Thiết Thư Trúc Kiếm

Chương 27: Chương 27: Mừng Được Khô Trúc Thánh Kiếm




Cừu Thiên Hiệp thấy thái độ Ông ta thay đổi quá đột ngột, chàng có cảm giác ông ta bây giờ với ban nãy như hai người khác biệt vậy, khiến chàng rụt rè, lẩm bẩm:

- Ông ...

Văn sĩ trung niên càng hét lớn hơn:

- Ta muốn ngươi lại gần ta !

Nói chưa dứt lời, ông ta đưa tay về phía sau lưng vụt một cái bỗng một ánh sáng vàng lóe ra bừng sáng cả đáy huyệt. Thì ra lão đã rút ra một thanh kiếm mỏng như tờ giấy và tỏa ra hào quang khiếp người.

Cừu Thiên Hiệp càng sợ thêm, liền vận công phòng bị rồi nói:

- Tôi có nói sai lời hay có điều gì đắc tội với tiền bối đâu ?

Không ngờ văn sĩ trung niên dằn gươm xuống và thở dài nói:

- Té ra lời nói ban nãy của ngươi đều giả dối cả, ngươi cũng là bọn khiếp nhược như ai !

Cừu Thiên Hiệp cau mày:

- Khiếp nhược ? Tôi khiếp nhược à ? Ông tưởng chừng như một lưỡi gươm đã đe dọa được tôi rồi sao ? Hừ.

Văn sĩ trung niên lạnh mặt:

- Cớ sao ngươi lại rụt rè ? Và lại nói ấp úng ?

Cừu Thiên Hiệp cười nhạt, nói to:

- Chỉ vì tôi quá cảm động đối với thân thế đáng thương hại của ông, hơn nữa tôi không muốn so tài với một người không cử động được !

Văn sĩ trung niên ngước mặt lên trời cười khanh khách rồi nói:

- So tài ? Ai muốn so tài với ngươi ?

- Vậy ông rút gươm ra làm gì ?

- Ta muốn ngươi dùng gươm này để thực hiện hào ngữ của ngươi vừa thốt ra ban nãy, hầu đem lại cho võ lâm một sắc thái mới, san bằng mọi bất công, tận sát bọn xấu xa, dùng máu rửa thánh kiếm !

Ông ta nói gằn từng tiếng, mỗi tiếng như một làn roi đánh vào tâm khảm Cừu Thiên Hiệp.

Cừu Thiên Hiệp khép nép mất cả vẻ tự nhiên ! Trong giờ phút này lòng chàng thoáng hiện bao nhiêu hình ảnh như Nhiệm Tử Huệ nuôi chàng lớn rồi đòi chặt chân, khoét mắt, Kim đầu đà Thái Linh Quan bị chém thành người máu. Cang chỉ truy hồn Hiến Bá Vong sọ bể văng tứ tung; trên đường tìm cha đã gặp những bộ mặt xấu xa gây cho mình bao cơn nguy hiểm, một tiểu cô nương kia, thương tích trong người Hắc Phụng, cha mẹ mất tích ... bỗng chàng cắn răng, sát khí xung thiên, nói:

- Phải rồi ! Ta muốn tận sát tà ma, san bằng bất công cho loài người ! Hãy đưa đây !

Chàng đi tới một bước, giơ tay xin nhận kiếm.

Văn sĩ trung niên chỉ dưới đất bảo:

- Qùy xuống !

Cừu Thiên Hiệp hiểu rằng đây là Thụ kiếm đại lễ và độ chừng lưỡi gươm này là vật quí nhất của ông ta. Cứ đoán theo công lực của ông ta thì gươm này đây ắt là một kỳ trân dị phẩm hiếm có trên đời ! Nên chàng càng vâng lời quì xuống trước mặt ông ta.

Bỗng dưng, ông ta tay mặt cầm kiếm đưa cao lên, tay trái đặt trên đầu chàng mà cất tiếng nói lớn:

- Gươm này là Thiên hạ đệ nhất kiếm là một thần vật đời thượng cổ, mệnh danh là Khô trúc thánh kiếm kẻ cầm kiếm phải ngay thẳng, thứ nhất không giết bậy, thứ nhì không buông tha tà ma, thứ ba ...

Nói đến đây lời nói bỗng tắt nghẹn không thốt ra được nữa, Cừu Thiên Hiệp vội hỏi:

- Sao tiền bối không nói tiếp ?

