Thiên Quan Tứ Phúc (Quan Trời Ban Phúc)

Chương 73: Chương 73: Gặp người trong đời, gặp hoa trong mưa




Tên nghe hay quá ><

Nghe vậy, bước chân của Tạ Liên khựng lại, cuối cùng vẫn không ngoái đầu, vẫy vẫy tay rồi tiếp tục đi về phía trước.

Trở về hoàng thành Tiên Lạc, trước tiên Tạ Liên đến hoàng cung.

Y cũng không biết tại sao mình muốn đến, có điều không phải vì muốn gặp cha mẹ. Không riêng gì nguyên nhân thân là thần quan không được tự lén lút hiển linh trước mặt người phàm, quan trọng hơn là, tuổi tác càng cao, rời nhà càng lâu, y càng không biết nên nói chuyện với cha mẹ thế nào, có lẽ tất cả những người làm con trên đời này đều như thế. Chính vì vậy, y ẩn thân đi lung tung một vòng khắp hoàng cung mà mình rõ như lòng bàn tay, nhưng không tìm được quốc vương bệ hạ ở nơi nào khác, cuối cùng đến cung Tê Phượng mới nhìn thấy cha mẹ.

Hai người đã lệnh cho cung nhân lui xuống, đang trò chuyện với nhau. Hoàng hậu ngồi bên tháp, tay nghịch một chiếc mặt nạ vàng, chính là chiếc mà Tạ Liên đeo trong buổi diễu hành Thượng Nguyên tế trời ba năm trước. Gương mặt và ngũ quan của chiếc mặt nạ vàng được dày công điêu khắc dựa theo mặt thật của Tạ Liên, vì vậy Tạ Liên đeo nó rất vừa vặn, không cảm thấy có gì khác thường, nhưng khi thấy nó trong tay người khác lại hơi rờn rợn. Quốc vương ngồi bên cạnh nói: "Đừng nghịch cái đó nữa, mau đặt xuống qua ấn đầu cho ta đi."

Dù rằng trước mặt người khác, quốc vương và hoàng hậu làm chu toàn mọi lễ nghĩa, nhưng từ nhỏ Tạ Liên đã thấy rõ nhất, sau lưng người khác, cha mẹ mình chỉ là một cặp vợ chồng bình thường cũng sẽ cằn nhằn lải nhải thôi. Quả nhiên, hoàng hậu thả mặt nạ xuống, qua ngồi xoa nhẹ hai bên huyệt thái dương giúp quốc vương, rồi bỗng gạt tóc của ông, nói: "Tóc chàng lại bạc rồi."

Tạ Liên tập trung nhìn kỹ, hai bên tóc mai của cha mình đúng là lốm đốm bạc, vô cớ thêm ba phần già cỗi. Y nhủ thầm: "Chẳng phải dạo trước phụ hoàng mới đến Hoàng Cực quán cầu phúc sao? Lúc đó tóc phụ hoàng còn đen mà, sao tự dưng lại bạc?"

Hoàng hậu lấy một chiếc gương đồng định cho quốc vương xem, quốc vương lại nói: "Không xem không xem. Lần sau trước khi lên núi Thái Thương nhuộm chút là đen thôi."

Bấy giờ Tạ Liên mới kịp phản ứng: "Tóc của phụ hoàng không phải mới bạc gần đây! Mà đã bạc từ lâu rồi, chỉ là trước mỗi lần đến gặp mình đều nhuộm đen. Còn mình suốt ngày nghe tín đồ cầu nguyện, bôn ba mệt mỏi, ít bao giờ chủ động về thăm cha mẹ nên mới không phát hiện."

Sau khi nghĩ thông suốt điều này, trong lòng Tạ Liên hổ thẹn vô cùng, thật may là bây giờ cha mẹ không nhìn thấy y ở đây. Hoàng hậu vừa xoa bóp đầu cho quốc vương vừa trách móc: "Ngày nào thiếp cũng bảo chàng nghỉ ngơi sớm đi, chàng không nghe lời của thiếp, còn nói thiếp suốt ngày cằn nhằn chàng. Nhìn xem bây giờ xấu như vầy, hoàng nhi mà thấy thì càng không muốn ngó ngàng tới chàng cho coi."

Quốc vương hầm hừ: "Từ lúc hoàng nhi của nàng trưởng thành đủ lông đủ cánh, vốn dĩ đã không ngó ngàng tới ta." Nói thì nói vậy, ông lại nhịn không được len lén liếc gương đồng bên giường, lầm bầm: "Cũng đâu có xấu lắm, chẳng phải vẫn là gương mặt này sao?"

Tạ Liên không khỏi sửng sốt, thật sự không ngờ rằng sau lưng mình, phụ hoàng còn có một mặt như thế, lại còn "nói xấu" mình với giọng điệu chua chát vậy nữa, khiến y lập tức phì cười. Hoàng hậu cũng nín cười nói: "Rồi rồi rồi, không xấu. Sức khỏe lớn hơn trời, hôm nay nghỉ ngơi sớm đi."

