Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 5: Chương 5: Miếu Hắc Hổ, thần uy kinh mãnh thú - Thành An Tây tương kiến hội quần anh




Đây nói về Lục Phỉ Thanh từ khi đưa bọn Văn Thái Lai ra khỏi An Viễn khách sạn thì một người một ngựa tung gió, đạp tuyết, xung sương mà nhắm hướng Tây đi thẳng tới. Khi qua khỏi ngọn núi Tu Di thì trời vừa đúng ngọ. Núi Tu Di có một cái hang lớn, lại dài và sâu thăm thẳm chẳng khác gì một cái hang thuồng luồng tối đen và lạnh buốt. Nơi đây là sào huyệt của độc xà và mãnh hổ. Phàm người đi qua núi đều phải đi ngang qua cửa hang này. Vì đó là con đường “độc đạo” duy nhất.

Từ trước đến nay, đã không biết bao nhiêu người đem thân nạp mạng cho độc xà ác thú tại nơi đây mà quan quân vẫn không làm cách nào bảo đảm được an ninh cho khách lữ hành lui tới.

Theo những lời đồn đãi, có nhiều người bị cọp ăn thịt hóa thành “ma trành” lộng hành, nhất là vào giờ mặt trời đứng bóng thì lại cành linh thiêng ghê gớm, ai cũng phải khiếp sợ. Vì vậy, ở ngay trước miệng cửa hang, một cây cổ thụ “táo lão”, thân cây có đến mấy người ôm, cành lá xum xuê, dân địa phương có lập một cái miếu thờ thần Hắc Hổ, tạc hình tượng một con cọp đen trông như sống để khách qua núi cúng vái, cầu cho được toàn sinh mạng. Trước sân miếu lại đáp hình những con ma trành đủ hạng lớn, bé, già, trẻ, nam, nữ, nhảu múa ca xang diễn lại cái cảnh dưới ánh trăng khuya, ma trành làm trò vui cho thần hổ tiêu khiển.

Chưa biết là miễu Thần Hổ có linh ứng hay không. Chỉ cần thấy cái cảnh ghê rợn của miễu và hình tượng quái gở của bầy ma trành, khách qua đường yếu bóng vía nhìn vào cũng đủ ngã xỉu chết giấc.

Theo dân địa phương và những nhóm hắc đạo giang hồ kể lại thì trong hang có vô số những mãnh hổ cùng với mãng xà. Nhưng chúa tể của chúng là một con hổ đen ba chân to như con bò mộng, đôi mắt sáng như đồng linh, miệng đỏ như chậu máu, có tiếng cà um vang dội xa đến mấy dặm đường.

Con hắc hổ này sống đã lâu, vì ăn thịt người quá nhiều nên đã biến thành tinh. Nó hóa ra được hình người, nói được tiếng người, hành động như người, lại đủ cả mưu mô xảo quyệt gạt người đi đường mà nhai sống. Nó có linh tính đến nỗi nghe xa được, đoán trước được nên binh mã của triều đình, tên đạn, bẫy lưới của của các tay thiện xạ vẫn không làm gì được nó.

Chỉ có một lần, cách đây không bao lâu, nó bị hiệp sĩ Viên Sĩ Tiêu, bẻ gãy hết một chân nên chỉ còn lại ba. Nhưng từ đó, con hổ tinh này lại càng hung hăng lên gấp trăm lần. Hễ ai đi ngang qua miệng hang là nạp mạng cho nó chứ đừng mong mà cầu khẩn hay van xin như trước nữa. Mà nó thù nhất là những khách giang hồ mang võ công trác tuyệt. Hợp sức với con hắc hổ này là con đại mãng xà vương, chúa tể các loài rắn rết sống trong hang này. Nói chung, cái trở ngại cho khách lữ hành qua núi Tu Di là hang Thần Hổ này. Đừng nói là khách thương tầm thường, dầu là những cao thủ võ lâm khi phải đi ngang chốn này còn phải lo lắng e ngại.

Mỗi lần muốn qua miệng hang Thần Hổ, khách lữ hành phải hợp đoàn đến vài ba trăm người. Phụ nữ, lão, ấu, thì đi giữa, còn những trai tráng mạnh khỏe có sức lực và võ nghệ đều thủ sẵn khí giới đi chung quanh, tiền phong lẫn hậu tập. Dầu vậy, cũng chưa bao giờ có đoàn nào dám đi qua núi vào lúc mặt trời đứng bóng vào hai giờ tý và ngọ, là những giờ tìm mồi ăn trưa của chúa sơn lâm thần hổ. Tuy nhiên, mỗi đoàn đi qua miệng hang thế nào cũng phải để lại cho vài ba mạng. Nó gầm lên một tiếng rồi từ trong miệng hang phóng ra. Rồi chẳng biết nó bắt người bằng cách nào, hồi nào, đến khi đoàn kiểm điểm lại người khi qua núi rồi mới hay là thiếu.

Đó là khách thương. Còn những khách giang hồ có võ công muốn đi qua miệng hang cũng phải đợi có được vài mươi người, phân công cho nhau tìm cách kháng cự chu đáo rồi mới dám khởi hành. Nhưng rốt cuộc cũng phải có một hai người làm mồi tế hắc hổ.

Đại hiệp Viên Sĩ Tiêu nghe chuyện hắc hổ hoành hành, giết hại khách đi đường qua núi Tu Di nên quyết vì dân trừ hại và trả thù cho một số võ lâm đồng đạo bị ăn thịt mới một mình đến ngay miệng hang Thần Hổ vào giờ mặt trời đứng bóng mà khiêu khích.

Hắc hổ thoát được tử thần nhưng bị bẻ gãy một chân bên trái. Chờ luôn ba ngày không thấy hắc hổ về lại hang, đại hiệp Viên Sĩ Tiêu cũng không còn cách nào trừ tuyệt được nên đành chờ dịp khác.

Viên Sĩ Tiêu đi rồi, hắn hổ mới dám trở lại chỗ cũ. Từ đó nó trở nên hung hăng hơn trước, hễ thấy có bóng dáng người võ lâm là gầm thét lên dữ dội, quyết định ăn thịt cho bằng được. Do đó mà lâu nay núi Tu Di vắng khách qua lại.

Quan địa phương ra châu tri cho dân chúng hay, mỗi tháng có hai lần qua núi, chia ra, đầu tháng thì bên này sang, giữa tháng thì bên kia sang. Ai có việc cần qua núi Tu Di thì tới đúng kỳ hẹn đến dưới chân núi chờ sẵn. Sau đó, đoàn người sẽ đi vào giữa, trước sau, hai bên đều có quân lính đi hộ tống, giương dáo mác, cờ xí ngập trời. Đạo quân hộ tống này có đến cả 5000 binh sĩ, do một viên Tổng binh và một viên Tham tướng chỉ huy, đám đi tiên phong, đám đi đoạn hậu, chẳng khác gì một cuộc hành quân quan trọng...

Lần này có việc khẩn cấp, Lục Phỉ Thanh phải qua núi Tu Di. Cái danh từ “hang Thần Hổ” đã đồn đãi khắp giang hồ từ lâu nên cũng không xa lạ gì với Lục Phỉ Thanh. Kể về tài năng, Lục Phỉ Thanh vẫn tin tưởng ông ta thừa sức đối phó được với hắc hổ. Nhưng xưa nay, ông ta là người tinh tế, làm việc gì cũng muốn cho chắc chắn chứ không thích mạo hiểm cầu may. Vì vậy, ông ta vẫn có ý định chờ xem có cao thủ giang hồ nào qua lại sẽ rủ đi chung cho có bạn. Chờ một hồi khá lâu mà vẫn nhìn thấy bốn bề vắng ngắt, không một bóng người hay thú vật nào qua lại, Lục Phỉ Thanh mới nhận thấy quả con hắc hổ này quả đã gieo vào lòng người và muông thú niềm sợ hãi khủng khiếp. Chẳng những thế, luôn cả các loài dã thú cũng chẳng dám bén mảng. Núi Tu Di đã trở thành giang san riêng của “Hắc hổ”. Hang Thần Hổ là triều đình của nó, độc xà, mãnh thú còn ở tại núi Tu Di là thần dân bộ hạ của nó. Lục Phỉ Thanh nghĩ thầm :

- Ta là một cao thủ võ lâm. Cái uy danh của Miên Lý Châm Lục Phỉ Thanh đã từng nhiều phen vang rền trong thiên hạ. Đáng lý ra ta phải noi gương Viên Sĩ Tiêu tìm đến hang Thần Hổ mà trừ đại họa cho nhân dân, lẽ nào lại e dè không dám qua một mình mà phải chờ có đồng bạn đi chung? Như vậy võ công cao siêu của ta rèn luyện để làm gì? Há chẳng phải vô dụng lắm sao?

Nghĩ vậy, Lục Phỉ Thanh trở nên can đảm lạ thường, ngồi trên lưng ngựa, cầm thương, lưng đeo cung tên, túi đựng sẵn kim châm, mang theo bảo kiếm trông oai phong lẫm liệt, không hổ thẹn là một đại cao thủ của phái Võ Đang.

Đến miệng hang Thần Hổ vừa đúng giờ ngọ, Lục Phỉ Thanh nhìn vào miếu thờ Hắc hổ thấy cảnh tượng thật là ghê gớm; nào là tượng cọp đen giương nanh vuốt; nào là hình tượng ma trành tay chân nhảy múa... Ông nhìn cái cảnh tượng trong miếu kia mà hình dung được tình cảnh của non sông hiện tại. Thật là một cái họa do người Mãn Thanh gieo rắc vào Hán tộc. Hắc hổ kia chính là vua Càn Long cùng triều đình Mãn Thanh và lũ ma trành kia chính là những tên tẩu cẩu. Phải, những tên “ma trành” tẩu cẩu chỉ cần làm vừa lòng “hắc hổ” là vua Càn Long, sẽ sẵn sàng giết hại vô số đồng bào và các nhà cách mạng ái quốc. Con “ma trành” chúa tể hiện tại là Trương Siêu Trọng, sư đệ của Lục Phỉ Thanh, một cao đồ của phái Võ Đang lại cam tâm đi uốn gối triều đình Mãn Thanh trong khi chính ông ta đã đóng góp bao nhiêu công sức cho các công cuộc “phản Thanh phục Minh”. Bao nhiêu đồng chí trong Đồ Long hội của ông ta đã phải hy sinh, người thì tuẫn tiết, kẻ bị truy nã... Chính bản thân Lục Phỉ Thanh đã phải trốn chui trốn nhủi hết 10 năm trời! Ông ta chẳng phải tham sống sợ chết, chỉ là muốn dành cái mạn sống để chờ cơ hội tốt mà tiếp tục tranh đấu vì dân vì nước để giành lại chủ quyền, tự do no ấm cho dân tộc.

Hiện tại, Lục Phỉ Thanh nhận thấy chỉ có Hồng Hoa hội là đảng cách mạng duy nhất tiếp tục được công việc cứu quốc của Đồ Long hội trước kia. Ông hoàn toàn không thân Hồng Hoa hội nhưng cảm khái trước chí khí bất khuất của bọn Văn Thái Lai và cảm phục chính nghĩa của Hồng Hoa hội, và lại có cảm tình với người bạn cũ là Triệu Bán Sơn. Vì vậy, nếu phải hy sinh tánh mạng để đem tin đến Hồng Hoa hội mà xin viện binh đến trợ giúp cho bọn Văn Thái Lai, Lục Phỉ Thanh cũng chẳng từ nan. Ông ta nghĩ :

- “Việc của Hồng Hoa hội là việc chung của tất cả người dân trong nước.”

Một khi đã nhận lời làm hộ, nhất định Lục Phỉ Thanh không thể để thất bại được. Vì vậy việc đi An Tây làm ông ta nóng ruột không ít. Một phút trì hoãn là một phút thì giờ quý báu phí phạm.

Lục Phỉ Thanh định bụng bỏ qua câu chuyện trừ Hắc hổ mà cấp tốc tiếp tục cuộc hành trình đi An Tây. Ông ta vừa phóng ngựa qua khỏi hang Thần Hổ thì một mùi hôi tanh từ đâu bốt lên bay vào mũi và một luồng gió lạnh tạt đến đàng sau lưng. Lục Phỉ Thanh nghi chắc Hắc hổ núp đâu đây rình lúc ông ta không để ý sẽ nhảy ra “làm hỗn”. Loài hổ luôn dùng cái thế “tiên hạ thủ vi cường”, nhưng một khi đã “thành tinh” thì hổ chỉ vồ người lén lút, không như hổ thường, trước khi vồ mồi thường hay gầm lên một tiếng để lấy trớn thị uy.

Con hắc hổn này đã thành tinh rồi nên rất khôn ngoan, thường hành động một cách im lìm khi con mồi không đề phòng đúng như binh pháp “xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị”.

Ngửi thấy mùi tanh và nghe thoảng hơi gió, Lục Phỉ Thanh quay người lại đánh một quyền như búa bổ vào thinh không. Những cao thủ cỡ Lục Phỉ Thanh khi tung ra một ngọn quyền hay một ngọn cước đều không phải như cao thủ bình thường đánh gió vì trong quyền hay cưóc đó luôn luôn có một kình lực nhắm vào một mục tiêu. Cho nên, nhiều lúc họ không cần phải chạm vào người đối thủ mà vẫn đánh trúng chỗ nhược như thường, tựa như một tay thiện xạ bắn trúng hồng tâm.

Lục Phỉ Thanh ngồi trên lưng ngựa ngó về đàng trước nhưng luôn luôn đề phòng sau lưng và hai bên. Ngọn quyền đánh trái ra sau lưng như va vào một vật gì mềm và xù xì lông lá. Bỗng nghe một tiếng “bịch” như vật ấy rơi xuống đất nhưng hình như lại bật ngay mình trở dậy. Thì ra đó chính là con hắc hổ.

Lục Phỉ Thanh nhìn con vật mỉm cười. Nó đã thành tinh nên khôn ngoan ranh mãnh vô cùng. Nó có thể trông vào người mà biết được người đó có bản lãnh cao siêu hay không. Từ khi bị Viên Sĩ Tiêu bẻ lọi một giò, con hắc hổ căm thù những cao thủ trong giang hồ vô cùng. Bị qua một lần như thế, chính nó cũng tởn thần nên cũng học thêm được ít kinh nghiệm, hễ thấy các cao thủ võ lâm là luôn luôn cẩn thận đề phòng và hễ rình được cơ hội là sẽ vồ ngay. Nó vừa căm thù và cũng vừa sợ hãi những tay cao thủ, nó vẫn luôn đề phòng vì linh cản sẽ có ngày Viên Sĩ Tiêu trở lại quyết giết nó cho bằng được như lời thề của ông ta trên miệng hang Thần Hổ trước khi rời khỏi núi.

