Lương Cửu Công thấy ánh trăng đã nghiêng nghiêng bên góc hiên thành lầu, trong lòng âm thầm sốt ruột. Một điểm sáng nhỏ từ xa dần tiến lại, hắn vội vàng dẫn người qua đón.
Sắc mặt Hoàng đế bình thản, Lâm Lang đứng ở một bên, một tay cầm đèn, một tay tháo chiếc áo choàng vàng thêu hoa văn rồng của Hoàng đế. Lương Cửu Công vội tiến tới nhận lấy chiếc áo, hắn nói: “Đêm khuya gió lạnh, Vạn Tuế Gia sao lại cở chiếc áo choàng này ra?”, lại giúp Hoàng đế khoác lên vai, thắt dải lụa. Thị vệ túc trực của Thần Vũ môn đã thay ca trực, lúc này thị vệ thống lĩnh của ca này tiến lên một bước, khấu đầu: “Thị vệ Nạp Lan Tính Đức thỉnh an thánh thượng.”
Hoàng đế thấy hắn liền cười nhẹ: “Khó khăn lắm Trẫm mới ra ngoài một hồi thì gặp ngay ngươi. Việc hôm nay không được nói cho người ngoài biết, rơi vào tai đám quan lại kia thì Trẫm lại đau đầu.”
Nạp Lan đáp “vâng” một tiếng rồi lại dập đầu: “Đêm tối gió lạnh, xin Hoàng thượng khởi giá hồi cung.”
Hoàng đế đáp: “Ngươi không giục Trẫm thì Trẫm cũng muốn về rồi.” nói xong chợt hỏi: “Trán ngươi làm sao thế?”
“Bẩm Hoàng thượng, mấy hôm trước nô tài đi săn, không cẩn thận bị người ta làm bị thương.” Nạp Lan trả lời.
Hoàng đế cười cười: “Kĩ thuật cưỡi ngựa bắn cung của ngươi vượt trội như vậy, ai có thể khiến ngươi bị thương? Trẫm càng muốn biết là ai.” Nạp Lan thấy Hoàng đế tâm tình vui vẻ, biết rõ là câu hỏi này có ý trêu trọc hắn, hắn không biết trả lời thế nào, chỉ đành khấu đầu.
Hoàng đế cười ha ha rồi bảo: “Tấu tạ tội của phụ thân ngươi Trẫm đã đọc rồi, mọi thứ Trẫm đều sắp xếp thay ngươi, ngươi tạ ơn Trẫm cho tốt là được.”
Nạp Lan cảm thấy cổ họng hắn như đang nghẹn một vật gì đó rất rắn chắc, từ lúc sinh ra đến nay, chưa bao giờ hắn thấy vô cùng đau đớn giống đêm nay. Một câu nói nghẹn trong cổ họng, không cách nào nói ra được.
Cơn gió lạnh chợt thổi qua, giữa nơi eo hẹp của lầu thành này, Nạp Lan đang quỳ gần Hoàng đế nhất, hắn ngửi thấy y phục của Hoàng đế mơ hồ có ám một mùi hương. Mùi hương tuy rất mỏng manh, nhưng đối với hắn lại quen thuộc đến vậy, mùi hương hắn nhớ mong từ lâu. Trong lòng hết sức kinh ngạc, hoài nghi, dâng lên một nỗi sợ hãi mờ mịt. Theo bản năng hắn liếc mắt ra xa hơn, chỉ thấy một màu xanh của y phục mà bọn thái giám cận vệ tuỳ tùng theo Hoàng đế mặc trên người, xa hơn nữa là các cung nữ với trang phục màu xanh nhạt. Mùi hương cứ lượn lờ vấn vít, cứ mông lung như trong cõi mơ. Trên mặt hắn lộ rõ sự hoảng hốt, không biết mùi hương từ người nào, không biết đêm nay là ngày bao nhiêu, trong tim có muôn vạn dạng niềm đau..
Hoàng đế cười nói: “Đứng lên đi, Trẫm phải đi đây.”
Nạp Lan dập mạnh đầu, vết thương trên trán đụng vào nền đá xanh cứng khiến nó lại rách miệng ra, đau đớn đến tận tim, đến tiếng nói của hắn dường như cũng chẳng còn là của hắn nữa rồi: “Tạ long ân Hoàng thượng.”
Hắn đi xuống lầu thành tiễn Hoàng đế lên kiệu, cuối cùng giả vờ như vô ý nhìn liếc qua các cung nữ một cái, liền thấy Lâm Lang cũng ở trong nhóm người, chỉ hận cách cả đám người, không thể nhìn rõ nàng được.
Hắn không dám nhìn nhiều, đứng yên lặng cúi thấp đầu. Lương Cửu Công nhẹ vỗ tay một cái, thái giám nâng kiệu vững vàng chuyển hướng. Thái giám Kính Sự Phòng hô to: “Vạn Tuế Gia khởi giá!“. Trong đêm khuya tĩnh lặng, giọng nói trong trẻo lanh lảnh đó đã kinh động tới con chim sống trên nóc của cung điện, nó vỗ cánh bay qua tường thành, hướng về phía trời cao bên ngoài cấm thành mà bay đi.
