Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 134: Chương 134: Hồi mười bảy (1)




Nhóc chó bẩn làm bẩn áo cưới

Đại anh hùng đại phá ngoại xâm

Trước kể đến đoạn Tửu Thôn đồng tử và đồng bọn trốn thoát khỏi cấm cung ngay trước mũi mọi người.

Thị vệ không ngờ rằng thích khách sẽ bay từ nóc điện ra, nhất thời ngây người không phản ứng kịp. Đến lúc giương cung cài tên... thì ba tên thích khách đã đi khuất bóng từ bao giờ rồi. Cuối cùng đành để một người vào phục mệnh với Chu Đệ, số khác chia nhau đuổi theo truy tìm tung tích ba người Tửu Thôn.

Vào cung phân trần còn có ba người Hồ Quý Li.

“ Thực tình lúc đó chúng thần nghĩ... ba tên này lọt được vào đây ắt là có nội gian tiếp ứng. Mà không loại trừ khả năng, đám sâu mọt này thâm nhập được vào cấm vệ quân. Tiếng của thượng quốc loại ít học chúng thần lại không sõi, thành ra mới có hiểu nhầm này. ”

Hồ Nguyên Trừng nói xong, lập tức cúi xuống chờ đợi phản ứng của Chu Đệ.

“ Trẫm đã biết. Hai khanh nóng lòng muốn hỗ trợ Tạng Cẩu, có trách thì trách đám ngu xuẩn kia không phân biệt địch ta. Hôm nay ba vị khanh gia xứ An Nam hộ giá hết lòng, có công rất lớn. Chuyện trọng thưởng là điều tất nhiên. Song việc trẫm biết võ công càng ít người biết càng tốt. Hiểu không? ”

Ba người cúi đầu vâng dạ.

Vĩnh Lạc lại tiếp:

“ Hôm nay trẫm bị kinh động lớn, hiện tại không có tâm trạng nào xử lí công văn phê duyệt tấu sớ. Truyền bãi triều. ”

Đám văn quan, võ tướng thì sớm đã bị hung uy của Tửu Thôn đồng tử dọa cho vỡ mật nát gan. Nay nghe hai tiếng bãi triều mà như được đại xá, tên nào tên nấy thi lễ vội vàng, rồi lủi thật nhanh. Duy chỉ có ba người bọn Hồ Nguyên Trừng là nán lại.

Chu Đệ cho truyền ngự y lo cho Liễu Thăng, rồi mới thở ra một hơi dài:

“ Trẫm biết, các khanh muốn hỏi chuyện của Đại Y thiền sư. ”

Ba người Nguyễn Phi Khanh thoáng thở chậm lại một nhịp. Quả thực, bọn họ cất công huyên náo đến thế, cuối cùng cũng chỉ muốn biết Tuệ Tĩnh thiền sư bây giờ ra sao mà thôi.

Vĩnh Lạc đan hai bàn tay vào nhau đỡ lấy cằm, hai khuỷu chống lên mặt bàn.

Ánh mắt y nghiêm túc dị thường.

“ Các khanh chắc cũng biết chuyện xác tên Lý công công giả được tìm thấy trong Ngự Thư phòng. Đại Y thiền sư cũng ở đó, và cũng không giải thích hay phân trần gì thêm. ”

“ Thế nên... bệ hạ bắt giam ông lại, xét xử cùng tội với thích khách? ”

Hồ Nguyên Trừng nghiêng đầu, nheo mắt, giọng đầy ngờ vực.

“ Không sai. ”

“ Tại sao??? ”

Chu Đệ thoáng dừng lại một chút.

Tại sao à??? Chẳng biết đã bao lâu rồi, có lẽ từ khi phụ hoàng y mất, đã không còn ai hỏi Vĩnh Lạc câu đấy nữa. Phần nhiều là vì không dám hỏi. Tất cả cứ răm rắp tuân theo y, giống như một lũ chó săn được thuần dưỡng vậy.

Nay được nghe lại, không thể không nói là có phần lạ tai.

Y từ tốn đáp:

“ Trẫm là vua một nước. Mà đã là vua, thì phải có uy của đế hoàng. Nếu không nghiêm trị, thử hỏi từ nay về sau trẫm làm sao ngồi chắc trên cái ngai này được?? Thế nên ắt phải nghiêm trị, cho đám loạn thần tặc tử kia run sợ mà từ bỏ ý đồ. ”

Hồ Quý Li, Nguyễn Phi Khanh không hé môi lấy dù chỉ một chữ.

Họ tin, Hồ Nguyên Trừng sẽ nói điều họ đang nghĩ trong đầu.

“ Bệ hạ... Nguyên Trừng biết trong mắt thượng quốc các ngài, đám An Nam chúng tôi chỉ là những kẻ man di. Nhưng người nước Nam chúng tôi không hề ngu xuẩn. Ngài nghĩ tôi sẽ tin những gì ngài nói ư? Đường đường là Vĩnh Lạc đế, lại tầm thường như thế chăng?? ”

Chu Đệ cười phá. Cười rất giòn giã, rất thoải mái. Đến nỗi chảy cả nước mắt.

