Thực Tâm Giả

Chương 1: Chương 1: chương 1




Ấn tượng về Qua Âm Châu trong lòng Phương Đăng giống như một tấm gấm Tô Châu sờn cũ, vừa tú lệ lại vừa phủ đầy tro bụi của thời gian. Người ta luôn cho rằng nó đẹp, nhưng lại không cẩn thận ngắm nhìn. Có thể cũng do mùi vị ẩm ướt của thủy triều, nhưng đó cũng là mùi vị mốc meo mà nơi khác không hề có được. Nhưng chỉ mới một tuần trước thôi, điều này chỉ tồn tại trong tưởng tượng của cô, cô sinh ở khu vực phía Nam, trong suốt mười lăm năm của cuộc đời chưa từng bước đến hòn đảo nhỏ này, nơi cha cô từng sống, tựa như cô chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy Gấm Tô Châu, tất cả đều là do cô Chu Nhan lúc còn minh mẫn kể lại.

Tám tháng trước, cô cô qua đời, chỉ còn lại hai cha con Phương Đăng. Vì thiếu tiền, chủ nợ truy đuổi gắt gao, cùng đường, cha cô mới dẫn theo con gái quay lại nơi này. Còn số tiền thiếu, là cô cô hay cha nợ, Phương Đăng không biết cũng không hỏi. Cô đã quen với kiểu chuyển từ nhà cao đến nhà thấp. Lần này điểm đáng nói duy nhất vì nơi cô đến là Qua Âm Châu, một nơi cô hoàn toàn xa lạ nhưng lại có thể gọi ra vô số tên các con hẻm nhỏ ở địa phương. Lao đến mà không cần biết đích phía trước, không phải “đi đến” mà là “trở về”, Phương Đăng phát hiện, bản thân cô cũng không ghét thứ cảm giác này.

Trước khi chuyển đi, Phương Đăng vừa mới học xong năm lớp mười. Lần này vì ghét thủ tục chuyển trường phức tạp, cha cô không muốn để cô đi học tiếp. Tuy là ít tiền trường ông cũng miễn cưỡng đưa ra, nhưng vì ông cảm thấy học nhiều như vậy kiến thức cũng chẳng để làm gì, không bằng dùng số tiền đó đem đi mua rượu. Phương Đăng cũng không muốn cãi lời cha. Cho dù có thể đầu tư thời gian, công sức, biểu hiện của cô cũng không tệ, cô chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày chỉ vì khổ công học hành mà cô trở thành trụ cột trong xã hội này. Cuối cùng, tất cả đều nhờ vào những nhân viên từ Văn phòng Khu phố và Trường học đến nhà thuyết khách: “Quốc gia khuyến khích nữ nhân cũng phải đọc nhiều sách”, “Dù sao cũng đã học nửa học kỳ, kết quả thế nào đi nữa, lấy được bằng tú tài mới không thua thiệt”, với các lý do đó, lúc này cha cô mới đồng ý. Người đàn ông này chỉ tỏ ra mạnh mẽ với con gái ở nhà lúc say xỉn, còn đối với đại đa số người ngoài, ông luôn là kiểu người bảo sao nghe vậy. Hơn nữa, gắn mác “Nhà nước” hoặc nghe từ “Quốc gia” vào, ông ta nhất định không can đảm mà nói dù chỉ nửa từ “Không”. Phương Đăng ngồi ở góc phòng nhìn cha mình khom lưng tiễn người thuyết khách đi, trong lòng cảm thấy có chút buồn cười. Chiều hôm đó, cô đội mưa tự đi làm thủ tục nhập học ình.

Qua Âm Châu chỉ có một trường trung học, bao gồm Trung học cấp một và trung học cấp hai, học sinh hơn một nửa là con cái của cư dân trên đảo, cả trường tính luôn thầy lẫn trò cũng chưa đầy ba trăm người. Trường học này lúc trước là do giáo hội dựng nên, sau khi giải phóng thì đổi thành trường công lập, đến nay còn có một hai “chị em” lâu năm phục vụ ở phòng ăn và thư viện. Những con người đặc biệt đó giống như “lão làng” và những ngôi nhà đổ nát rải rác trên đảo, đều nhớ rõ quá khứ của hòn đảo nhỏ này.

