Thịnh Thế An Ổn

Chương 15: Chương 15




Đang là mùa nóng, Tạ Ý Hinh tuy không hay đổ mồ hôi nhưng sau khi đi ra ngoài cả ngày thì trên người cũng có mùi. Vừa rồi chỉ rửa mặt sơ chứ chưa kịp tắm rửa thì đã mau mau chạy đến Sùng Đức Viên, giờ thấy thời gian còn sớm, hơn nữa Tạ Ý Hinh lại thích sạch sẽ, nên vừa về đến Xuân Noãn Các thì nàng đã lập tức tắm rửa thay đồ cho mát mẻ.

Dặn người hầu bày một ghế nằm nhỏ ngoài sân, sau khi tắm xong nàng liền ngồi chỗ này đọc sách, để mặc mái tóc còn hơi ẩm tung bay theo làn gió. Bên phải ghế nằm còn bày một chiếc bàn nhỏ, trên đặt hoa quả tươi và một chén chè nếp cẩm hạt sen ướp lạnh.

Người hầu đứng cách đó xa xa đợi nàng có gì căn dặn.

Đang say mê đọc sách, nghe được tiếng chân lịch bà lịch bịch chạy tới song nàng vẫn không quay đầu, sau đó đôi mắt chợt bị một đôi bàn tay nhỏ bé ú nần bịt kín lại.

“Đoán xem ta là ai?” Giọng nói cố ý trầm thấp thô ráp nghe vô cùng buồn cười.

Tạ Ý Hinh buông sách, thích thú mở giọng đùa với bé con, “Để đoán xem nha, là Cẩn nhi nhà đại đường thúc phải không?”

“Đoán lại --” Nhóc con la lên.

“Thần Ca nhi nhà Nhị đường thúc hả?”

Bé con sốt ruột đến quên cả ngụy trang giọng nói, “Không đúng không đúng, đoán lại đi.” Tỷ tỷ ngốc thật, thế mà cũng đoán không ra là Hãn Ca Nhi nha.

“Ôi chao, đoán liền hai cái đều sai hết cả hai, làm sao bây giờ?”

“Sao tỷ toàn đoán nhà người khác không vậy?” Thằng bé lên án đầy ấm ức.

“Không phải nhà người khác à?” Tạ Ý Hinh làm bộ giật mình.

“Đúng rồi! Đoán trong nhà mình ấy!” Thằng bé nhấm nhẳng.

“Vậy thì là ai nhỉ? Hãn Ca Nhi là heo con, mới nãy tỷ kêu Xuân Tuyết đem điểm tâm qua Thanh Vân Các thì thằng bé còn ngủ trưa mà.” Giọng Tạ Ý Hinh ủ dột, nhưng thật ra trong bụng thì đã cười ngả nghiêng rồi. Chọc cục cưng này vui thật!

“Làm gì có, Hãn Ca Nhi đâu có là heo con đâu!” Thằng bé vội vàng phân bua.

“A, thì ra đệ là Hãn Ca Nhi.”

Hừ! Cậu bé thấy bị mắc mưu liền bỏ bàn tay mập mạp xuống, phụng phịu leo lên ghế ngồi cạnh nàng, còn quật cường xoay người sang chỗ khác hờn dỗi, nhưng mắt thì lại dính chặt vào bát chè nếp cẩm hạt sen mà nuốt nước miếng ừng ực.

Trẻ em thích ăn ngọt, vả lại thời tiết lúc này nóng bức nên chúng càng thích ăn món gì được ướp lạnh.

Song bao tử trẻ em lại yếu nên ăn lạnh nhiều cũng không tốt, vì thế kế mẫu nàng mỗi ngày cũng chỉ cho cậu bé ăn nửa chén chè lạnh mà thôi.

Món chè nếp cẩm hạt sen này được làm theo cách mới do nàng dạy cho phòng bếp riêng, so với trước đây thì hương vị ngọt ngào và mềm tan hơn. Ông bà nội nàng già rồi nên ăn như vậy thấy rất ngon miệng. Nàng liền chỉ cho phòng bếp chính cách làm, năm nay trời vừa vào hè thì ngày nào phòng bếp chính cũng chuẩn bị sẵn món này.

