Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 289: Chương 289: Hồi hai mươi lăm (14)




Hồ Phiêu Hương nói:

“ Hừ, cứ cho là vũ khí địch lại thiên quân vạn mã là có thực đi, nếu rơi vào tay người Minh, thì Đại Việt ta gặp họa lớn rồi. ”

Chấn Nguyên Tử nói:

“ Đại Việt ngày xưa vốn là Giao Chỉ, là một phần của Đại Minh ta, rơi vào tục man di lâu ngày quên cả tổ tiên rồi sao? ”

Hồ Phiêu Hương bèn bốp lại ngay:

“ Xí! Tự dát vàng lên mặt, ai là quận là huyện, ai là con cháu của mấy người kia chứ? ”

Hai bên cãi nhau ỏm tỏi.

Chấn Nguyên tử quay sang phía Trương Tam Phong, nói:

“ Trương chân nhân, ngài nói gì đi… ”

Không cần ai phải nói, người ta tự ý thức được lúc này quyền quyết định sau cùng là ở Trương Tam Phong.

Lão đạo sĩ bèn cười:

“ Các người xem, có người nhắc lão đạo nước phù sa không chảy ruộng người ngoài đấy. ”

Lý Thông bèn nói:

“ Cổ mộ nằm ở trung nguyên mấy ngàn năm, không thể tính là vật của Đại Việt được nữa. Càng hà huống lúc này hết thảy võ lâm đều ở đây, nếu như nhún nhường hai đứa nhóc Giao Chỉ, thì chẳng phải mất hết mặt mũi hay sao? ”

Lời này ám thị không chỉ muốn toàn bộ võ lâm đánh hội đồng Tạng Cẩu Phiêu Hương, ỷ đông hiếp yếu, mà còn bóng gió chuyện cai trị Giao Chỉ lâu dài của người Minh.

Tạng Cẩu và Phiêu Hương tuyệt đối không thể để bí mật Rồng Không Đuôi rơi vào tay người Tàu, thế nên chắc chắn không thể nào nhún được. Mà quần hào trung nguyên, một phần do khiếp đảm cái danh tiếng vũ khí địch lại thiên quân vạn mã, phần khác lại vì mờ mắt bởi của cải châu báu trong mộ mà quyết không lùi bước.

Lúc này Trương Tam Phong buộc phải lên tiếng:

“ Được rồi. Được rồi. Theo bần đạo thì mỗi môn phái cử một người vào theo hai người An Nam này, rồi dựa vào vận may, bảo vật vào tay ai thì người đó giữ. Còn vào mộ rồi thì tự nhiên là dưới ba thước đất, lão đạo này không có thiên lí nhãn mà nhìn xuyên qua, khi ấy sống hay chết bỏ, tranh đoạt cướp giật thế nào là tùy các vị, bần đạo không quản, không biết gì hết! ”

Hồ Phiêu Hương đang định nói: “ Lí Thân là người Đại Việt, người Minh can hệ gì mà muốn chia chác? ” thì Tạng Cẩu đã kéo áo cô nàng, nói khẽ:

“ Thôi Hương đừng làm khó Trương chân nhân nữa. Cậu không nể ông ấy, thì cứ coi như mình trả công giữ mộ hai ngàn năm cho người Tàu đi. ”

Lời này cũng hàm ý ám chỉ Lý Thông là người Tàu, không can hệ gì tới nước nam nữa cả.

Quảng Thành Tử bèn nói:

“ Cớ sao hai người này được vào, mà mỗi phái chúng ta chỉ cử được một người? ”

Trương Tam Phong nhíu mày, đoạn lại dùng công phu truyền âm nhập mật nói riêng với Quảng Thành Tử:

“ Chớ có vô lễ! Nếu không phải thiền sư thấy ngươi cũng bị trúng kế, lại muốn hoá giải can qua, thì nhà ngươi nghĩ đôi tay mình hồi phục được nhanh như thế không? ”

Quảng Thành Tử nghe thế mới tỉnh người. Đôi tay của y bị Tạng Cẩu phế bỏ, đến nay xương cốt cánh tay đã nát, nhưng từ khuỷu đổ đến vai lại không bị hậu hoạn gì, mà kinh lạc gân mạch điều khiển năm ngón vẫn dùng được. Trước đây y cứ nghĩ do nội công mình tài, hoặc Tạng Cẩu hoả hầu non kém mới không phế hẳn đôi tay y đi. Nay mới vỡ nhẽ là có thần y Tuệ Tĩnh ra tay cứu chữa.

