Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 39: Chương 39: Ngàn dặm âm thầm theo lý tưởng - Nhiều phen mạo hiểm cứu tình lang




Cảm khái vì những bầu tâm sự ngổn ngang, Dư Ngư Đồng mượn tiếng sáo gửi hết tâm hồn vào. Âm thanh trầm bổng, càng thêm réo rắt du dương. Đang tập trung vào cung điệu bỗng nghe sau lưng có tiếng người nói :

- Thổi sáo nghe hay quá!

Dư Ngư Đồng ngừng thổi quay lại nhìn. Dưới ánh trăng, có ba bóng người đang nhắm bờ sông tiến tới gần thuyền. Một người lên tiếng nói :

- Dặm trường rong duổi, đi quên cả nghỉ ngơi. Chợt nghe tiếng sáo tuyệt vời của huynh đài nên vô phép mà đến làm rộn, xin tha thứ cho.

Dư Ngư Đồng nghe lời nói lễ độ, có vẻ khách khí liền vui vẻ mời :

- Giữa chốn sông vắng cô quạnh, tiểu đệ ngông cuồng thổi bậy vài tiếng, chưa làm bẩn tai chư vị là may lắm rồi, dám đâu nhận những lời khen quý báu ấy. Nếu chư vị không tỵ hiềm, xin mời xuống thuyền uống vài chung rượu cho vui.

Ba người nghe nói liền tung mình một cái, đã đáp nhẹ nhàng trên mũi thuyền. Dư Ngư Đồng thầm kinh hãi, tự nhủ :

- “Chỉ cần nhìn qua thân pháp cũng đủ biết ba người này thuộc hạnh võ nghệ tinh thông rồi. Chưa biết họ là hạng người nào, nhưng phải tiểu tâm mà đề phòng vẫn hay hơn.”

Dư Ngư Đồng liền giả vờ như không biết võ nghệ, hai tay vịn chặt vào cột buồm, ra vẻ sợ thuyền nghiêng khiến mình rơi xuống nước chết chìm.

Bây giờ, Dư Ngư Đồng mới có dịp nhìn rõ hình dáng ba người nọ. Người thứ nhất mặt mày sáng sủa, khoác chiếc áo cẩm bào màu hồng. Người thứ hai râu ria rậm rạp, còn người thứ ba mặc y phục Mông Cổ. Cả ba người đều mang theo binh khí trên mình. Dư Ngư Đồng sợ họ nhận ra ống sáo vàng của mình là một thứ vũ khí nên vội vàng cất kỹ, không để lộ ra ngoài.

Dư Ngư Đồng mời cả ba người vào trong khoang thuyền, gọi một mâm rượu ra đãi khách. Người mặt mũi sáng sủa hỏi tên họ thì chàng nói :

- Tiểu đệ họ Vu, tên Thông, người đất Kim Lăng. Lần này ra kinh thi Hương chẳng may bị trượt, nói ra cành thêm xấu hổ.

Người ấy nói :

- Thì ra huynh đài là một vị Tú Tài, chúng tôi đã thất kính.

Dư Ngư Đồng lại nói tiếp :

- “Họa vô đơn chí”! Sau khi tôi thi trượt, bị ngọn lửa vô tình đốt sách nhà cửa, lại bị cháy nám cả mặt mày nên trông mới dị hợm như thế này, hy vọng không làm chư vị ghê tởm. Tiểu đệ sau đó xuống thuyền đi Cam Túc tìm người bà con. Thời vận xui xẻo như thế này, thật là một kiếp sống thừa, còn có gì là thú vị! Chẳng hay cao danh quý tánh ba vị là chi, xin cho được biết.

Ngườ mặt mũi sáng sủa khẽ ngâm một câu thơ cổ rồi nói :

- Tướng công chẳng nên tuyệt vọng. Biết đâu sau cơn bão táp, trời lại hé ánh dương quang?

Ngừng lại một giây, người ấy liền giới thiệu cả ba người với Dư Ngư Đồng :

- Tiểu đệ họ Đằng. Vị có nhiều râu đây họ Cố. Còn vị mặc y phục Mông Cổ đây là người ở Cát Lâm, họ Hấp.

Cả ba người đều nói giọng Liêu Đông. Dư Ngư Đồng nghĩ thầm trong bụng rằng :

- “Chưa biết được ba người này là bạn hay thù. Chi bằng ta nên dò xét trước, nếu kết thêm được vây cánh thì thật là điều tốt cho việc phục hưng mai sau.”

Nghĩ vậy, Dư Ngư Đồng nói :

- Đường sá nguy hiểm đầy trộm cướp, ba vị lại đi giữa đêm khuya khoắt như thế mà không sợ hay sao?

Cả ba người đều không đáp, chỉ nhìn nhau mà cười. Qua vài tuần rượu, người họ Đằng nói :

- Tướng công thổi sáo thật là tuyệt trần! Có thể cho anh em chúng tôi được thưởng thức thêm vài điệu mới được chăng?

Dư Ngư Đồng sợ lấy ống sáo vàng ra sẽ bị lộ thân thế nên tìm cách từ chối. Người họ Hấp nói :

- Thôi được, để tôi thổi.

Dứt lời, y rút trong túi ra một cái sừng tê dương bịt bạc nơi đầu, trổi giọng, thổi lên một điệu thâm trầm bi tráng bài “Phong xuy thảo đê kiến ngưu dương”. Dư Ngư Đồng thầm khen ngợi, cố tâm ghi nhớ lấy nhạc điệu.