Nhờ có kinh nghiệm và biết đề phòng nên khi Lục Phỉ Thanh đến trước miếu Hắc hổ, nó không dám liều lĩnh xông ra làm càn. Trông bộ tịch, tướng tá, cách trang phục và trang bị của ông ta nó cũng biết là một cao thủ ghê gớm rồi. Từ khi bị Viên Sĩ Tiêu bẻ gãy chân, Hắc hổ không còn dám ngồi chực ở miệng hang mà cũng không dám nhìn chung quanh lối đó, chỉ leo lên chân ba của cây táo ở trước miếu liếc mắt xem chừng động tĩnh bốn phương mỗi khi nghe tiếng động. Nó có tài trèo cây rất giỏi. Tin đồn cọp không biết trèo cây thật là lầm to!

Khi Lục Phỉ Thanh đi ngang qua, hắc hổ vẫn lẳng lặng đứng yên trên cây, đợi cho ngựa ông ta vừa đi ngang qua đúng tầm thì phóng từ trên cây xuống, giương nanh vuốt định móc vào cổ họng ông ta. Chẳng ngờ Lục Phỉ Thanh lẹ quá, chỉ cần ngửi thấy mùi hôi tanh và nghe hơi gió sau lưng là đã biết ngay, do đó mới tung một quyền đánh trúng ngay yết hầu của hắc hổ. Tuy bị một quyền nhưng nó đã vùng lên được ngay dễ dàng đôi mắt nhìn thẳng vào Lục Phỉ Thanh để cướp tinh thần, miệng thì gầm lên một tiếng như muốn xé nát cả rừng. Sau đó, hai chân trước chống, hai chân sau phục ngồi xuống lừa thế, đợi thời. Cái thế ngồi này trong võ thuật gọi là Hổ Phục, thế thủ cực kỳ lợi hại của giống hổ.

Giá mà Lục Phỉ Thanh dùng vũ khí hay ám khí mà tấn công nó trong lúc này thì sẽ cầm chắc cái thắng trong tay. Nếu hắc hổ không chết thì cũng sẽ bị trọng thương. Nhưng Lục Phỉ Thanh lại muốn xem tài lanh lẹn của nó đến thế nào do đó ông ta quyết định dùng quyền cước để đối phó với nó. Thấy ngồi trên lưng ngựa bất tiện, Lục Phỉ Thanh ngảy xuống đất trong khi con mãnh thú vẫn trong tư thế “hổ phục”. Lục Phỉ Thanh không chần chờ tấn công liền ngay, chân đá móc vào ngực con hắc hổ, tay đánh một quyền ngay tam tinh nó. Con hắc hổ kinh hoàng, nó nhảy lùi ra sau tránh được cả quyền lẫn cước của Lục Phỉ Thanh rồi gầm lớn chồm lên giương nanh vuốt định xé xác ông ta ra.

Lục Phỉ Thanh chỉ chờ có thế, tay trái ông ta tung ra một quyền móc ngược vài hàm con mãnh thú. Hắc hổ đau quá, bật ngửa ra sau. Nhưng không đầy một giây nó đã đứng ngay dậy được, quay người phóng nhanh vào bụi rậm trốn mất. Mọi việc xảy ra quá bất ngờ làm Lục Phỉ Thanh phải ngạc nhiên không ít. Ông vẫn đinh ninh rằng con hắc hổ sẽ vồ tới tấn công tiếp chứ không ngờ là nó sẽ bỏ chạy. Định rút châm phóng theo nhưng bóng Hắc hổ đã mất hút. Lục Phỉ Thanh lắc đầu, thầm tiếc bỏ lỡ cơ hội giết ác thú trừ hại cho nhân dân.

Nghĩ rằng có chờ hắc hổ trở lại cũng chẳng ích gì vì sau khi bị một vố như thế, chắc hẳn là nó tìm đường trốn biệt rồi còn đâu. Sợ việc đi An Tây bị đình trệ thêm, Lục Phỉ Thanh vội vàng lên ngựa phóng một mạch qua hang Thần Hổ.

Khi đi qua khỏi núi Tu Di được vài dặm, Lục Phỉ Thanh nhìn thấy dọc theo hai bên triền núi còn in lại dấu máu của cuộc ách chiến hôm trước giữa người Duy và đám tiêu sư của Trấn Viễn tiêu cục. Trận mưa làm máu loang ra nhuộm đỏ một khoảng dài. Lục Phỉ Thanh bất giác thấy ngậm ngùi, thở dài một tiếng. Ông ta lại nhận rõ được dấu chân con hắc hổ còn in rành rành trên mặt đất, chứng tỏ sau cuộc ác chiến nó đã đánh hơi được mùi tanh của máu đổ thịt rơi nên đã tới đây tìm mồi. Và bên cạnh dấu chân hắc hổ trên lớp máu hồng có rất nhiều dấu chân ngựa đi song song trông rất đều. Lục Phỉ Thanh thầm đếm kỹ có đến 20 cặp chân ngựa của 10 con tuấn mã hẳn hòi. Ông thầm nghĩ :

- “Chắc chắn đây là dấu vết của những đương gia Hồng Hoa hội đi từng cặp tham dự cuộc “thiên lý tiếp long đầu” mà mình đã gặp qua giữa đường chỉ còn thiếu có Văn Thái Lai và Lạc Băng là đủ 12 cặp như ta đã ức đoán. Cứ theo vó ký này mà đi ắt ta không sợ bị lạc và sẽ sớm tới được An Tây. Tiết kiệm được thêm giờ phút nào thì hay giờ phút đó.”

Đến một khúc vắng vẻ khác, Lục Phỉ Thanh lại thấy có những vùng đất nới thì trũng sâu xuống, chỗ thì tung tóe ra, nhiều cành cây nằm ngổn ngang, đá sỏi thì đầy dẫy, lại thêm cả những dấu chân của người, ngựa, lạc đà và cả hổ nữa. Điều đó chứng tỏ nơi đây vừa diễn ra một cuộc ác chiến mới, chỉ chưa biết rõ cuộc ác chiến kia xảy ra giữa người và người hay là giữa người và mãnh thú. Lục Phỉ Thanh nhĩ thầm :

- “Con đường độc đạo đi qua núi Tu Di này giờ đây khác hẳn với con đường 10 năm về trước ta thường đi công tác qua lại! Không ngờ này nay lại trở thành “sân khấu” của những cuộc xô xát liên miên. Quân Mãn Thanh xâm lược thật đã gieo rắc loạn lạc đến khắp nơi, ngay cả đến chốn rừng xanh núi thẳm cũng không tránh khỏi những cảnh thê lương ảm đạm! Ngày nào quân cướp nước chưa bị diệt là ngày ấy non sông còn đượm màu tang tóc, chưa thể có hòa bình được. Ta chỉ mong sao công cuộc cách mạnh của Hồng Hoa hội sớm phát động và thành công để cái tuổi già này được chứng kiến ngày quốc gia độc lập, nhân dân được tự do no ấm thì dẫu có phải nhắm mắt ngay cũng chẳng còn gì phải ân hận nữa!”

Nhờ ý nghĩ ấy thúc giục mà Lục Phỉ Thanh quên cả nhọc nhằn, quyết đi thật lẹ đến An Tây để đem tin tức của Văn Thái Lai báo cho Hồng Hoa hội biết. Chính nghĩa hình như đã gắn liền Lục Phỉ Thanh với tổ chức cách mạng mà ông chỉ mới nghe nói đến tên cách đây không bao lâu. Đối với những tấm lòng nhiệt thành yêu nước thì cần phải có ai kêu gọi mà vẫn tự mình tìm đến để chia sẻ, cùng nhau gánh vác trách nhiệm.

Từ khi nghe tên và biết được đường hướng của Hồng Hoa hội, lòng Lục Phỉ Thanh như trẻ hẳn lại. Sức thanh niên bỗng trổi dậy trong thân thể già nua kia khiến ông ta hối tiếc đã ẩn dật trên 10 năm làm mất đi bao nhiêu thì giờ quý báu. Ông ta lại cảm thấy càng hổ thẹn với lương tâm khi nghĩ đến người bạn cũ trong Đồ Long Bang là Triệu Bán Sơn đã đem tấm thân bảy thước cùng với lòng ái quốc kia qua Hồng Hoa hội để mong được đền đáp núi sông. Tấc lòng son của họ Triệu kia thật là đáng quý, và đáng bội phục.

Chỉ trong khoảnh khắc mà Lục Phỉ Thanh đã qua khỏi núi Tu Di non 45 dặm đường. Đến một thị trấn nhỏ, ông tạm dừng lại cho ngựa dưỡng sức, ăn cỏ và uống nước vì từ lúc rời khác sạn An Viễn, con tuấn mã của ông chạy không ngừng, có lẽ cũng có phần mỏi mệt.

Lục Phỉ Thanh cảm thấy phấn khởi tinh thần. Bao nhiêu sức lực của thời trai trẻ như lại vùng dậy, cho thấy rằng tuổi già của ông ta chưa phải là vô dụng. Dù chỉ còn một hơi thở, Lục Phỉ Thanh cũng quyết hy sinh cho tổ quốc thân yêu và dân tộc...

Nhìn con chiến mã, Lục Phỉ Thanh chợt lo âu. Con vật trung thành đã bao năm theo ông tung hoành ngang dọc khắp nơi đã không còn được phong độ như xưa nữa. Trông nó gầy, ốm yếu và chậm chạp đi rất nhiều. Thật khó mà có thể đòi hỏi nó rút ngắn lại lộ trình đi đến An Tây như ý muốn được! Đưa được Lục Phỉ Thanh tới đây, con ngựa đã cố sức lắm rồi. Giờ đây trông nó thật hết sức thảm não, nếu muốn nó tiếp tục phải đi nhanh nữa thì có khác nào đem nó mà giết đi! Nhưng làm cách nào đổi được một con “vạn lý long câu” để hoành thành công tác của Văn Thái Lai ủy nhiệm? Mặc dù Lục Phỉ Thanh không phải là người của Hồng Hoa hội nhưng Văn Thái Lai dám đem công việc quan trọng bí mật của đảng gửi gắm cho ông. Lòng khảng khải biết người kia cũng đủ nói lên tấm lòng tri kỷ sơ giao, càng làm cho Lục Phỉ Thanh cảm phục thêm muôn phần...

Lục Phỉ Thanh ngồi trên yên ngựa rong cương từ từ mà không khỏi mang những ý nghĩ mông lung. Việc gất rút phải đi đến An Tây kia như đốt cháy lá gan lão kiệt. Mặt trời đã ngả dần về Tây. Bức màn màu vàng nhạt của hoàng hôn âm thầm phủ lên cảnh vật đưa dần một ngày tươi sáng đi vào bóng đen hắc ám của một đêm dài...

Phần thì lo cho Văn Thái Lai, phần thì thương con ngựa đuối sức không còn phi nổi nước đại. Chỉ đi chậm rãi từng bước một mà mồ hôi của con vật tuôn ra ướt đẫm. Công việc thì cấp bách như cứu hỏa. Nếu cứ thế này thì bao giờ mới đến được An Tây! Lục Phỉ Thanh hận mình không mọc được cánh để bay...

Đang lúc lo nghĩ hoang mang, Lục Phỉ Thanh chợt bắt gặp từ phía chợ đi lại một người Duy cao lớn, tay dắt hai con ngựa trông cực kỳ hùng vĩ mạnh khỏe, một con hồng mã toàn sắc đỏ chói như ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường và một con bạch mã lông trắng toát như con Thoại Long Câu của Tiết Nhân Quý. Người Duy kia chẳng rõ muốn tìm ai mà đôi mắt như láo liên đưa mãi nhìn quanh khắp chốn.

Đang lúc cần ngựa, Lục Phỉ Thanh đưa mắt nhìn hai con ngựa như một người tham của bị chóa mắt trước một kho tàng. Trông gương mặt người Duy, Lục Phỉ Thanh thấy quen quen như đã gặp ở đâu rồi. Tuy vậy, ông cũng không bận để ý suy nghĩ thêm làm gì. Ông ta chỉ thiết tha với hai con tuấn mã kia hơn bất cứ vật gì trên đời hiện tại. Hai con tuấn mã này, con nào con nấy trông cao lớn, mạnh mẽ phi thường. Quả thật là hai con thiên lý mã. Con ngựa hồng toàn sắc đỏ như lửa có bốn chân trắng như tuết trông chẳng khác gì bốn đóa bạch mai. Con bạch mã thì chỉ một màu trắng toát toàn thân, không có một sợi lông nào khác màu ở bất cứ chỗ nào.

Lục Phỉ Thanh nhìn hai con tuấn mã đắm đuối, chỉ ao ước làm sao chiếm được một con. Nhìn hai thân hình cao lớn của đôi ngựa đi giữa cảnh hoàng hôn chẳng khác nào một bức tranh “Song Mã” giữa nền đỏ thật là tuyệt đẹp. Bốn mắt của đôi ngựa rực lên như hào quang, càng làm cho Lục Phỉ Thanh động tâm. Chẳng nói chẳng rằng, Lục Phỉ Thanh liền thúc ngựa đến chặn ngay trước đầu người Duy ấy lại rồi nắm tay y lại hỏi xem có chịu bán ngựa hay không. Thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, trông rất đạo mạo, có vẻ tiên phong đạo cốt hỏi mua ngựa một cách đột ngột, người Duy phải ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn ông ta từ đầu đến chân. Có lẽ y cảm thấy rằng ông già này là một người đáng kính nên không tỏ ra một vẻ bất bình hay muốn sinh sự về thái độ mua ngựa sỗ sàng của Lục Phỉ Thanh mà chỉ lắc đầu lia lịa, không đáp.

Thấy người Duy không chịu bán ngựa, Lục Phỉ Thanh thất vọng vô cùng. Nhưng ông vẫn không chịu bỏ cuộc, đánh liều móc trong người ra một đỉnh bạc độ chừng 60 lượng trao tận tay hắn. Xưa nay, chưa có một ai chịu trả giá một con tuấn mã cao thế này nên Lục Phỉ Thanh tin chắc người Duy kia sẽ tham tiền mà nhường bớt lại cho ông ta một con. Chẳng ngờ người Duy kia vẫn lắc đầu như chưa đúng giá.

