Thuật Yêu Đương

Chương 2: Chương 2: Tâm hồn của người đàn bà




1. SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ

Địa vị người đàn bà trong xã hội Việt Nam ngày xưa thật là đau đớn bất công. Tại sao người đàn bà, mẹ của loài người, một sinh vật quan trọng nhất của nhân loại lại phải lệ thuộc người đàn ông, mà về đức hạnh, về trí tuệ có khi còn thấp kém hơn nhiều? Tại sao lại phải đóng một vai tuồng phụ thuộc? Và tất cả những gì mà người đời cho là cao cả nhất, như danh vọng, quyền thế, những địa vị quan trọng nhất trong guồng máy chính trị, họ lại không được hưởng như người đàn ông? Tại sao quyền hạn không được bình đẳng với người đàn ông và tại sao những hành động mà người đàn ông được làm và được tha thứ thì người đàn bà bị cấm cản và xem như là phạm tội? Tại sao người ta lại đòi hỏi nơi người đàn bà quá nhiều và quá cao về tư cách, hạnh kiểm như thế? Người ta đòi hỏi nơi người đàn bà những hy sinh quá to tát mà người đàn ông thường không bao giờ làm.

Phải chăng đó là sự bất công của chế độ phụ tộc gây ra không? Không. Nếu ta xét xem cho kỹ về tâm hồn sâu sắc và sứ mạng thiêng liêng của người đàn bà trong xã hội loài người, ta sẽ thấy những hạn chế, những bất công, những đòi hỏi quá cao nơi người đàn bà không có gì là quá đáng cả. Hễ là sứ mạng càng cao, trách nhiệm càng nặng thì sự đòi hỏi của người ta đối với người đàn bà càng nhiều. Cho nên không phải đó là một sự điếm nhục mà thật ra là một danh dự và hãnh diện cho người đàn bà vậy.

2. PHONG TRÀO NAM NỮ BÌNH QUYỀN

Bởi người ta không hiểu lẽ ấy, nên ngày nay mới có phong trào “nam nữ bình quyền”, người đàn bà đòi hỏi phải được ngang hàng với người đàn ông… Thuyết bình đẳng hình thức của Tây phương đã cám dỗ người đàn bà ngày nay và làm cho họ cố gắng bắt chước người đàn ông và tưởng lầm rằng chỉ có người đàn ông và làm được như người đàn ông mới là được hoàn toàn cao cả mà thôi.

Sự hiểu lầm về sứ mạng thiêng liêng đặc biệt của người đàn bà trong xã hội loài người xui phụ nữ ngày nay “bắt chước” người đàn ông trong từng manh mún hành vi… Và cũng chỉ vì hiểu lầm như thế mà phụ nữ ngày nay mới biết cái tâm cảm tự ti… và tìm cách đồng hóa với người đàn ông để che giấu cái tủi nhục hèn kém của mình. Thật đáng thương hại cho những “phụ nữ tân thời” ăn mặc như đàn ông, cố gắng tranh đua với đàn ông trong những cuộc thi chọi về trí thức, cũng như về sức khỏe. Thật không gì chua xót bằng khi ta thấy người đàn bà đi bắt chước người đàn ông, mà phủ nhận cái trách nhiệm và sứ mạng cao cả của mình.

Sự lầm lạc ấy làm cho người đời nay đem giáo dục và học vấn của người con trai bắt buộc con gái cùng theo. Thật là một tai hại đã làm hư hỏng một cái gì quý báu nhất nơi người đàn bà, làm cho xã hội loài người mất một tay cộng sự đắc lực và vô giá, và cũng không đem lại cho người đàn bà cái hạnh phúc mà chính họ mới mang lại được cho chúng ta mà thôi. Cái khuynh hướng “nam nhi hóa” phụ nữ ngày nay là một việc làm vô ý thức, tai hại cho hạnh phúc chung của loài người không phải nhỏ. Đây là một vấn đề rất quan trọng, tôi sẽ đề cập và bàn đến ở một nơi khác và một khi khác. Cơ năng trí tuệ của phụ nữ khác hẳn với người đàn ông. Ngoài những điều cần có như người đàn ông, người đàn bà cần trang bị đủ điều kiện để thực hiện được thiên chức thiêng liêng của họ là làm vợ và nhất là làm mẹ.

3. THEN CHỐT CỦA TÂM HỒN NGƯỜI PHỤ NỮ

Tất cả tâm hồn của người đàn bà có thể quy vào một chỗ: “quả tim”, nghĩa là phần đông người đàn bà sống hay chết chỉ vì “con tim” của họ.

Họ yêu bằng “quả tim”, họ suy nghĩ bằng “quả tim”, họ hành động theo cảm xúc của “quả tim”. Nhưng tình yêu của họ là một thứ tình yêu vị tha, nghĩa là trung tâm tình yêu của họ không phải nơi họ, mà là nơi một kẻ khác, một kẻ mà yêu thương như chồng, con, cha, anh hay bè bạn…

Trái lại, phần nhiều tình yêu của người đàn ông là thứ tình yêu vị kỷ, nghĩa là họ lấy sự vui thích riêng, quyền lợi riêng và hoạt động của họ làm trung tâm cho tình yêu của họ.

Người đàn bà chỉ sung sướng khi nào họ thấy kẻ mà họ yêu thương hoặc họ muốn được yêu thương sung sướng. Cũng như họ đau khổ khi nào họ thấy những kẻ họ yêu thương hay muốn được yêu thương đau khổ. Tình yêu của họ là một thứ tình yêu lệ thuộc kẻ khác. Không gì minh chứng rõ ràng khuynh hướng ấy nơi người đàn bà bằng tình mẫu tử. Sự sướng khổ của bà mẹ, không ở nơi mình, mà ở nơi đứa con của mình. Cái sung sướng của người con làm cho mẹ sung sướng đến chảy nước mắt. Họ cảm thấy sung sướng cái sung sướng của con mình còn hơn cái sung sướng của chính đứa trẻ ấy… Cho nên, cái sướng hay khổ của đứa con không sướng không khổ bằng cái sướng khổ của bà mẹ.

Người đàn bà khao khát sống cho kẻ khác, sẵn sàng hy sinh cho kẻ khác, tràn trề lòng tri ân đối với những ân huệ mà họ được thừa hưởng nơi kẻ khác – dĩ nhiên họ rất đau khổ nếu kẻ khác không nhớ đến công ân của họ, nếu kẻ khác không biết lo lắng chăm nom đến họ, nếu không có một kẻ nào sống vì họ và sẵn sàng hy sinh cho họ.

Ngọn lửa lòng của người đàn bà, nếu không có một kẻ nào khác để bồi bổ, nếu không có một kẻ nào khác biết nuôi dưỡng … nó sẽ tắt ngay. Bởi vậy, tình yêu của họ là một thứ tình yêu lệ thuộc, lệ thuộc nơi người họ yêu hay muốn được yêu.

Người đàn ông, trái lại, tình yêu của họ là một thứ tình yêu vị kỷ. Họ có thể sống tự túc, sung sướng với riêng mình, không quan tâm gì đến sung sướng hay buồn khổ của người chung quanh. Họ không lo lắng cho ai, cũng không mong mỏi làm cho ai sung sướng hay đau khổ, bởi vậy, họ cũng không bận gì đến lòng biết ân của ai, cũng không thắc mắc gì cả nếu không được ai chăm nom săn sóc đến họ.

Mong mỏi được sống độc lập tự túc, họ tìm đủ cách để tránh xa sự xúc cảm, họ có thể sống không cần yêu ghét, không cần vui buồn, không cần tiếng khen chê của kẻ khác. Tình yêu của họ không cần lệ thuộc một ai cả, ngọn lửa lòng của họ cháy lấy một mình, không cần một bàn tay nào khác bồi dưỡng cả. Bởi vậy, người đàn ông có thể sống một mình trong cô tịch, tự mình có thể tiêu diêu tự tại, còn người đàn bà thì không thể nào sống như thế được.

Ta cứ xem những đứa trẻ cùng sống trong một gia đình, khi chưa bị lối giáo dục nhồi sọ nào làm sai bản tính thì rõ… Con trai, thì ao ước có một trái banh, một cây súng, một cây kiếm hay một chiếc vòng để biểu diễn sức lực và tài giỏi của mình; con gái, trái lại, muốn có một em búp bê bế để ru ngủ, để săn sóc, để nâng niu. Con gái thì trong khi bày trò chơi, thích làm bà mẹ, bà thầy, người thầy thuốc hoặc một bà vú, còn chơi thì thích chơi với những đứa nhỏ hơn để có thể rầy la, nựng nịu, hoặc chỉ huy và được chúng âu yếm. Hễ học thì đứa gái sẽ cố gắng học để vui lòng mẹ hay vui lòng thầy, để được ban tặng những niềm âu yếm. Trái lại, con trai thì khi chơi, thích chơi với những trẻ lớn hơn để có thể tranh tài đấu sức, muốn đóng vai anh tài xế hay ông tướng lãnh để được chỉ huy, có nhiều kẻ phục tùng. Còn việc học hành hoặc giúp đỡ mẹ trong những công việc gì trong nhà, là đòi hỏi một phần thưởng gì, nếu không phải là kẹo, mứt, hay món đồ chơi… hoặc vì bị hăm dọa phải chịu một hình phạt gì.

Những thiên tính ấy… chúng vẫn gìn giữ y nguyên sau này khi ra đời: đàn ông thì chỉ quan trọng đến những gì có lợi cho riêng mình, cho sự vui sướng riêng mình; còn người đàn bà thì luôn luôn lo nghĩ đến kẻ khác, lo nghĩ đến cách làm vui lòng kẻ khác, săn sóc đến kẻ khác và bắt buộc kẻ khác phải để ý đến mình. Dù cho là hạng người đàn bà ích kỷ, đê tiện bậc nào, người đàn bà chỉ tìm sự vui sướng cho mình thôi cũng vậy, họ vẫn đặt trung tâm của hạnh phúc họ nơi kẻ khác. Họ bắt buộc kẻ khác phải yêu thương săn sóc họ, chết sống cho họ… Tình yêu họ vẫn là tình yêu lệ thuộc bên ngoài. Hạnh phúc của họ, không thể là thứ hạnh phúc tự họ gây ra được mà phải do kẻ khác mang lại cho họ.

Ngay như người đàn bà đến tuổi tàn niên, nếu điều kiện vật chất của họ khá đầy đủ và cho phép họ được an nhàn, họ vẫn không chịu an nhàn. Người đàn ông cùng một cảnh ngộ như họ, sẽ tìm cách dưỡng nhàn, tránh tất cả những cái gì có thể làm bận rộn họ. Như ông bà của chúng ta, ông thì không thích ràng buộc theo con cháu, muốn sống một mình không bận rộn, không lo lắng gì đến ai nữa cả? Trái lại, bà thì bận bịu theo con cháu, yêu thương chiều chuộng còn hơn lúc bà nuôi con ruột của bà nữa. Đối với bà, không có ai biết yêu thương cháu bằng bà, săn sóc cháu bằng bà, trong lúc mà bà có quyền hưởng cảnh an nhàn lại là lúc bà quyến luyến đau khổ hơn khi nào hết.

