Thịnh Kinh, đầu tháng tư năm mười lăm Sùng Trinh.
Trận chiến tháng tám năm ngoái đã mang đến đại nạn cho “Mãn Châu quốc”
(1), cũng làm cho toàn bộ kiến trúc chủ yếu trong hoàng cung và kinh đô
Thịnh Kinh hóa thành tro bụi, về sau, mặc dù Đa Nhĩ Cổn và Hào Cách tiến hành thu dọn và tu sửa nhưng nếu muốn khôi phục lại như xưa là không
thể.
Buổi trưa, trong điện Sùng Chính đang tạm thời tu sửa, Phúc Lâm mặc long bào Mãn Thanh, đầu đội mão rông Kiến Nô, tuổi gần năm mươi, dè dặt ngồi trên ghế rồng, hoảng hốt nhìn hai ban văn võ đại thần đứng nghiêm ở
phía dưới, thỉnh thoảng quay đầu lại nhìn về phía sau, phía sau Phúc Lâm cách bức rèm che là hoàng hậu Triết Triết của Hoàng Thái Cực, tuy nhiên bây giờ bà ta đã là Hoàng Thái Hậu.
Việc Phúc Lâm có thể bước lên ngôi vị hoàng đế là kết quả thỏa hiệp của mấy thế lực lớn trong nội bộ Kiến Nô.
Lẽ ra Hào Cách là người có tư cách nhất để kế vị, bởi vì y là con trai
lớn của Hoàng Thái Cực, trong tay ba kỳ Chính Hoàng, Tương Hoàng và
Chính Lam (2) trong quân đội, thế lực hế sức mạnh mẽ. Tuy nhiên thế lực
của Đa Nhĩ Cổn cũng rất mạnh, trong tay y nắm giữ hai kỳ Chính Bạch,
Tương Bạch của quân đội, ngoài ra các hoàng thân quốc thích nắm giữ hai
kỳ Chính Hồng, Tương Hồng cũng ngầm ủng hộ Đa Nhĩ Cổn.
Có thể nói, thế lực của Hào Cách và Đa Nhĩ Cổn tương đương với nhau, nếu như cứng rắn đối chọi, quân đội Bát Kỳ chắc chắn sẽ xảy ra huyết chiến, không khéo sẽ là hai hổ cắn nhau, con què, con bị thương, cho nên Hào
Cách và Đa Nhĩ Cổn cũng không dám hành động thiếu suy nghĩ. Hai người
không hẹn mà cùng muốn tranh thủ sự ủng hộ của Tế Nhĩ Cáp Lãng và Nhạc
Thác. Tế Nhĩ Cáp Lãng là kỳ chủ Tương Lam kỳ, Nhạc Thác vừa mới kế thừa
hai kỳ Chính Hồng và Tương Hồng, nếu ai được hai người này ủng hộ, sẽ
giành được ưu thế áp đảo.
Đa Nhĩ Cổn thử dò xét ý tứ của Tế Nhĩ Cáp Lãng và Nhạc Thác, phát hiện
hai người khăng khăng ý định muốn tuyển người kế vị trong số các con
trai của Hoàng Thái Cực. Phát hiện này khiến Đa Nhĩ Cổn rất nhụt chí, y
biết mình đã không có hy vọng gì lên làm hoàng đế, nhưng nếu để Hào Cách lên ngôi, nhất định mình sẽ không có kết cục tốt.
Cho nên, Đa Nhĩ Cổn liền vin vào cớ Hào Cách không phải là con trai
trưởng của Hoàng Thái Cực để bắt bí, nói rằng thứ tự kế vị là “có con
dòng đích thì lập con dòng đích, không có con dòng đích mới lập con cả”, ý kiến này được Tễ Nhĩ Cáp Lãng và Nhạc Thác rất ủng hộ, các đại thần
trong hai kỳ Chính Hoàng, Tương Hoàng, vốn kiên quyết ủng hộ Hào Cách,
cũng không còn gì để nói, chỉ cần người kế vị là con của Hoàng Thái Cực
là được, cũng không phải ngoài Hào Cách ra thì không được.
Đến lúc này, cái thế của Hào Cách đã mất, khuynh hướng đã định là chọn
người kế vị trong số các con thuộc dòng đích của Hoàng Thái Cực.
Nói tới dòng đích, thì phải tính từ con trai của hoàng hậu, rồi đến con
của bốn quý phi, sau đó mới tới con của thứ phi, mà Hào Cách lại là con
của thứ phi Ô Lạp Thị của Hoàng Thái Cực.