Sau khi tiệc rượu tàn, Dư Ngư Đồng cầm ba người lại, nghỉ trong khoang thuyền. Ba người để nguyên quần áo đang mặc nằm gần nhau ở gần mũi thuyền. Dư Ngư Đồng nằm ở phía sau khoang thuyền.

Lát sau, Dư Ngư Đồng giả vờ ngủ, ngáy lên “khò khò”. Tưởng chàng đã mê man trong giấc nồng, gã họ Hấp nói :

- Liệu trong ngày mai chúng ta có đến Lạc Dương được chưa?

Gã họ Đằng nói :

- Qua sông xong, chúng ta mua ba con ngựa để rút ngắn lộ trình. Nội trong ngày sẽ tới.

Tên họ Cố nói :

- Tôi chỉ sợ Hàn đại ca không có nhà!

Gã họ Hấp nói :

- Chúng ta cứ đến thẳng sào huyệt của Hồng Hoa hội ở Tây Hồ đánh cho chúng một trận thất điên bát đảo. Cần chi phải hỏi Hàn đại ca làm gì cho lôi thôi!

Gã họ Đằng bèn bịt miệng hắn lại nói :

- Sao lại to họng như thế! Không sợ tai vách mạch rừng hay sao?

Dư Ngư Đồng giật mình kinh sợ nghĩ thầm :

- Thì ra ba người này là kẻ thù của Hồng Hoa hội ta. Bọn chúng đi Lạc Dương là để hỏi Hàn Văn Xung việc quan trọng gì đó.

Chàng lại nghe gã họ Đằng nói :

- Cao thủ Hồng Hoa hội rất đông. Lão Tổng đà chủ họ Vu tuy đã chết nhưng nghe đâu người Tổng đà chủ mới này còn lợi hại hơn nhiều. Chúng ta chưa chắc đã thắng nổi, lão tứ chớ có hồ đồ!

Gã họ Cố nói :

- Quan Đông lục ma chúng ta tung hoành khắp năm châu bốn bể, tên tuổi vang rền. Nào ngờ đâu lão tam, lão ngũ và lão lục bị kẻ thù sát hại. Nếu không trả được hận ấy, chúng ta chẳng nên sống ở trên đời làm gì nữa.

Dư Ngư Đồng nghe nói vậy thì nghĩ thầm :

- “Tiêu Văn Kỳ bị sư thúc ta hạ sát. Diêm Thế Khôi và Diêm Thế Chương chết về tay người Duy, như vậy thì có liên hệ gì đến Hồng Hoa hội đâu?

Dư Ngư Đồng có nghe nói sơ qua về nhóm Quan Đông lục ma này. Ba tên còn lại đây hẳn là đại ma đầu Đẳng Nhất Lôi, một đại phú hào ở Liêu Đông, gia sản có hàng ức vạn; nhị ma đầu là Cố Kim Khiêu, là một tên mã tặc khét tiếng; và tứ ma đầu Hấp Hợp Đài, người Mông Cổ, vốn xuất thân trong giới chăn bò chăn cừu, đến Liêu Đông sống bằng nghề trộm cướp.

Nguyên ba tên ma đầu này nghe tin Tiêu Văn Kỳ lãnh mạng đi tìm một vị công tử con của quan Thừa Tướng bị Hồng Hoa hội bắt cóc. Nhưng đến Hiệp Tây, Tiêu Văn Kỳ mất tích một cách đột ngột. Cho là Hồng Hoa hội giết hại, ba tên quyết định tìm đến Giang Nam tìm Hồng Hoa hội để báo thù. Đến Bắc Kinh, cả ba lại được thêm hung tin là anh em họ Diêm đều bị hại cả. Chúng quyết định đi Lạc Dương tìm sư phụ của Tiêu Văn Kỳ để hỏi cho ra lẽ, và giữa đường tình cờ gặp Dư ngư Đồng trên bến sông Hoàng Hà...

Cả ba nói chuyện một hồi thì bỗng thấy mỏi mệt nên lăn ra ngủ say. Dư Ngư Đồng không sao ngủ được, nằm thao thức đến sáng.

Tiếng gà vừa gáy, Dư Ngư Đồng đã nghe thấy tiếng ồn ào. Chàng cầm ống sáo vàng ngồi bật dậy, bước ra bên ngoài xem. Trên sông Hoàng Hà có đến hàng mấy trăm chiếc ghe lớn đang lướt đi trên sóng nước. Đi đầu là một chiếc ghe sơn vàng. Trước mũi ghe có giương cây đại kỳ, có ghi hàng chữ thật lớn: “Lương hướng vận tải của Chinh Tây Đại tướng quân”

Đó là đoàn ghe tiếp tế quân lương cho Triệu Huệ. Sau đoàn ghe là một đội thuyền có đến mười mấy chiếc của tư nhân chở phẩm vật.

Dư Ngư Đồng định vào trong khoang thuyền lánh mặt bỗng nhiên có sáu, bảy tên lính cầm đao thương nhả qua thuyền chàng, buộc phải đi ra sau nhập với đội tiểu thuyền của tư nhân. Dư Ngư Đồng cố ý giấu hành tung nên ẩn nhẫn, không muốn sinh sự.

Hấp Hợp Đài giận lắm, toan ra tay thì Đẳng Nhất Lôi và Cổ Kim Phiêu cản lại.