Hơn nửa thế kỷ trước, Qua Âm Châu còn được xem là một thành thị nằm ở rìa các hòn đảo nhỏ vô danh, rải rác khắp nơi trên các thửa ruộng trồng dưa, cái tên Qua Âm Châu cũng từ đó mà ra đời. Lúc này người dân ở đây chỉ ăn hải sản trên biển, sinh sống bằng nghề đánh cá. Lúc chiến tranh loạn lạc, cuộc sống khó khăn, nơi đây lại là lối đi thông ra biển, trên đảo không ít người trở thành “Lợn con”, một nửa bị lừa gạt, một nửa bị bán ra nước ngoài làm lao công, còn một phần nhỏ không chịu được cảnh mùa màng đói kém, trôi dạt xuống Nam Dương. Đa số những người này đều trở thành các linh hồn tha hương, không thể quay về nguồn cội, nhưng cũng có nhiều người mạng lớn, gan dạ mà tạo được của cải vô số. Dân bản xứ đầu óc linh hoạt, chịu đựng cơ khổ, hơn nữa nặng tình yêu cố thổ, bất luận lẫn lộn với bên ngoài thế nào, hứng phải mưa gió thế nào, cũng đều mong về già lá rụng về cội, được chôn xương trên đảo nhỏ, cho nên những người giàu có áo gấm về làng kia một lần nữa ở trên đảo này dựng lên những ngôi nhà lớn để sau này đưa gia đình cùng về dưỡng già. Họ như làn sóng cuồn cuộn không ngừng trở về hòn đảo trước kia rất cô tịch, dần dần, ruộng dưa bị ngói đỏ tường trắng thay thế, đường ruộng ngang dọc bùn lầy thay bằng các cửa hàng lát đá xanh, những con đường quanh co uốn lượn dẫn vào các ngôi nhà lớn giàu có đầy cây xanh hoa đẹp. Từ đó trở đi, Qua Âm Châu nổi tiếng xa gần là nơi tập trung kiều bào hồi hương nhiều nhất, người có tiền từ nơi khác cũng đến đây xây nhà ở. Nhất thời, hòn đảo nhỏ tụ tập đầy người giàu có, rải rác các phú thương, đô thị phồn hoa cả ngày làm bạn với gió biển..

Nhưng tất cả đều là chuyện xưa, trải qua hơn trăm năm thay đổi, đầu tiên là khi chiến tranh bị quân Nhật giày xéo, sau đó đến Cách Mạng Văn hóa rối reng, hậu duệ của các gia đình giàu có kia đa số đi khỏi nơi này, trốn ra nước ngoài, những gia đình không di dời mà ở lại thì phân nửa cũng trở nên suy bại. Các ngôi nhà lầu cao lớn trở nên trống vắng, sau đó quá trình giải phóng Tân Kỹ Nghệ lại đem đến một số lượng cư dân mới, đời ông nội Phương Đăng nghe nói chính lúc này đã di cư lên đảo. Bọn họ lấy thân phận chủ nhân mới của xã hội chủ nghĩa tịch thu, thường dân chỉ có thể nhìn lên các đình đài lầu ngòi, các vườn hoa cũ, các tiểu lâu, hành lang, đại viện bị phân chia thành vô số gian phòng nhỏ, những cây Bạch Ngọc Lan lung lay đưa hương theo gió và các gốc cổ thụ già um tùm phơi rể, sự giàu có đẹp đẽ trở nên xa xôi và mông lung, phố thị ồn ào náo nhiệt bị thay thế bằng dung tục tầm thường, các con hẻm nhỏ thường xuyên bị mất cắp phụ kiện đồng trong đèn đường, các lan can đá cẩm thạch được chạm trổ tinh xảo vẫn khư khư kể về quá khứ.

