Thịnh Thế An Ổn

Chương 13: Chương 13




“Được rồi, áp giải hắn xuống đi.” Hoàng Đế hơi phiền chán phất tay.

Thời tiết này đúng ra không nên có nhiều bươm bướm như vậy nha. Những người đang có mặt tại đây đều lăn lộn nơi chốn quan trường, ai mà không thành tinh? Có một số sự việc đâu cần nói trắng ra mới hiểu.

Nhìn tên nông dân bị giải đi, không ít người cảm thấy câu nói “Hoàng Thượng, số bạc này dù không bằng của Ân tỷ tỷ nhưng ngài cũng đừng chê ít nha” vừa rồi của Tạ Ý Hinh đúng là tuyệt diệu, đối với Ân Từ Mặc mà nói chính là trắng trợn mỉa mai nha. Nếu câu đó mà nói vào lúc này thì hiệu quả có khi còn gấp bội. Thật đáng tiếc! Có không ít người vẫn cố quan sát nàng, hy vọng nàng lại nói thêm vài câu để chọc ngoáy Ân Từ Mặc một chút.

Tạ Ý Hinh lại nghĩ khác với các lão gia đã thành tinh này. Nàng hoàn toàn không cảm thấy nuối tiếc chút nào, bởi nếu đặt vào hoàn cảnh lúc này thì khó tránh khỏi sẽ bị người ta cho rằng nàng dậu đổ bìm leo, không có khí độ cũng không khoan dung rộng lượng.

Quan sát thấy Tạ Ý Hinh vẫn lẳng lặng đứng đó không nói thêm lời nào, không ít lão gia thầm gật đầu tán thưởng, cái nhìn và cảm nhận của Hoàng Thượng hiển nhiên quan trọng hơn nhiều so với việc thể hiện sự sắc sảo cũng như thỏa mãn nỗi khoái chí của bản thân. Lúc nãy khi nàng nói chuyện thì biểu hiện đầy ngây thơ nhưng cũng rất đáng yêu, lúc này sự im lặng của nàng lại thể hiện rõ tính cách tốt đẹp, biết tiến biết lùi đúng lúc. Khá lắm, khá lắm, Tạ lão thật có phúc.

Tạ lão gia cũng ngạc nhiên nhìn thoáng qua cháu gái. Nếu vừa rồi không có câu nói đó thì dù Thánh Thượng có hoài nghi sự kiện “điềm lành” kia nhưng vì có hành động “thả con tép bắt con tôm” nên ngài cũng coi như dẫu có khuyết điểm vẫn không che lấp được ưu điểm của Ân Từ Mặc. Tiếc rằng chính vì có câu nói của Tạ Ý Hinh nên đâm ra có sự so sánh giữa hai người, ai cao ai thấp sẽ lập tức rõ ràng ngay. Có hành động châu ngọc của cháu gái làm thước đo thì sự tính toán trục lợi của ả càng bị phóng đại gấp mấy lần.

“Thần nữ có một kế sách này có thể giúp Hoàng Thượng gom đủ tiền bạc cứu tế dân chúng bị nạn.” Ân Từ Mặc khẽ cắn môi, quỳ xuống dập đầu.

“Vậy sao?” Hoàng Đế hứng thú nhìn nàng ta.

Ai nấy đều hít sâu vào một hơi hoảng sợ, những ánh mắt bắn về phía Ân Từ Mặc đều mang theo ẩn ý rằng nàng ta điên rồi. Nàng ta có biết mình đang nói gì sao? Gom đủ tiền bạc! Các lão thần đang ngồi đây còn chưa ai dám tự khoe như thế, một con nhóc mà cũng dám à!

Tạ Ý Hinh kín đáo đánh giá vẻ mặt của mọi người. Trên mặt những người này nàng có thể thấy đủ các loại ánh mắt, từ lo lắng đến nhạo báng, cũng không thiếu những ánh mắt nghiêm nghị mang theo nét nghi ngờ.

Ân Từ Mặc như không hề cảm nhận được những ánh mắt nghi kỵ này, chỉ tiếp tục quỳ trên đất cung kính ngước nhìn Thiên nhan. Tình huống lúc này đã ra thoát khỏi tầm khống chế của ả, ả chỉ có thể tìm hết cách để bù lại.

