Thịnh Đường Tiểu Nữ Quan

Chương 37: Chương 37: Hồi sinh Nam Tân (2)




Nhóm dịch: Thất Liên Hoa

Hôm nay tâm trạng của Chung Thiệu Kinh không tệ, bèn nói thêm với nàng mấy câu.

Trên thế gian này có hàng trăm loại người, đương nhiên sẽ có hàng trăm kiểu thơ, chỉ có những bài thơ được sáng tác theo lệnh của hoàng đế trong triều kia mới rập theo một khuôn khổ nhất định, còn thơ do người bên ngoài viết thì có vô vàn chủng loại khác nhau.

Giống như một bài thơ cổ tứ ngôn có tựa đề《Con》trong cuốn thơ mà Cố Huống mang tới Trường An kia, toàn bộ bài thơ chỉ đơn thuần giãi bày ra mọi thứ một cách thẳng thắn và trực tiếp, thơ viết ra không hề có một chút ý vị tao nhã nào, thế nhưng vẫn có không ít người truyền đọc, khen ngợi rối rít thiên phú thơ ca hơn người của Cố Huống.

Chắc có lẽ là vì sự thẳng thừng và dễ hiểu trong bút pháp thơ ca của Cố Huống.

Tam Nương không rõ rốt cuộc ý vị tao nhã là cái gì, nhưng điều này cũng không thể ngăn cản nàng truy hỏi Chung Thiệu Kinh: Bài thơ “Con” viết về cái gì? Từ “con” trong tựa đề bài thơ là chỉ “con” trong con trai hay là “con” trong con gái?

Chung Thiệu Kinh chưa từng gặp đứa trẻ nào lại có thể đi sâu truy tìm nguồn gốc đến cùng nhường này, vì vậy ông ấy dứt khoát sai người dâng bút mực lên, nhấc tay viết toàn bộ bài thơ “Con” lên giấy cho Tam Nương xem.

So với kiểu chữ cởi mở tự nhiên của bọn Cố Huống thì chữ của Chung Thiệu Kinh cho dù được viết ra trong lúc đang uống rượu thì cũng đều là những con chữ Khải nhỏ nhắn, thanh tú xinh đẹp. Rõ ràng chỉ là một con chữ nhỏ như vậy mà thôi nhưng trong nét bút lại ẩn chứa những biến hóa vô cùng vô tận, kỹ xảo có thể nói là đã đạt tới sự hoàn mỹ.

Chữ viết như thế này nếu như bị những người mới vào nghề cầm đi mô phỏng lại thì nhất định sẽ có thể dẫn tay người mới kia đi vào ngõ cụt.

Muốn thể hiện ra sự biến hóa tài tình trong bút pháp trên thể chữ Khải nhỏ như thế này kỳ thực không hề dễ dàng, cần phải có năng lực khống chế và điều khiển bút mực cực cao, cho dù chỉ viết hơi to hơi nhỏ hay là hơi nặng hơi nhẹ chút thôi thì chữ viết ra cũng đều sẽ mất cân đối.

Nói tóm lại, tay nghề viết thể chữ Khải nhỏ có một không hai tại Trường An như của Chung Thiệu Kinh này, dùng đôi bàn tay nhỏ nhắn ngắn ngủn hiện giờ của Tam Nương thì tuyệt đối không thể học hay bắt chước theo được.

Tam Nương vốn chỉ là muốn biết nội dung bài thơ kia là gì nhưng sau khi xem Chung Thiệu Kinh đề bút viết thì lại bị nét chữ của ông ấy thu hút.

Nàng không tự chủ được mà nín thở, đôi con ngươi như hai viên trân châu sáng ngời không ngừng dõi nhìn theo ngòi bút, bút đi đến hướng đông là mắt nàng cũng chuyển sang hướng đông, bút đi hướng tây là mắt nàng cũng chuyển về hướng tây, chỉ cảm thấy bản thân mình đang được chứng kiến một màn họa thơ cực kỳ huyền diệu: Rõ ràng chỉ là một đôi bàn tay và một cây bút, thế mà sao chữ người ta viết ra lại đẹp như thế này chứ!

Mãi đến khi Chung Thiệu Kinh đã viết xong mà nàng vẫn còn chưa phục hồi tinh thần lại từ việc quan sát học hỏi với khoảng cách gần như vừa rồi.

Chung Thiệu Kinh vốn là người thích thư pháp, trông thấy dáng vẻ nhìn đến mê mẩn này của nàng, cảm thấy cực kỳ thú vị. Ông ấy nói: “Thích xem người khác viết chữ đến mức này sao?”

Sau khi Tam Nương nghe được câu hỏi này của Chung Thiệu Kinh thì cuối cùng mới thoát ra khỏi loại trạng thái ngơ ngẩn kia.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.