Thủy Tiên Đã Cưỡi Cá Chép Vàng Đi

Chương 20: Chương 20




Chương 26

Quỳnh chuyển tới ở cùng Ưu Di. Đó là một căn phòng nhỏ trong khu tập thể bốn tầng giản dị. Chỉ có một phòng, hơn hai chục mét vuông. Trần nhà rất thấp, mặt tường màu vàng xỉn, cảm giác hơi ngột ngạt. Còn có một gian bếp nhỏ và nhà vệ sinh. Các thiết bị chiếu sáng đều là những bóng đèn tròn trơ trụi. Tất cả như trong một công trường, không hề có hơi thở của một căn nhà.

Ưu Di đặt chiếc giường đơn ở gần cửa sổ. Trong phòng còn có một chiếc bàn vuông, và tủ quần áo một cánh. Ưu Di bảo, chờ khi Trác khỏi bệnh, cũng chuyển đến đây ở, sẽ đặt thêm một chiếc giường nữa, đặt chỗ này. Nhưng ấy thì phải nằm chung với mình thôi, chật một chút. Cô thấy Quỳnh thiểu não, dường như không hề để ý đến nơi này. Ưu Di bèn đập vào cánh tay Quỳnh nói:

- Điều này đã nói lên tình hữu nghị của chúng ta đã có bước phát triển vượt bậc về chất - hồi trung học bọn mình ngủ giường trên giường dưới, bây giờ chúng mình ngủ chung luôn một giường.

Quỳnh xoay lại ôm chầm lấy cô. Trên mặt Ưu Di có hình ảnh của một dòng suối mát. Cô vỗ về Quỳnh:

- Mình nghĩ đến bọn mình sống chung, tay trắng vào đời, thấy hào hứng ghê lắm, ấy có thế không?

Quỳnh và Ưu Di đi mua một số đồ dùng trong nhà, mua cho Trác một chiếc giường gỗ nhỏ, khăn trải bàn có hình hoa in chìm, và ba chiếc ghế. Quỳnh kiên quyết đòi mua một cây đèn chụp, vì không thể chịu nổi mấy bóng điện trần trụi mang lại cảm giác lạnh lẽo xa lạ của một công trường. Ngoài ra hai đứa còn mua đồ dùng trong bếp, nồi bát và phích nước. Ưu Di nhất định đòi mua ba chú cá vàng, thế là mua thêm một bể cá thuỷ tinh hình tròn, làm nhà cho chúng, rồi mua cả giun cho cá ăn, mua mấy cọng rong tươi non và một cái vợt - cái nọ xọ cái kia, mua thêm mấy thứ dư thừa.

Hai đứa mua thêm rất nhiều vải, đủ các loại hoa văn màu sắc. Vải là đồ trang hoàng rẻ tiền nhất, mà lại dễ sử dụng. Khi Quỳnh đính xong chỗ vải lên tường, căn phòng như một cơ thể đang đâm những mảng da non. Bật sáng cây đèn, ánh vàng sáng như ánh mắt cô gái vui tươi, khiến người ta cảm nhận sự ấm áp có thể cầm được, sờ được. Bể cá đặt trên cửa sổ. Ba chú cá hớp những chiếc mồm hồng hồng mềm mại, hớp từng hớp to ánh sáng mặt trời một cách tham lam. Ưu Di nói:

- Ba con cá chính là ba đứa mình. Con đuôi vàng là Trác, hai con đuôi hồng là ấy và mình. Trác bị ốm, phải ăn nhiều lên nhé. Ưu Di vừa nói, vừa thả vào bể một nhúm nhỏ thức ăn.

Cuộc sống lại bắt đầu, nó không bắt Quỳnh phải đợi quá lâu, bởi nó biết nếu bắt Quỳnh phải đợi thêm nữa, có lẽ cô sẽ không chịu nổi. Vì thế nó đã phái Ưu Di đến, để Ưu Di kịp giúp Quỳnh đứng dậy vào lúc gục ngã. Cho dù gió táp mưa sa, luôn luôn có khuôn mặt không gợn chút gió sương của Ưu Di, điềm tĩnh, thanh thản, nhẹ nhàng đỡ Quỳnh gượng dậy.

