Bỏ Phó Kính Thù ra ngoài cuộc sống, cái nhìn của Phương Đăng về Qua Âm Châu trở nên mới mẻ hơn. Trước đây cô chỉ nhìn thấy bóng lưng của anh, bây giờ mới phát hiện trên con hẻm nhỏ về nhà, hai bên đường đều nở đầy hoa mỹ nhân, lá xanh chen chúc các bông hoa lớn sặc sỡ trên cành cây màu mỡ, dù còn non vẫn mang một màu đỏ thẫm, vẻ đẹp như mê hoặc lòng người. Cô thích nhất là hái hoa mỹ nhân xuống rồi vạch bên trong tìm mật ngọt. Ngoài ra, sau khi tan học không cần phải đến tường rào bên khu vườn Phó gia nữa, cô tự mình làm lưới rồi mò ra hồ bắt cá, ngày may mắn có thể bắt cả mười mấy con, về nhà chiên xù lên, Phương Học Nông rất thích dùng món này nhắm rượu, mỗi khi nhìn thấy đều không ngừng khen cô là “con gái ngoan”.
Khoảng mười ngày sau, sọt rác nặng nề mà Phương Đăng trước đây tưởng là đã bị nhân công dọn dẹp vứt đi lại một lần nữa xuất hiện ở góc hành lang phòng trọ, bên trong còn có túi phân bón được xếp chồng lên một cách gọn gàng. Cô buồn bực liếc về khu vườn nhà họ Phó một cái, không biết có phải do ảnh hưởng từ tình cảm hay không, cô nhớ lại cho đến giờ, mùi hôi trong con hẻm nhỏ dường như cũng bay đi đâu mất.
Ngày hôm sau, Phương Đăng phải trực lớp nên về trễ, đi tới cửa tiệm tạp hóa của lão Đỗ, cô cảm giác có gì đó là lạ, vừa quay đầu lại, rèm cửa sổ ở trên căn lầu nhỏ đối diện bị một người kéo lên. Cô thong dong xách thùng cùng lưới cá đến hồ nước định tìm vận may, mới đi vài bước liền nghe có người gọi.
“Phương Đăng, cô đến đây.”
Đúng là giọng nói đó, cũng là lần đầu tiên từ trước đến nay mới gọi tên cô, ngay cả Phương Đăng còn cảm thấy cái tên của mình có chút gì xa lạ. Cô làm ra vẻ lơ đãng quay đầu lại.
“Chuyện gì?”
“Cô vào đây, tôi có cái này cho cô xem”.
Lúc này Phương Đăng mới để ý, cánh cửa sắt thật lớn quanh năm suốt tháng khép kín Phó gia hoa viên bây giờ lại mở ra phân nửa, Phó Kính Thù đứng bên trong cửa. Cô chợt nhớ đến câu chuyện ly kỳ không biết lúc nhỏ đã nghe được ở đâu: một đứa bé bị ác ma dùng thuật mê tâm dẫn vào huyệt động, từ đó về sau không thể trở ra được nữa.
“Không! Có gì nói mau đi!”
Cô đứng ngoài cửa, cứng rắn trả lời.
Anh ta không đáp lại ngay, đúng là con người chậm chạp khiến người ta chán ghét. Nếu còn chần chừ nữa, khi trời tối xuống, ra hồ câu cá thật là không mấy an toàn. Phương Đăng tỏ ra mất kiên nhẫn, chân cũng không hề xê dịch.
“Cái này cho cô.”
Nhìn theo ánh mắt của Phó Kính Thù, Phương Đăng thấy bên chân anh có một chậu hoa, hình như là… hoa mỹ nhân?
“Hả, ai mà trồng cái này?” Phương Đăng cố tình dùng cách nói châm biếm để che giấu sự kinh ngạc. Trước đây đa số cây hoa mỹ nhân mà cô thấy đều không như vậy, mọc đầy trên đảo, đều là loại hoa dại tự sinh tự diệt, chưa bao giờ nghe nói có ai cố ý trồng nó, còn bỏ vào một chậu hoa đẹp thế này.
Phó Kính Thù nói: “Tôi hái từ ngoài đường bỏ vào chậu, là dùng bùn của cô cho đó”.
“Nói sao lại bốc mùi ghê vậy!” Phương Đăng cố ý hít mũi một cái.
“Chỉ bốc mùi lúc đầu thôi, nghiền nát rồi phơi nắng, có thể bón cho cây màu mỡ. Tôi đã chọn cái chậu tốt nhất, cô đem về chỉ cần tưới nước là được”.
Phương Đăng mạnh mẽ từ chối: “Tôi không muốn.”
Phó Kính Thù cũng không giận, cười nói: “Tính tình cô thật nhỏ mọn”.
Phương Đăng cúi đầu kéo tấm lưới đi lên một chút, hờ hững nói: “Chỗ tôi ở không có vườn.” Chỗ ở của cô khác với anh ta, đừng nói là vườn hoa, ngay cả bệ cửa sổ còn không có, đến cả người còn không có đất để ở, lấy đâu ra thời gian rỗi rảnh để làm vườn.
“Đây không phải là loại hoa dễ tàn, chỉ cần…”
“Anh cứ để nó tự lớn lên ở góc tường không được sao, cần gì lãng phí cả chậu hoa… Nghĩ thế nào?”
“Không phải cô thích sao?” giọng nói của anh ta nghe vẫn ung dung như cũ, làm cho người ta rất khó mà từ chối.