Quốc vương lắc đầu: "Không nghỉ ngơi được. Dạo này có nhiều người Vĩnh An chạy đến hoàng thành. Đến thì đến đi, thế mà cứ phải rêu rao khắp nơi, làm cho lòng người hoang mang, nan giải vô cùng."

Thì ra cha mình bạc tóc là vì đại hạn ở Vĩnh An, trong lòng Tạ Liên khó chịu khôn tả. Hoàng hậu gật đầu đáp: "Thiếp nghe Dung nhi nói, hôm nay nó cũng gặp phải một người Vĩnh An, nghe đâu muốn cướp tiền trong miếu, thật đáng sợ."

Quốc vương trầm ngâm nói: "Đúng thế, đáng sợ. Mấy chục hay mấy trăm người tới thì thôi, nhưng ngộ nhỡ hơn trăm ngàn người bọn họ đổ xô tới, rồi cả bọn chạy tán loạn trong hoàng thành, hậu quả thật khó tưởng tượng nổi."

Do dự một hồi, hoàng hậu nói: "Vậy cũng chưa hẳn. Nếu đàng hoàng an phận, tới thì tới đi."

Quốc vương nói: "Vua của một nước, sao có thể lấy "chưa hẳn" ra mạo hiểm? Hơn nữa bọn họ tuyệt đối không thể tới đây, nuôi thêm vài người không chỉ đơn giản như bày thêm vài đôi đũa, bên trong phức tạp lắm, nàng không rõ đâu, không nói nữa."

Hoàng hậu đáp: "Được, không nói nữa. Những gì mà chàng nói, từ đầu thiếp đã không hiểu rồi, nếu hoàng nhi còn ở đây thì tốt quá, ít nhất cũng có thể san sẻ phần nào cho chàng."

Quốc vương lại hầm hừ: "Nó? Nó thì làm được gì? Không làm ta lo lắng thêm đã đỡ lắm rồi."

Nhắc đến Tạ Liên, quốc vương có vẻ dậy hứng ngay: "Ta không thèm nói đến hoàng nhi của nàng nữa, hơn mười mấy tuổi đầu mà nuôi y như công chúa. Nó có biết cũng vô dụng, chỉ tổ thêm phiền não mà thôi. Nó cứ ngoan ngoãn bay trên trời đi, không biết gì là tốt nhất, làm chuyện của riêng nó, bây giờ nó đâu còn là Thái tử, nhân gian không liên quan đến nó, thích bay thì cứ cho nó bay đủ."

Tạ Liên im lặng nghe cha trách móc mình hăng say, hoàng hậu thì mỉm cười đẩy quốc vương một cái: "Bây giờ chàng biết nói nó là công chúa rồi hả, công chúa còn không phải vì chàng nuông chiều từ nhỏ mà ra sao? Còn muốn trách ngược lại thiếp à?" Nói đoạn, hoàng hậu thở dài: "Thằng nhóc này cái gì cũng tốt, mỗi tội không nhớ nhà thôi. Lúc trước học nghệ ở Hoàng Cực quán đã thế rồi, hở ra là mấy tháng không về nhà. Bây giờ phi thăng còn lợi hại hơn, ba năm cũng không gặp được một lần, chẳng biết bao giờ mới gặp được đây."

Hoàng hậu bắt đầu phàn nàn, quốc vương lại giải vây cho Tạ Liên: "Phụ nữ như nàng thì biết gì. Quốc sư nói quy tắc của Thiên giới là như thế, sao có thể tiếp tục xem nó như người phàm? Nàng gọi hoàng nhi của nàng về khác nào muốn kéo chân sau của nó?" (kéo chân sau = gây cản trở)

Hoàng hậu vội nói: "Thiếp chỉ nói vậy thôi. Thiếp sẽ không nói ra yêu cầu này trước mặt nó." Bà lại lầm bầm: "Nhìn tượng thần cũng được, không khác gì mấy, đâu đâu cũng là tượng thần của nó."1

Nhìn cha mẹ hồi lâu, lồng ngực Tạ Liên dâng từng cơn chua xót, cổ họng như nhét thứ gì đó, nghẹn đến khó chịu tột độ, chỉ cảm thấy không chờ thêm được nữa, nhưng y lại không thể xuất hiện, không phải vì sợ vi phạm thiên quy, mà là xuất hiện rồi cũng không biết nên nói gì cho phải. Đối với chuyện ở Vĩnh An, tạm thời y cũng chưa nghĩ ra được cách giải quyết nào tốt, đột ngột xuất hiện chỉ làm cha mẹ luống cuống mà thôi.