Hôm sau Quỳnh đến bệnh viện thăm Trác. Đã mấy ngày cô không đến, bởi những biến động về nhà số 3 phố Đào Lý, và có nhiều việc phải làm khi chuyển tới nơi ở của Ưu Di. Quỳnh quyết định đi thăm Trác và nói với cậu rằng, họ đã mất ngôi nhà, cô hi vọng cậu sẽ cùng cô chịu đựng điều đó. Mặc dù Quỳnh không nỡ lòng, nhưng cô nghĩ Trác là một người kiên cường. Hơn nữa, cô đã nhờ có Ưu Di mà phục hồi được sức sống, Trác chắc chắn sẽ vì sự có mặt của cô mà phục hồi sức khoẻ. Có lẽ ngày mai Trác đã có thể xuất viện. Quỳnh nghĩ mọi việc tới đây đã có thể chấm dứt một giai đoạn, cuộc sống mới cho dù không sung túc, nhưng không thiếu những ấm áp bé nhỏ. Quỳnh đi mua quần áo cho Trác, quần áo của cậu đều để lại ở số 3 phố Đào Lý, cô không muốn trở lại đó. Quỳnh dùng số tiền không nhiều còn lại mua cho Trác một chiếc T-shirt trắng, một chiếc quần vải xanh nhạt. Khi mua quần, Quỳnh bỗng kinh ngạc, hóa ra Trác đã cao lên rất nhiều, không còn là đứa bé cô có thể xoa đầu hồi nào.

Quỳnh đến bệnh viện, thuật lại cho Trác, không chút giấu giếm, họ không thể trở về nhà số 3 phố Đào Lý nữa. Trác không tỏ ra kinh ngạc. Thản nhiên cầm quần áo Quỳnh mua cho vào nhà vệ sinh để thay. Áo hơi rộng với cậu, nhưng quần thì vẫn hơi ngắn. Cậu đã cao lên quá nhiều. Cậu đi từ ngoài vào, đứng lại cho Quỳnh ngắm. Đó là lần đầu tiên, Quỳnh bất chợt có cảm giác đó là Dật Hán. Cậu có khuôn mặt của cha, khổ người của cha. Cậu đứng đó, nỗi buồn không che được, cậu đang hơi mỉm cười, giữa hai lông mày có sự ấm áp và bao dung. Quỳnh muốn ôm chầm lấy cậu, nhưng lại cảm thấy sợ hãi, bởi cô không xác định được cậu là ai, là Trác hay là Dật Hán. Quỳnh cảm thấy ông đã trở lại, ánh mắt hiền hậu, thản nhiên nhưng không lạnh lùng và đang gọi cô: “Quỳnh!” Cuối cùng không nén được lòng, cô chạy tới ôm lấy cậu.

Trác đập đập vào lưng Quỳnh, để yên cho cô khóc.

Quỳnh ở trong bệnh viện suốt một ngày, chiều tối mới ra về. Cô đã dặn Trác ngày mai sẽ đến đón cậu. Quỳnh ngồi xe buýt về nhà, trong lòng không sao bình tĩnh được. Cô không thể rõ được có phải đó là niềm vui - ông đã quay trở lại. Hoá ra ông vẫn luôn ở đó, ở trong con người Trác, ông ở giữa Trác và cô. Giờ phút ôm lấy Trác, Quỳnh cảm nhận được sự đoàn tụ, sự đoàn tụ của ba người.