Phương Đăng chợt thấy không vui, lớn tiếng nói: “Ai nói tôi thích? Tôi chỉ thích ăn nó, nhai nát rồi phun ra thôi”.
“Vậy cô hãy cầm về rồi ăn đi” Phó Kính Thù nói một cách rất tự nhiên, Phương Đăng bắt đầu cảm thấy để chọc giận Phó Kính Thù quả là một nhiệm vụ bất khả thi.
“Tôi không ăn”. Cô tin mình nói thật. Lúc đầu quả là trong lòng có tức giận, cuối cùng lại giống như bản thân đang cố cãi chày cãi cối. Phương Đăng không phải là ghét chậu hoa này, thậm chí cũng không phải là ghét người trồng hoa. Chỉ là cô hiểu quá rõ nếu bưng chậu hoa này về, không bao lâu cũng sẽ bị cha cô ném bỏ, sau đó sẽ đem chậu hoa đi làm thứ để chứa đồ nôn mửa. Hoa dù chẳng đáng giá bao nhiêu, nhưng nếu đã bứng nó đem đi trồng nơi khác, cũng nên đối tốt với nó một chút.
Phó Kính Thù cũng tỏ ra suy nghĩ, nói lầm bầm một mình: “Hay là tôi thay chủ nhân chăm sóc nó?”
“Tùy anh”.
Phương Đăng biết mình không thể nói thêm gì nữa, nếu không dù bị cha mình mắng, cô cũng phải bưng chậu hoa về chăm sóc thật tốt đêm nay. Trước khi trời sập tối, cô chạy tới bên hồ nước, nhưng ngay cả nòng nọc cũng không hề bắt được.
Không thu hoạch được gì, khi trở lại phòng trọ, cô vẫn còn áo nảo không nhớ người đó hôm nay rốt cuộc đã nói với mình bao nhiêu câu, khi ấy cô thấy hai vợ chồng lão Đỗ đều đứng ở trước cửa tiệm tạp hóa xem cảnh náo nhiệt. Cửa lớn nhà họ Phó đối diện mở rộng, đèn đuốc sáng choang, thỉnh thoảng có tiếng nói và tiếng chân bên trong vọng ra ngoài, hiếm thấy cảnh ồn ào đến vậy.
Trong lòng đầy nghi hoặc, Phương Đăng dừng chân lại xem, một lát sau thấy mấy nam nhân mình trần rối rít bê đồ ra ngoài, trong đó có cột trụ, có bàn đá, còn có mấy món đồ nhìn qua không khác vật dụng trong nhà.
“Cẩn thận một chút, cẩn thận một chút chứ, đừng làm hỏng đấy!”. Một người nam tuổi trung niên đang đứng một bên giám sát, vóc người hơi mập, mang mắt kiếng, mặt ửng đỏ. Phương Đăng nhận ra đó là cha của Phó Chí Thời.
Ông già đứng bên cạnh cửa, mặt mày thâm trầm chính là lão Thôi, trong tay còn cầm giấy bút, mỗi món đồ mang ra, ông liền viết lên tờ giấy.
“Khoan đã! Đây là khung giàn hoa lầu hai, ở trong không có gì tốt cả!”. Mẹ của Phó Chí Thời cuối cùng cũng đến, là người mà Phó Kính Thù gọi là “Chị Hai!”. Trong tay bà ta cầm một vật bằng gỗ, hình thù tinh xảo, bị lão Thôi nghiêm túc cản lại.
“Mũi lão già này còn thính hơn chó! Ai nói đây là của lầu hai, rõ ràng là để ở lầu giữa”. Người đàn bà đó xem ra cũng chẳng quan tâm gì đến lão Thôi, cười gằn hai tiếng:
“Hơn nữa, nếu là lầu hai thì sao? Từ đông sang tây, từ trong ra ngoài không phải đều là đồ vật của nhà họ Phó hay sao? Năm đó lúc chúng tôi ở đây, ông cũng chỉ là một gã làm vườn, bây giờ vẫn vậy thôi, lúc nào đến phiên ông lên tiếng?”
Lưng lão Thôi hơi còng xuống, giọng nói không nhẹ không nặng nhưng lại khá mỉa mai: “Các người ở đây sao? Tôi mười ba tuổi đã thay cha vào Phó gia hoa viên làm việc, năm nay tôi bảy mươi ba tuổi. Dù chân què tai điếc nhưng đầu óc vẫn còn chưa hồ đồ. Hơn mười năm trước khi cha các người là Duy Nhân tiên sinh của còn ở đây, đã đóng dấu tay đem toàn bộ bất động sản bán cho bà chủ Trịnh của chúng tôi. Ngôi nhà này một khắc các người cũng chưa từng ở, đồ vật bên trong vì vậy không có gì là của các người cả”.
“Hả? Bà chủ Trịnh của “chúng tôi”. Cách xưng hô của lão người làm ông thật là thân thiết làm sao. Cha chúng tôi cũng đã mất rồi, ông có bản lĩnh thì đi theo bà chủ Trịnh của “chúng tôi” đến Mã Đại (Malaysia) đi. Đáng tiếc, các người có ló đầu ra ngoài, Tam gia cũng chưa chắc nhớ là có người như vậy”. Mẹ của Phó Chí Thời từ cách trang điểm đến khẩu khí cũng là phụ nữ, thẹn quá hóa giận nhưng nói chuyện cũng đâu ra đó. Bà vỗ vỗ đầu của mình, cất giọng the thé: “Thiếu chút nữa là quên, ông đi đâu không đi lại đi tìm ra con chó giữ nhà, rồi thuận tiện chăm sóc luôn cái loại nghiệt chủng đó nữa”.
