Thời điểm Ưng nhi tỉnh lại, dáng vẻ và biểu hiện của nó, chỉ có thể dùng bốn từ ‘tột cùng phẫn nộ’ để hình dung. Hẳn nhiên ta phải xuống nước ngon ngọt dỗ dành, tìm mọi cách để làm cho nó bình tĩnh lại, rồi phải mất không biết bao nhiêu công sức mới năn nỉ được nó mang thư bay đi.
Sau đó, sư tổ cũng đi.
Ngày sư tổ đi, ta đưa người ra ngoài thành, quỳ trên mặt đất, cung kính hướng về phía người dập đầu bái biệt.
Sư tổ nhận khấu lạy của ta cao hứng không để đâu cho hết nhưng ngoài miệng lại nói: “Quên đi, quên đi, không cần phải long trọng như vậy.”
Ta liền ‘dạ’ một tiếng loẹt xoẹt đứng dậy phủi bụi trên đầu gối.
Sư tổ: “…”
Hôm đó, bầu trời trong vắt, ta đứng dưới ánh mặt trời đưa mắt dõi nhìn theo sư tổ, thấy người đi thật xa mới giơ tay lên, đưa lưng về phía ta vẫy vẫy, một chút lưu luyến cũng không có.
Ta có phần hâm mộ ngẫm nghĩ, có lẽ ngao du là chuyện gì đó hết sức tuyệt vời.
Sau đó ta bắt đầu ở lại Diêm thành hành nghề y.
Trong số những người được ta chữa bệnh dọc đường, nào ngờ có mấy người sống ở Diêm thành, sau khi gặp lại ta ở đây vô cùng hào hứng giúp ta tuyên truyền khắp thôn sâu ngõ nhỏ, trong nhất thời có rất nhiều người nghe danh mà đến.
Trong lòng ta đã có suy tính rõ ràng, đối với những người có tiền, ta sẽ thu phí chẩn bệnh cao hơn một chút, người có gia cảnh bình thường thì thu ít một chút, còn những người nghèo khổ tứ cố vô thân chỉ cần đến, ta sẽ không từ chối.
Tựa như một sớm nọ vừa mở cửa ra, ta nhìn thấy một đứa bé đứng rụt rè nép sát mình trong góc cửa dòm ta sợ sệt, quần áo trên người rách tả tơi, đôi chân trần nhỏ bé giẫm trên đất, nói với ta.
“Có thể xem bệnh cho bà nội của đệ được không? Phải cần bao nhiêu tiền mới được? Đệ, đệ chỉ có mấy cái này.”
Vừa nói vừa mở hai bàn tay vẫn luôn nắm thật chặt ra, trong mỗi lòng bàn tay là một đồng xu.
Ta gật đầu, đeo hòm thuốc lên lưng rồi đi theo nó, đứa bé dẫn ta tới một ngôi miếu Quan đế* bỏ hoang ngoài thành, không ngờ bên trong vô cùng náo nhiệt, rất nhiều ăn mày và người lưu lạc tha hương tá túc ở đây. Bà nội của thằng bé nằm trên chiếc chiếu xác xơ trong góc tối không một tia sáng, thân hình gầy trơ xương, đang rơi vào hôn mê chỉ còn thoi thóp chút hơi tàn.
(*Miếu Quan đế: Miếu được xây để thờ Quan Vũ.)
Ta bắt mạch cho bà cụ rồi kiểm tra tưa lưỡi, cũng may không phải chứng bệnh gì hung hiểm, bà cụ bị bệnh nhiệt sốt cao nhưng nếu để kéo dài không điều trị kịp thời sẽ trở thành bệnh lao, vô cùng nguy hiểm.
Thằng bé dòm ta đầy lo lắng, ta liền híp mắt cười với nó.
“Không sao đâu, tỷ sẽ chữa cho bà bà.”
Vẻ thấp thỏm lo lắng trên gương mặt bé nhỏ lem luốc thoắt cái tan ra, đôi mắt sáng bừng lên lấp lánh.
Một tuần sau đó, ngày nào ta cũng chạy đến miếu, chẳng mấy chốc bà cụ đã có thể ngồi dậy ăn cơm, thằng bé vui đến nổi không thốt nên lời, cuống quýt lấy hai đồng xu kia nhét vào tay ta.
Ta nắm tay giấu ra sau lưng, cười tít mắt: “Ít quá, tỷ không cần đâu.”
Cu cậu sững người ngơ ngác, cũng là những người ăn mày tha hương bên cạnh vây lại, ấn đầu nó nói: “Còn ngây ngốc cái gì? Tiểu Nguyệt cô nương tấm lòng Bồ Tát không thu tiền của ngươi, còn không mau quỳ xuống khấu đầu lạy tạ Bồ Tát.”