Quỳnh về tới nhà, chậm rãi mở cửa. Trong nhà tối om. Ưu Di không có nhà? Quỳnh thở dài, mò tường tìm công tắc đèn. Bỗng nghe “tách”, đèn sáng bừng. Ưu Di đứng đó, cười tươi. Quỳnh nhìn quanh phòng, thấy trên bàn có bánh sinh nhật, trên cắm mấy cây nến, còn có một đĩa dâu tây to tướng và mấy món ăn đơn giản. Có món Ưu Di mới học được: bánh sữa kẹp đậu đỏ. Còn có cả một chai rượu nho đã mở và rót vào hai chiếc cốc thuỷ tinh sáng loáng. Dung dịch đỏ sậm dưới ánh đèn thật đẹp mắt. Căn phòng đã được dọn sạch sẽ, ga giường thay mới. Quỳnh thích thú hỏi:

- Gì thế này?

Ưu Di đáp:

- Tổ chức sinh nhật cho ấy.

Quỳnh lắc đầu:

- Mấy hôm trước rời trường, bạn đã tổ chức cho mình rồi mà?

Ưu Di vẫn rất kiên định, tỏ ra mình hiểu rất rõ:

- Hôm ấy không có bánh sinh nhật. Vừa là chúc mừng mọi sự bắt đầu nữa, mọi thứ khác rồi mà!

Quỳnh bật cười:

- Ưu Di, mình mới đến đây bạn đã nói với mình đó là sự bắt đầu, bọn mình đã ăn mừng rồi. Mua đồ đạc về, trang trí xong xuôi, bạn lại nói đó là sự bắt đầu, bọn mình lại ăn mừng một lần nữa. Hôm nay đang dưng đang lành, sao lại có sự bắt đầu được? chẳng lẽ ngày nào cũng chúc mừng à?

- Chỉ cần ấy muốn, ngày nào cũng là sự bắt đầu! Ưu Di lúc lắc đầu, bắt bẻ lại. Quỳnh bấy giờ mới phát hiện ra cô ấy mới cắt tóc. Mái tóc Ưu Di vốn dài như Quỳnh, buộc ra sau đầu, bây giờ cắt rất ngắn, đằng sau ngắn quá đỗi, như một thằng con trai. Cô chưa bao giờ thích tóc ngắn, đặc biệt là ngắn đến thế này.

Quỳnh chỉ đầu tóc Ưu Di, hỏi:

- Thế này, cắt tóc cũng là để đón chào cuộc sống mới hả?

- Đương nhiên! Ưu Di đáp gọn.

- Nhưng mà không đẹp! Quỳnh lắc đầu.

Ưu Di bỗng chùng xuống, im lặng một hồi.

Quỳnh bèn chuyển đề tài:

- Mình đói quá, bọn mình bắt đầu ăn được chưa?

Ưu Di dần dần vui trở lại, kéo Quỳnh tới bên bàn, cho cô nếm thử bánh sữa kẹp đậu đỏ mới làm lần đầu. Rất thành công. Những mẩu đậu đỏ thẫm khảm lên mặt bánh trắng mềm, hấp dẫn như ngọc quý. Vị bánh thơm ngon, đượm mùi sữa.

Quỳnh rất thích. Ưu Di hớn hở, cặn kẽ giảng giải cho Quỳnh cách làm.

- Trước hết phải luộc đã, hầm nhừ ra, cho đường trắng vào. Đối với ấy thì cho ít đường một chút. Ăn ngọt dễ béo mà. Kế đến, lại hầm tiếp, cho đến khi cạn hết nước. Cô nói cặn kẽ như đang dặn dò Quỳnh.

- Sau đó, đun sôi sữa lên, đem sữa làm lạnh, rồi...

- Thôi nữa mà, mình nói thích thì cũng không cần phải dạy ngay cho mình như thế chứ. Đằng nào bạn cũng có thể làm cho mình ăn, mình thích ăn các thứ của bạn làm. Quỳnh thấy Ưu Di thật đáng yêu.