Lúc nói câu sau cùng, bà ta cố ý hạ thấp giọng, nhưng Phương Đăng vẫn nghe thấy. Đèn trên lầu hai sáng rực, Phương Đăng thật sự hy vọng tốt nhất có một cơn gió thổi qua lúc này, đem mấy lời nói ác độc kia thổi hết đi, đừng truyền đến tai anh, mặc dù cô không hiểu tại sao bà ta lại muốn nói mấy lời đó.
Lão Thôi dù sao cũng lớn tuổi, khó thể cãi lại một người đàn bà mồm năm miệng mười, giận đến mức thở hì hộc trong lồng ngực. Vừa thở hổn hển vừa nói: “Các người cũng đừng mặt dầy đưa tay ra đòi tiếp tế, không có bà chủ Trịnh, mấy năm trước nhà các người có xây được nhà mới hay không? Nói ra mà không biết xấu hổ sao?”
“Chúng tôi có nói gì đến Tam gia đâu, những thứ đồ này không phải các người cũng đồng ý rồi sao?” – Cha của Phó Chí Thời đi ra giảng hòa.
“Đồng ý?” Lão Thôi cao giọng: “Các người không biết cái gì gọi là chiếm đoạt hay sao?”
“Người trong nhà đều không lên tiếng, sao ông lại lắm mồm?” Người đàn bà bất chấp lời khuyên can của chồng, tranh luận tiếp một hơi: “Có giỏi thì ông gọi điện ra nước ngoài kêu bà Tam gia về đây mà kiện đi, bà ấy dù có muốn lo chuyện này, cũng sẽ không liều mạng đem sự hòa thuận trong nhà để ném lại cho cái lão vớ vẩn nhà ông”.
“Nói hay lắm, nói hay lắm! Bà có nói hàng ngàn hàng vạn lần, người bên trong mới chính là chủ nhân đích thực của căn nhà này, vật các người lấy đi cậu ấy không hề đồng ý, coi như một cọng cỏ cũng là ăn cướp! Ăn cướp! Tam gia đã nhịn vậy rồi, không trách nhà các người….!
“Ông nói ai? Nhà tôi thế nào…”
“Đừng ồn nữa!”. Cảnh tượng đang diễn ra kịch tính đột nhiên bị gián đoạn, như dội một gáo nước lạnh vào trong chảo nóng. Dưới tàng cây ngoài sân, không biết Phó Kính Thù đã đứng ở đó từ bao giờ, hướng vào lối ra cửa nói: “Ông Thôi, ông đi nghỉ đi. Anh Hai, chị Hai, đồ các người lấy rồi, các người cũng về đi”.
Lão Thôi thở dài, quay đầu trở lại vào sân. Người đàn bà kia vẫn còn định lên tiếng, nhưng ông chồng dùng sức kéo vạt áo bà ta giật mấy cái, như ý bảo bà ta hãy thôi đi. Bọn họ sau lưng cười nhạo Phó Kính Thù không kiêng nể, ở trước mặt lại có hơi e dè. Mặc dù đa phần anh không buồn để ý hay khách khí, càng như vậy bọn họ lại càng muốn làm anh mất mặt.
“Tôi cũng chả muốn ở cái nơi quỷ tha ma bắt này một phút nào”. – Bà ta nói.
Người chồng kéo vợ trở về, nhân tiện giận dữ nhìn về hướng cửa tiệm tạp hóa nhà lão Đỗ, còn có cả Phương Đăng đứng đó: “Cút ngay! Nhìn cái gì hả? Không có chuyện của các người”.
Một lúc sau, Phương Đăng lại quen đường mà trèo lên tường rào của Phó gia, lúc đó Phó Kính Thù đang khom lưng cùng lão Thôi dọn dẹp lại khu vườn đang lộn xộn. Khi nãy nhóm người kéo đến dọn đồ đã đạp hư mấy bụi hoa, còn làm ngã hai bồn hoa từ trên cao xuống, vỡ làm mấy mảnh, dính đầy bùn đất. Anh dọn dẹp từng thứ một, vừa cẩn thận vừa nhu hòa lấy tay đỡ từng nhánh hoa. Điều càng khiến Phương Đăng kinh ngạc là căn chòi mát nhỏ vốn ở bên cạnh miệng giếng khô nay đã hoàn toàn bị phá hủy, bên trong bàn đá ghế đá bị dời đi không còn thứ gì. Cô nhớ lại lúc Phó Kính Thù đứng ở chòi mát vẽ tranh, dáng vẻ lúc táy máy vẽ hoa cỏ trên bàn đá, trong lòng bỗng cảm thấy khó chịu thay cho anh.
Lúc này lão Thôi cũng phát hiện ra Phương Đăng, quát lên: “Con cái nhà ai vậy? Sao dám tùy tiện ngồi ở đó? Còn không mau đi xuống, đi mau!”
Phó Kính Thù nghe vậy nhìn lên, mỉm cười khi thấy Phương Đăng. Bộ dạng của anh lúc cười khiến Phương Đăng nghĩ đến giấc mơ thấy bầu trời màu xanh đằng sau anh, điều này càng khiến cô tin, hành vi của bọn tiểu nhân nhà Phó Chí Thời không thể làm tổn thương anh được.