Một tên Thanh binh lớn tiếng gọi :

- Ngôn lão gia! Thuyền này rộng rãi, trống trải, vừa ý lão gia lắm.

Người được gọi là “Ngôn lão gia” liền nhảy qua xem xét trong khoang, ngoài mũi một lượt rồi tươi cười nói :

- Cũng tạm được.

Hắn cười lên vài tiếng rồi ngồi xuống trước mũi thuyền.

Dư Ngư Đồng liếc mắt nhìn sơ đã nhận ra ngay người ấy là Ngôn Bá Càn, đã từng theo Trương Siêu Trọng đến Thiết Đảm trang bắt Văn Thái Lai. Hắn là Chưởng môn nhân của phái Thần Châu Ngôn Gia Phụng ở Hồ Nam. Từ khi bị Dư Ngư Đồng thổi cho một phi tiêu mù mội mắt, Ngôn Bá Càn về nhà dưỡng bệnh mấy tháng, rồi đi theo Triệu Huệ lập công.

Mặc dầu chỉ còn một mắt, nhãn quan của Ngôn Bá Càn rất nhạy bén. Thấy thân hình Dư Ngư Đồng, hắn đã mười phần nghi ngờ. Nghe được tiếng nói của chàng, hắn lại càng chắc chắn thêm. Nhưng chỉ vì Dư Ngư Đồng dùng chiếc khăn tay bịt mặt cho nên hắn không nhận ra rõ ràng được.

Ngôn Bá Càn cùng ba tên ma đầu trong “Quan Đông lục ma” nói chuyện với nhau một hồi đã hiểu hết lai lịch của nhau ngay.

Thấy chung quanh mình toàn là kẻ địch, Dư Ngư Đồng càng phải giữ gìn kỹ lưỡng, từng cử chỉ, từng lời nói một.

Sau bữa cơm tối, ai đấy đi nghỉ. Dư Ngư Đồng vừa thiu thiu ngủ bỗng nghe thuyền bên cạnh có tiếng kêu la :

- Ai cứu tôi với!

Dư Ngư Đồng đoán chắc thuyền bên cạnh bị đám quân Thanh hoành hành. Tiếng kêu cứu càng lúc nghe càng thê thảm. Tiếng phụ nữ van lơn, tiếng trẻ nít khóc, lại thêm tiếng một tên Thanh binh hăm dọa :

- Nàng không bằng lòng thì ta giết đứa con trên tay nàng trước.

Dư Ngư Đồng nghe đến đây bỗng trong lòng cực kỳ bất nhẫn, nhún mình bay sang thuyền bên cạnh. Ba tên ma đầu trông thấy khinh công tuyệt diệu của chàng thì ngạc nhiên vô cùng, khẽ kêu lên một tiếng kinh ngạc. Ngôn Bá Càn cùng với Bành Tam Xuân cũng đứng trên mũi thuyền cầm đao nhìn.

Trước mắt Dư Ngư Đồng là một cảnh hết sức bất nhẫn. Có đến tám, chín tên Thanh binh đang định giở trò hãm hiếp một thiếu phụ. Trên tay thiếu phụ còn bế đứa con đang đòi sữa, lớn tiếng kêu khóc. Một tên Thanh binh bước tới giằng lấy đứa trẻ, đập xuống thuyền chết tốt.

Dư Ngư Đồng cả giận, xông tới giật lấy một cây đao rồi nhảy vào vung đao mặc sức chém giết. Chỉ thoáng một cái, chàng đã giết hết đám Thanh binh ấy.

Kéo tay thiếu phụ, Dư Ngư Đồng nói :

- Mau lên bờ chạy thoát.

Lúc bấy giờ đèn đuốc sáng hẳn lên, binh lính khắp nơi bủa ra. Dư Ngư Đồng liền bế thiếu nữ phi thân lên bờ. Ba tên ma đầu Đẳng Nhất Lôi, Cổ Kim Phiêu và Hấp Hợp Đài cũng thừa cơ phóng lên bờ tẩu thoát.

Dư Ngư Đồng nhắm thẳng cánh rừng rậm trước mặt mà chạy vào. Thấy không có quân lính rượt theo, Dư Ngư Đồng đặt thiếu phụ xuống, nói :

- Chị đã thoát nạn rồi. Hãy tìm một chỗ kín đáo mà ẩn núp, chờ đến sáng mai khi đoàn thuyền kéo đi xa hẵng trở về nhà.

Cất tiếng vọng lại đàng sau, Dư Ngư Đồng nói :

- Ba vị đại ca, tiểu đệ xin giã từ.

Bọn “Tam ma” chưa kịp trả lời, Dư Ngư Đồng đã phóng đi được mấy chục bước. Thình lình có tiếng người gọi lớn :

- Dư gia! Khoan đi đã!

Dư Ngư Đồng khẽ lui lại một bước. Từ trong bụi rậm, Ngôn Bá Càn xông ra, sau lưng hắn là Bành Tam Xuân cầm cây “Tam đoạn thiết côn”.

Bành Tam Xuân xông tới quất ngang một côn. Dư Ngư Đồng tung mình nhảy lên tránh khỏi. Ngọn côn đánh trúng ngay vào chân Cổ Kim Phiêu khiến y ngã qụy xuống. Cổ Kim Phiêu nổi nóng, xông tới chụp nhầu Bành Tam Xuân, tung ra một chưởng. Họ Bành cả kinh vội nghiêng mình né tránh. Vừa lúc đó hai đệ tử của Ngôn Bá Càn là Tống Thiên Bảo và Đàm Thiên Thừa cũng từ đâu cầm đao xông tới tấn công Dư Ngư Đồng.

