Chương 35
Quỳnh thức dậy một cách khó khăn. Cô phát hiện ra mình đang ở trong một căn phòng rộng. Bức tường màu xanh da tròi, như một mảng trời bị cắt ra đem xuống đây. Cô đang nằm trên một chiếc giường lớn, rất êm. Quỳnh vùng dậy, không biết có phải vẫn đang mơ. Cô ra sức nhớ lại chuyện giấc ngủ. Chợt nhìn xuống cổ tay, quả nhiên vẫn có chiếc đồng hồ màu hồng đào ở đó. Không phải mơ. Quỳnh xuống khỏi giường, hớt hải đi ra khỏi phòng.
Đây chắc là nhà của người đàn ông hôm qua làm sinh nhật cho cô. Căn nhà có ba phòng, không lớn lắm. Đồ đạc có màu gỗ đơn giản. Quỳnh rất thích sự đơn giản như thế. Quỳnh thấy đầu nhức buốt, có lẽ cồn rượu tối qua vẫn chưa bay hết. Cô đi xuống bếp, nhìn thấy nước đun sôi để nguội đã sẵn sàng trong phòng ăn. Bên cạnh đó còn có trái cây đã rửa sạch. Có một mẩu giấy để ở đó.
Em nên ăn trước một chút hoa quả. Buổi trưa tôi sẽ quay về xem thế nào. Căn nhà này không ai ở, vì vậy không cần phải thấy bối rối.
Quỳnh kéo ghế tới ngồi bên ban công, uống nước ừng ực rồi ăn trái cây. Ánh nắng buổi sáng ấm dần, xuyên qua những tán lá ngô đồng, chiếu xuống ban công, những chấm nắng như những nốt nhạc nhảy nhót. Cô ngồi bần thần, tâm trí rối loạn. Mấy đứa ở nhà nhất định đang lo lắng tìm cô khắp nơi. Lời hẹn về trúc đào và chụp ảnh kỷ niệm giống như cánh bướm loang lổ sà xuống bãi cỏ. Cô không biết Trác có buồn như cô bây giờ không.
Cô muốn đi khỏi đây, nhưng không biết sẽ đi đâu. Đến chỗ nhà xuất bản, hay chủ nhà, hay đi tìm Trác và Tiểu Nhan? Đã lâu cô không gửi quà cho Ưu Di rồi, ngày giỗ chú Dật Hán nữa...
Không được nghĩ nữa. Cô uống thật nhiều nước, ăn trái cây ngấu nghiến. Vị chua của táo râm ran khắp cả mồm. Quỳnh chợt thấy chua xót. Kéo cày suốt ba tháng, khép kín, trầm lặng, sốt ruột, cuồng thực, lừa dối, cướp đoạt, đe doạ... Tất cả như đám táo vụn nhừ trong mồm cô. Chúng liên kết với nhau tạo thành một khối chua loét khiến cô khó lòng chịu đựng. Trong lòng Quỳnh chỉ có một mong muốn, đó là chàng trai cùng chụp ảnh kỷ niệm với cô giữa thảm hoa móng tay, là tình cảm giữa họ. Nhưng tất cả bỗng chớp nhoáng vụt qua, như cảnh trời trong đêm giông sét. Giờ đây thậm chí cô không đủ dũng cảm đối mặt với cậu. Cô đang ở trong căn nhà của một người lạ, nhưng trước sau vẫn không thể quyết định ra đi.
Chiều, chủ nhân của căn nhà quay trở lại. Có lẽ anh ta biết chắc Quỳnh không bỏ đi, đã mua rất nhiều đồ ăn và những vật dụng hằng ngày. Quỳnh đứng tựa bên cánh cửa tủ lạnh, nhìn anh ta bận rộn di chuyên giữa bếp nấu với tủ lạnh.
Anh ta mặt T shirt màu lục, ngắn tay, lộ ra những đường may nhiều màu sắc. Quỳnh nhìn một bên khuôn mặt anh ta. Bỗng thấy có gì đó rất quen. Cô lẩm bẩm:
- Hình như tôi đã nhìn thấy anh ở đâu đó.
- Ở nhà Lâm Diệu Nghị. Anh ta trả lời, mỉm cười với cô.
- Không, không phải.