Vân sĩ trung niên đổi sắc mặt như điện chớp, lời nói như sấm sét:

- Thứ ba là kiếm hủy nhân vong, kiếm gãy người chết !

Lúc bấy giờ Cừu Thiên Hiệp máu nóng sôi hừng hực, hùng tâm vạn tượng, hào khí cao tâm, chàng dập đầu xuống bái lạy rồi đưa tay nhận kiếm dâng cao lên nói:

- Đệ tử cẩn tuân !

Văn sĩ trung niên lúc bấy giờ bỗng tinh thần ủy mị, nhìn lưỡi gươm trong tay Cừu Thiên Hiệp chậm rãi nói:

- Không ngờ ở chốn tăm tối không thấy trời trăng này lại gặp được kẻ hữu duyên.

Thế thì lưỡi kiếm này khỏi phải mai một vậy.

Lúc bấy giờ tâm trạng của Cừu Thiên Hiệp mới hồi phục bình tĩnh một tí, chàng thở dài.

Văn sĩ trung niên lấy làm lạ hỏi:

- Sao con lại thở dài ?

Cừu Thiên Hiệp cũng thân mật đáp:

- Thưa tiền bối ! Đã trót dấn thân trong chốn gần như địa ngục này, dù có thanh kiếm mà không thoát khỏi cũng vô ích !

Văn sĩ trung niên có vẻ rất lạc quan, mỉm cười nói:

- Ta vào đây là chúng nó lấp bít miệng hang, hơn nữa ta không cục cựa được, còn bây giờ con lại khác. Vậy con hãy nghe lời chỉ thị của lão phu, rồi đây sẽ có một ngày thoát khỏi nơi này !

Cừu Thiên Hiệp cho là lời an ủi thôi nên chỉ vâng vâng dạ dạ, chứ thật ra trong lòng không tin.

Văn sĩ trung niên lại nói:

- Nhân lúc còn lưu lại đây, lão truyền cho con Thập tam thức kiếm chiêu mệnh danh là Thập nhi sinh tiếu thánh kiếm.

Cừu Thiên Hiệp hỏi:

- Đã là thập nhị sinh tiếu kiếm cớ sao lại có thập tam chiêu ?

Văn sĩ trung niên cười đáp:

- Lão bị giam hãm nơi đây, cùng tư cực tưởng, lấy hết tâm lực nghiên cứu thêm một chiêu, ta đặt tên là Mệnh vân chi chiêu ta thấy uy lực vô biên, nhưng chưa từng sử dụng.

Cừu Thiên Hiệp vội vã quì mọp xuống đất cung thỉnh lời dạy kiếm chiêu Bắt đầu từ đệ nhất chiêu, văn sĩ trung niên miệng nói tay múa không nệ phiền muộn, thêm vào thông minh xuất chúng của Cừu Thiên Hiệp, đã giàu thiên tư, lại thêm công lực thâm hậu. Hơn nữa chàng đã hiểu qua Thường thắng bát kiếm nên học một điều ba tiến bộ thần tốc !

Ngày tháng trôi qua, đã không ghi nhớ là bao lâu, Nhất thập tam chiêu thánh kiếm đã vận dụng thuần thục. Một hôm, văn sĩ trung niên bỗng lộ vẻ vui mừng reo lớn:

- Con ôi ! Mau đi ! Bây giờ đã đến giờ phút con thoát khốn rồi !

Cừu Thiên Hiệp nghe tiếng động rầm rầm và tiếng nước chảy không ngớt. Những tiếng động lâu nay chàng không thèm để ý đến, nhưng điều này với vấn đề thoát khốn có liên quan gì đây ? Chàng ngớ ngẩn hỏi:

- Tiền bối muốn nói về tiếng động đó chăng ?

Văn sĩ trung niên vui mừng hơn bao giờ hết nói:

- Phải đấy ! Con hãy chuẩn bị thoát khốn đi !

Cừu Thiên Hiệp vẫn còn hoang mang hỏi:

- Thoát khốn ?

Văn sĩ trung niên thở dài:

- Đúng rồi, chúng ta lại phải xa nhau !

Nói xong, nét mặt trầm xuống, đầy vẻ thương cảm cố gượng nói:

- Đó là tiếng nước chảy vì tuyết tan. Khi con vào đây bị cản trở vì tuyết phủ nên không thể ra được, vậy bây giờ tuyết tan, con đã có lối ra !

Cừu Thiên Hiệp nghe có lý, vội nói:

- Tiền bối nói có lý lắm ! Bây giờ con cõng tiền bối cùng ra một lượt.