Dư Ngư Đồng bèn rút ống sáo vàng ra gạt hai ngọn đao qua một bên. Bành Tam Xuân cũng chạy tới trợ chiến. Hấp Hợp Đài bỗng cả giận hét lớn :

- Ba đánh một! Thật là hèn hạ!

Dứt lời, Hấp Hợp Đài chộp lấy cổ tay Bành Tam Xuân giằng lấy cây “Tam đoạn thiết côn”. Hai bên giằng co nhau một hồi, Bành Tam Xuân bước tới một bước chuyển tay sang nắm khúc giữa của cây Tam đoạn thiết côn giật mạnh một cái khiến cho Hấp Hợp Đài phải buông tay ra. Kế đến, Bành Tam Xuân dùng một thế “Kim Long Bài Đầu” nhắm giữa trán Hấp Hợp Đài một cái. Hấp Hợp Đài cả kinh vội nghiêng mình né tránh, lại bị trúng một côn vào ngay bả vai.

Hấp Hợp Đài gầm lên một tiếng xông tới chụp ngang hông Bành Tam Xuân nhấc bổng hắn lên thảy mạnh xuống đất. Bành Tam Xuân mắt “nổ đom đóm”, ngất xỉu ngay tại chỗ.

Đẳng Nhất Lôi thấy Hấp Hợp Đài đã hạ được địch thủ bèn lên tiếng :

- Đừng đánh nữa! Mau rời khỏi nơi này!

Ngôn Bá Càn liền nói lớn :

- Thì ra Quan Đông lục ma đã đầu hàng Hồng Hoa hội!

Cổ Kim Phiêu quay lại giận dữ hỏi :

- Ngươi nói sao?

Ngôn Bá Càn nói :

- Bọn ngươi nếu không đầu hàng Hồng Hoa hội thì sao lại giúp tên đương gia Hồng Hoa hội này đánh lại bọn ta?

Cổ Kim Phiêu hỏi :

- Y là một đương gia Hồng Hoa hội sao?

Ngôn Bá Càn chưa kịp trả lời Cổ Kim Phiêu đã móc ra một cặp đồng hoàn nhắm ngay hậu tâm Dư Ngư Đồng đâm một cái. Dư Ngư Đồng liền đưa ống sáo vàng lên đỡ một cái. Hai bên đánh nhầu, mặc cho Cổ Kim Phiêu đứng ngoài luôn miệng hỏi.

Cổ Kim Phiêu bèn rút cây đồng nhân đàng sau lưng xông tới đậo vào giữa hai món binh khí của Dư Ngư Đồng và Ngôn Bá Càn, khiến cả hai phải thâu vội binh khí trở về.

Đẳng Nhất Lôi lên tiếng hỏi :

- Khoan đánh nhau đã! Cho tôi hỏi một câu.

Dư Ngư Đồng thừa cơ hội cắm đầu chạy. Tống Thiên Bảo vừa rượt theo bị Dư Ngư Đồng thổi ngay vào mặt một mũi phi tiêu nằm ngửa ra.

Dư Ngư Đồng lại tiếp tục chạy lại gần phía bờ sông, tai nghe văng vẳng Ngôn Bá Càn kể lý lịch mình cho “Tam ma” nghe.

Lúc ấy, đám quân Thanh từ trên thuyền vừa trông thấy Dư Ngư Đồng liền ào xuống như mưa xông tới. Dư Ngư Đồng dùng ống sáo vàng chống cự lại. Chàng giết được vài tên quân thì đám “Tam ma” và Ngôn Bá Càn đã đuổi đến nơi. Hấp Hợp Đài xông tới, dùng thế võ đô vật của Mông Cổ quật ngã Dư Ngư Đồng xuống đất.

Ngôn Bá Càn yêu cầu Hấp Hợp Đài cho hắn đâm mù hai mắt của Dư Ngư Đồng để trả thù nhưng Hấp Hợp Đài không chịu nghe, đòi đem chàng đến gặp Hàn Văn Xung hỏi chuyện; nếu đúng chàng là người của Hồng Hoa hội thì chính tay bọn “Tam ma” sẽ giết chết chàng, còn không phải sẽ giao cho Ngôn Bá Càn mặc tình xử trí.

Hai bên còn đang tranh cãi kịch liệt thì Đẳng Nhất Lôi chạy tới đứng vào giữa can ra :

- Chúng ta là bằng hữu với nhau cả, đừng để mất hòa khí.

Cả hai bên sau đó tạm gác lại mọi hiềm khích, cùng nhau giải Dư Ngư Đồng đi. Đến Mạnh Tân, thấy đói bụng, chúng tìm một tửu lâu vào dùng cơm. Vấn đề cũ lại được đem ra bàn cãi. Ngôn Bá Càn một hai đòi đâm mù cặp mắt Dư Ngư Đồng, Hấp Hợp Đài vẫn một mực không chịu. Đẳng Nhất Lôi cùng Cổ Kim Phiêu lên tiếng, khuyên Hấp Hợp Đài nên chiều ý Ngôn Bá Càn.

Hấp Hợp Đài đổ quạu, đứng dậy nói :

- Lão đại và lão nhị! Mỗ không thèm can dự vào việc này nữa đâu! Mỗ đến Hàng Châu trước chờ hai người.

