Thời Không Lụi Tàn

Chương 2: Chương 2: Phụ chương 2: Thuật ngữ vật lý lý thuyết trong truyện (Spoiler Alert, Đang cập nhật) Thời Không Lụi Tàn Trinh Xung 1869 ch




* Lưu ý: Chương này được viết ra để giải thích một số thuật ngữ chuyên ngành vật lý ở trong truyện. Có khả năng spoil nhẹ một số tình tiết xuất hiện trong truyện. Các thuật ngữ của các chuyên ngành khác phần lớn có ở trong trường phổ thông rồi thì mình sẽ không giải thích ở đây.

Mục đích của nó còn để tránh cho độc giả lầm tưởng rằng mình viết truyện ra cũng như nhiều truyện bây giờ, đó là viết đao to búa lớn nhưng toàn copy trên Google/ đài báo chứ chả hiểu mình đang viết cái gì, từ đó chỉ đọc lướt lướt, xem thế giới mình xây dựng ra chỉ là thứ fantasy hời hợt chứ không phải sci-fi thật sự.

Phần lớn truyện các bạn đọc gắn tag Khoa Huyễn thực tế là fantasy hoặc fantasy lai Khoa Huyễn nhé. Mình không đánh giá truyện này là Khoa Huyễn 100% nhưng ít nhất nó là Khoa Huyễn có yếu tố fantasy. Nếu phụ chương này kích thích trí tò mò, ham hiểu biết trong bạn thì mình, với vai trò là tác giả, sẽ cực kỳ vui đấy.

Thuật ngữ trong này sẽ có 3 dạng là hư cấu hoàn toàn, nửa hư cấu và thực tế nhé. Bắt đầu nào:

- Máy tính lập thể (Chương 2): Một dạng công nghệ AR (Augmented Reality), thông qua một cái kính, cho phép trình chiếu màn hình và giao diện tương tác của máy tính lên trên một bề mặt bất kỳ, thậm chí là không khí (Hình ảnh trực quan có thể xem Tony Stark – Iron Man lúc làm việc chính là dùng công nghệ này)

- Alterealm (Chương 2): Viết tắt của Alternative Realm, hay thực tại thay thế, là một dạng bản nâng cấp của máy tính và internet cho phép con người kết nối cả trí não vào bên trong mạng lưới này. Có tác dụng rất lớn trong nghiên cứu khoa học vì có thể tương tác ở cấp độ vi mô tới mức nguyên – phân tử. Đây là một công nghệ hoàn toàn hư cấu được mình viết dựa trên VR (Virtual Reality) (Hình ảnh trực quan có thể xem các game cần phải dive vào trong với mũ Gear, hay xuất hiện ở các Light Novel của Nhật Bản. Tuy nhiên, ứng dụng không chỉ trong game mà còn lĩnh vực khác)

- Độ Kelvin (Chương 2): Một hệ thống đo nhiệt độ, mốc 0 độ của nó thì bằng xấp xỉ -273 độ C. Tăng 1 độ Kelvin bằng tăng 1 độ C và ngược lại. 0 độ Kelvin được gọi là độ không tuyệt đối vì ở đó tất cả nguyên tử, phân tử đều dừng chuyển động

- Hiệu suất chuyển hóa quang điện (Chương 2): Khái niệm để chỉ khả năng chuyển từ năng lượng ánh sáng sang điện năng, thường nói tới pin năng lượng mặt trời. Ở trong truyện mình giả thiết tương lai đã đạt hiệu suất này tới 80% nhưng thực tế hiện tại con số này thấp hơn nhiều, theo mình biết chỉ khoảng 25% đổ lại. Bởi vậy, năng lượng mặt trời vẫn còn không gian phát triển rất lớn.

