Kỷ thị vốn họ Lý, sau khi xuất giá mới theo họ chồng. Năm mươi năm trước, nàng vừa mới mười tám tuổi, thôn trang mà nàng sinh sống bị cường đạo cướp bóc trắng trợn, hơn ba mươi hộ gia đình cơ hồ không một ai may mắn sống sót. Năm đó, nhiều quốc gia và chư hầu cùng tồn tại, không ai sẽ vì sự sống chết của một vài bách tính trong tiểu trấn nho nhỏ nơi biên cảnh mà tiến hành điều tra, khám xét, Kỷ thị lúc đó vừa khéo vào thành đi chợ cho nên tránh được một kiếp. Trong vòng một ngày, nhà tan cửa nát, nữ nhi của nàng vừa tròn một tuổi vẫn còn nằm trong tả lót cũng bị người giết hại, nàng cùng đường, suýt chút nữa đã tự sát, đúng lúc đó nàng được một hộ gia đình khác cứu. Tổ tiên của gia đình này từng là quan lớn thời Đường, bị giáng chức đày đến nơi này, con cháu đời sau chuyển sang kinh thương, có rất nhiều tiền của, nhà này vừa vặn cũng có một vị tiểu thư vừa ra đời, nữ tử đứng hàng thứ tư, gọi là Tứ nương, Kỷ thị liền trở thành nhũ mẫu của nàng.
Thời gian thấm thoát, đứa bé phấn điêu ngọc mài ngày nào giờ đã trở thành thiếu nữ yêu kiều duyên dáng. Có một lần, Tứ nương ra khỏi thành dâng hương, bị bọn buôn người bắt đi, bán đến Liêu quốc, nhũ mẫu của nàng – Kỷ thị cũng bị bắt theo. Chuyện về sau thì giống như đã nói lúc trước, nữ tử sinh cho Gia Luật Tông Thịnh một nhi tử, nhưng vừa ra đời đã bị khiếm khuyết, không thể đi lại, bị Gia Luật Tông Thịnh vứt bỏ nơi đồng hoang. Nữ tử sinh trưởng nơi khuê phòng, chưa từng chịu qua loại biến cố như thế này, không lâu sau nàng ưu uất mà chết. Kỷ thị đau lòng vạn phần, nàng từ lâu đã xem Tứ nương như nữ nhi của mình, không muốn con gái của mình gặp phải số phận trớ trêu như vậy. Sau đó, nàng tìm cơ hội trốn ra khỏi Gia Luật phủ, bắt đầu tìm kiếm hài tử bị Gia Luật Tông Thịnh vứt bỏ, huyết mạch của con gái nàng.
Thoáng một cái đã qua năm năm, Kỷ thị chẳng những không thu hoạch được gì, mà ngay cả sinh tử của hài tử kia nàng cũng không biết. Dần dần tuyệt vọng, tâm nguội như tro tàn, nàng đành ngụ lại trong một gian nhà bên cạnh Ni Cô am, dựa vào thêu thùa may vá và giúp sư phụ trong am nấu cơm giặt giũ mà sống qua ngày. Lại hơn mười năm trôi qua, trong nhà bắt đầu thường xuyên xuất hiện một ít tiền bạc, quần áo, ban đầu nàng rất sợ hãi, sau cảm giác này từ từ biến mất, trong lòng lại một lần nữa dấy lên hy vọng, mãi cho đến một ngày nọ, có hai người tôi tớ đưa nàng đến một tòa phủ đệ nguy nga tráng lệ, quản gia nói với nàng, tiểu chủ nhân của ngươi chưa chết, ngươi cứ tạm thời ở lại chỗ này, chờ y tới đón ngươi.
Kỷ thị không cho rằng bản thân mình có bao nhiêu cao thượng, đối với nàng mà nói, có thể nhìn thấy huyết mạch của Tứ nương, chính là nguyện vọng lớn nhất trong quãng đời còn lại của nàng, nhìn thấy tiểu chủ nhân khỏe mạnh đứng trước mặt mình, đến lúc xuống Cửu tuyền gặp mặt Tứ nương, nàng cũng cảm thấy thanh thản, không hổ thẹn.