- Ở quán bar tối hôm qua? Cùng đón sinh nhật? Anh ta lại gợi ý.
- Không, vẫn không phải... Quỳnh lắc đầu. Người đàn ông chịu không thể nhớ thêm được gì, đành nhún vai miễn cưỡng. Anh ta không biết nấu ăn, điều đó rất dễ nhận ra. Anh ta mua về toàn những thứ làm sẵn. Chẳng hạn như gói gia vị nấu canh, chỉ việc cho vào nồi, đun sôi lên là được. Ngoài ra còn có bánh xăng uých, cho vào lò vi sóng quay quay là xong. Nhưng những thứ đó đối với anh ta cũng không dễ dàng. Buổi chiều mùa hè nóng nực, lúc làm xong mọi thứ, anh ta đã mồ hôi nhễ nhại.
Anh ta gọi Quỳnh ngồi xuống. Hai người ngồi hai bên bàn. Anh ta không phải là người thích chủ động câu chuyện, nên chỉ nhìn, rồi đưa cho cô một miếng xăng uých. Quỳnh đang thực sự thấy thất vọng về cuộc sống, ở cô có lẽ chỉ còn là sự tham lam đối với đồ ăn. Cô sống như một con vật. Quỳnh đón lấy xăng uých. Khúc cá kẹp trong đó chắc chắn là cá hộp, dường như chẳng có lấy chút vị tươi hay tanh của cá. Nhưng nhờ có vị mặn và lớp pho mát ở ngoài nên cũng tạm gọi là đậm đà dễ chịu.
Cô ăn rất nhanh. Như hoàn thành một nhiệm vụ. Ăn xong, Quỳnh lại nhìn anh ta với vẻ nghiên cứu, nhưng cũng đành bỏ cuộc, lẩm bẩm băn khoăn: “Anh là ai nhỉ?“.
Người đàn ông cười: “Tôi là người lạ đã cùng em đón sinh nhật tối hôm qua mà, đã quên rồi à?“.
Quỳnh nghe anh ta trả lời khéo léo, không khỏi bật cười. Anh ta lại dò hỏi:
- Hôm qua em cãi nhau với Lâm Diệu Nghị à?
- Cãi nhau, nghe thân thiết quá, khác gì hai người bạn đang khúc mắc đôi chút!
- Không phải bạn à?
- Không!
- Vậy thì là gì?
- Là hai tác giả của cùng một cuốn sách. Quỳnh nói xong, cảm thấy anh ta sẽ không tin, bèn tự cười mình.
- Nghĩa là sao? Anh ta bỗng trở nên nghiêm nghị.
- Nếu tôi nói quyển sách mà Diệu Nghị cho xuất bản đó là của tôi, anh có tin không? Ngoài cái kết cục tồi tệ đó ra, nội dung phía trước hoàn toàn do tôi viết. Nhưng đến hôm qua tôi mới biết điều đó. Tôi đã đến đó kiếm chuyện thật. Anh có tin không? Quỳnh hỏi.
Anh ta không nói gì cả, chỉ nhìn Quỳnh dường như vẫn đợi cô nói tiếp. Cô bèn nói:
- Có phải anh muốn tôi đưa ra chứng cứ không? Tôi không có chứng cứ gì cả. Nhưng ngày hôm qua lúc tôi đang say, được anh tặng một chiếc đồng hồ, tôi đã rất xúc động, anh còn nhớ không?
Anh ta gật đầu.
- Đấy. Vì tôi nhớ tới La Hoá tặng Hỉ Nhiên món quà sinh nhật cũng là một chiếc đồng hồ. Hỉ Nhiên chưa bao giờ có đồng hồ, tôi cũng vậy. Chỉ khác là anh ta không tặng đồng hồ điện tử mà tặng đồng hồ cơ. Có lúc Hỉ Nhiên nhìn thấy kim giây chạy thấy chóng mặt... Nhưng thôi, những điều đó không thể làm bằng chứng được, anh cứ thắc mắc đi.
- Người đàn ông nghiêm túc: “Thực ra là tôi tin em“.
- Tại sao?
