Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 300: Chương 300: Hồi hai mươi sáu (6)




“ Lúc đó trên cánh đồng, có một vài người cố tình đánh ngất chàng, rồi tự sát, lấy thân xác đè lên che chắn. Quân Minh nghĩ đã giết hết cả bọn, bèn dùng thương dài chọc mấy cái vào đống xác rồi bỏ đi, chàng mới may mắn thoát chết. ”

Trịnh Ngọc Lữ thở ra, nói:

“ Cũng coi như là có thiện báo. ”

Phạm Ngọc Trần lúc này mới lay lay vai áo nàng mà hỏi:

“ Chị kể hết rồi, nhưng sao em vẫn chưa thấy anh chàng có gì hơn người cả. ”

Ngọc Lữ nén cười, đáp:

“ Trước đây thì chị cũng không hiểu lắm, chỉ biết là trong vô thức thấy chàng có điểm rất khác người. Bây giờ, sau khi hầu chuyện u một thời gian thì hiểu rồi. ”

Nàng cố tình ngưng một chốc để trêu chọc cô nàng Ngọc Trần, rồi mới tiếp:

“ Chàng hơn người ở chỗ, người khác kêu gọi quần hùng dấy binh tạo phản, tuy nhìn chung vẫn là vì việc khởi nghĩa đánh giặc quốc gia đại sự là trên hết, nhưng trong lòng khó tránh khỏi tính toán mấy phần lợi ích riêng tư, muốn sau khi công thành danh toại trở thành hoàng đế quân lâm thiên hạ. Chỉ riêng chàng ta thì lúc ấy hoàn toàn không có tính toán gì tới thiệt hơn được mất của bản thân, chỉ biết vì trăm họ mà tận hết tám chữ: “ cúc cung tận tụy, chết cũng cam lòng ”. Tuy văn tài võ lực còn hạn chế, nhưng cái tâm đã đặt đúng chỗ. ”

Ngọc Trần nghe đến chỗ này, đột nhiên thốt lên:

“ À!!! Thì ra bác Thương cho người đến Hóa châu bày trò, là để thử lòng anh Lợi sao? ”

Ngọc Lữ bèn đáp:

“ Đúng vậy. Nếu lúc ấy chàng không thể hiện được tâm đó, thì u sẽ bất chấp chuyện Trùng Quang đế có phải bậc chân long thiên tử hay không, để cả Lam Sơn đầu quân cho Hậu Trần, hết lòng dốc sức phụng sự đế Quý Khoáng. Khi ấy dù có mất cả cơ nghiệp tổ tông cũng sẽ quyết một phen sống chết với quân Minh, thà chết vinh còn hơn sống nhục. ”

Ngọc Trần nghe đến đây, cũng đã có thể nói tiếp vế sau hoàn chỉnh:

“ Nhưng anh Lợi lại có cái “ tâm ” đó mà bác tìm, nên bác mới quyết định sẽ tự lực cánh sinh? ”

“ Nơi này tai vách mạch rừng, hai cô nỡm lại oang oang bao nhiêu chuyện đại sự thế này, có ngày mất đầu như chơi đấy. ”

Lúc này đã có một người thứ ba xuất hiện.

Giọng nói trầm như tiếng hổ, ấm rực như lửa, ngoại trừ Hổ Vương Đề Lãm e trên đời không còn người thứ hai có cái giọng đặc trưng như thế. Lúc này Hổ Vương đang ngồi vắt vẻo trên một chạc cây, khoanh tay nhìn xuống chỗ hai cô nàng đang đứng, vừa cười nhếch mép vừa nói.

“ Hổ Vương đã đến đây thì cháu không làm phiền nữa ạ, cháu xin lui trước. ”

Trịnh Ngọc Lữ đứng dậy, thi lễ cẩn thận với Hổ Vương rồi nhanh nhẹn đi khỏi cho cha con hai người được ở riêng với nhau. Tuy lúc này cô nàng đã có thể coi là bà trẻ ở Lam Sơn, Hổ Vương thì là khách, nhưng xét cho cùng thì Hổ Vương là tri giao của ông Lê Khoáng, cụ thân sinh của chồng nàng, nên nàng vẫn giữ lễ con cháu trong nhà với ông.

Phạm Ngọc Trần thấy cha, trước tiên là cúi xuống, mân mê vạt áo.

Hổ Vương thì nhảy xuống khỏi chạc cây, thở dài, đến xóc cô nàng lên, cõng lên lưng. Phạm Ngọc Trần bị bất ngờ, hơi hoảng loạn, vội vàng lí nhí:

“ Cha! Bỏ con xuống đi. Con từng này tuổi rồi… người ngoài… ”

“ Người ngoài nào mặc kệ! Con là con gái cưng của cha, cho dù đến năm con ngũ tuần đại thọ sắp xuống lỗ cũng không thay đổi. ”

Hổ Vương nói, đoạn đứng dậy.