Đối với người đàn bà, thời gian hạnh phúc nhất là lúc mà sự lo lắng gia đình và xã hội thu hút tâm tư và hoạt động vật chất tinh thần họ, khoảng mà tâm hồn họ xúc cảm nhất, khi mà đối với con họ, họ đóng vai tuồng bà mẹ, bà thầy, và người yêu thứ nhất của chúng, người đàn bà nào sống cô độc: không anh, không em, không con, không cháu để mà quyến luyến yêu thương, không có một kẻ đau khổ nào để họ an ủi, giúp đỡ, không làm được một cô giáo, một bà thầy hay một nhà tu hành độ nhân tế thế như đức Quan Âm, nghĩa là kẻ không có một mục đích gì thực hiện và hoạt động vị tha trong đời, kẻ ấy sẽ trở nên gay gắt và tâm hồn sẽ biến đổi sa đọa lạ thường.

Không có gì khó chịu nhất đối với người đàn bà bằng sự ở không, nhưng sự lạnh lùng cô độc không có gì đau đớn hơn cho người đàn bà bằng một cuộc đời không có gì để họ xúc cảm, yêu thương và đau khổ.

Lòng yêu vị tha của người đàn bà là một sự cần thiết cho giống nòi. Thiếu nó, nhân loại sẽ không thể nào tồn tại.

4. THẢM TRẠNG CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ

Vì cái tình yêu vị tha ấy của người đàn bà mà họ phải luôn luôn suốt đời tùy thuộc người khác, những người mà họ yêu thương.

Nhưng cũng chính cái lòng yêu vị tha ấy là một trở ngại to tát cho đời sống an ninh và vật chất của người đàn bà.

Ta nên biết: ích kỷ là một thiên tánh tự vệ của muôn loài để giữ gìn mạng sống của mình. Thiếu nó, không khác nào đi trên con đường tối mà thiếu ánh sáng của bóng đèn. Tánh ích kỷ là một cái khô khan, cằn cỗi, xấu xa, hẹp hòi… Nhưng không có nó ta khó sống. Vì nó là sự khôn ngoan, sự bảo vệ quyền lợi và bảo vệ cái sống còn của mình.

Vì vậy, người đàn bà riêng mình không thể bảo vệ được đời sống của mình, mà phải cần đến người đàn ông. Đây là thảm kịch thứ nhất của người đàn bà. Trừ khi nào người đàn bà mà có tánh đàn ông, thì họ mới có thể không cần đến người đàn ông mà thôi. Cho nên, hễ là người đàn bà hoàn toàn đàn bà, thì họ không thể sống một mình, mà phải lệ thuộc người đàn ông hoàn toàn đàn ông mới được.

Tình yêu của người đàn bà thường lại mâu thuẫn với quyền lợi của họ.

Dục vọng của người đàn ông thường là những dục vọng ích kỷ: họ tìm thế lực, tiền bạc, địa vị, sự sung sướng xác thân v.v… Họ có thể đạt được mục đích ấy một cách dễ dàng và trực tiếp.

Trái lại, dục vọng của đàn bà là những dục vọng vị tha. Muốn đạt được mục đích của họ, người đàn bà không có một phương tiện nào chắc chắn cả. Sự yêu thương của kẻ khác, của những người sống một bên mình họ. Ngay như một sự sanh ra mà có diễm phúc được cha mẹ yêu thương, được làm một việc gì may mắn… cũng thường là do sự ngẫu nhiên đưa đến. Người ta thường bảo: “Trâu tìm cột, chứ có đâu cột lại tìm trâu”. Người đàn bà, dù là người sống tự do bậc nào cũng đâu phải được tự do lựa chọn người bạn trăm năm của mình, mà chính là mình “bị người ta lựa chọn”. Người đàn bà không thể với ý chí, với hoạt động, với công phu hay việc làm của mình mà chinh phục được tình yêu của người chung quanh, nếu tự những người ấy không thương mình. Tình yêu đâu có mua chuộc được, tình yêu là một cái gì không vụ lợi… Đối với người đàn bà mà tình yêu là tất cả lẽ sống của đời mình thì sự hên xui của số mạng phải chăng là một thảm kịch não nề!

Nhưng cũng chưa hết… Thảm kịch của người đàn bà đâu phải chỉ ở ngần ấy việc mà thôi.

Đặt để cái trung tâm của lẽ sống mình nơi kẻ khác, ở những kẻ ngoài mình mà sự ham muốn không giống mình mà quyền lợi cũng không giống mình, dĩ nhiên người đàn bà lại bị hãm vào một tình thế bi thảm nhất, là không làm sao dung hòa được khát vọng của mình với quyền lợi của mình.

Quyền lợi là gì? Phải chăng là những lợi ích cho mình, đem đến cho mình thêm sức khỏe, tiền bạc, danh vọng, vui sướng, hạnh phúc… Người đàn ông thì đeo đuổi theo công danh, tiền bạc, sắc đẹp, ăn ngon ngủ kỹ… Những cái đó là những khát vọng của người đàn ông, hễ một khi họ thâu đoạt được những nguyện vọng ấy, thì họ cảm thấy được sung sướng, hạnh phúc ngay vì đã được thỏa mãn. Danh vọng, tiền bạc, địa vị… làm tăng thêm uy thế họ; ăn ngon ngủ kỹ làm tăng được sức khỏe họ… Còn đối với người đàn bà đâu phải đó là sanh mạng của họ? Họ cần nhất là yêu thương và được yêu thương, được chăm nom săn sóc những người chung quanh và được chính mình tạo nên sự sống… Đó là tất cả những khát vọng thiết tha của họ, nền tảng của những sự sướng khổ của họ… Nhưng, khát vọng ấy lại luôn luôn đi ngược quyền lợi riêng của họ.

Lợi gì cho người đàn bà khi phải có con? Có con thì phải thức đêm thức hôm mà săn sóc, suốt đời đau khổ lo âu… Có con thì có tăng thêm gì sức khỏe, tiền bạc, danh vọng cho mình nữa không? Trái lại, có con là cả một cái gì càng làm cho con người của mình càng ngày càng thêm kém sút…

Lợi gì cho người đàn bà khi phải lìa bỏ tổ ấm của mẹ cha để về nhà chồng. Nơi nhà cha mẹ, từ lúc lọt lòng đến lớn… được cha mẹ nưng niu như trứng mỏng, chiều chuộng yêu thương; người đàn bà phải bỏ nó mà đi theo một người đàn ông lạ nào, không chút tình cốt nhục, cũng không hiểu mình là ai… để vào một gia đình khác mà chắc chắn người ta sẽ không bao giờ đối đãi với mình một niềm âu yếm không bờ bến như tình nghĩa mẹ cha và anh em cật ruột của mình. Chắc chắn những quyền lợi mà mình đã hy sinh khi bước chân về nhà chồng như sung sướng tự do, nhàn rỗi ngây thơ và lắm khi danh tiếng địa vị xã hội của mình… người chồng có thể bù đắp được chút nào hay không? Lắm khi bị chồng hất hủi sau khi đã chán chường… và gia đình của chồng coi mình như kẻ thù đi “ăn chực” tình yêu… Thử hỏi, những quyền lợi thực tế mà người đàn bà đã hy sinh ấy có được đền đáp chút nào hay không?

Lợi gì cho người đàn bà khi phải lo lắng cho con cái, lo cho nó được nên vai nên vóc, để rồi phải sống một mình trong thương nhớ, nhất là trong cái tuổi mà mình cần phải yêu thương và được yêu thương… hơn lúc nào cả. Tình cảnh của một bà mẹ yêu con tha thiết từ nhỏ đến lớn không một phút rời con, mà bấm bụng phải để cho con mình bước chân ra đi… về một gia đình xa lạ… là cả một cái thảm kịch cay chua nhất của một người đàn bà.

Nếu lấy về phương diện quyền lợi của người đàn bà mà nói, tôi quả quyết người đàn bà không bao giờ dung hòa được lòng khao khát yêu đương của mình đối với quyền lợi ích kỷ và thiết thực của mình. Nhưng mà người đàn bà thật là đàn bà lại sẵn lòng hy sinh tất cả quyền lợi ấy để thỏa mãn cái thiên tính khao khát yêu đương của mình, vì đó là tất cả cái hạnh phúc của mình mà thôi.

Thật ra, nếu đem những quyền lợi ích kỷ của người đàn bà mà so sánh, cân nhắc với hạnh phúc vị tha của họ, thì cũng khó biết được cái nào là chánh đáng.

Có nhiều người đàn bà bị lôi cuốn trong cái ảo vọng tìm khoái lạc hạnh phúc ích kỷ bằng cách lo phục vụ quyền lợi của họ như người đàn ông… Họ đã hy sinh cái tâm hồn phụ nữ của họ, từ bỏ sứ mạng thiêng liêng của một người mẹ, của một người vợ, của một nạn nhân của tình yêu, của một tâm hồn khao khát yêu thương cho kẻ khác… để lăn mình vào con đường chánh trị, tranh đấu cho địa vị, quyền tước, danh vọng tiền bạc, đi tìm hạnh phúc cá nhân để có được một thanh danh như người đàn ông. Phụ nữ ngày nay phần nhiều đều có cái cao vọng. Nhưng rồi một khi họ thỏa mãn được những khát vọng vị kỷ ấy, họ đã được phú quý, danh vọng, tự do… họ lại cảm thấy họ đã “thả mồi bắt bóng”. Giữa những tiếng hoan hô của quần chúng, giữa lúc họ đã thực hiện được những cao vọng “phỉ chí nam nhi, tung hoành bốn cõi”, họ đã thỏa được mộng “tang bồng” … thì họ cảm thấy trong tâm hồn có một cái gì trống rỗng… lạnh lùng. Họ cảm thấy họ thiếu sự yêu đương và được yêu đương. Cái chân hạnh phúc của họ là ở trong tình mẫu tử, ở trong tình yêu của những người chung quanh họ, chứ không phải ở nơi những bả vinh hoa phú quý ấy.

Thêm nữa, cái thảm trạng của người đàn bà như thế cũng chưa phải là hết. Lòng yêu vị tha của họ chẳng những không thuận với quyền lợi ích kỷ của họ mà còn bắt họ phải xung đột với tình thương của những người thân yêu của họ nữa.

Cha, chồng, con cái… mà họ thương yêu, mỗi người lại có một bản tính khác nhau, mỗi người lại có những điều ham muốn đòi hỏi khác nhau, thường lại xung đột nhau… Làm một bà mẹ dễ gì mà dung hòa được lòng thương đối với mỗi đứa con. Làm vợ, làm con, làm em… thì cũng dễ gì điều hòa tình yêu mình đối với cha mẹ, đối với anh em!

Những người thân yêu của mình, họ lại đòi hỏi nơi mình những đức tính và phận sự khác nhau.

Lúc chưa cưới… thì họ đòi hỏi nơi mình phải được đầy vẻ duyên dáng mỹ miều, ngây thơ và vụng dại… Người tình nhân bao giờ cũng muốn cho mình dễ dãi ngu dại để mà họ dễ bề lợi dụng… Họ rất ghét kẻ khôn lanh và nhiều kinh nghiệm… Nhưng đến khi họ cưới mình rồi, thì trái lại, họ đòi hỏi mình phải đứng đắn trang nghiêm, biết lo lắng cho nhà cửa, làm bếp giỏi, giúp đỡ mọi nặng nhọc, như kẻ tôi đòi, nghĩa là phải là một người già kinh nghiệm, khéo léo và hy sinh. Tình yêu đầu phải là mục đích đời người của người đàn ông. Người vợ cưới rồi, đối với họ, không còn phải là người tình nhân nữa, mà là một người bạn đường, một kẻ đỡ gánh nặng và bao hàm tất cả công việc nội trợ. Thế là người đàn bà phải chịu đựng và phải biết chiều theo những đòi hỏi ích kỷ ấy.