Hoàng Thái Cực có một hoàng hậu và bốn phi, theo thứ tự từ cao xuống
thấp là Hoàng hậu Triết Triết, Quan Sư Cung Quý phi Hải Lan Châu, Lân
Chỉ Cung Quý phi Na Mộc Chung, Diễn Khánh Cung Quý phi Ba Đặc Mã, Vĩnh
Phúc Cung Quý phi Bố Mộc Bố Thái, trong đó Hoàng hậu Triết Triết và Quý
phi Ba Đặc Mã không có con. Quý Phi Hải Lan Châu dù được Hoàng Thái Cực
sủng ái nhất và đã sanh hạ một đứa con, đứa bé được Hoàng Thái Cực sắc
phong làm thái tử, đáng tiếc là chưa tới hai tuổi đã chết yểu. Bởi vậy
cho nên, chính thức là con trai thuốc dòng đích của Hoàng Thái Cực chỉ
có hai người, một người là Phúc Lâm, con của Vĩnh Phúc Cung Quý phi Bố
Mộc Bố Thái, lúc ấy mới vừa bốn tuổi, người còn lại là Bác Mục Bát Quả
Nhi, lúc ấy mới vừa ra đời.
Về thân phận mà nói, thì địa vị của Lân Chỉ Cung cao hơn Vĩnh Phúc Cung, vì vậy địa vị của Bát Mục Bát Quả Nhi cũng cao hơn Phúc Lâm, quan trọng hơn là, Bố Mộc Bố Thái - mẹ ruột của Phúc Lâm đã là tù binh của quân
Minh, điều này rất bất lợi cho Phúc Lâm. Tuy nhiên thế lực của cha mẹ Bố Mộc Bố Thái, những người thuộc bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm của Mông Cổ, đã
phát huy tác dụng trong cuộc tranh giành quyền lực này, cuối cùng Phúc
Lâm đã thắng Bác Mục Bát Quả Nhi, thuận lợi bước lên đế vị.
Hoàng thái hậu Triết Triết buồng rèm chấp chính, Tế Nhĩ Cáp Lãng, Nhạc
Thác thành Nhiếp chính vương, quyền trọng nhất thời, còn người vốn có hy vọng nhất được kế vị là Hào Cách thì hầu như bị mọi người gạt bỏ và
chèn ép, ba kỳ Chính Hoàng, Tương Hoàng, Chính Lam của y lần lượt bị
Phúc Lâm, Bát Mục Bát Quả Nhi, Tế Nhĩ Cáp Lãng giành lấy, y trở thành
người không được như ý nhất trong số các vương tử Kiến Nô.
Hôm nay triều đình mở hội nghị, các đại thần Kiến Nô tề tựu ở điện Sùng
Chính là để bàn bạc một việc đại sự, đó là có khởi binh phạt Minh hay
không? Nếu có, thì bắt đầu vào từ cửa ải nào?
Đối với vấn đề khởi binh phạt Minh hay không, nội bộ Kiến Nô hầu như
không có ý kiến bất đồng nào, Thịnh Kinh bị phá hủy, mấy vạn người Nữ
Chân bị giết chóc, Thần phi, Trang phi bị bắt, tiên đế Hoàng Thái Cực và Lễ Thân vương Đại Thiện bị xử lăng trì ở Thái Thị Khẩu tại Bắc Kinh,
mối huyết hải thâm cừu này không thể không báo.
Nhưng bắt đầu tấn công từ hướng nào, thì có hai luồng ý kiến khác nhau.
Thủ tịch Nhiếp chính vương Tế Nhĩ Cáp Lãng khăng khăng muốn phá cửa ải
từ Đại Đồng mà vào, bởi vì Vương Phác đang ở Đại Đồng! Hoàng thái hậu
Triết Triết cũng ủng hộ Tế Nhĩ Cáp Lãng, nguyên nhân rất đơn giản, bởi
vì hồi tháng giêng năm thứ mười lăm Sùng Trinh, Vương Phác động binh đối với người Mông Cổ, chẳng những dẹp tan bộ tộc Thổ Mặc Đặc, mà còn tập
kích triều đình của Khả Hãn Tam Bất Lạc Xuyên của bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm,
khiến bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm tổn thất vô cùng nghiêm trọng, anh trai của
Triết Triết là Ô Khắc Thiện cũng bị giết chết!
