Thiên Văn

Chương 2: Chương 2: Mất tích




Một cảm giác hoàn toàn khác biệt với cảm giác thường gặp trên chất liệu sơn dầu thông thường, không thô ráp, trái lại vô cùng mềm mịn, nhẵn bóng, thậm chí còn có cảm giác mềm mềm, có cái gì đó vô cùng quen thuộc…

Đồn công an Cổ Tháp cách nơi tổ chức tang lễ của cậu chỉ hai con phố, mấy phút sau, Phùng Siêu đã đem theo ba người đến, đều là những người thường ngày rất thân thiết với tôi, trong đó có một sư phụ pháp y họ Lưu vốn là thầy của tôi trong thời gian thực tập ở đồn công an Cổ Tháp.

Thấy toàn là người thân tín, nên tôi cũng không cần khách sáo nữa, nhanh chóng kể lại cho mọi người chuyện xảy ra. Bọn họ nghe xong đều hết sức kinh ngạc, lập tức đòi đến khám nghiệm hiện trường ngay. Pháp y Lưu còn nói:

- Này nhỏ, việc đó chính là làm nhục thi thể, thừa sức cấu thành án hình sự rồi.

Tôi gật gật đầu, giơ tay lên xem đồng hồ, đã gần 1 giờ sáng, thời gian không còn sớm nữa:

- Được rồi, mọi người phải làm nhanh một chút, tuyệt đối không được để người khác nhìn thấy. Tôi tìm đến các anh cũng là vì không muốn làm lớn chuyện.

Phùng Siêu vỗ vỗ vai tôi đầy thông cảm, gật đầu nói:

- Anh hiểu mà. Ông cụ là họa sĩ nổi tiếng, chết rồi mà còn bị người khác tính sổ, chắc chắn phải có chuyện gì mờ ám ở đây. Huống hồ ông cụ lại là người nhà chúng ta, anh hứa sẽ phá vụ án này cho em.

Bàn bạc xong, chúng tôi lần lượt từng người vào sân, bạn bè họ hàng đều tưởng là bạn tôi đến viếng nên không nghi ngờ gì hết.

Tôi dẫn Phùng Siêu và mấy người kia vào phòng đặt linh cữu, nói qua tình hình với La Viễn Chinh rồi bảo anh ra ngoài canh chừng, bất cứ ai đến viếng đều cố viện lý do để thoái thác.

Khi bắt tay vào phá án, đầu óc chúng tôi cần tuyệt đối tỉnh táo, tránh để cảm xúc chủ quan lấn át, vì thế khi vén tấm màn trắng lên, mặc dù mặt ai nấy đều vô cùng kinh hãi nhưng không ai nói gì, chỉ tuần tự tiến hành quan sát hiện trường theo nhiệm vụ được phân công.

Do sẩm tối có mưa nhỏ nên dấu vết trên mặt đất chằng chịt những hình dạng khác nhau, lại bị dẫm qua dẫm lại đến biến dạng, gần như không giúp được gì cho công tác khám nghiệm. Trên bề mặt chiếc quan tài bằng kính chúng tôi thu được nhiều dấu vân tay, nhưng do có nhiều người đến phúng viếng đã chạm tay vào, nên tạm thời chưa thể phán đoán được dấu vân tay nào là của kẻ gây án để lại.

Pháp y Lưu mở hòm công cụ khám nghiệm lấy ra một chiếc nhíp, nhẹ nhàng gắp lấy một mô thịt ở chỗ vết thương, nheo mắt lại ngắm nghía một lúc lâu, cặp mày dần chau lại, tỏ vẻ rất kì lạ, nói nhỏ:

- Người chết khá gầy, lớp thịt ở lưng rất mỏng, lại dính sát vào xương, khi cắt khó tránh để lại tổn thương, mọi người xem…

Ông ta dùng chiếc nhíp kẹp một mẩu da ở rìa xung quanh, chỉ tay giải thích:

- Miệng vết cắt rất tròn trịa, giống như hình bán nguyệt, giữa các mô thịt không có nhiều màng gân bám nổi, chứng tỏ kẻ gây án thực hiện động tác rất thuần thục, chỉ lấy đi đúng một phần da. – Ngừng một lát, ông ngẩng đầu nhìn tôi – Nha đầu, ta đoán hung thủ đã sử dụng một vật gì đó giống như ống giác để hút phần da chỗ này lên, sau đó dùng dao sắc cắt theo hình tròn.

Nghe sư phụ nói vậy, tôi thấy thực sự ngạc nhiên và nực cười, theo như kết quả khám nghiệm thì hung thủ không hề có ý hủy hoại thi thể mà chỉ muốn lấy đi một phần da người. Nhưng điều khó hiểu là chúng làm như vậy với mục đích gì, lẽ nào trên lưng cậu tôi lại ẩn chứa bí mật gì sao?

Sau khi khám nghiệm hiện trường xong, tôi xin pháp y Lưu mấy chiếc khăn để lau sạch vết thương sau lưng cậu, vừa khóc vừa thề bằng mọi giá tôi nhất định sẽ tìm ra tên súc sinh thất đức kia để đền tội trước vong linh cậu.

Chúng tôi lấy vải trắng quấn lại thi thể cậu, đặt ngay ngắn rồi cùng nhau đậy nắp quan tài kính. Nhìn khuôn mặt trắng bệch an lành của cậu dưới nắp quan tài, vẫn còn đó nụ cười mãn nguyện nơi khóe môi, lòng tôi chợt đau nhói, bao nhiêu ý nghĩ đua nhau ùa về, tôi thoáng thấy có điều gì đó bất ổn, nhưng không tài nào hiểu được nguồn cơn, nhất thời không biết mình nên làm gì.

Phùng Siêu và mọi người thay nhau an ủi tôi rồi hỏi bước tiếp theo định làm gì. Tôi định thần lại, lần lượt cảm ơn họ:

- Bây giờ nửa đêm rồi, mọi người hãy về nghỉ ngơi đi. Đợi đến sáng tôi sẽ hỏi thầy cúng đã lau rửa hóa trang cho cậu, không biết chừng ông ta lại cung cấp được manh mối gì đó.

Phùng Siêu do dự đôi giây rồi gật đầu đồng ý, hỏi tôi một số câu như: Lúc đưa thi hài cậu nhập quan có những người nào chạm vào quan tài để anh gọi người đến đối chiếu vân tay; khi xảy ra vụ án, những ai có mặt tại hiện trường; khi còn sống cậu có mâu thuẫn với ai… Nếu thực sự không tìm ra được manh mối khác, chúng tôi sẽ sàng lọc từng người một.

Tôi nhăn trán, thấy chuyện này quả thực không khả thi. Lúc đó người đến viếng rất đông, đa số là bạn bè và học trò của cậu, còn có cả người từ nơi khác đến, trừ họ hàng ra, tôi gần như không quen biết ai, nếu gọi từng người đến đối chiếu vân tay, chắc chắn sẽ khiến mọi người cảm thấy khó chịu và nghi ngờ. Tuy nhiên, tôi vẫn cố nhớ ra vài cái tên, đều là những người đã giúp nhập liệm. Phùng Siêu vừa lắng nghe vừa rút bút máy ra ghi lại từng cái tên một vào sổ công tác, rồi lại hỏi cặn kẽ phương thức liên hệ của họ.

Lúc tiễn Phùng Siêu và mọi người ra ngoài, một viên cảnh sát họ Lâm trong đội đột nhiên hỏi tôi:

- Tiêu Vi, trước khi mất ông cụ có biểu hiện gì bất thường không, tôi cứ cảm thấy chuyện vô duyên vô cớ bị lóc mất một miếng da lưng có gì đó rất kì quặc.

Câu hỏi của cậu ấy như một tia chớp khiến đầu óc tôi lập tức bừng tỉnh, liên tưởng đến điều tôi dự đoán trên lưng cậu có bí mật gì đó. Lời di nguyện nhất định phải hỏa táng của cậu có phải cũng có ý muốn hủy bỏ hết những bí mật ghi dấu trên cơ thể?