Văn sĩ trung niên cười khô khan nói:

- Cõng ta ?

Cừu Thiên Hiệp vội vã quì trước mặt văn sĩ nói:

- Con cõng tiền bối đi, thấy không khó gì đâu !

Văn sĩ trung niên bỗng nạt lớn:

- Hồ đồ ! Con lọt vào đây cách xa mặt đất không dưới một trăm trượng, làm thế nào để cõng người lên lưng rồi vọt lên mặt đất được ? Hơn nữa ta đã tàn phế thoát ra để làm gì ? Đi mau lên đừng nói lôi thôi nữa !

Mấy lời trên đây khiến Cừu Thiên Hiệp đau lòng, vì trong thời gian gần gũi với văn sĩ trung niên, một mối tình cảm tự nhiên đã khiến chàng cảm thấy văn sĩ trung niên là nguồn an ủi duy nhất của chàng mà chàng không sao quên được. Thậm chí một người đã từng cứu sống mình và đã nảy sanh một mối thâm tình như Hoa khôi lệnh chủ Bích Lệ Hồng cũng chưa làm cho chàng quí mến bằng ! Nên chàng khóc lóc nói:

- Tiền bối không đi thì con cũng không đi, vả lại ở đây không sợ chết đói, con sẽ theo hầu cận tiền bối suốt đời !

Văn sĩ trung niên đôi mắt đẫm lệ, nghẹn ngào nói:

- Sao con dại quá ! Ta truyền Nhất kiếm thập tam chiêu cho con rồi để con ở lại đây thì có khác nào vẽ rắn thêm chân vậy ? Huống chi ở đời việc “tụ tán” là điều tầm thường kia mà ...

Thật ra ông ta đã không nói ra lời, rõ ràng là có vẻ quyến luyến lắm.

Cừu Thiên Hiệp quá xúc động ngã vào lòng ông ta khóc sướt mướt, Văn sĩ trung niên sờ vai chàng mà nói:

- Con ngoan ngoãn nghe lời lão thì có ý nghĩa hơn là lo cứu lão thoát khốn.

Cừu Thiên Hiệp thấy ông ta đã nhất định như vậy mà liệu cõng người trên lưng, mà leo lên đèo tuyết cả trăm trượng bề cao là điều không thể thực hiện được, buột lòng phải quì xuống cáo từ và sau cùng còn khẩn cầu:

- Chung đụng cùng sư phụ một thời gian khá dài, giờ phút này con thấy cầu xin sư phụ cho biết danh tánh, đồng thời cũng xin cho biết kẻ thù của sư phụ là ai, để sau khi đệ tử thoát khốn, có thể trước nhất làm xong việc này, để trả ân cho gươm và truyền nghề của sư phụ !

Văn sĩ trung niên nổi giận quát:

- Hồ đồ ! Lão tặng kiếm truyền công không phải vì danh vọng, cũng không phải vì tư thù, con đã quên rồi sao ? Con đã nói thế nào trong khi thọ kiếm ?

Cừu Thiên Hiệp nghe qua mồ hôi tuôn như suối, quì mọp xuống đất gật đầu nghe cùm cụp. Văn sĩ trung niên đang trớn nói:

- Hãy yên trí đi ! Làm người chỉ biết tư thù cá nhân thì nhỏ mọn lắm, cần phải có một lòng quãng đại mới có thể lập nên đức trọng hoàng võ.

Cừu Thiên Hiệp chỉ lẳng lặng làm thinh không biết nói gì và có một sợi rễ tách rời ra khoanh tròn lại dưới cán. Nhưng chàng chỉ gật đầu.

Lúc bấy giờ văn sĩ trung niên động lòng, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng siết chặt tay Cừu Thiên Hiệp ra vẻ xúc động lắm, và ôn tồn nói:

- Con ơi ! Lẽ ra lão cần phải mang ơn con mới đúng hơn, vì nếu không có con thì một đời kiếm thánh này sẽ chôn vùi dưới ba lớp đất thôi ! Con hãy đi đi ! Cứ theo đường củ khi con vào đây mà trèo lên !

Nói đến đây ông ta đã nghẹn ngào nói không ra tiếng bèn đưa tay đẩy Cừu Thiên Hiệp vào lỗ trống do chàng moi móc trước đây, rồi đánh mạnh vào vách một cái nghe Rầm ! Rầm ! chưởng phong rúng động làm cho đất trên miệng lỗ trống chùi xuống bịt kín lỗ hổng ấy.