Quyết mua ngựa cho bằng được, Lục Phỉ Thanh chẳng chút đắn đo, lấy hết tiền bạc trong người ra rồi giũ túi cho người Duy thấy rồi cầm tất cả số bạc trao vào tay y. Số bạc này tổng cộng cũng hơn 60 lượng, vị chi trước sau là trên 120 lượng.

Nhưng người Duy đẩy tay Lục Phỉ Thanh lại, chẳng những lắc đầu mà còn lấy tay vẫy gạ đi, tỏ ý không chịu bán ngựa dù được trả với bất cứ giá nào đi chăng nữa.

Hoàn toàn thất vọng, Lục Phỉ Thanh không còn cách nào hơn là cất lại tiền bạc vào túi như cũ. Trong lúc vội vàng, ông ta đánh rơi một vật giữ làm “kỷ niệm” lâu nay. Vật ấy vô tình đập vào mắt người Duy kia. Y cúi xuống lượm vật ấy lên rồi đưa lên tận mắt mà xem. Rồi người Duy bỗng giật mình kinh ngạc đến cực độ, hai tay cầm trao trả lại cho Lục Phỉ Thanh. Sau đó, y rón rén nhìn xem dung mạo ông ta thêm lần nữa cho thật kỹ càng với một cử chỉ thân thiện và kính nể.

Lục Phỉ Thanh lấy làm lạ không hiểu rõ lý do gì. Ông đưa tay đón lấy vật người Duy trao trả. Thì ra đó là mũi Thiết Liên Tử mà đàng sau có gắn một chiếc lông chim trĩ rất tinh vi trông thật đẹp.

Nguyên mũi Thiết Liên Tử này là do Tiêu Thanh Đồng dùng để ném Lục Phỉ Thanh đêm nọ lúc ông ta theo dõi cái bóng đen vào tận trong rừng và sau đó được nghe lén cuộc hội nghị của người Duy thích huyết ăn thề phải chiếm lại Khả Lan Kinh cho bằng được. Khi biết việc không có can hệ gì đến mình, Lục Phỉ Thanh toan bỏ đi thì lại bị Tiêu Thanh Đồng phát giác tưởng là gian nhân nên dùng Thiết Liên Tử mà phóng. Mũi thứ nhất, Lục Phỉ Thanh tránh khỏi được. Mũi thứ nhì quá cận không thể tránh nên ông bèn dùng ly trà đang cầm ra mà hứng lấy. Sau đó Lục Phỉ Thanh cất mũi Thiết Liên Tử này vào người làm kỷ niệm, lần này vô ý để rơi nó ra ngoài cho người Duy trông thấy chẳng qua cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên không hơn không kém...

Người Duy sau khi trông thấy mũi Thiết Liên Tử rơi từ trong mình Lục Phỉ Thanh thì chẳng hiểu sao trong lòng như rất phân vân. Lục Phỉ Thanh thoáng hiểu nên lanh trí cầm mũi Thiết Liên Tử trên tay, rút bảo kiếm ra chặt đứt mũi nhọn để tỏ lòng ngay thẳng, ngụ ý bảo là bạn chứ không phải thù. Hình như người Duy ấy hiểu được ý nghĩa trong cử chỉ ấy của Lục Phỉ Thanh nên mặt mày hớn hở, gật đầu lia lịa, tin tưởng rằng ông ta là bằng hữu của vị công chúa xứ mình chứ không phải người xa lạ hay kẻ thù.

Người Duy không biết nói tiếng Hán, mà Lục Phỉ Thanh cũng chỉ biết nghe sơ sơ, bập bẹ được vài tiếng Duy hai người đàm thoại với nhau bằng dấu hiệu nhiều hơn. Người Duy dắt hai con ngựa đến trước mặt Lục Phỉ Thanh ra dấu bảo ông ta cứ tự ý chọn lấy một. Cả hai con ngựa đều cao lớn, đẹp đẽ và mạnh mẽ như nhau cả. Nếu bảo phải chọn một thì thật là khó tính. Tuy nhiên, suy đi tính lại, Lục Phỉ Thanh quyết định chọn con ngựa hồng với bốn vó trắng vì tiện hơn cho ông ta đi vào ban đêm hơn. Ngựa trắng đi trong đêm sẽ dễ bị nhận diện hơn và tiện cho kẻ địch hơn trong việc dùng ám khí. Nghĩ vậy, ông liền ra dấu chỉ con ngựa hồng.

Người Duy gật đầu tỏ ý ưng thuận. Lục Phỉ Thanh mừng rỡ khôn xiết. Ông lấy hết túi tiền trao cho người Duy như khi nãy ông ta đã định giá. Cũng giống như lần trước, người Duy lắc đầu lia lịa và vẫy tay gạt đi. Nhưng lần này thì ý khác hẳn. Cử chỉ lần này như nói với Lục Phỉ Thanh là y khảng khái biếu ngựa chứ nhất định không bán mà cũng chẳng chịu nhận tiền. Lục Phỉ Thanh đành phải cất bạc lại vào mình rồi ra dấu nhờ người ấy dắt giùm con ngựa của mình về mà nuôi dưỡng để dùng vì nó cũng là một con chiến mã hữu dụng, không ngoan, lại trung thành. Người Duy cúi đầu khẽ gật rồi hai tay dắt hai con ngựa đi về phía thị trấn.

Lụ Phỉ Thanh mừng có được thiên lý mã nên tin tưởng chỉ nội trong đêm là có thể đến được An Tây. Ông nhảy lên lưng con tuấn mã, bụng nghĩ thầm :

- “Không ngờ thanh thế của cô bé áo vàng kia đối với người Duy lại ghê gớm đến như vậy! Mũi Thiết Liên Tử của nàng có giá trị tương đương với một lệnh kim bài của một Đại nguyên soái. Ban đầu người Duy kia nhất định không bán ngựa mặc dù được trả giá trên trăm lượng thế mà khi nhìn thấy mũi Thiết Liên Tử này thì lại một mực biếu không tuấn mã cho mình trong khi chưa biết rõ mình là ai cả, đồng thời trên trăm lượng bạc ròng cũng chẳng thèm lấy nữa!”

Vì chưa hiểu rõ lai lịch của Tiêu Thanh Đồng nên Lục Phỉ Thanh nào biết được nàng là một Công chúa, ái nữ của Tù trưởng Mộc Trác Luân, thủ lãnh của dân tộc Duy.

Người Duy tặng ngựa kia lại chính lại thuộc bộ lạc dưới quyền cai trị của Mộc Trác Luân nên đối với Tiêu Thanh Đồng tự nhiên là kính nể. Hầu như tất cả dân tộc Duy đều biết vụ Tiêu Thanh Đồng bố trí kế hoạch nhằm mục đích đoạt lại Khả Lan Kinh cho dân tộc họ nên ai nấy đều phấn khởi tinh thần, tìm đủ mọi cách yểm trợ, đóng góp, không bằng hình thức này thì bằng hình thức khác. Vì vậy, khi nhìn thấy ngọn Thiết Liên Tử có khắc dấu hiệu của công chúa họ, người Duy kia tin là Lục Phỉ Thanh là người của phe bên mình nên không chút nghi ngờ. Lại thấy Lục Phỉ Thanh nhắm hướng Tây mà đi thì lại càng tin là ông ta đi theo để hợp sức vói Tiêu Thanh Đồng mà đối phó với cường địch để thâu hồi Khả Lan Kinh do đó mà vui vẻ tặng tuấn mã không chút do dự...

Con ngựa hồng bốn vó hoa mai phi như bay, chẳng khác gì một mũi tên lửa xẹt đi. Lục Phỉ Thanh nhận thấy rằng dù cho con ngựa hồng của Lý Khả Tú tướng quân được vua Càn Long ban cho, có tiếng là một “thiên lý thoại long câu” đời nay cũng không thể nào bì kịp. Lục Phỉ Thanh vui mừng hớn hở còn hơn được ngọc quý. Ông một mình một ngựa phóng như bay qua những con đường vắng trong hoàng hôn...

Con ngựa của Lục Phỉ Thanh đang cỡi nguyên là một giống ngựa quý, hiếm có của Mộc Trác Luân bao năm huấn luyện thành thục để dùng trong việc chinh chiến, chỉ riêng những người thân tín hay các võ tướng mới được dùng mà thôi. Trong mười con ngựa quý nhất của bộ lạc Mộc Trác Luân, con Hồng Hoa tông mã này đứng hạng thứ 5, chỉ thua có ngựa của Mộc Trác Luân, của Tiêu Thanh Đồng, của Hương Hương công chúa, và của con trai lớn Mộc Trác Luân mà thôi. Cả mười con ngựa quý nhất đều được đóng dấu ấn tín.

Chẳng mấy chốc, Lục Phỉ Thanh đã ra khỏi được thị trấn đếm mấy trăm dặm. Dưới bóng trăng vằng vặc, Lục Phỉ Thanh lòng khoan khoái nhìn gương mặt tròn, trong sáng của “chị Hằng Nga” đang lấp ló xuyên qua từng kẽ lá như soi thấu lòng người anh hùng nặng tình ưu ái với non sông.

Trước mặt Lục Phỉ Thanh là vài dãy núi cao chập chờn. Sau lưng là một giòng suối bạc lững lờ. Tiếng nhạn đêm... Tiếng hạc kêu sương... Đèn thuyền hiu hắt... Phong cảnh như khơi động lòng hoài cảm của khách chinh y.

Lục Phỉ Thanh cho ngựa leo theo triền núi gồ ghề, bất giác nhớ lại chuyện cũ 10 năm dư... Những lúc xông pha gió bụi, dãi dầu phong sương đem tấm thân bảy thước mong đáp bồi ơn cây cỏ... Gặp vận không may, Đồ Long Bang tan rã, công cuộc cách mạng không thành. Một số bang chúng đền nợ nước; một số vẫn còn đang đeo đuổi chí tang bồng; còn thân mình thì nay đây mai đó, những tưởng đã chôn vùi tuổi trời trong chốn yên tịnh.

Lần này ra biên ải gặp lại bạn cũ chí còn hăng say, đem chính nghĩa góp công sức vào Hồng Hoa hội làm cho Lục Phỉ Thanh thẹn thùng mà thức tỉnh. Ông quyết phen này ra sức đua tài để phục hồi lại chí khí năm xưa. Vì vậy, ông lại càng nóng lòng mà đi An Tây để được tận mắt nhìn thấy các nhân vật ưu tú trong Hồng Hoa hội đồng thời có dịp nhận xét tổ chức cách mạng này ra sao...

Non xanh nước biếc, gió mát trăng thanh không thể cầm chân được Lục Phỉ Thanh lại nơi đây để thưởng thức cảnh vật hữu tình. Nhưng trong giây lát, lòng Lục Phỉ Thanh thấy cảm hứng lạ thường. Ông sực nhớ lại một bài thơ của Nhạc Phi đời Tống bèn đem ra ngâm vang lên giữa cảnh hoang vu.

Niên lai trần thỏ mãn chinh y,

Đắc đắc nhàn khan thượng thúy vi.

Hảo cảnh, hảo sơn, khan bất tuyệt,

Mã đề thời sấn nhạn nam phi.

Hoàn cảnh Nhạc Vũ Mục thật giống với cảnh của Lục Phỉ Thanh ngày nay. Tuy mến cảnh nhưng lại không có thì giờ thưởng ngoạn vì tiếng nhạn phương Nam như thúc giục người yêu nước mau mau lên đường làm bổn phận thiêng liêng. Tiếng ngâm của Lục Phỉ Thanh ngân lên giữa đêm vắng. Tiếng dư âm như vọng lại, dường như lời của non sông đáp lại cùng ông...

Qua khỏi ngọn núi, một xóm nhà tranh của chốn thôn dã hiện ra ngay dưới chân núi với một vài ngọn đèn đêm lờ mờ. Lục Phỉ Thanh đến một vách lá quạnh hiu, dắt ngựa vào sân và lên tiếng gọi cửa. Một cụ già trạc ngoài lục tuần cầm đè bước ra. Thấy Lục Phỉ Thanh tướng mạo đường bệ, oai phong lẫm liệt, cụ già vui vẻ mời vào nhà...

Sau một tuần trà, Lục Phỉ Thanh thú thật là phải đi ngàn dặm xa xôi vì có việc cần nên tình cờ ghé ngang qua đây xin nghỉ chân vài tiếng vì người đói, ngựa mỏi, rồi sau đó lại tiếp tục lên đường. Hai người tiếp tục ngồi hàn huyên, mỗi lúc một thêm tương đắc. Lục Phỉ Thanh mới hay cụ già này trước kia, lúc còn trẻ cũng là một nhân vật giang hồ. Lúc Đồ Long hội khởi cuộc kháng Thanh, cụ có chiêu mộ một số thanh niên trong vùng đón đường quan quân đánh nhiều trận du kích làm cho bin triều phải khiếp sợ. Khi được biết Lục Phỉ Thanh là một trong các cựu lãnh tụ của Đồ Long hội, cụ già mừng rỡ vô cùng, lấy chân tâm mà đối xử chứ không còn khách sáo nữa.

Cụ già trải chiếu, bảo Lục Phỉ Thanh nằm nghỉ lưng đỡ, gọi vợ con thức dậy làm một bữa cơm đạm bạc đãi đằng, còn đích thân cụ lo cỏ rơm cho ngựa. Sự tiếp đãi ân cần ấy làm cho Lục Phỉ Thanh hết sức cảm động. Ông nghĩ rằng trong chốn “thâm sơn cùng cốc” mà còn có được những bậc anh hùng vô danh ẩn tích thế này thì vận mạng của Hán tộc chưa đến nỗi phải tuyệt vọng. Lục Phỉ Thanh không cần giấu diếm nữa, liền nói cho cụ già hay là ông đi An Tây tìm Hồng Hoa hội để thực hiện một công tác rất quan trọng, có thể được là cứu dân cứu nước.

Cụ già tự giới thiệu tên họ là Trần Đại Dụng, biệt danh là Vô Ngã, người thôn Kinh Trang. Ông ta hứa với Lục Phỉ Thanh rằng lúc nào “khai quân cần vương” thì chính ông ta sẽ đứng ra chiêu mộ nghĩa quân vùng này tiếp chiến. Không cần phải đắn đo suy nghĩ, Trần Đại Dụng tuyên bố sẽ tình nguyện làm một mật báo viên và nguyện đem thảo trang của mình làm trạm nghỉ chân và trụ sở liên lạc cho tất cả người của Hồng Hoa hội có thể ghế đến bất cứ lúc nào.