Kiếp trước lúc nàng chọn mua nô bộc thì vô tình mua được một mụ mụ lớn tuổi. Bà là người phía nam nên vô cùng rành rẽ cách làm món ngọt các loại, vì muốn tìm cô con gái bị người ta lừa bán nên mới bôn ba khắp nơi rồi vào đến Kinh thành, sau lại gặp phải biến cố nên không thể không bán mình làm tôi tớ, trùng hợp được nàng mua về.

Sau đó có lần nàng ngẫu nhiên ăn được món chè do bà làm và thấy rất ngon. Chu Thông Dục ăn cũng khen ngon nên lúc ấy nàng liền tự mình đi theo mụ mụ này học cách nấu món ngọt để lấy lòng Chu Thông Dục. Chẳng ngờ kiếp này vì vậy mà người nhà nàng được hưởng phúc.

Chè hạt sen nếp cẩm tính bình, bổ dưỡng, điều độ âm dương, bổ thận kiện tì, rất thích hợp dùng cho người già trẻ em và người đau yếu.

Tạ Ý Hinh đưa tay ôm xốc cậu bé vào lòng. Thằng bé hết hồn kêu lên một tiếng rồi lập tức cười khanh khách.

“Phù, cuối cùng cũng cười rồi. Làm tỷ tỷ sợ chết được, tưởng đâu Hãn Ca Nhi đáng yêu nhà chúng ta không thèm để ý đến tỷ tỷ nữa chứ.”

Tạ Ý Hinh làm bộ như vô cùng sợ hãi khiến cậu bé càng vui vẻ, đôi mắt to tròn nheo lại đầy thỏa mãn, bàn tay nhỏ bé vỗ vỗ đầu vai nàng miệng ngọt ngào an ủi, “Không đâu, Hãn Ca Nhi sẽ không bao giờ mặc kệ tỷ tỷ đâu. Nhưng mà tỷ nhớ phải ngoan nha.”

Tạ Ý Hinh đúng là dở khóc dở cười khi nghe lời này, coi bộ nhóc con này coi nàng như con nít ba tuổi đây.

Tạ Ý Hinh thấy được thằng bé thường quét mắt nhìn chén chè hạt sen nếp cẩm, song vì được dạy dỗ rất tốt nên rõ ràng là rất muốn ăn nhưng không hề mở miệng đòi.

Nàng cười cười đưa tay qua lấy chén chè, mắt cậu bé lập tức sáng ngời, “Chỉ được ăn nửa chén thôi nhé, nửa canh giờ nữa là tới giờ ăn tối rồi. Ăn nhiều vừa lạnh bụng vừa ăn cơm không vô, cẩn thận kẻo mẫu thân mắng đệ đó.”

Thằng bé gật đầu lia lịa như gà con mổ thóc, mắt vẫn không rời chén chè.

Tạ Ý Hinh lắc đầu, cầm muỗng sứ tinh xảo múc từng ngụm đút cho bé.

Đút hết nửa chén, cậu bé còn thèm lắm nhưng rất biết điều không kèo nài tiếp. Tạ Ý Hinh ra hiệu cho người hầu dọn dẹp đồ ăn xuống, sau đó vào phòng cầm bản Tam Tự kinh ra chậm rãi dạy cậu học bài. Cậu bé đọc rõ ràng từng chữ rất nghiêm túc.

Tạ Ý Hinh còn không biết rằng lúc này Mục Ngôn, gia phó trung thành nhà họ Tạ, đang lặng yên tiến vào cổng nhà Tạ gia.

Hôm nay bởi vì Tạ lão gia về trễ nên bữa tối Tạ gia dọn lên chậm.

Tạ Xương Duyên vừa thấy Tạ Ý Hinh dắt tay Tạ Mịch Hãn tiến vào nhà ăn thì lập tức cơm nước cũng bỏ mặc, “Con theo cha đến thư phòng!”

Tạ lão gia nhướng mày, “Có chuyện gì không chờ ăn cơm xong rồi nói được sao?”

“Đúng rồi, ăn cơm trước cái đã.” Lão phu nhân đứng ra hoà giải.