Ngay cả bà bà thân thể vẫn còn đang yếu ớt cũng gắng gượng bò dậy khỏi chiếu, chống hai tay xuống đất dập đầu với ta.
Ta lật đật đỡ bà cụ dậy, còn thật là phiền não nói: “Bà bà đừng dập đầu, sư tổ của con nói con là lớp hậu bối, nếu có người dập đầu với con thì con phải dập đầu đáp lễ, mọi người cứ dập đầu như vậy, đầu của con sẽ bị mẻ mất.”
Diêm thành bốn bề sông nước mênh mông, những con rạch chằng chịt uốn quanh mang gió lộng từ bờ sông thổi tới, khí hậu hết đỗi dễ chịu ôn hòa. Ta ở nơi này hành nghề y bốc thuốc chữa bệnh, cuộc sống trôi qua yên ả êm đềm, chớp mắt đã hai tháng qua đi.
Chỉ có điều ta êm ả yên bình, nhưng giới y dược của Diêm thành lại sùng sục sôi trào. Hai tháng sau, có một ngày nhóm thân hào trong làng dẫn theo mấy người xa lạ đến đập cửa hiệu thuốc nhỏ của ta, hùng hùng hổ hổ muốn nói chuyện với ta.
(*Thân hào: người có địa vị và thế lực trong xã hội cũ.)
Ta nghe xong nửa ngày mới hiểu, những người đó là ông chủ các hiệu thuốc bắc và các y quán danh tiếng trong thành, đi cùng với các thân hào tới lên án ta đã phá hỏng quy củ phép tắc.
“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, giới y thuật cũng có luật lệ riêng của mình. Chẩn bệnh, bốc thuốc, thu tiền khám, tất cả các y quán trong Diêm thành đều áp dụng một biểu giá thống nhất, cô nương làm việc tùy ý như vậy là phá hỏng hết quy củ còn gì!” Một ông lão vừa nói vừa kích động đến độ nước miếng văng tung tóe, ta nhẹ nhàng yên ắng lùi ra sau một bước, nhưng lại có người từ phía sau ông ta xông vọt lên.
“Cô nương, thầy thuốc kê đơn, hiệu thuốc bốc thuốc, đây chính là đạo lý bất biến từ hàng ngàn năm qua, sao cô nương có thể vừa kê đơn vừa bốc thuốc cho mấy kẻ nghèo kiết xác này, khiến cho việc làm ăn của bọn ta bị giảm sút đáng kể, tất cả mọi người đều mở cửa hiệu buôn bán để kiếm cơm, cô nói xem mấy chuyện này là sao chứ?” Người nói những lời này là ông chủ một hiệu thuốc, dáng người nung núc béo tròn, vừa nói vừa xắn cao tay áo, một bộ muốn lập tức đòi lại công bằng.
Ta lại yên ắng lùi ra sau một bước, một vị trong nhóm thân hào dẫn bọn họ tới đã bước lên hòa giải, người này thì ta biết, tháng trước ta còn giúp ông ta chữa dứt căn bệnh phức tạp nghe đâu đã quấy nhiễu ông ta dai dẳng bao nhiêu năm trời. Thật ra đó chỉ là bệnh rối loạn đường ruột, chướng bụng khó tiêu, chỉ cần châm cứu kích thích khí huyết lưu thông phối hợp với thuốc điều trị dạ dày, phục hồi nhu động của đại trực tràng là được. Nhưng thấy ông ta toàn thân xiêm y rực rỡ, trên đai lưng điểm xuyết đầy châu ngọc lấp lánh, ta liền thu tiền chẩn bệnh cao hơn chút đỉnh, khi đó ông ta còn nói không đắt không đắt, chẳng bõ bèn gì so với số tiền mà ông ta đã bỏ ra để mua mớ dược liệu hảo hạng suốt mấy năm qua. Làm hại ta hối hận đã thu của ông ta ít như thế, hối hận cả một thời gian dài.
“Mọi người bình tĩnh đừng kích động, đừng làm tiểu Nguyệt cô nương sợ.” Vị thân hào đó vừa nói vừa kéo hai người kia lại.
Ta nhìn ông ta một cái, đợi ông ta nói tiếp.
Ông ta đứng trước mặt ta gật gà gật gù ra vẻ thấu hiểu: “Tiểu Nguyệt cô nương, chúng ta đều biết cô nương mới đến, không nắm rõ quy củ trong thành, có phải không?”
