thằng Văn tin mẹ nó. Nó luôn cho rằng thế giới này rất hiền hoà, rất tốt đẹp. Nó tin rằng không nên làm tổn hại tới ai.
Nhưng môn Văn thì nó thật sự đầu hàng. Nó lại chỉ mới là một đứa trẻ. Ngoài môn Văn nó chưa từng học một môn học nào khác. Và môn Văn nó toàn xơi điểm liệt. Cô giáo nó nhận xét, và nó cũng tin rằng, nó là một đứa trẻ không có tư chất, bình thường, thậm chí là kém cỏi.
Cô giáo nó còn trẻ, xinh đẹp, và luôn tin rằng mình bị đày ải tới một ngôi trường tiểu học thấp kém là trò đùa của ông trời. Trong mắt cô, chỉ những học sinh có tư chất mới đáng được cô bỏ thời gian ra để đào tạo, để mang lại thành tích chói loá cho mình. Những đứa như Văn chỉ góp mặt cho đủ sĩ số. Thậm chí, lúc Văn và một đám trốn học đi chơi net, cô cũng cho đủ sĩ số luôn.
Nếu không có tình báo đặc biệt, mẹ Văn chả bao giờ biết con mình trốn học. Chị cũng biết những khó khăn mà nó gặp phải. Nhưng chị càng không thể ưa nổi hành vi trốn học đi chơi net. Chị nhìn vào những trò chơi điện tử mà kinh hãi, giết chóc, chiến tranh, tranh đoạt, so đo. Chị phát hãi. Lỡ mà nó có thiên phú chơi điện tử, lỡ mà nó yêu thích chiến tranh, rồi lỡ mà nó thích hút thuốc thích chích nghiện... ôi thôi đủ mọi mối đe doạ trong mắt chị. Thế thì nát người con tôi! Biển xào xạc. Văn hay chạy ra biển. Nó nhìn mặt biển bao la. Biển nơi đây có màu đỏ. Văn không biết vì sao nó thích biển. Nhưng biển rất rộng không có giới hạn. Nó nhìn thấy từng con tàu khổng lồ trên mặt biển. Nó tưởng tượng rồi một ngày sẽ có một con tàu lớn tới bãi biển chỗ nó, đón nó lên và đưa nó đi xa. Mọi người rất tốt bụng, mẹ đã kể với nó như vậy, nên chắc người ta sẽ vui vẻ đón nó lên tàu. Đợi khi mình lớn đã. 7 giờ tối, chị Thanh tăng ca trở về. Chị mệt nhoài. Người chị rã rời, tâm tư cũng mỏi mệt. Trận đòn hồi chiều là nỗi giày vò cái mông thằng Văn, nhưng cũng giày vò tâm hồn chị.
Chị bước vào nhà. Nhà đã quét. Cơm cũng đã dọn. Một chiếc lồng bàn vỡ lỗ chỗ úp trên một cái mâm nhôm cong queo. Nét mặt chị Thanh giãn ra. Tâm trạng nặng nề của chị cũng vơi bớt. Thằng Văn không ở trong nhà. Chắc nó lại chạy ra biển rồi. Có khi nó lại dỗi mẹ nó.
Nhìn nồi cơm đang đậy, nhìn bàn học vẫn còn vứt quăng quật quyển giáo trình Văn học từ mấy ngày trước, mắt chị lại xa xăm. Chị cũng không giận con mình nữa. Chị chạy ra biển gọi nó về ăn cơm. 9 giờ khuya. Cây đèn dầu lay lắt. Chị Thanh lại ngồi giảng Văn cho con. Thằng Văn cũng không phụng phịu gì, rất tình nguyện ngồi nghe. Nhưng được một lúc nó ngáp ngắn ngáp dài. Bởi thật sự là nó không cảm nhận Văn học có cái quái gì hay. Nó không cố được nữa. Mẹ nó lại xoa đầu nó.
- Cố lên con. Cố thêm chút nữa. Sau này con học thành tài rồi còn nuôi mẹ chứ.
- Nhưng cô giáo nói con không có tài năng gì cả. Con chỉ là một đứa bình thường. Con có học nữa cũng vậy mà thôi.
- Cô giáo con sai rồi. Làm người bình thường thì có gì đâu chứ. Đứa nào coi thường những người bình thường thì đứa đó mới không bình thường! - Chị Thanh nhăn mặt với con, thằng Văn lại phì cười. - Con phải hãnh diện vì là người bình thường. Như vậy con mới hiểu tại sao phải nỗ lực. Chỉ cần con nỗ lực, không gì là con không thể làm!
Cô giáo nó chưa từng nói thế. Bạn bè trên lớp nó chưa từng nói thế. Chỉ có mẹ nó mới nói với nó như vậy. Nỗ lực.
- Thật hả mẹ? Chỉ cần nỗ lực là cái gì cũng có thể làm được ạ?
- Đúng vậy.
- Vậy sau này con muốn xây cho mẹ một cái biệt thự thật to. Mua cho mẹ cái váy thật đẹp. Cho mẹ ăn đồ ăn thật ngon, ngon hơn cả món thịt xào mẹ làm nữa! Không biết có làm được không nhỉ?
Chị Thanh cười,
- Tất nhiên là được rồi! Nào, cố lên con. Cố thêm chút nữa.
Chợ cá, mọi nhà đều đóng cửa dọn hàng. Cuối phố vẫn còn ánh đèn dầu le lói và tiếng giảng bài.