Tạ Liên nhanh chóng rút khỏi hoàng cung, đi ra bên ngoài, hít sâu vài hơi, bấy giờ tâm trạng mới bình phục. Ổn định cảm xúc, vực dậy tinh thần, nghĩ thầm thở dài chi bằng hành động, y tiện tay bắt quyết niệm chú, đổi sang hình hài tiểu đạo sĩ áo trắng, chạy một vòng quanh hoàng thành, đo lường và ghi chép khắp nơi. Chạy đôn chạy đáo, bận rộn cả ngày, cuối cùng y cũng lấy được đáp án xác định.

Mặt nước của tất cả sông hồ trong hoàng thành Tiên Lạc, đích thực đều thấp hơn trước đây. Lúc còn ở Hoàng Cực quán, có vài lần y chuồn xuống núi chơi, từng chèo thuyền du ngoạn trên con sông lớn nhất chạy dài xuyên nước Tiên Lạc - sông Lạc, mặt nước ngày ấy chỉ thấp hơn bờ đê một chút, nhưng bây giờ lại thấp hơn nhiều xích, hơn nữa cư dân trong thành đều bảo đã như vậy từ lâu chứ không phải mới đây. Lúc trước Tạ Liên không để ý, bây giờ để ý mới ngộ ra đủ mọi dấu hiệu nhìn mà phát hoảng. Ban đầu y còn hy vọng thông tin của Mộ Tình nhầm lẫn nên mới tự đến chứng thực, bây giờ không thể không thừa nhận, Mộ Tình vẫn không làm mình thất vọng như cũ.

Sau khi xác nhận sự thật này, Tạ Liên ngẩn người đứng lặng ven bờ sông, như có điều nghiền ngẫm. Thỉnh thoảng có người đi đường lướt ngang qua Tạ Liên, hoặc mỉm cười gật đầu, hoặc tò mò nhìn ngó, còn lại chủ yếu vẫn vui vẻ chuyện ai nấy làm. Chẳng biết đứng bao lâu, mây mù xa nơi chân trời tụ lại, bốn phía tí ta tí tách, thế mà lại đổ mưa lâm râm.

Người đi đường rối rít che đầu nhìn trời, nói: "Xui xẻo ghê! Trời mưa rồi, mau về thôi!"

"Đúng đó, ghét thật!"

Hạt mưa rơi tí tách, nện vào mặt và người Tạ Liên, lúc này y mới kịp phản ứng, lẩm bẩm: "Mưa rồi ư?"

Người trong hoàng thành gặp mưa tránh còn không kịp, chỉ trời mới biết một đầu khác của nước Tiên Lạc có bao nhiêu người khao khát được một trận mưa lớn đã đời như thế. Vài người bung dù chạy ào qua, thấy Tạ Liên vẫn đứng dưới mưa bèn kéo y một cái, thúc giục: "Ơ tiểu đạo trưởng này, sao ngươi còn không chạy? Mưa càng lúc càng lớn kìa!"

Thế là Tạ Liên cũng lóng ngóng chạy theo, cùng chạy đến dưới một hàng hiên dài. Những người kia cất dù, cười ha ha với nhau: "May là hôm nay ra cửa thấy nhiều mây nên mang dù theo, không thì ướt như chuột lột rồi."

"Đã lâu trời không mưa, e rằng trận này tích tụ lâu rồi, sẽ mưa lớn cho xem."

"Ôi trời ngươi nhìn đi, lớn thật rồi kìa! Sắp thành mưa xối xả rồi!"

Hạt mưa rơi xuống đất, tan vỡ văng tung tóe. Chất giọng hết sức thân thuộc của những người này càng khiến Tạ Liên cảm nhận được sâu sắc rằng, đây là nơi mình sinh ra và lớn lên, đây là con dân mà mình quen thuộc.

Trò chuyện một hồi, trận mưa từ từ nhỏ dần, mấy người kia nói: "Nhân lúc bây giờ nhỏ được chút, mau đi thôi!" Dứt lời lũ lượt bung dù rời khỏi mái hiên, còn Tạ Liên vẫn đứng yên tại chỗ. Mấy người kia ngoái đầu nhìn y, bàn bạc vài câu, một người đi tới, đưa một cây dù cũ trong tay cho y, nói bằng giọng khách sáo: "Tiểu đạo trưởng ơi, có phải không về được không? Ta thấy mưa vẫn còn hơn lớn đó, hay là ngươi lấy dù này dùng đi."

Bấy giờ Tạ Liên mới hồi thần, hỏi: "Cảm ơn nhé. Vậy ngài thì sao?"

Mấy người đứng trong mưa phía trước nói lớn: "Chúng ta còn dù đây, chen vô chung được mà, đi thôi đi thôi!"