Tạ Ý Hinh không hề có ý khinh thường ả, kiếp trước bởi có dính dáng đến Chu Thông Dục nên nàng cũng khá quan tâm đến ả Ân Từ Mặc này. Theo hiểu biết của nàng, một khi Ân Từ Mặc đã mở miệng thì có nghĩa là ả đã nắm chắc phần thắng trên tám phần.

Sau khi trầm ngâm nửa khắc, Chu Xương Đế mới nói, “Nói ra Trẫm nghe xem.”

Sự việc phát sinh bên này đã nhanh chóng được hạ nhân báo lại cho Hoàng hậu nương nương. Chẳng bao lâu sau, Hoàng hậu nương nương cũng bước chân vào Duyệt Tâm Đình, phía sau còn có cả một đoàn người đi theo.

Lại thêm một loạt hành lễ chúc tụng. Sau khi mọi sự làm xong, thấy Chu Xương Đế không tỏ vẻ gì là không vui và cũng không có ý đuổi mọi người đi, tất cả mọi người đều tự động tìm chỗ ngồi xuống. Đương nhiên, những người tới sau không thể may mắn được diện thánh nhan gần gũi như nhóm Tạ Ý Hinh.

“Được rồi, ngươi tiếp tục nói đi.”

“Tình hình lũ lụt tại Cừ Nam vô cùng nghiêm trọng, việc cấp bách nhất là phải giải quyết vấn đề tồn trữ hàng hóa hỗ trợ ăn ở đi lại của người dân.” Ân Từ Mặc thong dong quỳ gối tại chỗ, giọng nói vẫn bình tĩnh rõ ràng.

Mọi người đều thầm mắng: Nói nhảm, ăn ở đi lại đương nhiên là trọng tâm hàng đầu, thế nhưng vấn đề ở đây là triều đình không có tiền bạc thì lấy gì mà đi giải quyết.

“Từ sau khi thiên tai xảy ra, thần nữ ngày đêm đều lo lắng suy tư xem có thể làm thế nào để giúp đỡ dân chúng Cừ Nam. Sau mấy ngày đêm trăn trở, cuối cùng Ông Trời cũng thương xót cho thần nữ nghĩ ra được ba biện pháp để gom góp vàng bạc.” Nàng ta thỏ thẻ.

Ai nấy nghe đến đây cũng đều sốt ruột, cảm thấy nàng ta nói chuyện dông dài, mãi mà vẫn chưa nói được đến trọng điểm.

“Ừ, nói tiếp.”

“Thần nữ cả gan xin hỏi, liệu Hoàng Thượng còn tồn trữ vật gì xưa cũ trong khố phòng của hoàng cung không?”

“Ngươi hỏi cái này để làm gì?” Không chỉ riêng Chu Xương Đế mà ai nấy cũng đều mơ hồ chả hiểu ra làm sao.

“Hoàng Thượng chắc không biết, đồ vật ngự chế và vật phẩm tiến cống cực kỳ được tôn vinh trong lòng dân chúng, họ xem việc có được một món đồ vật ngự chế hoặc cống phẩm là một điều vinh dự vô cùng. Nếu Hoàng Thượng có thể nhân lúc kiểm kê vật phẩm lưu giữ trong khố phòng hoàng cung năm vừa qua, xem có cái gì không dùng được thì có thể sửa sang lại rồi đem ra bán đấu giá. Thần nữ nghĩ nhất định sẽ có rất nhiều người đổ xô vào muốn xua cũng xua không kịp. Hoàng Thượng lại lấy danh nghĩa rằng bạc thu được từ việc đấu giá này sẽ được dùng để cứu tế người dân bị thiên tai thì dân chúng nhất định sẽ càng tích cực hơn. Đó là kế sách thứ nhất.”

Nói thừa! Không tích cực mà được à! Đồ vật ngự chế vốn cực kỳ hiếm thấy ngoài dân gian, rất nhiều người có tiền mà muốn tìm mua cũng không có. Giờ có sẵn ra đó thì những kẻ đó còn không vội vàng phấn khởi moi bạc ra để mua cho bằng được một hai món về cúng tế tổ tiên à?