Quy củ nhà họ Tạ là ăn không ngôn ngủ không ngữ, không khí bữa cơm khá áp lực lại nhộn nhạo sóng ngầm nên mất cả ngon miệng. Trong lúc mọi người yên lặng dùng cơm, cậu bé Tạ Mịch Hãn vẫn thỉnh thoảng dùng đôi mắt đầy lo lắng nhìn nàng. Tạ Ý Hinh cười cười ý muốn trấn an cậu bé.

Phản ứng hôm nay của mọi người cũng chẳng phải trường hợp cá biệt bởi xưa nay Tạ Xương Duyên đều uy nghi nghiêm túc, hôm nay lại cố ý nghiêm mặt nên trừ hai ông bà lão ra thì ai nấy cũng đều nơm nớp lo sợ.

Dùng cơm xong, Tạ lão gia dẫn hai cha con Tạ Ý Hinh cùng vào thư phòng. Tạ Mịch Hãn lo lắng muốn đi theo liền bị Văn thị giữ chặt lại.

Ba người vừa đến thư phòng, Tạ Xương Duyên liền lập tức nổi giận hét lớn, “Quỳ xuống!”

Tạ Ý Hinh ngoan ngoãn quỳ xuống.

“Hôm nay con làm cái gì thế hả? Lấy quyền uy hiếp người khác, chỉ vì mấy chuyện nhỏ nhặt không đâu như vậy mà cũng không nhường nhịn, thật đúng là to gan! Đó là Tư tán đó, bộ con nghĩ là con mèo con chó nào sao?” Sau khi nàng quỳ xuống, Tạ Xương Duyên liền mắng xối xả. Ông mới ra roi thúc ngựa từ Trực Cô về đã nghe Mục quản sự bẩm báo việc này, thật khiến ông tức phát điên. Thời buổi đang rối loạn thế này, con gái lại kiếm chuyện với người ngoài, bộ nghĩ ông chưa đủ bận rộn hay sao?

Tạ Ý Hinh vẫn quỳ thẳng tắp mà không mở miệng giải thích.

Tạ lão gia không có kêu nàng đứng dậy mà chỉ cẩn thận quan sát cháu gái. Thấy nàng giờ phút này bị phụ thân chửi rủa như vậy mà vẫn giữ bình tĩnh thì trong mắt hiện lên một tia ngạc nhiên. Chẳng lẽ cháu gái đã hiểu biết đế vương sâu sắc đến vậy sao?

Tạ Xương Duyên chỉ biết chuyện con gái mình quyên tiền riêng và chuyện Ân Từ Mặc hiến kế trong lần Thanh Hà yến này, nhưng cũng không rõ chi tiết lắm.

“Nếu Ngôn thúc không nhận thấy có chỗ thiếu hụt rồi đi theo sau đuôi để bổ khuyết một hai thì sợ là giờ này không biết có bao nhiêu người đã truy đến tận cửa rồi không chừng.”

Tạ Ý Hinh oán thầm, đó chẳng qua là vì nàng cố ý để lộ tính toán của mình trước mặt Ngôn thúc ấy chứ. Hiện giờ trên tay nàng tiền thì có đấy, nhưng người để dùng được thì lại quá ít, chỉ có cách để lộ ra dấu vết khiến Ngôn thúc hỗ trợ dọn dẹp dấu vết mới tính là hoàn mỹ. Phải biết rằng động tay động chân ngay trước mặt Hoàng Đế đâu phải là chuyện dễ dàng.

Bộp! Tạ Xương Duyên vỗ mạnh bàn, “Nói đi, tóm lại con muốn làm gì! Hả?”

Tạ Xương Duyên ngẫm lại thì lại cảm thấy không đúng, tính con gái xưa nay vốn thờ ơ với mấy chuyện này, cũng chưa từng làm việc gì to gan như vậy, “Hay là có kẻ nào ép buộc con làm vậy? Con nói cho cha, cha sẽ xử lý cho!”

“Cha, cha đừng dính vào việc này. Con là con cháu họ Tạ, con sẽ không hại Tạ gia.” Loại chuyện trọng sinh kiểu này vốn dĩ vô cùng hoang đường, không phải nàng không muốn nói, mà đúng là không biết nói thế nào? Hơn nữa nàng thấy hôm nay tổ phụ cũng có mặt tại đó, ông nhất định có thể nhận ra ý đồ của nàng.

