Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông

Chương 58: Chương 58: Chương 57




Nguyên Tứ Nhàn áy náy, thực không nhẫn tâm đuổi Từ Thiện như vậy, bèn vội ngăn y lại:

– Tiên sinh nói gì thế, đã tới rồi thì ngồi một lát đi, ta tuyệt đối không có ý trách tiên sinh, chỉ là cảm thán cùng Lục thị lang hữu duyên vô phận mà thôi.

Hữu duyên vô phận? Nàng có thể nói lời nào may mắn tí không hả?

Lục Thời Khanh tức nghẹn họng, nhưng ngoài mặt vẫn bình tĩnh thăm dò:

– Huyện chúa nói vậy nghĩa là sao?

Nguyên Tứ Nhàn không phải lần đầu tán gẫu với Từ Thiện về Lục Thời Khanh nên cũng không có gì không tự nhiên, lần này nàng thật mang tâm sự chứ không phải giả say nói càn như lần trước.

Nàng nghiêm túc nói:

– Nói ra không sợ tiên sinh cười, ta cảm thấy ta bị Lục thị lang bỏ rồi.

– …

Trời đất chứng giám, y không có à nha.

Lục Thời Khanh như hơi suy nghĩ, sau đó nói:

– Theo Từ mỗ biết, Lục thị lang dường như không phải loại người đứng núi này trông núi nọ, ăn trong bát nhìn trong nồi.

Vẻ mặt Nguyên Tứ Nhàn không thoải mái:

– Nhưng cha ta vào kinh rồi, sao chàng còn chưa tới cầu hôn? Chắc chắn là chàng sợ cha ta, không dám tới chứ gì.

– Lục thị lang chắc cũng không phải hạng người nhát gan đến thế.

Vẻ mặt Nguyên Tứ Nhàn quái lạ, nàng liếc y:

– Tiên sinh hình như rất thưởng thức chàng?

Thưởng thức, đương nhiên thưởng thức, y đã thưởng thức chính mình hơn 20 năm rồi.

Y đường hoàng nói:

– Từ mỗ chỉ ăn ngay nói thật.

– Được rồi.

Nguyên Tứ Nhàn thở dài:

– Kỳ thực cũng không thể trách chàng. Ngay cả chó chàng còn sợ kia mà, cha ta chắc chắn dữ hơn chó.

Lục Thời Khanh có nỗi khổ không nói được, y nhẫn nại nói:

– Huyện chúa chớ nản lòng, trong này có lẽ có hiểu lầm gì đó. Nghe lời lẽ của huyện chúa thì Điền Nam vương hình như không mấy tán thành hôn sự giữa người và Lục thị lang, nếu đã như vậy, lời nói và hành động khó tránh pha thêm ý ly gián.

Nguyên Tứ Nhàn cảm thấy y nói có lý, được lời của y cổ vũ:

– Tiên sinh nói không sai, ta không nên tin lời phiến diện một phía của cha mà phải hỏi rõ trực tiếp Lục thị lang.

Nói xong, nàng tự an ủi mình:

– Dù chàng thật không chịu cưới ta thì ta thêm chút sức là được…

Lục Thời Khanh vốn định từ từ dẫn dắt nàng về phía chân tướng, nhưng vừa nghe câu “thêm chút sức” liền đổi ý. Nói cách khác, nếu y giả vờ không muốn cưới nàng, có lẽ sẽ được nàng quyến rũ thêm mấy lần?

Thế là y tiếp tục tỉnh bơ xúi giục nàng:

– Chỉ cần gắng sức, có công mài sắt có ngày nên kim, huyện chúa có thể nghĩ như vậy là đúng lắm.

Nguyên Tứ Nhàn nghĩ sâu xa, thở dài:

– Tuy là nói vậy nhưng ta đã giở đủ mánh khóe, bây giờ thật sự hết cách rồi.

Nàng chống đầu, trầm mặc hồi lâu hỏi:

– Tiên sinh hẳn rất giỏi phỏng đoán lòng người, ngài có chiêu gì hay giúp ta kê thêm một liều thuốc mạnh không?

Lục Thời Khanh hình như cười:

– Thế gian này, cách được lòng người tuy luôn vạn biến nhưng không rời cốt lõi, suy cho cùng, chẳng qua chỉ là bốn chữ “chiều theo sở thích” mà thôi.

Chiều theo sở thích? Nguyên Tứ Nhàn ngẫm bốn chữ này trong lòng một lần. Hình như nàng đúng là chưa từng ra tay từ nó.

Lục Thời Khanh thấy mình nói mơ hồ quá, sợ nàng nghe không hiểu, liền chỉ điểm:

– Huyện chúa không ngại ngẫm lại xem, Lục thị lang có từng để lộ sở thích của mình trước mặt người không. Kỳ thực nam tử trên thế gian…

Nói tới đây dường như y hơi khó mở miệng, nhưng vẫn lúng túng nói tiếp:

– Tám chín phần mười đều có cùng một sở thích.