Ngoài ra, hành động này còn thể hiện tấm lòng thương yêu con dân của hoàng thất, vì để cứu tế thiên tai mà ngay cả đồ vật ngự dụng của chính mình cũng có thể lấy ra. Một Hoàng Đế như thế rõ ràng là một lòng một dạ yêu dân như con chứ gì nữa? Chắc chắn rằng sau khi việc này qua đi thì Chu Xương Đế sẽ càng được lòng dân chúng, càng được con dân kính yêu. Có lẽ mấy đồ vật này Hoàng Thượng hoặc tần phi của ngài không dùng được, nhưng liệu sẽ có ai để ý đâu? Huống chi mọi người muốn mua những vật này về cũng không phải là mong có thể sử dụng được chúng.

“Bán đấu giá là như thế nào?”

“Bán đấu giá tức là dùng phương thức cạnh tranh trả giá công khai, sau đó vật phẩm sẽ được bán cho người trả giá cao nhất.” Ân Từ Mặc giải thích cách bán đấu giá.

“Vậy tốt đấy!”

“Đúng, rất tốt! Cứ theo lẽ đó, đồ vật ngự chế và cống phẩm ắt sẽ bán được giá cao.”

Mọi người châu đầu ghé tai nhỏ giọng thảo luận. Chu Xương Đế nhìn thấy nhưng cũng không cấm.

Chu Xương Đế gật gật đầu, “Vậy còn biện pháp thứ hai?”

“Biện pháp thứ hai là động viên các thương gia giàu có quyên góp tiền bạc. Thương gia thường có nhiều tiền tài, có đôi khi chỉ cần một phú thương quyên tiền cũng có thể hơn cả ngàn vạn dân chúng cộng lại.”

Trong suốt quá trình Ân Từ Mặc trình bày diễn giải, Tạ Ý Hinh thật ngoan ngoãn không lên tiếng nữa.

Hôm nay Tạ gia nhà nàng đã thu hoạch được rất nhiều, nàng thấy không cần thiết phải chiếm hết mọi ưu việt trong một tình huống thế này, bởi người ta thường nói “tốt quá hóa ốp”. Tuy nhiên, nàng vẫn đang âm thầm quan sát nét mặt của mọi người, nhất là hai anh em trong hệ nhà họ Ân đang đứng góc xa nhất kia. Nét mặt họ vừa khổ sở mà lại vừa nhẫn nhục, như chỉ mong là có thể thay thế ả đứng tại chỗ kia.

Một biểu hiện cảm tình cô đọng như vậy đã khiến Tạ Ý Hinh phải đưa mắt nhìn qua vài lần, rồi không thể không cảm thán một câu: kiếp trước Ân gia chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi đã có thể nhanh chóng phát triển như thế cũng là hợp lý thôi. Toàn bộ Ân gia được Ân Từ Mặc thống nhất và chỉnh đốn nên mức hội tụ nội lực và sự đồng lòng nhất trí đã đạt đến độ cao chưa từng thấy. Như vậy, toàn bộ gia tộc họ Ân đều cùng bắt tay cố gắng, tài nguyên nhân mạch hễ sử dụng được thì đều dùng tới, một gia đình như vậy không phồn thịnh mới là chuyện lạ.

Tạ Ý Hinh cảm thấy lúc này đúng là lúc Tạ gia cần phải bắt đầu bồi dưỡng lực lượng nối nghiệp. Dòng chính họ Tạ neo người, hơn nữa lớp trẻ lại không thấy ai có tài năng xuất chúng, đây là một sự thật dù nàng không muốn nhưng cũng phải thừa nhận.

Xưa nay một thế gia đâu phải chỉ cần một người phấn đấu khởi động là đủ. Ông nội nàng không phải không biết vấn đề này, chẳng qua vì thời trai trẻ đã có hiềm khích sâu đậm với tộc hệ họ hàng tại quê cũ nên ngoại trừ ông bác nàng ra (anh ruột của ông nội) thì mối liên hệ với họ hàng tại quê hầu như rất ít. Đợi đến sau này khi ông nội nàng suy ngẫm và cân nhắc lại, sẵn sàng cúi đầu quay về Yến Tử Hồ để thăm họ hàng thân tộc thì lại nhận được tin dữ từ quê nhà: toàn bộ hơn ba trăm nhân khẩu dòng dõi họ Tạ ở quê đều gặp nạn, không người nào may mắt thoát khỏi. Chính vì thế, khi đệ đệ của nàng gặp phải tai nạn ngay sau đó, ông nội nàng mới có thể bị sốc mà ngã bệnh nặng.