Dù trong thoáng chốc nghĩ ra rất nhiều điều, nhưng không hiểu sao xuất phát từ tâm lý cẩn trọng tôi lại không hề biểu lộ ra mặt, chỉ nhẹ nhàng lắc đầu, nói mọi biểu hiện của cậu đều hết sức bình thường.

Chúng tôi bàn bạc thêm mấy câu, sau đó Phùng Siêu và mọi người cáo từ ra về. Nhìn bóng họ khuất nơi đầu phố, tôi nghĩ ngợi lung tung một lúc, lòng đầy tâm trạng. Quay người định về, bỗng nhiên chân phải tôi đá trúng một vật gì đó kêu lóc cóc.

Tôi cúi đầu nhìn xuống, thì ra là mảnh gương chiếu hậu, chắc đây là mảnh gương bị vỡ trong vụ va chạm xe lúc nãy. Tôi tiện chân đá đi chỗ khác rồi chầm chậm bước về.

Bên kia đường có một quán cơm, bên ngoài là dãy cửa sổ kéo khắc hoa, điểm xuyết những mảnh thủy tinh màu xanh lục và kim loại vàng với đủ loại hình thù khác nhau. Lúc này vừa vặn có chiếc mô-tô chạy qua, ánh đèn xe quét nhanh qua những mảnh kim loại phản chiếu tia sáng chói đến nỗi tôi thấy đau cả mắt.

Tôi nheo mắt, giơ tay định dụi nhưng ngay lập tức dừng lại. Hình như tôi vừa nghĩ đến điều gì đó, có điều những ý nghĩ đó cứ lơ lửng, tản mát khiến người ta không thể nắm bắt được bản chất của nó. Tôi đưa tay lên xoa trán, vừa bước chầm chậm về phía trước, vừa nhấm nháp lại cái cảm giác chợt hiện ra trong thoáng chốc vừa rồi.

Đột nhiên, tim tôi đập mạnh, quay người chạy nhanh đến hiện trường vụ tai nạn hồi nãy.

Sáng sớm tinh mơ, trên phố vắng tanh, chỉ có tiếng còi xe ô-tô thỉnh thoảng vọng lại và ánh sáng vàng vọt lờ mờ của những ngọn đèn đường. Vết tích của vụ va chạm xe còn sót lại là những mảnh vỡ của đầu xe và bốn vết phanh xe cháy đen đối nhau từng đôi một nằm cô đơn trên mặt đường.

Tôi ngồi xuống, dán mắt nhìn vào bốn vết phanh xe, những chi tiết của vụ tai nạn lướt qua rất nhanh trong đầu tôi. Tôi mù mờ nhận ra đây chính là màn kịch đã được dàn dựng công phu từ trước. Nhưng điều khiến tôi không thể lý giải được là vụ tai nạn ấy và cái chết của cậu tôi có liên quan gì với nhau, chẳng lẽ cậu yêu cầu đốt hết tranh cũng là…

Nghĩ đến đây, tôi bất giác rùng mình, văng một câu chửi thề “mẹ kiếp”.

Tôi lập tức rút điện thoại ra, ấn số 110 gọi công an thành phố, không chờ đầu dây bên kia kịp lên tiếng, tôi liền đi thẳng vào vấn đề:

-Khoảng tầm 11 giờ rưỡi tối, vụ tai nạn giao thông gần bệnh viện trung tâm do đội tuần tra giao thông nào phụ trách xử lý?

Tiếp điện thoại là một cô gái trẻ, cứ một mực hỏi tôi là ai, thăm dò chuyện này làm gì. Tôi đang rối cả ruột, chẳng thèm đôi co với cô ta, bèn lạnh lùng nói:

- Cô nghe rõ đây, tôi là đội phó đội trinh sát hình sự công an thành phố, Tiêu Vi.

Có lẽ đã nghe qua tên tôi, lại thấy hiển thị đầu số công an của tôi qua điện thoại, cô gái liền trở nên căng thẳng, chuyển ngay giọng điệu và liên mồm xin lỗi. Cùng lúc, phía đầu dây nghe rõ tiếng bàn phím gõ lách cách, chắc cô ta đang tra thông tin.

Rất nhanh, cô gái cho tôi biết, vụ tai nạn đó do trung đội cảnh sát tuần tra số 7 và đội tuần tra giao thông số 3 phụ trách. Theo thông tin được biết, tài xế chiếc xe cá mập đã được đưa đến bệnh viện trung tâm thành phố, hiện vẫn đang hôn mê, còn tay lái xe bán tải gây tai nạn đã bỏ trốn.

Sau khi hỏi được số điện thoại của đồng chí trung đội trưởng đội cảnh sát tuần tra số 7, tôi liền gọi cho anh ta, trực tiếp giới thiệu chức danh của mình. Đối phương vừa nghe thấy tên tôi đã giật mình, có lẽ do đây là lần đầu tiên nhận được điện thoại do đích thân đội phó đội trinh sát hình sự gọi đến nên anh ta nghi ngờ đã xảy ra vụ án hình sự nghiêm trọng nào đó.

Trung đội trưởng cho tôi biết, theo kết quả khám nghiệm hiện trường, vụ tai nạn hoàn toàn là do tài xế xe bán tải gây ra, không những lái xe ngược chiều, vượt quá tốc độ, mà khi đâm cũng không hề có động tác phanh hãm tốc độ…

Tôi vội ngắt lời anh ta, hỏi xem đã tìm thấy tài xế gây tai nạn chưa, biển số xe là ở đâu? Trung đội trưởng cho biết tên tài xế đã chạy trốn từ lâu, biển số cho thấy xe thuộc khu Hoàng Cô, Thẩm Dương, hiện đang nằm tại bãi xe của đội. Họ đã kiểm tra xe một lượt, không hề có tem kiểm định, số đăng kí hay bất kì đầu mối nào có giá trị.

Trước khi cúp máy, tôi nhẹ nhàng cảm ơn anh ta và đề nghị:

- Vụ án này được đội trinh sát hình sự tiếp quản, phiền anh ngay bây giờ hãy chỉnh lý hết toàn bộ hồ sơ, sáng sớm mai tôi sẽ cho người đến lấy.

Đứng giữa lòng đường, nhìn hiện trường vụ tai nạn xe trước mắt, tôi cố vắt óc nghĩ, trong đầu như đang phát lại toàn cảnh lúc đó. Chúng tôi đang trông coi linh cữu trong sân, bỗng nghe bên ngoài có tiếng kêu thất thanh rồi mọi người chạy hết ra ngoài xem, tay lái xe bán tải định tẩu thoát bị tôi kéo lại, tiếp sau đó một chiếc Honda màu đen lao đến, lái xe bán tải nhân lúc nhốn nháo đã chạy mất…

Tôi hít sâu một hơi. Khá thật, đúng là các chi tiết đều rất chặt chẽ, kế hoạch thực sự rất công phu.

Nếu nói thời điểm hung thủ lóc mảnh da lưng cậu là trước khi vụ tai nạn xảy ra thì e là khó có khả năng ấy, vì khi đó trong sân rất đông người, bọn chúng gần như không có cơ hội ra tay, do đó ắt phải tìm cớ để chuyển hướng tập trung của tất cả mọi người thì mới thực hiện được. Trong hoàn cảnh như vậy, cách tốt nhất chính là tạo ra một vụ tai nạn xe tưởng chừng như hết sức tự nhiên.

Gã tài xế xe bán tải cậy thế thân xe kiên cố, cố tình đâm vào chiếc xe cá mập đi chiều ngược. Chiếc xe cá mập đang đi bình thường, theo phản xạ tự nhiên sẽ phanh gấp, vì thế trên lòng đường còn in hằn dấu vết hai hàng phanh xe.

Lúc tay lái xe bán tải định chuồn đi nhưng lại bị tôi phát hiện ngăn lại, tên đồng bọn ở gần đấy lập tức lái chiếc xe Accord lao đến, gây hỗn loạn hiện trường, tạo cơ hội cho hắn tẩu thoát. Tuy chiếc Accord cuối cùng đã phanh lại, nhưng từ hai vết phanh xe đã để lại hiện trường thì chiếc xe cũng lái ngược chiều, tốc độ rất nhanh, không giống với cách lái xe thông thường vào ban đêm, như vậy động cơ của chúng đã bị bại lộ.