Dứt lời, Hấp Hợp Đài đứng dậy đi thẳng xuống lầu, rồi biến mất hút. Vừa lúc ấy, có mấy tên bộ khoái dẫn một đám quân Thanh đi vào trong tửu lâu. Kế đến lại có một người ăn mặc hết sức sang trọng bước vào.

Tiếng người bàn tán xầm xì :

- Ông ta là Tôn Đại Thiện Nhân, đại phú gia ở đây đấy!

Nhìn đám quan binh, Dư Ngư Đồng chợt nghĩ ra được một kế. Tửu nhị vừa bưng lên một tô canh, Dư Ngư Đồng liền chụp lấy hắt vào mặt Cổ Kim Phiêu. Canh nóng bỏng làm Cổ Kim Phiêu cảm thấy phỏng rát cả mặt mày. Y nhảy chổm lên, miệng la hét vang cả tửu lâu.

Dư Ngư Đồng chộp luôn cái ghế, nhắm Cổ Kim Phiêu phang túi bụi. Ngôn Bá Càn và Đẳng Nhất Lôi xông tới cứu cũng bị Dư Ngư Đồng phang luôn cho mấy cái ghế.

Thực khách thấy vậy kinh hoàng bỏ chạy tán loạn. Đám Thanh binh thấy vậy liền tuốt binh khí ra, xông tới can thiệp. Dư Ngư Đồng nhảy tới tát cho Tôn Đại Thiện Nhân một cái nẩy lửa, nắm giữ lại rồi quay qua nói với Đẳng Nhất Lôi và Ngôn Bá Càn :

- Tôi bắt được hắn rồi! Lão đại và lão nhị may đến dẫn hắn chạy trước đi!

Đám quan binh nghe Dư Ngư Đồng nói vậy thì cho rằng đây là một đám thổ phỉ, định bắt có người làm tiền. Đám bộ khoái rút binh khí ra nói lớn :

- Bọn này cả gan thật! Ban ngày ban mặt như thế này mà dám lộng hành. Anh em, mau bắt hết cả đám lại nạp cho quan lớn xử tội.

Dứt lời, cả đám chỉ huy quân lính vây chặt cả đám lại. Biết tình thế nguy ngập, cả bọn chỉ còn biết mở đường thoát thân, cùng nhau chạy trốn. Bọn bộ khoái không rượt theo, đem dây đến trói Dư Ngư Đồng lại đem giải về ngục.

Bọn Ngôn Bá Càn và Đẳng Nhất Lôi tức lắm liền bàn mưu đi cướp ngục để giết Dư Ngư Đồng trả thù.

* * * * *

Nhắc lại Trần Gia Cách cùng đám quần hùng Hồng Hoa hội. Sau khi chia tay Dư Ngư Đồng, cả đám thẳng đường đi về hướng Tây. Chỉ nội trong ngày đã đến Đồng Quan. Cả đám không thấy dấu hiệu gì của Dư Ngư Đồng để lại cả. Cho là thuyền đi chậm nên tất cả mọi người đi mướn khách sạn ở tạm để chờ đợi tin tức. Nhưng chờ suốt ba ngày mà vẫn không có tin gì của Dư Ngư Đồng cả.

Từ Thiện Hoằng liền bàn với Trần Gia Cách cho người đi tìm khắp nơi. Nguyên một giải Đồng Quan, các bến đò lớn nhỏ đều do quyền cai quản của Long Môn Bang. Xưa nay, Hồng Hoa hội và Long Môn Bang không có qua lại mật thiết nên Từ Thiện Hoằng nghi ngờ rất có thể Dư Ngư Đồng lọt vào tay bang hội này. Do đó, Thất đương gia liền đích thân mang danh thiếp đến nơi xin ra mắt “long đầu đại ca” là Thượng Quan Nghị Sơn.

Vốn nghe đại danh của “Võ Gia Cát” đã, lâu, Thượng Quan Nghị Sơn dẫn anh em bang hội ra tận cửa đón tiếp rất là long trọng.

Sau khi nghe Từ Thiện Hoằng bày tỏ mục đích, Thượng Quan Nghị Sơn nói :

- Tôi đã được nghe nhiều về quý hội, chuyên làm điều nhân nghĩa, ngặt vì ở xa nên chưa có dịp để kết giao. Nếu được biết Thập tứ đương gia ngồi thuyền đến đây tất đã ân cần đón tiếp rồi. Bây giờ để tôi tức tốc cho người đi dò la tin tức.

Sau đó, y gọi mười mấy tên thuộc hạ đến trước mặt Từ Thiện Hoằng truyền lệnh, nói :

- Gặp Thập tứ đương gia, các anh em phải tiếp đón thật tử tế mà đưa ngay về đây, không được sơ xuất!

Thấy Thượng Quan Nghị Sơn sốt sắng, mười phần nghĩa khí, Từ Thiện Hoằng liền cảm tạ. Chiều hôm ấy, Thượng Quan Nghị Sơn lại mở tiệc linh đình khoản đãi Từ Thiện Hoằng, lại mời đủ cả các anh hùng hào kiệt địp phương đến. Hầu hết các anh hùng hào kiệt ở đây đều kính phục Châu Trọng Anh nên khi được biết chàng là con rể ông ta thì lại càng quý mến, niềm nở.