- Chồng chập lượng tử của Photon: Khác với thế giới vật chất chúng ta thường quan sát, thế giới lượng tử (của các hạt cơ bản) kỳ diệu hơn rất nhiều. Trong đó có chồng chập lượng tử, theo đó một hạt trong cùng một thời điểm có thể có hai vị trí và hai vector động lượng khác nhau, giống như có hai hạt đồng thời xuất hiện vậy. Đây là vì một tính chất gọi là lưỡng tính sóng – hạt của photon.

- Tất cả các hành tinh trong thái dương hệ và địa danh trên đó ở trong truyện đều tồn tại chân thật và là những ứng cử viên tốt nhất cho tinh cầu sống mới của loài người

- Hạt Marve (Chương 2): Một loại hạt cơ bản hư cấu với tính chất không tuân theo luật nhân quả. Hạt này đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện và được mình dùng để xử lý nhiều vấn đề vật lý lý thuyết sau này. Hiện tại chưa có lý thuyết về hạt này, nhưng biết đâu đấy, tương lai sẽ có.

- Độ Trễ (Chương 2): Một hiện tượng vật lý hư cấu nơi thời gian chảy qua một người bị đứng lại hoàn toàn. Nó được xây dựng liên quan tới một giả thuyết vật lý rất thú vị, có đóng góp lớn bởi nhà vật lý và triết học người Thụy Điển Nick Bostrom. Vì đảm bảo không spoil cốt truyện, mình sẽ không đề cập tại đây.

- Sunano (Chương 2): Một dạng Mặt Trời nhân tạo có khả năng chiếu sáng và truyền tải điện năng thông qua quang năng mà không cần dây dẫn. Những lý thuyết ban đầu về nó đã được xây dựng hoàn chỉnh, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo máy tính, sử dụng ánh sáng thay cho dây điện

- Entropy (Chương 4): Theo thời gian, vật chất trở nên mất trật tự hơn. Trứng vỡ thành mảnh chứ mảnh vỏ trứng đó không thể tự sắp xếp lại thành trứng, cốc thủy tinh vỡ, quần áo bạc màu ngẫu nhiên. Muốn sắp xếp lại thì chỉ có cách bỏ thêm năng lượng vào. Các nhà khoa học nhận ra hiện tượng này và xây dựng khái niệm entropy để chỉ dòng chảy thời gian vì chúng ta không có cách nào nhìn thấy bản chất thời gian.

- Ống gia tốc hạt (Chương 4): Một hệ thống tăng tốc cho hạt cơ bản để đi tới gần vận tốc ánh sáng. Nguyên lý của nó rất đơn giản, nếu không thể truyền động năng trực tiếp cho một hạt thì dùng các hạt trái dấu đặt ở vị trí thích hợp để đẩy hạt đó đi. Nổi tiếng nhất là LHC.

- Màng không thời gian (Chương 4): Một tấm màng vô hình nơi tất cả vật chất và cả bản thân vũ trụ tồn tại trên đó. Hình ảnh về nó thường được vẽ như một tấm nệm và những vật có khối lượng đè lên làm nó cong đi. Đây là hình vẽ sai nhé, chỉ là trông trực quan hơn thôi. Hình vẽ chính xác là khi một vật đè lên màng không thời gian (ba chiều, không phải hai) thì lớp màng ở đó sẽ bị kéo dồn vào điểm trung tâm của vật và căng ra.

- Du hành về quá khứ (Chương 4): Vì chúng ta bị gắn chặt với vũ trụ nên cần phải có một năng lượng vô hạn mới có thể đi ngược thời gian. Nguyên lý du hành thời gian trong truyện này là vượt ra một chiều không gian thứ năm để không còn bị các định luật vật lý vũ trụ chi phối nữa. Nó được quy định bởi một phương trình hư cấu gọi là phương trình Skeeme.

- Lỗ đen (Chương 40): Một vùng không thời gian nơi lực hút mạnh tới nỗi không có gì thoát ra được kể cả chạy nhanh như ánh sáng.

