Mỗi ngày, Văn đều tới chơi nhà Lý Thanh Long vào buổi trưa. Nó cưỡi chim đã quen, đâm ra nghiện. Gia đình Lý Thanh Long cũng vô cùng hồ hởi mời nó dùng cơm.
Ăn cơm xong, nó đều ra sau rừng tìm đến chuồng con Kim Kê.
Kim Kê được nuôi trong một cái lồng rất rộng lớn, gần như chuồng nuôi công. Con gà nhìn thấy Văn cũng không ngừng nhảy nhót, đá đá.
Văn đã bỏ ra hơn 10 ngày quan sát con gà. Cùng thời gian đó, nó đọc rất nhiều về động lực học, cân bằng động lượng, và quỹ đạo bay. Nó cũng nhờ Lý Thanh Long chỉ bảo rất nhiều về Đạp Không Bộ.
- Chú mày nói sao? Kim Kê Cước, lấy nền tảng từ Đạp Không Bộ á?
- Đúng vậy. Cô em dạy, một vật khi đã được ném lên không trung, sẽ không thể thay đổi được quỹ đạo bay. Con người cũng vậy, khi đã nhảy lên, thì sẽ theo một quỹ đạo nhất định, rồi rơi xuống đất. Muốn thay đổi quỹ đạo bay trên không, chỉ có thể sử dụng Đạp Không Bộ.
- Vậy thì liên quan gì tới con Kim Kê?
- Em đã quan sát thấy, mỗi lần bay lên, con gà lại đập cánh một lần, để lấy thêm lực đẩy, sau đó mới tung cước. Lực đẩy từ cánh, chẳng phải chính là để thay đổi quỹ đạo bay sao? Nó tương đương với Đạp Không Bộ.
- Có lý. Còn gì nữa không?
- Vẫn còn đôi chút, nhưng em chưa chắc chắn lắm. Để em quan sát con gà thêm vài ngày nữa. Nhưng nếu em sử dụng được Đạp Không Bộ, biết đâu có thể thử nghiệm được vài thứ.
- Đạp Không Bộ, dù sao cũng khó lắm. Còn phải xem Bộ Pháp của chú mày tới đâu đã.
Vậy là hắn bảo thằng Văn chạy một đoạn. Sau đó hắn lắc đầu chèm chẹp.
- Chậc chậc, chạy như vậy là không ăn thua rồi.
Văn nghe thấy vậy, nó cởi giày ra. Sau đó, nó lại chạy lại.
Một luồng gió thốc qua người Lý Thanh Long, khiến hắn lảo đảo.
- Quái! Đôi giày của mày bị làm sao thế? Cởi ra thì chạy nhanh tới vậy sao?
Chạy nhanh, kết hợp với trọng tâm ổn định, vậy thì Bộ Pháp hẳn cũng không đến nổi nào. Có thể học được Đạp Không Bộ hay không, cũng còn chưa chắc.
Lý Thanh Long cắp sách đi học đã 11 năm, năm nay 17 tuổi, mới chỉ sử dụng được Đạp Không Bộ cấp độ 1, tức là chỉ đạp được 1 bước trên không.
Trần Thiên Anh không biết đã tiến bộ tới đâu, nhưng chắc cũng chỉ đạt được 2 bước trên không là cùng.
Một thằng nhóc lớp 6 muốn học Đạp Không Bộ là điều bất khả thi, hắn cũng không trông chờ gì. Nhưng ít ra, chỉ dạy nó vài lý thuyết cơ bản, biết đâu lại giúp nó lĩnh hội được nhiều hơn về Kim Kê Cước?
Mà kể cả thằng Văn không có khám phá ra được Kim Kê Cước, thì cũng chẳng mất gì. Coi như là cơ hội để Lý Thanh Long ôn luyện lại cơ bản.
Vậy là những buổi dạy về Đạp Không Bộ bắt đầu. - Các em! Các em!
Buổi học đội tuyển hôm nay, thầy Khang bỗng trở nên vô cùng hào hứng.