Lão Thôi thấy Phó Kính Thù cười, có hơi ngạc nhiên, nghĩ là chắc mình hoa mắt khi nhìn thấy có ai đó trên tường rào, lão phủi hai ống quần dính đầy bụi, nói khẽ với Phó Kính Thù: “Tôi mệt rồi, đi ngủ trước đây.”
Đợi lão Thôi đi xa, Phương Đăng nhảy tõm một cái vào trong sân. Phó Kính Thù nói: “Cô coi chừng dưới chân chứ, nếu bất cẩn mà té thì thành cô gái què đó, phải, là cô gái què”.
Phương Đăng thấy anh còn có tâm tình mà đùa giỡn, nể mặt nên nhếch nhếch môi, kề mông xuống ngồi trên cổ, dựa lưng vào con hồ ly bằng đá.
“Bọn họ không đem nó đi sao?”
“Chắc họ cảm thấy nó không đáng giá”.
Trên kệ hoa của anh có mấy chậu hoa mỹ nhân vừa mới nhổ về trồng, trong đó có một chậu hoa mới nở, anh hái mấy đóa hoa xuống, đưa cho Phương Đăng: “Cho cô, con nít đều thích ăn cái này”.
“Anh nói giống như già lắm vậy, không phải anh chỉ hơn tôi hai tuổi sao? Già gì chứ?” Phương Đăng cầm lấy rồi ngẩng đầu lên hút mấy lần khiến nụ hoa sạch hết mật, cười hì hì, ánh mắt đảo tới đảo lui. Cô vỗ vỗ sau lưng con hồ ly đá, hỏi: “Chẳng lẽ anh không phải người, là hồ ly đá biến thành sao? Mấy thứ này thường có đôi, sao bây giờ chỉ còn lại một con? Người ta nói vật nào sống quá lâu sẽ có linh tính, biến thành yêu quái. Tôi đã sớm cảm thấy anh không giống người rồi”.
“Cô đang mắng tôi hay khen tôi vậy?” Phó Kính Thù nhìn cánh hoa mỹ nhân bị Phương Đăng ném qua một bên, cười nói: “Hoa mỹ nhân còn gọi là hoa Ngu Mỹ Nhân, theo truyền thuyết Phật giáo, nó là do máu trên ngón chân của Phật Tổ hóa thành. Cả ngày cô đều ăn cái này, nói không chừng cũng có linh tính, sẽ biến thành hồ ly tinh đó”.
“Sao anh lại biến thành người, còn tôi lại biến thành hồ ly?” Phương Đăng nghĩ đến lời anh ta, càng nghĩ càng thấy sợ. “Anh nói là tôi đang liếm đầu ngón chân Phật tổ sao?”
“Cô thấy chưa, tôi nói xong là cô hiểu ngay mà”.
Phương Đăng nhặt lấy đóa hoa rơi ném vào người anh ta, “Phó Kính Thù, đồ xấu xa!”
Anh nghiêng đầu tránh, ngồi xuống một bên của con hồ ly đá giống như cô. “Ơ, sao hôm nay cô lại gọi tên tộc của tôi rồi?”
“Phó Thất cũng chẳng phải tốt đẹp gì”. Phương Đăng lầm bầm, trong lòng đã thôi không còn giận.
“Sao anh lại để mặc cho bọn người xấu đó dọn hết đồ của mình đi vậy?” Nói xong, tự nhiên cô cảm thấy sợ câu trả lời, vì vậy có hơi lấm lét dò xét: “…Anh để bọn họ đem mấy thứ đó đi, để người nhà thằng mập họ Phó đó không làm phiền tôi sao?”
Phó Kính Thù nói: “Dù sao cuối cùng họ cũng tìm ra lý do đến dọn đồ. Cũng chẳng có gì đáng kể, năm ngoái gió thổi vào quật cả gốc ngọc lan, làm sụp chòi mát, năm trước ngôi đình phía Tây cũng đổ sụp hoàn toàn. Cho dù nhà Phó Chí Thời không đến đây, ngôi nhà này cũng mỗi ngày mỗi đổ nát, nói không chừng lúc nào đó, nhà phía Đông cũng chỉ còn là một đống gạch vụn mà thôi”.
Cách giải thích của anh càng nhẹ nhàng, Phương Đăng càng thấy áo não đến mức không thể thốt nên lời. Cô tuyệt đối không nghĩ đến sự kích động nhất thời của mình lại tạo nên hậu quả như thế, hận không thể đem bùn mà tự nhét vào miệng mình.
Phó Kính Thù nhìn thấy sắc mặt cô chán nản yên lặng, đoán được cô đang suy nghĩ gì, lấy cọng cỏ đuôi chồn cầm trên tay quét qua chóp mũi cô tinh nghịch: “Cô suy nghĩ gì chứ? Cái gì đi thì đi, cái gì đến sẽ tự nhiên mà đến”.
“Bọn họ là người thân của anh thật sao?” Phương Đăng buồn buồn hỏi.