Bốn vết phanh xe rõ mồn một chính là một sơ hở lớn, chỉ có điều sự việc xảy ra quá đột ngột, hiện trường lại hỗn loạn, trong lúc vội vã tôi đã bỏ qua chúng.

Nghĩ đến đây tôi bất giác lắc đầu, cảm thấy thực sự khó hiểu, đám người này rắp tâm như vậy, sẵn sàng gây nguy hại đến tính mạng người vô tội chỉ để lấy đi một mảng da lưng cậu tôi, quả là không thể hiểu nổi. Giả thiết trên đúng là ẩn chứa bí mật, vậy rốt cuộc đó là bí mật gì? Tuy nhiên rất may là chiếc xe bán tải đã bị lôi về cảnh sát giao thông, tôi cũng nhớ rõ biển số xe Accord, ngày mai lần theo dấu vết để điều tra, chắc chắn sẽ rõ ngay thôi.

Nghĩ thông được tình tiết quan trọng này, tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều, đứng lên trở bước quay về.

Lúc đó đúng vào giữa hè, tuy đã nửa đêm nhưng không khí vẫn hết sức ngột ngạt, người thân bạn bè sau một ngày bận rộn đều cảm thấy khá mệt mỏi, họ ngồi chật cứng trên mấy chiếc trường kỷ ngủ gà ngủ gật.

Tôi bước vào gian đặt linh cữu, không đợi tôi mở miệng, La Viễn Chinh lập tức lao đến hỏi tôi công việc giải quyết đến đâu rồi. Tôi khẽ nói không có chuyện gì, ngày mai vẫn tiến hành hỏa thiêu bình thường, đoạn hỏi anh đã liên hệ được với bên đài hóa thân chưa.

La Viễn Chinh cho biết đài hóa thân hồi chiều đã liên hệ ổn rồi, vừa nãy bố gọi điện đến cũng bảo mẹ cứ nhắc mãi là phải lo liệu chu đáo cho cậu. Nói đoạn, anh cúi nhìn đồng hồ, tỏ vẻ buồn chán, khẽ lẩm bẩm:

- Còn mấy tiếng đồng hồ nữa là sáng rồi, cậu ơi… ôi… đến sáng mai lại để thầy liệm trang…

- Thầy liệm trang… - Tôi run bắn người, bất giác kêu lên. Thôi chết, thôi chết, tôi đã bỏ sót việc quan trọng nhất, chưa cần biết hung thủ là ai, chúng đã rắp tâm muốn đoạt được bí mật trên da cậu, vậy thì thầy liệm trang tối qua lúc tắm rửa hóa trang cho cậu chắc chắn đã nhìn thấy gì đó, và nhất định đã bị chúng giết người diệt khẩu. Mà nếu muốn làm rõ chân tướng toàn bộ sự việc thì thầy liệm trang chính là mấu chốt duy nhất để phá án.

Tôi đột nhiên hét toáng lên, tiếp đó ra sức dậm chân thình thịch khiến La Viễn Chinh ngơ ngác, anh giữ lấy tay tôi luôn mồm hỏi xem tôi bị làm sao.

Lúc này làm gì còn thời gian để giải thích chứ, tôi gạt La Viễn Chinh ra, chạy ra ngoài, tìm cậu em họ đã thuê thầy liệm trang, hỏi cậu ta địa chỉ của thầy. Cậu ta tuy không hiểu đầu cua tai nheo ra sao nhưng vẫn cho tôi biết ông thầy liệm trang tên Mã Trấn Quốc ở ngay trong một khu chung cư nhỏ gần đây.

Là vợ chồng đã nhiều năm, La Viễn Chinh đã quá quen với tính tình nóng vội của tôi, anh vội nói để anh đưa đi tìm thầy Mã Trấn Quốc. Tôi lắc đầu từ chối, vì tôi biết hung thủ nếu muốn ra tay với Mã Trấn Quốc thì chắc gì chỉ có một tên. La Viễn Chinh vốn chỉ là anh thư sinh trói gà không chặt, vật tay còn chẳng thắng nổi tôi, đến lúc đó nhỡ xảy ra chuyện, không những không giúp được gì mà ngược lại còn khiến tôi mất tập trung.

Thấy thái độ kiên quyết của tôi, La Viễn Chinh tỏ vẻ giận dỗi, hằm hằm chất vấn tôi rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, kỳ kỳ quặc quặc, đầu tiên là cậu bị lóc trộm da, giờ thì đến tôi cuống quýt đi tìm thầy liệm trang.

Tôi kéo tay anh lại cười đau khổ:

- Nói thật là hiện giờ em cũng không hiểu gì hết, nhưng chắc chắn là có chuyện rồi. Ông xã, anh cứ yên tâm ở đây, sáng mai tiễn đưa cậu còn cần đến anh lo liệu.

Nghe tôi nói vậy, La Viễn Chinh chau mày nghĩ ngợi, miệng lẩm bẩm vài câu rồi cũng miễn cưỡng gật đầu.

Tôi vừa chạy ra ngoài,vừa gọi điện cho đồng chí trực ban trong đội nói rõ địa chỉ cụ thể của Mã Trấn Quốc bảo anh ta cho người đến gấp.

Nhà thầy liệm trang Mã Trấn Quốc nằm trên đường Nghi Xương song song với đường Thượng Hải, ở giữa là chợ đầu mối hoa quả phố Tây An, không có đường xuyên qua mà phải đi vòng một vòng. Để tiết kiệm thời gian, tôi nhảy qua mấy hàng rào chắn, băng qua khu vực chợ đầy rau cỏ úa nát, cắm đầu chạy một mạch đến dưới chân cầu thang.

Đó là một tòa nhà tái định cư mới xây mười mấy tầng, sừng sững giữa những tòa nhà thấp tịt xung quanh. Lúc này vầng trăng tròn đang treo lơ lửng giữa trời, ánh trăng lạnh lẽo chiếu chênh chếch xuống, mờ mờ tỏ tỏ. Mã Trấn Quốc ở phòng số 302 tầng ba, cửa sổ phòng khách buông tấm rèm màu xanh da trời đậm, vẫn thấy thấp thoáng ánh đèn lọt ra.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, thấy may mắn là mình không đến muộn, liền với tay nhấn chuông. Thế nhưng đợi một lúc vẫn không có ai trả lời. Tôi chau mày, tay nhấn chuông liên tục.

Tiếng chuông vọng liên hồi, giữa đêm yên tĩnh nghe vô cùng chói tai.

Tôi ngẩng đầu nhìn lên, linh cảm thấy có gì đó chẳng lành, lẽ nào tôi đến muộn rồi sao, Mã Trấn Quốc bị hại rồi sao? Đang nghĩ ngợi lung tung, chợt phía sau có tiếng xe ô-tô, tôi quay đầu lại nhìn, hóa ra là các đồng chí trong đội cảnh sát đã đến.

Họ xuống xe, chụm lại hỏi tôi đã xảy ra vụ án gì. Sự tình lúc đó chưa rõ, tôi cũng không tiện giải thích gì nhiều, chỉ nói rằng nghi ngờ xảy ra án mạng trong một hộ dân tại tòa nhà này, nãy giờ gọi cửa không thấy mở, đoán có lẽ hung thủ vẫn còn ở hiện trường.

Nghe tôi nói vậy, một đồng chí lập tức rút súng trong người ra, lên đạn. Nhìn thấy súng, tôi thấy vững dạ hơn. Là cảnh sát hình sự, suốt ngày bắt người thẩm vấn có vẻ oai phong, nhưng kỳ thực gặp phải tình huống như thế này, trong tay không súng không đạn cứ cảm thấy thiếu thiếu.

