Hoa đào nở rồi tàn trong gió xuân xanh biếc, dâu bể đổi thay, đời người biến động, thấm thoắt đã lại sáu năm qua.
Ở nơi hoang vu yên ắng, cây cỏ đầy màu xanh, dương liễu lả lướt. Gió xuân hây hây phẩy qua khóm hoa đủ loại trên đất. Tiếng suối róc rách như tiếng nhịp phách của thiên nhiên. Trên ngọn cây cao vút, có chú chim cánh trả đang líu lo ca hát, khiến cho cả không gian dịu nhẹ này càng thêm dạng phong tình vô hạn. Trong làn nước trong vắt, mưa hoa lả tả, cánh hoa lê trắng mịn màng nhẹ nhàng đáp xuống mặt nước rồi từ tốn chảy đi, vô cùng đẹp mắt.
Bỗng từ trong dòng nước, một cánh tay trong ngọc trắng ngần vươn lên, rồi tiếp sau đó là một dáng người linh lung mỹ miều đứng lên khỏi dòng nước. Tí ta tí tách, từng giọt từng giọt nước rỏ xuống mặt suối, rung nhè nhẹ, vang dìu dịu.
Mái tóc đen được vén ngang tai, khuôn mặt trắng mịn như sứ như ngọc hiện ra. Chính giữa trán là một cái bớt hình đóa hoa đào, làn da như hoa như phấn, đôi lông mày lá liễu nằm gọn trên hai con mắt đen như trời đêm với làn thu ba lóng lánh nét dịu dàng vô hạn, hai cánh môi đỏ như son, khuôn gương đầy đặn, lộ ra vẻ thông minh sáng lạng, thanh tú vô ngần.
Vân Khinh từ tốn ngả người dựa vào một tảng đá dưới nước. Ở đây đồng không mông quạnh, cô không lo có người bắt gặp. Ngẩng đầu nhìn trời cao xanh ngăn ngắt, Vân Khinh khẽ cong khóe môi hồng. Ngày mai bà bà sẽ quay lại, một tháng không gặp, cô thật nhớ bà bà.
Phải, Vân Khinh chính là Đinh Đinh năm đó rời khỏi Đinh gia. Lúc bà bà đưa cô bỏ đi, có đặt cho cô một cái tên mới: Vân Khinh, vân đạm phong khinh (lạnh nhạt như mây, nhẹ nhàng như gió). Từ nay về sau bỏ qua quá khứ, bắt đầu lại từ đầu, không cần lưu luyến.
Thiếu nữ trẻ khẽ mỉm cười, đi về phía bờ suối. Mấy năm nay, bà bà mang cô đi khắp vào Nam ra Bắc, khắp bảy nước chỉ còn mỗi Tần quốc lớn mạnh nhất với Hàn quốc ngay cạnh đó chưa qua. Vừa đi vừa nghỉ, thoáng chốc họ đã đặt chân tới cả Sở, Triệu, Yến, Ngụy bốn nước, chỉ vì cô cần tìm thần y.
Cánh tay phải của Vân Khinh năm đó bị ngân châm đâm nát kinh mạch chính mà không phải đánh gãy. Cũng may người xuống tay có lòng thương cô khi đó còn nhỏ, nương nhẹ một chút, nên sáu năm qua cầu danh y vô số, cuối cùng cánh tay ấy cũng đã có thể hoạt động như thường.
Mà trong lúc ngao du thiên hạ này, cô cũng có dịp hiểu thêm về thời về thế. Bảy nước cùng tồn tại, trong đó Tần là mạnh nhất, Sở Tề hai nước tiếp theo. Nếu tính thiên hạ được mười phần, Tần độc chiếm mất ba, Sở Tề hai nước cộng lại là bốn, còn lại ba phần do bốn nước Hàn Triệu Yến Ngụy chia nhau hưởng. Kế sách Hợp tung Liên hoành [1] thay nhau bất tận , lửa chiến tranh không ngớt nơi nơi. Ai cũng đều mang dã tâm thống nhất thiên hạ, nhưng ai cũng chưa đủ năng lực để thâu tóm toàn bộ thiên hạ vào tay. Khổ nhất, xét cho cùng cũng chỉ là dân đen thấp cổ bé họng mà thôi.
Dù vậy, có thể bảo vệ chính mình trong thời đại loạn thế này, chỉ nên trông chờ vào năng lực bản thân, suy nghĩ nhiều cũng chẳng giải quyết thêm được gì.
Vân Khinh bước lên khỏi mặt nước, định với tay lấy áo mặc vào. Bỗng nhiên phía cánh rừng trước mặt vang lên tiếng vó ngựa dồn dập. Trong rừng sao lại có ngựa chạy nhanh thế, có vấn đề rồi. Vân Khinh lập tức vươn người về phía trước ôm mớ y phục của mình giấu về phía sau tảng đá lớn bên dòng suối, rồi lại chìm người vào làn nước trong.