Đối với con, cũng như thế. Lúc còn nhỏ, nó đòi hỏi bà mẹ phải luôn luôn ở một bên không được rời nửa bước, để mà an ủi, dỗ dành, săn sóc nó từng li từng tí… Nhưng vài năm sau, khi đứa trẻ ấy lớn lên, nó lại đòi hỏi bà mẹ phải để nó tự do, đừng can thiệp gì đến đời sống nó nữa. Nó không muốn nghe mẹ khuyên lơn hay săn sóc và lo lắng đến nó nữa: nó muốn sống tự do một mình. Đứa trẻ ấy đòi hỏi có lý lắm, thế nhưng bà mẹ đã quen chăm nom, săn sóc con từ thuở bé, làm gì bỗng dưng lại có thể bỏ con mà tuyệt không còn lo nghĩ gì đến nó nữa được không? Ôi! Cả một cái gì bạc bẽo, bội ân… lẽ ra phải làm tê tái những tâm hồn vị tha nhất; thế mà người đàn bà vẫn nhẫn nại và yêu thương… yêu thương mãi…

Tóm lại, nào đâu phải vì ác ý của người đàn ông hay luật lệ khắt khe của người đời bày ra để đày ải người đàn bà phải uốn mình chiều theo dục vọng kẻ khác, phải hy sinh cho kẻ khác… Nhưng thực ra, chính cái bản năng khao khát tình yêu của người đàn bà mà tạo hóa đã phó cho để thực hiện sứ mạng thiêng liêng cao cả của họ, khiến họ luôn luôn như bị:

Ma đưa lối, quỷ dẫn đường,

Lại tìm vào chốn đoạn trường mà đi.

Đâu phải chỉ lo cải tạo chế độ xã hội là đủ để mưu hạnh phúc cho người đàn bà, mà ta phải giáo dục người đàn ông thế nào để họ hiểu được tâm sự của người đàn bà, hiểu để mà thương và có trách nhiệm giúp cho người đàn bà thoát khỏi những nỗi khổ tâm mà suốt đời họ phải âm thầm chịu đựng.

Một ông cha sáng suốt, biết yêu quý con gái mình vì đã hiểu nỗi lòng thầm kín của con, thì không bao giờ ông lại lo lắng vì sự bất công không bênh vực được quyền lợi của con mình đối với quyền lực của người chồng. Điều mà ông ghê sợ nhất cho đứa con yêu quý của ông là chỗ ngây thơ vụng dại của nó trong sự nhận xét sai lầm tâm lý của người đàn ông và nhân thế sẽ gây cho nó sau này bao nỗi chua cay thất vọng. Ôi! Nếu đứa con gái của ông mà hiểu rõ con người đàn ông được như ông… thì ông sẽ yên lòng biết bao về tương lai hạnh phúc của nó!

Địa vị của xã hội ngày nay, tựu trung cũng giống hoàn cảnh của ông cha này. Xã hội mà muốn mưu hạnh phúc cho người đàn bà thì cần thiết nhất là lo giáo dục người đàn ông cũng như người đàn bà, soi đường chỉ nẻo cho họ hiểu nhau để tránh những nỗi đau lòng vì hiểu lầm nhau và gây cho người đàn bà những đau khổ vô ích thêm vào các thảm trạng vô cùng bi đát mà ta đã thấy trước đây.

Người đàn bà có nhiều đặc tính rất xa người đàn ông.

Chỉ vì tưởng lầm rằng đàn ông cũng như đàn bà, tâm tính đôi bên đều như nhau, mà phần đông cứ lấy bụng ta mà suy bụng người, nên mới có những sự hiểu lầm xô xát.

Văn sĩ André Maurois có nói: “Dù cho đôi nam nữ mong ước cuộc hôn nhân thế mấy, dù cho lứa đôi có mê luyến nhau thế mấy, và họ có thật thông minh thế mấy, thì đôi bên nam nữ đều phải cầm chắc rằng mình sẽ chung sống với người lạ và người đó sẽ làm cho họ ngạc nhiên vô cùng… Lúc ban đầu… trong khi hòa hợp nhục thể, trong cái say đắm buổi đầu, bao nhiêu nỗi khó khăn, đôi bên đều có thể chiều chuộng như tạm quên hẳn được cả… Nhưng, thời gian, sau khi người đàn bà, cũng như người đàn ông đã ráng tìm phương để thành một người khác, để họ không còn phải là người đàn bà nữa với tâm hồn riêng thực của họ, họ mới nghĩ thầm: “Mình vẫn muốn theo sát bên chàng, nhưng thế không phải. Mình sanh ra nào phải để làm như thế đâu!” Còn người đàn ông cũng sẽ nghĩ đến cái mộng riêng của mình, cái mộng “tang bồng hồ thỉ”… rồi nhớ đến kiếp giang hồ phiêu bạt như chàng Từ Hải.

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm, yên ngựa lên đàng ruổi dong.

Thì ra khi dục tình thỏa mãn, mỗi người mới cảm thấy sự đòi hỏi của tâm hồn mình và tìm cách để trở về với cái người thật của mình: Bấy giờ họ lại vẫn thấy cô đơn lạnh lẽo và hai người vẫn là khách lạ qua đường, không ai còn hiểu ai được nữa.

Chính lúc “tuần trăng mật” đã qua, thì… lại sang qua thời kỳ hắt hủi và chán chường phải có, sau một hồi nhiệt tình quá độ… Bấy giờ là lúc “lứa đôi xung khắc”, không phải xung khắc toàn diện, nhưng xung khắc một phần nào. Họ không còn hiểu nhau được nữa; họ chỉ lấy một niềm thương lợt lạt xa cách mà chịu đựng nhau thôi cho qua cái chuỗi ngày chán nản. André Gide nói: “Xem thế, thì thấy rõ hai con người, tuy ta thấy họ vẫn chung sống một cuộc đời như nhau, vẫn cũng gọi là yêu mến nhau đấy… nhưng họ chẳng khác nào hai nước bế quan tỏa cảng…”.

Nhưng đôi khi, sự tình lại nghiêm trọng hơn và từ sự không hiểu biết nhau, hai vợ chồng lại đi lần đến sự hiềm ghét nhau.

Chung quy, bảo rằng hai tâm hồn không yêu nhau là sai, nhưng sự đau khổ của họ, là chỗ quá yêu nhau, mà không hiểu được nhau… vì tâm hồn của họ là cả hai thái cực. Vậy biết rõ tâm hồn sâu kín của đôi bên mới có thể mưu cầu hạnh phúc cho nhau được mà thôi.

5. NHỮNG CẢM XÚC VỊ THA CỦA TÂM HỒN NGƯỜI ĐÀN BÀ

a. Thích làm vui lòng

Tình yêu vị tha của người đàn bà như trước đây đã nói có thể phát hiện dưới hai hình thức:

Người đàn bà rất quan trọng đến những xúc cảm vị tha.

Không mấy thiết tha đến những xúc cảm vị kỷ.

Vì quá quan trọng đến những xúc cảm vị tha, nên người đàn bà cũng có cái tánh “thích làm vui lòng” kẻ khác.

Cái tánh đặc biệt này nó bao trùm và chi phối tất cả đời sống của người đàn bà.

Tìm cách để làm vui lòng kẻ khác bất cứ bằng phương tiện nào, hoặc gây cho người chung quanh sự đẹp mắt, đẹp tai, đẹp mũi hoặc săn sóc gương mặt cho dễ yêu, hoặc dùng đến lời ăn tiếng nói dễ thương để làm cho chung quanh vui lòng, đó là tất cả nguyện vọng thầm kín của người đàn bà.

Nguyện vọng thầm kín này là một thứ nguyện vọng bền bỉ nhất và bao quát nhất tâm hồn người đàn bà… không thể lẫn lộn với tình yêu của họ, tức là một thứ tình cảm dễ phai mờ và hạn định.

Tôi nói nó bền bỉ, nhất là muốn bảo bất kỳ ở thời kỳ nào trong đời mình, người đàn bà luôn luôn vẫn mong mỏi có một việc ấy mà thôi: làm vui lòng kẻ chung quanh mình. Lo làm duyên làm dáng bắt đầu ngay từ tuổi trẻ… Bệnh hoạn, tuổi tác mà dù cho đến giờ chết, cũng không sao làm cho họ xao lãng việc ấy. Nhiều bà tuy đã già rồi, mà cũng còn tìm cách làm duyên… Cái sợ nhất của người đàn bà là bị người chung quanh nhờm gớm mình.

Người đàn bà mong làm vui lòng đối với bất cứ ai, bởi vậy mới bảo đó là nguyện vọng bao quát nhất tâm hồn của người đàn bà…

Trong Chinh Phụ Ngâm, nàng Chinh Phụ bảo:

“Vắng chàng, điểm phấn trang hồng với ai?”.

Đây chỉ là trường hợp đặc biệt nhất mà cao độ của ái tình đã lấn át cả thiên tính. Nhưng, nó cũng chỉ là một trạng thái tạm thời… mà tôi sẽ bàn đến sau này.

Người đàn bà con gái mong làm vui lòng tất cả mọi người xung quanh chứ không phải riêng gì đối với chồng. Chẳng những đối với thầy của mình, đối với học sinh của mình, đối với bè bạn hay chủ sở hữu của mình v.v… nghĩa là đối với những ai mà mình có dính dấp đôi chút quyền lợi thì người đàn bà con gái mới tỏ cái ý muốn làm vui lòng mà thôi đâu… Ngay đối với những khách qua đường, đối với kẻ tò mò nơi cửa để dòm trộm, đối với những bạn ngẫu nhiên gặp trên con đường du lịch mà chỉ gặp họ một lần và không bao giờ gặp nhau lại được nữa, nghĩa là đối với tất cả mọi người mà họ không chút gì quan tâm, không chút gì cầu mong được yêu thương, hay kính phục… họ cũng mong được làm vui lòng… Bất cứ đối với một đứa bé, một người đàn ông già hay trẻ mà họ gặp trên bước đường đi của họ, họ cũng muốn làm cho mọi người đều được vui lòng vui mắt khi trông thấy họ. Cái thiên tính này khó dập tắt được nơi lòng người đàn bà con gái. Nó chi phối tất cả đời sống của họ.

Ngay những kẻ đã dập tắt lửa lòng, nương thân nơi cửa Phật, mà “cuộc đời đã tắt lửa lòng”… cũng vẫn còn thích làm vui lòng kẻ khác bằng sự săn sóc đến dung nhan, cử chỉ và lời nói duyên dáng để được lòng tất cả mọi người.

Thậm chí họ chán đời đến quyên sinh mà cũng có kẻ tìm lấy cái thứ chết gì, mà đừng làm hư hoại dung nhan của họ… để tránh cho kẻ khác nhìn thấy cái “tồi tệ”, cái “ghê tởm” của thân hình kiều diễm của họ.