Nhưng Thứ tịch Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn và Nhạc Thác lại muốn đưa
quân Bát Kỳ phá quan ải Mật Vân mà vào, tấn công thẳng đến kinh đô của
Đại Minh, hai người cho là kẻ thù chân chính của “Đại Thanh Quốc” là
chính là triều Đại Minh mà người đứng đầu là hoàng đế Sùng Trinh, nên
dùng Bát Kỳ để gậy ông đập lưng ông, dùng thế tấn công như sấm sét công
phá Bắc Kinh, bắt hoàng đế Sùng Trinh về Thịnh Kinh lăng trì xử tử, chỉ
có như vậy mới có thể rửa sạch mối nhục to lớn mà Vương Phác gây ra cho
Đại Thanh.
Cuối cùng, ý kiến của Thủ tịch Nhiếp chính vương Tế Nhĩ Cáp Lãng và
Hoàng hậu Triết Triết chiếm ưu thế, đại quan Bát Kỳ lựa chọn tấn công từ Đại Đồng, trước hết phá tan Đại Đồng, bắt sống Vương Phác, sau đó kéo
rốc tới kinh sư, bắt sống hoàng đế Sùng Trinh, cuối cùng đưa cả Sùng
Trinh và Vương Phác về Thịnh Kinh lăng trì xử tử.
(1) Mãn châu quốc: tên nước do Hoàng Thái Cực đặt. Vốn tên cũ của Mãn
châu quốc là Đại Kim hay còn gọi là Hậu Kim (để phân biệt với nhà Kim
tồn tại từ năm 1115 đến năm 1234). Để giảm bớt ấn tượng vô cùng xấu của
người Hán đối với những hành động cai trị tàn bạo của nhà Kim của người
Nữ Chân do Hoàn Nhan A Cốt Đả lập nên. năm 1635, Hoàng Thái Cực bất ngờ
tuyên bố đổi tên tộc người của mình từ Nữ Chân thành Mãn Châu, các vùng
mà bộ tộc này trú ngụ cũng được gọi là Mãn Châu. Tháng 5 năm 1636, Hoàng Thái Cực lại đổi tên nước từ “Đại Kim” thành “Đại Thanh”, chính thức
thành lập triều đình nhà Thanh.
(2) Chính Hoàng kỳ, Tương Hoàng Kỳ và Chính Lam kỳ tạo thành “Thượng Tam Kỳ”, là ba kỳ có địa vị cao nhất, do đại hãn trực tiếp nắm giữ, năm kỳ
còn lại gọi là “Hạ Ngũ Kỳ”.
Triều đình quyết định để Thủ tịch Nhiếp chính vương Tế Nhĩ Cáp Lãng chỉ
huy Tương Lam kỳ ở lại trấn giữ Thịnh Kinh, giao cho Thứ tịch Nhiếp
chính vương Đa Nhĩ Cổn, Nhạc Thác dẫn sáu kỳ Chính Hoàng, Tương Hoàng,
Chính Hồng, Tương Hồng, Chính Lam, Tương Lam, Chính Bạch, Tương Bạch bao gồm sáu vạn quân xuất chinh, Lý Vĩnh Phương, Đồng Dưỡng Tính, Thạch
Đình chỉ huy ba vạn Hán quân Bát Kỳ, Mãn Chu Tập Lễ chỉ huy tám vạn kỵ
binh Mông Cổ cùng xuất chinh.
Ngày tám tháng tư, đại quân Bát Kỳ làm lễ tế cờ xuất chinh, sau khi hợp
quân với Tam Bất Lạt Xuyên và Bát kỳ Mông Cổ, sau đó đột ngột từ Át Hải
vượt qua biên giới, đánh tới Đại Đồng với khí thế như sấm vang chớp
giật.
Trong lúc đại quân Kiến Nô khua chiêng gõ trống chuẩn bị xuôi nam đồng
thời tiến công Đại Đồng và Đại Minh, thì quân khởi nghĩa của Lý Nham
cũng bắt đầu cuộc tấn công đầu tiên vào Đại Đồng.
Việc Kinh Mậu Thành gia nhập, chẳng những khiến thực lực nghĩa quân lớn
mạnh hơn, mà còn mang đến cho Lý Nham những tin tình báo hế sức quan
trọng.
Việc Chân Hữu Tài và Vương Cử mua mười vạn thạch lương thực ở Bắc Thông
Châu, lần lượt chuyển về Đại Đồng, cần đến một đoàn xe khổng lồ vận
chuyển, hiển nhiên không thể giấu diếm được ánh mắt của bọn cướp đường
và thổ phỉ, rất nhiều thổ phỉ và cướp đường cố gắng đánh cướp, kết quả
là bị đội binh lính đi theo áp tải của Vương gia đánh lại.