Tôi đỡ lấy súng, quay lại tiếp tục nhấn chuông, vẫn không có phản ứng gì, tình hình cấp bách, tôi bắt đầu lấy chân đạp cửa. Cuối cùng, gia đình tầng một bên trái cũng bị đánh thức, sau khi đèn bếp bật sáng, một bà lão đứng bên cửa sổ quát ỏm tỏi:

- Hết chịu nổi rồi, chúng bay bị thần kinh à, nửa đêm nửa hôm rồi đấy!

Tôi thầm trách mình ngu ngốc, tại sao không sớm gọi nhà khác mở cửa chứ. Tôi đến bên cửa sổ, rút thẻ cảnh sát ra, soi đèn pin, nói là có án, phiền bà mở cửa giúp.

Nghe vậy, bà lão liền mở cửa ra, nhưng tôi không vội vào trong mà dặn đi dặn lại đồng chí canh cửa không cho bất cứ ai chạm vào tay nắm phía trong cửa. Vừa nãy do sơ ý, có thể tôi đã xóa hỏng dấu vân tay trên chuông cửa phòng 302, nhưng rất có thể dấu vết đó vẫn còn in trên tay nắm phía trong này.

Sắp xếp xong xuôi, tôi cùng mấy đồng chí nữa xông lên tầng 3. Cửa sắt chống trộm của nhà Mã Trấn Quốc mở toang, còn cửa gỗ ra vào thì khép hờ, từ khe cửa lọt ra vệt sáng màu trắng. Tôi chột dạ, toàn thân lạnh toát, xem ra tôi đã đến muộn thật rồi.

Tôi nín thở, từ từ bước đến gần, hai tay giơ súng lên ngang tai, đưa mũi chân trái ra, nhẹ nhàng đẩy cửa.

Cửa phòng vừa bật mở, ánh sáng bỗng ùa ra, đèn nê-ông trong phòng khách sáng trưng.

Cùng lúc đó, đề phòng có người tấn công bất ngờ, tôi nhanh như chớp lùi một bước, ngón trỏ giữ chặt cò súng, chĩa thẳng súng cảnh giác. Một lúc sau, thấy trong phòng không có động tĩnh gì, tôi rón rén bước lên trước, tay bám vào khung cửa ngoài, thò nửa đầu quan sát nhanh tình hình trong phòng.

Diện tích phòng khách không lớn, bài trí hết sức đơn giản, không có vật dụng gì đáng tiền, sàn nhà lát gỗ màu đỏ đã cũ còn hằn rõ vài dấu giày lấm bùn, một cây ba-toong bằng tre dựng bên giá giầy chỗ cửa ra vào.

Lúc sáng sớm tôi đã nói chuyện qua với Mã Trấn Quốc, được biết vợ ông mất sớm, con cái đều ở xa, bản thân tay chân yếu ớt nên không lúc nào rời tay khỏi chiếc ba-toong này. Tôi bất giác thở dài, đoán chắc tám chín phần đã xảy ra điều chẳng lành.

Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa muốn bỏ cuộc, khẽ hắng giọng gọi vài tiếng:

- Ông Mã Trấn Quốc, ông Mã Trấn Quốc…

Bóng đèn cảm ứng âm thanh dọc hành lang bật sáng phía sau lưng tôi, nhưng trong phòng vẫn lặng yên như tờ.

Tôi lập tức đổi giọng, vẫy tay trái ra hiệu cho mọi người tiến vào trong. Chúng tôi bước qua vết giày chỗ cửa ra vào, nhón chân tiến về phía phòng ngủ.

Cánh cửa phòng ngủ mở toang, trong phòng không có một ai, một chiếc khăn lông màu vàng nhạt vứt bừa dưới chân giường, trên gối vẫn còn hằn nếp nhăn. Xem ra Mã Trấn Quốc đã bị dựng dậy khi đang ngủ say, vừa mở cửa thì bị bắt đi. Kết hợp với dấu giày lấm bùn vẫn còn chưa khô ở cửa ra vào, chắc chắn sự việc vừa mới xảy ra thôi.

Nhìn chằm chằm hiện trường trước mắt, tôi giơ tay đấm thẳng vào cửa, vừa tức giận nguyền rủa lũ khốn khiếp vừa tự trách mình không sớm nghĩ đến tình huống này, khiến cho một ông già gặp phải tai bay vạ gió. Hơn nữa, một khi Mã Trấn Quốc mất tích thì cũng rất đồng nghĩa với việc tôi không còn cơ hội để tìm hiểu phía sau lưng cậu tôi rốt cuộc ẩn giấu bí mật gì.

Thấy thần thái bất thường của tôi, các đồng chí trong đội cũng không tiện hỏi nhiều, tất cả lùi ra ngoài, để lại một mình tôi với cơn bực tức âm ỉ trong lòng.

Mấy phút sau, đồng chí cảnh sát phụ trách kỹ thuật đến nơi, tôi cố lấy lại tinh thần, ra lệnh cho mọi người tiến hành thu thập dấu vân tay và dấu giày ở những vị trí liên quan. Kết quả khám nghiệm sơ bộ cho thấy: Dấu giày trên nền nhà là của hai người, dựa vào hình dáng, kích thước có thể phán đoán chúng đều là nam giới. Còn tay nắm cửa dưới cầu thang đó có kết cấu xoắn trôn ốc nên dấu vân tay thu thập được bị khuyết, về cơ bản không có giá trị điều tra.

Với suy nghĩ còn nước còn tát, tôi tiếp tục dò hỏi hai gia đình hàng xóm cùng tầng. Giữa đêm hôm khuya khoắt có cảnh sát đến tìm tra vấn, họ chỉ ậm ờ nói không nhìn thấy gì rồi đóng sầm cửa lại.

Kết thúc việc điều tra cũng đã gần năm giờ sáng, trời đã hưng hửng sáng. Tôi sực nhớ ra việc thi thể cậu cần phải được ngụy trang lại trước khi đưa đến nhà hóa thân, mà Mã Trấn Quốc giờ này sống không thấy người chết không thấy xác, vậy phải ăn nói thế nào với mọi người đây. Tôi lo lắng cuống quít, nhất thời chẳng thể nghĩ tiếp được gì, bất đắc dĩ đành để các đồng chí trong đội quay về làm án trước rồi sau này sẽ điều tra tiếp.

Lòng nặng trĩu, tôi quay bước trở về cái sân nhỏ, tìm cậu em họ, cố dùng những lời lẽ khéo léo nhất thông báo cho cậu ta về vụ mất tích của Mã Trấn Quốc. Mới nghe được một nửa chuyện, cậu ta đã giậm chân thình thịch, liên mồm oán thán:

- Hỏng rồi hỏng rồi, chị họ ơi chị hại chết em rồi! Mã Trấn Quốc là thầy liệm trang nổi tiếng nhất Cẩm Châu, đã nghỉ hưu bao năm rồi, nể tình em là bạn học với con trai nên ông ta mới đến giúp không công, giờ thì lớn chuyện rồi.

Tôi thấy có lỗi quá, tất cả đều do mình sơ ý mà để xảy ra chuyện, chỉ biết đành lựa lời an ủi cậu ta, nói rằng vụ án đang gấp rút điều tra, trước mắt cố gắng không tiết lộ chuyện này ra ngoài, và phải nhanh chóng tìm thầy liệm trang khác đến giúp. Cậu ta nhăn nhó nghĩ ngợi hồi lâu, cuối cùng thở dài, nói:

- Thì cũng đành vậy thôi.

Tôi tìm đến chỗ La Viễn Chinh, thuật lại chuyện vừa xảy ra, đồng thời cũng nói hết những suy đoán của tôi. La Viễn Chinh trợn tròn mắt, ngớ người một lúc lâu rồi mới hỏi xem tiếp theo tôi định làm gì. Tôi thực sự cũng chưa nghĩ ra được gì, nên lắc đầu, nói mình cũng chưa biết tính thế nào, đành đi một bước tính một bước vậy.