Lục Phỉ Thanh không ngờ lại tìm thêm được một người đồng chí mới nữa. Đôi bên ý hợp tâm đầu chẳng khác gì đôi bạn thâm giao, quen nhau từ lâu lắm rồi.

Trần Đại Dụng lại tâm sự, kể chuyện cho biết rằng ông ta là môn đồ của Yên Chi Hòa Thượng thuộc phái Thanh Thành nên tài năng kiếm pháp của ông ta một dạo cũng từng được các phái võ lâm biết đến và ca ngợi khá nhiều. Sau khi được tin Đồ Long hội tan rã, Trần Đại Dụng một mình ẩn tích nơi đây, không còn muốn nhúng tay vào chuyện giang hồ nữa mà chỉ đứng trung lập, không thuận ai mà cũng chẳng nghịch ai. Nhưng hầu hết các giang hồ đồng đạo biết tài của ông ta đều tông trọng ông ta chứ chẳng dám đụng đến.

Ngay cả Uy Chấn Hà Sóc Vương Duy Dương kia còn phải nể nang Trần Đại Dụng. Cứ mỗi lần có tiêu hàng tải qua vùng này, họ Vương đều cho một vài tiêu sư đại diện Trấn Viễn tiêu cục đến báo tin trước, đồng thời kính biếu ông ta một ít vàng bạc khá hậu hĩnh. Đối với các tiêu sư trong Trấn Viễn tiêu cục, Trần Đại Dụng quen mặt và biết tên gần hết. Người ông ta ghét nhất là Đổng Triệu Hòa, và hắn cũng gườm ông ta nhất. Có một lần hắn giở thái độ ngạo mạn, đến vùng này mà quen thói lỗ mãng và hách dịch xem thường nên Trần Đại Dụng đã sửa trị hắn một trận nên thân. Nếu không nhờ Diêm Thế Chương xuống nước hết lời năn nỉ chắc lưỡi kiếm “Can Tương” của ông ta đã cho hắn một nhát rụng đầu rồi...

Nghe nhắc đến tên “Can Tương”, Lục Phỉ Thanh thích lắm liền yêu cầu Trần Đại Dụng cho xem thử vì xưa nay ông chỉ được nghe nhắc đến tên thôi mà chưa hân hạnh được thấy lần nào.

Trần Đại Dụng liền vào trong đem ra một cái bao da bọc gấm lấy Can Tương kiếm cho Lục Phỉ Thanh xem. Lưỡi kiếm dài độ sáu tấc, mỏng như lá lúa. Kiến quang long lanh một màu hồng như ánh dương mới mọc. Kiếm khí lạnh như tuyết giá. Thật là một thanh kiếm báu hy hữu. Cao hứng, Lục Phỉ Thanh xin mượn kiếm múa thử một vài đường. Trước sân rộng dưới ánh trăng, Lục Phỉ Thanh múa kiếm vùn vụt. Kiếm quang rực sáng che lấp cả bóng người sử dụng. Trần Đại Dụng vừa xem vừa trầm trồ khen ngợi, trong lòng hết sức thán phục là kiếm thuật phi thường...

Múa kiếm xong, Lục Phỉ Thanh xoay nguợc chuôi kiếm, cung kính trao trả lại. Nhưng Trần Đại Dụng lắc đầu cười, khảng khái đem ngay bảo kiếm Can Tương tặng cho Lục Phỉ Thanh, với ngụ ý rằng kiếm báu dùng để tặng tráng sĩ đặng giết giặc cứu nước. Lục Phỉ Thanh cả kinh, đời nào dám nhận lấy. Nhưng có nói cách nào mãi vẫn không xong. Trần Đại Dụng một hai bắt Lục Phỉ Thanh phải nhận lấy. Sau cùng, không còn cách nào từ chối được, Lục Phỉ Thanh đành nhận lấy với lời thề long trọng cùng chủ nhân là nếu không chu toàn trách nhiệm trừ gian diệt bạo cho nhân dân thì thà là chết với bảo kiếm chứ quyết không để nhục.

Đã được tặng tuấn mã, giờ lại được tặng thêm bảo kiếm, Lục Phỉ Thanh tron lòng khoa khoái đến cực độ. Ông ta tự nhủ :

- “Với chiến mã và bảo kiếm, từ nay ta có thể tái xuất giang hồ được rồi. Cho dù là Trương Siêu Trọng thì đã sao? Ta há sợ nó? Chỉ tiếc sư phụ quá cưng chiều nên truyền cho hắn bản lãnh phi phàm để hại nước, hại dân, làm nhục cả đến sư môn. Phải chi Trương Siêu Trọng chịu theo chính nghĩa, đứng về phía hàng ngũ cách mạng thì thật may cho phái Võ Đang biết mấy! Lúc đó cả uy danh của môn phái lẫn sư phụ ai lại không cảm phục? Lịch sử lẽ nào quên ghi tên?”

Lúc ấy, cả người lẫn ngựa đã no nê được nghỉ đủ. Lục Phỉ Thanh bèn ngỏ ý từ giã Trần Đại Dụng để lên đường đi An Tây cho kịp. Lúc chia tay, hai đầu bạc tỏ ra quyến luyến nhau, cùng hẹn ngày tái ngộ. Trần Đại Dụng gói cho Lục Phỉ Thanh một ít lương khô, lại không quên kèm theo một bao thóc cho ngựa đồng thời tiễn khách quý ra xa ngoài ba dặm mới chịu quay đầu trở lại...

Lục Phỉ Thanh lại tiếp tục cuộc hành trình. Phải đi thêm hai ngày một đêm nữa, tính ra trước sau có trên 1000 dặm đường, Lục Phỉ Thanh mới đến được địa phận An Tây. Đó là cũng nhờ vào một phần lớn ở sức lực con thiên lý mã.

Sau ba ngày ba đêm dầm sương dãi nắng, ăn qua loa, ngủ cầm chừng, khởi nguồn từ khách sạn An Viễn, Lục Phỉ Thanh cảm thấy chân tay rã rời, mệt mỏi, tinh thần suy kém rất nhiều.

Lúc ấy mặt trời đã bắt đầu lặn. Vào đến cửa Đông thành An Tây, Lục Phỉ Thanh chợt nhớ tới lời dặn của Văn Thái Lai nên lấy cái hoa mai đỏ gắn vào chót mão của mình.

Lục Phỉ Thanh liền xuống ngựa, cầm cương dắt đi chậm rãi vào thành. Chỉ vì ông ta sợ ngồi trên lưng ngựa đi giữa một thành phố giàu có, tấp nập dân cư, từ xe ngựa cho đến khách bộ hành. Đó là chưa kể sẽ có kẻ rong cương qua, người cỡi ngựa đi lại, rất có thể che lấp mất cái hoa mai đỏ trên mão mình nên người của Hồng Hoa hội khó mà nhận ra được.

Với lớp áo pha màu bụi đường, ngựa ướt đẫm mồ hôi, Lục Phỉ Thanh khó tránh được những cặp mắt sửng sốt đổ dồn về mình. Biết là bất tiện cho mình, nhưng không còn cách nào hơn nên Lục Phỉ Thanh đành phải tiếp tục mà dắt ngựa đi tiếp, chỉ mong sao sớm gặp được người của Hồng Hoa hội ra đón.

Đi ngang qua một con đường khá náo nhiệt, Lục Phỉ Thanh nhìn thấy đầu kia có hai chàng thanh niên cao lớn, mặt mũi sáng sủa đang hấp tấp băng qua đường hướng thẳng về phía ông ta mà đi tới đón đầu. Lục Phỉ Thanh cứ giả vờ như không hề để ý đến hai người ấy. Ông vẫn tiếp tục dắt ngựa đi nép theo mé đường.

Hai thanh niên kia đến trước mặt Lục Phỉ Thanh cúi đầu lễ phép chào rồi mời ông theo họ vào một tửu lầu uống rượu. Thái độ và cử chỉ ấy của hai thanh niên ấy không làm cho Lục Phỉ Thanh ngạc nhiên chút nào vì ông tin chắc rằng họ là người của Hồng Hoa hội đã nhận được dấu hiệu hoa mai đỏ trên mão mình. Nếu không là vậy thì tại sao chưa hề quen biết gặp mặt nhau sao lại tự nhiên mời vào quán như gặp người quen như vậy?

Không chút do dự, Lục Phỉ Thanh nhận lời ngay. Một trong hai người thanh niên đưa tay tiếp lấy giây cương dắt hộ ngựa cho Lục Phỉ Thanh để ông ta thoải mái đi người không. Dọc đường có không biết bao nhiêu là tửu lầu đủ hạng, sang trọng bình dân, lớn nhỏ... Nhưng hai người không đưa Lục Phỉ Thanh vào bất cứ nơi nào. Họ đưa ông đi hết con đường đó, rồi đến cuối một con đường khác nữa thì mới tới một tửu lầu trên tấm bảng hiệu có bốn đại tự sắc xảo, màu đỏ thếp vàng: TẬP HIỀN TỬU LẦU.

Lục Phỉ Thanh nghĩ bụng :

- “Chắc đây là tửu lầu của Hồng Hoa hội lập ra để đón rước người trong tổ chức của họ.”

Nhưng vì chưa nghe hai chàng thanh niên mở miệng ra nói một câu gì nên Lục Phỉ Thanh chỉ im lặng mà đi theo, không một lời gặn hỏi hay thắc mắc.

Thấy có khách vào, một tên tửu bảo chạy ra đón tiếp, một tên khác dẫn ngựa ra sau mà không đợi cho hai chàng thanh niên kia phải sai bảo điều gì. Lục Phỉ Thanh thấy vậy lại nghĩ :

- “Họ có nội quy, kỷ luật hẳn hòi đâu ra đó như đã xếp đặt sẵn từ trước, cứ phận sự ai nấy làm.”

Hai chàng thanh niên mời Lục Phỉ Thanh lên thẳng tầng thứ nhất, ngồi vào bàn ở góc trái, có tấm vách mỏng ngăn ra.

Tập Hiền Tửu Lầu rộng rãi, và khoảng khoát, lại vô cùng sạch sẽ. Mặt trước tửu lầu day ra phía bờ sông nên gió chiều thoảng vào mát mẻ, thật dễ chịu. Tầng lầu này cũng có đầy đủ bàn ghế như tầng dưới, chỉ khác chỗ là tầng dưới khách ra vào đông nghẹt, còn tầng này thì gần như là trống trơn ngoại trừ hai bàn, mỗi bàn với bốn người khách ngồi vừa uống rượu vừa nói chuyện. Còn cái phòng có dựng bức bình phong mỏng mà họ mời Lục Phỉ Thanh vào thì hoàn toàn không có ai cả.

Mấy người khách đang ngồi uống rượu bỗng nghe có tiếng chân người đi lên thì đều ngước mắt, quay mặt lại nhìn. Nhưng khi thấy hai chàng thanh niên kia đưa Lục Phỉ Thanh vào phòng có vách mỏng ngăn thì họ lại tiếp tục uống, cười đùa tự nhiên mà không cần phải liếc ngó nữa. Lục Phỉ Thanh lại nghĩ trong bụng :

- “Chắc đây toàn là nguời của Hồng Hoa hội, dầu thấy ta là người lạ mặt nhưng tin chắc là người trong hội nên chẳng cần phải e ngại mà để ý gì nữa.”

Lục Phỉ Thanh vừa ngồi xuống ghế thì tửu bảo đã bưng vào một mâm rượu. Một chàng thanh niên mời Lục Phỉ Thanh uống rượu còn người kia vòng tay lại nói :

- Tiền bối! Tiểu sinh cam thất lễ với người. Xin kiếu!

Nói xong, chàng ta đứng dậy cúi đầu lễ phép chào Lục Phỉ Thanh rồi lẹ chân bước mau ra ngoài. Chàng thanh niên còn lại ân cần mời Lục Phỉ Thanh uống mấy chén tẩy trần. Chàng ta chỉ mời Lục Phỉ Thanh dùng rượu với đồ nhắm, tuyệt đối không đề cập đến chuyện gì khác nên ông cũng chưa biết rõ được hư thực như thế nào, chỉ ngồi yên uống rượu và nhắm đồ với người này. Một tên tửu bảo lại xô cửa bước vào. Chàng thanh niên lại nâng ly mời Lục Phỉ Thanh nói :

- Lão tiền bối chắc chưa dùng cơm. Xin cạn thêm một vài chén trong khi chờ đợi tửu bảo bưng đồ ăn lên. Xin lão tiền bối cứ tự nhiên vì chúng tôi bao giờ cũng thật tình đãi khách.

Lục Phỉ Thanh bèn tạ lại rằng :

- Vâng! Uống mấy chén rượu thế này cũng đủ rồi. Xin cho tôi được dùng chút cơm vì hiện tại đang đói bụng.

Không chậm trễ, chàng thanh niên quay qua tửu bảo dặn :

- Mau dọn gấp một bữa ăn với đầy đủ các món thật tươm tất nhé!

Lục Phỉ Thanh thấy thế vội ngăn lại :

- Không cần phải thịnh soạn chi cả! Chỉ cần một bữa cơm thật đạm bạc là quý lắm rồi!

Chẳng đáng gì! Xin lão tiền bối đừng ngại.

Tên tửu bảo vừa đi khỏi, chàng thanh niên lại mời Lục Phỉ Thanh uống tiếp một chung rượu mới :

- Rượu thuốc này đặc biệt lắm! Lão tiền bối uống vào dùng cơm sẽ rất ngon miệng, dễ tiêu hóa, và đi đường xa sẽ bớt mệt nhọc, giãn gân giãn cốt, bớt nhức mỏi.

Lục Phỉ Thanh tự hỏi :

- “Sao hắn không hỏi chuyện gì cả mà chỉ mời ăn uống không như thế? Đã tốn thì giờ lại càng khiến ta thêm nóng ruột!”

Một ý nghĩ đáng sợ khiến cho Lục Phỉ Thanh đâm ra hoài nghi. Ông lo ngại nghĩ thầm :

- “Hay bọn này không phải là người của Hồng Hoa hội? Không khéo ta tin lầm mà mắc bẫy đây! Nếu chúng là bọn “tẩu cẩu” của Càn Long phái đi dọ thám Hồng Hoa hội, đồng thời lại phát giác được lai lịch của ta mà dụ tới đây để gài bẫy thì nguy to! Chưa gặp được Thiếu đà chủ để báo tin của Văn Thái Lai mà lại bị bắt thì thật là rắc rối không ít! Thành tích và lai lịch của ta thì bọn triều đình mấy ai không rõ, nhất là Trương Siêu Trọng. Tốt hơn hết ta phải đề phòng ngay từ giờ phút này!”