Nguyên Tứ Nhàn nghe, kết hợp với ngữ khí của y mà hồi tưởng ngẫm nghĩ lại một phen, chợt hiểu ra.

À, lều bạt của Lục Thời Khanh…

Nàng hơi xấu hổ hỏi:

– Lẽ nào tiên sinh đang chỉ… cái ấy?

Đúng, cái ấy cái ấy, chính là cái ấy.

Thấy nàng như hiểu ra, Lục Thời Khanh thở phào nhẹ nhõm, nhưng cùng lúc đó cũng vì hủy hoại hình tượng chính trực của lão sư mà thấy chột dạ hổ thẹn, không dám nhìn thẳng Nguyên Tứ Nhàn, bèn nghiêng đầu qua, tùy ý đưa ánh mắt nhìn giá sách trong phòng nàng, nói như thiếu sức:

– Đúng vậy.

Nguyên Tứ Nhàn thấy thế sững sờ. Từ Thiện nhìn giá sách của nàng làm gì?

Nàng nhìn theo ánh mắt y, thấy y đang chăm chú nhìn một quyển thơ văn, nàng lập tức xấu hổ. Hóa ra “sở thích” người ta nói là thơ văn, thế mà nàng hiểu lầm tận đẩu tận đâu, lại nghĩ tới cái thứ không biết xấu hổ như vậy.

Nguyên Tứ Nhàn chột dạ cúi đầu.

Lục Thời Khanh quay đầu thấy nàng đỏ như tôm luộc, gương mặt sau mặt nạ đột nhiên trở nên hơi phấn khích.

Lúc nàng hôn y cũng không đỏ mặt mà bây giờ lại có bộ dạng này, có lẽ là chuẩn bị tiến đến cảnh giới càng cao hơn.

Từ khi chia xa, y chỉ thấy mùa đông giá rét tiêu điều ngoài song cửa. Có lẽ giờ đây mùa xuân sắp tới sớm rồi.

Lục Thời Khanh kiềm chế bước chân muốn tung bay của mình, cáo từ Nguyên Tứ Nhàn, không muốn diễn Từ Thiện thêm một khắc nào nữa. Đến tư trạch ở phường Vĩnh Hưng, y đang định về phủ qua mật đạo thì thấy Tào Ám với thần sắc nghiêm trọng, nhìn thấy y liền thở phào nhẹ nhõm, nói:

– Lang quân, thánh nhân triệu ngài vào cung gấp, ngài còn không về nữa thì tiểu nhân phải đi phường Thắng Nghiệp tìm ngài mất.

Y thu lại sắc mặt vui mừng, gỡ mặt nạ xuống hỏi:

– Chuyện gì?

Tào Ám lắc đầu:

– Tiểu nhân không biết, nhưng không chỉ ngài mà các trọng thần trong triều đều bị gọi vào cung.

Lục Thời Khanh thoáng cau mày:

– Sau Điền Nam vương?

Tào Ám gật đầu:

– Ý ngài là?

– Điền Nam xảy ra chuyện rồi.

Nói xong y bước nhanh vào mật đạo, đi được một nửa quay đầu căn dặn:

– Ngươi về phủ chờ, nếu Nguyên Tứ Nhàn tới thì đừng nói ta bị triệu gấp vào cung, chỉ nói ta ra ngoài là được.

– Dạ, lang quân.

Lúc Lục Thời Khanh chạy tới Tuyên Chính điện, bên trong đã tụ tập rất đông người, Trương Trị Tiên ở giữa và vài triều thần đang tranh cãi nước miếng tung bay, mặt đỏ gay, Nguyên Dị Trực đứng phía trước im lặng không nói gì, bên trên nữa là Huy Ninh Đế hiển nhiên đã tiêu sạch tính nhẫn nại, vừa thấy Lục Thời Khanh đến là như nắm được chỗ dựa tin cậy, không kịp hỏi vì sao y đến muộn, liền tranh thủ vẫy tay gọi y tiến lên, sau đó bảo thái giám đưa một bức quân báo khẩn cấp tám trăm dặm cho y xem.

Các triều thần đua nhau quay đầu lại. Nguyên Dị Trực hơi nghiêng người, cũng nhìn y.

Lục Thời Khanh bước nhanh tới trước, nhận quân báo, đọc thầm nhanh như gió xong, thần sắc bình tĩnh trình nó trở về.

Trên quân báo nói, hai ngày trước, Nam Chiếu và Thổ Phồn hợp binh mười lăm vạn, chia quân ba đường tấn công Kiến Nam, một đường đánh tây cảnh, một đường đánh nam cảnh, và một đường khéo léo tránh Diêu Châu lên phía bắc, nhắm thẳng vào Ích Châu.