Cả đêm không ngủ khiến tôi thấy quá đỗi mệt mỏi, đầu đau như búa bổ. Tạm gác một bên mớ suy nghĩ bòng bong trong đầu, tôi ngồi xuống chiếc trường kỷ chợp mắt một lúc, loáng một cái đã đến giờ làm lễ tiễn đưa cậu.

Vì đã kịp mời thầy liệm trang khác đến sửa soạn cho cậu nên buổi lễ diễn ra khá suôn sẻ. Dưới sự chứng kiến của người thân bạn bè, theo phong tục đưa ma, cậu mặc chiếc áo thọ, thanh thản nằm bên trong chiếc quan tài do mười sáu thanh niên trai tráng trong họ khiêng.

Đám phu khiêng quan tài bước nhanh trên con phố lớn, con cháu họ hàng thắt khăn tang trắng xóa ngang lưng theo sát phía sau, liên tục vái lạy, gào khóc lạc cả giọng, thể hiện nỗi tiếc thương tiễn đưa người thân đi xa mãi. Khi đoàn người đưa tang đến gần trạm xăng trên đường Cẩm Triều – vùng giúp ranh với ngoại ô, theo kế hoạch đã định sẵn, chúng tôi đưa chiếc quan tài lên ô-tô chở đến đài hóa thân Mạo Sơn.

Nhìn thi hài cậu bị đẩy vào lò thiêu, lòng tôi đau đớn tột cùng, nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má, hình ảnh trước mắt nhòa đi, đầu óc rối bời. Rồi đây trong tích tắc nữa cậu tôi sẽ chỉ là nắm tro, thế nhưng bí mật mà cậu đến chết cũng phải cất giấu đó rốt cuộc là gì chứ?

Tôi thoáng có linh cảm chẳng lành, chiếc xe bán tải và chiếc xe Accord ở hiện trường vụ tai nạn chưa chắc đã cung cấp được đầu mối gì, bởi với sự tinh vi của hung thủ, rất có thể biển số xe đều là giả.

Từ đài hóa thân bước ra, tôi không kịp nói với người nhà câu nào đã vội vàng đến đồn cảnh sát để tiếp tục triển khai vụ án. Phùng Siêu và mấy anh em trong đội cảnh sát giao thông cũng đã giúp rất nhiều. Thực tình, lợi dụng nhân lực của công an để điều tra chuyện riêng khiến tôi thấy ngài ngại.

Sau hơn một tuần lễ theo sát cuộc điều tra, mọi biện pháp có thể áp dụng hầu như đã áp dụng hết, quả nhiên không ngoài dự đoán của tôi, biển số xe bán tải và xe Accord đều là giả, số máy và số khung đều đã bị làm mòn, gần như không thể điều tra ra nguồn gốc xe. Tôi đã nhờ một số bạn học ở sở Công an Thẩm Dương giúp điều tra thêm nhưng cuối cùng vẫn không tìm ra manh mối gì. Việc Mã Trấn Quốc đột ngột bị bắt đi trong đêm cùng việc cậu tôi bị lóc trộm mảng da chắc chắn rất khó để tìm ra.

Thấy kết quả điều tra như vậy, tôi thực sự nản chí, lẽ nào mọi việc sẽ kết thúc như thế này sao?

Ngoài La Viễn Chinh, những người thân trong gia đình đều không hề biết chuyện này, tôi cũng không định nói cho mọi người biết. Nếu thực sự không điều tra được gì hơn thì thà để bí mật này chôn chặt trong lòng tôi còn hơn là để những người thân khác phải đau khổ như tôi bây giờ.

Tối hôm đó, tan làm về đến nhà, tôi chưa kịp cởi giầy thì La Viễn Chinh lao từ trong bếp ra, trên người vẫn còn đeo tạp dề, hỏi dồn một câu:

- Em còn nhớ lời trăng trối của cậu trước lúc nhắm mắt không, không những cậu yêu cầu chúng ta không được nói với bất kỳ ai, mà còn bắt đốt hết tất cả tranh trong nhà. Em nói xem, những bức tranh đó liệu có liên quan gì đến chuyện này không?

Tôi ậm ừ trong miệng, day day huyệt thái dương rồi mới trả lời chồng:

- Điểm này em đã nghĩ đến từ lâu rồi, nếu cậu thực sự muốn giấu bí mật gì đó, thì ngoài việc giấu một phần trên chính cơ thể mình, phần còn lại chắc sẽ nằm ở trong những bức tranh, chúng ta nên sắp xếp thời gian xem sao.

La Viễn Chinh chăm chăm nhìn tôi, do dự hồi lâu mới chậm rãi nói:

- Vậy tốt nhất em nên nhanh chóng điều tra, mẹ cứ nhất định đòi đốt hết những bức tranh đó đấy.

Do ông bà ngoại mất sớm, cậu tôi lại không có vợ con gì, nên người duy nhất có quyền thừa kế trong gia đình chính là mẹ tôi, quyền cất giữ những bức tranh đó đương nhiên cũng thuộc về bà. Tuy rất nhiều người tỏ ý tiếc nuối, khuyên nhủ không nên đốt chúng đi, hoặc ít nhất cũng nên hiến tặng cho nhà nước, nhưng mẹ tôi vẫn quyết giữ chính kiến của mình, không nghe lời bất cứ ai, còn giấu luôn cả chìa khóa nhà cậu. Vì việc này tôi đã nhiều lần tranh cãi với bà, có lần hai mẹ con còn cãi nhau to, nhưng kết quả nhận được vẫn chỉ là một chữ: Đốt!

Không còn cách nào khác, đành phải đốt hết vậy! Tôi buông xuôi, trong lòng thầm xin lỗi cậu, có thể bí mật đó mãi mãi không có cách nào để giải mã.

Tôi còn nhớ hôm đốt các bức tranh là ngày Chủ nhật, mây đen vần vũ, gió thổi ầm ào, dự báo thời tiết nói có mưa, nhưng mãi vẫn chưa có giọt mưa nào. Hơn bảy giờ sáng, tôi và La Viễn Chinh ăn sáng xong, lái xe đón bố mẹ đi đến ngôi nhà cũ của cậu. Mọi người im lặng gỡ những bức tranh mà cậu sáng tác và sưu tầm khi còn sống, xếp đầy chặt mấy bao tải dứa. Có ba bức sơn dầu kích thước lớn, không vừa với bao tải nên chúng tôi bọc qua một lớp báo rồi dùng dây chằng lại. Chúng tôi bỏ tất cả tranh vào cốp rồi lái xe đến một bãi đất trống thuộc ngoại ô thành phố.

Tôi và La Viễn Chinh quây vài viên gạch vỡ thành vòng tròn rồi xếp cành khô, rơm rạ vào giữa, sau đó tưới xăng lên. Chính tay mẹ tôi bật diêm, ngọn lửa gặp những chất dễ cháy nhanh chóng bùng lên.

Ngọn lửa cứ thế cháy bùng trong vòng gạch quây, hơi nóng tỏa ra rát cả người cùng những tiếng nổ lách tách khi mẹ tôi vừa khóc vừa ném từng bức tranh vào vòng gạch. Chúng tôi thẫn thờ nhìn những tập tranh oằn mình trong ngọn lửa, từ từ cuộn tròn lại, tàn giấy lả tả bay lên không trung, lượn vài vòng rồi cuốn đi theo gió.

La Viễn Chinh nhích lại gần tôi, khẽ than thở tiếc nuối:

- Đốt một bức là mất mấy triệu bạc đấy!

Tôi khoanh tay, khẽ gật đầu, trong lòng dâng lên một cảm giác khó tả, cứ thế nhìn chăm chăm vào đống lửa, lặng thinh không nói.

Ngọn lửa cháy mải miết hơn một tiếng đồng hồ, giữa vòng gạch quây đã chất một lớp tro khá dày, tranh của cậu đã vơi gần hết, chỉ còn lại ba bức sơn dầu khá to.

Tôi và La Viễn Chinh khênh chúng ra, chuẩn bị ném vào đống lửa. Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy góc báo bọc bức tranh sơn dầu bị toạc một đường khá dài, chắc là do bị dây thép trong cốp xe cào rách, để lộ ra mảng tranh hết sức sặc sỡ.

Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, mọi việc trên thế giới này thật kỳ diệu. Chỉ một chút sai lệch ban đầu cũng đủ để sự việc sau này thay đổi theo chiều hướng hoàn toàn khác. Có thể nói như vậy, vì số phận của tôi đã hoàn toàn thay đổi bởi khe rách trên tờ báo ngày hôm đó.

Lúc đó, khi nhìn thấy khe rách, tôi bất giác dừng bước, theo phản xạ tự nhiên, tôi xé tờ báo ra, ngắm nghía thật kỹ bức tranh, khi hiểu được hết bức tranh tôi thấy thực sự chua xót.

Sinh thời cậu tôi có hai việc đắc ý: Việc thứ nhất là năm lớp Mười hai, bất chấp ông bà ngoại phản đối, cậu kiên quyết thi vào Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn, rồi bằng sự phấn đấu nỗ lực của bản thân, cậu gặt hái được nhiều thành công về sau. Việc thứ hai là năm 1986, cậu trở thành họa sĩ trẻ tuổi nhất tham gia cuộc thi sáng tác tranh panorama với bức Cuộc tiến công Cẩm Châu hiện đang trưng bày tại nhà tưởng niệm chiến dịch Liêu Thẩm – Cẩm Châu.

Nhất là chuyện tham gia sáng tác tranh panorama, cậu tôi vô cùng tự hào, coi đó là niềm vinh dự cả đời, về sau cậu đã sao chép bức tranh theo tỉ lệ thu nhỏ, thành một tác phẩm sơn dầu, treo chính giữa phòng khách, hàng ngày vuốt ve lau chùi như vật báu.

Vừa nhìn thấy bức tranh này, nụ cười của cậu lập tức chợt hiện về trong tâm trí tôi. Còn nhớ hồi nhỏ mỗi lần đến nhà cậu chơi, cậu rất thích bế tôi đứng trước bức tranh sơn dầu ấy ngắm nghía thật lâu.

Nghĩ đến đây, tôi bỗng bừng tỉnh, đưa mắt ra hiệu cho La Viễn Chinh đem bức tranh đến trước mặt mẹ với hi vọng sẽ làm bà động lòng. Mẹ tôi thẫn thờ ngắm bức tranh, nước mắt lăn dài, khóc không thành tiếng nhưng vẫn cắn chặt môi, kiên quyết nói:

- Đốt! Đốt hết!

Tôi thở dài, xem ra cơ hội cuối cùng cũng chẳng còn, đành cùng La Viễn Chinh khiêng bức tranh vứt vào đống lửa.

“Bịch!” bức tranh khổng lồ bị ném vào đống lửa, tàn lửa và bụi tro bay tung tóe khắp nơi, chúng tôi đều giật lùi lại theo phản xạ, nhưng không ngờ mẹ tôi chợt lao vào như người điên, bất chấp ngọn lửa đang bùng cháy dữ dội, bà vội lôi bức tranh ra khỏi đống lửa.

Chúng tôi sững người, vội chạy lại, bố tôi giật lấy bức tranh vứt xuống đất, xoa tay mẹ, hỏi dồn bà làm như vậy là có ý gì.

Mẹ tôi chẳng nói chẳng rằng, chỉ từ từ quỳ xuống, lấy tay áo dập tàn lửa trên bức tranh, mân mê từng mảng màu trên đó, nước mắt rơi lã chã, mãi lâu sau mới nói:

- Thôi, hãy để lại bức này đi, dù sao nó cũng là tâm huyết của cậu con, cũng là để chúng ta giữ lại chút kỉ niệm về cậu.

Nói đoạn, bà đứng dậy, khẽ dựa vào vai bố khóc thút thít. Thấy thái độ của mẹ đột ngột thay đổi, tôi thấy rất vui, liền nhanh chóng đem bức tranh đó cất trở lại vào trong xe, sau đó cùng La Viễn Chinh khênh hai bức tranh còn lại ném vào đống lửa.

Tôi và La Viễn Chinh lái xe đưa bố mẹ về rồi cả nhà cùng nhau ăn bữa tối. Mẹ tôi gà gật trong suốt chiều về, vì thế bà chỉ ăn qua loa nửa bát rồi đòi về phòng nghỉ ngơi, xem ra mấy ngày nay mẹ thực sự quá mệt mỏi rồi. Sau khi hỏi han bố vài câu, tôi và La Viễn Chinh liền đem theo bức tranh sơn dầu đó tạm biệt bố ra về.

Trên đường về, La Viễn Chinh vô cùng phấn khích, luôn miệng nói rằng sống chết phải giữ lại bức tranh này, nếu khám phá ra bí mật thì tốt, còn nếu không thì cũng coi như báu vật gia truyền, đợi khi có con, chưa biết chừng có thể bán được mớ tiền, đủ mua một căn nhà to.

Tôi mỉm cười trêu chồng đúng là kẻ mê tiền, nhưng trong bụng lại cứ đoán già đoán non, liệu cậu có thực sự lưu giữ bí mật trên bức tranh này không?

Vừa bước vào nhà, chưa kịp cởi giày, tôi liền vội vàng đặt bức tranh lên ghế sô-pha, dựng ngay ngắn.

Bức tranh dài khoảng 150 cen-ti-met, rộng 70 cen-ti-met, đóng trong khung gỗ màu nâu sẫm, do được bảo quản cẩn thận nên vẫn giữ được màu sắc tươi sáng, cũng không hề bị sứt mẻ gì.

Bức tranh mô tả cuộc tấn công của chiến quân Đông Bắc vào trung tâm thành phố Cẩm Châu trong chiến dịch Liêu Thẩm. Phần nền là những căn nhà dân thấp bé tồi tàn, xa xa là tháp cổ Cẩm Châu nguy nga sừng sững, khói cuộn đen kịt khắp nơi; các chiến sĩ tay cầm súng, vượt qua mưa bom bão đạn luồn lách qua những con phố, quang cảnh vô cùng hùng tráng. Mặc dù có rất nhiều nhân vật với những tư thế khác nhau trong bức tranh, nhưng khuôn mặt họ đều hết sức sinh động, hệt như người thật; nhìn cảnh họ gào thét giận dữ, cảm giác như có thể nghe thấy từng đợt hô vang “Giết!”

Ngắm nhìn hồi lâu cũng không biết tại sao tôi lại có cảm giác bức tranh này còn đẹp hơn cả cảnh thật, có thể là do tôi quan sát ở cự ly gần chăng?

Tôi và La Viễn Chinh mở to mắt ngắm đi ngắm lại hồi lâu, ngoài việc càng nhìn càng thấy kĩ thuật vẽ tranh của cậu cao siêu tuyệt đỉnh thì chẳng nhận ra thêm được điều gì. Hai vợ chồng liền quay ra bàn nhau xem nên treo bức tranh ở đâu.

La Viễn Chinh vò đầu, ngắm nhìn xung quanh rồi đề nghị treo trên bức tường đằng sau ghế sô-pha. Tôi nhìn ra, thấy treo ở vị trí đó cũng khá đẹp.

Hai vợ chồng hạ bức ảnh cưới trên tường xuống, tìm vị trí thích hợp, treo bức tranh lên, sau đó còn cẩn thận đóng thêm mấy chiếc đinh nữa ở phía dưới để đỡ bức tranh cho chắc chắn.

Treo xong bức tranh, La Viễn Chinh lùi lại phía sau chỉ đạo, còn tôi đứng trên ghế sô-pha chỉnh cho bức tranh thật cân đối. Lúc ghé sát bức tranh, tôi không những quan sát rõ hơn mà còn ngửi thấy cả mùi sơn dầu hăng hắc trên bức tranh nữa.

Đột nhiên, tôi phát hiện ra một điều kì lạ!