Ưu Di bỗng hơi sầm nét mặt, nhìn Quỳnh rồi thở dài: “Mình nghĩ, tự ấy làm được là tốt nhất. Phàm việc gì cũng không nên dựa vào người khác, ấy bảo có phải thế không?“. Quỳnh ngẩng mặt lên nhìn Ưu Di, có lẽ cô ấy nặng nề vì lo lắng cho mình, bèn gật đầu. Ưu Di thấy thế lại vui vẻ trở lại: “Uống rượu nhé. Hê hê, mình muốn uống say, nhưng nếu thế thì phải tốn nhiều tiền lắm“.

- Sau này có tiền, bọn mình sẽ mua một đống rươu, uống say thì thôi. Quỳnh động viên. Cô rất ít khi nói những lời kiểu động viên, nhưng Ưu Di thì lúc nào cũng an ủi và động viên Quỳnh. Quỳnh dần dần cũng bắt chước theo, cô muốn mang lại cho Ưu Di chút ấm áp.

- Ừ, cố lên Quỳnh ạ. Ưu Di dí mặt vào mặt Quỳnh.

- Từ ngày mai, là một sự bắt đầu mới, ấy phải nhớ nhé. Hôm nay ăn mừng rồi, ấy giờ đây đã là con quay đang xoay tít, không được dừng lại nữa.

Quỳnh gật đầu cười.

Quỳnh không quen uống rươu, dù uống không nhiều, nhưng cô đã dần dần ngủ thiếp đi.

Khi tỉnh lại, trong phòng vẫn tối om, tựa như đang đêm. Quỳnh thấy đầu óc nặng nề và đờ đẫn, cô gắng gượng chống tay ngồi dậy. Cô gọi Ưu Di vài lần, không có tiếng trả lời. Quỳnh trở dậy bật đèn rồi tới bên cửa sổ, kéo rèm ra. Quả là trời đang tối. Cô thấy hơi hoang mang. Quỳnh nhìn quanh phòng, trên bàn không còn những thức ăn và rượu mừng lúc tối, chắc là Ưu Di đã dọn dẹp chúng. Quần áo bẩn Quỳnh thay ra mấy hôm trước cũng đã giặt sạch, phơi lên ngay ngán ngoài ban công. Chổi lau nhà cũng đã giặt sạch, gác lên cho khô. Mọi thứ đều đâu vào đấy.

Căn phòng gọn gàng tới mức đáng sợ. Quỳnh vẫn chóng mặt, cô tự rót một ly nước. Đứng bên cửa sổ, cô nhìn thấy một chú cá trong bể đang cuống cuồng bơi như đang bị đuổi bắt hoặc chống cự cái gì. Đuôi nó vùng vẫy một cách tuyệt vọng, tựa hồ muốn nhảy ra khỏi mặt nước. Hai con cá còn lại nép vào một bên, quan sát nó một cách bối rối. Quỳnh thấy tim thót lại, không biết phải làm gì. Kế đến cô nhìn thấy một bức thư, giắt xuống dưới bể cá.

Quỳnh nhìn bức thư, cảm thấy một nỗi sợ hãi đang dân lên trong lòng. Nó bị đè dưới khối nước màu đen tối của bể cả. Con cá nhỏ vẫn tiếp tục vùng vẫy, nước bắn lên, rơi xuống phía dưới bức thư.

Quỳnh vẫn chưa đọc, bể cá đã khóc trước cô .

Chương 27

Ưu Di nói đây là bức thư đầu tiên cô viết cho người khác một cách nghiêm túc. Cô đã bò ra bàn để viết rất lâu, rồi gấp thư lại phẳng phiu, cho thư vào phong bì. Mình buộc phải viết bức thư này cho ấy, Quỳnh yêu quý ạ. Ưu Di nói vậy.

