Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 308: Chương 308: Hồi hai mươi sáu (14)




Im lặng…

Chỉ có tiếng gió hiu hiu thổi vào đòng đòng, tiếng sóng đập vào bãi cạn…

“ Trận này thú thực, mười phần hết chín là thua, cửa thắng không nằm ở quân ta quyết định. Cho nên, cậu an toàn thoát được khỏi đây, mới là kế sách lâu dài, phòng ngừa vạn nhất. ”

“ Chẳng phải, đế Quý Khoáng an toàn rút lui mới là chuyện quan trọng hay sao? ”

Lê Lợi nhìn con thuyền rồng ở xa xa, vào bóng người mặc áo cổn đội mũ miện đứng nơi đầu thuyền phóng mắt ra phương bắc, nhẹ giọng.

Đặng Dung thở dài, lắc đầu:

“ Đại thế nay đã mất, thánh thượng không có chúng ta phò trợ, không chống đỡ được bao lâu. Mà cậu, cho dù có thoát thân, cũng phải ẩn nhẫn chờ thời mới được. ”

Lê Lợi còn muốn nói nữa, nhưng ánh mắt khẩn khoản của vị Bình Chương khiến chàng chẳng thể mở lời.

Rốt cuộc, chàng cũng nuốt khan một tiếng, hỏi:

“ Còn ngài thì sao? ”

Đặng Dung mỉm cười…

Y nhìn về xa xăm.

Đúng rồi, còn bản thân y thì sao?

Kì thực sớm đã có câu trả lời rồi…

“ Tôi trung không thờ hai chủ. Hà huống, phục Trần vốn là tâm huyết cả đời của tiên phụ… phận làm con sao đành bỏ dở giữa chừng? Hoặc là làm quan nhà Trần, hoặc làm ma nơi chiến địa… vốn không có con đường thứ ba. ”

Y nói những lời này, ngữ khí thì nhẹ nhàng, nhưng ánh mắt hiện lên vẻ quả quyết không gì lay chuyển nổi, khác nào núi lớn giữa trời?

Lê Lợi chỉ biết thở dài…

Chàng quay người, toan bỏ đi…

Bên tai, nhẹ nhàng vương lại mấy lời rất nhỏ:

“ Đáng tiếc, cậu sinh sớm mười năm, thì có lẽ Đặng Dung đã dốc sức cho Lam Sơn. ”

Lê Lợi ngừng bước, ngoảnh đầu nhìn, thì Đặng Dung đã quay lưng về phía chàng, lẳng lặng quan sát địa đồ trên tay.

Những lời ấy là chàng tưởng tượng ra, hay y thực sự nói như vậy?

Không có đáp án.

Lê Lợi nhìn lên bầu không, tự nhủ:

[ Vài năm trước mình hãy còn lông bông chưa hiểu gì, nào đã được như bây giờ? Xem ra là trời xui quỷ khiến, không có duyên với người tài… ]

Chàng cúi đầu, vái một vái, nói:

“ Được đứng chung một trận doanh, đánh Minh với quan Bình Chương mấy năm là vinh dự của Lê Lợi tôi. ”

Nói xong liền bỏ đi, chuẩn bị đánh một trận sau cùng với tư cách là Kim Ngô tướng của Hậu Trần.

Độ năm ngày sau, quân Minh cho thám quân sục sạo mấy nơi hiểm yếu quanh cửa Sái Già, chắc chắn không có phục binh nhà Trần rồi mới cho quân đóng trại ở bờ bắc. Bấy giờ thì bãi cọc, xích sắt, chiến lũy của quân Trần cũng đã chuẩn bị xong xuôi, thủ chắc ở phương nam. Hai bên cách một bờ sông hằm hè lẫn nhau, chia quân đánh thử mấy trận nhỏ, xong chưa chính thức khai chiến toàn diện. Trương Phụ thấy quân Hậu Trần trận nào cũng tung quân đánh chặn, hung hãn quyết thắng thì cực kì mừng rỡ. Tuy là thiệt quân, nhưng lão cũng thăm dò được phen này quân Trần đã quyết một trận tử chiến sau cùng. Chỉ cần lão thắng, quét tan Hậu Trần là chuyện sớm muộn.

Ngày khai chiến…

Quân Minh kéo thuyền lớn dàn trận ở bờ bắc, cờ xí rợp trời, thanh thế như nước tràn đê vỡ.