Vừa chìm xuống nước, mảnh rừng đằng trước bỗng nhoang nhoáng bóng người. Đi đầu là một nam nhân toàn thân đầy máu đang vọt đi thật nhanh, tiếp sau là ba người cưỡi chung một con ngựa, dáng vẻ chật vật chạy đi, quần áo máu me dính đầy, tóc tai lộn xộn, nhưng nét mặt vẫn rất bình tĩnh vững vàng.
Chíu, chíu, vài mũi tên xé gió lao tới đuổi theo con ngựa kia. Người ngồi cuối cùng trên con ngựa kẹp ba thấy khó lòng thoát nổi liền vung kiếm nhảy lên, hai người còn lại thì một người ôm người kia nhảy tránh ra khỏi mưa tên vun vút bay đến. Con ngựa đáng thương kia chỉ kịp hí lên một tiếng dài rồi ngã ầm xuống đất, cả bụng lẫn tứ chi đều chi chít trúng tên.
Tiếng vó ngựa dồn dập vang lên, mười mấy người áo đen, bịt mặt khăn đen chỉ lộ mỗi đôi mắt ào tới như mưa giông chớp giật, không nói câu nào múa kiếm đuổi theo ba người kia đuổi giết.
Choang choang keng keng, tiếng gươm kiếm va chạm vào nhau vang lên chan chát, ba người kia có hai người trẻ tuổi, hợp sức bảo vệ một người trông dáng vẻ rất thư sinh tao nhã, cố gắng chống cự lại đám áo đen kia. Phút chốc kiếm quang đầy trời tán loạn, hầu như không thấy bóng người vây giết, chỉ thấy hoa máu nở rộ tung bay. Cả một vùng rừng xanh nước biếc thoáng chốc bị vấy màu đỏ ối, ấy nhưng lại có một vẻ đẹp tà mị khó tả.
Không ai lên tiếng, chỉ có bóng gươm ảnh kiếm thi nhau bay lượn, tấn công và phòng thủ, mục đích từng đạo kiếm ảnh vô cùng rõ rệt.
Một đao vung lên, máu tươi bỗng phun ra từ phía ba người đang chống trả quyết liệt. Lưng của một trong ba vừa trúng một nhát, nhưng anh ta nhất quyết không kêu tiếng nào, cắn răng chịu đựng, cả ba đồng lòng không ai lên tiếng kêu người đã chạy xa trước đó quay lại cứu.
Bao năm qua Vân Khinh vào Nam ra Bắc đã quen, gặp qua không ít tình huống như thế. Đám hắc y nhân kia đảm bảo là sát thủ, chỉ cần có tiền mướn là có thể mua tính mạng người khác. Bao nhiêu sát thủ như thế tập trung chém giết, hẳn ba người này chọc phải ổ kiến bự rồi.
Nét mặt không biến đổi, đôi mắt vẫn lạnh lùng, Vân Khinh chỉ nhẹ nhàng vươn tay định chạm vào cây cổ cầm dài mười tấc[2] vốn đang dựa vào tảng đá. Đó là cây đàn tùy thân của cô.
Đúng lúc đó, tiếng vó ngựa bỗng vang lên từ phía rừng bên đối diện. Nam nhân cả người máu me vốn đã chạy trước lại chạy vòng lại, phá rừng xông tới.
Một tay kéo cương, một tay cầm thanh lợi kiếm. Mái tóc đen dài bay tán loạn trong gió, quần áo dán chặt vào người. Đôi lông mày gọn gàng như mũi kiếm nằm chéo như làn tóc mai, đôi mắt ánh lên màu hổ phách sắc bén kinh người. Cái mũi cao thẳng nằm trên đôi môi đang nhướng lên kiêu ngạo, vừa mỏng vừa hẹp. Gương mặt góc cạnh như điêu khắc, cộng thêm vết máu khắp nơi, liền toát ra một vẻ hung hăng ác độc và cay nghiệt.
“Ngài đi trước mau!” Vị thư sinh đứng giữa hai người kia vẫn đang bị vây khốn lo lắng quay lại ngăn cản người mới quay lại.
Vó ngựa chưa dừng, người kia đã thúc ngựa bay vọt tới, không thèm để ý đến việc có người khuyên ngăn, lập tức vung kiếm một nhát. Một đám sát thủ trước mặt vốn đang giơ kiếm lên, lập tức như bị sững lại, ngừng phắt giữa chừng, máu đỏ nhanh chóng phun ra như suối khắp nơi. Người kia cũng vẫn không vì thế mà dừng lại, giật mạnh dây cương, trường kiếm trong tay cũng tiếp tục hoa thêm lần nữa, nhanh như chớp cắm thẳng vào ngực một kẻ hắc y khác.
Hoa máu rộ nở, tiếng ngựa hí dài. Trong mắt Vân Khinh chỉ còn hình ảnh một tử thần áo đen cầm lưỡi hái đang gặt lấy sự sống như gặt rơm rạ. Đường kiếm của hắn nhanh tới mức cô không nhìn rõ, chỉ có sát khí lợi hại bao trùm khiến người khác không hít thở nổi.