Tạ Xương Duyên cảm thấy mình sắp bị cô con gái ăn chưa no lo chưa tới này chọc cho tức điên. Coi nó nói kìa, gây tai gây họa còn bảo mình đừng động tay là thế nào?

“Được rồi, nếu con bé không muốn nói thì con cứ để yên đó đi. Với lại, cậu cả, cha thấy con nên sửa lại cái tính nóng nảy của con đi.”

“Cha!” Tạ Xương Duyên không dám tin nhìn cha mình, “Cha không nên chiều con bé như thế, bằng không sớm muộn gì cũng gây ra họa lớn cho mà xem.”

“Gây tai họa gì? Cha thấy con bé xử sự còn tốt hơn hồi con mười bốn tuổi nữa đấy. Sự việc ngày hôm nay con nên tìm Mục Ngôn hỏi cho rõ đi rồi hẵng kết luận.” Còn hiểu ra được bao nhiêu thì hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của cậu cả. Theo ông thấy, cháu gái nhạy bén hơn cha nó nhiều. Mới hơn mười bốn tuổi mà đã có kiến thức bậc này. Thật đáng tiếc nó không phải là con trai, bằng không thì lão già này đã có kẻ nối nghiệp rồi.

Tạ Xương Duyên sửng sốt, phụ thân nói vậy chẳng lẽ trung gian đã có tình huống gì mà ông không biết hay sao? Song một khi phụ thân đã nói thế thì xem ra chuyện hôm nay trong lòng phụ thân cũng đã có nhận định. Nếu phụ thân nói không thành vấn đề thì nghĩa là không có vấn đề gì. Như vậy là tốt rồi, như vậy là tốt rồi! Ông chỉ sợ con gái bị ai đó lợi dụng thôi.

“Tuy nhiên việc cháu làm hôm nay không phải hành động của một quân tử.” Đôi mắt sắc bén của Tạ lão gia nhìn thẳng vào Tạ Ý Hinh như đang đợi lời giải thích. Trong quan niệm của ông, con cháu nhà mình có thể tranh, có thể đấu, có thể mưu tính, nhưng không thể là hạng người âm hiểm giả dối, tổn hại nghĩa lớn vì lợi ích riêng của bản thân.

Nhìn tình hình hôm nay, Ân gia hiến kế ba biện pháp nhằm cứu tế dân chúng thật sự là có công với xã tắc, mang lợi cho dân chúng. Còn chuyện bọn họ âm mưu tính kế Tạ gia thì ông cũng nhìn ra một chút manh mối, nhưng vì chưa kiểm chứng được nên không thể kết luận chính xác. Bởi thế nên lúc này trong đầu Tạ lão gia vẫn còn vô cùng phân vân. Ông chắc chắn là không muốn Tạ gia ở thế bị động mà bị kẻ khác tính kế rồi, song cũng không muốn cháu gái lại ra tay mưu hại người có công với xã tắc.

Nghĩ nghĩ, Tạ lão gia lại nói, “Lần này thôi bỏ qua, nhưng lần tới không được càn quấy như thế nữa!”

Tạ Ý Hinh mím môi, hành động của một quân tử? Người nhà họ Tạ xưa nay luôn hành xử quang minh chính đại, dẫu có dùng đến mưu kế nhưng hơn nửa đều là dương mưu, rất ít khi dùng thủ đoạn nham hiểm như thế này. Song những kẻ nhà họ Ân kia lại không như vậy, chỉ cần thủ đoạn nào có thể dùng được và đạt được tới mục đích thì bọn họ có thèm quan tâm nó có xấu xa, nham hiểm hoặc dơ bẩn hay không đâu.

Tạ Ý Hinh vốn dĩ cũng không muốn nhiều lời về việc mình trọng sinh, nhưng tình huống hiện nay kẻ địch ngụy trang quá kỹ càng, mà ngay cả ông nội đều tuân theo tư tưởng quân tử kiểu này chứ đừng nói chi phụ thân nàng. Nàng cần phải cảnh tỉnh hai người mới được, chẳng mong hai người có thể thay đổi quan điểm giống nàng mà chỉ mong sau khi nàng thẳng thắn thành khẩn lần này xong thì hành động sẽ được tự do hơn một ít.