Lúc trước tôi đã nói, bức tranh diễn tả cảnh các chiến sĩ vượt qua các con phố để chiến đấu với kẻ thù. Nhưng lúc này khi ghé sát vào bức tranh, tôi chú ý đến góc trên cùng bên trái bức tranh có bốn chiến sĩ đơn độc tách khỏi đội quân, tay nắm chặt khẩu súng, đứng trước cửa ngôi nhà mái bằng phía ngoài Cổ Tháp, trông giống như đang định đẩy cửa bước vào. Trong đó có một chiến sĩ quay đầu lại, nhìn thẳng về phía ngoài bức tranh.

Ánh mắt đó hết sức lạ lùng, tôi không biết cậu tôi đã dùng kỹ xảo hội họa nào để lột tả chi tiết đấy, chỉ biết rằng dù di chuyển ở góc nào thì ánh mắt của người chiến sĩ đó vẫn hướng về phía tôi, cứ như đang chăm chăm nhìn vậy. Đặc biệt, vẻ mặt của anh ta rất lạ, miệng hơi há ra, lông mày nhíu chặt lại, vừa như kinh ngạc vừa như mơ hồ.

Tôi bật kêu lên một tiếng, tay trái xoa xoa cằm, cảm thấy thực sự hiếu kì, tôi từ từ đứng thẳng người lên, lùi ra phía sau, ngắm nghía kỹ hơn nữa. Càng ngắm tôi càng thấy thú vị, sao cậu có thể vẽ giống đến thế, trông hệt như người thật vậy.

Thấy tôi đứng nghệt mãi, La Viễn Chinh lại gần, nhẹ nhàng vòng tay ôm lấy eo tôi hỏi có chuyện gì. Tôi chỉ tay về phía chiến sĩ trong tranh nói:

- Ông xã à, anh thử nhìn người chiến sĩ kia xem, sao mà vẽ… vẽ… Nói đến đây, tự nhiên tôi ấp úng mãi không tìm ra từ ngữ nào diễn tả cho thích hợp.

La Viễn Chinh tiến tới gần, nhoài đầu lên phía trước ngắm nghía. Bỗng nhiên người anh lảo đảo, hai tay bám chặt thành sô-pha, run rẩy lắp bắp:

- Này, người… người này… sao… sao mà giống… giống cậu em thế?

Nghe anh nói vậy, tôi sững người, nhưng rồi ngay lập tức tỉnh táo lại, trong lòng lúc bấy giờ dấy lên một cảm giác kinh ngạc đến khó tả. Chẳng trách tôi cứ cảm thấy nó thật đến thế, hóa ra người chiến sĩ ấy chính là hình ảnh của cậu tôi hồi trẻ. Giống từ mắt mũi mồm miệng đến vóc dáng, gần như không có gì khác biệt. Nhất là nét biểu cảm lạ lùng trên mặt cậu, rất giống hình ảnh cậu tôi lúc chăm chú ngắm những bức tranh sơn dầu hồi nhỏ.

Tôi vội tiến lên trước, cố vươn cổ ra nhìn, tim đập thình thịch. Thường ngày cậu tôi luôn nghiêm túc với tất cả mọi người, càng không bao giờ xuề xòa qua loa với những sáng tác nghệ thuật, vậy tại sao cậu lại nghĩ ra trò đùa này, vẽ chính mình vào tranh chứ?

La Viễn Chinh chợt “á” lên một tiếng, sau đó vỗ mạnh vào vai tôi, chỉ vào chiến sĩ đó nói với vẻ phấn khích:

- Này, anh biết rồi, cậu em cứ một mực đòi đốt hết tất cả tranh đi, nhất định là vì điều này, ông đã tự vẽ mình vào tranh, như vậy bức tranh mà chúng ta cần tìm chính là bức này đây.

Tôi nghĩ một lúc, khẽ gật đầu, dự đoán của anh hoàn toàn trùng với suy nghĩ của tôi. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi khoanh chân ngồi xuống đất, nghiêng đầu, dùng tay bóp bóp cái cổ mỏi nhừ của mình, nghi ngờ nói:

- Lẽ nào… lẽ nào một phần bí mật… chính là nằm trong bức tranh này…

- Đúng! – La Viễn Chinh ngắt lời tôi, giọng đầy chắc chắn – Đúng vậy, nhất định là như vậy.

Nói rồi, anh quay người đi, giơ tay ra sờ vuốt bức tranh. Lúc đó, do lưng của La Viễn Chinh che khuất hoàn toàn tầm nhìn, nên tôi không nhìn rõ động tác tay của anh. Bỗng nhiên, vai anh chợt rung rung, sau đó thét lên kinh hãi:

- Trời ơi…

Chưa kịp để tôi phản ứng, La Viễn Chinh cứng đờ người quay lại nhìn, mặt tái nhợt vì kinh hãi, giọng nói cũng lạc cả đi, lắp ba lắp bắp mãi:

- Này, em… em… sờ… sờ vào người… người chiến sĩ này…

Thấy bộ dạng hồn siêu phách lạc của anh, tôi không nén nổi tò mò, tiến lại gần bức tranh, rồi đưa tay phải ra sờ hình ảnh người chiến sĩ giống hệt cậu tôi. Một cảm giác hoàn toàn khác biệt với cảm giác thường gặp trên chất liệu sơn dầu thông thường, không thô ráp, trái lại vô cùng mềm mịn, nhẵn bóng, thậm chí còn có cảm giác mềm mềm, có cái gì đó vô cùng quen thuộc, giống như…

Trong thoáng chốc, tim tôi thắt lại, và một cảm giác gì đó vô cùng kì lạ đang chiếm hữu tâm hồn tôi. Tôi run run đưa tay trái lên vuốt nhẹ má mình. Vừa chạm vào da thịt, đầu ngón tay tôi chợt tê dại.

Trời ơi! Sao lại giống nhau đến vậy, chỉ có nhiệt độ là khác biệt. Hình như tôi vừa chạm phải mảnh da người!

Phát hiện này quá hãi hùng, khiến tôi trở nên u mê, choáng váng, người mềm nhũn đến độ gần như không đứng vững được nữa. Tôi lùi sau mấy bước, vịn vào giá sách bên cạnh, nghẹn nuốt nước bọt, quay đầu nhìn La Viễn Chinh. Lúc đó anh cũng đang mở to mắt nhìn tôi chằm chằm.

Mất một hồi lâu, cả hai chúng tôi chẳng nói chẳng rằng, cũng không động đậy gì, chỉ chăm chú nhìn về phía người chiến sĩ, trên mặt cả hai đều hiện rõ vẻ khó hiểu và ngờ vực.

Cũng chẳng biết sau bao lâu, tôi mới định thần lại được, quay sang vừa thở hổn hển vừa gượng cười với La Viễn Chinh, líu ríu thốt ra một câu qua kẽ răng:

- Chúng… chúng mình có phải đã sờ nhầm rồi không?

La Viễn Chinh vội gật đầu như một cái máy, nói:

- Đúng, đúng, em… em sờ lại… sờ lại xem, nhất định là sờ nhầm rồi.

Thấy cách anh nói rõ ràng là dối lòng, tôi có thể khẳng định chắc chắn đó chính là một mảnh da người.

Chúng tôi người này giục người kia cùng đưa tay ra chạm vào anh chiến sĩ một lần nữa, quả đúng là da người thật. Sau đó tôi và La Viễn Chinh chạm tay vào ba chiến sĩ còn lại thì thấy bề mặt thô ráp sần sùi, một cảm giác điển hình của những hạt sơn kết lại trên chất liệu linen[1].

[1] Chất liệu dùng để vẽ tranh sơn dầu.

Chướng ngại tâm lý cuối cùng đã được đẩy lùi, tôi và La Viễn Chinh ngồi ngây dại trên ghế sô-pha. Tôi gõ mạnh vào trán, nhìn chồng thất thần, khẽ nói:

- Là da người, xem ra cậu…

La Viễn Chinh đột nhiên nhảy chồm chồm, hai tay khua khoắng lung tung, trông vô cùng kích động. Anh gập người xuống, túm chặt lấy vai tôi, mắt sáng bừng, reo to:

- Này, chúng ta không sờ nhầm đâu, cũng không đoán nhầm đâu. Bí mật của cậu đúng là nằm trong bức tranh này rồi.