Chỉ trong thoáng chốc, mười mấy sát thủ mà nãy ba người kia không đối phó nổi, ấy giờ lại chỉ còn chưa tới một phần ba, mà nam nhân cả người đầy máu kia, trên người, trên lưng ăn thêm hai đao nữa nhưng không thèm để ý, sát khí càng phát ra lợi hại hơn bao giờ hết.
Còn hai sát thủ, bắt đầu thấy không ổn liền khẽ kêu một tiếng, chia làm hai hướng thúc ngựa định chạy thoát, mục đích là lưỡi hái tử thần kia sẽ không thể phân thân làm hai đi đối phó cả hai được, sẽ có một người thoát.
Nam nhân kia chợt quát. “Muốn chạy sao?”
Tay giật cương ngựa, chân đạp lên yên cương một cái, cả thân hình nhoáng lên bay về phía hắc y nhân đang chạy về phía sau lưng hắn. Trường kiếm trong tay vung lên, sát khí chợt đầy nét mặt. Thét một tiếng dài, vung kiếm chém ngang. Máu như hoa tuyết tung lên tứ phía, thân mình tên sát thủ kia gục xuống, ngã phịch xuống đất, mà cả người lẫn ngựa chưa kịp kêu lên tiếng nào.
Mà gã trai dũng mãnh kia sau một chiêu đoạt mệnh, liền nghiêm mặt lại, giơ cao trường kiếm đổi sang tay kia, rồi vung tay ném mạnh về phía tên sát thủ thứ hai vừa chạy. Lưỡi kiếm lạnh lẽo, chớp lóe như lưu tinh truy nguyệt, vun vút bay nhanh.
Vừa ném xong, hắn ta cũng không thèm nhìn lại về phía đó nữa mà xoay người nhìn về phía ba đồng bạn đang phì phò lấy hơi tạm nghỉ. “Sao rồi?”
“Vẫn ổn.” Vị thư sinh có vẻ đứng đầu trong đám gật đầu trả lời.
Mà đúng lúc đó, từ phía xa bỗng vang lên một tiếng kêu thảm thiết, rồi phịch một tiếng như vật nặng rơi xuống đất, chỉ còn có tiếng vó ngựa thấp thoáng. Kẻ chạy thoát rốt cục chẳng chạy thoát.
Vân Khinh thấy thế, không khỏi khe khẽ nhíu mày, hắn ta thật lợi hại. Cô nhẹ nhàng rụt tay lại, hầu như không phát ra tiếng. Nhưng mà…
“Ai?” Gã đàn ông người đầy sát khí kia lập tức quay đầu lại, nhẹ nhàng nhún chân gảy một thanh kiếm dưới đất lên thò tay bắt lấy, rồi rảo bước về phía Vân Khinh.
Vân Khinh thấy vậy, lập tức chộp lấy quần áo mặc vào rồi đứng lên.
Gã đàn ông kia vừa thấy Vân Khinh ra khỏi mặt nước, vẻ mặt lạnh lẽo cô hồn không hề kiềm chế, hai mắt đỏ rực như ma quỷ đầy vẻ tàn nhẫn. Hắn ta không nói thêm câu nào, vung kiếm một nhát nhằm thẳng phía Vân Khinh mà chém, nhanh tới mức cô không kịp có cơ hội lên tiếng câu nào.
——————————————————————————————–
[1] Hợp tung và Liên hoành : hai học thuyết của Tô Tần (Hợp tung) và Trương Nghị (Liên hoành), hai nhà ngoại giao lớn thời Chiến quốc (cũng chính là thời bảy nước như trong truyện), học trò của Quỷ Cốc Tử (học trò ông này còn có Tôn Tẫn và Bàng Quyên, hai nhà chiến lược lớn thời đó). Hợp tung nghĩa là kết hợp theo chiều dọc, chỉ việc sáu nước Tề Sở Hàn Yến Triệu Ngụy cùng liên minh với nhau chống Tần, do Tô Tần đi sáu nước thuyết khách (miệng lưỡi Tô Tần, và việc Tô Tần làm Tướng quốc sáu nước cũng từ đây mà ra !). Còn Liên hoành chỉ việc Trương Nghị, cũng đi khắp sáu nước, nhưng là để thuyết phục sáu nước thôi liên minh chống Tần, mà đồng lòng thần phục nước Tần. Hai chiến lược này nằm trong học phái Tung Hoành gia đương truyền là của Quỷ Cốc Tử, nội dung là luyện cho con người khả năng ngoại giao, sử dụng ngôn ngữ để làm phương tiện sinh sống và lập thân. (theo Wikipedia)
[2] Tấc (thốn): một tấc bằng khoảng 4cm, mười tấc khoảng 40cm, khá là bé, vì Vân Khinh có thể đeo ngang hông để tiện sử dụng. Đây không phải loại cổ cầm dài như bình thường vẫn thấy dùng trong mấy clip nhạc dân tộc đâu.