Huy Ninh Đế biết y đang suy nghĩ đối sách nên tạm chưa hỏi y trước mà hỏi Trương Trị Tiên:

– Nhóm Trương bộc xạ thương nghị ra đối sách chưa?

Trương Trị Tiên chắp tay tiến lên:

– Bẩm bệ hạ, chúng thần có một nghi vấn.

Ông ta nhìn Nguyên Dị Trực:

– Thần muốn hỏi Điền Nam vương, tạm chưa nói nơi biên quan có mấy vạn người canh phòng, Diêu Châu là trọng địa quân sự Điền Nam, xưa nay dễ thủ khó công, vì sao lại bị một lộ quân hành quân gấp “khéo léo” tránh qua?

Nguyên Dị Trực nhìn ông ta, im lặng không đáp. Sắc mặt Huy Ninh Đế khó coi, quát mắng:

– Trương bộc xạ, hình như trẫm vừa hỏi đối sách kia mà?

Trương Trị Tiên hoảng hốt cúi đầu, không nói nữa.

Lục Thời Khanh nhàn nhạt chớp chớp mắt.

Đáp án câu hỏi kia rất đơn giản. Vì Huy Ninh Đế kiêng kỵ Nguyên Dị Trực nên từng âm thầm phái mấy tướng lĩnh tâm phúc đến Diêu Châu cùng trấn thủ Điền Nam, bề ngoài là phụ tá nhưng thực chất là giám sát. Bây giờ, Nguyên Dị Trực vào kinh theo thông lệ, rời khỏi Diêu Châu, mấy tướng lĩnh đóng giữ kia thấy kẻ địch xâm phạm, đương nhiên tranh quơ tay múa chân, kết quả, mấy tên ngu ngốc đó chỉ đường cho kẻ địch tiến vào Kiếm Nam.

Trương Trị Tiên tự cho rằng đây là sai lầm của Nguyên Dị Trực khi có sơ hở trong bố trí, mà không biết đã giẫm phải cái chân đau của thánh nhân.

Ông ta vội vàng nhận lỗi:

– Bệ hạ bớt giận, chúng thần ban nãy đã thương nghị ra một hai đối sách. Thần cho rằng, Điền Nam vương lên bắc bôn ba gian khổ, gân cốt mệt mỏi, không thích hợp xuôi nam nghênh chiến, bệ hạ có thể sai phái hoàng tử hoặc tướng lĩnh khác trong triều liên hợp với quân địa phương ngăn địch. Còn về ứng cử viên, ban nãy Trần thượng thư của Binh bộ đề cử nhị hoàng tử, còn thần đề cử Ngụy đô đốc.

Bên dưới nhanh chóng nổ ra tranh luận.

– Thần tán thành cho nhị hoàng tử lĩnh quân xuất chinh. Nhị hoàng tử xưa nay dũng mãnh thiện chiến, trước đây từng liên hợp với Hồi Hột đánh cho Đột Quyết đại bại, nay tuy bị giam trong phủ nửa năm, nhưng sao không để ngài ấy lấy công chuộc tội?

– Thần tán thành Ngụy đô đốc xuôi nam nghênh chiến.

– Thần cho rằng, đối chiến với Nam Chiếu, không ai thích hợp hơn Điền Nam vương.

Huy Ninh Đế nghe mà đau đầu, ra dấu bảo họ ngừng, sau đó nói:

– Lục thị lang.

Ý bảo y nói.

Lục Thời Khanh tiến lên một bước, chắp tay, quay mặt về phía triều thần, hỏi:

– Chư vị cớ gì buộc phải nghênh chiến? Đại Chu nay trước có thiên tai, sau có nhân họa, mai là Tết giao thừa, vào lúc này mà phát động chiến tranh, binh đao loạn lạc, dễ khiến lòng dân rối loạn, người người nhốn nháo. Đến lúc đó, ngoài có cường địch xâm lấn, trong có nỗi lo liên tiếp, chư vị định phái ra mấy nhị hoàng tử, mấy Ngụy đô đốc để trấn áp?

Trương Trị Tiên bị lời này của y làm nghẹn, lập tức hừ lạnh:

– Xem ra ý của Lục thị lang là định chắp hai tay dâng cả Kiếm Nam cho người khác chứ gì.

Lục Thời Khanh giật giật khóe môi, nhìn Huy Ninh Đế:

– Không chiến mà khuất phục được địch (1) mới là thượng sách.

(1) Nguyên văn: “bất chiến nhi khuất nhân chi binh”, trích “Tôn Tử binh pháp”.

Cả Tuyên Chính điện đều yên tĩnh, lập tức có người cười vang:

– Nam Chiếu Thổ Phồn hợp binh, chẳng bên nào là dễ nói chuyện, Lục thị lang đang đùa chúng ta ư?