- Đây là thông tin gần như chính thức này. Hải Thành chúng ta sẽ là nơi tổ chức giao lưu Khoa học Văn nghệ với Bắc Hà! Thầy không biết vì sao lại chọn Hải Thành ta, nhưng như vậy là cơ hội vô cùng hiếm có. Tức là các em sẽ không cần vượt qua vòng loại thành phố, mà vẫn được giao lưu với học sinh Bắc Hà, còn được gặp gỡ rất nhiều nhà tuyển dụng bên đấy. Học Văn mà lọt vào mắt các nhà xuất bản Bắc Hà, thì không còn gì lý tưởng hơn!
Thầy Khang nói đúng. Nhu cầu tuyển dụng Văn học ở Bắc Hà hơn xa Đại Nam. Học Văn, tất nhiên nếu ôm hoài bão xây dựng nền Văn học nước nhà hùng mạnh thì cũng được thôi, nhưng người Đại Nam đa số đều thực dụng, rất nhiều người đều ôm giấy bút sang Bắc Hà tìm kiếm việc làm. Những văn sĩ ở lại Đại Nam, hầu như không phải vì đam mê nhiệt huyết gì, mà là vì chưa đủ sức mà thôi.
Những điều tương tự cũng xảy ra với các khối ngành khác. Học sinh giỏi Tự nhiên của Bắc Hà, đều chăm chăm sang Đại Nam du học. Kẻ thích Mỹ thuật Âm nhạc, thì xin hết sang Cận Tây, muốn học diễn xuất, lại tới Phú Sơn.
Cứ như vậy, nên nơi nào đã kém ngành nào, thì ngày càng kém, còn giỏi về ngành nào, thì ngày càng phát triển.
Dùng đồ Đại Nam, đọc văn Bắc Hà, nghe nhạc Cận Tây, xem phim Phú Sơn.
Tức là đồ công nghệ của Đại Nam là tốt nhất, văn chương Bắc Hà là hay nhất, âm nhạc và hội hoạ thì Cận Tây không ai sánh nổi, còn muốn nói về giải trí, không đâu bằng Phú Sơn.
- Lần giao lưu này, các em sẽ được chạm trán với các đội tuyển Văn của vùng Giang Hạ, Bắc Hà. Hai bên thi với nhau, chọn ra vài suất để đến vòng toàn quốc thôi. Nếu cạnh tranh suất với dân Bắc Hà, thì đội tuyển Văn chúng ta chắc chắn là khổ nhất, còn mấy đội tuyển Tự nhiên kia thì chắc đang ăn mừng. Nhưng như thầy đã nói, bản thân việc tham dự sự kiện này đã là một cơ hội quá tốt rồi, có đến được vòng toàn quốc hay không không quan trọng.
Thầy Khang lại nói tiếp.
- Với lại, các em cũng cần thể hiện cho người Bắc Hà thấy, người Đại Nam ta, cũng biết làm văn!
Câu nói này, không khiến đám học sinh phấn khởi lên chút nào.
Nghe nói, trẻ con Bắc Hà 3 tuổi đã biết đọc chữ, 7 tuổi đã biết làm thơ. 10 tuổi là biết 1 vài thứ tiếng. Có lẽ chỉ là nói quá lên thôi, nhưng không thể phủ nhận là về mặt Văn học, Đại Nam bị tụt lại quá xa so với Bắc Hà. Đội tuyển Văn thì bi đát, còn các đội tuyển khác, đúng như thầy Khang nói, đang rót rượu ăn mừng. Dù là nhà trường cấm uống rượu. Đây là dịp để bọn họ hành hạ đám Bắc Hà dốt nát.
Trẻ con Đại Nam lên 5 tuổi đã biết giải phương trình, lên 15 tuổi đã biết làm hàm số, trong khi đó, nghe nói dân Bắc Hà lên lớp 12 còn chưa biết khai căn!