Qua ngày hôm sau, Thượng Quan Nghị Sơn đích thân đến khách sạn tìm Từ Thiện Hoằng nói :

- Theo lời báo cáo của anh em thì có một đoàn thuyền vận lương cho Chinh Tây Đại Tướng Quân Triệu Huệ đi ngang qua. Rất có thể thuyền của Thập tứ đương gia vì thế mà kẹt lại nên mới bị chậm trễ.

Từ Thiện Hoằng nghe báo cáo như vậy thì cũng tạm yên lòng. Nhưng đến chiều Thượng Quan Nghị Sơn lại đến cho biết buổi chiều hôm ấy có người hình dáng giống hệt như Dư Ngư Đồng gây loạn và bị quan binh bắt giải đi tại một tửu lâu ở Mạnh Tân.

Từ Thiện Hoằng nghe kể thì chắc chắn đó là Dư Ngư Đồng. Chàng suy nghĩ một lúc rồi ôn tồn nói :

- Được Thượng Quan đại ca hết lòng giúp đỡ, Hồng Hoa hội tôi rất là cảm kích. Tôi muốn đưa đại ca đến gặp gỡ Tổng đà chủ và các anh em, ý đại ca thế nào?

Thượng Quan Nghị Sơn nghe nói vui mừng khôn xiết, xin tuân mệnh ngay. Từ Thiện Hoằng liền đưa y đến gặp Trần Gia Cách cùng các anh em Hồng Hoa hội. Vốn đã ngưỡng mộ uy danh Trần Gia Cách cùng các đương gia từ lâu nên Thượng Quan Nghị Sơn một lòng kính trọng, một mực khiêm tốn đối với tất cả mọi người.

Trần Gia Cách nói :

- Thập tứ đệ là người rất tinh tế, không vì rượu chè mà gây sự với ai đâu. Có lẽ Thập tứ đệ gặp phải cường địch đây! Chúng ta đến Mạnh Tân xem thử một phen như thế nào.

Văn Thái Lai gật đầu nói :

- Vâng, chiều nay chúng ta đi ngay.

Thượng Quan Nghị Sơn nói :

- Chư vị đến đây đều là khách của Long Môn Bang. Nếu có việc gì khẩn cấp nên để cho anh em tiểu đệ được hân hạnh giúp đỡ cho một phen.

Trần Gia Cách thấy y một lòng nghĩa khí thì không nỡ từ chối, dùng lời khiêm tốn cảm tạ chẳng cùng.

Sau khi bàn thảo kế hoạch, đêm đó mọi người quyết định đến nhà Tôn Đại Thiện Nhân hỏi thêm tin tức.

Tôn Đại Thiện Nhân là một tên đại phú, thuộc hạng cường hào ác bá nổi tiếng trong vùng. Hắn chuyên bóc lột dân chúng để tạo dựng nên sự nghiệp to lớn của mình. Dân chúng tại đó gọi hắn là “Tôn lột da”.

Thấy mọi người đến thăm, “Tôn lột da” ngoài mặt niềm nở nhưng trong bụng lo lắng vô cùng. Hắn sợ hãi, không dám dối nửa lời, bèn tình thực mà kể hết lại đầu đuôi hôm đó trong tửu lâu.

Trần Gia Cách nghe xong liền kéo mọi người cáo từ ra về. Trời cũng đã tối, mọi người bèn rủ nhau đi ăn cơm tối. Cơm nước xong, mọi người tìm đến nhà tù ở Mạnh Tân để dò xét. Bỗng nhiên Lạc Băng reo lên chỉ vào một góc tường. Thì ra nàng đã phát hiện được một ký hiệu của Dư Ngư Đồng để lại.

Từ Thiện Hoằng nói :

- Theo ký hiệu, Thập tứ đệ cho biết bị kẻ thù truy kích gắt gao, phải đi về hướng Tây.

Mọi người sau đó lại theo hướng Tây mà đi mãi. Ra đến ngoại ô thành, lại có ký hiệu của Dư Ngư Đồng ghi lại bên gốc đại thọ. Đến ngã ba đường, lại có dấu hiệu cho biết Dư Ngư Đồng trốn vào trong núi. Lần nào cũng vậy, nét chữ nghuệch ngoạc, chứng tỏ người ghi ký hiệu để lại hết sức vội vàng như không có đủ thì giờ.

Văn Thái Lai và Chương Tấn chạy về phía núi trước mặt. Những ký hiệu càng lúc càng nhiều, nhưng lại càng khó đọc. Bỗng nhiên Chương Tấn reo lên một tiếng rồi rút từ trên thân cây xuống một mũi phi tiêu bằng tre.

Văn Thái Lai và Từ Thiện Hoằng vốn lịch lãm trên giang hồ nên nhìn sơ là biết ngay là độc môn ám khí của phái Ngôn Gia Quyền ở Thần Châu.

Văn Thái Lai đôi mắt như nổ lửa quát lớn :

- Kẻ truy kích Thập tứ đệ chính là tên gian tặc Ngôn Bá Càn!

Lạc Băng cũng tìm thấy giữa bụi rậm có nhiều mũi phi tiêu tương tự như vậy. Châu Ỷ chợt la lớn chỉ xuống đất. Mọi người nhìn theo, thấy có dấu vết của những giọt máu rải rác. Mọi người theo dấu máu tìm đến cửa một sơn động. Bên ngoài sơn động, đủ loại ám khí nằm la liệt, là dấu hiệu của một cuộc tập kích cực kỳ nguy hiểm.