Cho đến bây giờ Phương Đăng vẫn vô duyên với những thứ tinh hoa xa xỉ. Cô có thể cảm giác được, mỗi góc sân hoang phế trên đảo, mỗi khối gạch xanh bị tàn phá đều từ khe hở tràn ra những cảnh tượng ngày xưa, cực kỳ khác biệt với cuộc sống bình yên của cô, nhưng cũng rất khó tưởng tượng cuối cùng là khác biệt ở chỗ nào. Dù chỉ mới mười lăm tuổi, cô cũng mơ hồ hiểu, cảnh tượng phồn hoa của Qua Âm Châu không thể nào trở lại, nó giống như đã đi qua sự nhộn nhịp của một nền văn minh cũ, là mùi vị hấp dẫn khó lòng diễn tả, tốt hơn nhiều so với thời khai nguyên cằn cỗi và hoang vắng. Hơn nữa đây là hòn đảo được thiên nhiên ưu ái ban tặng đầy đủ sắc màu độc đáo, biển đảo xanh mướt, gió biển ẩm ướt, cô cô và cha của Phương Đăng đều yêu thích mùi vị ngọt ngào của quê hương. Cô không nghĩ ra tại sao lúc đầu họ chịu rời khỏi nơi này?

Đang đi qua mùa mưa, mưa nhỏ lách tách một tuần nay không hề dứt. Phương Đăng trên đường từ trường học trở về chợt nghĩ, nói không chừng, mình đối với quá khứ của Qua Âm Châu luôn là hơi nước hòa trong trí tưởng tượng, không phải vì làn sương mù phả ra từ miệng cô cô lúc nhắc chuyện quá khứ, cũng không phải vì lúc cô cô che giấu vẻ u sầu trên mặt mà là vì nơi đây là nơi quá khó để nhìn thấy mặt trời, không mưa thì là sương mù, làm cho người ta cảm thấy u ám đến tận xương tủy.

Đi đến căn nhà nằm giữa hẻm, cô sập dù lại, chui vào lối đi vừa hẹp vừa tối. Tiếng của ông chủ cửa hàng tạp hóa và mùi khai của nước tiểu xông vào mũi như âm hồn không tiêu tán.

“Cô bé nhà họ Phương, không gọi tôi lên uống rượu với “máu mủ” nhà các người à?”

Phương Đăng không trả lời, rũ nước mưa trên dù, đập thình thịch lên mặt đất. Cô và cha cô lúc mới đặt chân đến đây đã ở trong con hẻm ngay giữa đảo, hay nói chính xác hơn là một ngôi nhà xây bất hợp pháp ở giữa hai tòa nhà cũ của Thánh đường bỏ hoang và cô nhi viện Thánh Ân. Tầng dưới là cửa hàng tạp hóa duy nhất trên đảo, đối diện là hoa viên nhà họ Phó nổi tiếng ở Qua Âm Châu, vị trí được coi là “Đắc địa”. Ông chủ tiệm tạp hóa dùng gạch đỏ thay tường, xây căn lầu nhỏ hai tầng xiêu vẹo, trên nóc che bằng gạch ngói xi măng, tầng một là cửa hàng và nơi ở của mình, trên lầu chia thành vài “chuồng bồ câu” cho người ta mướn. Phương Đăng cùng cha ở nửa tầng trên gác lửng. Mỗi khi bên ngoài trời mưa to, cơ hồ chỉ cần chạm đến tấm gạch ngói xi măng trên đầu là nước rơi tí tách tạo thành một cơn mưa nhỏ khác.

Đi vào gian phòng nhỏ dùng màn vải che thành hai nửa, quả nhiên như Phương Đăng đoán, cha cô – Phương Học Nông đang nằm ngủ gà ngủ gật trên chiếc giường bằng tre ở bên ngoài. Trước khi ra ngoài, cô đã dùng thùng nhựa để hứng mưa nhỏ xuống trên nóc nhà, lúc này trên rảnh nước không ngừng tràn ra, vậy mà Phương Học Nông vẫn bình yên say ngủ, y như là không có cảm giác.