Lục Phỉ Thanh đang phân vân chưa biết phải làm gì thì một ý nghĩ khác lại nảy ra trong đầu :

- Tổng hành dinh của Hồng Hoa hội nằm ở An Tây này thì có lẽ nào bọn Trương Siêu Trọng lại dám tự tung tự tác như thế? Mình bất tất phải lo xa như vậy!”

Nhìn nét mặt ưu tư và bơ phờ của Lục Phỉ Thanh, chàng thanh niên hình như cũng đoán được phần nào bèn nói như trấn an :

- Lão tiền bối đã đến được An Tây này thì chẳng có gì phải e dè lo ngại cả! Xin lão tiền bối dùng cơm rượu cho no rồi nghỉ cho khỏe rồi chúng tôi sẽ xin hầu chuyện cùng tiền bối sau.

Lục Phỉ Thanh chưa kịp bày tỏ ý kiến của mình theo lời nói của chàng thanh niên kia thì cánh cửa phòng rượu lại được mở ra. Một chàng thanh niên khác từ bên ngoài chậm rãi bước vào hướn vào Lục Phỉ Thanh vái dài một cái rất trịnh trọng và lễ phép. Chàng thanh niên này mặc một chiếc áo dài màu lam, tuổi chỉ chừng khoảng 30 trở lại. Mặt chàng ta rất sáng sủa, dáng người trông rất thanh, nhất là đôi mắt tinh anh như có hào quang, trông đầy vẻ uy nghiêm khiến người nào trông vào cũng phải có ý kiêng nể ngay.

Chàng mời Lục Phỉ Thanh ngồi rồi cũng tự ý kéo ghế ngồi đối diện, nhưng hơi xê dịch qua mọt bên chút đỉnh để tỏ ý tôn trọng bậc trưởng bối. Sau đó chàng lễ phép thỉnh danh tánh của Lục Phỉ Thanh. Ông ta cũng khiêm tốn khai thật tên họ mình cùng với biệt hiệu Miên Lý Châm mà không cần phải giấu diếm làm gì. Chàng ta nghe xong tỏ vẻ kính nên đứng dậy nói :

- Thế ra đây là Lục lão tiền bối của phái Võ Đang mà vãn bối không hay biết gì cả! Xin tha cho tội thất lễ.

Lục Phỉ Thanh nói :

- Lão phu không dám. Xin huynh đài cứ tự nhiên an tọa để cho lão phu được tiếp chuyện.

Khi ấy chàng ta mới dám ngồi xuống ghế lại như cũ rồi tiếp tục nói :

- Tiểu đệ thường nghe Triệu tam ca luôn luôn nhắc nhở đến đại danh của lão tiền bối, lòng vốn ngưỡng mộ từ lâu. Ngày nay được hân hạnh bái kiến thì thật là vinh hạnh biết bao nhiêu.

Lục Phỉ Thanh khiêm tốn đáp lễ và hỏi :

- Xin huynh đài cho lão phu được thỉnh cao danh quý tánh.

Chàng thanh niên liền đáp :

- Vãn bối là Vệ Xuân Hoa.

Chàng thanh niên bồi rượu Lục Phỉ Thanh lúc nãy đứng dậy hướng về Lục Phỉ Thanh thưa:

Xin lão anh hùng ngồi bàn chuyện với Vệ huynh. Cho phép vãn bối được cáo thoái!

Đoạn chàng ta cúi đầu chào Lục Phỉ Thanh và Vệ Xuân Hoa rồi bước ra ngoài đi thẳng xuống thang lầu.

Vệ Xuân Hoa nói với Lục Phỉ Thanh :

- Cả Thiếu đà chủ cùng các anh em Hồng Hoa hội chúng tôi phần đông đều có mặt ở đây. Họ nghe tin tiền bối có mặt nơi này sẽ lần lượt kéo đến nghinh tiếp. Vãn bối được đặc phái tới trước để dâng tiệc rượu vì lo ngại bọn em út thô thiển sơ sót mà đắc tội với lão tiền bối. Còn lại mấy người kia sẽ đến sau.

Khi ấy, một bữa cơm thịnh soạn đủ sơn hào hải vị, chẳng thiếu món ngon vật lại nào được dọn lên. Vệ Xuân Hoa tự tay rót rượu Bồ Đào và chung, trịnh trọng đứng dậy chắp tay kính cẩn mời Lục Phỉ Thanh. Chàng ta để Lục Phỉ Thanh ngồi vào ghế chánh vị, còn mình ngồi ở cái ghế sau xa tiếp.

Thấy người của Hồng Hoa hội đối với mình quá trọng vọng, tiếp đãi thật ân cần, Lục Phỉ Thanh lấy làm cảm kích vô cùng, cố chối từ địa vị mà Vệ Xuân Hoa nhượng cho mình. Ông yêu cầu Vệ Xuân Hoa ngồi đối diện với mình nhưng chàng ta nhất định không nghe, thưa rằng :

- Lão tiền bối là một bậc anh hùng vang danh bốn bể mà Hồng Hoa hội bấy lâu thường ao ước được một phen cung nghinh đón tiếp. Không ngờ sở vọng ấy hôm nay được toại nguyện. Thiếu đà chủ đã có lệnh sai bảo, vãn bối nào dám cãi lời! Tổng đà chủ lúc sanh tiền vẫn thường nói chuyện với Triệu tam ca rất nhiều về đại đức và tài nghệ cao siêu của tiền bối. Cho đến Viên Sĩ Tiêu đại hiệp cũng không lúc nào quên nhắc nhở đến uy danh của tiền bối nên bọn vãn bối đây tuy chưa được gặp mặt nhưng đã một lòng ngưỡng mộ. Vậy xin lão tiền bối cứ tự nhiên để cho vãn bối được bồi tiếp.

Lục Phỉ Thanh không còn cách nào từ chối được, đành phải nghe theo. Vệ Xuân Hoa bưng rượu Bồ Đào thơm ngát lên mời Lục Phỉ Thanh rồi sau đó mới dám uống.

Vừa dùng cơm vừa uống rượu mà chuyện trò, Lục Phỉ Thanh thầm nghĩ rằng Hồng Hoa hội có được những nhân vật như Văn Thái Lai, Dư Ngư Đồng, Vệ Xuân Hoa mà ông ta được biết qua thì thật là điều đáng mừng. Đây là những người thanh niên trai tráng khí khái, nhiệt huyết đầy mình, hăng say hoạt động, dám đem bản thân ra hy sinh cho dân tộc. Họ mới chỉ là một số ít ông ta tình cờ gặp qua thôi, lẽ tất nhiên số thanh niên tuấn tú ấy hẳn trong Hồng Hoa hội còn rất nhiều. Hồng Hoa hội thật xứng là một nơi quy tụ đầy những mầm non của đất nước. Đã vậy mà Hồng Hoa hội lại còn có những lão anh hùng hiên ngang nghĩa khí như bạn cũ của ông ta là Triệu Bán Sơn cùng với bao nhiêu tay hào kiệt trượng phu khác như Viên Sĩ Tiêu, Vô Trần đạo nhân... Đây toàn là những bậc tiền bối cầm đầu những môn phái trong võ lâm giỏi tài ba thao lược, giàu khinh nhgiệm đấu tranh, nguyện đem tấm thân hiến dâng cho đại nghĩa. Chỉ cần nhìn bấy nhiêu đó mà suy, thế lực của Hồng Hoa hội chắc chắn mạnh hơn Đồ Long hội khi xưa rất nhiều. Một tổ chức phản Thanh Phục Minh như Hồng Hoa hội mà đứng ra lãnh đạo nhân dân thì tiền đồ Hán tộc hẳn đã đến hồi hưng vượng.

Lục Phỉ Thanh nghĩ tới đó bỗng chợt khoái chí uống vùi mấy chén với Vệ Xuân Hoa, quên hết cả những mệt nhọc đi đường, đội mưa đạp tuyết... Tinh thần ông ta như phục hồi lại hoàn toàn, cảm thấy hăng hái bội phần.

Vệ Xuân Hoa hỏi :

- Chẳng hay lão tiền bối quá bước đến đây là do sự tình cờ hay có mục đích chi dạy bảo cho Hồng Hoa hội? Dám xin lão tiền bối cho biết.

Lục Phỉ Thanh đáp :

- Lão phu vượt núi trèo non, đi ngàn dặm đường đến đây dĩ nhiên không phải là do sự tình cờ. Nhưng chung quy tất cả vẫn là do một sự tình cờ mà ra.

Vệ Xuân Hoa chưa hiểu rõ được ẩn ý của câu nói lạ lùng ấy. Chàng vẫn im lặng để tai lắng nghe.

Lục Phỉ Thanh nói tiếp :

- Không phải là một sự tình cờ vì mục đích nguyên thủy của lão phu không phải tìm đến An Tây này mà chỉ vì có một công vụ cấp bách phải hộ tống một đoàn người ra biên ải. Nhưng do một sự tình cờ mà lão phu phải bỏ dở công vụ của mình để gấp rút đi An Tây tìm Thiếu đà chủ và các vị đương gai của Hồng Hoa hội...

Vệ Xuân Hoa nghe Lục Phỉ Thanh nói đến đây lòng thấy xao xuyến lạ thường, vẻ mặt đầy kinh hoàng lo âu nhưng chưa dám hỏi rõ, chỉ để tâm mà nghe Lục Phỉ Thanh giãi bày cho rành mạch.

Lục Phỉ Thanh lại nói tiếp :

- Lão phu phải tìm Thiếu đà chủ và các vị đương gia của Hồng Hoa hội đông đủ là vì một việc vô cùng nguy ngập không thể chần chừ hay trì hoãn thêm được nữa. Báo tin xong cho tất cả các vị, lão phu còn phải tiếp tục lo công vụ của mình nữa.

Vệ Xuân Hoa nghe có việc gấp đến thế chợt thấy nóng lòng như lửa đốt dầu sôi. Chàng ta không dám hối thúc Lục Phỉ Thanh ăn cho lẹ nhưng chính chàng lại ăn uống một cách vội vã chứ không từ tốn như lúc mới nhập tiệc nữa.

Lục Phỉ Thanh ăn uống thật no say kỹ càng cho no bụng để xong việc ông ta còn trở lại tiếp tục cuộc hành trình hẹn ước với Lý Mộng Ngọc. Cơm nước xong xuôi, không đợi Vệ Xuân Hoa nhắc, Lục Phỉ Thanh hối hả đề nghị trước :

- Ờ đây lão phu thấy có điều bất tiện khi Thiếu đà chủ và cácvị đương gia đến. Nhất lại càng bất tiện cho lão phu phải trình bày mọi chuyện cho các vị nghe, vì dầu sao ta cũng phải đề phòng tai mắt của bọn “tẩu cẩu” cho cẩn thận.

Vệ Xuân Hoa nói :

- Lúc ban đầu, theo tin mật báo đưa về có một cụ già đạo mạo cỡi ngựa hồng có dắt hoa hồng ở mão vào thành An Tây, bọn vãn bối mới phái người tâm phúc đưa lão tiền bối vào đây tức tửu lầu riêng của Hồng Hoa hội. Khi được biết tên họ của lão tiền bối thì Thiếu đà chủ mừng lắm sai vãn bối đến đây đón tiếp lão tiền bối trước rồi người sẽ đưa các anh em đến ra mắt sau. Không ngờ tiền bối đến đây không phải là một sự tình cờ mà vì một chuyện cấp bách có quan hệ đến Hồng Hoa hội nên vãn bối đã báo tin về cho Thiếu đà chủ rằng đừng đưa các anh em đến đây nữa mà có thể bị lộ chuyện ra ngoài. Mặc dù ở đây Hồng Hoa hội làm chủ tình hình và nắm được lòng người chứ không phải như ở Bắc Kinh. Nhưng dù sao vẫn phải đề phòng bọn “chó săn chim mồi”. Thà là lúc nào cũng phải có cảnh giác còn hơn là khinh địch! Vậy xin lão tiền bối đi theo vãn bối. Còn con tuấn mã với hành lý thì tiền bối khỏi lo, đã có người của Hồng Hoa hội đảm đang, giữ gìn thật chu đáo.

Vệ Xuân Hoa sau đó ra ám hiệu cho mọi người trong tửu lầu rồi vội vàng bước xuống dưới. Lục Phỉ Thanh đi theo chàng bén gót.

Do những đường ngoằng nghoèo khúc khuỷu như ruột dê uốn theo các đường lớn trong châu thành, Vệ Xuân Hoa đưa Lục Phỉ Thanh đi mau như chạy. Đó là những con đường tắt của Hồng Hoa hội từ ngoài phố về trụ sở mà chỉ có người trong Hồng Hoa hội biết.

Dọc theo đường đi, Lục Phỉ Thanh thấy có rất nhiều trai tuấn tú, gái nhu mì dắt cánh hoa hồng trên chóp nón. Chính họ là những tai mắt của Hồng Hoa hội nên có bất cứ một người lạ nào hay một việc gì xảy ra trong thành phố tức thì trụ sở chính của Hồng Hoa hội sẽ biết ngay. Cách tổ chức xếp đặt của Hồng Hoa hội thật là chu đáo và hết sức quy mô, Lục Phỉ Thanh thán phục vô cùng...

Lục Phỉ Thanh rất nóng lòng được tiếp xúc với Thiếu đà chủ này của Hồng Hoa hội xem là nhân vật thế nào mà mỗi lần đề cập đến ba tiếng “Thiếu đà chủ”, các nhân vật của Hồng Hoa hội đều tỏ ra nghiêm trang kính cẩn tuyệt đối, bằng một thái độ rất là trịnh trọng. Ông nghĩ rằng nhân vật ấy chắc phải có bản lãnh siêu quần, tài năng thao lược xuất chúng và đức độ có thừa thì mới có thể khiến cho tất cả mọi người tôn sùng, đưa lên địa vị tối cao để đại diện cho chính nghĩa của công cuộc phản Thanh phục Minh. Nhưng mà người ấy là ai? Lục Phỉ Thanh tự hỏi câu này bao nhiêu lần mà vẫn không trả lời được.