Tuệ Tĩnh thiền sư bèn cười:

“ Các vị nếu không chịu, thì cứ vào thử đi. Đợi các vị vào cỡ một tháng hai tháng gì đó rồi hai đứa này vào sau cũng được. Chúng ta không vội. ”

Ông nói ra lời này, thì quần hào Đại Minh mới chịu yên.

Không có chìa khóa Loa thành đang ở trong tay hai người Tạng Cẩu Phiêu Hương thì cửa sinh của ngôi mộ sẽ không mở. Lúc này xông vào chỉ có đường chết.

Về phía Hồ Phiêu Hương thấy bạn khuyên cũng có lí, cô nàng mới chịu thôi.

Các môn các phái chọn ra được người tài tuấn cơ trí nhất, sửa soạn hành lí, chuẩn bị những vật cần dùng như mồi lửa, lương khô nước uống, dây thừng…v.v… Lí Thông là chủ nhà, bèn sai kẻ dưới chuẩn bị nơi ở cho quần hào các phái, lại ấn định ngày đẹp, chuẩn bị vào mộ Thượng Đẳng thiên vương.

Kể tiếp chuyện Lê Lợi…

Hổ Vương dẫn Đinh Lễ về Lam Sơn được ít hôm thì Lê Lễ cũng cáo từ bỏ về một mình. Y không quá dũng mãnh, trí mưu không thuộc hàng đầu, nhìn qua có vẻ chỉ là người phụng mệnh áp lương nên Trùng Quang đế cũng ưng thuận cho về.

Qua được ba tháng, quân Trần khôi phục nguyên khí, lại liên hợp được các lộ nghĩa binh trong dân gian, Trùng Quang đế bèn sai Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Đặng Dung cầm quân đánh ra bắc lần nữa. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, chính biên quyển thứ mười hai chép rằng:

“ Tháng 5, mùa hạ. Đế Quý Khoáng đánh nhau với quân nhà Minh ở Hồng Châu, bị thua.

Đế Quý Khoáng đem bọn Nguyễn Cảnh Dị lại tiến quân đến Hồng Châu, phá vỡ được đạo quân của Giang Hạo, đô đốc nhà Minh; nhân thế thắng, tiến thẳng đến Bình Than. Hào kiệt nghe tiếng, nhiều người hưởng ứng. Đồng Mặc, người Thanh Hóa, hiệu là Lỗ Lược tướng quân, tung quân ra đánh quân nhà Minh, bắt được chỉ huy Tả Địch.

Đế Quý Khoáng trao cho Mặc quản trị phủ Thanh Hóa. Lại có bọn Nguyễn Ngân Hà, Lê Nhị, Lê Khang, Đỗ Cối và Nguyễn Hiêu cũng đều đem dân chúng đánh giết quân nhà Minh. Nhưng vì quân không có người thống lãnh, hiệu lệnh không thống nhất, nên quân nhà Minh đi đến đâu, thì quân sĩ ở nơi ấy liền bị tan vỡ. Đế Quý Khoáng lại dẫn quân về Nghệ An. ”

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không nói gì đến việc này.

Trong các trận này, tướng của Lam Sơn cũng lập được không ít công lao, được thưởng rất hậu, nhưng chiến tích thì tuyệt nhiên không được ghi lại. Chư tướng cũng vì thế mà lấy làm bất bình, duy chỉ có Lê Lợi là hầu như không để bụng, còn một mực khuyên can chư tướng nữa.

Lưu Nhân Chú thấy chủ công cứ cam chịu không oán thán, bỗng thấy tò mò, bèn nhân lúc canh khuya thanh vắng hỏi nhỏ mấy lời.