Chính vì cái “thích làm vui lòng kẻ khác”, và làm cho kẻ khác chú ý đến mình mà có nhiều người đàn bà con gái thích chơi thể thao, đánh vũ cầu, bơi lội hoặc thi đua với đàn ông trong các cuộc thể thao, hoặc thì văn chương, hay làm chính trị… những điều mà tự họ, tâm hồn họ không ham thích chút nào cả. Vì họ tưởng đó là những phương thế để được kẻ khác ưa thích và chú ý đến họ, nghĩa là những cách để làm cho kẻ khác chung quanh vui lòng. Nếu họ biết đó là những hành động mà người đàn ông không ưa thích chút nào cả, không vui lòng thấy có nơi người phụ nữ ý trung nhân của họ, thì tức khắc họ không còn ham mê nữa.

b. Thích chưng diện

Thích làm vui lòng kẻ khác tuy là thiên tính của người đàn bà, nhưng không nên để nó biến thành thói xa hoa, chưng diện, thói làm dáng…, thói quyến rũ lả lơi và khêu tình…

Thói xa hoa chưng diện, tức là tánh thích làm vui lòng kẻ khác mà tăng rộng ra với tất cả mọi người ngoài xã hội… Họ chưng diện một cách xa hoa lộng lẫy để cho được đông người mê say, ao ước; họ lựa lời nói, họ tìm những dáng điệu khêu gợi để làm bừng cháy tâm can bọn đàn ông… Lắm khi những thói ấy lại biến thành thói quyến rũ quá thân mật, sỗ sàng để dụ dỗ đàn ông say mê… nhưng tựu trung không có ý gì yêu ai hoặc muốn được ai yêu… Họ thân mật, họ sỗ sàng, họ quyến rũ… để làm mê mệt con người, để làm một trò cười và thỏa mãn lòng tự cao được nhiều người ngưỡng mộ si tình mình…, và chỉ có thế thôi.

Nói cho đúng, những thói xa hoa chưng diện làm dáng và quyến rũ ấy, nó là những khát vọng thầm kín của bất cứ người đàn bà nào, tuy cũng có nhiều kẻ vì liêm sỉ, vì lòng đạo đức, vì giáo dục cấm cản mà không dám để bộc lộ tự do, chứ thật tình người đàn bà nào cũng có cái mộng được trầm trồ, khen ngợi, mê say bóng sắc của mình. Thật ra không có một người đàn bà nào lại không thích được người tỏ vẻ mê say khen ngợi cái duyên dáng của mình. Và chính cái lòng khao khát ấy của người đàn bà đã làm cho không biết bao phụ nữ sa vào cạm bẫy của bọn “sở khanh”, biết “gãi vào chỗ ngứa” ấy: họ khéo tâng bốc sắc đẹp của các bà.

Không có gì làm cho người đàn bà sung sướng bằng cái thú được nhiều người thèm muốn, có thể bảo rằng không có cái danh vọng, địa vị nào… trong đời có thể làm cho họ sung sướng hạnh phúc bằng được thấy có nhiều người say mê vì nhan sắc và sự kiều diễm của họ. Bởi vậy, cái khổ nhất của người đàn bà là sanh ra với một bộ mặt xấu xí hay một thân hình tàn tật… Mà thật vậy, người đàn bà mà không đẹp, khó mà được người đàn ông yêu thương, tuy rằng cái đẹp về tinh thần rất quý để nuôi dưỡng tình yêu.

Thói xa hoa chưng diện, thói hay làm dáng và quyến rũ, thân mật tuy là những khát vọng thầm kín và chính đáng của người đàn bà, nhưng thật ra nó không có lợi gì cho người đàn bà, lắm khi còn rất nguy hiểm cho họ là khác.

Ta cũng nên hiểu rằng những thói ấy, đối với người đàn bà, tuy chỉ là việc cầu vui vậy thôi, chứ trong thâm tâm họ không một mảy may nào cố ý làm hại ai, cũng không phải họ cố tâm làm cho ai yêu họ… Nhưng, đối với người đàn ông thì không phải còn là việc chơi nữa đâu.

Cũng có khi, không cần chưng diện, không cần duyên dáng… người đàn bà lắm khi còn làm cho người đàn ông si mê ngơ ngẩn thay, huống chi dùng đến những mánh khóe khêu tình làm nung nấu lòng người thì đâu phải là chuyện chơi được nữa. Người đàn ông về tình ái, phần nhiều là kẻ thật thà nhất, thành thật nhất. Họ tin tưởng dễ dàng rằng họ được yêu đương trong khi người đàn bà chỉ xem như một trò chơi. Một cái cười duyên dáng, một cái liếc say mê… đủ làm họ tưởng thật rằng họ đã được người ta phải lòng rồi. Kẻ điếm đàng tuy nhiều, nhưng người thật thà đâu phải ít. Bởi vậy, người đàn ông dễ bị mắc trong cạm bẫy của người đàn bà, dù là những mánh khóe trẻ con. Rồi trái ngược lại, người đàn ông mê say thật và yêu thương thật, lại lôi kéo người đàn bà ấy phải yêu họ, mặc dù trước kia họ chỉ làm một trò đùa mà thôi. Chính cái đó làm cho người đàn ông dễ bị lôi cuốn vào con đường bạc tình mà người đàn bà cũng lại dễ sa vào con đường bạc nghĩa… Người đàn bà nào mà mang phải thói ấy dễ làm cho chồng mình nghi kỵ, hoặc làm cho kẻ sắp cùng mình kết bạn trăm năm đâm ra chán nản… Sự quyến rũ, sự dễ dãi và quá thân mật của người đàn bà, tuy thỏa mãn được lòng tự đắc của họ… nhưng lắm khi lại làm hại cho họ vô cùng: họ mất cả lòng tín nhiệm của người đàn ông.

Người đàn ông nào cũng vậy, đều phân biệt rất kỹ người đàn bà mình thích và người đàn bà mình muốn cưới làm vợ. Họ thương kẻ nào khó chinh phục hơn người dễ chinh phục. Những yêu thuật quyến rũ của người đàn bà dễ gây tình ái nơi người đàn ông… nhưng gây tình ái và để đóng vai trò một người yêu, một tình nhân, thì được, mà để làm một người vợ thì không được, vì họ đã mất lòng tín nhiệm của người đàn ông rồi.

“Nước Sở có một người có hai vợ: vợ cả và vợ lẽ cùng đẹp, cùng xinh. Anh láng giềng ghẹo người vợ cả. Người vợ cả giận và mắng thậm tệ. Anh láng giềng lại ghẹo người vợ lẽ, người vợ lẽ bằng lòng và đi lại. Không bao lâu, người có hai vợ ấy chết. Anh láng giềng muốn tính cuộc vuông tròn lại dạm hỏi người vợ cả.

Có kẻ hỏi rằng: “Người vợ cả trước đã mắng anh, người vợ lẽ vẫn có tình với anh, sao bây giờ anh định lấy người vợ cả?”. Anh ta đáp: “Lúc người ta chưa là của mình, thì mình thích họ dễ dãi và tơ tình với mình. Nhưng khi người ta là của mình, thì mình lại thích kẻ không dễ dãi và tư tình với kẻ khác. Kẻ trước đã dễ dãi và tư tình với tôi, ai nó cũng có thể dễ dãi và tư tình được cả. Bởi vậy tôi không cưới nó”.

Người đàn bà nào dễ dãi, quyến rũ, hay chiều chuộng và thích làm vui lòng tất cả mọi người sẽ khó giữ được lâu dài tình yêu chân thật và tin cẩn của người đàn ông. Thành ra suốt đời chỉ làm món đồ chơi cho bọn đàn ông, chứ không chút lợi gì cho cái chân hạnh phúc của mình cả.

Có lẽ các bạn phần đông đều có đọc qua hoặc xem bộ phim “Cuốn theo chiều gió” (Autant en emporte le vent)… Vai chánh là nàng Scarlet yêu thương chàng Asley với mối tình thiết tha và duy nhất. Asley vẫn biết thế… nhưng chàng không chịu lấy nàng làm vợ mặc dù nàng đẹp, thông minh, sắc sảo vô cùng. Nàng sở dĩ suốt đời ôm ấp một mối tình tuyệt vọng không gì khác hơn là nàng mang phải cái bệnh làm dáng và quyến rũ… Nàng đi đâu, ngồi đâu thì trai tơ nó “bu” nàng như ong kiến. Và vì thế mà những bọn đàn ông trang nghiêm đi tìm mối tình chân thật, không dám cưới nàng. Tâm sự của người đàn ông trang nghiêm, chín chắn… của kẻ không đùa cợt với ái tình có thể tượng trưng cho chàng Asley. Trái lại, bọn đàn ông trai tơ, hay đùa bỡn với ái tình thì lại thích hạng đàn bà dễ dãi, quyến rũ ấy. Cho nên số phận của người đàn bà này sớm muộn gì cũng sa vào tay bọn trai tơ đàng điếm ấy. Đó là cái thảm kịch dành cho hạng người đàn bà đùa bỡn với ái tình.

Cái thói xa hoa, quyến rũ ấy là một cái thói xấu do người đàn bà Tây phương truyền sang người đàn bà Á Đông và đã làm tai hại cho giới phụ nữ không biết chừng nào. Sự thật, trong những xứ, những dân tộc, những giai cấp mà người đàn bà con gái thích làm dáng, quyến rũ, đùa cợt ái tình nhiều bao nhiêu thì người đàn ông xứ ấy, dân tộc ấy, hay giai cấp ấy thường sống trong độc thân nhiều nhất, hoặc ưa ly dị nhiều, không còn lòng kính trọng thiêng liêng nữa mà lại sinh ngờ vực khinh thường thì thật là nguy hiểm cho giới phụ nữ không biết chừng nào. Lỗi ấy quy về hạng người đàn bà lẳng lơ này.

Cái thói chưng diện, làm dáng và quyến rũ lả lơi gợi tình… là một trạng thái đặc biệt của cái tính làm vui lòng kẻ khác, một đặc điểm của người đàn bà rất khó mà sửa đổi được. Thâm tâm của họ là lòng vị tha, muốn làm vui lòng kẻ khác… nhưng họ đã lầm to… Họ chỉ quyến rũ được, họ chỉ khêu tình được có một hạng trai lơ mà thôi. Người chín chắn, mà tình yêu đậm đà chung thủy… rất sợ họ. Để làm một tình nhân thì được, mà làm vợ thì không. Bởi vậy người con gái, đàn bà nào có cái thói xa hoa, chưng diện, quyến rũ, lả lơi… suốt đời không bao giờ gặp được mối tình chân thật. Người đàn ông nào mà thích kẻ chưng diện lả lơi… là hạng người bốc trời, sống một đời ong bướm. Như thế cái mưu mẹo ấy của người đàn bà lẳng lơ trở lại hại mình…, họ phải bị sống một đời hoa tha hồ cho ong bướm đãi đằng. Nhưng họ đã quên rằng: sự đoan trang, nghiêm chỉnh, kín đáo, thùy mị cũng là một cách làm dáng, quyến rũ và gợi tình cao nhã, mà thủ đoạn còn cao cường hơn cái thói lẳng lơ đùa cợt rất nhiều. Bọn đàn ông con trai nào mà tâm hồn cao thượng, đứng đắn… lại không thích kẻ đoan trang, thùy mị?… Cho nên trong số những người đàn bà, chỉ người nào đoan trang, nghiêm chỉnh… mới được người đàn ông đứng đắn để ý. Họ yêu và họ kính nể. Mà chỉ có sự kính phục mới đảm bảo được sự vĩnh viễn và sâu sắc của ái tình. Đó là điều mà người đàn bà con gái nên để ý nhất trong cách chinh phục người yêu.