Cọng cỏ Đuôi chồn trong tay anh khẽ run lên. Anh chỉnh lại tư thế thoải mái hơn nói: “Lão Thôi gọi tôi là Tiểu Thất, vì tôi đứng hàng thứ bảy trong số các anh em. Bây giờ cũng không hiểu vì sao ông lại vẫn gọi thế nữa, tư tưởng cũ khó lòng lay chuyển, không chịu gọi tên tôi, nhưng đều là dùng cách này để gọi, một mạch kêu tôi là thiếu gia. Tôi cũng chẳng phải Đại thiếu gia gì, lão Thôi nuôi tôi lớn, ông ấy chẳng khác nào cha tôi”.
“Vậy cha ruột của anh đâu? Sao lại bỏ một mình anh ở đây?… Cô Chu Nhan nói ông ấy đã đi nước ngoài” Phương Đăng ân hận vì mình lỡ lời, cô quên rằng với Phó Thất mà nói, Chu Nhan là điều cấm kỵ không thể chạm đến.
Quả nhiên, anh không muốn nói đến cái tên đó, coi như chưa nghe những gì Phương Đăng hỏi.
“Cha của Phó Chí Thời gọi là Phó Kính Thuần, ông nội của ông ta và ông nội tôi là hai anh em ruột, ông cố tôi – Phó Học Trình có bốn người con, ba nam một nữ. Con trai lớn là Phó Truyền Bản, con trai thứ hai là Phó Truyền Cách, con trai thứ ba là Phó Truyền Thanh, con gái là Phó Truyền Vân”.
“Tôi biết cụ ông của anh, thầy giáo lịch sử ở trường đã nói nhiều về ông ấy, còn có Phó Truyền Thanh, bọn họ đều là những người phi phàm. Phó Truyền Vân… có phải đó là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng không?” Phương Đăng nói xong không khỏi ngẩn ngơ một lúc, nghĩ đến những người để lại dấu ấn trong lịch sử ít nhiều gì đều là cố nhân lưu dấu ở đây đều nằm trong họ tộc của anh ta, chảy cùng dòng máu với anh ta, đúng là một cảm giác vô cùng kỳ diệu.
Phó Kính Thù gật đầu: “Trong số ba người con trai của cụ, người con lớn Truyền Bản đã sớm qua đời, chỉ để lại duy nhất một người con trai là Duy Nhân, cũng chính là ông nội của Phó Chí Thời, là bác Cả của tôi. Mẹ của bác Cả hiếm muộn, không có anh chị em thân thích, ông là một người nhân hậu an phận, không ham đua chen sóng gió thương trường, lúc còn trẻ dù gia đình giàu có, ông vẫn nhất định ở trên đảo làm thầy dạy học, gia sản rộng lớn đều giao cho Tam gia thay mặt quản lý. Trước giải phóng, Phó gia chuyển ra nước ngoài sinh sống, bác Cả cũng không chịu đi, lý do vì nơi đây là cội rễ của ông, cả đời ông dạy học, cư xử trong sạch, bất cứ thời cuộc biến hóa thế nào cũng không ảnh hưởng đến ông. Trên thực tế sau này ông vô cùng khổ sở, chuyện đó cũng một phần vì người của Phó gia lưu lạc ở bên ngoài”.
“Sao ông ta lại đem cả sản nghiệp Phó gia mà bán cho bà chủ Trịnh, bà chủ Trịnh là ai?”
“Ah, chuyện này đợi một lúc tôi sẽ kể cho cô nghe, sau giải phóng không lâu, người ở trong nhà Phó gia không phải là người của nhà họ Phó, chính phủ đã tịch thu nhà làm của công. Nghe lão Thôi nói, thời điểm này có hơi hai mươi mấy hộ chen chúc vào ở, ồn ào náo nhiệt không thể tưởng, cổng chính trong hoa viên đều dựng thành phòng nhỏ”.
Phương Đăng cười chế nhạo: “Thật tức cười, anh đúng là kẻ no cơm không biết đói là gì. Tôi từ nhỏ đã sống cảnh “náo nhiệt” y như vậy, bây giờ cũng chẳng “cô độc” hơn chút nào. Nói không chừng trong hai mươi mấy nhà lúc đó có cả tổ tiên thân thích nhà tôi nữa đó”.
Phó Kính Thù cười nhẹ, tiếp tục kể lại chuyện cũ về gia tộc của mình.
“Sau đó, nhờ chính sách ổn định kiều dân, chính phủ đem ngôi nhà này trả lại cho Phó gia, những người đó mới bắt đầu dọn đi. Lúc ấy ngôi nhà lớn phía Tây đã hư hỏng không thể tưởng, ngôi nhà phía Đông tôi đang ở hiện giờ tuy nhỏ hơn nhà ở phía Tây, người ở tuy chật, nhưng cũng chưa đến nỗi tàn tạ thảm hại. Nhà của bác Cả đã ở bên ngoài hai mươi mấy năm, bọn họ bị giày vò đến mức vô cùng sợ hãi, không muốn liên can bất cứ chuyện nào của gia tộc nữa, hơn nữa từ trước đến nay bọn họ vốn đã không có nhà. Cho nên trước khi bác Cả Duy Nhân qua đời, đã đem sản nghiệp mà mình làm chủ, cũng chính là căn nhà lớn của Phó gia, bán lại cho người trông coi sản nghiệp Tam gia, vợ của ông nội tôi – bà chủ Trịnh.”
“Vợ của ông nội” – từ này nghe có chút không mấy tự nhiên, Phương Đăng hiểu điều khác thường trong đó, nhưng sợ chạm đến tử huyệt của anh, không dám tùy tiện hỏi nữa.