Thuyền của quân Minh là loại thuyền Phúc Kiến to lớn như nhà lầu, có thể chứa hàng trăm người. Ðáy nhọn, phía trên sàn rộng, đầu ngang và trương ra: đuôi cao, đặt bánh lái ba lớp vào nơi này: quanh biên đóng ván dựng rào tre như bức thành, thiết lập 2 cột buồm. Bên trong có 4 tầng: tầng đáy không thể ở, chỉ chất đá gỗ để lấy thăng bằng lúc bão tố: tầng 2 cho quân lính nghỉ, có cầu thang gỗ lên xuống: tại tầng 3 hai bên phải trái đặt 6 cửa tủ, đây là nơi kéo buồm, nấu nướng, trước và sau tầng này là nơi sử dụng neo thuyền, dây thừng kéo lên kéo xuống phải dùng sức. Tầng trên cùng là đài lộ thiên, cầu thang từ dưới lên tại đây, hai bên lát gỗ làm lan can, lính dựa vào mà chiến đấu, tên, đá, hoả pháo xuất phát từ đây: thuyền địch nhỏ hơn gặp phải sẽ bị vỡ chìm: đánh thành hoặc hải chiến đều lợi hại. Tuy nhiên thuyền này chỉ hành sử lúc thuận gió, thuận triều, quay chuyển bất tiện: lại không thể ghé ngay vào bờ, chỉ nhờ thuyền nhỏ chuyên chở hộ.

Trương Phụ cho rằng quân Trần chạy nạn không đào đâu ra hỏa pháo, nơi đây lại gần sát đất Chiêm Thành nên cũng không thể chôn giấu sẵn được, thành thử lão càng vững dạ.

Trên lâu thuyền gió lộng, Trương Phụ nheo mắt nhìn về phương xa, thu hết chiến trường vào tầm mắt. Lão đã thấy quân Trần có ba trận doanh đặt ở hai cù lao lớn, và một xóm chài ven biển. Bấy giờ ở các cửa sông hiểm yếu đều có thuyền chiến của Hậu Trần neo đậu ngang dọc, dàn thành trận chữ nhất, thuyền này được buộc xích vào thuyền khác, giữa hai bên đóng ván gỗ làm cầu. Hiển nhiên quân Trần sẽ dùng những con thuyền nối đuôi này làm cầu phao, chi viện qua lại cho nhau. Ngoài ra, cửa ngõ để đánh thọc sườn quân Trần ở các cù lao giữa sông cơ hồ đều bị “ bức tường thành ” này chẹn cứng cả.

Còn hai khúc sông chính ôm lấy hai cù lao thì không có chiến thuyền, mà Trương Phụ không lo, càng không dại gì đánh vào đó. Hai nơi này, sông rộng hai trăm trượng, muốn lấy thuyền chặn đứng là chuyện không tưởng. Nhưng nếu lão kéo thuyền vào, lập tức sẽ bị ở thế gọng kìm, bị quân Trần từ hai bên bờ tấn công thì không phải chuyện tốt.

Hà huống, mặc cho quân Trần thủ vững những nơi hiểm yếu, nhưng nếu chỉ dựa vào cung tên thì không cản nổi thế tiến của thuyền lớn. Lão thấy chẳng việc gì phải đi đường vòng cho mất công, cứ đánh vỗ mặt vào phòng tuyến của Đặng Dung, dùng hỏa lực bẻ gãy phản kháng của quân Trần là được.

Mà lúc này trong lòng các tướng cầm quân phía nhà Trần đều thấp thỏm lo âu, không biết trận này nên đánh ra sao.

Trương Phụ tuy có bản đồ sông núi, nhưng không thông thuộc thủy tính, không rõ thời gian nước triều lên xuống. Lão xua thuyền lớn ra lại gặp lúc triều rút, đang rẽ sóng băng băng thì gặp phải xích sắt chặn đường, thuyền lớn bèn dừng gấp một cái, người trên thuyền đều trao đảo.

“ Cho quân chặt xích! ”

Trương Phụ là tướng lão làng, biết chuyện gì vừa xảy ra. Song lúc này thuyền lão vẫn chưa vào tầm tên bắn nên lão chẳng ngại gì. Trái lại, từ vị trí này thì hỏa pháo đã có thể bắn với được vào hào lũy, bãi cọc của quân Trần, lát nữa quân Minh chiếm bãi cạn cũng sẽ thuận lợi hơn. Chứ nếu quân Trần có hỏa pháo thì Trương Phụ sẽ cho lui binh ngay tức khắc. Lão bèn ra hiệu cho thả thuyền nhỏ xuống hộ tống thuyền lớn.

Phía nam, Đặng Dung thấy có quân báo thuyền to của quân thù đã bị kẹt, lập tức hạ lệnh:

“ Hạ lệnh, dùng pháo bắn thuyền.