Từng có thổ phỉ Sơn Tây bởi vì có thế lực đơn bạc, muốn mời Kinh Mậu
Thành kết hợp đánh cướp đoàn xe của Vương gia, mặc dù rốt cuộc việc này
không thành công, nhưng việc này đã giúp cho Kinh Mậu Thành biết được
rất nhiều chuyện.
Kinh Mậu Thành cho Lý Nham biết, chẳng những Vương gia mua về từ Bắc
Thông Châu cả trăm ngàn thạch lương thực, mà còn mua hơn trăm ngàn con
bò, dê, lạc đà và mười mấy ngàn con chiến mã, lại chế biến đan dê bò,
lạc đà đó thành thịt khô, được ít nhất là hơn hai triệu cân! Còn trong
kho bạc của Vương gia, hiện có ít nhất hai, ba triệu lượng bạc!
Tin này vô cùng quan trọng đối với Lý Nham, lương thực và thịt khô trong kho của Vương gia là nhu cầu cấp cách của nghĩa quân, mười mấy ngàn con chiến mã trong tay Vương gia cũng là vật tư chiến lược cấp bách cho
nghĩa quân, nếu có mười mấy ngàn chiến mã này, sự cơ động của nghĩa quân sẽ tăng lên rất nhiều!
Dĩ nhiên, tin tức do Kinh Mậu Thành mang tới cũng không hoàn toàn là tin tốt, bởi vì y còn cho Lý Nham biết, Vương Phác đang ở Đại Đồng.
Vương Phác không phải là người xa lạ gì đối với người của triều Đại
Minh, chuyện hắn dẫn một ngàn kỵ binh một mình xâm nhập Liêu Đông, bất
ngờ đánh úp Thịnh Kinh, bắt sống Hoàng Thái Cực, sau đó trở về kinh sư,
bởi vì cô gái yên hoa Trần Viên Viên mà từ chối Sùng Trinh tứ hôn, lại
thêm chuyện kháng chỉ cướp pháp trường để cứu thủ hạ là Đại Hồ Tử, đã
trở thành những sự tích mà ai ai cũng biết.
Lý Nham cũng không xa lạ gì Vương Phác, bởi vì hai người từng đánh nhau
một trận ở Tế Ninh, mặc dù cuối cùng Lý Nham thua, thậm chí thua nặng
nề, nhưng điều này cũng không hù dọa được Lý Nham. Lý Nham là người trí
tuệ, rất giỏi trong việc tổng kết bài học kinh nghiệm trong chiến tranh, y tự tin rằng, nếu có dịp đường đường chính chính đánh một trận nữa với Vương Phác, kết quả sẽ khác với trận chiến ở Tế Ninh.
Mễ Chi, trong doanh trướng của Lý Nham.
Năm người Mã Thủ Ứng, Hạ Nhất Long, Hạc Cẩm, Lưu Hi Nghi, Lận Dưỡng
Thành nhận lời mời của Lý Nham đến đây nghị sự. Họ là người thô kệch, lỗ mãng, lại ỷ mình là nhân vật có địa vị và chức quyền cao trong quân
khởi nghĩa, hầu như không coi trọng một người bạch diện thư sinh như Lý
Nham, sau khi vào lều cũng không thi lễ, thậm chí một câu chào hỏi chiếu lệ cũng không có, chỉ yên lặng tìm chỗ ngồi xuống.
Lý Hổ đứng gần đó, tức giận định phản ứng, nhưng Lý Nham đã đưa mắt ra hiệu y dừng lại.
Lý Nham cũng không để bụng hành động vô lễ của năm thủ lĩnh Cách Tả Ngũ
Doanh, ngược lại đứng lên vái chào mọi người, hắng giọng nói:
- Lý Nham tham kiến các vị đại tướng quân.
Hành động của Lý Nham khiến năm người Mã Thủ Ứng xấu hổ, cuống quít đứng dậy đáp lễ:
- Mạt tướng tham kiến đại nguyên soái.
Bàn về lai lịch và sự từng trải, đương nhiên Lý Nham không thể so được
với năm người Mã Thủ Ứng, nhưng bàn về chức quyền, Lý Nham là Thiểm Tây
Đại nguyên soái của quân khởi nghĩa do Sấm vương Lý Tự Thành phong cho,
năm người bọn họ chỉ là năm viên tướng dưới trướng Lý Nham mà thôi, cho
nên Lý Nham tỏ ra khiêm cung như vậy, khiến bọn Mã Thủ Ứng cảm thấy
ngượng.