Cái thói xa hoa chưng diện, quyến rũ, lả lơi… của người con gái; may thay, đâu phải là một chứng bệnh nan y. Ngày nào mà họ bắt đầu “Yêu” thì ngày ấy các thói “quyến rũ” “lả lơi”… cũng mất.

Bà Gina Lombroso có thuật câu chuyện một cô sinh viên trường thuốc nọ, có tánh chưng diện, lả lơi, quyến rũ đến cực độ. Trong giới y sĩ, sự có mặt của một cô như thế thật là một sự bực mình. Bà đã không biết bao nhiêu lần khuyên lơn cô ấy phải đứng đắn nghiêm trang. Nhưng vô kết quả. Đến năm thứ ba, cô ấy lại biến đổi tánh tình: cô trở nên hết sức nghiêm trang, đứng đắn. Cô không cười cợt vui đùa với bạn trai nữa, cô không chưng diện, không thích bè bạn, lại ưa trầm ngâm suy nghĩ và thích sống một mình trong cô tịch. Tại sao thế? Tại cô đã bắt đầu “yêu”, yêu một cách chân thành một người đàn ông đứng đắn.

Khi người đàn bà bắt đầu “yêu” thì tức khắc sự thích làm vui lòng kẻ khác, cái vòng xã giao sẽ bắt đầu thu hẹp dần lại và quy vào những người yêu chân thật quanh mình thôi… Và bấy giờ họ mới bắt đầu trải qua tâm sự của nàng Kiều:

“Vui là vui gượng kẻo là,

Ai tri âm đấy, mặn mà với ai!”

Và bấy giờ, ta mới hiểu rõ được tâm sự của nàng chinh phụ của Đặng Trần Côn:

“Vắng chàng, điểm phấn trang hồng với ai…”

c. Thích ăn mặc, trang sức

Thế thường người ta cho rằng người phụ nữ nào thích ăn mặc đẹp… là không đứng đắn, là không đạo đức.

Nhưng sự thật đâu phải thế. Người đàn bà con gái nào cũng thích trang điểm, cũng thích ăn mặc đẹp đẽ. Nó cũng là một đặc điểm phụ thuộc thiên tính hay làm vui lòng kẻ khác, như đã nói trên. Cho đó là một tính kiêu sa cũng là sai. Sự ăn mặc, đối với người đàn bà đâu phải chỉ là một sự kiêu sa… Nó tượng trưng một cái gì quan trọng hơn và phức tạp hơn, vì đối với người phụ nữ, nó là cả một cái gì liên đới với con người của họ.

Quần áo, cách trang sức, đồ nữ trang… đó là những “dấu hiệu” mà người đàn bà dùng để tỏ cho những kẻ lạ mặt biết rõ địa vị quý phái của mình, hoặc tỏ ra cho xã hội chung quanh biết cái mức cưng thương của cha mẹ, của chồng họ đối với họ đến bậc nào.

Hơn nữa cách trang sức, ăn mặc của người đàn bà, con gái là tượng trưng của một sự “sáng tạo” đối với họ… có thể ngang hàng với sự sáng tạo một bức tranh đối với nhà họa sĩ, hay một quyển sách đối với nhà văn, một pho tượng đối với nhà điêu khắc v.v… Một cái áo may khéo là cả một sự thi thố những khiếu thông minh, mỹ thuật, khéo léo và óc tưởng tượng sáng tạo của người đàn bà.

Khéo lựa được một màu áo ăn với màu da, khéo lựa được một kiểu áo ăn với khuôn vóc của người mình… là một phát minh sáng tạo không kém gì một phát minh sáng tạo trong các ngành sáng tạo của người đàn ông. Bởi vậy nó là một sự đòi hỏi, khao khát của người đàn bà.

Được người ta khen là ăn mặc hợp thời trang, ăn mặc đẹp… đối với người đàn bà là một sự vui sướng không khác nào được gắn huy chương hay được thăng quan tiến chức đối với người đàn ông. Thật vậy, đối với người quen thuộc thì sự “ăn mặc” không mấy quan hệ đối với người đàn bà. Họ chỉ lo ngại là đối với kẻ lạ, vì áo quần và cách ăn mặc như ta đã thấy trước đây, là những chứng chỉ để tỏ cho người chung quanh biết địa vị và gia thế họ như thế nào; cho nên trong nhà, họ có thể mặc sao cũng được, mà ra ngoài đường, đến đám đông hay tiệc tùng… họ rất lo lắng săn sóc đến áo quần và cách trang sức của mình.

Sự quan tâm đặc biệt đến cách ăn mặc chứng tỏ người đàn bà rất xem trọng dư luận chung quanh, nhất là đối với dư luận của các giới mà họ quý trọng. Thật vậy, ta thường thấy nhiều cô, nhiều bà ở xã hội trung lưu rất chú trọng đến dư luận quần chúng tầm thường nên mỗi khi họ đi ngoài phố hay đến các nơi hí viện, họ ăn mặc lòe loẹt xa hoa hết sức, cốt ý là được hạng người ấy để ý khen tặng? Còn những cô những bà thuộc về hàng quý phái thượng lưu rất khinh thường dư luận quần chúng mà họ cho là hèn kém không đáng kể, thì lại ăn mặc rất đơn giản sơ sài khi ra ngoài phố. Nhưng trái lại, họ dành lối trang sức đẹp nhất và sang nhất trong những khi dự yến tiệc ở các nơi thật sang trọng. Nơi đó họ biết sẽ có nhiều bậc quyền quý, những bậc thượng lưu trí thức có mặt: Họ chỉ chú trọng đến dư luận của hạng thượng lưu trí thức mà thôi.

Xem “quần áo” và cách ăn mặc của người đàn bà cũng có thể giúp cho ta biết rõ tâm hồn của họ. Thực ra, sự lòe loẹt bên ngoài thường là biểu thị của sự thiếu kém bên trong, một sự sa sút của tâm hồn. Như ta đã thấy, tâm hồn của người phụ nữ là một tâm hồn lệ thuộc… dư luận bên ngoài. Bởi vậy, đối với phần đông, sự ăn mặc là một cách để bù đắp cái nghèo kém bên trong. Ta thường thấy những người đàn bà mà tài năng hay đạo đức hơn người thường không biết tha thiết lắm đến sự ăn mặc. Họ ăn mặc đơn giản nhất và ít để ý đến trang sức. Người đàn ông mà hèn kém bên trong cũng thế, họ thích ăn mặc lòe loẹt bên ngoài. Nhưng người đàn ông thì có khác, là sự trang sức chưng diện bên ngoài không có tính cách thiết tha của lòng vị tha như ở người đàn bà, cốt làm vui lòng đẹp mắt chung quanh mình. Vì vậy người đàn ông nào mà hay lo đến việc ăn mặc là những kẻ rất tầm thường…, và nếu họ chỉ lo đến quần áo trang sức mà thôi thì lại là kẻ rất tầm thường không đáng kể… Trái lại, người đàn bà thì có khác, bởi ngoài cái tâm khảm tự ti, họ còn một lý do chính đáng hơn, tức là lòng yêu vị tha, họ thích làm vui lòng kẻ chung quanh. Đối với người đàn bà: sự ăn mặc, cách trang sức… là tượng trưng một cái gì phiền phức lắm, nhưng, tựu trung ta nhận thấy một cách dễ dàng rằng sự “lo ăn mặc” ấy chỉ lệ thuộc nơi dư luận bên ngoài, nơi những kẻ mà họ muốn được khen tặng. Cho nên nhiều khi, người đàn bà thích quần áo se sua chưng diện, bỗng bỏ hẳn và không lo nghĩ gì đến việc ấy nữa chỉ vì họ thấy những người chung quanh không còn đòi hỏi nữa. Không biết bao người con gái thích ăn mặc duyên dáng, chưng diện… mà có lẽ đời sống họ chỉ có bấy nhiêu thôi, tự nhiên không nghĩ về việc ấy nữa một khi họ có chồng, có con, nghĩa là họ được yêu thương mà không cần phải dùng đến những phương tiện bề ngoài ấy nữa, hoặc vì họ cảm thấy chồng con họ không quan tâm đến điều ấy nữa.

Trái lại, cũng có nhiều người đàn bà, trước giờ không quan tâm gì đến sự ăn mặc, bỗng lại để ý săn sóc đến, khi họ muốn được yêu, vì người yêu ấy đòi hỏi việc ấy; hoặc vì họ muốn được yêu tha thiết hơn.

Sự lo lắng về việc ăn mặc, trang sức đối với người đàn bà có lợi gì cho họ không? Hay là có hại? Theo tôi, sự chưng diện có chừng mực và nhất là có ý vị thanh nhã và kín đáo… đó là một việc rất cần thiết cho người đàn bà. Không có gì làm cho họ vui lòng sung sướng cho bằng… được nhiều người để ý đến cái đẹp của họ. Ta hãy để ý thì thấy rõ. Bất cứ nơi nào, ở các nơi công cộng, ở công sở, ở xưởng, ở nhà trường, ở các dinh thự hay ở nhà tranh vách lá… hễ người phụ nữ nào càng ăn mặc đẹp đẽ, thanh tú bao nhiêu thì càng được nhiều người yêu chiều, vị nể, đối đãi với mình tử tế và tin cẩn bấy nhiêu.

Ngược lại, nếu họ chưng diện quá sỗ sàng diêm dúa, biến thành một sự lố lăng kỳ dị… thì sẽ trở lại làm hại họ nhiều, vì nó sẽ làm cho người chung quanh khinh thường và mất lòng tín nhiệm. Lại nữa, sự xa hoa sẽ làm cho người đàn bà dễ bị trụy lạc và dễ đưa họ đến những hành động đê hèn để thỏa mãn cái thói kiêu sa của họ. Mà sự thật, người phụ nữ nào chỉ thích sống trong sự ăn mặc xa hoa… thường lại là những kẻ mà đời sống bên trong rất nghèo nàn, dễ bị lôi cuốn vào con đường trụy lạc tội lỗi… Và bởi thế, những người đàn ông đứng đắn bao giờ cũng ngờ vực hạng người này.

Tóm lại, người đàn ông nào cũng vậy, dù là cha hay chồng… cũng đều muốn cho con gái mình hay vợ mình ăn mặc đẹp đẽ cả, và cho đó là một điều hãnh diện. Người đàn bà nào mà không hiểu lẽ ấy có thể làm mất tình yêu một cách dễ dàng. Nhưng cách ăn mặc và trang sức phải cho thật thanh nhã kín đáo và vừa phải thôi, thì mới thật là người khôn khéo. Đối với người đàn ông, đẹp bao giờ cũng là điều mà họ ưa thích nhất.

d. Thích phô trương

Nếu ta lắng tai nghe kỹ những câu chuyện tâm sự của người phụ nữ trong các cuộc hội họp hoặc trong lúc họ bè bạn với nhau trong lớp học… ta sẽ thấy dường như tất cả cao vọng của họ dồn vào những điểm duy nhất sau đây: Hay khoe, thích đứng đầu, thích được cưng yêu hơn tất cả bè bạn.