Quỳnh ơi. Mình đã cho thuốc ngủ vào trong rượu, vì thế ấy ngủ trọn một ngày một đêm mới tỉnh dậy được. Khi ấy tỉnh lại, mình đã ở một nơi mà ấy đến nghĩ cũng chưa bao giờ nghĩ tới, đó là nhà tù. À Quỳnh ơi, ấy đừng hoảng, cũng đừng sợ, nghe mình nói hết đã. Ấy phải hiểu là, khi ấy đọc những dòng này, thì mọi việc đều đã xảy ra rồi. Ấy biết không. Cái bức tranh, bức mà bọn mình lấy từ nhà số 3 phố Đào Lý, là một bức tranh cực kỳ đắt tiền. Cái khung ảnh cũng thế. Hôm ấy bọn mình trèo tưởng trở ra đã đánh thức mẹ của ấy. Họ phát hiện bị mất những vật trên, nên đã báo cảnh sát. Mẹ ấy đã nghi ngay ấy là thủ phạm. Hôm qua, khi ấy không ở nhà, cảnh sát đã tới đây điều tra. Mặc dù mình không để lộ điều gì, nhưng họ cũng đã có rất nhiều chứng cứ, đã có người nhìn thấy bọn mình trèo tường. Hơn nữa người có thể dùng chìa khoá mở cửa nhất định là người thân trong nhà. Vì thế, đối tượng nghi vấn là bọn mình. Sau khi họ đi, mình rất sợ, cũng đã nghĩ rất nhiều. Cuối cùng mình quyết định, tự mình sẽ đi đầu thú. Ừm, đây là cách tốt nhất. Mình hiểu tình hình gia đình của ấy, mình và ấy đã thân nhau như thế, vì vậy mình sẽ nhận là tự mình lấy chìa khoá của ấy để ăn cắp, họ sẽ tin thôi. Ấy cứ coi như là chẳng biết gì về chuyện này. Thực ra, mình đã nghĩ kỹ, việc này chẳng có gì đáng áy náy. Mình vốn là một đứa bất tài, không vào được đại học, chỉ có thể lăn lộn qua ngày. Không như ấy, ấy còn phải làm một nhà văn lớn đấy! Hơn nữa, em Trác cần có ấy chăm sóc. Thật đấy, ấy tin mình đi, mình cho rằng đây là giải pháp hết sức tư nhiên, chẳng phải băn khoăn gì hết. Nhưng có một điều thật khó khăn, đó là mình sẽ nói với ấy như thế nào đây? Với cái tính bướng bỉnh của ấy, hai đứa mình nhất định phải đánh nhau mất, sẽ chẳng ai chịu ai cả! Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có cách bắt ấy ngủ say. Đợi đến khi ấy tỉnh lại, mọi chuyện đều đã được quyết định.

Quỳnh, hai đứa mình thực sự đến với nhau là vì đọc Tùng Vy. Khi mình nhìn thấy ấy đọc sách của bà, liền cảm thấy duyên phận của hai đứa ở trong đấy. Mình cũng thích Tùng Vy giống như ấy, thích sách của bà. Mình chưa nói với ấy là, khi mới đọc, mình cũng đã từng lặng lẽ mơ ước tương lai sẽ trở thành một người thành công như Tùng Vy. Nhưng mình không có được tài năng như thế. Đến khi gặp ấy, mình phát hiện ra người đủ khả năng trở thành Tùng Vy chính là ấy đấy. Mình vẫn nghĩ rằng trong lòng thể nào cũng sẽ ghen tức ấy, thế mà mình đã chẳng mảy may ghen tức đố kị với ấy tẹo nào, Quỳnh thương. Mình nghĩ, có lẽ đó là vì tình yêu. Tình yêu ở trong sâu thẳm, nó có thể xoá bỏ mọi ý niệm không trong sáng. Mình chỉ muốn làm giúp ấy một việc gì đó, bởi vì mình biết, khi ấy lớn lên sẽ là một nhân vật đáng nể, sức lực nhỏ bé của mình sẽ vì tầm vóc của ấy mà bị phóng to lên, điều đó thật là an ủi biết bao. Quỳnh ơi, đời này kiếp này, mình không thể trở thành một nhà văn được người người kính trọng đâu. Nhưng ấy thì có thể, và ấy nhất định phải thực hiện. Một hình ảnh mình mong muốn, là ấy và Tùng Vy sẽ cùng xuất hiện trong một buổi toạ đàm, hoặc một chỗ nào đó đại loại, và rồi hai người sẽ trò chuyện vui vẻ như hai người bạn cũ. Nếu sau này ấy gặp Tùng Vy thực, đừng quên nói với bà ấy, một người bạn trước đây của ấy cũng rất yêu thích bà nhé, yêu thích bà ấy mãi mãi.