Sau khi chuyện này trôi qua, nàng nhất định phải tìm cách khuyên ông nội quay về Yến Tử Hồ một chuyến mới được.

“Bẩm Hoàng Thượng, thảo dân Vương Tiềm cả gan có vấn đề muốn thỉnh giáo Ân tiểu thư, khẩn cầu Hoàng Thượng phê chuẩn.” Lúc này có một người dáng vẻ thư sinh đứng lên lễ độ nói.

Vương Tiềm? Trạng Nguyên Đại Xương năm thứ bảy mươi tám, cũng là người đứng đầu bảng thi Đình mùa đông năm nay? Thật ra Trạng Nguyên cũng chẳng phải hiếm lạ gì bởi mỗi ba năm đều sẽ có một người, đã có biết bao nhiêu Trạng Nguyên cả đời cũng chỉ sống một cách tầm thường vô vị bởi không có hậu thuẫn tốt hoặc không gặp được thời cơ phù hợp, giãy giụa đấu tranh tại những chức quan thất phẩm bát phẩm mãi không ngoi lên được. Tạ Ý Hinh có thể nhớ được Vương Tiềm chủ yếu là vì hắn là anh em kết nghĩa với Ti Hướng Hồng. Cùng một năm kỳ thi, hai huynh đệ kết nghĩa người thì giành Trạng Nguyên, người kia được Thám Hoa. Thật ra, Ti Hướng Hồng cũng không hơn gì Vương Tiềm trong các phần thi viết, vấn đáp, kinh thư cổ và thi phú. Nhất là phần trả lời vấn đáp của y tuy rất phấn khích nhưng cũng làm cho người ta cảm thấy xảo quyệt và bội bạc bất trung, nên đã khiến cho các lão thần trong triều tranh luật sôi nổi, thậm chí chia phe chia phái. Ông nội nàng đứng đầu một phe lão thần cho rằng kẻ này lòng dạ bất chính, không nên đảm nhiệm chức quan. Còn Ân gia, vốn lúc này đã phát triển cực kỳ mạnh mẽ, không biết vì sao lại liên kết với một số cận thần để cực lực đề cử Ti Hướng Hồng danh Trạng Nguyên. Lúc ấy Hoàng Đế vô cùng đau đầu, dưới sức ép của triều thần đành bất đắc dĩ khâm điểm y ta danh Thám Hoa. Riêng bản thân Ti Hướng Hồng lại ra vẻ như không quan tâm đến những chuyện này, sau đó câu kết với Lễ bộ Thượng Thư Chúc Văn Huống để cưới con gái lão, khi có được danh vọng địa vị rồi thì bắt tay giúp đỡ Ân gia ra sức chèn ép Tạ gia. Đến nay Tạ Ý Hinh vẫn cảm thấy rùng mình khi nhớ lại những thủ đoạn của y ta.

“Chuẩn --”

Một từ “chuẩn” đầy uy nghiêm đã kéo suy nghĩ đang bay xa của Tạ Ý Hinh về hiện tại.

“Ân tiểu thư, giải pháp này chúng ta cũng đã từng thảo luận tại Thiên Nguyệt lâu. Nhưng các phú thương giàu có kia cũng có phải là gia nô đâu mà chỉ cần ra lệnh một tiếng thì bọn họ sẽ lập tức ngoan ngoãn nghe theo. Còn như Hoàng Thượng lại yết hoàng bảng ban thưởng này nọ thì sợ rằng sẽ tạo thành tiền lệ, gây họa cho dân chúng, đúng không?”