Mọi người để ý xem xét từng loại ám khí một. Đa số chỉ là các loại ám khí thường dùng, không có gì đáng nói. Duy chỉ có một loại tiểu cương là tương đối lạ, không hiểu thuộc về môn phái nào. Nhưng có một điều mọi người biết chắc chắn là số người tập kích Dư Ngư Đồng khá đông, không dưới năm, sáu mạng.

Nguyên đêm hôm ấy, bọn Ngôn Bá Càn, Đẳng Nhất Lôi leo vào thành cướp ngục. Vừa vào bên trong thì Tống Thiên Bảo như đạp phải một vật gì nằm dưới đất. Bật đá lửa lên xem thì ra là tên lính cai ngục bị trói, bị nhét giẻ vào mồm. Ngôn Bá Càn đến móc miếng giẻ trong mồm tên cai ngục ra thì thấy đó là một cái khăn của phụ nữ, có thêu hoa hòe rất đẹp.

Ngôn Bá Càn hỏi Dư Ngư Đồng bị nhốt ở phòng nào thì tên cai ngục chỉ biết ú ớ nói :

- Tại... phòng... giam... thứ ba...

Ngôn Bá Càn liền điểm vào huyệt tên cai ngục một cái. Hắn nằm im bất động. Đẳng Nhất Lôi nói :

- Chúng ta đi mau! Chỉ sợ có người nhanh tay cướp ngục trước chúng ta rồi!

Cả bọn lập tức chạy đến phòng giam thứ ba, quả nhiên bên trong có tiếng mở xiềng xích. Bật đá lửa lên, quả nhiên nhìn thấy một người mặc đồ dạ hành màu đen ở bên cạnh Dư Ngư Đồng.

Dư Ngư Đồng kêu lên :

- Không xong! Có người đến!

Đẳng Nhất Lôi lớn tiếng quát hỏi :

- Mi là ai?

Người mặc đồ đen đang tháo xiềng xích cho Dư Ngư Đồng bỗng quay lại chém một nhát kiếm vào ngay mặt Đẳng Nhất Lôi.

Đẳng Nhất Lôi phản ứng mau lẹ, giơ cây đồng nhân lên đỡ, gạt kiếm đối phương sang một bên. Tiện đà, người ấy lại xoay mũi kiếm đâm một nhát vào người Đàm Thiên Thừa.

Hoảng hồn, Đàm Thiên Thừa nhảy vội sang một bên tránh kiếm. Chưa kịp phản công thì người mặc đồ đen đã ra đến bên ngoài.

Ngôn Bá Càn lớn tiếng nói :

- Đừng rượt theo! Cướp tù là mục đích chính yếu!

Đẳng Nhất Lôi canh giữ ngoài cửa mười phần chặt chẽ, nói lớn :

- Anh em cứ việc cướp ngục! Quan quân tới đã có tôi.

Ngôn Bá Càn và Bành Tam Xuân dìu Dư Ngư Đồng đi ra. Quân lính đi tới đều bị Đẳng Nhất Lôi đẩy lui lại. Bọn chúng sợ hãi, không dám lại gần, chỉ ở xa xa mà lớn tiếng hò hét.

Ngôn Bá Càn và Bành Tam Xuân nắm Dư Ngư Đồng bay qua bức tường nhà lao ra bên ngoài. Đẳng Nhất Lôi, Cổ Kim Phiêu, Tống Thiên Bảo và Đàm Thiên Thừa sau khi chống chọi kịch liệt với quân lính cũng lần lượt nhảy ra ngoài thoát thân.

Cả bọn chưa kịp chạy trốn thì quân lính đã kéo đến bao vây chặt chẽ. Viên tướng chỉ huy vừa truyền lệnh, một rừng quân sĩ lăn sả vào đám người cướp ngục. Trong lúc hai bên hỗn chiến thì một bóng đen từ đâu thình lình nhảy ra, khoác tay Dư Ngư Đồng kéo đi. Đàm Thiên Thừa xông tới định ngăn cản bỗng nghe ngực nhói lên một cái, ngã ngửa xuống đất.

Tống Thiên Bảo thấy vậy la lớn :

- Sư phụ! Hắn chạy mất rồi!

Thật ra Dư Ngư Đồng chưa chịu chạy. Chàng loay hoay cố gắng để lại một ký hiệu nào đó tại một góc tường. Ngôn Bá Càn vừa tung mình nhảy tới thì một nhát kiếm từ đâu đâm ngay vào giữa mặt y. Ngôn Bá Càn cả kinh vội vàng đưa hai cái thiết hoàn lên đỡ. Người mặc áo đen sau đó tiếp tục tấn công không ngừng, làm Ngôn Bá Càn phải luôn tay chống đỡ.

Dư Ngư Đồng hất một tên quân xuống ngựa rồi leo lên yên giục ngựa lăn sả vào Ngân Bá Càn khiến y hoảng hốt lách vội sang một bên. Dư Ngư Đồng thừa cơ, nắm tay người mặc đồ dạ hành kéo lên ngồi sau lưng ngựa nhắm hướng Tây mà chạy.

Không ai bảo ai, cả ba thầy trò Ngôn Bá Càn lẫn ba tên ma đầu đều hết mình chạy theo. Thấy cả đám chạy khỏi, quân lính cũng chẳng rượt theo.

Ngựa chạy đường trường thì rất hữu hiệu, nhưng chạy đường núi thì thật là cả một sự thiệt thòi. Vì vậy, mà chẳng bao lâu, đám người kia đã bắt kịp Dư Ngư Đồng và người áo đen. Hai người bèn bỏ ngựa mà chạy thẳng vào núi. Đi một lát, hai người gặp một sơn động liền kéo nhau vào bên trong mà ẩn núp.