Quỳnh, khi ấy đọc bức thư này, mình đã ngồi trong nhà tù rồi. Ấy biết mình sợ nhất điều gì không? Mình sợ nhất là ấy sẽ đến nhận tội, một mực đòi vào đây với mình. Quỳnh à, ấy là một đứa thông minh. Ấy thử nghĩ xem, nếu ấy nhận tội, bọn mình đều có liên can. Một đứa là thủ phạm, đứa kia là tòng phạm. Hai đứa đều ngồi tù, ấy có thể giúp mình giảm nhẹ hình phạt à? Chẳng qua là thêm một đứa bị giam vào đây thoi. Nhưng nếu ấy ở lại ngoài kia, là thêm được nhiều hy vọng. Ấy có thể làm rất nhiều việc. Đến lúc mình ra tù, ấy có thể cho mình sự ngạc nhiên thật lớn, chẳng hạn như ấy mua lại được căn nhà số 3 phố Đào Lý. Ấy xuất bản sách của chính mình, các thứ của ấy chính là của mình, mình sẽ vui biết mấy. Cho nên, ấy nhất định không được nhận tội. Nếu ấy tới đây, mình sẽ cực kỳ giận ấy, ấy vào trong này, mình sẽ chẳng nói với ấy câu nào đâu. Quỳnh à, hôm nay mình lấy hết tiền trong túi ra, muốn mua tặng ấy một món quà để lại. Mình nhìn thấy một cái tủ lạnh bé, trên có hình các loại cá nhiệt đới, đẹp ghê lắm, nhưng thiếu quá nhiều tiền. Mình lại chọn một tấm thảm trải nền, hoa văn lớn rất đẹp, nhưng cũng không mua nổi. Cuối cùng, mình nghĩ, chỉ có thể mua gì đó để ăn. Mình biết không phải là sinh nhật ấy. Mình chỉ muốn tìm một cái cớ để chúc mừng thôi. Nhưng mình kìm chế không tốt lắm, nói năng linh tinh, lại còn ra sức dạy ấy làm bánh. Thực tình là mình sốt ruột, muốn ấy được “truyền thụ” tất cả những gì mình biết, hi hi.

Thôi nhé, Quỳnh ơi, trời bắt đầu sáng rồi. Mình phải đi đây. Một bức thư viết suốt một đêm. Ấy bảo trọng nhé.

À, đúng rồi, tóc cắt không đẹp thật, nhưng vào trong đấy sẽ tiện hơn. Mà tóc thể nào cũng lại dài ấy mà.

Ưu Di

Quỳnh lại nhét bức thư vào trong phong bì. Đứng bên cửa sổ, cô bỗng thấy khắp người nóng rực, tựa như đang bị trói chặt từ trên xuống, không thể nào thoát ra được. Quỳnh bắt đầu chạy lung tung trong phòng, như con thú cùng đường tuyệt vọng, đâm sầm vào khắp nơi để tìm lối ra. Cô chạy trong phòng, lần mò, mắt đẫm lệ.

Cuối cùng Quỳnh lao xuống bếp. Hình ảnh đó xảy ra y như trong tuổi thơ cô, nó đã quay trở lại, vào lúc tuyệt vọng. Cô cầm lên những thức ăn thừa, nửa bình sữa Ưu Di để lại, cơm nguội. Cô nhét từng vốc to vào mồm mình. Trong tim cô lại có một tiếng hỏi, Quỳnh, mày có đói không? Mày có đói không?