Ân Từ Mặc nhẹ nhàng cười, “Khuyên nhủ người khác đơn giản chính là dùng tình làm cho họ cảm động, giải bày khiến họ hiểu mà cảm thông, cũng có khích lệ khiến họ cảm thấy có lợi. Thật ra con người ta ai cũng có tính ích kỷ, trong việc cứu tế nếu chỉ cần quyên vài đồng trinh thì đa số đều vui lòng, nhưng nếu bắt buộc họ hiến tặng một lượng lớn tiền tài mà không có ràng buộc gì thì ta nghĩ phần lớn mọi người đều sẽ từ chối. Nếu Bệ hạ dùng biện pháp mạnh buộc họ phải khuất phục thì sợ là sẽ khiến lòng dân bất an, vậy nên chúng ta dùng biện pháp khích lệ để họ cảm thấy có lợi. Ví như quyên tiền đến một mức nào đó thì sẽ được Bệ hạ đăng hoàng bảng ban lời khen ngợi, trên bảng ghi rõ tên phú thương và ngành nghề kinh doanh, đã dốc sức quyên góp được bao nhiêu đó tiền vân vân. Qua đó, họ sẽ tạo được tiếng thơm là người tốt bụng trong dân chúng, sau này việc kinh doanh cũng sẽ thuận lợi hơn. Người thông minh ắt sẽ không bỏ qua cơ hội này. Ngoài ra con cháu họ có thể thừa hưởng hoặc được cắt giảm một phần tiền thuế kinh doanh hàng năm, khiến họ cảm thấy bỏ ra quyên góp số bạc lớn như thế cũng không phải là vô ích.”

Vương Tiềm chợt hiểu ra, lập tức làm động tác vái chào, “Ân tiểu thư hết lòng lo lắng cho dân chúng nên mới nghĩ ra được biện pháp hay thế này. Tại hạ bái phục.”

“Công tử quá khen.”

Mọi người cũng giật mình, thì ra còn có một phương cách như vậy.

Ân Từ Mặc tiếp tục chậm rãi nói, “Hai giải pháp đầu là nhắm vào những phú thương hoặc người mua bán có chút lợi nhuận, còn giải pháp thứ ba là tổ chức đội ngũ thu thập đồ vật quyên góp từ dân chúng, như quần áo vật dụng cũ chẳng hạn. Đương nhiên những đồ vật đó không phải là loại dễ vỡ, chỉ cần sạch sẽ và có thể dùng được thì đều nhận lấy. Nếu không có gì bất ngờ, khi đồng loạt áp dụng cả ba biện pháp này cùng một lúc thì nhất định sẽ giúp Hoàng Thượng gom đủ tài chính.” Ba biện pháp này có thể nói là kêu gọi toàn dân cùng góp sức, nếu đến vậy mà còn không đủ để chẩn tai thì cũng xem như buông bỏ Cừ Nam được rồi.

“Nếu sự việc thuận lợi đúng như ngươi nói, như vậy ta thấy giải pháp thứ ba có cũng được mà không có cũng không sao. Nhiều vật tư như thế thì khâu vận chuyển cũng không ít khó khăn.” Đại Hoàng tử Quân Lâm Giang thật sự phân tích.

“Thật ra sau khi thi thành biện pháp một và hai thì Hoàng Thượng nhất định sẽ gom góp được không ít tiền bạc. Thần nữ nói ra biện pháp thứ ba là có ý muốn cho toàn dân đều tham dự vào việc này chứ không cho rằng việc này chả liên quan gì đến họ.”

Mọi người nghe vậy đều ngẩn người, không thể nào ngờ được Ân Từ Mặc còn nhỏ mà đã có kiến thức sâu sắc như vậy. Đúng là tướng môn hổ nữ.

Vừa nghe hết ba biện pháp cứu tế này, Tạ lão gia trong lòng chấn động. Chẳng phải ông ngạc nhiên vì có các biện pháp như thế, mà là nhớ tới chuyện mấy ngày trước ông dự định tiến cung diện thánh. Như hiểu ra được điều gì, ông đưa mắt nhìn thoáng qua cháu gái, sau đó giống như mọi người quay sang nhìn Ân Từ Mặc, trong mắt thoáng nét tối sầm. Hôm trước cháu gái bóng gió nhắc nhở ông hãy hoãn lại vài ngày, đừng nên vội vã tiến cung diện thánh, quả nhiên hôm nay có đối sách được đưa ra. Khi ba biện pháp cứu tế này được thực thi triệt để thì chẳng khó để đoán ra được kết quả.

Con người ta sợ nhất là bị so sánh với kẻ khác, hơn nữa thánh tâm là thứ thật sự rất khó nói và rất khó đoán, chỉ cần một chuyện nhỏ thôi có lẽ cũng đã đủ khiến cho Thánh Thượng ghét ngươi. Nếu đem ra so sánh với việc Ân gia nỗ lực chia sẻ ưu tư với Hoàng Thượng thì hành vi kia của ông chẳng khác nào thúc ép bắt chẹt Hoàng Thượng. Nghĩ vậy, một người luôn trầm tĩnh như Tạ Trì Lễ cũng không khỏi toát mồ hôi toàn thân. Hôm nay sau khi về nhà ông phải lập tức đốt ngay tấu chương kia mới được.