Dư Ngư Đồng ngồi thở giốc nói :

- Lý sư muội! Lần này cũng lại là em cứu mạng anh nữa!

Người mặc đồ dạ hành không ai khác hơn là Lý Mộng Ngọc. Cứu thoát được Dư Ngư Đồng ra khỏi vòng nguy hiểm, nàng cảm thấy sung sướng trong lòng. Đưa Dư Ngư Động vào bên trong nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, Lý Mộng Ngọc một mình cầm kiếm canh gác bên ngoài. Dư Ngư Đồng đã bị Cổ Kim Phiêu đoạt mất ống sáo vàng cho nên trong tay không có được một tấc sắt.

Dư Ngư Đồng từ phía sau lưng thấy Lý Mộng Ngọc như run lên khi một cơn gió lùa qua, chàng vội cởi áo ngoài đi tới khoác lên trên người nàng.

Lý Mộng Ngọc quay lại. Nàng khẽ nở một nụ cười, cảm thấy trong lòng vô cùng ấm áp. Chưa kịp nói lem một lời gì bỗng đâu một mũi trúc tiêu từ đâu bắn tới. Dư Ngư Đồng kin hãi, một tay bắt lấy mũi trúc tiêu, còn một tay ôm cứng lấy thân hình của Lý Mộng Ngọc kéo lui ra đàng sau.

Dư Ngư Đồng lại lớn tiếng kêu lên :

- Đề phòng ám khí!

Từ bên ngoài, một viên phi hoàn thạch bay vào. Lý Mộng Ngọc vôi nghiêng mình né tráng. Bên ngoài tiếng cường địch nói lớn :

- Gian tế! Mau ra đây chịu trói! Đừng để ta phải hạ thủ!

Thấy mấy bóng đen lai vãng nơi cửa động, Dư Ngư Đồng uốn cong cây trúc tiễn, dùng thủ pháp ném kìm tiền, búng một cái. Một tiếng “ối” vang lên, Bành Tam Xuân bật ngửa ra đàng sau.

Hai người hết sức lo lắng. Vì bây giờ trời tối cho nên cường địch còn e dè không dám tấn công bừa vào. Nhưng một khi trời sáng thì không còn chạy được nơi đâu cả. Cường địch tấn công vào ắt có thể bắt sống hoặc giết chết cả hai người.

Bỗng nhiên Lý Mộng Ngọc cười nói :

- Em đã có cách. Ám khí đến nơi, mau tránh né.

Dư Ngư Đồng vội vàng nép mình ra sau. Một mũi đinh tiễn cương rớt ngay cạnh gót chân chàng. Chưa kịp có phản ứng gì thì lại thêm hai mũi nữa phóng vào ghim trên vách động.

Lý Mộng Ngọc vung tay lên một cái, ba mũi Phù Dung châm nhắm Cổ Kim Phiêu bắn tới. Cổ Kim Phiêu kịp thời phát hiện nên tránh né được, nhưng một mũi sợt qua làm sướt da đầu hắn, chảy máu. Cổ Kim Phiêu nhặt mũi Phù Dung châm lên xem xét, thấy không có thuốc độc, y mới yên tâm.

Đẳng Nhất Lôi giật lấy mũi châm xem xét bỗng nói lớn lên :

- Lão tam bị giết bởi ám khí này. Thì ra kẻ thù chúng ta tìm lại chính là hắn!

Năm xưa, Lục Phỉ Thanh dùng Phù Dung châm phóng mù đôi mắt Tiêu Văn Kỳ. Mấy năm sau nhờ tìm được bộ xương và quần áo trên đó mới nhận ra được, đồng thời lại thấy hai mũi Phù Dung châm trên sọ.

Tuy Đẳng Nhất Lôi và Cổ Kim Phiêu hết sức căm phẫn nhưng vẫn không dám lại gần vì vẫn sợ môn ám khí này. Cái gương Tam ma đầu Tiêu Văn Kỳ vẫn còn sờ sờ đó.

Tuy vậy, Lý Mộng Ngọc biết không thể nào ở lâu trong động được. Nàng xoay qua nói với Dư Ngư Đồng :

- Anh gác cửa động nhé!

Lấy thanh kiếm của mình trao cho Dư Ngư Đồng, rồi lui ra phía sau lưng chàng. Chàng định quay lại thì lại nghe tiếng Lý Mộng Ngọc nói :

- Em đã dặn anh phải canh chừng cửa động mà!

Lòng dạ Dư Ngư Đồng bối rối vô cùng. Chàng thấy lờ mờ Lý Mộng Ngọc cởi chiếc áo choàng ra. Hai hàng nước mắt rưng rưng, Lý Mộng Ngọc như không cầm lòng được, khoác chiếc áo lên người Dư Ngư Đồng nói :

- Em hiểu, anh vì muốn tránh em nên mới xảy ra tai họa nguy hiểm như thế này. Từ đây chúng ta chia hai đàng, anh sẽ không bao giờ còn phải nhìn thấy mặt em nữa đâu.

Không đợi Dư Ngư Đồng lên tiếng, Lý Mộng Ngọc đã tung mình bay ra khỏi cửa động. Dư Ngư Đồng định nhảy theo chụp lại thì bóng nàng đã mất hút trong màn đêm...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.