Chỉ trong vòng có một ngày duy nhất là hôm nay, mà y thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc hơn mấy chục năm cuộc đời cộng lại.

“ Không sai! Không sai! Đúng là không giấu được ông tổ Thần Cơ. ”

Hồ Nguyên Trừng thở phào.

Xem ra là chàng đoán đúng.

Chu Đệ vừa cười, vừa nói:

“ Vẫn biết là thiền sư vô tội, song cũng cứ phải diễn cái màn kịch chém đầu để đám loạn thần tặc tử kia xem. Có như thế, chúng mới không làm phiền thiền sư nữa. Hừ, giả như thiền sư chết thật, Chu Đệ này sẽ mang cái tiếng làm vua hồ đồ. Chẳng phải mắc mưu của đám nhãi ranh ấy hay sao? ”

“ Bệ hạ anh minh. ”

Ba người đồng thanh hô vang.

Đồng thời, trong lòng cũng phải chặc lưỡi thừa nhận.

Ấy là trong buổi binh đao loạn lạc này, nước Nam muốn trở mình được, thì cần có một vị đế vương sánh ngang được Chu Đệ.

Vĩnh Lạc đế phẩy tay, nói:

“ Tạm thời đừng để mấy đứa nhóc biết, kẻo lại mồm năm miệng mười tai vách mạch rừng. Đúng rồi, trước khi rời cung, Đại Y thiền sư có nhờ trẫm chuyển thứ này lại cho thằng nhóc. ”

Hồ Nguyên Trừng nhận tấm vải từ tay Chu Đệ, sau đó bèn tâu:

“ Nay mọi chuyện đã xong xuôi, bản vẽ Thần Cơ sang pháo và thuyền Cổ Lâu cũng đã dâng cho bệ hạ, xin cho phép chúng thần được rời cung. ”

“ Chuẩn tấu! ”

Dù rất phục tài Hồ Nguyên Trừng và muốn y phụng sự cho mình, song Chu Đệ biết thời cơ vẫn chưa chín muồi, thành thử ưng chuẩn cho cả năm rời cung về chờ ở căn biệt phủ.

Chỉ còn một mình, Chu Đệ mới hắng giọng, cất tiếng:

“ Mật đạo bên dưới điện Thái Hòa mà nhà ngươi phát hiện xem chừng không có nguy hiểm gì. Thế nhưng... con bé ấy dầu gì cũng là công chúa cũ của nhà Hồ, có nghĩa quân thần với nhà ngươi. Sử dụng nó như thế, không phải quá tuyệt tình ư? ”

Trong góc tối của đại điện bước ra một bóng người gầy nhỏ. Y chắp tay hành lễ với Chu Đệ một cái, nói:

“ Thần chỉ tận nghĩa với công chúa, làm đúng như những gì được nhờ vả. Huống hồ năm xưa ở nước thần có trạng Nguyễn Hiền, từng dùng con kiến xâu sợi chỉ qua vỏ ốc. So với chuyện hôm nay cũng không khác nhau lắm. ”

Chu Đệ nghe xong, gật gù ra vẻ hài lòng, lại cảm thán:

“ Đúng là cái đám mắt mù, ngọc quý trong đá không biết đem mài, lại coi như đá sỏi bình thường mà đập vỡ. Nay ngươi đã là hoạn quan, chiếu theo lẽ thường không thể có quyền tước. Ài... Thôi ngươi tạm lui xuống trước, sau này trẫm sẽ có chỗ dùng đến. ”

“ Vậy thần xin lui... ”

Y mới đi đến cửa, Chu Đệ đã gọi với theo:

“ Khoan! Nhà ngươi tên gì?? ”

“ Hồi bẩm, thần tên A Lưu. ”

“ Trẫm hỏi: Nhà ngươi tên gì?? ”

Chu Đệ nhắc lại câu hỏi một lần nữa, giọng đanh thép hơn hẳn bình thường.

“ Dạ, thần là Nguyễn An. ”

Người thái giám nọ khẽ cúi mình, đáp.

“ Tốt! Nguyễn An của Đại Việt! Trẫm sẽ ghi nhớ cái tên này. Bây giờ cho lui. ”

Rời khỏi điện Thái Hòa, Nguyễn Phi Khanh bèn cùng về nơi nghỉ tạm, ăn bữa cơm với hai cha con Hồ Quý Li.

Tạng Cẩu đánh đấm cả ngày, mấy lần mém chết, giờ đã lăn ra kéo gỗ trên giường, chắc có gọi nó cũng không tỉnh. Thế nên ba người quyết định ở lại trong cung một đêm cho nó yên tâm nghỉ ngơi, sáng mai xuất cung cũng chưa muộn.

Bữa tối hôm đó...