Đến đúng giờ mão Nạp Lan mới bàn giao công việc về phủ. Vừa đi đến đầu phố đã thấy có mấy chiếc kiệu màu xanh lục đang dựng ở trước cổng lớn. Hắn liền đi về hướng tây, nơi có cổng phụ. Gã sai vặt đứng ở cổng phụ phía tây vui mừng chạy đến ôm lấy chân hắn nói: “Thiếu gia đã về rồi? Lão thái thái vừa phái người đến hỏi, bảo là vào giờ này mỗi ngày thì thiếu gia đã về, sao hôm nay mãi vẫn chưa về đến phủ?”
Nạp Lan xoay người xuống ngựa, thuận tiện ném chiếc roi trong tay cho gã sai vặt rồi tự mình dắt ngựa đi. Hắn quay đầu nhìn mấy chiếc kiệu, hỏi: “Hôm nay lão gia không lên triều?”
Gã sai vặt đáp: “Không phải là tới bái kiến lão gia, mà là khách của phía bên Tam lão gia.” Nạp Lan đi vào cổng bên trong, tới Thượng Phòng thỉnh an tổ mẫu, lại quay về đi gặp mẫu thân hắn. Nạp Lan phu nhân đang ngồi tán gẫu cùng các chị em, thấy nhi tử tiến vào, vui mừng khôn xiết: “Sao hôm nay về muộn thế?”
Đầu tiên hắn thỉnh an rồi mới đáp: “Trên đường gặp bằng hữu, mọi người cùng nói dăm ba câu nên nhi tử mới nán lại một lúc.”
Nạp Lan phu nhân thấy hắn có vẻ uể oải mệt nhọc nên nói: “Thức cả đêm, chẳng dễ dàng gì mới về phủ, con đi xuống nghỉ ngơi đi.”
Lúc này hắn mới quay về phòng, theo hành lang đi tới cổng tròn, chợt nghe một trận ồn ào huyên náo. Hoá ra là vài vị huynh đệ cùng gia tộc ở Tam phòng, đang bắn bia trong vườn. Thấy hắn cùng gã sai vặt đi tới, một vị đường huynh (anh con bác) ngoảnh đầu cười nói: “Đông Lang, hôm qua ở Vương phủ nghe nói Hoàng thượng có chỉ tứ hôn cho đệ? Ha ha, loại chuyện đại hỷ như thế này cũng khó gặp trong triều. Đông Lang à, đệ đúng là có phúc lớn.”
Nạp Lan không nói gì, thuận tay nhận lấy mũi tên trong tay vị đường huynh kia, đặt lên cung tên rồi kéo, vèo vèo vèo, bắn liền ba phát, cái nào cái nấy đều trúng ngay hồng tâm của bia. Mấy vị huynh đệ trong gia tộc không ai bảo ai cùng hô một tiếng “Hay!”, Nạp Lan nói đều đều: “Mời các vị ca ca từ từ chơi tiếp, đệ xin lui trước.”
Vị đường huynh kia lại thấy hắn đi ra khỏi cổng tròn, giờ mới vung bím tóc đuôi sam một cái, cầm chiếc cung rồi buồn bực nói: “Đông Lang làm sao thế nhỉ? Cứ như người ta nợ hắn một vạn lượng bạc vậy, cả mặt đầy bất mãn.”
Một vị khác cười bảo: “Đệ ấy còn bất mãn cái gì nữa! Trên thế gian này có thứ gì mà đệ ấy không có? Lão gia cũng không cần phải nói, đến nay đệ đệ được thánh thượng coi trọng, trong hai năm tới sớm muộn gì cũng sẽ làm quan lớn ở biên cương. Giả như ở làm quan ở kinh thành thì, nhìn cái cách hàng ngày Hoàng thượng đối xử với đệ ấy, trong vài năm tới nhất định sẽ đổi mũ (ý chỉ thăng quan) thôi. Nếu nói là bất mãn, không vừa ý, chắc chỉ có một chuyện... Đại thiếu nãi nãi (em dâu đã khuất) mất sớm khiến đệ ấy đau lòng mấy năm nay.”
Nạp Lan lững thững đi đến thư phòng. Lúc này là đầu hạ, cây lựu trong đình nở hoa từng chùm từng chùm bừng bừng như lửa.