Mặc dù đám năm người Mã Thủ Ứng thô kệch, cũng không coi Lý Nham vào
đâu, nhưng bọn họ cũng không phải là người không biết tốt xấu.
Lý Nham chắp tay nói:
- Mời các vị đại tướng quân ngồi.
- Tạ ơn đại nguyên soái.
Năm người Mã Thủ Ứng ôm quyền tạ ơn, rồi lần lượt ngồi xuống.
Nhưng Lý Nham không ngồi, chỉ bảo Lý Hổ lấy đại ấn và bội kiếm đã chuẩn
bị sẵn ra, đặt trên bàn trước mặt. Đây là đại ấn và bội kiếm do Lý Tự
Thành ban cho Lý Nham ở huyện Giáp, ấn là ấn Đại nguyên soái và kiếm là
kiếm Đại nguyên soái, tượng trưng cho địa vị và quyền lực của chủ tướng
nghĩa quân Thiểm Tây.
Vẻ mặt năm người Mã Thủ Ứng lập tức trở nên khó coi, bọn họ cho rằng Lý Nham muốn dùng ấn kiếm để đè người.
- Chư vị tướng quân.
Lý Nham thong thả nhìn lướt qua khuôn mặt năm người, nói:
- Hẳn là các tướng quân đã rõ, khẩu phần lương thực trong quân đã chỉ
còn không tới mười ngày, nếu mười ngày nữa chúng ta vẫn không tìm ra
lương thực, các huynh đệ sẽ phải chịu đói, cánh quân của chúng ta sẽ có
nguy cơ tan rã, cục diện đang tốt đẹp của Thiểm Tây sẽ bị phá vỡ chỉ
trong chốc lát, ai cũng không muốn điều đó xảy ra.
- Cũng không phải chỉ có một mình Lý Nham ngươi lo lắng.
Mã Thủ Ứng tức giận nói:
- Ngươi sốt ruột, chúng ta không sốt ruột sao? Nhưng vấn đề là những gì
có thể đoạt được ở ba phủ Duyên An, Khánh Dương và Bình Lương, chúng ta
đều đã đoạt, chỉ còn lại thời gian mười ngày, bảo chúng ta đi đâu tìm ra lương thực bây giờ?
Lý Nham nói;
- Bổn soái biết chỗ có lương thực.
Mã Thủ Ứng hỏi:
- Ở đâu?
- Đại Đồng!
Lý Nham trầm giọng nói:
- Bổn soái nhận được tin tức có thể tin cậy, rằng ở Đại Đồng tích trữ ít nhất là hai trăm ngàn thạch lương thực, còn có hơn mười triệu cân thịt
khô, hơn nữa, trong kho của Vương gia - nhà giàu nhất Sơn Tây và kho của đại vương ở Đại Đồng, có ít nhất hơn năm triệu lượng bạc!
Năm người Mã Thủ Ứng nghe vậy, tim đập rộn ràng, nhưng vừa nhớ lại, Đại
Đồng là thành trì biên trấn, đương nhiên có số lượng lớn biên quân tinh
nhuệ đóng giữ, liền cảm thấy giận dữ. Tuy nghĩa quân Thiểm Tây bây giờ
đã phát triển lên tới mười mấy vạn người, nhưng thực sự có thể ra chiến
trường chỉ chừng hơn ba vạn người, với chừng ấy người mà tiến công Đại
Đồng thì đúng là đi chịu chết.
Mã Thủ Ứng lãnh đạm nói:
- Lý Nham, ngươi muốn ép chúng ta đi tấn công Đại Đồng chứ gì?
Lưu Hi Nghiêu cũng nói:
- Ai biết được là tin tức của ngươi có tin cậy được hay không? Nếu chẳng may đây là bẫy rập do quan quân bố trí thì sao?
- Đúng vậy.
Lận Dưỡng Thành cũng nói với giọng khó chịu:
- Muốn đi chết thì để cho người của ngươi đi đi, mấy huynh đệ chúng ta sẽ không vì một câu nói của ngươi mà đi làm bia đỡ đạn.
Lý Nham vẫn tỏ ra bình tĩnh, phản ứng của tất cả năm người Mã Thủ Ứng đều nằm trong dự liệu của y.