Phương Đăng không nói một lời, giơ cao chiếc thùng đi tới bên cửa sổ, dùng sức hướng ngay giữa mặt đường. Có lẽ nước bắn lên cửa, ở lầu dưới chủ tiệm tạp hóa mắng mấy tiếng. Đang lúc này, cô nhìn thấy màn cửa sổ của góc phòng ngay lầu hai trong khu vườn nhà họ Phó đối diện giật giật, có lẽ người ở bên trong giật mình do tiếng nước mà cô dội xuống, một bàn tay vén nhẹ góc màn ở cửa sổ lên, lộ ra nửa mặt người đứng bên cửa sổ, chiếc rèm cửa lại bị kéo xuống, cánh cửa sổ lá sách nhẹ nhàng khép lại từ bên trong.

Đây là lần đầu kể từ khi dọn đến đây, Phương Đăng cảm nhận được động tĩnh của phía đối diện. Chỉ mấy ngày trước kia, cánh cửa trong con hẻm và hầu hết các khu vườn ngoài cửa sổ luôn được bao phủ bởi một tấm màn nhung dầy cộm đỏ thẫm, thế giới bên khung cửa từng một thời cực thịnh vậy mà bây giờ cùng với ngôi vườn hoang phế của Phó gia trong truyền thuyết đều thần bí như nhau. Khoảng cách cùng lắm chỉ là hai ba mươi mét, vậy mà ngôi biệt thự tư nhân kia cùng con hẻm nhỏ này giống như cách xa một trời một vực, cuộc sống bên này càng thêm tươi mới, thêm nhiều âm thanh huyên náo, càng nhiều hơi thở thế tục, những lời đối đáp thô tục… Là hơi thở của cuộc sống.

Phải, nếu so sánh với bên này, khu vườn nhà họ Phó đối diện bình yên như chết. Nếu như không phải là âm thanh ồn ào của tiếng mưa rơi vào trong sân, có những tàn cây cổ cao che trời, tiếng gió vù vù xuyên qua bốn bề hành lang trống rỗng, thỉnh thoảng mưa nhỏ lại, chú chim nhỏ vỗ cánh ghé vào vách tường căn gác nhỏ, đậu trên lá cây huyết đằng,thì nó giống như chiếc quan tài pha lê khổng lồ bị đóng băng với thời gian, như bức tranh cổ trong câu chuyện liêu trai mê hoặc lòng người, tĩnh mịch, u ám, thế giới đằng sau bức rèm phảng phất như không mưa gió nào có thể ăn mòn được.

Đây mới là Qua Âm Châu theo lời kể của cô Chu Nhan, hồn phách Qua Âm Châu co ro ẩn mình trong đất nhà giàu đã bị bỏ hoang hơn nửa cùng với Phương Đăng, cha cô – Phương Học Nông, chủ tiệm tạp hóa ở lầu dưới cùng nhà và với đa số người dân trên đảo hôm nay đều không có bất kỳ quan hệ gì. Nếu như có ai đó đang ngồi sau chiếc rèm này, Phương Đăng nghĩ thầm, hẳn là cũng giống cô Chu Nhan, một mỹ nhân già cỗi, da thịt cằn khô nhưng vẫn còn phảng phất vẻ kiều diễm nhu mì, ngồi ngay ngắn trước đèn, xa xa mọi người đều tập trung phỏng đoán vẻ đẹp rạng ngời của ngày xưa.

Chẳng qua đây cũng chỉ là điều cô gái nhỏ Phương Đăng tưởng tượng, nhưng nếu nghĩ sâu xa, sẽ phát hiện sự tưởng tượng này hình như gượng gạo. Nhà họ Phó năm đó một thời hiển hách, hôm nay tuy không so được với ngày xưa nhưng con cháu một nửa đều ở nước ngoài, cũng coi là không bị suy vong, cho đến giờ, một phần nguồn kinh tế của cô nhi viện Thánh Ân đều là do hậu nhân của nhà họ Phó đích thân quyên góp. Đúng là hậu nhân nhà giàu có, dù không nói ra, nhưng Phương Đăng đã cương quyết sẽ không giống như cô Chu Nhan, phải dựa vào “việc đó” để kiếm cơm. Huống chi cô Chu Nhan cùng cha cô Phương Nông Học đều cùng một mẹ sinh ra, đời trước đều xuất thân nghèo khổ, chưa từng trải qua phú quý giàu sang. Những điều này trong lòng Phương Đăng đều hiểu rõ, chẳng qua cô nghi hoặc… tại sao người ta nói…

“Dù mày có đổ bao nhiêu lần đi nữa, cái nhà này cũng không ngăn nắp gọn gàng đến nở hoa được đâu!”