Chu Đệ căn dặn ngự thiện phòng chuẩn bị yến tiệc theo kiểu Đại Việt, gọi là tiễn chân cha con Hồ Nguyên Trừng. Bốn người xa quê đã lâu, đồ ăn của Tàu nhiều dầu mỡ, mọi người ăn không quen sớm đã hơi ngấy. Nay gặp đồ cố quốc, lại thấy cái vị thanh thanh hài hoà của ẩm thực Kinh Bắc, làm lòng ai cũng thấy bùi ngùi nao nao. Mặc dầu không thể so bằng món do chính tay người Việt nấu, song cũng ăn rất vui vẻ.

Vừa ăn, Hồ Phiêu Hương vừa thuật lại chuyện Nguyễn An và mật đạo bên dưới điện Thái Hòa. Cô bé kể chuyện mình gặp Liễu Thăng, hai người một vác trường thương một ôm đao Lĩnh Nam băng qua mật đạo tối thui. Để rồi phát hiện cửa ra của đường hầm được khéo léo giấu sau con sư tử đá trên bậc cao nhất của điện Thái Hòa.

Ba người nghe xong, đều tấm tắc sự đời lắm lúc cũng li kì chẳng kém gì tiểu thuyết, đồng thời cũng phải chặc lưỡi khen Nguyễn An là tài hoa.

“ Mém nữa vui quá quên chuyện chính. Đây là vật mà thiền sư Tuệ Tĩnh căn dặn chuyển lại cho hai đứa. ”

Nguyễn Phi Khanh ngà ngà say, mặt già đà ửng hồng, mới sưc nhớ ra chuyện chuyển lại miếng vải của Tuệ Tĩnh thiền sư cho Hồ Phiêu Hương. Cứ như lời Chu Đệ, thì thiền sư căn dặn phải đưa nó cho Tạng Cẩu. Thế nhưng thằng ranh này gần đây trọng võ khinh văn, còn chưa sõi mặt chữ, thành thử có cho nó cầm cũng chưa chắc nó biết thiền sư muốn nhắn nhủ điều gì. Nghĩ đi nghĩ lại, Nguyễn Phi Khanh quyết định giao cho Hồ Phiêu Hương. Dầu sao cô bé cũng từng tìm kiếm tung tích thánh tổ ở ngự thư phòng cùng thiền sư, biết đâu sẽ hiểu điều ông muốn gửi gắm.

“ Con nhất định thay thiền sư hoàn thành di nguyện. ”

Hồ Phiêu Hương nhẹ nhàng đỡ lấy miếng vải, nâng niu cẩn thận vô cùng.

“ Con thử mở ra đọc, xem thiền sư viết gì trong đó? ”

Hồ Quý Li lên tiếng nhắc.

Bản thân ông, cũng như hai người Phi Khanh Nguyên Trừng đều tò mò muốn biết Tuệ Tĩnh thiền sư sẽ nói gì với hai đứa nhóc.

Hồ Phiêu Hương trải tấm vải lên bàn, nhẹ nhàng mở các góc bị gấp ra.

Miếng vải không phải thư tuyệt mệnh hay di nguyện như trong tưởng tượng của cô bé, cũng chẳng phải chỉ dẫn khuyên răn như ba người Nguyên Trừng đã nghĩ. Trên miếng vải chỉ ghi độc bốn dòng cộc lốc, hai mươi tám chữ.

“ Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên,

Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên.

Ngư ông thuỵ trước, vô nhân hoán,

Quá ngọ tỉnh lai, tuyết mãn thuyền. ”

Dịch nghĩa:

Trời xanh vạn dặm soi sông

Một thôn dâu biếc, một thôn khói dầy

Ngư ông ngủ, chẳng ai lay

Quá trưa tỉnh giấc, tuyết bay đầy thuyền.

( Bản dịch trên thivien.net)

Ấy là một bài thơ.

“ Chẳng phải là bài “ Túy Trước ” của Hàn Ốc đời Đường hay sao? Nhưng... thánh tổ là người thời Lý – Tống kia mà. ”

Nguyễn Phi Khanh đưa ngón tay gãi gãi cằm, ra chiều khó hiểu.

Hàn Ốc... có liên quan gì tới thành Cổ Loa?? Tại sao Tuệ Tĩnh thiền sư lại đề bài thơ này lên tấm vải?

“ Thành Cổ Loa xây theo hình xoắn như con ốc, biết đâu lại có huyền cơ liên quan tới cái Hàn Ốc thì sao? ”

“ Ta lại thấy, có khi bài này gợi ý chúng ta nghĩ theo hướng khác. Túy trước nói lên cái nhàn của ngư ông, mà thánh tổ Khổng Lồ lại được ngư phu tôn làm thủy tổ. Trước giờ chúng ta vẫn tìm sử liệu liên quan đến chuyện rèn đúc. Phải chăng là nhầm hướng?? ”

Cả bốn người lần lượt đưa ra giả thuyết của mình, xong lại im lặng nhìn nhau, rồi nhìn tấm vải.

Bài thơ quả thực là một nan đề.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.