“Sau khi ký tên, nhà của Phó gia đã hoàn toàn không còn liên quan gì đến nhà bác Cả nữa. Phó Kính Thuần còn có một người anh, sau khi bác Duy Nhân qua đời, hai anh em bọn họ bán nhà chia tiền vượt biên. Người con lớn đi về phương Bắc, nghe nói cũng không qua được. Phó Kính Thuần làm ăn thua lỗ nhất thời hồ đồ, thời điểm thảm nhất còn bị người ta truy sát đòi nợ, ngay cả nhà cũng không dám trở về. Cũng may khi cải cách mở ra, bọn họ cùng người nhà Phó gia bên ngoài có chút liên lạc, Nhị gia, Tam gia đều biết Đại gia sống không dễ thở, thường xuyên tiếp tế, nên so với đại đa số người trên đảo, nhà bọn họ sống cũng tốt lắm rồi”.
“Bọn họ đúng là thứ khinh người!” Sắc mặc của Phương Đăng lúc nghĩ đến người nhà của Phó Chí Thời giận đến mức không thể nói nên lời.
“Ai mà không muốn sống thanh cao, đều là do thực tế ép buộc thôi, bọn họ là sợ nghèo, hận vì bản thân không có tài cán gì. Tôi nghĩ trong lòng họ không phải quá oán hận, đều là nhà họ Phó, thân nhân ở hải ngoại vẫn còn sống tốt, bọn họ lại thay người một nhà đứng ra lãnh tội”.
“Vậy cũng không thể bắt anh ra lãnh được!”
“Sợ mạnh hiếp yếu vốn chính là quy tắc của thế giới này.” Phó Kính Thù nói thật nhẹ: “Những người kia viện trợ cho họ, bọn họ tự nhiên vị nể. Tôi không cho họ được bất cứ cái gì, chuyện này rất bình thường”.
“Kế tiếp là Nhị gia. Gia đình Nhị gia Phó Truyền Cách thì đơn giản hơn nhiều, ông cụ tôi từng có một người vợ lẽ, chỉ sinh ra một gái là Phó Truyền Vân, vì sợ người vợ lẽ sau này không có nơi nương tựa nên ông cụ mới quyết định đem con trai của người quản gia về cho bà nuôi dưỡng”.
“Hả, nói vậy Nhị gia Phó Truyền Cách không phải là con ruột của ông cụ sao?”
“Đúng vậy, nhưng ông ấy đối với ông cụ cũng không khác gì con ruột, một lòng hiếu thuận. Nhị gia Phó Truyền Cách tin vào tôn giáo, lúc đó cưới con gái của nhà họ Khâu vốn là gia đình danh tiếng ở Đài Loan, cũng là tín đồ Cơ đốc. Họ tiếp quản việc làm ăn của cụ tổ, kinh doanh phát đạt, từng giàu có một phương. Nhị gia có bốn người con trai, hai con gái, là gia đình có nhân số đông đảo nhất Phó gia”.
“Đáng tiếc dù sao đi nữa, dòng máu trên người ông ta cũng không phải huyết mạch của Phó gia, khó trách Tam gia lại chiếm ưu thế”. Phương Đăng ưu tư nói.
“Thế mới nói cô đúng là tiểu hồ ly, cái gì cũng hiểu rõ mấy phần”. Phó Kính Thù cầm cọng cỏ đuôi chồn đuổi muỗi hai bên gò má. “Mặc dù trong tông phổ họ đích thị là người của Phó gia, nhưng Nhị gia cũng biết dù sao mình cũng không phải huyết mạch chính thống, cho nên từ đó Phó Truyền Cách bắt đầu tạo dựng sự nghiệp lâu dài ở Đài Loan, một lòng dựng nguồn cội ở đó. Mặc dù khu nhà tổ Phó gia này có một phần là của họ, thật ra họ cũng chẳng sống ở đây được mấy ngày, chuyện của gia tộc cũng rất ít khi hỏi đến, Đại gia không có chí lớn, nên Tam gia ngồi vị trí bề trên. Bọn họ nhớ công đức ông cụ tổ, ở Đài Loan nghe nói cũng cho xây một tổ đường giống y thế này, cũng gọi là Phó gia Hoa viên. Tuy nói là bắt chước, nhưng so với Phó gia hoa viên hiện giờ ở đây nhất định đẹp hơn rất nhiều lần. Hậu nhân của Nhị gia đông đảo, tôi cũng tình cờ nghe được tin tức của họ, nghe nói phân nửa số đó không theo nghiệp kinh doanh, nếu không phải là bác sĩ thì làm nghệ thuật, phần lớn đều sống trong dư dả”.
Phương Đăng chưa từng nghe anh nói một hơi nhiều như vậy, nhưng nhìn bộ dạng của anh cũng không chán, dường như anh cũng cần có lúc trút bầu tâm sự thế này. Nghe anh nói với Phương Đăng cũng như là một kiểu hưởng thụ, ngay cả phải chịu đựng muỗi bay trong sân cũng không cảm thấy chán ghét.
“Tam gia Phó Truyền Thanh chính là ông nội của anh, danh tiếng của ông ta cũng không khác gì ông cố anh mà!”