Ông lại nghĩ tiếp, chẳng lẽ cháu gái đã biết trước được sự việc ngày hôm nay? Nhưng dẫu lý do là gì, ông đoan chắc rằng cháu gái sẽ không lừa ông. Việc ông cần lo lắng lúc này là hai nhà Tương gia Lê gia vào thời điểm này mà còn có thể giữ được điềm tĩnh, thậm chí còn đào sẵn hố để dẫn cho Tạ gia nhảy vào, liệu điều đó có nghĩa là bọn họ đã biết trước được hôm nay sẽ có kết quả này rồi chăng? Hoặc phải nói là bọn họ đã liên minh với Ân gia rồi đúng không? Tạ lão gia không thể không cân nhắc tất cả các khả năng này.

“Hay! Ba biện pháp này rất tốt!” Chính xác là muốn tập hợp lòng dân đây. Chu Xương Đế hiểu ra, lập tức lòng đầy vui mừng, cuối cùng cũng đã tìm được biện pháp có thể giải quyết tình hình tai nạn đang càng ngày càng diễn biến xấu tại Cừ Nam. Bởi thế, ánh mắt nhìn xuống Ân Từ Mặc chợt trở nên ôn hòa, “Bé ngoan, làm khó ngươi nghĩ ra được mấy biện pháp như vậy. Ngươi yên tâm, sau này trẫm tất có trọng thưởng!”

“Hoàng Thượng quá khen, đây là bổn phận của thần nữ, không xứng để Hoàng Thượng phải ban thưởng đâu ạ.” Được mọi người ca ngợi cũng không làm cho Ân Từ Mặc đắc ý mà vênh váo. Ả ngoài thì mỉm cười dịu dàng nhưng thật ra trong lòng đang nhỏ máu, ba biện pháp cứu tế này vốn là con bài chính trị ả chuẩn bị sẵn dành để dọn đường cho gia tộc.

Nếu theo đúng kế hoạch của ả, chỉ cần có hiện tượng “điềm lành” kia là đã đủ mang lại cho ả tiếng nói và lực ảnh hưởng, sau đó lại có hành động quyên tặng hết các ban thưởng đạt được, như vậy vừa có thể tạo được quan hệ tốt với đệ tử các thế gia đồng thời cũng đánh thức lòng tự ái của họ, qua đó nhất định có thể kích phát đợt sóng quyên tiền mạnh mẽ như sóng cồn đầu tiên. Đến lúc đó, chắc chắn Chu Xương Đế sẽ không quên công lao của ả.

Ả cũng không chắc lắm liệu có thể qua mắt được Chu Xương Đế trong sự kiện điềm lành kia không, nhưng dầu sao ả cũng đã chuẩn bị sẵn phương án hai. Nếu thần sắc của Chu Xương Đế trở nên khác thường, ả sẽ lập tức chủ động thẳng thắn trình báo, qua đó vẫn có thể thắng được cảm tình của Chu Xương Đế.

Còn ba biện pháp cứu trợ này ngày hôm sau mới được tộc hệ Ân gia đệ trình lên ngọc án của Hoàng Đế, dẫn tới đợt sóng quyên tiền thứ hai đồng thời cũng thu hoạch về cho Ân gia nền tảng chính trị quan trọng, qua đó ả có thể thuận lợi đi nước cờ thứ ba là bố trí sắp xếp cho tương lai. Tiếc rằng tất cả những xếp đặt đâu vào đó này đều đã bị cái mồm thối của con bé Thất Công chúa ngu xuẩn kia phá hủy sạch sẽ. Nghĩ đến đây, ả liền bực mình không thôi.

Thái độ không kiêu không nịnh của Ân Từ Mặc lại làm cho mọi người tán thưởng.