Lục Thời Khanh cười nhạt:

– Nam Chiếu không dễ nói chuyện, Thổ Phồn cũng không dễ nói chuyện, nhưng Nam Chiếu và Thổ Phồn hợp binh, thì dễ nói chuyện.

Mọi người kinh ngạc rồi như tỉnh ngộ, Huy Ninh Đế cũng nhìn chằm chằm y:

– Khanh có diệu kế?

Lục Thời Khanh hất vạt áo quỳ xuống:

– Thần tự xin được xuôi nam đối phó địch, thề cùng Nam Chiếu Thổ Phồn đạt hiệp nghị hòa bình.

Huy Ninh Đế chỉ vào y:

– Khanh nắm chắc mấy phần?

Y hơi ngửa đầu, môi mỏng cong lên:

– Mười phần.

Lục Thời Khanh về phủ đã là hoàng hôn, chưa thông báo với Tuyên thị chuyện mai đi Điền Nam, trước tiên y hỏi hạ nhân xem Nguyên Tứ Nhàn có tới hay không, nghe bảo là không thì y hơi mất mát, bước nhanh về viện, không ngờ vừa bước qua cổng viện liền thấy Tào Ám và Triệu Thuật nhảy loi choi dưới một gốc cây, hình như muốn lấy con diều bị vướng trên cành cây.

Lục Thời Khanh lập tức nghẹn. Hai tên này chưa hết tính trẻ con từ bao giờ thế? Trời đông giá rét mà chơi thả diều?

Y ở xa xa thấy Tào Ám giẫm lên vai Triệu Thuật lấy con diều màu xanh biếc xuống, Tào Ám nhìn kỹ rồi kinh ngạc nói:

– Đây hình như là nét chữ của Lan Thương huyện chúa.

Lục Thời Khanh sững sờ, người chưa tới tiếng đã tới trước:

– Đưa đây.

Tào Ám quay đầu nhìn, vội bước tới đưa diều cho y, giải thích:

– Lang quân, có con diều không biết từ đâu bay tới vướng lên cây của ngài, tiểu nhân nhìn, hình như là nét chữ của Lan Thương huyện chúa.

Lục Thời Khanh cúi đầu nhìn, quả nhiên thấy bút tích của Nguyên Tứ Nhàn, viết một bài thơ đơn giản trên diều:

“Thiếp định chàng rồi quyết chẳng buông,

Rễ sâu cắm chặt luồn khe đá

Dẫu bao mài dập chẳng buông tha

Bất kể bốn bề gió quét qua.” (2)

(2) Nhại bài “Trúc thạch” của Trịnh Tiếp, chỉ khác mỗi câu đầu. Câu gốc của Trịnh Tiếp: “Giảo định thanh sơn bất phóng tùng” (Cắn chặt núi xanh không chịu buông), còn câu của tác giả Cố Liễu Chi là: “Giảo định Khanh Khanh bất phóng tùng”, (Cắn chặt khanh khanh không chịu buông), trong đó chữ ‘khanh khanh’ vừa là một cách gọi thân mật giữa phu thê với nhau vừa là tên của Lục Thời Khanh, chữ ‘giảo’ (cắn) đồng âm với chữ ‘yểu’ (yểu điệu) là nhũ danh của Nguyên Tứ Nhàn. Nên xét theo ngữ cảnh truyện thì đây là câu thơ đa nghĩa do chơi chữ: 1. Cắn chặt chàng yêu không chịu buông; 2. Cắn chặt Lục Thời Khanh không chịu buông; 3. Yểu Yểu (Nguyên Tứ Nhàn) đã quyết định yêu Lục Thời Khanh không chịu buông.

Lục Thời Khanh bỗng nghẹn ngào, tim như bị vật gì to lớn va mạnh vào, chạm đến một nơi vô cùng mềm mại.

Y chợt ngẩng đầu hỏi Triệu Thuật:

– Lần trước ở cổng phủ, Điền Nam vương phi gọi nàng là gì?

Triệu Thuật nhớ lại, đáp:

– Thưa, tiểu nhân nghe hình như là nhũ danh, là “Yểu Yểu”.

Lục Thời Khanh lại cúi đầu nhìn chằm chằm câu “Thiếp định chàng rồi quyết chẳng buông” kia, cong môi cười:

– Ừ, Yểu Yểu. (3)

(3) Chỗ này Lục Thời Khanh đọc là chữ “Giảo” (咬), tức chữ đầu tiên trong câu thơ, nhưng chữ đó đồng âm với chữ “Yểu” (窈), tên của Tứ Nhàn, nên nếu xét về âm đọc chứ không phải văn viết thì nghe giống đang gọi tên Tứ Nhàn hơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.