Phương Nông Học trở mình trên giường tre, lầm bầm một câu trong cổ họng, cắt đứt suy nghĩ kỳ quái của Phương Đăng.

Phương Đăng nặng nề xách chiếc thùng nhựa đặt lại chỗ cũ, nhanh mồm trả lời: “Nếu con để yên, người cha có thể mọc rêu xanh luôn đó.”

Phương Nông Học hừ hai tiếng, giống như đang cười. Khó khăn lắm mới có một buổi chiều ông ta không say rượu. Ở trên đảo mấy ngày, Phương Đăng bắt đầu cảm thụ sâu sắc được cha cô quả không hổ là người xuất thân từ Qua Âm Châu. Ở đây đa số người dân lớn tuổi đều biết tên ông – dĩ nhiên, hơn một nửa bọn họ đều gọi ông bằng biệt danh không hay cho lắm “Phương máu mủ”, lời chào hỏi và nụ cười trên mặt họ đều mang vẻ khinh miệt giống y nhau.

Chẳng thể trách người khác coi thường, Phương Đăng cũng biết ba mình rất uất ức. Lúc còn trẻ ông cũng không có công việc đàng hoàng, chỉ dựa vào làm những việc mà người khác không muốn làm để kiếm sống. Ví dụ như con cái nhà ai chết yểu, thường sẽ giao cho Phương Học Nông, chỉ cần chi cho ông ta ít tiền hay ít gạo, gì cũng được, ông ta sẽ đứng ra tìm chỗ chôn ngay. Nếu trên đảo có tang sự, gánh thi hài, nâng quan tài, rắc tiền vàng bạch… đều là sở trường trong tay ông ấy. Lúc không có loại việc này để làm, dọn dẹp hố xí cho người ta, thu rác rưởi, chỉ cần đổi lấy ít tiền sống tạm qua ngày, tất cả ông đều tự nguyện làm. Phương Học Nông không có dũng khí, cũng chẳng đặng đừng, dù ai nói lời cay nghiệt cỡ nào đều cười hì hì, ngày thường cũng lôi thôi lếch thếch, có ít tiền đều đem mua rượu uống, tất cả mọi người đều đem ông ra làm chuyện kể khôi hài. Cũng chẳng biết tên ác miệng nào bày đầu, mọi người liền y theo gọi tên ông là “Phương máu mủ”, ông cũng thuận miệng trả lời.

Mấy năm ở bên ngoài với em gái cùng mẹ khác cha Chu Nhan, lúc đầu Phương Học Nông chỉ làm các công việc vặt vãnh. Ông uống rượu nhiều, không làm được các công việc đòi hỏi dùng sức, trong trí nhớ của Phương Đồng, tuổi thơ của cô luôn là bữa đói bữa no. Sau đó có một ngày, cô Chu Nhan tháo màn vải trong phòng xuống, Phương Học Nông kéo bé Phương Đăng ra ngồi dưới hiên ngoài cửa cả buổi chiều, bất luận con gái hỏi gì, ông đều không lên tiếng. Chạng vạng tối, Phương Đăng thấy cô mình lấy mấy tờ ngân phiếu đặt vào tay cha, cô nhớ rõ ràng lúc đó mặt trời vừa lặn qua núi, bầu trời hơi tối, tóc của cô Chu Nhan xốc xếch, trên mặt không lộ chút cảm xúc nào. Nhưng khi nhận lấy tiền, Phương Học Nông khóc lớn, buổi tối đập vỡ bình rượu, uống say đến tận chiều hôm sau. Mấy ngày sau đó, ông thường xuyên từ bên ngoài đưa đàn ông về tới phòng của người cô, rồi ngồi bên ngoài uống rượu, lại từ trong tay người cô đón lấy những đồng tiền có khi cũ có khi mới, đi mua đồ ăn cho bọn họ. Sau khi Chu Nhan chết, Phương Học Nông cũng hết sức lăn lộn bên ngoài, liền mang theo Phương Đăng trở về Qua Âm Châu, tính làm nghề xưa để kiếm sống. Ông thường xuyên trơ mặt ra nhìn Phương Đăng cười, nói chỉ vài năm nữa thôi, con gái có thể giúp ông dưỡng lão.