“Ông nội tôi Phó Truyền Thanh là con út của ông cụ, do chính bà vợ lớn sinh ra, coi như báu vật. Ông cũng rất nhanh nhẹn, từ nhỏ đã giỏi tính toán, thông minh quả cảm, phong độ khí phách như ông cụ năm xưa, nên ông cụ cũng thương ông nhất. Năm hai mươi tuổi, ông nội dưới sự an bài của gia tộc đã tới Tây Á cưới con gái của Tổng đốc xứ này, họ Trịnh, cũng chính là bà chủ Trịnh mà mọi người nói đến hiện giờ. Sau khi cưới, ông chính thức thay cha xử lý kinh doanh, thừa kế cơ nghiệp, phát triển mua bán gỗ và cao su rất lớn. Ngoài dốc sức thay ông cụ cai quản cơ nghiệp, bản thân ông còn sắm thuyền buồm, khai thác thuyền vụ. Đó là thời điểm cường thịnh nhất của Phó gia, tiền vào như nước, giàu có vô cùng, nhà tổ của gia tộc cũng là do tay ông làm mới, chỉnh đốn hoa viên, xây thêm tòa nhà phía Đông ba phòng cho vợ con ở. Tên chữ của ông nội tôi là Phong Đào, tòa nhà phía Đông lúc đó gọi là Phong Đào biệt viện, chính là nơi tôi ở bây giờ”.
“Ông nội anh có mấy người vợ? Mấy người con?” Đây mới là mấu chốt của vấn đề nên Phương Đăng dè dặt hỏi.
“Tam gia không có nhiều con cái như Nhị gia, ông nội tôi chỉ có một người vợ, chính là bà chủ Trịnh đó”.
Phương Đăng gật đầu nói: “Thế thì…”
Phó Kính Thù thật giống như một lão hồ ly tu luyện ngàn năm, luôn có thể nhìn xuyên tâm tư của đối phương. Anh xuôi theo câu nói của Phương Đăng: “Bà chủ Trịnh vốn là một tài nữ, nhân phẩm và tài mạo cũng không thua ông nội tôi. Bà vốn là con một, tính tình khôn khéo, hoạt bát thông minh, lúc chưa gả chồng cách ăn nói cũng rất biết cân nhắc. Khi gả vào Phó gia, bà mang theo của hồi môn kếch sù. Có thể nói, nếu như không có bên nhà mẹ bà giúp đỡ, Phó gia ở Nam Dương không thể nào tồn tại bốn đời chưa lụi tàn. Khi còn sống ông nội tôi cũng rất kính trọng bà…”
“Tôi hiểu rồi, là ông nội anh sợ bà ấy” – Phương Đăng vỗ tay cười, nhưng tự thấy ngượng, lấy tay che mặt lại.
Phó Kính Thù cũng cười một mình: “Tóm lại, bà chủ Trịnh vốn là người vợ hiền của ông nội tôi. Chỉ là… Sau khi cưới vài năm, bà sinh được một trai một gái, tất cả đều chết yểu, sau đó rất lâu cũng không sinh thêm được đứa con nào.”
“Sau đó thì sao..?”
Cuối thập niên bốn mươi, thế cục trong nước dần dần tươi sáng hơn. Ông nội tôi đồng ý với đề nghị của bà chủ Trịnh, đem Tam gia tạm thời di cư sang Mã Đại. Nhị gia thì vẫn ở đảo Đài Loan, trong Phó gia Hoa viên, trừ Đại phòng, còn có hai nhà không ai trông coi và chẳng người ở”.
“Tôi muốn hỏi sau đó ông nội anh còn có người con khác hay không?” Phương Đăng muốn nói, thật ra cô chỉ quan tâm đến thân thế cùng vận mệnh của Phó Kính Thù, còn tất cả đối với cô chẳng liên quan.
“Cô đúng là thiếu kiên nhẫn”. Phó Kính Thù cười nhạo cô. “Tôi đang nói về vấn đề đó đây. Đêm trước ngày giải phóng, tam phòng Phó gia, thật ra cũng là người thừa kế sản nghiệp của Phó gia, tất cả các vật dụng đáng tiền đều được mang đi, chỉ để lại một người canh giữ vườn, cũng chính là lão Thôi, cùng một người hầu… còn có… hài nhi trong bụng của người hầu đó”.
“Đó chính là cha anh sao?” Vừa nói dứt câu, Phương Đăng tự vả vào mặt mình một cái nhẹ, hễ hấp tấp là đầu óc cô trở nên ngu ngốc. Dù sao cũng là chuyện nhiều năm trước rồi, đúng là vậy, Phó Thất tuyệt đối không bận tâm đến câu hỏi của cô gái tiểu yêu tà này.
Phó Kính Thù chỉ vào trán cô, cười nói: “Phương Đăng, cô đúng là…” . Nụ cười của anh lúc nào cũng rất nhanh, chỉ chớp mắt một cái là tắt mất. “Đúng vậy đó chính là cha tôi, ông tên là Phó Duy Nhẫn”.
“Sao người khác tin đó là con trai của ông chủ, mà không phải là con của người hầu với người làm vườn chứ?” – Phương Đăng âm thầm cầu nguyện lão Thôi không nghe được lời của cô.
“Vì người hầu với người làm vườn đó chính là hai chị em. Một năm sau, ông nội tôi đích thân gửi giấy tờ thừa nhận đứa con trai này, còn ủy thác cho nhiều người trong gia đình quan tâm cậu bé đó. Ông vốn định chờ vài năm, khi bà chủ Trịnh đã phần nào bớt giận sẽ đón hai mẹ con họ về, nhưng chỉ chớp mắt thời cuộc không cho phép ông làm điều đó, bẳng đi một thời gian đã qua mấy chục năm’”
Phương Đăng nói: “Vậy là lúc đầu cô người hầu bị để lại, cũng là do ý của bà chủ Trịnh”.