Bất quá có vài lão thần trong đám người lại có vẻ mặt đầy ẩn ý, tuy thoạt nhìn thì cũng có vẻ khen ngợi Ân Từ Mặc đấy. Mà đúng là chỉ có những người am hiểu thấu đáo sự đời mới thấy được rằng: quá nhiều, theo quan điểm của họ, còn không bằng làm việc có chừng mực và dừng đúng lúc như Tạ Ý Hinh.

Tạ Ý Hinh cúi đầu, dấu đi ý cười trong mắt. Hiện tại có cảm tưởng như Ân Từ Mặc nổi danh như cồn, nhưng không ai biết được rằng Ân gia tổn thất vô cùng nặng nề.

Nếu chiếu theo quỹ đạo của kiếp trước, Ân Từ Mặc sẽ nổi tiếng toàn Kinh thành qua lần Thanh Hà yến này, vào được mắt Chu Xương Đế cũng như được dân chúng kính yêu. Ngày hôm sau, phụ thân của Ân Từ Mặc là Ân Sùng Diệc sẽ đệ trình lên Thánh thượng ba biện pháp cứu tế này, được long nhan vui mừng cảm kích nên ban thưởng thăng liền hai cấp chức quan. Theo sau đó, Ân Từ Mặc thuận tiện nương theo danh của Tam Hoàng tử mà bắt đầu khởi xướng một cái gọi là Hội quỹ Đại Xương, kêu gọi các công tử thiên kim của các thế gia hỗ trợ thực hiện biện pháp cứu tế thứ ba là kêu gọi quyên tặng vật tư đồ đạc từ trong dân chúng. Lần quyên góp này thành công ngoài sức tưởng tượng nên có được Hoàng Thượng khen ngợi và cũng được các thế gia bắt đầu để mắt, thế là lứa con cháu Ân gia thế hệ này lần đầu tiên được Hoàng Đế chú ý.

Ngược lại với những thành tích này, Nhị thúc Tạ Uyên Bảo của nàng lại suýt nữa xài tan khoản tiền cứu tế khổng lồ gom góp được, do đó bị mất chức và điều về lại Kinh thành. Người nhà họ Ân vì thế xung phong đi đầu, mặc kệ gian nguy mà tiến đến Cừ Nam để xử lý rắc rối này, cũng thật sự giải quyết được tốt sự việc, dẫn đến chuyện Ân gia giành được cái ghế Tri Phủ vốn Nhị thúc của nàng đang ngồi. Một trong những ban thưởng cho công lao này là việc thu chi của Hội quỹ sẽ do Ân Từ Mặc quản lý.

Kiếp trước, những năm đầu khi Hội quỹ cứu tế do Ân Từ Mặc quản lý cũng là những năm các cửa hiệu tiệm buôn thuộc Ân gia phát triển và lan rộng nhanh nhất, vậy nguồn tài chính khởi động của Ân gia từ đâu mà có?

Những ngày qua nàng vẫn luôn tự hỏi vấn đề này, sau khi xâu chuỗi các thông tin mà nàng nhớ được như các chức quan do hệ nhà họ Ân giữ chức tại các địa phương đến một số sự kiện lớn từng xảy ra, nàng phát hiện được rằng ngoại trừ khoản tiền quyên góp cứu tế cho Cừ Nam cùng với nguồn quỹ hội từ thiện trong những năm đầu ra thì sau đó Ân gia chưa từng quản lý các khoản tiền lớn nào khác. Ít ra bề ngoài là thế, còn như bí mật thì nàng không có đầu mối nên cũng không biết.

Nhưng nàng cũng chưa từng nghe thấy là quỹ của Hội từ thiện có hiện tượng lộn xộn gì, như vậy có thể gạt bỏ khả năng thâm thụt quỹ. Hơn nữa quỹ hội đầu tiên là do Ân Từ Mặc quản lý, ả lại là kẻ sỹ diện nên chắc chắn sẽ không để cho khoản này xảy ra chuyện thiếu hụt. Loại trừ khả năng đó thì chỉ còn cách tham ô. Dùng tiền quỹ hội để đẻ ra tiền, đến khi bị kiểm khoản thì lại đem tiền vốn trả lại, xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Thật đúng là rất thông minh.