Vệ Xuân Hoa đưa Lục Phỉ Thanh ra khỏi cửa chánh, phía Tây của thành An Tây thì đã có hai thanh niên lực lưỡng dắt tới hai con ngựa, yên cương chuẩn bị sẵn sàng. Thấy chủ nhân, con ngựa của Lục Phỉ Thanh hí vang lên reo mừng. Ông vỗ nhẹ vào đầu nó. Con tuấn mã như rất sung sướng được chủ thương. Con ngựa của Vệ Xuân Hoa cũng là một tuấn mã, cao lớn không kém gì ngựa của Lục Phỉ Thanh, lông vàng mướt, mỗi chân có một hoa mai trắng.

Hai người sau đó cùng lên ngựa phi nước đại nhắm về hướng Tây Nam do Vệ Xuân Hoa dẫn đường. Dọc đường, Vệ Xuân Hoa hỏi :

- Lão tiền bối chắc có gặp Văn tứ ca và Văn tứ tẩu của vãn bối phải không?

Lục Phỉ Thanh đáp :

- Quả đúng thế! Nhưng vì sao huynh đài lại biết được?

Vệ Xuân Hoa đáp :

- Nhìn đóa hoa hồng trên, mão của lão tiền bối có bốn cánh tức khắc biết được liền, vì đó là biểu hiệu của Văn tứ ca.

Lục Phỉ Thanh lấy đóa hoa hồng xuống xem lại thì thấy quả nhiên có bốn cánh. Ông ta hiểu ngay là nếu muốn biết địa vị của người nào trong Hồng Hoa hội thì chỉ cần đếm số cánh hoa của người ấy; cánh càng ít, vai vế càng cao; cánh càng nhiều, vai vế càng thấp.

Hai người đi được vài chục dặm đường thì đến trước một ngôi chùa nguy nga đồ sộ giữa một khu rừng rậm, rộng lớn mênh mông, với những cây cổ thụ cao ngất trời, bóng mát rợp đất. Cảnh chùa trông thật hùng vĩ, khó có nơi nào sánh được.

Cổng chùa là hai cây trụ thật lớn, có đến vài người ôm. Ngay cổng là một tấm hoành phi treo ở trên sơn son thếp vàng với bốn đại tự: “NGỌC HƯ ĐẠO VIỆN”. Nơi đây có hai người trai tráng to lớn vạm vỡ đứng gác. Vòng ngoài có một bức tường đá cao dày đến ba thước, chẳng khác nào lối thiết kế của một hoàng cung nho nhỏ. Lục Phỉ Thanh không ngờ ở một nơi biên khu, hoang vu cô tịch lại có được một đạo viện quy mô đến như thế.

Hai người lực lưỡng đứng gác ấy là hai đạo nhân. Vừa trông thấy Vệ Xuân Hoa, cả hai tỏ thái độ hết sức cung kính. Cả hai cùng chạy đến đỡ lấy giây cương của hai con ngựa.

Vệ Xuân Hoa mời Lục Phỉ Thanh đi thẳng vào nơi phương trượng của chùa. Nơi đây tuy có phần tịch mịch nhưng rất rộng rãi và sạch sẽ. Một tiểu đồng từ đâu bưng trà đến. Vệ Xuân Hoa lại mời Lục Phỉ Thanh giải khát.

Vệ Xuân Hoa nói nhỏ mấy tiếng vào tai tiểu đồng, cậu ta gật đầu rồi đi ra đàng sau. Lục Phỉ Thanh đang nhâm nhi trà bỗng nghe ở nội đường có tiếng nói lớn vang ra :

- Lục đại ca! Lâu quá rồi không được tin tức gì của nhau! Chắc anh nghi là tiểu đệ chết mất rồi phải không?

Câu nói vừa dứt thì một bóng người từ đâu đứng sừng sững trước mặt Lục Phỉ Thanh. Người ấy chẳng phải ai khác hơn là Triệu Bán Sơn, một anh em cũ trong Đồ Long hội khi xưa, một người mà Lục Phỉ Thanh hằng mong ước được gặp lại.

Không cần phải nói cũng biết được nỗi vui mừng của hai người bạn thân cũ lâu năm mới gặp lại. Triệu Bán Sơn liên tiếp hỏi chuyện Lục Phỉ Thanh :

- Cách nhau từ độ ấy, anh lưu lạc ở phương trời nào? Vì sao hôm nay không hẹn mà đến nơi đây gặp lại nhau?

Lục Phỉ Thanh không trực tiếp trả lời Triệu Bán Sơn. Ông nói với một giọng đầy vội vã :

- Triệu hiền đệ! Chuyện riêng tư của chúng ta sau này sẽ còn nhiều cơ hội kể cho nhau nghe. Lão huynh có một việc công hết sức là cấp bách phải nói trước cho thật lẹ, vì chậm phút nào là nguy nan phút đó.

Triệu Bán Sơn nghe nói bất giác đâm ra lo lắng, liền hỏi lại ngay :

- Lục đại ca! Chuyện cấp bách ra sao mau nói cho đệ nghe gấp kẻo đệ nóng ruột quá rồi!

Lục Phỉ Thanh chỉ chờ có thế nên nói ngay :

- Hiện tại Văn tứ đương gia đang gặp đại nạn!

Cả Triệu Bán Sơn lẫn Vệ Xuân Hoa nghe xong đều biến sắc, mồ hồi đổ xuống trán, tim đập thật mạnh, mắt đổ hào quang, chừng như chính hai người đang sống trong những giây phút kinh hoàng lo lắng. Vệ Xuân Hoa bỗng vụt một cái biến đi mất để một mình Triệu Bán Sơn ở lại. Sau đó, Triệu Bán Sơn liền hỏi Lục Phỉ Thanh cặn kẽ từ đầu đến đuôi ra sao.

Lục Phỉ Thanh tỉ mỉ thuật lại những tai nạn của Văn Thái Lai và Lạc Băng ra sao, cho đến việc gặp gỡ Dư Ngư Đồng thế nào, không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào. Hai người đang bàn chuyện thì nghe hình như có tiếng cãi vả qua lại giữa Vệ Xuân Hoa và một người nào đó.

Tiếng người kia nói lớn :

- Vệ cửu ca, anh coi đệ chẳng ra gì sao chứ? Anh khinh đệ không bảo vệ được Văn tứ ca về đây hay sao? Và anh khinh đệ không đủ bản lãnh để đương đầu với lũ người đốn mạt ấy sao? Đệ nói thật, nếu phen này mà không diệt được hết lũ đầu trâu mặt ngựa theo Càn Long liếm gót để trả thù cho Văn tứ ca thì quyết không thèm làm người sống trên thế gian này nữa!

Lại nghe tiếng Vệ Xuân Hoa nói :

- Tính chú mày nóng như lửa, làm việc chẳng chịu đắn đo suy nghĩ, không thể giao phó công việc quan trọng lớn lao như thế được! Chuyện đi cứu Văn tứ ca không phải dễ dàng như chú mày nghĩ đâu! Bọn Trương Siêu Trọng lúc nào chẳng theo dõi rình rập chờ ra tay? Nếu đối phó với chúng dễ như vậy thì Văn tứ ca đâu cần đến chúng ta cứu viện làm gì! Anh em phải thương lượng với nhau trước rồi mới vạch định kế hoạch và quyết đoán sau. Còn việc đi cứu viện đón rước Văn tứ ca là quyền quyết định tối hậu của Thiếu đà chủ. Chú mày tháo thứ, tự chuyên, trách nhiệm không phải nhỏ, nếu có bề gì sơ sót thì tội lội cũng khó mà giảm khinh tha thứ được!

Người ấy vẫn không chịu nghe mà cứ tiếp tục cãi bướng. Nhưng lời y rất quả quyết, giọng hăng hái vô cùng, nhưng rõ ràng là một người nóng nảy, nghĩ sao là muốn làm vậy, chẳng cần phải đắn đo lợi hại.

Triệu Bán Sơn bè nắm tay Lục Phỉ Thanh đứng dậy đi ra ngoài, thẳng về phía hai người đang tranh cãi.

Đến nơi, Lục Phỉ Thanh thấy một người có cái bướu đàng sau lưng đang gân cổ cãi nhau với Vệ Xuân Hoa. Lục Phỉ Thanh nhận ra là người hôm nọ gặp trên đường đã sử dụng bàn tay như một lưỡi dao sắc xén đứt đuôi ngựa của Lý Mộng Ngọc.

Thấy Triệu Bán Sơn và Lục Phỉ Thanh ra đến nơi, Vệ Xuân Hoa đứng dậy vỗ mạnh vào vai người có bướu rồi lấy tay chỉ Lục Phỉ Thanh giới thiệu với y :

- Hiền đệ mau làm lễ chào mừng Lục lão tiền bối đi!

Người có bướu vừa đứng dậy hướng về phía Lục Phỉ Thanh bỗng nhiên nhìn ông ta trân trân một hồi, miệng chẳng mở ra nói một lời nào cả. Dường như khi nhìn thấy Lục Phỉ Thanh y lại nhớ đến một sự việc nào đó.

Thấy y đứng yên lặng không nói một lời, Lục Phỉ Thanh thầm nghĩ chắc rằng hắn cũng nhận ra được diện mạo của ông ta hôm ấy cùng đi chung đường với Lý Mộng Ngọc. Khi trông thấy hình dung của y, Lý Mộng Ngọc bật cười mà buông lời chế nhạo. Lục Phỉ Thanh chưa biết phải dùng lời gì giải thích cho người có bướu về thái độ bất kính của đứa đồ đệ mình hôm ấy để cho đẹp lòng y thì bỗng y lên tiếng :

- Công người hai ngày hai đêm mệt nhọc đội sương đạp tuyết, vượt núi trèo non đi hơn ngàn dặm để đem tin tức của Văn tứ ca cùng Văn tứ tẩu tới đây cho biết, tại hạ Chương Tấn, thằng có bướu này xin cúi đầu đa tạ.

Dứt lời, y quỳ xuống hướng về phía Lục Phỉ Thanh lạy bốn lạy, hai lạy thế cho Văn Thái Lai và hai lạy thế cho Lạc Băng để tạ ơn.

Lục Phỉ Thanh tức tốc chạy đến đỡ Chương Tấn dậy, chẳng muốn cho làm thế nhưng không kịp. Lục Phỉ Thanh đành quỳ xuống lạy trả lại bốn lễ. Chương Tấn cũng không sao tránh kịp thành thử hai bên cùng lạy nhau một lượt.

Lạy nhau xong, Chương Tấn không nói gì thêm một lời nào với Lục Phỉ Thanh mà chỉ nhìn thẳng vào mặt Triệu Bán Sơn và Vệ Xuân Hoa nói :

- Triệu tam ca! Vệ cửu ca! Hai anh ở lại đây nhé! Còn đệ thì lòng nóng như lửa đốt, không thể nào chờ được nữa, phải đi ngay bây giờ đây!

Triệu Bán Sơn toan khuyên giải mấy câu đạng dằn bớt tính nóng nảy của Chương Tấn xuống để chờ cuộc thảo luận chung và sự quyết định của Thiếu đà chủ, nhưng chưa kịp làm gì thì y đã chạy thẳng một mạch ra khỏi đạo viện mà không hề quay đầu ngó lại. Vệ Xuân Hoa chạy theo gọi thế nào y cũng không nghe, chỉ trong khoảnh khắc đã biến mất.

Triệu Bán Sơn và Vệ Xuân Hoa thấy vô cùng bực tức về cái tính nỏng nảy cấp tháo của Chương Tấn. Y tự tung tự tác như vậy ắt có hại cho công việc của Hồng Hoa hội nói chung và cá nhân Văn Thái Lai cùng Lạc Băng nói riêng. Hai người còn đang phân vân chưa biết làm cách nào thì thấy một người khác dìu Chương Tấn giải vào trong.

Số là sau khi Chương Tấn thoát ra khỏi đạo viện chạy đến Huyện Hà Môn thì đầu kia có một người đang phi thân tới đạo viện như tên bay chặn đường y lại hỏi :

- Hiền đệ đi đâu mà gấp rút vậy? Hãy đi vào bên trong mà bày tỏ lý do cho anh nghe trước đã!

Chương Tấn biết không thể thoát khỏi tay người này được đành phải theo vào bên trong. Y vừa đi vừa nói :

- Nghe tin Văn tứ ca cùng tứ tẩu bị nạn, đệ không thể ở đây chờ tin tức được nên nhất định phải đến đó xem bệnh tình của Văn tứ ca và tứ tẩu thế nào rồi hộ tống, rước cả hai về đây mà tĩnh dưỡng. Việc gấp rút như vậy sao huynh lại cản tiểu đệ làm trễ nãi cuộc hành trình là ý gì?

Người kia đang định tìm lời lẽ khuyên bảo nên vô tình nới lỏng tay ra. Thừa cơ, Chương Tấn giật phăng cánh tay ra khỏi và lại vùng chạy thật lẹ. Lúc đó, Triệu Bán Sơn và Vệ Xuân Hoa cùng Lục Phỉ Thanh vì nghe có tiếng huyên náo bên ngoài nên ra xem thử ra sao. Thấy tình cảnh như vậy, Triệu Bán Sơn bèn nói với người kia rằng :

- Thất đệ! Em mau rượt theo bắt hắn lại rồi cố mà khuyên răn, đừng cho hắn nóng nảy làm liều. Nếu rủi không bắt được hắn lại thì phiền em đi theo mà hổ trợ cho hắn. Việc đã dĩ lỡ, có trách cứ hay trừng phạt cũng chẳng có ích lợi gì!

Người này, tức thất đương gia của Hồng Hoa hội liền vâng lời. Sẵn ngựa, chàng phóng lên lưng rượt theo.

Nguyên Chương Tấn tính tình rất thẳng thắn, không biết dua nịnh bất cứ một ai, chỉ phải mỗi cái tính quá nóng nảy. Việc nào y đã nhất quyết làm thì bất luận là ai ngăn cản thế nào cũng không nghe.

Tuy Chương Tấn bị gù, tàn tật nhưng sức mạnh kinh hồn, không mấy ai hơn được. Bản lãnh y cũng thuộc vào hàng cao thủ trên giang hồ, là cao đồ của họ Tục, một đại gia cao thủ khét tiếng trong cả hai giới bạch đạo lẫn hắc đạo.

Chương Tấn vì tật nguyền nên mang mặc cảm rất nhiều, rất thù ghét những ai nhìn cái bướu trên lưng hắn mà cười. Nếu người cười hắn mà chỉ là một kẻ bình thường thì hắn còn bỏ qua cho, nhưng nếu là một người có võ nghệ thì y sẽ đánh cho một trận, hành cho kẻ ấy phải cúi đầu lạy xin tha tội mới chịu thôi.