- Bởi vì sắc mặt hôm qua của em rất khó coi, đứng cũng không vững. Ai đang như vậy mà lại đi đứng một mình trước cổng nhà người ta bao giờ. Nếu em thực tình muốn gây rối thì đã phải kêu gào lên mới đúng. Nhưng em đã không thể gạt bỏ sĩ diện, nên đã không cãi vã. Điều thú vị là, em không hề cãi vã, nhưng Diệu Nghị ngược lại, tỏ ra rất kịch liệt, nhất định tống khứ em đi. Em bị đuổi đi một lát là tôi đi tìm em luôn. Tôi nhìn thấy em đi rất chậm trên đường, loạng chà loạng choạng, rất buồn rầu.
- Xem ra hôm qua tôi đã không phí công đến đó. Tôi đã đổi lại được một người tin tôi. Quỳnh cười cay đắng, xúc động vì sự tận tình chu đáo của anh ta.
- Nhưng em cần hiểu rằng, nếu không có những bằng chứng thuyết phục, thì không thể xoay chuyển được sự việc.
- Vâng, tôi biết, vì thế tôi không gây gổ gì cả cho mất sức vô ích. Quỳnh cố gắng tỏ ra hoạt bát.
- Em là bạn của cô ta à?
- Tôi đã nói không phải bạn, chỉ là cùng lớp thôi. Quỳnh kịch liệt phản đối việc dùng từ bạn để miêu tả mối quan hệ với Lâm Diệu Nghị. Nếu đó cũng là bạn bè thì là một sự nhạo báng đối với tình cảm giữa cô với Ưu Di.
- À, xin lỗi.
Cả hai bỗng trầm lặng, nghĩ về những chuyện khác nhau. Quỳnh cảm thấy cần phải đi. Cô nói:
- Tôi phải đi rồi, làm phiền anh nhiều quá.
- Tại sao em không hỏi tôi quan hệ thế nào với Lâm Diệu Nghị? Anh ta nhìn Quỳnh đứng dậy, đi về phía cửa mới cất tiếng hỏi.
- Tôi đã đoán tới một vài khả năng, bạn, người thân, bạn trai, người theo đuổi, hoặc là
không quen biết cho lắm. Cho dù là quan hệ thế nào, đối với tôi cũng không có gì khác. Tôi chẳng phải là bạo chúa thời cổ đại, hận một người cũng muốn tru di cửu tộc! Huống hồ anh đã làm sinh nhật cho tôi, tặng cho tôi chiếc đồng hồ đầu tiên. Quỳnh cười với anh ta, trong lòng hơi ngạc nhiên pha lẫn vui vẻ. Cô nhận ra nói chuyện với một người lạ hoá ra lại tự nhiên như thế này, có lẽ bởi cả hai bên đều không phải gánh vác trách nhiệm gì cả. Gặp gỡ rồi chia tay, đứng trước một người tốt bụng đáng mến, dù nói nhiều một chút cũng là nên lắm.
- Em cũng đúng đấy, nhưng em đã quên một khía cạnh khác. Biết đâu tôi lại có một ý nghĩa đặc biệt nào đó với mối quan hệ giữa em và Diệu Nghị thì sao? Anh ta nói chậm rãi, mỉm cười ranh mãnh.
Quỳnh lặng người. Cô lại nhìn kỹ người đàn ông lần nữa.
Chương 36
Rất lâu sau, khi Quỳnh nhớ lại, cô cảm thấy rất khó hiểu. Cô không phân biệt được đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả. Thậm chí cô ngờ rằng, từ khi nhà sách tìm cô để đặt hàng, đến khi cô viết xong, rồi bị Lâm Diệu Nghị cướp mất, rồi cô dù biết không có kết quả vẫn đến nhà tìm Diệu Nghị vừa đúng vào hôm Diệu Nghị tổ chức tiệc mừng... Từng sự việc một đều như được sắp xếp. Điều quan trọng hơn cả, không phải là cô bị cướp mất cuốn sách, mà là cô được đưa tới trước mặt người đàn ông đó, anh ta là Trầm Hoà.
Trầm Hoà khác rất nhiều so với tám năm trước. Ít nhất là tóc ngắn đi nhiều. Hồi trước anh ta để tóc dài, dáng vẻ của một nghệ sĩ trẻ bất cần. Giờ đây, anh trở nên sáng sủa rõ ràng, hơi béo, làm giảm bớt đi tính cách sắc sảo của tuổi hai mươi chín. Anh tỏ ra khoan hoà hơn rất nhiều. Quỳnh quên mất dùng logic vận động để nhìn nhận vấn đề, ngoài Trác ngày ngày ở bên cạnh cô ra, mọi người đều không có ai ở lâu trong cuộc sống của Quỳnh. Người nào cũng đến rồi đi, không kịp để cho Quỳnh kịp cảm nhận sự thay đổi không ngừng.