Ngày bé, Ngọc Trần không có mẹ dỗ dành, nên mỗi khi cô nàng khóc lóc ông thường hay cõng cô nàng như vậy nhong nhong chạy khắp đầu bản đến cuối bản. Tuy bây giờ cô nàng đã là thiếu nữ, nặng hơn ngày còn bé cả mấy chục lần, nhưng Hổ Vương đâu phải hạng yếu ớt gì, nên vẫn cõng cô nàng trên lưng nhẹ bẫng.

Phạm Ngọc Trần ôm cổ cha, vùi mặt vào tóc ông. Lúc này Hổ Vương đã thấy đầu mình mát lành lạnh, biết là con gái đã khóc. Nghĩ đến chuyện ông chia uyên rẽ thúy, Hổ Vương lại chạnh lòng.

Ông bèn nghẹn ngào:

“ Con gái lớn rồi, ngày xưa cha cõng con, con sẽ nín. Giờ đây cha cõng con, con lại khóc. ”

Phạm Ngọc Trần thổn thức, lại nhìn lên mái đầu cha. Hổ Vương trước giờ vẫn sừng sững như tòa núi chống trời, cô nàng nhìn vào ông vừa yên tâm vừa sợ hãi, thế mà giờ đây đầu cũng đã hai màu tóc mất rồi.

Cô nàng bèn lí nhí:

“ Thì ra cha sớm đã nhìn ra chỗ xuất chúng của anh Lợi, nên mới đề cập ước hẹn cũ với bà Thương. ”

Hổ Vương lại thầm nghĩ, nếu như không phải ông phái người lần theo tung tích của Ngọc Trần đến tận bến Bô Cô, thì đã không phát hiện được mối nghiệt duyên giữa nàng và Đinh Lễ từ sớm để mà tìm cách ngăn chặn. Còn Lê Lợi hơn người thế nào, là chuyện sau này ông kiểm tra chàng trước cổng làng, lại nói chuyện với bà Thương mới biết.

Mà đề cập chuyện cưới xin cũng là để đem ván đóng thuyền cho sớm, tránh để tình cảm hai người thêm sâu đậm.

Nào ngờ lại sinh ra bao nhiêu là chuyện, Lê Lợi xin cả thánh chỉ về, mới buộc Hổ Vương ra hạ sách này.

Hổ Vương không nói những lời này với con gái, mà nói:

“ Con nỡm nhà cô, dám nghĩ cha cô là loại người cổ hủ đấy phỏng? Nếu thằng Lợi là kẻ không ra gì, chẳng cần đến con, cha là người đầu tiên xé bỏ ước hẹn cũ giữa hai nhà, mặc kệ anh Khoáng có đồng ý hay không. ”

Phạm Ngọc Trần bây giờ mới hiểu, đối với Hổ Vương, ước hẹn với người xưa tuy là quan trọng, nhưng vẫn không bằng hạnh phúc cả đời của con gái.

Hổ Vương trong lòng thấy bất nhẫn, bèn nói:

“ Ngọc Trần, mấy hôm trước cha nói chuyện với thằng Đinh Lễ rồi. Ý nó muốn giữ lại thánh mạch không chữa, lấy thần lực thánh mạch ban cho để đánh giặc giúp nước. Chí của y không đặt ở nhi nữ tình trường, lại sợ làm lỡ dở con, nên mới phải ra hạ sách đó. Con nếu đã có tình cảm với nó, thì cũng nên ủng hộ hoài bão của nó. ”

Nói ra được chuyện này, lòng ông tự nhiên thấy nhẹ nhõm hơn chút đỉnh. Tuy nguyên nhân sâu xa là do ngăn cản thánh mạch kết hợp với quả trầm, nhưng chuyện Đinh Lễ không muốn yên bề gia thất bây giờ cũng không phải là giả.