Cừu Thiên Hiệp quì xuống lạy mấy lạy, rồi đứng dậy xem bề thế miệng hang thấy có một ít ánh sáng xanh, nhưng miệng hang nhỏ dưới hang lại rộng, mà nước đã rỉ vào chung quanh hang, nên muốn leo lên thật khó.

Chàng lấy hết chân khí tay cầm khô trúc thánh kiếm hét lên một tiếng nhảy vọt lên năm trượng, khi thấy con người sắp rơi xuống tức thì phóng kiếm vào vách, rồi nắm chặt lấy cán gươm bám thân vào vách xúc công, vận khí một hồi lại rút kiếm ra rồi nhảy vọt lên như trước, từng chặng từng chặng như vậy, liên tiếp chừng hai ba chục lần thì đã thấy ánh sáng mặt trời chiếu vào. Chàng cố gắng vọt lên hai lần nữa thì đã đặt chân trên núi Hạ Lan sơn, chàng vui mừng vô hạn không khác nào như vừa được hồi sinh.

Lúc bấy giờ chàng mới thấy mỏi hai cánh tay và kiệt sức. Chàng dòm lại dưới hang đen như mực không thấy đáy, nghĩ lại việc rồi vẫn còn sợ hãi, nhưng điều làm cho chàng sợ hơn là Khô trúc thánh kiếm ở trong tay chàng.

Xem kỷ lại, thì ra một khúc tre khô chuốc thành hình lưỡi gươm, điều lạ nhất là cán gươm cũng là rễ tre dính liền lại là thánh kiếm danh bất hư truyền.

Khúc tre khô này dưới ánh sáng mặt trời vẫn như vàng nước và phản chiếu thành nhiều sắc thái đẹp tuyệt vời. Thanh kiếm mong mỏng ẩn hiện những cảnh phong vẫn biến hóa, thân kiếm tuy có vẻ mềm, nhưng kỳ thật, cứng vô song, và xem nhẹ lắm, nhưng lại vừa tay.

Cừu Thiên Hiệp nhìn một hồi lâu lấy làm lạ đời lắm, chàng giơ kiếm lên nhắm vào hòn nói tuyết cạnh mình chém một cái thì lạ thay ! Núi đá nứt không khác nào như chém vào nước vậy, nhẹ nhàng không cần ra sức. Trái lại, nếu Cừu Thiên Hiệp dùng sức thì như chặt vào chỗ vô vật, quá trớn bị nhúi tới chút nữa lọt vào hang, còn lưỡi kiếm thì trơn bén vì nhoáng ra những ánh sáng vàng vàng ! Dù chặt vào đá vẫn như thường không sức mẻ chút nào thật là vật quí báu phi thường !

Lâu nay chàng lo mãi không có võ khí vừa tay, mà sở học của chàng lại toàn là công phu kiếm pháp. Khi còn ở Võ Đang sơn chàng đã thử qua bao nhiêu lưỡi kiếm thường, nhưng hể sử dụng đến là gãy ngay. Nay trong tay có thánh kiếm thần, khiến chàng mừng quá như muốn điên ! Chàng ngước mặt lên trời cười, chạy nhanh ra khỏi núi.

Về việc tìm cha chàng thấy chuyện đã cách mười năm, không còn hy vọng gì nữa.

Vừa rồi chàng định hỏi thăm văn sĩ trung niên trong huyệt, nhưng thấy ông ta kín đáo quá, đến đỗi thân thế, tên họ và kẻ thù của ông ta cũng không chịu Bích lộ, huống chi là chuyện của người khác. Có mấy lần chàng thừa dịp bắt qua câu chuyện của mình, nhưng ông ta vừa nghe đến việc trong võ lâm liền tỏ vẻ như một thầy tu, không muốn nghe gì hết, vả lại chàng độ chừng như ông ta bị giam hãm trong địa huyệt lâu lắm nên câu chuyện mười năm trước vị tất ông ta đã được biết.

Vừa vui mừng vừa thất vọng chàng đi mau như tên bắn vượt qua bao nhiêu núi non trùng điệp.

Trời sắp tối, đàng trước vẫn là một cảnh hoang vu, bỗng một bóng người màu tím từ hòn núi bên trái lướt qua nhanh như chim ưng, thân pháp không tầm thường, công lực cũng không yếu, chỉ trong nháy mắt đã đứng trước mặt chàng hỏi:

- Ai đó ?