Khi Quỳnh biết được người trước mặt chính là Trầm Hoà, cô thấy nhớ Dật Hán vô cùng. Ông ra đi đã rất lâu rồi, nhưng trong lòng cô vẫn trống trải không sao lấp đầy. Cô luôn như bị thiếu một thứ gì đó thật quan trọng. Chúng dường như đã trở thành lý do để cô trốn tránh và tự tha thứ cho mình.
Ngoài sự nhớ thương đối với Lục Dật Hán, Quỳnh còn một chút an ủi, bởi Trầm Hoà chính là người biên tập cuốn sách Nụ cười như hoa của Lâm Diệu Nghị. Anh bảo, anh rất thích cuốn sách đó.
“Có gì đó rất gần với sự sắc sảo của Tùng Vy trẻ tuổi năm nào“. Trầm Hoà đã bình luận như thế. Mặc dù bản thảo không còn thuộc về mình nữa, nhưng mấy lời nói đó đã khiến Quỳnh thấy hài lòng. Cô cảm ơn Trầm Hoà.
“Cảm ơn tôi làm gì? Tôi cũng bị lừa, giúp cô ta xuất bản một cuốn sách ăn cắp“.
“Không, anh đã thật sự thích cuốn sách đó, bất kể nó rơi vào tay ai. Điều đó với em là quá đủ“.
Trầm Hoà nhìn cô gái trước mặt với vẻ xót xa. Cô thật hiểu biết, và đối xử với tác phẩm một cách chân thành. Hóa ra cô ấy là Lục Nhất Quỳnh. Nếu Quỳnh không nói, anh nhất định không thể nhận ra. Tám năm trước Quỳnh còn là một cô bé ngây thơ, mập mạp, hình như rất thích hỏi tại sao. Trầm Hoà cố gắng nhớ lại, nhưng không còn rõ lắm. Đám tang của Dật Hán là lúc anh đang đi du lịch Quảng Tây và biên giói Việt Nam. Khi anh quay về, chỉ nghe nói Dật Hán đã chết. Anh đã từng ghé qua nhà số 3 phố Đào Lý, lòng thấy vô cùng cảm khái. Dĩ nhiên anh không hề biết bao nhiêu thăng trầm bên trong đình ấy, dĩ nhiên cũng không biết Quỳnh đã sống vất vả và cô độc đến thế nào.
Sau khi Quỳnh và Trầm Hoà “nhận ra” nhau, hai người vẫn trầm ngâm. Trầm Hoà hỏi Quỳnh: “Em đang nghĩ gì vậy?“.
Quỳnh nói: “Em bỗng nhớ đến tám năm trước anh đến nhà em. Anh và ba em ngồi trong phòng khách. Hai người cũng không nói năng bao nhiêu. Nhưng không nói cũng không thấy không khí gượng gạo. Em thấy rất thú vị, lúc nhìn anh, lúc nhìn sang ba. Em cảm thấy thực ra hai người rất hiểu nhau, và rất quý nhau. Nhưng hai người dường như không biết nên nói gì“.
“Sau đó đã nói gì?” Trầm Hoà cười hỏi.
“Anh nói chuyện anh đi du lịch. Anh đi Tây Tạng còn nhìn thấy cả thiên táng“.
“Em nhớ tốt thật. Anh đã không nhớ rõ nữa rồi“. Trầm Hoà thành thực, rồi hào hứng hỏi tiếp: “Còn gì nữa không?“.
“Anh còn nói là sẽ đem em đi du lịch nữa, chờ khi nào em lớn lên“. Quỳnh nói. Thời gian bỗng như quay trở về tám năm trước.
“A? Thật à? Anh còn nói thế à?” Trầm Hoà cười khanh khách.
“Đúng thế. Rõ như trước mắt“. Quỳnh khẽ thở dài.