Phạm Ngọc Trần yên lặng một chốc, đoạn thở dài, rồi mới nói:

“ Chuyện này, thực ra con cũng đoán được một hai rồi. Nhưng sao anh ta không nói ngay từ lúc đấy, mà phải đóng màn kịch phũ phàng như vậy. Làm con tức muốn khóc lên được. ”

Hổ Vương đáp:

“ Cô làm như cậu ta không dùng cái giọng ấy, thì cô sẽ nghe đấy. Tôi đẻ ra cô tôi còn lạ gì, kiêu ngạo thành tính, thân lừa ưa nặng. ”

Phạm Ngọc Trần đang leo sau lưng ông, không thể nhìn biểu cảm trên mặt cha, nhưng nghe giọng thì cô nàng đoán chắc Hổ Vương vừa bĩu môi một cái dài cả dặm đường trước câu hỏi của cô. Nhưng khi Phạm Ngọc Trần nghĩ cẩn thận, thì quả thực lúc ấy nếu Đinh Lễ nói nhẹ, chắc cô nàng sẽ cố thuyết phục y bằng được. Mà cho dù có thất bại, thì cũng khó mà bình tĩnh tiếp nhận như bây giờ được.

Vậy mới nói kì thực trên đời, có những chuyện không phải ai nói cũng được tiếp nhận giống hệt nhau. Cô nàng đảo mắt một cái, lại đổi giọng:

“ Cha này, hay bây giờ con đến chỗ Lê Lợi đánh trận, trước là có thể dùng thuật ngự thú giúp đỡ ít nhiều, sau cũng để từ từ quan sát xem anh ta là người ra sao. ”

“ Tiền tuyến là nơi giáo gươm va chạm, cung mác tung hoành, nghiêm hiểm trùng trùng như sóng, đâu phải chỗ cho trẻ con chơi? ”

Hổ Vương nghe vậy, lập tức rắn giọng từ chối.

Phạm Ngọc Trần bấy giờ mới giở chiêu làm nũng, dụi mặt vào tóc Hổ Vương mà yêu cầu:

“ Cha… đồng ý đi mà… cùng lắm cha cho chú bác nào trong bản theo sát bảo vệ con là được. ”

Hổ Vương thở dài:

“ Cái giọng này tức là nếu cha cô không đồng ý, thì cô lại tự ý chạy đến chỗ quân Trần có đúng không? Ài… con mới chả cái, từng này tuổi đầu rồi mà tôi còn phải đau đầu nhức óc lên vì cô mấy phen. ”

Thấy Hổ Vương không phản đối nữa, Phạm Ngọc Trần mới khấp khởi mừng thầm.

Đêm hôm ấy, Hổ Vương không nghỉ ngơi mà cưỡi hổ chạy đến chỗ trại chó của Nguyễn Xí, tìm một gian nhà còn sáng đèn mà vào.

Vừa đẩy cửa, thì Đinh Lễ đã đặt quyển binh thư trên tay xuống bàn, vái chào ông một cái.

Hổ Vương bèn phất tay, lại nói:

“ Chuyện hôm nay đúng là làm khó cậu. ”

“ Không có gì đâu Hổ Vương, Ngọc Trần dù sao cũng là bạn cháu, sao cháu đành lòng để cô ấy mất mạng vì cháu được? ”

Đinh Lễ cười, kéo ghế để Hổ Vương ngồi, lại đi rót nước mời ông.

Có tiếng y vọng từ buồng trong ra:

“ Thực lòng mà nói, nếu không làm theo kế của Hổ Vương, lấy cá tính kiêu ngạo ương ngạnh của Ngọc Trần chắc gì đã chịu nghe cháu giải thích. Hà huống chi, chuyện ngọc nát hương bay sau khi cháu và cô ấy kết hợp thực quá hoang đường. Nếu không phải Hổ Vương là người thẳng tính, lại có cả lời của thiền sư Tuệ Tĩnh thì ngay cả cháu chưa chắc đã tin nổi. ”

Hổ Vương nói:

“ Dù có thế nào đi chăng nữa, thì chuyện ta thiếu cậu một cái ân là có thật. Thế nên, vật này coi như là lễ tạ. ”

Đinh Lễ chưa kịp nói lời chối từ thì Hổ Vương đã mất bóng. Trong căn phòng leo lét ánh đèn chỉ còn chén nước ông chưa từng đụng môi, và một hai trang sách vàng vọt cũ kỹ trên bàn.

Tờ thứ nhất ghi mấy chữ;

“ Thần công này tuyệt đối không thể truyền cho bất cứ ai khác, học nằm lòng rồi thì mau đốt nó đi. Sau này nếu có người hỏi, thì tuyệt đối không thể khai ra tên của môn thần công này, bằng không cho dù cậu chạy tới chân trời góc bể, ta cũng tìm giết bằng được. ”

Đinh Lễ thầm nghĩ:

[ Rốt cuộc là thứ thần công gì mà Hổ Vương lại đặt điều kiện nghiêm cẩn hà khác đến thế? ]

Đầu nghĩ, thì tay đã giở đến tờ thứ hai.

Bốn chữ đầu tiên đập vào mắt Đinh Lễ chính là “ Phiên Thiên Chân Ngôn ”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.