Nghe đồng bạn thúc giục, người nọ nhét dù vào tay Tạ Liên rồi chạy mất. Cả bọn lạch bạch đạp nước chạy xa, Tạ Liên thì nắm cây dù kia, đứng yên chốc lát. Đột nhiên, y thấy phía trước cách đó không xa có một ngôi miếu nhỏ không quá bắt mắt, bèn bung dù đi về phía đó giữa làn mưa. Đến gần miếu rồi, thấy câu đối trước hai bên cửa miếu lần lượt viết "Thân tại vô gián" "Lòng tại đào nguyên", cuối cùng mới xác định đây là một tòa điện Thái Tử.

Trong ba năm dựng nên tám ngàn đạo quán, tất nhiên không phải tòa đạo quán nào cũng nguy nga tráng lệ khiến người thán phục như tòa trên núi Thái Thương, trong số đó cũng có không ít tòa là nhân sĩ thôn làng dân gian xây cho đủ số để góp vui. Không dựng hòm công đức, không có ông từ, chỉ lập một pho tượng bằng đất sét, bày mấy cái khay, cúng một ít bánh ngọt và trái cây. Người có lòng thỉnh thoảng tới quét dọn một chút là có thể tự chiếm một điện rồi.

Núp trong xó xỉnh không bắt mắt ấy, chính là một điện Thái Tử cũng chẳng bắt mắt là bao. Còn chưa vào trong, Tạ Liên đã trông thấy một pho tượng thần Thái tử gần như có thể nói là ngây ngô đáng yêu: Áo quần lòe loẹt, gò má loang lổ phấn trắng, điệu cười ngớ ngẩn, chẳng khác gì một con búp bê lớn. Nếu không phải lòng đầy tâm sự, chắc chắn Tạ Liên đã cười ra tiếng.

Ba năm qua, tượng Thái tử mà Tạ Liên nhìn thấy không năm ngàn cũng được ba ngàn, trước giờ chưa từng thấy pho tượng Thái tử nào giống mình như đúc, giống nhất có lẽ chỉ tầm bảy phần, còn lại không phải quá xấu thì là quá đẹp. Đa số các thần quan khác đều là tượng thần quá xấu, vừa khéo Tạ Liên thì trái ngược, có cái đẹp đến mức biến dạng, đẹp đến mức bản thân y cũng thấy ngại. Vốn dĩ y cũng không nhìn kỹ pho tượng đất sét này, chỉ lia mắt qua thôi, nào ngờ lại tình cờ bắt gặp một vật gì đó trắng muốt, thế là đường nhìn lại lia trở về.

Tay trái của pho tượng Thái tử làm bằng đất sét thô sơ ấy, cầm một bó hoa trắng như tuyết.

Cánh hoa trắng noãn, dính một ít giọt sương lóng lánh, mềm mại đến lạ, một mùi thơm dịu như có như không thoang thoảng trong không khí, đáng yêu vô ngần. Tư thế chuẩn mực của tượng Thái tử Tiên Lạc là "một tay cầm kiếm, một tay cầm hoa", nhưng hoa mà tay trái cầm, tất nhiên là hoa vàng, hoa đá quý, hoa ngọc thạch được chế tạo bằng kỹ thuật tuyệt đỉnh, đây là lần đầu tiên Tạ Liên nhìn thấy có tượng thần của mình cầm hoa thật, vì vậy không khỏi nhích lại gần hơn.

Nhìn kỹ y mới phát hiện, ban đầu tay trái của pho tượng Thái tử này hẳn là thật sự từng cầm một cành hoa đất sét. Nhưng không biết do thợ khắc tượng không khéo tay nên cành hoa rớt mất, hay bị ai đó đùa dai tháo xuống, bây giờ trong nắm tay trái chỉ còn một lỗ nhỏ. Bó hoa trắng nho nhỏ ấy, vừa khéo cắm trong lỗ nhỏ này. Nếu ai đó hái tới chỉ để lấp đầy lỗ hổng trong tay trái của pho tượng đất sét này, vậy đúng là có lòng.

Vừa nghĩ đến đây, Tạ Liên chợt nghe được tiếng bước chân dồn dập. Y không quay đầu lại, đầu tiên ẩn thân mình, cầm dù nhẹ nhàng phóng lên bệ thờ, lúc này mới xoay người nhìn xuống dưới. Chỉ thấy trong làn mưa tầm tã mịt mù ngoài miếu, một thiếu niên chạy ào vào.

Thiếu niên này chỉ tầm mười hai mười ba tuổi, toàn thân ướt đẫm, trên người là quần áo sờn cũ, trên mặt là băng vải bẩn thỉu. Tay phải khum lại bao lấy nắm tay trái, như thể đang che chở thứ gì đó. Sau khi chạy đến giữa miếu, nó mới từ từ mở hai tay ra.

Một bó hoa nho nhỏ trắng ngần, lẳng lặng nở rộ trong tay nó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.