Ta nghĩ ngợi một thoáng, cảm thấy ông ta nói cũng đúng, bèn gật đầu.
Ông ta hài lòng sờ sờ râu nói tiếp: “Kỳ thực nếu cô nương có thể diệu thủ hồi xuân mang người bệnh từ cõi chết trở về, có thể chữa được những bệnh lý nan y phức tạp mà người khác không thể chữa khỏi thì những bệnh nhân ấy có lựa chọn đến chỗ của cô nương cũng là điều hẳn nhiên.” Nói xong còn cố tình như lơ đãng nhìn lướt qua mấy tay chủ y quán đứng phía sau mình.
Mấy chủ y quán này đồng loạt thay nhau ho khan, ngó nghiêng đầu sang chỗ khác, vờ không nghe thấy.
“Có điều,” vị thân hào đổi ngữ điệu: “Nếu cô nương đã mở cửa hiệu khám bệnh, thì tiêu chuẩn thu phí cũng nên đối xử bình đẳng có phải không? Vì sao có thể cùng một loại bệnh, người thì không thu xu nào, mà người khác lại bị thu gấp bội chứ? Ta bị ăn không tiêu, đến khám ở đây, cô nương lấy một lạng bạc! Nhưng mấy hôm trước, ta nghe nói lão ngư đánh cá ở thành Đông cũng bị chứng bệnh như vậy mà cô nương lại xem bệnh miễn phí, điều này quả thật không công bằng.”
Ta lắc đầu: “Lão bá bán cá đó có trả tiền, không phải miễn phí.”
“Hả? Trả bao nhiêu?”
Ta đưa tay chỉ cái vại ngoài sân: “Ở trong vại.”
Có người lập tức đi ra nhìn lướt qua, sau đó kêu ré lên: “Hai con cá!”
Ta cảm thấy chuyện chẳng có gì đáng kinh ngạc mà bọn họ lại giật mình thảng thốt như vậy thực không có phong độ, nhưng ta vẫn giữ nguyên thái độ rụt rè mà một cô nương nên có, chỉ gật đầu không nói gì.
Lúc lão bá đó đưa hai con cá này cho ta, ta còn thoáng đau đầu.
Sư phụ đi rồi, ta và sư tổ liền bắt đầu ăn chay, sư tổ nói ăn chay giúp duy trì sự thanh khiết cho cơ thể, tăng cường chức năng não bộ, bất luận là phân biệt dược liệu hay vọng, văn, vấn, thiết cho người bệnh đều vô cùng có lợi. Nhưng ta biết kỳ thực trên núi vắng vẻ heo hút, không có nơi nào bán thịt, người lại lười, không muốn thường xuyên xuống núi mua đồ, còn chuyện tự mình đi săn, ta và người đều không có bản lĩnh đó.
(*Vọng, văn, vấn, thiết – tứ chẩn: bốn phương pháp chữa bệnh của Đông y: nhìn, nghe, hỏi, sờ.)
Ta biết nói ra thật có lỗi nhưng sư tổ thiệt uổng hoài được sư phụ gọi một tiếng ‘sư phụ’, đến cả cái đuôi gà người cũng không bắt được, ta thì càng khỏi nói, từ nhỏ đã đặt hết tâm tư vào việc học y, không nghĩ gì tới chuyện học võ, cũng không có người dạy.
Vì vậy suốt bao nhiêu năm nay ta đã quen ăn chay, không hề chạm vào thức ăn mặn, đến cả cá cũng chưa từng giết thì nói gì đến ăn.
Nhưng lão bá đánh cá đó đã xách hai con cá này chạy tới chỗ của ta từ sớm tinh mơ, rồi đứng ở bên ngoài chờ đến khi ta mở cửa hiệu, chờ thật lâu, lúc ta nhìn thấy ông ấy, chiếc áo tơi trên người còn vương đẫm sương sớm, vừa nhìn thấy ta liền toét miệng cười tươi rói, nói cái này là ông ấy đặc biệt mang đến cho ta, bất luận thế nào ta cũng phải nhận.
Mấy ngày nay, thường xuyên có người mang đồ đến cho ta như vậy, đều là những cô bác nghèo khổ đã từng đến nơi này của ta chữa bệnh, ta không nhận, bọn họ liền lén đặt ở cửa, phần lớn là rau dưa và hoa quả, những quả dưa cuống căng mọng nước phủ đầy lông tơ, rau thì lá xanh non mơn mởn còn vương cả hơi đất, vừa nhìn là biết họ tự tay trồng vừa mới được hái xuống.