Nhưng ngày qua ngày, chờ đợi trong kỳ vọng lại biến thành thất vọng. Chủ nhân của tòa phủ đệ này chưa từng xuất hiện lần nào, chỉ có người tự xưng là quản gia, lúc nàng bắt đầu lo lắng thì xuất hiện trấn an, sau đó lại biến mất, nàng thậm chí còn không biết chủ nhân của tòa phủ đệ này là ai. Kỷ thị mặc dù dốt đặc cán mai, nhưng cũng không phải là người ngu muội, nàng bắt đầu nghĩ tới rất nhiều tình huống, nhớ đến thân phận của tiểu chủ nhân, ước chừng có lẽ ai đó đang muốn lợi dụng nàng để áp chế hài tử kia.
Hôm nay, Kỷ thị bưng băng ghế dài ra ngoài, ngồi dưới ánh mặt trời, vừa suy nghĩ vừa vá đôi giày trong tay. Nàng đã lớn tuổi, hồi trẻ làm lụng vất vả và ưu phiền quá nhiều khiến một đầu tóc đen đều nhuốm thành màu bạc, thế nhưng trong lòng của nàng lại vô cùng bình tĩnh, nếu như không có cách nào cưỡng lại thống khổ, vậy cứ chờ đến lúc đau thương qua đi, sau đó kiên cường như trước mà tiếp tục sống, điểm này, vị hồng nhan bạc phận – Tứ nương kia cũng thua xa nàng.
“Kỷ phu nhân, ngươi xem ai tới thăm ngươi này?” Quản gia đẩy cửa bước vào sân nhỏ, khuôn mặt tươi cười nhăn nhúm như một đóa hoa cúc.
Nàng chậm rãi ngẩng đầu, đôi mắt bởi vì ánh sáng quá chói mà trở nên có chút mơ hồ, nàng dùng tay xoe nhẹ, người theo sau quản gia tiến vào, từ từ lọt vào tầm mắt nàng.
Người nọ ngồi trên luân ỷ, tuổi tác nhìn qua không lớn, khuôn mặt bình thường, thế nhưng phong thái trên người y khiến kẻ khác không thể không chú ý, người nọ mặc một thân bạch y, dưới ánh mặt trời có vẻ đặc biệt chói mắt.
Kỷ thị nhìn người nọ hồi lâu, vừa run rẩy vừa chậm chạp đứng lên.
Khuôn mặt Bạch y nhân mang theo ý cười nhàn nhạt, nhưng không khiến người khác cảm thấy xa cách, y chỉ lẳng lặng nhìn Kỷ thị, mặc cho nàng quan sát đánh giá y.
Thế nhưng, cho dù có tiếp tục nhìn lâu cỡ nào đi chăng nữa, Kỷ thị chỉ cần liếc mắt một cái thì đã nhận ra y.
Mặt, mũi, trán, thậm chí gương mặt mỉm cười, không một điểm nào là không giống với Tứ nương của năm đó.
Nàng nhìn lâu như vậy, bất quá chỉ là muốn đem bao nhiêu năm tháng đã mất bù đắp trở lại.
Tứ nương, ngươi ở dưới Cửu tuyền, cuối cùng cũng có thể yên nghĩ rồi đi.
Nỗi thống khổ năm nào, vốn đã khiến nước mắt của nàng khô cạn, thế nhưng vào khoảnh khắc nhìn thấy người trước mắt này, hai mắt nàng bỗng trở nên đỏ hoe.
*****
Núi Thiên Thai.
Lục Đình Tiêu chắp hai tay sau lưng, đứng trước cửa sổ, thoạt nhìn giống như đang thưởng thức cảnh xuân bên ngoài, thế nhưng Trương Lý và Tiêu Dực đứng phía sau hắn, thực sự không dám nghĩ như vậy.
Hơn hai mươi ngày trước, Trầm Dung Dương trở về Khai Phong, Lục Đình Tiêu cũng bị một đống sự việc quấn thân.