“Ông nội, ông còn nhớ thời gian trước có lần ông đi chùa cầu phúc chứ? Lúc đó cháu bị bệnh mấy ngày, mà hầu như đêm nào cũng gặp ác mộng. Trong mộng, nhà họ Tạ chúng ta bị kẻ khác tính kế, rồi lại bị chèn ép, nên chỉ trong chưa đến mười năm ngắn ngủi đã bị người ta nhổ tận gốc. Chỉ trong một đêm, Tạ gia to như vậy mà đều đồng loạt sụp đổ. Nếu chỉ như vậy thì cũng không có gì ngạc nhiên, đấu tranh chính trị mà, có thua có thắng là chuyện bình thường. Nếu thua thì cùng lắm bị xóa danh khỏi mười đại thế gia rồi rời khỏi Kinh thành quay về quê cũ thôi. Nhưng ngài biết không? Tạ gia đã sa sút đến thế rồi mà những kẻ đó nào có chịu buông tha, cứ lấn từng bước một tới cuối cùng khiến cho Tạ gia hoàn toàn đoạn tử tuyệt tôn!”

Nói đến giai đoạn thống khổ, mắt Tạ Ý Hinh đỏ lên, cũng không để ý tới vẻ mặt khiếp sợ của phụ thân cùng nét nghiêm nghị của tổ phụ mà tiếp tục nói, “... Trong mộng, ông nội bị người ta chọc cho tức uất mà chết.... Còn cha không biết bị bệnh gì mà chết bất đắc kỳ tử. Đệ đệ cũng...” Nàng liệt kê từng trường hợp mà người nhà gặp phải.

Nghe đến mấy chuyện này, Tạ Xương Duyên như ngừng thở, đưa mắt nhìn sang phụ thân. Thấy ông cụ không những không trách cứ cháu gái mình mà ngược lại còn thật sự nghiêm túc lắng nghe, ông liền nuốt xuống câu “nói hưu nói vượn” đã ra đến cửa miệng.

“Ông nội, ngài cả đời cống hiến công chính vô tư, khẳng khái lỗi lạc, nhưng rồi cuối cùng lại rơi vào một kết cuộc như thế. Mà đáng giận là sau khi ngài qua đời cũng chỉ nhận được vài lời đánh giá ít ỏi vô thưởng vô phạt như tuân thủ bổn phận, im lặng lánh đời, vinh hưởng tuổi già vân vân. Cháu là cháu của ngài, sao lại không biết ngài hết lòng lo lắng vì quốc gia này, có nói là dốc hết tâm huyết cũng không diễn tả đủ. Thế mà, thế mà...” Nói đến đây, Tạ Ý Hinh đã rơi lệ đầy mặt, thanh âm khàn khàn, “Các ngài có biết cơ ngơi to lớn thế này của Tạ gia cuối cùng rơi vào tay ai không? Chính là Ân gia, Ân gia đó.”

Thư phòng rộng lớn giờ phút này tĩnh lặng không một tiếng động. Sắc mặt Tạ lão gia tối sầm, mắt cụp xuống không biết đang nghĩ gì. Còn Tạ Xương Duyên thì hoàn toàn sốc. Ông nghĩ chẳng qua đây chỉ là một giấc mơ thôi, một giấy mơ đầy vớ vẩn hoang đường. Thật sự mà nói thì ông cũng không muốn tin, nhưng sâu trong thâm tâm lại mơ hồ có vài phần tin tưởng.

Thật lâu sau Tạ Ý Hinh mới bình ổn cảm xúc, hít sâu một hơi rồi nói, “Có lẽ các ngài sẽ nói đây chẳng qua chỉ là một giấc mơ, song gần đây đã xuất hiện đủ loại dấu hiệu chứng minh Ân gia và một số gia tộc đã bắt đầu liên hợp để chèn ép Tạ gia. Qua đó có thể thấy rằng dù chúng ta có quân tử thì cũng không khiến bọn họ nhân từ nương tay với chúng ta. Nếu kẻ khác đã muốn dùng âm mưu quỷ kế thì chúng ta cần gì phải khách khí? Xin đừng khuyên con bằng mấy câu tìm chỗ khoan dung mà độ lượng gì gì, bởi chỉ cần chúng dám thò tay ra thì con sẵn sàng chặt sạch móng vuốt bọn chúng, sẵn tiện còn phải rải thêm phấn độc khiến chúng có muốn sống cũng sống không được.”