Lê Lợi bèn nói:

“ Lúc này đang buổi giặc dã nhiễu nhương, sao có thể vì cái tư lợi cỏn con mà làm quân sĩ tự mình cắn xé, vua tôi đấu đá lẫn nhau cho đặng? Huống hồ Đồng Mặc kia tự mình phất cờ bắt được cả chỉ huy quân Minh thì ắt có tài hơn ta. Mình phải học cái tốt của người ta, cớ sao lại hạnh họe ganh tị? Lại nói Lam Sơn ta bây giờ vẫn đang giả ý theo giặc, nếu như bây giờ ta lên nắm quyền một phủ, ngoài mặt thì oai phong, nhưng chẳng có lợi cho đại kế lâu dài. Mà các chư tướng nếu được công lao hiển hách, thể nào giặc cũng cố sức truy tra. Chẳng may truy đến Lam Sơn thì hỏng cả chuyện lớn. U của ta phải nạn đã đành, quan trọng hơn là không thể tiếp tục làm nội ứng. Thực là lợi không bằng hại, được không bù nổi mất. ”

Lưu Nhân Chú cười mà không nói gì thêm về chuyện này, chỉ nghĩ thầm:

[ Bà Thương quả là biết dạy con. ]

Đoạn lại bảo:

“ Bà lớn có viết phong thư cho chủ công, bảo hoàng đế nhà Minh cho chiếu ân xá trăm họ, một mặt lại bảo bọn quan lại rằng: “ Người Giao Chỉ đều là dân của trời, đã vỗ về chúng, thì chúng đều là con đỏ của trẫm. Chúng nhất thời đi theo bọn giặc, nghe nói bị giết, trẫm thực thương xót trong lòng, sao lại nỡ để chúng như vậy? Vả lại, bọn gây tội ác chỉ có mấy đứa thôi, còn trăm họ nơi bãi biển, hang núi,bị chúng cưỡng bức, uy hiếp, hoặc giúp chúng lương thực, hoặc bị chúng đem theo làm giặc ở các nơi, đều là bắt đắc dĩ, bị chúng làm cho lầm lỡ chứ không phải là do bản tâm. ”

Y ngừng một chốc, chờ xem phản ứng của Lê Lợi, rồi mới tiếp:

“ Nếu biết hối hận sửa bỏ lỗi lầm, đều cho được đổi mới. Làm ác chỉ có mấy đứa, trăm họ không có tội gì. Trong đó, người nào hiên ngang dũng cảm, có kiến thức, có thể bắt được mấy đứa kia đem dâng thì nhất định sẽ ban cho quan to, tước cao. Còn bọn làm ác, nếu biết tẩy rửa tâm trí, đổi lỗi sửa mình, thì chẳng những được khoan tha tội lỗi, lại còn chắc chắn được làm quan vinh hiển nữa ”. ”

Chàng bèn đáp ngay:

“ Ấy chỉ là vỗ về ngoài mặt, hòng làm mất cái chí đánh giặc của trăm họ mà thôi. Cũng như cái “ phù Trần diệt Hồ ” năm xưa vậy, vốn chỉ là nói phét. ”

Lưu Nhân Chú bèn đáp:

“ Vua Minh đặt nặng chuyện phu phen sưu thuế, trăm họ đâu phải sung sướng gì? Nhưng nếu không có bà Thương trá hàng thì làm sao biết được cái ngụy kế an dân này? ”

Lê Lợi hiểu đại nghĩa, nên không tranh công tham thưởng, cứ việc gì làm được thì cố hết sức, việc gì được giao thì chẳng nề hà. Lâu dần vua Quý Khoáng thấy chàng không có dã tâm nên cũng không cảnh giác như trước nữa, song cũng không trọng dụng.

Chừng sang năm sau, thì Đặng Dung bàn với vua Trùng Quang cử sứ thần sang nhà Minh xin phong tước lần nữa, kì thực chỉ là kế hoãn binh. Vua Trần Quý Khoáng ưng thuận, cho Hồ Ngạn Thần làm chánh sứ, Bùi Nột Ngôn làm phó sứ sang xin với nhà Minh phong tước vương. Đoàn sứ bộ đi được mấy tháng thì về, cáo là mang theo tin tốt. Vua Minh phong Trần Quý Khoáng làm Bố chánh sứ ở Giao Chỉ, Nghiện Thần làm tri phủ Nghệ An.

Nhưng chẳng được bao lâu thì Hồ Ngạn Thần bị bắt giam, rồi chết trong ngục. Lê Lợi tuy chẳng hiểu vì sao nhưng cũng không hỏi nhiều.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.