- Chân trời sự kiện (Chương 40): Lực hút của lỗ đen không đều mà ở chính giữa là mạnh nhất, nơi gọi là điểm kỳ dị. Càng ra ngoài, lực hút càng yếu lại. Chân trời sự kiện là một ranh giới ảo mà tại đó lực hút của lỗ đen cân bằng với vận tốc ánh sáng. Bên ngoài chân trời sự kiện, vật chất trên lý thuyết vẫn có thể thoát ra nhưng bên trong, không thứ gì thoát được lỗ đen nữa. Giống như ta không thể thấy gì ở đằng sau đường chân trời trên Trái Đất, sở dĩ gọi là chân trời sự kiện vì chúng ta không biết được điều gì xảy ra sau đường chân trời sự kiện của lỗ đen (Vì không có thông tin nào thoát ra được dưới dạng ánh sáng hay các loại sóng)

- Bức xạ Hawking (Chương 40): Là một dòng hạt thoát ra được khỏi lực hút của lỗ đen. Thực chất, bản chất của nó là sự hình thành các cặp hạt vật chất và phản vật chất ở chân trời sự kiện. Dựa trên các tương tác lượng tử, vật chất bị đẩy khỏi lỗ đen và phản vật chất bị hút vào. Phản vật chất này tương tác với vật chất trong lỗ đen làm chúng bị tiêu diệt theo thời gian, cuối cùng khiến lỗ đen bốc hơi. Vật chất thoát ra thì chính là bức xạ Hawking. Cũng vì điều này mà gây ra một nghịch lý rất nổi tiếng trong những năm gần đây gọi là Nghịch lý thông tin lỗ đen, các bạn có thể xem thêm.

- Động cơ Alcubierre (Chương 45): Động cơ được lên lý thuyết bởi một nhà vật lý cùng tên người Mexico. Nguyên lý gấp màng không thời gian của nó cho phép đi nhanh hơn vận tốc ánh sáng mà không vi phạm các định luật vật lý

- Sao lùn trắng (Chương 49): Khi một ngôi sao chết đi, nó sẽ có nhiều loại kết thúc, tùy vào kích thước và trọng lượng. Khi ngôi sao lớn hơn Mặt Trời khá nhiều chết mới có thể tạo thành sao lùn trắng. Chúng có kích thước cực kỳ nhỏ nhưng rất nặng và nguội hơn hẳn sao bình thường. Những ngôi sao lớn hơn nữa chết chỉ có kết cục thành Lỗ đen hoặc sao Neutron

- Sao lùn đen (Chương 49): Khi sao lùn trắng nguội đi hoàn toàn nó sẽ thành sao lùn đen.

- Năng lượng tối (Chương 53): Vì các nhà khoa học không giải thích được cái gì đã thắng lực hấp dẫn khiến cho vũ trụ không co lại mà cứ dãn nở liên tục nên mới đề xuất ra lý thuyết về một loại năng lượng có áp suất âm, đẩy màng không thời gian (Cùng vật chất trên đó) ra xa nhau. Lưu ý phân biệt nó khác với vật chất tối cũng như phản vật chất, đừng lầm lẫn các khái niệm này. Lý thuyết về sức căng bề mặt của màng không thời gian mình nhắc tới lại là một lý thuyết hoàn toàn mới ở vài năm gần đây, chưa xây dựng thành khung hoàn chỉnh. Tuy nhiên mình rất tin tưởng vào tương lai của lý thuyết này.

- Lỗ trắng (Chương 56): Ngược lại với lỗ đen, lỗ trắng là một vùng không thời gian mà vật chất chỉ có thể thoát ra chứ không thể tiến vào. Sự tồn tại của nó chưa được xác nhận trong thực tế mà chỉ đúng về mặt toán học. Tuy nhiên, nếu nó có tồn tại thì sẽ giúp cho con người hiểu được hơn rất nhiều về nguyên tắc hoạt động của lỗ đen, trọng lực và màng không thời gian.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.