Trong Hồng Hoa hội, Chương Tấn trước kia chỉ phục mệnh có Tổng đà chủ. Giờ Tổng đà chủ đã qua đời, y chỉ còn phục mệnh có mỗi Thiếu đà chủ mà thôi. Nhưng người được hắn nghe lời nhiều hơn cả là Lạc Băng. Bởi vì thương hại Chương Tấn tật nguyền, nên các anh em trong Hồng Hoa hội lúc nào cũng nhân nhượng y đôi ba phần, dù cho y có lầm lỗi điều gì cũng khoan dung tha thứ. Được vậy nên nhiều lúc y đâm ra lộng hành, là người vô kỷ luật nhất trong hội.

Còn Lạc Băng thì cũng chỉ vì thương hại Chương Tấn tật nguyền nên đối đãi với hắn rất tốt. Y muốn gì nàng cũng cố tìm cách làm cho toại nguyện. Quần áo hắn là do Lạc Băng sắm sửa cho. Cơm rượu cũng một tay nàng lo cho đầy đủ chu đáo, chẳng bao giờ để cho thiếu thốn. Chương Tấn tuy xấu xí tật nguyền, nhưng lúc nào cũng thích mặc y phục hoa hòe cho thật đẹp. Lạc Băng cũng chiều chuộng, làm vừa lòng y. Lúc nào muốn y thèm uống rượu ngon, Lạc Băng cũng không để hắn phải thèm thuồng, đều mua cho đầy đủ cả. Cũng chỉ vì những cảm tình đặc biệt ấy mà Chương Tấn quý mến, đối xử với vợ chồng Lạc Băng chẳng khác gì ruột thịt.

Vì vậy, lần này khi được tin Văn Thái Lai và Lạc Băng gặp nạn, Chương Tấn thương xót vô cùng, lại càng oán ghét bọn “chó săn chim mồi” chỉ muốn ăn gan uống máu những kẻ đã gây ra thương tích cho vợ chồng Văn Thái Lai. Vì quá quý mến cặp vợ chồng kia nên cho dù khi nhận ra Lục Phỉ Thanh là người đồng hành với Lý Mộng Ngọc, “thiếu niên” cười chế nhạo mình, Chương Tấn cam tâm cúi đầu lạy bốn lạy thay vì tìm cách chất vấn. Chỉ vì Lục Phỉ Thanh đem đến cho y tin tức của Văn Thái lai với Lạc Băng.

Và rồi nóng nảy muốn biết rõ vợ chồng Văn Thái Lai bị thương trầm trọng ra sao, Chương Tấn bất chấp lời khuyên của các sư huynh trong bang, gạt bỏ luôn cả kỷ luật của hội, định đơn thân độc mã một mình đi cứu. Vì hai người thân nhất của mình, Chương Tấn không quan tâm gì đến nhọc nhằn, không sợ bất cứ điều gì nguy hiểm cho tánh mạng của y. Sợ hắn vì cạn nghĩ nên có thể làm bậy nên Triệu Bán Sơn nhờ người anh em thứ bảy trong hội đi theo kèm mà tùy cơ ứng biến.

Trong Hồng Hoa hội Chưng Tấn đứng hàng thứ 10. Người bắt hắn trở lại là Từ Thiện Hoằng, đứng thứ 7. Từ Thiện Hoằng tuy hình dung thấp bé nhưng lại là người túc trí đa mưu nhất trong Hồng Hoa hội nên được tất cả phong chức cho là quân sư, xem như là “Khổng Minh” của hội. Từ Thiện Hoằng không phải chỉ có tài thao lược không thôi, chàng còn tinh thông cả võ nghệ nữa. Trong 18 loại binh khí, Từ Thiện Hoằng thuần thục hết tất cả. Các môn bí truyền nội gia công phu lẫn ngoại gia chàng đều có tập qua và đã luyện thành sở đắc. Vì thế, cái ngoại hiệu Võ Gia Cát của Từ Thiện Hoằng không ai nghe thấy mà không phục.

Nghe qua lai lịch, tài năng và thành tích của Thất đương gia và Thập đương gia của Hồng Hoa hội do Triệu Bán Sơn kể lại, Lục Phỉ Thanh thầm khen ngợi và tỏ vẻ khâm phục. Sau đó, từng người một, ông lần lượt được gặp các đương gia khác do trung gian của Triệu Bán Sơn giới thiệu. Chỉ trong một vài câu chuyện ngắn ngủi, Lục Phỉ Thanh đã cảm nhận được ngay đây toàn là những anh hùng hào kiệt mà ông ta đã được gặp qua trong lộ trình.

Thấy mọi người có mặt khá đông đủ, Triệu Bán Sơn mới đem chuyện Văn Thái Lai ra kể từ đầu đến cuối để thảo luận ý kiến. Người ngồi ở giao ỷ thứ hai chỉ có một cánh tay là Nhị đương gia Vô Trần đạo nhân lên tiếng trước nhất :

- Việc này chúng ta không thể tự chuyên hay tự quyết được. Phải hội ý với Thiếu đà chủ để xem người chủ trương thế nào trước đã. Xin mời tất cả vào phòng họp rồi sẽ bàn sau.

Lục Phỉ Thanh theo chân mọi người do sự hướng dẫn của Vô Trần đạo nhân đi thẳng ra phía sau hậu viện. Đến một gian phòng hết sức rộng rãi khoan khoát, Lục Phỉ Thanh nhìn thấy một bàn cờ hết sức vuông vắn được khắc trên tường. Cách đó một trượng là hai người, một già một trẻ ngồi uống trà đàm đạo. Hình như cả hai đang đánh cờ với nhau. Trên bàn cờ đầy dẫy quân hai màu trắng đen. Mỗi quân cờ nằm trong một ô vuông nhỏ như tay ai đặt lên trên rất khéo. Chỉ có một điều lạ là bàn cờ được khắc lên tường nên thật khó hiểu không biết họ làm cách nào mà đặt được những quân cờ lên trên “bàn cờ dựng đứng” đó.

Người già đột nhiên cầm một quân cờ màu đen búng một cái, quân cờ như một mũi phi tiêu bay vào nằm dính chặt vào giữa một ô vuông. Không đầy một khắc, người trẻ cầm một quân cờ trắng dùng thủ pháp in hệt như người già búng một cái. Lập tức, quân cờ trắng vút đi một cái, đụng vào đánh rớt quân cờ đen của người già vừa đặt lên, chiếm gọn lấy chỗ nằm ngay ô vuông ấy. Một tiểu đồng liền bước tới nhặt quân cờ đen vừa bị rớt bỏ vào một trong hai cái hộp trên một chiếc bàn nhỏ gần đó.

Lục Phỉ Thanh không khỏi kinh ngạc. Ông vốn là một người nhìn xa hiểu rộng, văn võ song toàn, rành cả Cầm, Kỳ, Thi, Họa từng trải gót giang hồ mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy được một lối đánh cờ lạ lùng như thế này. Quan sát kỹ bàn cờ, Lục Phỉ Thanh nhận thấy đôi bên đang tranh nhau một thế rất gay go và ngoạn mục là “Liên Hoàn Kiếp”. Đi cờ trắng là người trẻ, một thanh niên mặt như quán ngọc, diện mạo trông vừa oai phong lẫm liệt lại vừa quý phái. Đi cờ đen là người già, một ông lão trông rất thật thà chất phác như một bác nông phu.

Các đương gia của Hồng Hoa hội và Lục Phỉ Thanh chỉ đứng nhìn xem mà cũng bị lôi cuốn bởi những nước cờ bí hiểm của đôi bên. Ai nấy đều yên lặng chăm chú nhìn, không dám làm ồn, sợ ảnh hưởng đến sự tập trung tư tưởng của đôi bên.

Lục Phỉ Thanh cũng vốn là một tay cao cờ nên chỉ đứng quan sát một hồi là có thể đoán trước được nước đi của cả hai bên, và nhận thấy rằng người trẻ là tay cao cờ hơn. Nhưng Lục Phỉ Thanh lại trông được một điều nữa là mặc dù đang thắng thế, mỗi nước đi, chàng “công tử” kia đều có ý nhân nhượng người già. Thế nhưng người già lại như có vẻ bực dọc. Mỗi nước đi của ông ta như một trận cuồng phong, mỗi lúc liệng cờ càng mạnh tạo ra hơi gió dữ dội, ấn sâu quân cờ vào bàn cờ trên vách. Lục Phỉ Thanh thấy thế kinh hãi vô cùng nghĩ thầm :

- “Người này là “thiên hạ đệ nhất cao thủ” chứ chẳng phải tầm thường! Xem cách ông ta liệng quân cờ như thế cũng đủ biết tài phóng ám khí lợi hại đến bực nào. Thật từ trước đến nay ta chưa từng thấy qua một người thứ hai nào có bản lãnh ghê gớm như vậy!”

Lục Phỉ Thanh vẫn mải mê chăm chú nhìn thế cờ. Nhưng chỉ trong giây lát, ông ta lại khám phá thêm được một điều bí ẩn trong cuộc thi cờ này. Chàng “công tử” kia rõ ràng không phải chú trọng đến việc thắng thua trong ván cờ mà chỉ chú tâm để ý đến cách thức cầm quân cờ liệng vào vách của người già kia. Thoạt nhìn vào ai cũng tưởng là đây là một ván cờ bình thường, nhưng trên thực tế, đây là một lối truyền thụ võ công thượng thừa.

Người già bỗng liệng một quân cờ đen như vũ bão cắm sâu vào một vị trí làm cho tất cả những quân cờ trắng rơi tất cả xuống đất, chỉ còn lại toàn quân đen mà thôi. Không những thế, các quân cờ đen đều nhảy sang vị trí của những quân cờ trắng mà trước đây một vài khắc nếu ai ai nếu chỉ chú ý đến ván cờ đều tin chắc rằng người trẻ tuổi chắc chắn sẽ thắng. Bây giờ tình thế đổi mới làm tất cả mọi người kinh ngạc không ít. Người già phá lên cười đắc ý nói :

- Anh đã chịu thua chưa? Cờ anh còn thấp lắm!

Dứt lời, người già đứng dậy. Chàng công tử với vẻ mặt tự nhiên, mỉm cười vui vẻ nói :

- Bàn này con xin chịu thua. Chờ bàn khác con sẽ gỡ hòa sau.

Hai người cùng cười xòa lên một tiếng rồi sau đó mới để ý rằng có nhiều người trong phòng đứng im lặng như đang chờ đợi việc gì nơi họ. Người già sau đó chậm rãi bước ra khỏi phòng, chẳng chào hỏi hay nói với ai một điều gì. Ông ta vừa đi khỏi, Triệu Bán Sơn mới từ từ tiến lại thi lễ rồi chỉ vào Lục Phỉ Thanh, nói bằng một giọng hết sức cung kính với chàng công tử :

- Bẩm Thiếu đà chủ! Đây là người mà trước đây thuộc hạ đã có dịp thưa chuyện cùng Thiếu đà chủ tên gọi Lục Phỉ Thanh, tức Lục đại ca của thuộc hạ đấy!

Quay sang phía Lục Phỉ Thanh, Triệu Bán Sơn nói :

- Đây là Thiếu đà chủ của Hồng Hoa hội chúng tôi.

Chàng công tử, tức Thiếu đà chủ mỉm cười nhã nhặc lên tiếng :

- Tại hạ họ Trần tên Gia Cách. Hôm nay được gặp Lục tiên sinh tại đây thật là vạn hạnh. Xin tiên sinh chỉ dạy cho những điều hữu ích.

Trước những lời lẽ khiêm nhường của Trần Gia Cách, Lục Phỉ Thanh bèn thi lễ mà đáp lại :

- Lão phu không dám. Ngưỡng mộ uy danh của Trần Thiếu đà chủ từ lâu, nay được diện kiến tôn nhan thật thỏa bình sinh khát vọng.

Tuy ngoài mặt nói vậy mà trong lòng Lục Phỉ Thanh vừa kinh ngạc, vừa bán tín bán nghi. Con người mang danh hiệu Thiếu đà chủ có tên Trần Gia Cách đang đứng trước mặt ông ta nếu căn cứ vào tuổi tác thì chỉ là một nhân vật vào hàng hậu bối, tuổi còn rất trẻ, có thể nói là trẻ hơn tất cả những nhân vật trong Hồng Hoa hội mà ông ta được gặp qua. Tài nghệ võ công thì quả thật chưa biết thế nào mà lại được tất cả các anh hùng hào kiệt bậc nhất trên giang hồ của Hồng Hoa hội một lòng kính trọng, hết sức nể nang, hoàn toàn không dám quyết định chuyện gì lớn lao nếu chưa hội thảo với chàng.

Triệu Bán Sơn liền đem chuyện Văn Thái Lai bị nạn đang nương náu tại Thiết Đảm trang của Châu Trọng Anh lại cho Trần Gia Cách nghe đồng thời hỏi ý kiến vị Thiếu đà chủ xem chàng định xử trí ra sao.

Trần Gia Cách nhìn về phía Vô Trần đạo nhân nói :

- Việc này xin đạo trưởng quyết định giùm cho.

Ngay khi ấy, sau lưng Vô Trần đạo nhân có một người cao lớn mạnh dạn bước ra cất giọng nói oang oang lên rằng :

- Văn tứ ca bị trọng thương từ bao lâu nay rồi mà anh em chúng ta không hề biết đến. May mắn thay, được vị Lục hảo hán không quản nhọc nhằn vượt suối băng đèo đến đây để thông báo tin tức. Chẳng lẽ chúng ta ngồi yên đợi đến lúc tánh mạng của Văn tứ ca không còn nữa mới chịu ra tay hay sao? Trong khi Văn tứ ca mang thương tích trầm trọng mà lánh nạn thì kẻ thù chung của dân tộc cũng như của chúng ta luôn luôn theo dõi rình rập với mục đích tiêu diệt và phá tan hàng ngũ của Hồng Hoa hội sớm ngày nào hay ngày ấy trong khi nội bộ của chúng ta thì hết sức lủng củng. Tại sao chúng ta không chịu nghĩ ngay kế hoạch mà đối phó cấp tốc mà cứ người này thoái thác nhường cho người kia, người kia đắn đo giao lại người nọ mãi? Giờ đây không phải là lúc chần chừ được nữa. Tôi xin hỏi: di chúc của cố Tổng đà chủ ký thác lại cho ai? Tại sao không chịu tuân theo? Thiếu đà chủ, tại sao anh lại không nghe lời nghĩa phụ của anh dặn dò? Chẳng lẽ anh cam tâm làm người con bất hiếu hay sao? Tại sao còn chưa chịu nghe lời cầu khẩn của tất cả anh em mà đứng ra lãnh đạo Hồng Hoa hội? Thử hỏi tất cả bang chúng toàn quốc ngót trăm vạn có một ai dám nghi kỵ gì anh không? Đã được tất cả anh em khắp nơi từ lớn đến nhỏ đồng thanh công cử một cách danh chánh ngôn thuận sao anh lại phụ lòng mọi người mà trì hoãn mãi công việc là nghĩa gì? Sao còn chưa chịu vâng theo di chúc của cố Tổng đà chủ cũng như lời ủy thác của nghĩa phụ mà nhậm chức? Không lẽ anh đành để cho việc lớn của chung bị trở ngại mãi hay sao?