Quỳnh cứ thế nhét từng vốc to các thứ vào mồm, cơm dính ra mặt, ra áo cô. Bỗng nhiên, Quỳnh nhớ tới lời Ưu Di từng nói với mình:

- Quỳnh à, khi nào ấy ăn các thứ, ấy cứ nghĩ là, mấy thứ này đã có Ưu Di chịu trách nhiệm giúp ấy ăn rồi. Dù sao thì mình tốt với ấy như thế - như hai mà một. Cho nên mình ăn thì cũng giống ấy ăn thôi.

Ưu Di, bạn bây giờ có đang giúp mình ăn không? Có thật bạn đã ăn rất no không? Quỳnh dần dần ngừng được hành động ăn cuồng một cách khổ sở

Quỳnh đến bệnh viện đón Trác. Trác biết nhất định đã có sự cố xảy ra, cô đã không đến đón cậu đúng hẹn. Trác đã đợi Quỳnh trọn một ngày. Trời mưa, cậu giương ô che cho Quỳnh, hai người đi dưới mưa. Trác không hề mở miệng hỏi Quỳnh, chỉ đi theo một cách phục tùng, im lặng. Đi qua một cái chợ, Quỳnh nhìn thấy có người đang bán xiên mực nướng cay thơm lừng, còn có cả xúc xích nướng và bánh khoai vàng rộm. Quỳnh biết Trác đã lâu không ăn gì, nhưng cô không có tiền. Hai đứa làm ra vẻ vội vã, đi xuyên qua đám người đông đúc, cố gắng tỏ ra nhìn mà chẳng thấy với những đồ ăn hai bên. Điều này làm Quỳnh nhớ lại hồi bé, mỗi lần từ trường đi về nhà, cô đeo chiếc ba lô quai dài quai ngắn đi qua những hàng bán quà vặt. Cô đói bụng, nhưng không một xu dính túi. Quỳnh thấy căm ghét và khinh thường chúng, nghĩ tới một ngày nào đó có thể thưởng thức chúng một cách tuỳ ý. Thế mà đã mười năm trôi qua, mười năm là khoảng thời gian dài, cô vẫn phải chịu đói. Bây giờ, cô vẫn là một người bị cơn đói hành hạ. Dù cho cô có thể tự nhẫn nhịn, nhưng cô không thể để Trác phải sống cuộc sống như vậy.

Quãng đường rất xa, nhưng vì không có tiền, đành phải đi bộ. Hai đứa đi gần một nửa thành phố. Về đến gần nhà, Quỳnh chỉ vào một quán cà phê biển màu hồng, nói với Trác:

- Em nhìn thấy chỗ kia không? Từ ngày mai, chị sẽ đi làm ở đó.

Cả hai đều không nói thêm điều gì. Mưa vẫn rơi, Quỳnh phát hiện ra Trác vì che ô cho cô, đã bị ướt từ đầu tới chân.

Bức tranh Quỳnh và Ưu Di lấy đi khỏi nhà số 3 phố Đào Lý là một bức tranh sơn thuỷ đời Tống, trị giá hơn 600 ngàn Nhân dân tệ. Khung ảnh đồng thời Minh chạm lộng hoa văn cũng hơn ba trăm ngàn tệ. Ưu Di vì chủ động đầu thú, bị xử ngồi tù bốn năm.

Khi Quỳnh tới thăm Ưu Di, cô đã mặc đồng phục màu xanh thẫm, đi đôi giày vải màu xám. Cả người chẳng có chút màu sắc tươi tắn nào. Đây là lần đầu Quỳnh nhìn thấy Ưu Di mặc quần áo màu sẫm. Quỳnh lần đầu nhận ra, cô gái này ngày càng trong sáng tới tinh khiết, giống như một hòn ngọc quý, dần dần để lộ ra ánh sáng lấp lánh không gì cản được. Cô sinh ra đã có một đôi mắt trong sáng, quần áo rất thô thiển chỉ càng làm nổi bật điều đó. Ưu Di ngồi xuống trước mặt Quỳnh, hai đứa cách nhau một bức tường bằng kính. Nhấc ống nghe lên, Ưu Di nói ngay:

“Ấy đến rồi à?“. Giọng điệu đó y như là cô ấy đang ở nhà, còn Quỳnh là khách đến chơi.