Quỳnh và Trầm Hoà chậm chạp nói chuyện như năm nào anh trò chuyện với Dật Hán được hơn một tiếng đồng hồ. Quỳnh thấy không khí trầm lặng nhưng ăn ý giữa Trầm Hoà và Dật Hán khi xưa. Bởi giữa họ có Tùng Vy. Nếu nhắc đến đề tài Tùng Vy, Dật Hán sẽ tự nhiên kể lại câu chuyện trước đây của hai người. Nhưng ông luôn có ý cưỡngg lại điều đó. Trầm Hoà rất hiểu và tôn trọng ông, bèn không hề nhắc tới. Hai người vì vậy không biết nói gì. Nếu quen nhau vì một lý do khác, chắc là họ sẽ nói với nhau về tất cả mọi chuyện.
Giờ đây, là Quỳnh không muốn tự tiện nhắc chuyện Tùng Vy. Người tò mò về tình hình gần đây của Tùng Vy không chỉ một mình cô. Nhưng nếu Trầm Hoà nói tới thì đã sớm nói rồi, không nên làm khó cho anh.
Khi Quỳnh đứng dậy ra về, Trầm Hoà nói với cô, anh sẽ giúp cô nói chuyện với nhà sách kia để giải quyết vấn đề. Nói rồi, anh lại thở dài ngao ngán: “Hôm qua anh vẫn còn hài lòng vì mình vừa xuất bản được cuốn sách ưng ý nữa đấy, giờ đây anh lại thấy rất hổ thẹn, chẳng biết còn giúp đỡ em được gì không. Em viết cuốn sách này vất vả lắm phải không...“.
Nghe anh hỏi thăm, mắt Quỳnh lại đỏ hoe. Cô phẩy tay, ra ý anh đừng nhắc đến nữa. Nếu không xảy ra những chuyện vừa rồi, sách của em xuất bản ở chỗ nhà sách kia chắc gì anh đã thấy. Nếu vậy mình đã không gặp mặt. Có thể sự gặp lại đối với anh không có gì đáng nói, nhưng với em là cả một chuyện lớn. Những năm qua em đi tới đâu mất mát tới đó, giờ đây người thân và bạn bè mất mát gần hết cả rồi. Quỳnh mỉm cười, kết thúc câu chuyện, đi ra khỏi cửa.
Mặc dù Quỳnh vào ngay thang máy, nhưng Trầm Hoà vẫn đứng trước cửa nhà một lúc nữa mới như chợt tỉnh giấc mộng, quay lưng vào trong nhà.
Trầm Hoà ngồi trở lại ghế sôpha hút thuốc. Căn nhà này còn mới, mùi vị trang hoàng nội thất còn chưa hết. Lúc nãy Quỳnh ở đây anh còn chưa nhận ra, nhưng bây giờ ngồi một mình, bỗng thấy lạnh ngắt. Sự việc luôn vòng vèo rắc rối, không hề nhạt nhẽo như tiểu thuyết. Quỳnh khiến anh lại nhớ tới Lục Dật Hán. Đối với con người chỉ gặp vài lần, vài lần nói qua điện thoại và nói với nhau chẳng mấy câu, có lẽ hoài niệm là một từ quá nặng. Nhưng khi nghĩ tới ông, Trầm Hoà vãn thấy có gì đó không thoải mái. Trong mắt anh, Dật Hán thật đáng quý, cử chỉ mực thước, nhìn nhận vấn đề sâu sắc, nhưng không được ông trời thương, rõ ràng là một sự đáng tiếc. Trầm Hoà lại nghĩ tới mình. Công bằng mà nói, việc của Quỳnh không hề có trách nhiệm của anh, nếu anh mặc kệ cũng là điều bình thường. Nhưng giờ đây anh rất muốn đền bù cho cô chút gì đó. Không phải hoàn cảnh của Quỳnh khiến anh thương hại, cũng không phải cảm thấy thiếu nợ cô ở đâu đó, mà là một cảm giác về một sứ mạng. Nó khiến anh muốn giúp đỡ cô. Nhưng điều khiến Trầm Hoà thấy tiếc là, sứ mạng đó không bắt đầu từ đạo đức nghề nghiệp của một người biên tập, nó đến từ cuộc sống. Anh quyết định đi cùng cô một đoạn đường, nhưng anh lập tức nhắc nhở mình: chỉ là đi một đoạn.