Thật vậy, được kể như là đứng đầu, đứng trên tất cả, bất luận là về phương diện nào, dường như đó là nguyện vọng tổng quát và bền bỉ nhất của người đàn bà. Được xem như là một người thật thà nhất, hoặc thông minh nhất, hoặc giàu sang nhất, hoặc đẹp đẽ nhất… là tất cả niềm vui sướng nhất của người đàn bà.

Được yêu thương nhất, được chiều chuộng nhất, được quý trọng nhất… dù là đối với một thiểu số người thân yêu của mình thôi… người phụ nữ nào cũng cho đó là hạnh phúc nhất đời của họ và chắc chắn họ sẽ không còn đòi hỏi gì hơn nữa cả, không còn thèm muốn gì hơn nữa cả. Bà De Stael, một nữ sĩ người Pháp được nhiều người mến phục cũng thú thật rằng: “Tôi rất sẵn sàng từ khước tất cả những danh dự quốc tế để đổi lấy một đời sống tầm thường của một người đàn bà được một nhóm người thân yêu quý trọng mình nhất đời thôi”.

Người đàn bà, nếu họ viết sách, hay phát minh một cái gì… đâu phải để lưu danh hay được thiên hạ khen tặng sùng bái, mà thật ra, họ tin rằng nhờ thế họ sẽ được nhóm người thân yêu của họ mến phục, quý trọng. Trái lại, nếu họ cảm thấy những kẻ thân yêu hay những người họ muốn được yêu thương không tha thiết gì đến việc ấy, có thể rồi họ cũng sẽ không còn thiết tha gì đến việc ấy nữa.

Không có cái gì làm cho người đàn bà đau đớn khó chịu bằng cảm thấy mình thua sút bạn bè của mình: Thua về sắc đẹp, thua về thông minh, hay thua về giàu sang thế lực.

Được “cưng” nhất đối với thầy mình, hoặc được “mến” nhất đối với học trò mình, đối với con mình, nghĩa là đối với tất cả những người chung quanh hay sống chung với mình, đó là hãnh diện nhất của các cô học sinh, của các bà giáo, của các bà mẹ, của các cô gái… Nhưng trong sự mong mỏi được cưng yêu nhất ấy, hoàn toàn không có một chút gì muốn lợi dụng ai cả… Đứa con gái muốn được cha yêu nhất, hay đứa học trò muốn được thầy cưng nhất, hoàn toàn không có một ý nghĩ gì muốn được ân huệ riêng tư gì cả… Thật vậy, người đàn bà nào cũng thế, bất cứ là được con chó, con mèo hay một đứa cháu nhỏ nào trong nhà trìu mến và ưa thích nhất thì cũng đủ tự thấy hãnh diện và sung sướng để mà “làm mọi” thêm cho nó. Trong cái bụng muốn được người ta yêu mến nhất đó tuyệt không có một ý nghĩ gì được hưởng những ân huệ của những người yêu thương mình đó. Tôi thấy có những người đàn bà ngày tối cứ lo săn sóc cưng yêu một đứa trẻ không là con cái gì mình nhưng họ rất sung sướng mà phụng sự đứa bé ấy chỉ vì nó yêu mến họ nhất trong nhà…

- Thưa cô, đứa bé này là gì của cô đây?

- Không là gì của tôi cả. Tôi chỉ là người ở trọ nhà này thôi.

- Thế sao tôi thấy cô chịu cực, chịu khổ với nó có khi còn hơn mẹ nó?

- Thưa, vì nó mến tôi hơn mẹ nó… cơ!

Thích được yêu nhất, lại dễ biến sang cái tính thích bao bọc, bênh vực, thích làm kẻ cần thiết không thể bỏ qua được… của một người nào.

Thật vậy, kẻ ban ân bao giờ cũng cảm thấy mình là cần thiết đối với người chịu ân, do đó thấy mình cao hơn và được quý mến hơn. Đành rằng tình yêu bảo bọc không riêng gì của người đàn bà, nhưng nơi người đàn bà thì tình yêu này mãnh liệt hơn nhiều.

Có không biết bao bà mẹ lấy làm sung sướng hãnh diện được thấy con mình nó đày đọa mình từng li từng tí.

- “Thằng bé tôi, đói thì đói không bao giờ chịu ai đút cơm cho nó cả… Không có tôi nằm bên quạt nó, nó không ngủ… Ai tắm nó cũng không chịu…”

Sự cần thiết dường như không thể nào bỏ qua được của bà mẹ, tựu trung làm cho bà được hãnh diện nhất… Cho nên càng cực khổ nhọc nhằn bao nhiêu, bà cảm thấy sung sướng bấy nhiêu, và có nhiều bà mẹ không ngần ngại gì kéo dài sự lệ thuộc ấy của đứa con bằng cách cáng đáng tất cả mọi việc để cho đứa trẻ ấy tập quen cái thói ỷ lại vào bà và nếu không có bà nó không thể sống một mình được.

Bà mẹ thường yêu thương hơn hết những đứa con nào yếu đuối, bệnh hoạn. Vì đó chính là đứa phải nhờ đến sự săn sóc, khuyên lơn, an ủi của bà nhiều nhất. Còn đứa trẻ mạnh dạn khỏe khoắn không cần đến bà sẽ không được bà yêu cưng bằng. Những cô chị thường thương đứa em nhỏ mà cô lo lắng, săn sóc và bênh vực hơn là những người anh cả mà họ cảm thấy không cần gì đến sự che chở bao bọc cả.

Tóm lại, những nguyện vọng thầm kín của người đàn bà là muốn làm vui lòng: Muốn được cưng thương nhất; muốn được đóng vai tuồng một người quan trọng và cần thiết…

e. Lòng tự ái

Chính cái lòng yêu vị tha của người đàn bà, cái bụng muốn được nhiều người yêu thương, muốn được cưng thương nhất… làm cho người đàn bà rất quan tâm đến dư luận xung quanh, nghĩa là thích được người ta khen, rất sợ bị người ta chê, bất cứ về phương diện nào. Lòng tự ái của người đàn bà thật là đáng “ghê sợ”!

Thật vậy, người đàn bà phần đông không nhận thấy rõ cái quyền lợi riêng của mình, lắm khi chỉ vì bị chạm lòng tự ái mà họ dám liều lĩnh làm những điều hết sức dại dột, ngu xuẩn không thể nói. Tôi có biết nhiều bạn nữ, trong lúc uất hận vì bị chạm lòng tự ái, dám liều lĩnh nhận càn nhận bướng một cuộc hôn nhân hết sức vô lý, không một chút tình yêu gì trong đó cả, mặc dù họ dư biết họ sẽ phải dấn thân vào một cuộc đời bấp bênh đau khổ.

Một danh nhân có nói: “Lòng tự ái giết người đàn bà nguy hiểm hơn ái tình”.

Người đàn bà thường lầm lẫn ái tình với lòng tự ái. Hoặc có thể liều lĩnh nhận “bừa” một cuộc hôn nhân mà họ biết chắc sẽ không đem lại hạnh phúc gì cho họ cả, chỉ vì họ sợ dư luận xung quanh chê họ “ế chồng”. Trong khi bạn bè chung quanh đã có chồng, kẻ đưa người rước, họ “nôn lên” và nhắm mắt mà nhận bừa bất cứ một người nào, miễn họ có chồng như ai… là được. Miễn là người đàn ông đừng tệ lắm, mà dù có tệ đi chăng nữa, cũng không sao, nếu được chung quanh cho là được. Đáng thương hại hơn nữa là họ che đậy, giấu giếm sự bạc phước của họ để chung quanh lầm tưởng là họ được hạnh phúc để được bè bạn thèm thuồng số phận của họ. Trong khi, thực sự ở trong căn phòng âm u tẻ lạnh, họ đã khóc hết nước mắt. Có khi trong thâm tâm họ khinh bỉ người chồng hoặc họ cũng dư biết thiên hạ khinh khi chồng họ lắm… nhưng trước mặt mọi người, họ vẫn bênh vực và khen tặng không ngớt lời để được người chung quanh đừng khinh thường hay thương hại họ.

Về vấn đề hôn nhân, phần đông phụ nữ không lựa chọn gì cả, họ chỉ nghe theo lòng tự ái hoặc tiếng khen chê của thiên hạ chung quanh hơn là dò trong lóng đục, và nghe theo tiếng gọi của tình yêu chân thật của cõi lòng. Cho nên phần nhiều những cuộc hôn nhân vì ái tình, thật ra chỉ là những cuộc hôn nhân buôn bán hoặc những cuộc hôn nhân vì lòng tự ái gây ra thôi. Nhất là những cuộc hôn nhân vì lòng tự ái gây ra thật là đáng thương hại nhất. Hoặc bị người yêu phụ bạc, hoặc bị từ hôn trắng trợn, người con gái đau khổ vì bị điếm nhục khinh thường… liền mù quáng bực tức và muốn làm cho lợi gan, họ nhận bừa bất cứ một người nào đến cầu hôn với họ; hoặc một người cũ mà họ đã bỏ rơi nhưng vẫn còn đeo đuổi, hoặc một người nào mà xưa nay ve vãn họ, nhưng không được họ yêu thương v.v…

Trong bộ phim “Cuốn theo chiều gió” (Autant en emporte le vent), nàng Scarlet yêu chàng Asley tha thiết và cũng được chàng Asley yêu lại. Nhưng khi nàng hay chàng kết duyên với một người khác, nàng nộ khí xung thiên, nhận làm đám cưới “liền” với một chàng trai khác là Charles, một bạn trai mà thường ve vãn nàng, nhưng bị nàng bỏ rơi. Một người con gái lại đi tỏ tình với một người con trai là điều thất sách, nhưng nàng cũng chả cần. Nàng muốn tỏ cho chàng “bội bạc” kia biết rằng nàng “đắt chồng” lắm, hễ muốn giờ nào là có liền giờ nấy. Nàng cố gây cho người bạc tình kia hối tiếc và đau khổ… Nhưng dại dột thay, khi người đàn ông mà hết thương mình rồi thì những trò ấy chỉ là những trò hề để họ khinh bỉ thêm nữa mà thôi.

Người đàn bà ấy thật là đáng thương, nhưng chàng trai nào được gái yêu cầu hôn nhân vì bị tình yêu trước hất hủi, lại còn đáng thương hại hơn nữa. Những cuộc hôn nhân vá víu ấy không bao giờ đem lại hạnh phúc cho một ai trong cả hai người.