“Ông nội, cha, các ngài có thể không ra tay, nhưng xin đừng ngăn cản con. Xin các ngài yên tâm, con là một phần tử của Tạ gia, chắc chắn sẽ không làm điều gì khiến Tạ gia phải hổ thẹn. Có lẽ thủ đoạn của con sẽ không đủ quang minh lỗi lạc, nhưng con cam đoan với các ngài rằng con nhất định sẽ không làm điều gì tàn nhẫn bất nhân, trời không dung đất không tha!”

Tạ lão gia lúc nãy nhớ tới lời dặn của Đại sư Tuệ Dung nên trong thâm tâm đã tin vài phần, giờ lại nghe cháu gái nói vậy thì trong lòng cảm thấy an ủi vô cùng. Dẫu cho cháu gái có làm gì chẳng qua là vì nàng muốn bảo vệ Tạ gia mà đấu tranh đấy thôi. Ngẫm lại mỗi lời nói mỗi hành động của cháu giá trong thời gian vừa qua, ông thậm chí còn thấy vui mừng vì cháu gái còn nhỏ tuổi mà đã có cái nhìn sắc sảo và thủ đoạn cương quyết như thế.

Trong đám con cháu nhà họ Tạ, những kẻ ổn ổn thỏa thỏa thì nhiều lắm, trong số đó cậu cả Tạ Xương Duyên là khá nhất. Lòng trung thành với gia đình và quốc gia của hắn rất chân thành và đáng tin cậy, làm việc cũng cần cù và thật thà. Khổ nỗi khứu giác chính trị lại không đủ bén nhạy, xử sự cũng không khéo đưa đẩy, nên dù rất cố gắng nhưng thành tựu của hắn cũng chỉ có hạn. Giờ ông còn sống đây, có ông quan tâm hỗ trợ thì tuy nói hắn không thể một bước lên mây nhưng ít nhất cũng sẽ không bị kẻ khác gài bẫy trong những việc lớn.

Ông năm nay đã bảy mươi lăm, dẫu rằng sức khỏe rất tốt nhưng không phải trong lòng không có điều gì nuối tiếc. Cậu cả thì như đã nói ở trên, còn cậu hai thì có dã tâm nhưng lại cũng đồng dạng là không đủ năng lực. Cậu cả còn biết tự hiểu bản thân, riêng cậu hai thì lại là kẻ chí lớn nhưng tài mọn, tính tình như thế nếu không mài giũa bớt đi thì sợ là sẽ có ngày gây nên họa lớn. Cậu ba thì lại là con cưng, tuy thông minh song bản tính lại lương thiện, chướng mắt với quan trường và thích lữ hành khắp nơi nên quanh năm suốt tháng chẳng có mặt ở nhà, nay đã gần ba mươi rồi mà vẫn chưa lấy vợ, đúng là làm cho người ta cực kỳ lo lắng.

Trong lớp cháu, những đứa đã trưởng thành cũng khá ít, cộng cả dòng chính và dòng thứ cũng chỉ có sáu trẻ. Hai cháu trai dòng chính còn nhỏ nên không nhìn ra được tính cách, cậu hai ở phía nam còn có một trai một gái con dòng thứ cũng chẳng biết phẩm tính ra sao. Trong toàn bộ gia tộc ông không thấy ai trông vừa mắt cả, xem ra tương lai khó khăn phiền phức rồi đây.

Nay Tạ Ý Hinh có thể nói ra lời vừa rồi và qua những biểu hiện nho nhỏ gần đây, có thể nhận ra con bé là người ngoài mềm trong cứng, ít ra thì cũng có chút nền tảng. Như vậy tốt lắm, rất tốt. Cho dù chỉ là một cô bé nhưng thế cũng đã đủ an ủi cho nỗi lòng canh cánh của ông. Dù sao, xem ra con bé vẫn thấu đáo hơn cha nó nhiều. Dạo này ông thấy sức khỏe đã bắt đầu sa sút, nếu ông có gì... thì sau này có cháu gái cận kề nhắc nhở cha nó cũng là chuyện tốt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.