Đứa bé lần trước cầu xin ta chữa bệnh cho bà nội nó cũng đã tới không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng tíu tít bám theo dúi đồ vào người ta, ta không có cách nào từ chối. Có khi là một nắm dâu dại, vừa dúi vừa giương đôi mắt đầy tha thiết mong đợi nhìn ta: “Tỷ mau ngửi thử đi, ngửi thử đi, có phải thơm nức mũi không ạ? Cái này ngọt lắm, đệ đã ăn thử rồi, ngon ơi là ngon.”
Có khi là một bó ngải cứu thơm ngát.
“Ngải cứu có thể phòng côn trùng, bà nội đệ nói, hiệu nghiệm lắm ạ.”
(*Ngải cứu: là một vị thuốc bắc giúp chữa được nhiều loại bệnh như đau đầu, sơ cứu vết thương, trị mụn hay mẩn ngứa… ngoài ra, những món ăn chế biến từ ngải cứu cũng rất ngon và vô cùng bổ dưỡng, ngải cứu còn giúp đuổi muỗi một cách tự nhiên.)
Khiến ta ngượng ngùng đỏ cả mặt.
Xem bệnh cho bọn họ đối với ta mà nói chỉ là một việc hết đỗi nhỏ nhoi bình thường, nhưng bọn họ lại đem tất cả những gì tốt nhất mình có ra để báo đáp, điều này khiến ta cảm thấy vô cùng khó xử, từ chối thì bất kính mà nhận lấy thì hổ thẹn không thôi.
Thấy ta im thít không có phản ứng gì, mấy vị tai to mặt bự trong thành bắt đầu nổi lửa giận, âm lượng nhất loạt vặn cao hết cỡ, ta đút hai tay vào tay áo vặn qua vặn lại một hồi, nghĩ xem có nên dùng một ít thuốc để bọn họ yên tĩnh một chút không.
‘Thập nhật túy’ cũng được, nhưng nhiều người như vậy say bí tỉ rồi lăn ra ngủ trong cửa hiệu của ta, ta còn phải khiêng bọn họ ra ngoài, rất phiền phức.
Hoặc là dùng ‘Điên gia tán’, nhưng nếu tất cả bọn họ cùng nhau phát cơn điên, ta lại sợ mình không chống đỡ nổi.
(*‘Điên gia tán’ bạn nhỏ Nguyệt Nguyệt tính dùng là bột cà độc dược. Cà độc dược Atropa belladonna cho ra những bông hoa màu tím dịu dàng và những quả đen bóng rất đẹp mắt nhưng có thể khiến người nếm thử hương vị bị ảo giác, mê man và có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, Atropa belladonna lại có rất nhiều công dụng, có thể chiết xuất ra thuốc dành cho những bệnh nhân tim mạch, chữa bệnh Parkinson…)
Phàm là thuốc đều có ba phần độc, sư tổ cả đời chuyên tâm dốc lòng vì ‘đạo làm thuốc’, đối với độc tính và phương pháp sử dụng của các loại dược thảo đều nghiên cứu hết sức chuyên sâu, đích thân người đã sắp xếp Dược Kinh sát ngay bên cạnh Độc Kinh. Sư tổ thường nói làm thầy thuốc mà ngay cả thứ gì độc nhất trên đời cũng không biết thì làm sao có thể tìm ra phương pháp chữa trị? Thời điểm Thần Nông nếm trăm cây thuốc, còn đích thân bị trúng độc đó, ông ấy bò dậy giải độc cho mình rồi lại tiếp tục thử. Độc á độc á trúng riết thành quen, thân thể càng ngày càng cường tráng, khẩu vị càng ngày càng ăn ngon.
(*‘Đạo làm thuốc’ là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công’ – Đây là lời của cụ Hải Thượng Lãn Ông.
** Thần Nông sống cách đây khoảng 5000 năm, được tôn kính như là ông tổ của y học Trung Hoa, thường được biết với tên gọi Viêm Đế – một vị thần huyền thoại. Ông được cho là từng nếm thử hàng trăm loại cây cỏ để kiểm tra các tính chất dược học của chúng và trong dân gian có câu ‘Thần Nông nếm thử trăm thứ cỏ, ngày trúng phải 72 thứ độc’.)
Ta…
Sư tổ chính là như vậy, nói một hồi lạc luôn biên ải, ta riết rồi cũng quen.
Ta phiền não chốc lát, rốt cuộc cũng không quyết định được đến cùng phải làm thế nào để bọn họ rời đi, bỗng đột nhiên ngoài cửa vang dậy tiếng ồn ào, tiếp theo sau đó lại có một tốp người lao vọt vào.