Một trường hợp như thế trong lịch sử cuộc đời tình ái của Napoléon lại thấy rõ ràng hơn. Désirée Clary, người tình đầu tiên của Napoléon đã cùng nhau “thề non hẹn biển”… Nàng Clary lên Paris tìm… nhưng thất vọng đau đớn, nàng chực nhào xuống sông Seine. Nàng gặp Bernadotte, tuy không yêu nhưng vì uất hận, nàng nhận lấy Bernadotte làm chồng. Nàng viết trong nhật ký: “Tôi lấy Bernadotte vì tôi biết Bernadotte sẽ là người chống nổi Napoléon để trả thù cho tôi.” Trong thâm tâm nàng, vì bị chạm lòng tự ái nên nhận Bernadotte mà nàng không cần biết có phải là một người quân tử chăng, chỉ biết ông ta là cái gai nhọn sẽ làm khổ được Napoléon là đủ. Bernadotte “ghen” với Napoléon và chính anh ta sau này hại được Napoléon. Chung quy cuộc tình duyên giữa Désirée và Bernadotte là một cuộc tình duyên giả tạo. Bernadotte vì có công cứu Désirée và có lòng che chở bao bọc lúc mà cuộc đời nàng không còn tia hy vọng, nên chàng yêu nàng tha thiết. Nhưng nàng trái lại, vẫn lạnh nhạt với chàng, khiến chàng vô cùng khổ sở. Bernadotte rất quê dốt tâm lý của người đàn bà, tuy biết nàng vì uất hận và cốt trả thù cái “nhục bị hất hủi chán chường” kia, chứ thực sự đâu có yêu chàng; mà cũng vẫn hy vọng cướp được nàng, thì cái đau khổ mà chàng phải rước vào mình âu cũng không nên than thở. Mà ngay nàng Désirée cũng đau khổ không kém… Lòng tự ái đã làm khổ nàng suốt đời.

Không có gì làm cho người đàn bà đau khổ bằng những vết thương gây ra vì lòng tự ái của họ bị chạm. Người đàn ông cần phải được giáo dục về cách cư xử nhã nhặn này để tránh cho phụ nữ những vết thương lòng vô ích. Muốn từ hôn, người đàn ông nên khéo léo tỏ cho người mà mình phụ bạc biết rằng không phải vì mình đã không yêu họ nữa hay vì đã yêu người khác. Như thế sẽ làm đỡ đau khổ vô ích cho người đàn bà nhiều lắm rồi! Và phải chăng đó cũng là vì còn chút lòng nhân đạo!

Phần nhiều những sự ghen tuông thường xảy ra giữa vợ chồng hằng ngày, có khi đến án mạng… cũng đều gây ra vì lòng tự ái hơn là vì tình ái. Là vì lòng tự ái của người đàn bà xui họ không thể nhận được có một người đàn bà nào khác có thể đẹp hơn họ, có duyên hơn họ và chiếm được lòng thương của người yêu họ.

f. Lòng biết ân

Câu “ân càng thâm, oán càng sâu” là để nói về tâm trạng của người đàn ông. Lòng tự ái của người đàn ông xui họ bội bạc rất dễ dàng; họ yêu kẻ họ ban ân mà họ không thể ưa người mà họ thọ ân. (Xem THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA, cùng một tác giả. Đọc chương “ÂN VÀ OÁN”.)

Đối với người đàn bà khác.

Người đàn bà xem sự “thọ ân” như một việc tự nhiên và thường tình. Tự họ, họ cũng rất thích làm ân, vì đó là tâm hồn của bà mẹ.

Thi ân đối với người đàn bà là một phận sự, cho nên họ xem sự thọ ân cũng là một lẽ rất thường và rất tự nhiên. Bởi vậy, khi họ cần dùng đến một điều gì, một sự giúp đỡ gì về vật chất hay tinh thần, họ không ngần ngại gì để hỏi đến kẻ khác, cũng như họ không ngần ngại gì thi ân cho những kẻ cần đến họ.

Người đàn bà hễ mang ân ai thì suốt đời không bao giờ quên. Đối với họ, hễ “ân càng sâu” thì “tình càng nặng”. Chữ “ân” thường vương lấy chữ “tình”. Người đàn bà mà bội ân bạc nghĩa là một sự bất thường, nếu không phải là một con người quái gở.

Ân nghĩa và lòng kính phục dễ gây tình yêu nơi người đàn bà. Trong Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga sở dĩ yêu Vân Tiên vì đã thọ cái ân cứu tử. Trước cử chỉ anh hùng của chàng, nhất là ân cứu mạng… nàng bắt đầu cảm thấy yêu chàng… Và chính Vân Tiên cũng cảm thấy “yêu” nàng vì chàng là người đã chở che bênh vực nàng:

… “Chữ ân buộc lại chữ tình lây dây”

Nguyệt Nga sau khi từ biệt Vân Tiên cũng than:

… “Nghĩ mình mà ngán cho mình,

Chữ Ân chưa trả, chữ Tình lại vương…”

Và những mối tình gây ra do ân nghĩa tạo nên, thường là những mối tình bền bỉ nhất và sâu sắc nhất.

Bởi vậy người đàn bà con gái cần hết sức thận trọng khi thọ ân người đàn ông con trai. Đừng thọ lãnh ân huệ của ai cả, nếu mình biết không thể yêu thương người đó được, hoặc không thể đền ân trả nghĩa được.

Ở đời, hễ “thọ tài” như “thọ tiễn”[1], người đàn bà mà thọ ân người đàn ông quá nặng, những cái ân mà mình không thể trả nổi… thường khó mà thoát khỏi cảnh yêu đương.

Ở đây cũng cần bàn qua sự “tặng quà”, một phong tục được bành trướng nhất ở Tây phương. Ở Đông phương cũng vẫn có, nhưng kém tinh vi hơn.

Người đàn ông đối với món quà rất là lạnh lùng, nếu không cho là một món nợ phải trả. Nói cho đúng, họ cũng cảm động trước một món đồ tặng, nhưng đó là một thứ tình cảm nông nổi của xã giao thôi, không mấy thiết tha đến. Bởi thế, họ không hiểu được lòng của người đàn bà vui sướng hạnh phúc bậc nào khi nhận được một món quà của người mình thương. Dĩ nhiên là đối với người đàn bà mà một người lạ, hoặc họ không thương mà tặng họ quà, họ sẽ cho là một điều vô lễ, một sỉ nhục không thể tha thứ được.

Món quà, đối với người đàn bà, là tượng trưng một cái gì đậm đà, tế nhị của tình thương. Ban ân là một sự vui sướng đối với họ, mà thọ ân chẳng những họ rất vừa lòng lại còn cho là rất hãnh diện. Món quà, đối với người đàn bà là một vật tượng trưng chứa đựng không biết bao nhiêu tình thương yêu chú ý của người tặng.

Trong nhiều xã hội Á Đông, người ta cấm phụ nữ không được nhận quà tặng của bất luận người đàn ông con trai nào, trừ ra của cha hay anh em ruột và người mà họ sẽ nhận làm chồng. Tục này thật khôn ngoan, vì nó căn cứ trên một tâm lý sành sỏi và sâu sắc.

Tâm lý thông thường của người đàn bà con gái lương thiện đều thế cả. Họ chỉ nhận quà của những kẻ nào họ yêu mà thôi. Giờ phút nào họ không yêu nữa họ thường có thói “trả lại” những món quà nào họ đã nhận. Món quà theo họ là biểu hiện của tình thương, mà tình thương không còn nữa không bao giờ họ chịu giữ lại vật ấy bên mình. Tình yêu của người đàn bà cụ thể là như thế. Dù là một ân huệ nhỏ mọn nào, người con gái lương thiện đứng đắn không bao giờ chịu nhận đối với một người lạ hoặc một người mà họ không kính yêu. Và nếu, vì hoàn cảnh bắt buộc phải nhận, luôn luôn họ tìm cách để trả liền cái ân ấy.

Trong quyển tiểu thuyết “Nửa Chừng Xuân”, Khái Hưng miêu tả tâm lý ấy nơi người đàn bà rất rõ ràng. Cô Mai, lúc túng quẫn, bị tủi nhục đủ điều… lại được một thanh niên là cậu Lộc giúp cho số bạc hai mươi đồng… Ban đầu cô từ chối: “Em cám ơn ông, em không dám nhận, em quyết không nhận”. Nhưng từ cái “ân” ấy, cô bắt đầu để ý đến Lộc… và từ cái “ân” này đến cái “ân” kia nàng đã thọ của Lộc, khiến nàng yêu Lộc tha thiết. Khi Lộc hỏi cưới nàng làm vợ thì Mai tự nhủ: “Thì ông không biết rằng cái thân này, cái linh hồn này đã là của ông hay sao? Hà tất ông còn phải xin phải van?” Nàng đã chờ cơ hội để được báo đáp ân này một cách xứng đáng, một cách phi thường. Nhưng, đến sau khi Mai tin rằng Lộc đã bội bạc thì nàng liền nghĩ đến sự trả lại cho Lộc số bạc hai mươi đồng trước kia. Và thật vậy, cô đã nhờ chàng họa sĩ Bạch Hải trao trả lại cho Lộc số bạc ấy. Cô bảo với Bạch Hải: “Chỉ vì hai mươi đồng bạc này mà tôi đến nỗi này. Hai chục bạc ấy thế nào cũng phải hoàn lại. Đó là món nợ thứ nhất trong đời tôi”. Nàng không thể nhận một cái ân, dù là trong kỷ niệm, của một người mà nàng không còn yêu được nữa. Lại khi Mai túng quẫn, không tiền chữa bệnh cho Huy là em nàng, nàng bắt buộc phải thọ ân của bác sĩ Minh. Khi Minh tỏ ý muốn cưới nàng, nàng cân nhắc: “Nàng phải thủ tiết với chồng, vậy phải cự tuyệt bác sĩ Minh. Nhưng cự tuyệt bác sĩ Minh thì trước hết phải trả tiền thuốc đã…”.

Cái ân mà nàng đã thọ của Lộc, cũng như của Minh… là những “món nợ” mà cha nàng, cụ tú Lãm thường bảo: “Cừu nhân không đáng sợ bằng ân nhân. Ta chỉ sợ xảy ra sự gì mà ta không thể nào trả ân được…”.

Nhân đó, trong giao thiệp với người đàn ông con trai, người đàn bà con gái phải cần thận trọng: đừng vô tình để những kẻ không xứng đáng hoặc không có quyền chinh phục mình họ chiếm đoạt quả tim mình.

Người con gái cần phải cấm tuyệt sự nhận lãnh những món quà, cũng như đừng có thư từ qua lại với những người đàn ông con trai nào mà mình không muốn, hoặc không thể nhận người ấy làm người bạn trăm năm của mình. Thư từ qua lại với những người đàn ông con trai mà mình không thể là người bạn trăm năm của họ sau này, lắm khi gặp phải bọn gian manh họ sẽ lợi dụng những bức thư tâm tình của mình để bôi lọ hoặc phá gia cang mình sau này mà không phương cứu vãn. Có nhiều người con gái vì bị bôi lọ danh dự hay bị chúng lợi dụng thư từ cũ để làm gia cang tan tác, đã phải quyên sinh một cách thảm thiết như ta đã thấy thường xảy ra hằng ngày.

Bọn sở khanh chuyên môn đi trộm quả tim người con gái đàn bà, thường dùng những thủ đoạn tinh tế sau đây.

Thủ đoạn của họ là một thứ thủ đoạn cổ điển và bất hủ mà từ đời nào cũng vẫn bất di bất dịch: muốn chiếm quả tim một người đàn bà con gái nào cũng vậy, họ chia sự “tấn công” của họ vào bốn điểm chính sau đây, tức là bốn nhược điểm này của tâm hồn người phụ nữ. Họ khêu gợi:

- Lòng tự đắc

- Tính đa cảm và lòng thương hại

- Sự khao khát âu yếm

- Và lòng biết ân sâu nặng của người đàn bà.