Cừu Thiên Hiệp đã vận công lực ngang nhiên đứng không nhúc nhích. Chàng thấy kẻ trước mặt rất hùng dũng, râu xồm, mày rậm nét mặt tím hồng, khí khái không tầm thường với áo tím dài đơm bông giắt gươm sau lưng oai phong lẫm lẫm, hầm hừ như muốn nuốt người.

Cừu Thiên Hiệp vừa cung tay chào, thì người đã tuốt gươm ra điểm mặt Cừu Thiên Hiệp nói:

- Nếu ngươi là nam nhi thì hãy đi theo ta !

Nói xong, đôi mắt nhìn thẳng vào Cừu Thiên Hiệp một cách dữ dằn rồi chạy bắn ngang đồng hoang thỉnh thoảng quay đầu lại phía sau ngó chừng Cừu Thiên Hiệp.

Cừu Thiên Hiệp không rõ lai lịch gã kia và vì lẽ gì lại có cử chỉ như vậy ? Chàng hoang mang không hiểu có nên đi theo hay không.

Người áo tím thấy Cừu Thiên Hiệp vẫn còn đứng lại một chỗ bèn dừng lại, từ xa xa cầm gươm trong tay chỉ và hét lớn:

- Tiểu tử kia ! Không dám đi theo ta sao ?

Cừu Thiên Hiệp nghĩ:

Không lẽ hắn là đứa điên ? Tại sao một kẻ xa lạ mà ăn nói vô phép như vậy ?

Chàng nổi xung nhảy dựng lên la lớn:

- Họ Cừu này có bao giờ sợ mi đâu ?

Vừa nói vừa phóng mình tới. Người áo tím thấy vậy vừa chạy vừa nói:

- Có gan thì đừng trốn mất nhé !

Khinh công của Cừu Thiên Hiệp không kém hơn người áo tím, hai người một trước một sau đi như sa băng điểm chớp. Độ chừng uống hết một chén trà, thì đã vượt trên hai mươi trượng. Hai người đến một túp lều tranh mới dừng lại. Người áo tím đáp ngay xuống cắp kiếm dưới nách rồi vỗ tay:

- Bốp ! Bốp !

Tức thì từ trong lều nhảy ra tám người áo đen lực lưỡng cầm võ khí xáp lại. Cừu Thiên Hiệp không biết chuyện gì, bèn đáp xuống né qua bên trái, không ngờ bọn người này chạy lại bao vây chàng, đồng thời người áo tím vung gươm nói to:

- Nó là Cừu Thiên Hiệp !

Tám người áo đen hét to một tiếng rồi xông tới đánh Cừu Thiên Hiệp.

Cừu Thiên Hiệp nổi giận dùng chưởng phong đẩy lui thế công của họ rồi nói:

- Chuyện gì vậy ? Hãy nói rõ đi rồi đánh !

Không ngờ bọn người này như nổi điên cứ la rùm lên:

- Còn nói gì nữa ! Mi đã quá độc ác ! Mi là kẻ sát nhơn !

Bọn người ngông cuồng ấy cứ nhào tới tấn công quyết liệt.

Cừu Thiên Hiệp không thể nhẫn nhịn được nữa, vì đã bị dồn vào chỗ bí, bắt buộc chàng phải ra tay, vội rút khô trúc thánh kiếm ra phối hợp với một đời tuyệt học thường thắng bát kiếm và trúc kiếm thiết thư uy lực phi thường, lưỡi kiếm bạt gió nghe như sấm sét, như giông tố, và cũng mường tượng như có thiên quân vạn mã vậy.

Tám người áo đen tay mạnh, nhưng đâu có phải là địch thủ của chàng. Thường thắng bát kiếm chỉ mới có ba chiêu thì đã nghe tiếng kêu thê thảm.

Trong tám người, có bốn người võ khí rời khỏi tay hoặc bị hủy hoại, số còn lại kẻ thì bị đứt áo, kẻ thì bị đứt da nứt thịt.

Nhưng họ vẫn hung hăng không chịu lùi bước, hình như họ gặp kẻ thù, quyết liều chết sống vậy. Cừu Thiên Hiệp giận dữ nắm chặt gươm trong tay hét lớn:

- Đừng trách ta sao không nương tay nhé !

Chàng vung gươm nhắm bốn người dữ nhất trong bọn dùng Nhất chiêu tri thức tấn công ngay lúc bấy giờ bỗng có tiếng kêu thánh thót:

- Hãy dừng tay lại đã !

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.