Chư tướng mau chèo thuyền ra, chặn đánh thuyền nhỏ của giặc! ”

Quân lệnh ban xuống, tức thì từ các mô đất cao, các thuyền chiến chắn ở giữa dòng không ngừng có pháo nổ rung trời. Thuyền lớn quân Minh bị kẹt ở giữa dòng, không thể quay đầu, bây giờ lại lọt vào trận địa của quân Trần, bị hỏa pháo bắn tới tấp thì vô cùng kinh ngạc. Trương Phụ thân chinh bách chiến cũng không ngờ đến sự lạ này, thành thử thuyền trúng mấy phát đạn rồi lão mới kịp định thần, vội vàng hạ lệnh cho quân sĩ mau chóng thả thuyền nhỏ xuống nước. Hỏa pháo bắn xong một lượt, cần phải mất một lúc mới có thể nhả đạn tiếp. Đây là thời khắc nghìn vàng để cắt xích giải phóng cho thuyền lớn.

Lại nói, trận này khác hẳn đại chiến trên bến Bô Cô. Khoảng cách giữa hai bờ sông lúc đó chỉ khoảng hai mươi lăm ba mươi trượng, còn hiện tại thì gấp bốn lần. Mà tầm bắn hiệu quả của hỏa pháo hạng nhẹ lắp trên chiến thuyền, cũng chỉ khoảng hai mươi ba mươi trượng đổ lại.

Thành thử, quân Minh không thể bắn pháo từ bên kia sông, mà phải bơi thuyền ra giữa dòng mới vào tầm bắn. Bằng không, Trương Phụ cũng không đến nỗi phải dùng thuyền lớn ra giữa dòng.

“ Trương Hầu, ngài hãy xuống thuyền trước đi. ”

“ Nhớ kỹ lời ta dặn. ”

Trương Phụ nói xong thì đã có một đám tướng sĩ thân cận của Phụ xúm lại che cho lão, đoạn lại đỡ xuống thuyền lá, cho người giỏi chèo nhanh đưa vào bờ. Lão thấy hỏa pháo bắn rung trời, tức giận đến độ mặt già đỏ tấy lên.

“ Được lắm… Được lắm… ”

Lão cười lên vài tiếng, ánh mắt quắc lên nhìn chòng chọc vào bãi sậy ven sông như thể sắp giết người. Gã chèo thuyền bắt gặp ánh nhìn của Phụ, sởn cả tóc gáy, không dám cả thở mạnh.

Lúc này, một đoàn thuyền nhỏ của quân Minh lướt nước mà đi, ý đồ cắt dây xích. Trương Phụ đã sớm biết quân Hậu Trần đã bỏ hầu hết thuyền chiến lớn, dùng làm tường ngăn cửa sông, thế nên lúc này nếu như thuyền lớn xông tới sát bờ, dựa vào lợi thế độ cao thì có thể chiếm được bãi cạn thả neo. Thế nên lão một mực không để thuyền lớn rút lui, quyết chịu hỏa lực của quân Trần.

Chuyện quân Trần có trong tay hỏa pháo nằm ngoài dự đoán của lão, song lão cũng đoán số lượng hẳn là không nhiều, nên cũng không vội cho lui thuyền lại.

Bấy giờ, lại có đến trăm chiếc thuyền nhẹ chở quân Trần ra đến giữa dòng, nhằm ngay đoàn thuyền con đang lục tục chèo từ bờ ra của quân Minh mà phóng tiễn. Bờ phía nam, trống trận nổi lên từng hồi từng hồi nghe lồng lộng, dội vào mặt sông, đập vào bầu không cao vợi. Trên thuyền, người nào người nấy đều hăng hái, thanh thế mười phần.

Quân Minh trên thuyền thấy thế, vội vàng lấy nào đá nào gỗ, nào hỏa pháo nào hỏa thương, cung tên nỏ cứng ra bắn xuống dòng sông. Bọn này đứng trên thuyền, có ưu thế về độ cao, nên sức sát thương tự nhiên cũng lớn. Nhưng lên trên mặt thuyền lấy vũ khí cũng đồng nghĩa là hứng hỏa pháo của quân Trần. Pháo gầm dậy đất, đạn bắn đầy trời, tức khắc đã có mấy trăm lính Minh trúng pháo rơi xuống đất, thuyền chiến bị trúng pháo hư hại nhiều chỗ. Thuyền nhỏ nhân được pháo trên bờ bắn yểm trợ, phi nhanh tới áp sát vào thuyền lớn của quân Minh, ném thừng leo lên. Chẳng mấy mà đã đã có vài trăm quân lính hai phe ngã xuống nước, kẻ chết người bị cuốn trôi.

Thấy quân Trần có ý muốn leo lên thuyền lớn, quân Minh vội vã cắt cử người bơi thuyền nhẹ ra chiến đấu hòng đẩy lui được đợt tấn công này. Song quân Trần thông thuộc thủy tính hơn, đấu thuyền nhỏ với nhau đương nhiên là có lợi, thế là giữ vững được trận chiến ở giữa sông, không để bị đẩy lùi quá những đoạn xích.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.