Nguyên nhân của sự việc lần này lại đến từ nội bộ trong giáo.
Bắc Minh giáo vốn có bốn vị trưởng lão, hai vị giáo sứ, dưới sáu người là đường chủ của các phân đường rải rác khắp nơi. Bốn vị trưởng lão hôm nay chỉ còn lại một vị, chính là Trương Lý, ba vị khác đã qua đời, trong hai vị giáo sứ, Tả sứ giúp đỡ giáo chủ xử lý công việc hằng ngày, Hữu sứ thay mặt giáo chủ thỉnh thoảng tuần tra các phân đường, quyền lực đều cực lớn. Bắc Minh giáo hiện tại, tựa như ngọa hổ tàng long, ngay cả phân đường đường chủ, đã có nhiều người tài giỏi như Tiết ngũ nương hay Ân Lôi, như vậy Tả Hữu nhị sứ càng không cần phải nói.
Tả sứ Trương Vân Tụ, thích tĩnh không thích động, ngày thường tĩnh tu trên núi Thiên Thai, ngoại trừ giúp giáo chủ xử lý công việc, tuyệt đối không bao giờ bước chân ra khỏi tiểu viện của mình một bước, Tiêu Dực thường oán hận nói với Trương Lý, gã Tả sứ này giống hệt như một con rùa già ngàn năm. Hữu sứ Triệu Khiêm lại là một nhân vật khiến người khác phải đau đầu, lúc còn trẻ thì thích lưu luyến hoa hoa thảo thảo, thường xuyên say như chết trong lòng mỹ nhân, không phải năm ba ngày thì không có khả năng tỉnh, khiến lão cha hắn tức giận đến nỗi ngày ngày phải đến thanh lâu tìm nhi tử của mình. Bất quá, trời sinh hắn tư chất đã hơn người, cho dù ăn chơi như vậy, võ công cũng chưa từng xuống dốc nửa điểm, sau khi cha hắn chết, tính tình cũng trở nên trầm ổn hơn rất nhiều, mười năm trước lên làm Hữu sứ, ngày thường thuận tiện dạo chơi bên ngoài, nếu như có thể nhìn thấy hắn ở tổng đàn, thì cũng hiếm lạ tựa như thấy Trương Vân Tụ rời khỏi tổng đàn.
Sự tình lúc này phát sinh bên phía Triệu Khiêm.
Một tháng trước, Triệu Khiêm quen biết một nữ tử. Có người nói, dung mạo nàng kia cực kỳ xinh đẹp, Triệu Khiêm vừa gặp đã thương, vì thế hai người liền tự định chung thân. Vốn là người trong giang hồ, gặp phải nữ nhân tình trường cũng là chuyện thường tình, nam nữ tâm sinh ái mộ lẫn nhau cũng là chuyện rất tự nhiên, chỉ cần hai bên không phải oán hận chồng chất hay kẻ thù truyền kiếp thì trưởng bối sư môn cũng không kịch liệt phản đối.
Thế nhưng, người mà Triệu Khiêm “bắt cóc” đó không phải người bình thường, mà là đệ tử Chung Anh Lạc của chưởng môn phái Nga Mi, chính là tiểu cô nương đã từng đến tham dự đại hội thưởng kiếm ở Lâm gia, sau bởi vì cái chết thảm của sư bá mà ngay cả một tấc vuông cũng không dám bước lộn xộn. Nàng là đệ tử xuất sắc của phái Nga Mi, Nga Mi chưởng môn cơ hồ đã có ý định chọn nàng làm chưởng môn đời kế tiếp.
Một người như vậy, không được sự đồng ý của sư môn trưởng bối mà đã cùng Triệu Khiêm qua lại, chưa tới mười ngày, mọi người trong giang hồ đều biết đến, mặt mũi của phái Nga Mi cũng hoàn toàn mất sạch.
Bọn họ tìm không được Triệu Khiêm, nhưng không phải tìm không được Bắc Minh giáo.
Vì vậy, phái Nga Mi tới cửa đòi người.
—————