Công bằng mà nói, Phương Học Nông đối với Phương Đăng không quá tệ, dù là bản thân hạ tiện như rác rưởi, nhưng cũng không hề bỏ đói đứa con gái duy nhất này một bữa nào, hơn nữa cũng không có ngược đãi cô, cùng lắm khi say rượu về tóm lấy cô cho hả giận, nếu nổi cơn lên thì tuyên bố phải đem con gái đi bán. Có thể nói vài năm gần đây, Phương Đăng cũng không còn quá sợ ông ta bán cô, ngay cả cơm ông ta cũng không thể tự ăn, có say chết cũng không người biết. Lúc ông ta điên lên vì cơn say cô cũng không còn sợ, trước đây không lâu có một lần, ông uống rượu say lên, vô cớ sai bảo Phương Đăng làm cái này làm cái nọ, Phương Đăng mãi làm bài tập không để ý, ông ta vô cớ nổi giận, níu lấy tóc con gái tóm vào tường. Phương Đăng giãy giụa mấy cái, da đầu đau đến tê dại, vẫn không thoát được tay ông, vội vàng nhấc chân nhắm thẳng vào bụng con sâu rượu đạp một phát, Phương Học Nông buông tay, té ngồi ở góc tường hồi lâu không đứng lên nổi. Ngày hôm sau tỉnh rượu, ông ta chỉ lầm bầm vuốt bụng nhưng cũng không nhắc đến chuyện đêm qua.

Có lúc Phương Đăng nghĩ, trên đời này làm gì có người con gái nào ngu xuẩn đến mức sinh con đẻ cái cho người như cha cô.Nhưng nếu như không có người con gái như vậy thì cô làm thế nào mà ra đời? Chẳng lẽ cô là con nuôi? Phương Học Nông nuôi sống bản thân đã khó khăn, làm sao vĩ đại đến mức thu dụng một người không hề có liên hệ gì đến mình? Có một thời gian, hình như là sau khi tốt nghiệp tiểu học không lâu, Phương Đăng hoài nghi mình là con của cô Chu Nhan. Cô thậm chí ngượng ngùng gọi cô của mình là “mẹ” nhưng người cô chưa bao giờ trả lời. Phương Đăng càng gọi, cô Chu Nhan không chịu nổi liền đẩy cô đi chỗ khác.

Cho tới giờ Phương Đăng cũng không biết mình từ đâu tới, nhưng cô đã học được thái độ chẳng quan tâm. Được nhặt về cũng tốt, là con ruột Phương Học Nông cũng tốt, do người cô sinh ra cũng tốt, đối với Phương Đăng mà nói đều không có gì khác.Cô vẫn tròn mười lăm tuổi, chỉ mấy năm nữa thôi đã có thể tự làm chủ bản thân mình.

Như thường lệ Phương Đăng ngồi ở cửa sổ, lấy ánh sáng mà nhặt rau, một lúc không kềm chế được cô lại nhìn về cánh cửa sổ hướng bên kia. Khuôn mặt vừa hé lộ ra sau cửa sổ đã khơi dậy điểm tò mò sâu nhất trong nội tâm cô, nhưng đến khi nàng đã nhặt xong bó rau cho bữa trưa mai, bên phía kia vẫn không có bất kỳ động tĩnh gì, ngay cả tấm rèm màu đỏ thắm cũng im lìm sau cánh cửa sổ lá sác đóng chặt lại, huống hồ gì là người ở phía sau rèm.