Lục Phỉ Thanh nhìn lại, thấy người ấy dánh cao, thân hình to lớn vạm vỡ mắt sáng như sao, da ngâm ngâm, khí vũ hiên ngang, thần thái uy dũng. Đó là Bát đương gia của Hồng Hoa hội họ Dương, tên Thanh Hiệp. Cùng lúc ấy, tất cả các đương gia khác đồng chắp tay hướng thẳng về phía Trần Gia Cách đang ngồi đồng thanh lên tiếng :

- Hồng Hoa hội chúng ta hiện nay như rắn không đầu, chẳng làm sao bò đi đâu được! Nếu phen này Thiếu đà chủ lại từ chối không chịu nhận lời thỉnh cầu của toàn thể mọi người trong hội mà nhận lãnh chức vụ Tổng đà chủ để gánh vác trọng trách thì ai nấy đều thất vọng tràn trề, cái hào khí đang hăng sẽ mất và đại sự sẽ tiêu tan, còn mong gì đạt được chí nguyện của Vu tổng đà chủ khó khăn một đời theo đuổi, nay ủy thác lại cho chúng ta! Văn tứ ca hiện nay gặp đại nạn chưa biết an nguy thế nào, tất cả anh em đang chờ lệnh sai khiến của Thiếu đà chủ để thi hành cho kịp thời mới mong cứu vãn được tình thế nguy ngập.

Vô Trần đạo nhân lại nói :

- Số thành viên của Hồng Hoa hội chúng ta không dưới 10 vạn người. Đó là chưa kể đến cảm tình viên hưởng ứng nhận làm hậu thuẫn ở mọi tầng lớp tại toàn lãnh thổ của Đại Trung Hoa. Nếu không được 100 vạn như Bát đương gia nói thì ít ra cũng được 70 80 vạn. Do đó chúng ta có thể kết luận rằng đảng của chúng ta là một tổ chức cách mạng rất có thế lực và ảnh hưởng khả dĩ huy động toàn dân chống ngoại câm giành độc lập, có khả năng công khai ra mặt đương đầu với triều đình Mãn Thanh chứ không phải là một đám người ô hợp thiếu cương lĩnh và kỷ luật. Thử hỏi các vị đương gia đã có ai dám trái hiệu lệnh của Thiếu đà chủ truyền ra chưa? Nếu có kẻ nào cương ngạnh ngoan cố như vậy thì chẳng khác nào một tên Hán gian nối dáo cho giặc, và Vô Trần Đạ Nhân này không thể coi kẻ ấy là bạn được nữa, mà trái lại sẽ thí hắn một nhát gươm cho xong chuyện.

Trần Gia Cách thấy mọi người ai nấy đều khẩu phục lẫn tâm phục, cương quyết đưa mình lên địa vị lãnh đạo bang hội thì vừa cảm động vừa ngần ngại, nhưng biết khó mà từ chối được. Chàng khẽ nhíu mày, trầm ngâm suy nghĩ, chẳng nói được một lời.

Thấy Trần Gia Cách như lưỡng lự, Thường Thích Chí, một trong hai vị Tây Xuyên song hiệp lạnh lùng thốt lên với giọng buồn bã :

- Thưa tất cả các anh em. Biết bao nhiêu lần rồi chúng ta đã đem đại nghĩa phân trần cho Thiếu đà chủ nghe, lại đem luôn cả di ngôn của Vu tổng đà chủ thiết tha nhắc lại với tất cả lòng thành của từng người một trong bang hội. Thế mà Thiếu đà chủ vẫn khăng khăng nhất quyết chẳng chịu nhận lời, vịn đủ cách, đủ lý do để khước từ trọng trách! Thậm chí lần này cũng không ngoại lệ! Đứng trước sự hưng suy của dân tộc; sự tồn vong của tổ quốc; sự tình cấp bách của bang hội cần người thủ lãnh để điều khiển guồng máy, cũng như quốc gia không thể một ngày không vua. Cho đến sự an nguy cá nhân của Văn tứ ca cũng không sao làm xiêu lòng được Thiếu đà chủ! Không lẽ nguyện vọng chung của tất cả đành tan theo mây khói sao đây? Và không lẽ Hồng Hoa hội đến đây là tan rã hàng ngũ vì không có lãnh tụ tối cao điều khiển? Không lẽ chúng ta cứ hội họp mãi ở đây ngày này sang ngày khác để uổng phí đi bao nhiêu thì giờ mà không đi đến được kết quả nào? Hai anh em chúng tôi xin thưa trước một lời rằng sẽ tình nguyện đi cứu Văn tứ ca đem về đây an toàn, cho dù phải đổi bằng sinh mạng của chính mình. Nếu may mắn thành công đem Văn tứ ca về được và còn giữ được tánh mạng, anh em chúng tôi xin từ giã tất cả về lại Tây Xuyên đi hành hiệp giang hồ như trước chứ sẽ không còn ở đây nữa!

Thường Thích Chí vừa dứt lời, Thường Bá Chí lập tức tiếp ý :

- Lời anh tôi nói rất hạp ý tôi. Chúng tôi dứt khoát quyết định như thế, quyết không thay đổi.

Không khí trong phòng thật hết sức là lạnh lẽo và căng thẳng. Trên gương mặt từng người không sao dấu được nét thê lương ảm đạm. Trần Gia Cách cảm thấy lần này thật hết sức nghiêm trọng, không giống như những lần họp trước. Nếu chàng cứ tiếp tục lặng thinh không nói một lời hay buông thêm một câu từ chối nữa là có thể đưa đến kết quả tai hại không sao mà lường được. Bang chúng sẽ bất mãn mà lần lượt, từng người một bỏ ra đi. Lúc đó, Hồng Hoa hội không cần giải tán cũng tự động tan rã. Trách nhiệm to tát ấy, dù muốn dù không, Trần Gia Cách phải tự mình gánh chịu trước dân tộc và lịch sử. Vì vậy, chàng bèn từ từ đứng dậy hướng về phía bang chúng vái một cái, khoan thai dõng dạc nói :

- Thưa tất cả các anh em trong Hồng Hoa hội! Lâu nay sở dĩ tôi từ chối không dám nhận lãnh, gánh vác trách nhiệm to lớn của mọi người giao phó cho chẳng qua là vì tôi tự xét thấy mình tuổi trẻ, kiến thức nông cạn chứ không phải lý do nào khác hơn. Trọng trách của Hồng Hoa hội chúng ta có liên quan đến 5 tỷ đồng bào Hán tộc chứ không phải là việc tầm thường. Do đó, tôi mới tự lượng sức mình, tự xét thấy mình vô tài vô đức nên mới đề nghị với anh em tìm một người khác xứng đáng hơn mà đảm nhận trách nhiệm để chấn hưng đại cuộc. Chắc anh em cũng nhận thức được lòng tha thiết với bang hội, với nhân dân của tôi như thế nào rồi. Nếu chẳng phải vì cái mỹ ý ấy thì tôi lặn lội xông pha nghìn dặm từ Giang Nam ra chốn biên cương hẻo lánh này làm gì? Vả lại, nghĩa phụ tôi có để lại di chúc, buộc tôi phải tuân theo. Phận làm con, dẫu bất hiếu đến đâu đi chăng nữa, nhưng lẽ nào lại chẳng vâng? Nhưng mỗi khi nghĩ đến trách nhiệm quá nặng nề kia thì tôi lại đắn đo lợi hại, cho nên mới trù trừ, do dự mãi mà chưa dám đi đến một quyết định nào cả. Vì vậy đã mấy phen rồi, anh em cứ thúc giục đại lễ “thiên lý tiếp long đầu” để đưa tôi lên làm Tổng đà chủ mà tôi vẫn khăng khăng từ chối không chịu nghe. Chủ ý của tôi là chờ tin Văn tứ ca mang về đây những điều bí mật trọng đại trình lên trung ương của hội rồi chúng ta sẽ tụ họp đầy đủ các bang chúng lại, mở đại hội mà nghị kế lâu dài. Nhưng nay thì tình thế lại đổi khác. Văn tứ ca đang gặp đại nạn. Chúng ta có bổn phận đi cứu gấp, không thể chậm trễ được nữa. Nếu tôi còn chần chừ không quyết định thì càng làm tăng lên sự nguy hiểm cho tánh mạng của Văn tứ ca, đồng thời lại phụ lòng tin cậy và ưu ái của tất cả mọi người. “Cung kính bất như tuân mệnh”, anh em dạy bảo thế nào, Trần Gia Cách này nguyện vâng theo chứ không dám cãi nữa.

Các đương gia thấy Trần Gia Cách đã chịu nhận lời, bằng lòng làm Tổng đà chủ Hồng Hoa hội thì ai nấy lộ vẻ hân hoan đến cực điểm. Bầu không khí lạnh tanh bỗng nhiên trở nên sôi động khác thường. Tất cả rủ nhau cùng đứng dậy hướng về phía vị tân Tổng đà chủ mà bái kiến, hoan hô nhiệt liệt. Một tiệc trà long trọng sau đó được bày ngay ra, trước là để mừng bang hội vừa có thủ lãnh mới, sau là để thảo luận kế hoạch.

Vô Trần đạo nhân nói :

- Vì thì giờ quá gấp rút nên không thể tổ chức đại quy mô cho các nghi lễ đại điển để giao trách nhiệm cho Tổng đà chủ được. Phải chờ mọi người tụ họp tại Tổng hương đường ở Thái Hồ rồi sẽ bày sau. Bây giờ xin Tổng đà chủ bái yết tổ sư và nhận hoa lệnh cho danh chánh ngôn thuận đã.

Lục Phỉ Thanh biết rõ các bang hội đều có nghi thức điển lễ đặc biệt riêng, người ngoài không thể tham dự, huống hồ Hồng Hoa hội là một tổ chức cách mạng lớn. Mặc dù đây là trường hợp đặc biệt, theo lời của Vô Trần đạo nhân là chỉ phải làm lễ bái yết tổ sư và nhận hoa lệnh rồi mới làm đủ lễ nghi long trọng tại Tổng hương đường ở Thái Hồ sau khi có mặt đầy đủ các bang chúng, nhưng dù sao Lục Phỉ Thanh cũng là người ngoài nên tự ông ta nghĩ là không nên dự vào phần điển nghi trọng đại ấy là hơn. Nghĩ vậy, Lục Phỉ Thanh liền hướng về phía Trần Gia Cách nói đôi câu chúc mừng rồi lui ra khỏi phòng hội nghị.

Triệu Bán Sơn đưa Lục Phỉ Thanh về phòng riêng của mình tắm rửa nghỉ ngơi. Khi tiếng trống báo hiệu sang canh ba, Lục Phỉ Thanh mới thức dậy và hay rằng mình đã ngủ được một giấc khá lâu. Triệu Bán Sơn cũng vừa về tới sau khi tham dự lễ bái yết tổ sư và nhận hoa lệnh của Tổng đà chủ Trần Gia Cách. Triệu Bán Sơn nói với Lục Phỉ Thanh rằng :

- Tổng đà chủ đã đích thân xuất lĩnh anh em Hồng Hoa hội đi Thiết Đảm trang rồi. Biết rằng Lục đại ca mệt mỏi nhiều cần nghỉ để lấy lại sức nên dặn tiểu đệ ở lại tiếp đãi. Chờ đến sáng mình sẽ lên đường sau.

Lục Phỉ Thanh và Triệu Bán Sơn là đôi bạn thâm giao, tình như ruột thịt, đã hơn 10 năm trời người kẻ chân trời người góc biển không gặp nhau. Nay tình cờ gặp lại, lẽ dĩ nhiên tình bằng hữu kia cùng những nỗi nhớ nhung thương cảm trong bao năm qua nói sao cho xuể. Đôi bên cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, kể hết cho nhau nghe những gì đã xảy ra cho họ trong suốt thời gian dài đó.

Đêm qua thật lẹ. Chẳng mấy chốc mà tiếng gà gáy sáng đã vang lên ồn ào, và vầng thái dương đã bừng ló dáng. Chuyện chưa hết chuyện. Lòng chưa thỏa lòng. Nhưng cả Lục Phỉ Thanh và Triệu Bán Sơn đành phải tạm ngưng cuộc hàn huyên để cùng nhau lo việc lớn. Lục Phỉ Thanh hỏi Triệu Bán Sơn :

- Ngu huynh nhận thấy Tổng đà chủ của Hồng Hoa hội như một thư sinh mặt trắng môi son, tuổi chưa ngoài 20, hay nói đúng hơn trông chẳng khác gì một công tử tuấn tú phong lưu. Nhưng ngu huynh vẫn chẳng hiểu vì sao vị Tổng đà chủ trẻ tuổi này lại được toàn thể các đương gia, đều là những trang hào kiệt anh hùng đời nay, với bản lãnh và kinh nghiệm giang hồ đầy mình, trong đó có cả Vô Trần đạo nhân và hiền đệ, lại đem lòng ngưỡng mộ, mà kính phục đến như thế?

Triệu Bán Sơn đáp :

- Câu chuyện này dài dòng và khúc chiết lắm, không thể nào nói hết cho đại ca nghe được trong một sớm một chiều. Bây giờ đại ca hãy chuẩn bị đi rồi chúng ta đi dùng cơm trước khi lên đường đi Thiết Đảm trang. Dọc đường, đệ sẽ nói rõ lý do cho đại ca hiểu.

Nghe nói vậy, Lục Phỉ Thanh không hỏi nữa. Nhưng càng lúc ông cảm thấy thân thế của vị Tổng đà chủ Hồng Hoa hội tên Trần Gia Cách kia thật quả là hết sức ly kỳ và bí ẩn...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.