Thư Gởi Người Đàn Bà Không Quen Biết

Chương 13: Chương 13




Biết lợi dụng những cái lố lăng

Cô bạn không quen biết của tâm tình tôi, cô đã nhận thấy rằng tật xấu cũng có thể, như đức tốt, làm cho người khác yêu mình được chứ ? Đôi khi còn dễ dàng hơn đức tốt nữa ? Là vì đức tốt của cô nâng cô lên, tức thì là hạ người kia xuống ; còn tật xấu của cô, cho người đó cái cơ hội mỉm cười về cô và nâng người đó lên, trong con mắt họ. Người ta tha thứ cho một người đàn bà cái tật nói vớ vẩn ; người ta không tha thứ cho họ cái đức khôn ngoan, có lí. Byron bỏ vợ mà ông gọi là "Bà Công chúa hình Bình hành",vì bà ta quá sáng suốt, khôn ngoan. Người Hi Lạp thời cổ ghét Aristote (thế kỉ thứ VI trước T.L) vì ông này luôn luôn được gọi là Người công minh.

Trong tập Những điều trông thấy (Choses vues), Victor Hugo kể chuyện một ông De Salvandy, thành công rực rỡ nhất thời, thành bộ trưởng, vào Hàn lâm viện, làm sứ thần, được tặng Ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh. Cô bảo những cái đó không đáng kể ; nhưng ông ta còn thành công về phía đàn bà nữa, cái này mới tài. Mà khi ông ta được một bà, bà Gail, giới thiệu với giới thượng lưu thì bà Sophie Gay danh tiếng vang lừng la lên :"Nhưng này, chị ơi, chàng thanh niên nhỏ con của chị có đủ những cái lố lăng. Phải sửa tính cho hắn đi. - Bà Gail bảo : Ấy đừng ! Đừng diệt thói đó của hắn. Diệt rồi thì hắn còn gì nữa đâu? Nhờ cái thói đó mà hắn sẽ thành công...". Về sau người ta thấy rằng bà Gail có lí.

- Henry de Jouvenel có lần kể cho tôi nghe rằng hồi trẻ, viết báo, ông ta ngạc nhiên về những buỏi đầu trong Quốc hội của Henri Cheron, một dân biểu ở Calvados. Ông Cheron đó bụng phệ, râu ria, bận lễ phục, leo lên bàn hát khúc Marseillaise và đọc những diễn văn long trọng, huênh hoang. Cleménceau cho ôngta làm thứ trưởng bộ Chiến tranh và tức thì ông ta đi thăm các trại lính, nếm món xúp của lính. Bọn viết tạp chí chế nhạo ông ta ; Jouvenel nghĩ giả viết một bài về ông ta thì thú vị lắm , bèn lại thăm. Cheron tiếp Jouvenel, có vẻ như khiêu khích, bảo :

"Tôi biết rồi, chú em ! Chú lại đây để thấy tôi lố bịch ra sao hả ... Được, cứ nhận xét đi... Phải, tôi lố bịch đấy... Tôi cố ý lố bịch, vì chú em, chú nên biết rằng ở cái xứ người ta ghen những kẻ thành công này thì lố bịch là cách duy nhất làm cho người ta biết mình mà không nguy cho tính mạng của mình".

Standhal mà nghe được câu đó thì khoái lắm. Cô có nhận thấy rằng, chẳng cần phải tới cái mức lố bịch, chỉ những thói kì cục nho nhỏ, cách ăn bận lạ lùng, cũng làm cho một người đàn ông hay đàn bà dễ nổi danh hơn là bậc thiên tài chứ ?

Hằng ngàn người chưa hề đọc André Gide, cũng biết những chiếc nón nỉ kiểu Mexique và chiếc áo tơi của ông ta, Winston Churehill có tài hùng biện, nhưng biết rõ con người và vận dụng một cách rất tài tình chiếc nón kì cục, những đìếu xì gà bự, những chiếc "nơ" con bướm, và hai ngón tay đưa ra thành chữ V của ông. Tôi đã biết một sứ thần Pháp ở Londres không biết một tiếng Anh, nhờ đeo một cà vạt kiểu "Lavalliere" (1) có chấm tròn nhỏ, người Anh rất thích, mà giữ được chức rất lâu.

Cô để ý nhận xét các khách ăn ở tiệm. Người nào được tiếp đãi niềm nở, đầu bếp săn đón hầu hạ hơn cả ?Có phải con người biết điều, luôn luôn thoả mãn không? Tuyệt nhiên không. Chính là người có nhiều thói kì. Khó tính tức là tỏ rằng mình chú ý tới mọi sự ở chung quanh, chứ không lạnh nhạt. Luân lí : cô nên tự nhiên , và khác người, nếu cô có xu hướng khác người. Người ta sẽ không trách cô đâu.

(1) Kiểu cà vạt này khổ rộng , thắt thành một cái "nơ" lớn ở trước ngực.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.