Quỳnh gật đầu, thấp giọng nói: “Mình ngoan lắm, mình không nhận tội“.

Cô lập tức nói: “Thế mới phải chứ. Chăm sóc em Trác cho tốt nhé“.

Quỳnh lại gật đầu: “Bạn ở đây có sao không? Có ai bắt nạt bạn không?“.

“Ai dám bắt nạt mình? Mình ở đây tốt lắm. À, ấy biết không, các nữ phạm khác đều phải đi đan rọ, lắp ráp linh kiện. Nhưng mình thì nấu ăn rất ngon nên được điều đến nhà ăn tập thể giúp việc. Hi hi, ít nhất là kiểu gì cũng no bụng! Hơn nữa, tay nghề thể nào cũng ngày một cao. Sau này ra ngoài mình sẽ nấu cho ấy ăn!“. Ưu Di nói, mặt mũi hoan hỉ, nhưng Quỳnh chỉ thấy cô ấy đã gầy đi nhiều, chẳng cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm chút nào. Ưu Di thấy Quỳnh chẳng nói gì, bèn hỏi: “Ấy thế nào? Ấy đã tìm được việc gì chưa?“.

“À, làm trong quán cà phê“. Quỳnh đáp.

Ưu Di nghe thấy thế rất vui vẻ, hỏi: “Họ trả ấy bao nhiêu tiền?”

“Năm trăm, một nửa thời gian làm ca đêm“.

Ưu Di lập tức kêu lên: “Ít thế! Lại còn ca đêm nữa, muốn người ta mệt chết hay sao!“.

Quỳnh lắc lắc đầu, vội vàng an ủi Ưu Di: “Không sao cả, khi nào tìm được việc phù hợp hơn mình sẽ nghỉ ở đó“.

Bấy giờ Ưu Di mới gật đầu. Trong lòng cô nghĩ, cả thế giới này đều có thể bắt nạt Quỳnh, nhất là khi không có mình bên cạnh. Mặc dù Quỳnh không muốn nói những lời to tát, nhưng co cảm thấy có những việc vẫn nên nói ra thì lòng mới yên. Quỳnh bảo: “Ưu Di, mình phải nói là, mình cám ơn ban. Cảm ơn những điều bạn đã làm vì mình“.

Ưu Di lặng đi một lúc, vội nói: “Á, làm gì thế? Sao có vẻ như đang muốn thanh toán nợ nần với mình vậy? Mấy hôm nay mình ở trong này, vẫn nghĩ rằng, việc làm này mình thực sự hài lòng“. Cô nói giọng đắc ý: “Mình chưa bao giờ cảm thấy như hôm nay, tìm thấy giá trị của cuộc sống. Mình cảm thấy trước kia mình sống thật vô nghĩa. Còn bây giờ thì khác, cuối cùng mình đã làm được một việc lớn“.

Cái cô ấy gọi là “việc lớn” đó chính là thay Quỳnh ngồi tù. Quỳnh nghe thấy không khỏi rung động, cô ngẩng mặt, cố gắng hít hơi để giữ cho nước mắt không chảy ra.

“Mình có nói là mình không mong trả ơn đâu. Ấy phải bồi thường cho mình đấy“. Ưu Di thấy Quỳnh sắp sửa khóc đến nơi, bắt đầu cuống, dùng tay vỗ vỗ và tấm kính cách giữa hai đứa.

“Bạn muốn trả ơn thế nào?” Quỳnh hỏi.

“Bánh sữa kẹp đậu đỏ, hi hi. Mình muốn ấy làm cho mình ăn!” Ưu Di cười hì hì trả lời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.