Phương Đăng dù sao cũng là một cô bé, trong lòng rất hiếu kỳ, ngơ ngẩn một hồi, không nhịn được liều quay sang nhìn người nằm trên giường, hỏi: “Cha, người ta đều nói con cái nhà họ Phó đều ở nước ngoài, vậy tại sao trong hoa viên có người ở? Người đó là ai?”

“Mày để ý chuyện này làm gì?” – Một hồi lâu Phương Học Nông mới trả lời.

“Con chỉ tiện miệng hỏi thôi. Không phải nói Chính phủ đã đem nhà trả lại cho họ Phó sao? Bọn họ giàu như vậy, sao lại để cho đất đai tổ tiên hoang phế chứ?”

“Tao không biết, chuyện này với mày có can hệ gì? Với tao lại có quan hệ chó gì chứ?” – Phương Học Nông ngồi dậy, tiếng giường tre kêu những tiếng kẽo kẹt sắc lẻm khi ông đột ngột bật lên.

Phương Đăng không phải là ngốc, cô sớm biết cha mình dù luôn miệng nói chuyện ở nhà đối diện không có quan hệ gì, nhưng mỗi khi cô vô tình hay cố ý nhắc tới nhà họ Phó, cha cô luôn hết sức phiền não. Ông ta vốn quen bị người khác chà đạp, vậy mà mấy ngày nay sau khi uống rượu, ông cũng theo bản năng mà nhìn lấm lét về hướng nhà đối diện. Chỉ là không giống như sự tò mò của Phương Đăng, ánh mắt của Phương Học Nông nhìn về nhà họ Phó tràn đầy sự độc địa tiểu nhân. Càng nói thì sự nghi ngờ trong lòng Phương Đăng càng to lớn hơn. Cô đã hiểu được không ít chuyện, bên ngoài nghe được lời đồn đại, còn có những đầu mối mà trước đây cô Chu Nhan vô tình thổ lộ với cô, tạo nên một sợi dây vô hình vặn vẹo. Sợi dây bên này bện chặt cô và người cô, với cha cô, còn đầu bên kia lại như con rắn độc từ từ trườn về cánh cửa sổ tuy gần trong gang tấc lại xa đến ngàn dặm kia. Nghĩ đến đây, cô cũng không kềm chế được, nói ra những lời định giữ trong lòng.

“Trước đây cô có sinh một đứa bé, bây giờ nó đang ở trong hoa viên của nhà họ Phó phải không?”

Phương Học Nông sửng sốt một hồi, mặt nghệch ra đỏ bừng, giống như là sắp nổi trận lôi đình, ngay cả lời nói cũng không thốt ra nổi. “Thật là… nói láo, mày nghe ở đâu…Cô của mày làm sao có thể…với cái loại cầm thú nhà đối diện không có chút quan hệ nào… Không có…”

“Cha định gạt ai chứ? Cô và cha đều không gạt được con. Cha thử đi hỏi xem, trên đảo này có ai mà không biết?”

Phương Đăng không hề nói láo, trước kia cô cô định xuất giá, nghe nói đối phương mang họ Phó. Cô cô cũng từng nói qua với Phương Đăng là mình từng sinh một đứa con trai, lại lớn hơn Phương Đăng hai tuổi. Hơn nữa ngày thứ hai sau khi Phương Đăng cùng cha dọn vào đây, ông bà chủ tiệm tạp hóa dưới nhà liền lấy cô ra đùa: “Bé con, mày không phải là cháu gái Chu Nhan sao? Sao không vào nhà lớn đối diện? Dù sao đều là người một nhà cả mà”.

Những quá khứ đều chỉ là lời đồn đại hoặc che giấu trong vài câu nói, hay thật ra cô Chu Nhan đã rời khỏi Qua Âm Châu vì nguyên nhân này, cũng là nguyên nhân Phương Nông Học tránh nhắc đến, vậy mà, mười mấy năm trôi qua, chuyện này ở Qua Âm Châu cũng không phải điều gì bí mật.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.