Tất nhiên là lời nói này hơi quá khoa trương. Bắc Hà kém các môn Tự nhiên, cũng chỉ là khi so sánh với Đại Nam thôi. Là một đế quốc lớn, trình độ Tự nhiên của Bắc Hà cũng hơn hẳn các nước nhỏ.
Nhưng cũng chả thay đổi được điều gì, lần giao lưu này, kết quả như đã được định trước. Đội tuyển Văn dù có bị vùi dập, cũng chẳng ai trách móc gì, còn các đội tuyển Tự nhiên thắng lợi vẻ vang, sẽ khiến người ta phổng mũi.
Lần này sẽ giao lưu những môn: Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn, Ngôn ngữ, Nhạc, Hoạ.
- Vũ Hải Hùng! Vũ Hải Hùng đâu rồi?
Đang giờ học, một thầy giáo bước vào lớp, hỏi to.
- Vũ Hải Hùng đang nằm viện rồi thầy ạ. Hôm nọ bị Lý Thanh Long đánh, Pffff....
Một đứa học sinh trả lời, rồi không nhịn được cười. Cả lớp cũng cười theo. Vũ Hải Hùng ở trường, được rất ít người ưa, thấy hắn bị đánh như vậy, không kìm nổi sự sảng khoái.
Mà thằng này rõ ràng bị đánh có một trận mà thôi, còn giả bệnh nghỉ học một mạch đến 10 ngày.
- Khi nào đi học, thì nhắn em ấy, được tuyển vào đội tuyển Toán nhé.
Cả lớp xôn xao. Sắp đến sự kiện giao lưu Khoa học Nghệ thuật, một thằng chuyên trốn học lại được đặc cách đi thi. Nhiều người thấy không phục. Nhưng vẫn phải thừa nhận, Vũ Hải Hùng rất giỏi Toán. Người khiến người khác thật sự không phục, thì phải nói tới Vương Thành Văn.
Không cần nói cũng biết, sự kiện lần này, thầy Khang đặt rất nhiều niềm tin vào Vương Thành Văn, còn thằng này thì sao?
Nó lại ngủ gật. Lần giao lưu Khoa học Nghệ thuật này lại được gộp chung với Hội thao thành phố, khiến sự kiện lần này quy mô quá lớn.
Chi tiết thế nào chưa ai biết, chỉ nghe đồn đại phong phanh, lần này sẽ có một giải đấu diễn ra, giữa các học sinh.
Các đội tuyển của trường Kình Ngư thì không háo hức về giải đấu này lắm. Bởi trường Kình Ngư cũng chỉ là một ngôi trường nho nhỏ ở Hải Thành, sức cạnh tranh không cao. Thi về học thuật còn có thể may mắn vượt qua, chứ tỉ thí thì hoàn toàn dựa vào thực lực.
Trình độ học sinh Kình Ngư, lên tới Sơ trung, vẫn còn rất mơ hồ về cách chiến đấu. Ít ai áp dụng được những gì đã được học vào trong thực tế. Trong khi ở các học viện lớn trong thành phố, học sinh Sơ trung, đã cực kì mạnh mẽ.
Lần này, thành phố đặt kì vọng vào 3 học viện: Hải Dương, Vô Cực, Phong Ba.
Hải Dương là học viện chính quy, cũng là học viện đầu tiên tại Hải Thành, lịch sử vô cùng lâu đời. Vô Cực là trường chuyên với bề dày thành tích. Còn Phong Ba lại là một thế lực mới nổi lên gần đây.
3 học viện này tranh nhau hầu như mọi loại giải thưởng, những trường như Kình Ngư hoạ hoằn lắm mới xuất hiện một học sinh ưu tú chen vào top.
Bởi vậy mới nói, lần giao lưu Khoa học Nghệ thuật này, không cần phải vượt qua 3 gã khổng lồ kia, mà vẫn được ra mắt rất nhiều thế lực lớn, là một cơ hội không thể nào tốt hơn của các học viện cỡ trung.
=========
Vậy là đã được 200 chương.