Nhưng như vậy chưa đủ. Phải một hai năm sau thì Hội quỹ mới có được một số tiền lớn, mà các cửa hiệu tiệm buôn của Ân gia đâu có đợi tới lúc đó mới mở. Như vậy nói lên điều gì? Đó là Ân gia chắc chắn đã động tay vào khoản cứu tế kia! Phải biết rằng lượng tiền bạc vật tư gom góp được thông qua ba biện pháp cứu tế kia sẽ đạt tới một hạn ngạch kinh người, cho dù Nhị thúc nàng có bất tài tới đâu thì cũng không cách nào khiến cho sự việc hỏng bét đến như thế được.

Giải thích có khả năng nhất chính là Nhị thúc của nàng, thậm chí là toàn bộ Tạ gia, đều lọt vào bẫy rập của kẻ khác. Nàng nhớ rõ, ông nội nàng sau khi tiến cung diện thánh về thì liền ngã bệnh, Tạ gia lúc ấy lộn xộn nên cũng chẳng lạ nếu bị kẻ khác lợi dụng sơ hở. Nhưng vào thời điểm này thì Ân gia lại không có năng lực để có thể sắp đặt mọi việc kín kẽ đến giọt nước chẳng lọt, nên ngoại trừ việc hợp tác với các thế gia thì nàng không nghĩ ra được khả năng nào khác. Ngẫm lại những kẻ nào đạt được lợi ích lớn sau khi tình hình tai nạn qua đi thì cũng không khó để nhìn ra manh mối.

Tất cả những bước kế hoạch đều rất chặt chẽ, mắt xích này liên kết mắt xích kia, Ân gia xem như đạt được thắng lợi rực rỡ trên cả hai phương diện danh tiếng và lợi nhuận, toàn gia tộc trong mắt Hoàng Đế là những thần tử chuyện gì cũng có thể thực hiện được hoàn hảo! Còn Tạ gia thì làm cái gì cũng xôi hỏng bỏng không, độ tín nhiệm tụt xuống rất thấp trong mắt người dân và trong lòng Hoàng đế.

Sau đó, Ân Từ Mặc cũng chọn một thời điểm thích hợp để bẩm tấu với Chu Xương Đế sự thật về cái gọi là “điềm lành”. Chu Xương Đế chẳng những không trách tội ả khi quân phạm thượng mà còn cảm thấy ả một lòng một dạ vì Đế quân và vô cùng thành thật.

Việc này vốn dĩ nàng cũng không biết, chẳng qua kiếp trước có lúc vô tình nghe được phụ thân cảm thán vài câu với kế mẫu rằng nàng không giỏi bằng Ân Từ Mặc, khiến nàng tức giận vô cùng đồng thời cũng làm nàng ghi khắc chuyện này trong lòng rất nhiều năm.

May là như thế nên nàng mới có thể cho người đánh động cho thị vệ kia bắt được kẻ thả bướm. Thật ra dẫu cho không có kẻ thả bướm đó thì nàng cũng sẽ sắp xếp một cái, chỉ cần có thể xáo trộn kế hoạch nhà họ Ân thì chuyện gì nàng cũng đều làm hết.

Chu Xương Đế có được ba biện pháp cứu tế thì liền nhấp nhổm không yên, sau khi trao đổi hai ba câu cùng Hoàng hậu thì liền bảo mọi người cứ vui chơi hết mình đi, rồi dẫn theo các vị lão thần hồi cung để thương nghị.

Khi đi ngang qua Nguyệt Môn, nhìn thấy cái giỏ trúc quen mắt đang lắc la lắc lư, mắt Chu Xương Đế chợt lóe lên, bước chân hơi khựng lại một chút, rồi lại tiếp tục mạnh mẽ bước đi mà không để cho người khác phát hiện điều gì. Chu Xương Đế dẫu có nhân hậu đến đâu thì cũng là một vị Vua, mà đã là một vị Vua, đã trải qua rất nhiều mê hoặc tính kế, thì trong tính cách sẽ không thiếu tính đa nghi đặc trưng.

Các vị lão thần theo sau tinh mắt đương nhiên cũng thấy được, liền quay qua trao đổi một ánh mắt đầy ẩn ý với những người quen biết. Xem ra có ai đó không muốn nhìn thấy Ân gia vùng lên nha. Là nhà nào đây? Tạ gia chăng? Nhưng nhìn kỹ thì không giống lắm. Có kẻ hiểu biết thì bắt đầu mơ hồ cảm thấy triều đình sắp sửa không còn bình thản hài hòa như xưa nay rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.