Tôi thở dài, lắc đầu quầy quậy, không thể dễ dàng khẳng định như vậy, điều này quá hoang đường, chả khác gì như trong tiểu thuyết.

Nghĩ một lúc, tôi đứng bật dậy xông vào nhà bếp, lục tìm chiếc kính lúp trong thùng đồ rồi quay lại chỗ bức tranh, cắm mặt soi kỹ từng cen-ti-met.

Dần dần tôi lại phát hiện thêm những điểm hết sức khó hiểu.

Người chiến sĩ đó được vẽ ở khoảng giữa bức tranh, cao chừng 5-6 cen-ti-met, trông hết sức hài hòa với cảnh vật xung quanh. Nhưng nhìn kỹ lại, thì phát hiện có một khe nối nhỏ khó nhận ra ở rìa xung quanh.

Tôi lấy đầu ngón tay nhấm ít nước bọt, xoa đi xoa lại lên đường rìa. Tuyệt nhiên không bị phai màu. Xem ra màu sắc của người chiến sĩ trong bức tranh không phải được sơn vẽ sau đó mà chính là mảnh da có màu sắc tự nhiên.

Tôi lau ngón tay vào áo, sau đó kéo La Viễn Chinh ngồi xuống đất, ngắm nhìn bức tranh, rồi từ từ nói:

- Sau lưng cậu…

La Viễn Chinh bất ngờ ngắt lời tôi và nói:

- Sau lưng cậu có hình xăm, cậu đã lóc lấy mảnh da đó để ghép thành hình người chiến sĩ này. Còn về di chúc, cái mà cậu muốn tiêu hủy chính là mảnh da người cất giấu trong bức tranh này.

Tôi day trán suy nghĩ một hồi rồi khẽ gật đầu. Hiện tại chỉ có suy luận như thế là hợp lý nhất. Có thể do sợ người khác phát hiện ra bí mật gắn kết giữa mảnh da trên cơ thể và bức tranh nên lúc hấp hối cậu mới kịch liệt yêu cầu phải được hỏa táng và đốt hết các tác phẩm của mình.

Tuy nhiên có một điều tôi vẫn không thể hiểu nổi, đó là tại sao cậu tôi lại lấy da người chèn vào tranh như vậy. Hơn nữa ngoài ánh mắt và biểu cảm khác lạ của người chiến sĩ ra thì tôi chẳng tìm thấy điểm gì đặc biệt trong mảnh da người nho nhỏ đó nữa. Sao cậu tôi lại coi trọng nó đến thế? Nếu cậu tôi tự lóc mảnh da của mình thì sau lưng chỉ còn lại vết sẹo, vậy tên hung thủ giấu mặt kia sao lại nhất định phải ra tay hủy hoại thi thể của cậu chứ, điều này hoàn toàn không cần thiết. Và cả việc bắt cóc thầy liệm trang Mã Trấn Quốc cũng lại là một động tác thừa.

Với những điểm nghi vấn đó, tôi và La Viễn Chinh đã suy luận cả nửa ngày trời, liệt kê một loạt những khả năng có thể xảy ra, nhưng sau khi phân tích kĩ càng thì tất cả các khả năng đều lần lượt bị loại bỏ, rốt cuộc vẫn chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng cho việc này.

Loáng một cái đã hơn ba giờ sáng, cả hai vợ chồng đều ngáp ngắn ngáp dài, mắt díu chặt lại, đành đem một bụng nghi ngờ chìm vào giấc ngủ.

Trong giấc ngủ, những hình ảnh chập chờn xuất hiện trong đầu như bật slide trình chiếu trước mắt, toàn những cảnh máu me đủ kiểu, lúc thì là vết thương kinh dị, lúc lại là mảnh da người bê bết máu, cuối cùng hình ảnh cậu hiện lên, mặt mày tím tái, hai mắt đỏ ngầu, hoa chân múa tay, kêu gào thảm thiết: “Đốt hết… đốt hết… đốt hết…”

Tôi hét lên kinh hãi, mắt mở trừng trừng, tim đập dồn dập, toàn thân vã mồ hôi, tiếng kêu gào thảm thiết cứ văng vẳng bên tai. Quay ra nhìn mặt trời đã chiếu qua cửa sổ, trời đã sáng hẳn. La Viễn Chinh nằm bên cạnh ngoẹo đầu sang nhìn tôi, mắt đỏ vằn, xem ra cả đêm qua chắc anh ngủ cũng không ngon giấc.

Đáng răng rửa mặt xong, ăn vội vài miếng bánh mì chấm sữa, tôi lại quay ra ngắm nghía nghiên cứu bức tranh.

Để nhanh chóng tìm ra bí mật trong bức tranh, tôi lấy tuốc-nơ-vít tháo rời khung tranh và tấm chắn sau bức tranh thì phát hiện ra vị trí người chiến sĩ quả nhiên bị khoét rỗng, thay vào đó là miếng da có màu vàng sẫm, chắc chắn đã qua xử lý, rìa xung quanh giống như dùng loại keo trong suốt để gắn chặt với bức tranh.

Tôi do dự hồi lâu, cuối cùng cũng quyết định lấy kéo lách theo khe hở để cắt hình người ra, vò nhè nhẹ trong lòng bàn tay.

Nhìn khuôn mặt người chiến sĩ biến dạng, mồm cũng lệch theo, tự nhiên tôi thấy rất sợ hãi nhưng vẫn có linh cảm như cậu đang muốn nói chuyện gì đó với mình.

Tôi và La Viễn Chinh lại tiếp tục ngồi nghiên cứu miếng da người đầy nghi vấn này, và rồi hai vấn đề chợt lóe lên: Trước đây cậu từng nói, bức tranh này được sao chép lại từ nguyên bản trong phòng tranh panorama, vậy bức tranh panorama kia liệu có tồn tại nhân vật giống như cậu không? Một vấn đề nữa là đến hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thể khẳng định được đây có thực là mảnh da được lấy từ cơ thể cậu không, do đó cần tiến hành giám định thêm.

Vốn tính nóng vội, tôi bắt La Viễn Chinh lấy máy ảnh kỹ thuật số chụp lại toàn bộ bức tranh và mảnh da nhỏ rồi lập tức đến nhà tưởng niệm chiến dịch Liêu Thẩm để điều tra kiểm chứng; còn tôi thì đến căn nhà cũ của cậu, tìm kiếm một vài thứ còn sót lại như sợi tóc, móng tay… đem đến phòng thí nghiệm của sở cảnh sát để đối chiếu với mẫu da đang lưu trữ.

Lúc chia tay ở cổng khu chung cư, La Viễn Chinh cứ chần chừ không muốn lên xe, anh kéo tay tôi, ấp a ấp úng nói:

- Này, thực ra tối qua… anh trằn trọc suốt cả đêm, anh cứ cảm thấy chuyện này… chuyện này quá ư… giống như… giống như…

Anh liên tục nhấn mạnh mấy từ “giống như” mà mãi vẫn không nói ra được giống như cái gì, cuối cùng anh dậm mạnh chân, thở dài một tiếng rồi quay người lên xe.

Tôi hiểu ý chồng, chắc chắn anh định nói chuyện này quá ư kỳ lạ, hình như đang rình rập mối nguy hiểm gì đó; nhưng lại hiểu rõ tính cách của tôi, chưa làm rõ chuyện thì chưa bỏ cuộc nên anh mới có thái độ ngập ngừng như vậy.

Nhìn chiếc xe lao vút đi, mất hút trong dòng xe đông đúc, tôi bỗng thấy lòng trĩu nặng điều gì đó thật khó diễn tả, cảm giác đó giống như dải lụa mềm giăng giăng trước mắt, tựa có tựa không, giăng mãi trong đầu tôi, cảm giác với tay có thể chạm tới nhưng lại không thể nào bắt được.

Mãi đến tận sau này, tôi mới hiểu rõ cảm giác lúc đó là gì, tiếc rằng mọi thứ đã quá muộn, số phận của nhiều người cũng vì thế mà có những thay đổi không thể khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.