Phó Kính Thù đáp: “Có lúc cô rất thông minh, có khi lại quá ngốc. Nhưng lúc thông minh cũng khá thường xuyên. Người hầu đó gọi là Tiểu Xuân, ai cũng gọi là Tiểu Xuân cô nương. Bà là con gái của vú nuôi ông nội tôi, lớn hơn ông nội tôi vài tuổi”.
Phương Đăng há hốc mồm kinh ngạc: “Vậy sau này Tiểu Xuân cô nương đó, hay cũng chính là bà nội anh đã sang Mã Đại sao?”
“Không, bà đã chết. Thật ra cũng tính là đi được. Dù sao Tiểu Xuân cô nương đó cũng đã sinh hạ huyết mạch duy nhất cho ông nội tôi, không ngờ bà chủ Trịnh tìm danh y chữa bệnh, lúc ba mươi lăm tuổi lại sinh một đôi song sinh trai gái. Cho nên không muốn đón thêm người con nào nữa. Đến khoảng mười năm trước, ông nội tôi qua đời, đã dặn dò bà chủ Trịnh nhất định phải đem Phó Duy Nhẫn về chăm sóc thật tốt. Bà chủ Trịnh nhớ tới ân tình vợ chồng mấy chục năm, cuối cùng mới đồng ý.” Chuyện này Phó Kính Thù chỉ nói qua có vài lời.
“Tại sao Tiểu Xuân Cô Nương lại chết? Sao anh không cùng cha anh đi Mã Đại chứ?”
“Cô hỏi nhiều quá. Tôi không đi, vì bà chủ Trịnh chỉ làm theo lời dặn của ông nội tôi, đem con trai về Mã Đại, không dẫn theo bất kỳ người nào khác”.
“Anh cũng là người khác sao?” – Cô mơ hồ cảm thấy nguyên do đó nhất định có liên quan đến cô Chu Nhan, nếu không Phó Duy Nhẫn cũng không thể nào bỏ lại vợ con một mình đi xa, nhưng điều này Phương Đăng không dám hỏi.
Chuyện Phó Kính Thù không muốn nói, không ai có cách khiến anh mở miệng.
“Cô bị muỗi cắn đủ chưa? Không chừng mai đến trường cô sẽ bị người ta gọi là con bé mặt rỗ đó!” – Anh ta chuyển sang đề tài khác.
Phương Đăng nghiêng đầu nhìn sang chỗ anh. Ở góc sân có một ngọn đèn mờ, sắc mặt Phó Thất dưới đèn vẫn bình thường, nhưng Phương Đăng thấy rất rõ ràng, đôi mắt lúc nào cũng trong sáng đó lúc này lại có chút mơ màng, dường như vẫn còn bị lạc trong khoảng thời gian xưa cũ mà nãy giờ anh nhắc đến.
“Vậy tôi về, mặt tôi ngứa lắm rồi”. Phương Đăng đi đến chân tường, quay đầu nhìn lại nói với anh một câu: “Thật tốt, tôi thật ngưỡng mộ anh”.
“Ngưỡng mộ tôi?” – Câu nói không đầu không đuôi của cô làm cho Phó Kính Thù có hơi kinh ngạc.
Phương Đăng gật đầu nói: “Người nhà của anh đều như người sống trong chuyện xưa vậy, khó trách mọi người đều nói trên đảo này, Phó gia là một gia tộc hàng đầu. Nếu tôi là anh, tôi nhất định sẽ cảm thấy rất kiêu hãnh”.
Phó Kính Thù dùng tay véo một cành cỏ đuôi chồn ném vào trong bụi cỏ, bật cười, trong lời nói có chút buồn bã: “Cô thật sự cảm thấy ngoài cái họ này, tôi và người nhà Phó gia thật sự giống nhau sao?”
“Dĩ nhiên!” Phương Đăng đáp ngay không do dự. “Nói không chừng so với bọn họ anh còn tốt hơn… anh xem, anh còn biết vẽ, biết trồng hoa”. Cô cũng có cảm giác lời nói của mình hơi lung tung, nên gãi gãi đầu, cười nói: “Dù sao tôi cũng chẳng quen người nhà Phó gia nào còn sống, trừ anh ra…thằng quỷ nhỏ Phó Chí Thời cùng người nhà hắn thì không tính, bọn họ không xứng, giống như trong ổ Phượng Hoàng mà sinh ra con chồn vậy, chỉ biết làm mấy chuyện trộm gà trộm chó thôi”.
Phương Đăng vừa nói xong đã phóng thẳng lên đầu tường rào, tư thế xem ra cũng không dịu dàng gì. Cô đanh thép nói người khác là kẻ trộm gà trộm chó, còn mình thì đi ra khỏi nhà người ta bằng cách này. Hai chân cô lanh lẹ chạm đất nhảy ra ngoài, Phương Đăng còn chưa hiểu lúc đưa mắt nhìn cô nhảy khỏi tường, Phó Kính Thù cười cái gì nữa. Chỗ anh đang ngồi khá ảm đạm không có ánh sáng, nhưng nụ cười đó lại giống y như là ánh trăng trên mái hiên nhà.
Hoặc là tất cả đều xuất phát từ trí tưởng tượng của cô.