Bởi vậy bắt đầu luôn luôn là một vài câu tán tỉnh mà người đàn bà nào cũng ưa thích: khen sắc đẹp của họ, dù là họ không đẹp. Sự tán tỉnh có nhiều hình thức từ thô thiển đến tinh vi, đi từ sắc đẹp đến cách ăn mặc chưng diện. Không gì làm cho người đàn bà ưa thích nhất là có được người nhìn ngắm mình (dù kín đáo hay sỗ sàng), vì vậy mà không có một người đàn bà con gái nào không thích sửa soạn sắc đẹp và trang điểm dù kín đáo đến bực nào! J. des Vignes Rouges nói: “Phải có can đảm mà nhìn nhận rằng cái mà ta gọi là khao khát yêu đương, thường lại chỉ là lòng khao khát được người tán tụng”.

Kế đó, họ dùng đến sự chiều chuộng, săn đón hết sức nhã nhặn chu đáo, tìm đủ mọi cách để giúp đỡ trong một vài việc nho nhỏ không đáng kể, mà dù là người khó tánh đến bực nào cũng không sao từ chối được. Nhưng, người phụ nữ đã bắt đầu cảm động và có ít nhiều thiện cảm. Lòng biết ân đã bắt đầu nhen nhúm.

Rồi đến giai đoạn tỏ bày tâm sự. Họ kêu gọi lòng thương hại của người đàn bà thường hay động lòng trước cảnh đau khổ của con người. Họ tỏ ra họ là người bạc phước, thiếu tình yêu, thiếu sự thông cảm của thiên hạ chung quanh, vô phúc trong gia đình, ngoài xã hội… vân vân và vân vân. Và họ đang tìm an ủi và tìm bạn tri âm dù họ là người đã có vợ con, đã có địa vị cao sang quyền quý… hoặc nếu họ chưa có vợ, họ cũng đã có nhiều nhân tình rồi!

Sau cùng, họ bước sang giai đoạn tặng quà, tặng lễ… và cũng chỉ khởi đầu bằng một vài món quà nho nhỏ thôi. Người con gái đã có thiện cảm, đã có nhận lãnh ít nhiều sự giúp đỡ, đã mang chút ít ân nghĩa rồi, thì cũng khó mà từ chối một món quà nhỏ mọn gần như không đáng kể như một quyển sách, một chai dầu thơm hay một cây bút máy chẳng hạn… Lại nữa, sợ người “ân” của mình ngỡ ngàng tủi thẹn vì sự từ khước của mình đã vô tình lê mình gần cạm bẫy… Theo nhiều người, ngay những bậc phụ huynh “trí thức”, thế mà, để tỏ mình là “tân tiến” không chịu nhận thấy sự nguy hiểm ấy, và cho rằng một vài món quà mà có là gì đáng lo ngại!… Đó là hạng người còn nông cạn, dốt nát về tâm hồn người phụ nữ, - tôi muốn nói người phụ nữ lương thiện là vì trừ một số người phụ nữ xảo quyệt và lãng mạn, lấy sắc đẹp “câu” người đàn ông để “lợi dụng” thì không kể, bất cứ một người đàn bà con gái nào thành thật, lương thiện… không bao giờ có thể nhận được một món quà mà không có một niềm tri ân thầm kín và thành thật mong được có ngày đền đáp.

Cho nên, nhận một món quà, người đàn bà con gái nào có lòng liêm sỉ, đều cho là một điểm nhục, nếu món quà ấy là của một người mà mình không có lòng quý mến hay kính trọng, huống chi đối với một người còn xa lạ hay mới quen.

Và từ một sự nhận lãnh món quà, lại sẽ đi lần đến một sự nhận lãnh món tiền, dù ít hay nhiều; người đàn bà con gái nào mà đã nhận lãnh một món tiền, thì đã là như “cá cắn câu”, dù cố gỡ cũng trầy da tróc vảy… Cô de Lespinasse nói: “Người đàn bà nào đã nhận tiền bạc của một người đàn ông là đã sẵn sàng định đem thân mạng mình để đền ân rồi, nếu có cơ hội”.

Hạng sở khanh chuyên môn, họ khôn quỷ lắm! Đừng quá tin tưởng nơi sự khôn ngoan của mình: “Phật cao nhất xích” chứ “Ma cao nhất trượng”! Mỗi khi sa cơ, sự thiệt hại lớn lao bao giờ cũng về phần người đàn bà chịu cả.

Tôi có biết nhiều cô gái theo “đợt sóng mới”, thích được quà tặng của các bạn trai… Họ cho rằng “dại gì không nhận”! Nhưng, nên biết rằng hạng đàn ông “đàng điếm” đâu phải là bọn người ngu dại: hễ “tiền trao cháo múc” và không bao giờ họ “tấn ơn” mà không có tính toán để kiếm chút “lời lãi” gì cho họ. Dù là đối với người bạn trai chí thân của mình cũng phải xử với họ, như lời Richelieu căn dặn: “Tin mà cũng phải phòng: phòng một ngày gần đây, họ sẽ là kẻ thù độc nhất đối với hạnh phúc của mình”.

André Maurois có nói: “Giữa bạn bè trai gái, trai thích dạy học gái thích học hỏi… thường dễ đổi tình bạn thành tình nhân”. Kinh nghiệm hằng ngày đã chứng minh câu nói ấy. Ban đầu người bạn gái thích học, nhờ bạn trai chỉ dạy… Rồi “ân” biến ra “tình”, khó lòng tránh khỏi. Những bậc phụ huynh nên để ý xem chừng con em của mình trong khi chúng giao thiệp với bạn trai. Tính đàn bà con gái dễ cảm… hễ một khi thọ ân rồi dễ chuyển qua tình yêu mà không hay. Trừ ra anh em ruột thịt thì không kể, dù là anh em bà con mà để giao thiệp tự do như trên cũng khó giữ gìn cho khỏi cảnh thương luân bại lý. Đây là một vấn đề quan trọng, phần đông phụ huynh vì đã quá vô tâm đã để xảy ra nhiều thảm kịch gia đình đáng tiếc. “Lửa gần rơm” là điều rất nên thận trọng.

Tóm lại, lòng biết ân là nhược điểm của người đàn bà. Không gì làm vui lòng người đàn bà bằng thấy được có người lo nghĩ đến mình. Một món quà dù nhỏ đến đâu cũng làm cho người đàn bà được hạnh phúc. Vậy, tại sao trong tình vợ chồng, ta không biết thỉnh thoảng tỏ cho vợ biết cái tình yêu của mình bằng một vài tặng vật… Làm vui lòng nhau bằng sự tặng quà là một việc làm hay, tại sao không biết dùng nó để nuôi dưỡng tình yêu?

g. Thích tâm sự

Người đàn bà, trái với người đàn ông, thích tâm sự với kẻ khác. Lúc còn nhỏ, đứa con gái cũng nói sớm hơn đứa con trai, không phải vì thông minh hơn mà là vì bản tánh ưa tâm sự hơn. Ở trường học, người con trai đứng đắn thường lặng lẽ hơn, thích sống một mình và cũng không ưa bạn bè. Còn người con gái dù là người kín đáo trầm lặng bậc nào, cũng thích tỏ tình, thích bè bạn; thích tâm sự với nhau, thích viết thư cho cha mẹ, bà con, bạn bè xa cách. Trái lại đối với con trai, viết thơ là cả một hình phạt, chúng không biết nói gì cả chính vì tính tình chúng không thấy cần tỏ bày tâm sự.

Ở ngoài đồng ruộng, nếu không nói chuyện với nhau được, vì công việc đồng áng không thể để họ ở cận bên nhau để tâm sự, bàn tán thì họ lại thích ca hát, hò vang lên, không thích sống trong lặng lẽ, cô tịch. Cho nên đối với người đàn bà con gái, sống cô đơn trong tâm hồn là một đau khổ cực kỳ.

Người phụ nữ có tính ưa xã giao, thích yêu thương và được yêu thương. Do đó, nếu phải sống trong cô đơn họ sẽ chết mòn như một gốc cây thiếu nước. Sự cô đơn về tinh thần đối với người đàn bà là một hình phạt đau khổ, cực kỳ thống thiết hơn là bị sống trong cảnh tịch liêu, vì sống trong tịch liêu họ cũng còn có bạn bè với hoa cỏ, với chim muông, với thú vật quanh mình.

Ta cứ nhìn chung quanh thì sẽ thấy rõ: đàn ông gặp nhau, nói chuyện qua loa rồi thì nếu không bàn về việc làm ăn, là họ kiếm việc giải trí với nhau như bài bạc, đánh cờ hay nhậu nhẹt để khỏi phải nói chuyện vu vơ tâm sự. Trái lại người đàn bà mà hội với nhau, thì chuyện là chuyện, họ quấn quýt với nhau suốt ngày cũng không bao giờ hết chuyện.

Sự khát khao giãi bày tâm sự thường lại trở thành mối hiểu lầm giữa người đàn bà và người đàn ông. Người đàn ông thường thường ưa suy nghĩ mực thước, lý luận và nghiền ngẫm, cho nên thích trầm lặng, ưa sống nơi vắng vẻ. Ít xúc động, người đàn ông thường không hiểu nổi nỗi lòng khao khát tâm sự của người đàn bà, bởi vậy họ đã không khuyến khích người đàn bà bảy tỏ nỗi lòng lại còn dửng dưng lạnh lùng khi người bạn lòng muốn tỏ niềm tâm sự. Bởi vậy, người đàn bà mới đem tâm sự mà phó thác cho kẻ khác, gây nên biết bao sự đáng tiếc trong gia đình. Người đàn ông không thích xen vào tâm tình kẻ khác, cũng rất bực mình khi thấy kẻ khác lại tìm tòi xen vào tâm sự mình. Vì vậy, lắm khi họ bực mình vì những tâm sự không đâu của người đàn bà, nên tìm cách trốn tránh bằng những cử chỉ sỗ sàng trắng trợn, thường làm cho người đàn bà hết sức đau khổ.

Người đàn bà thích giải phẫu và tìm hiểu tâm sự của kẻ khác, rất lấy làm chán nản vì sao người đàn ông của họ lại quá lạnh lùng đối với những lời tâm tình của họ và đáng tiếc là họ lại cho đó là những cử chỉ của một tình yêu lạnh nhạt. Đó là một trong những nguyên nhân làm tình vợ chồng ngày càng xa cách lãnh đạm. Lúc ban đầu người đàn ông vì muốn được lòng người mình yêu nên cố gắng làm mặt tươi cười chiều chuộng để nghe một cách chăm chú tâm sự của người đàn bà, cho nên họ được người đàn bà thích lắm. Nhưng thực ra lắm khi họ giả bộ chăm chú mà không để ý gì cả. Tuy vậy, người đàn bà không đòi hỏi gì hơn là được có người chịu nghe cho họ nói: như thế cũng đủ lắm rồi và họ sẽ vô cùng thầm cảm ân mình.

Sự khao khát tâm sự của người đàn bà xui họ thích bạn tâm tình và nếu người đàn ông vụng dại lạnh nhạt đối với họ, có khi bắt buộc họ đem tâm sự mà phó thác cho người đàn ông khác. Như thế, thật là nguy hiểm vô cùng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.