Một trận gió thổi qua, thổi vào những khóm hoa của cây lựu kia, đỏ rực như lửa cháy. Vì cửa sổ đang mở, mấy cánh hoa của bông hoa đỏ thẫm như máu bay loạn, rơi xuống trên quyển sách. Hắn phủi nhẹ cánh hoa đi, mở quyển “Tiểu sơn từ” ra, không ngờ lại lật đến trang nọ, trên đó mép trang có viết hai chữ nhỏ kiểu Trâm Hoa Tiểu Giai* vô cùng đẹp đẽ: “Cẩm Sắt**”, trong lòng chợt đau, ngẩng đầu nhìn ra ngoài đình, chỉ thấy lấp lánh lập loè. Trước mắt đều là trăm hoa khoe sắc đỏ sẫm, như lụa đỏ ráng chiều, nóng bỏng đến mức mắt cũng xót xa tê dại.Hoa lựu nở vô cùng đẹp mắt, nổi bật trên nền lá xanh rờn. Dưới nền hành lang rơi đầy hoa lá của cây lựu, từ xa nhìn tới, dưới ánh mặt trời, hoa đỏ đến mức như muốn bốc cháy. Người hầu làm mấy việc chân tay - Tô Lạp cầm cái giẻ tới lau chậu cảnh trồng cây hoa lựu. Hoạ Châu thấy Lâm Lang đứng trước hành lang, ánh mắt cứ nhìn chăm chú vào Tô Lạp, trên mặt có tia hoảng hốt ngơ ngẩn, nàng đi đến vỗ một cái: “Muội đứng ngẩn ở đây làm gì?”
Lâm Lang giật cả mình, nhè nhẹ vỗ ngực: “Hoạ Châu, tỷ làm muội sợ hết hồn.” Hoạ Châu cười hì hì: “Nhìn dáng vẻ muội cứ như đang lo lắng ưu sầu vậy, có tâm sự gì có thể nói cho tỷ nghe được không?”
“Muội làm gì có tâm sự, chỉ là nghỉ đến việc hầu hạ mà thôi.”
Hoạ Châu ngước nhìn mặt trời, nói: “Ừ, lúc này chắc Vạn Tuế Gia đã bãi triều hồi cung rồi.” Lâm Lang đỏ mặt: “Tỷ trêu muội thì thôi đi, sao lại không biết trên dưới mà kéo cả chủ nhân vào?” Hoạ Châu nhăn mũi: “Được rồi, cứ coi như tỷ buột miệng, được chưa?”
“Cái miệng này của tỷ thế nào cũng có một ngày gây nên đại hoạ, nếu để Am Đạt nghe thấy thì...”
Hoạ Châu càng cười to hơn: “Lương Am Đạt khách khí với muội như vậy, tỷ tỷ đây cũng được thơm lây.”
Lâm Lang đáp: “Lương Am Đạt đối với ai cũng khách khí, cũng không phải là chỉ với duy nhất một mình muội.” Hoạ Châu không nhịn được mà cười hì hì: “Xem muội quýnh chưa kìa, mặt đỏ ửng đến mức sắp đỏ ngang hoa lựu rồi!”
“Hôm nay tỷ làm sao vậy, chẳng nói được câu nào nghiêm túc cả!”
“Ai bảo tỷ làm sao chứ, có mà muội làm sao mới đúng. Tối hôm qua cứ nghe muội lăn qua lộn lại trên tràng kỉ suốt, giờ lại đứng ngẩn người ở đây một hồi lâu. Tỷ không hiểu, loại hoa này đẹp đẽ gì đâu, chẳng tới mức quốc sắc thiên hương (sắc nước hương trời), khiến muội thơ thẩn ngắm nghía cả ngày trời.”
Lâm Lang đang muốn nói thì nghe thấy hai tiếng vỗ tay nho nhỏ, báo hiệu Hoàng đế hồi cung, là ám hiệu của thái giám đứng bên ngoài cửa thuỳ hoa. Lâm Lang vội quay người chạy về hướng phòng ngự trà, Hoạ Châu nói: “Muội vội gì hả? Đợi ngự giá tới nơi cũng còn cả nén hương nữa cơ mà.”
“Chẳng phải muội đã nói với tỷ rồi sao, muội không có gan lớn như tỷ, lần nào cũng đợi nước đến chân mới nhảy.”
Quả nhiên Hoàng đế hồi cung là thời gian một nén hương sau đó. Hoàng đế thay y phục, Hoạ Châu thấy không có Lương Cửu Công hầu hạ, một thái giám của Tứ Chấp Khố giúp cởi y phục xong liền lui xuống, lúc này chỉ có mình nàng đang chỉnh lại quần áo cho Hoàng đế, vì vậy mới nói nhỏ: “Vạn Tuế Gia.”
Ngừng một chút rồi nói tiếp: “Lần trước Vạn Tuế Gia hỏi nô tì về chiếc khăn đó, nô tì đã bảo người Tứ Chấp Khố tìm ra rồi.” Lại trình lên chiếc khăn rút ra từ ống tay áo, Hoàng đế nhận lấy, chính là chiếc khăn lụa trắng kia, trên đó có thêu hoa văn tứ hợp như ý màu vàng nhạt, không nén nổi nụ cười: “Đúng là nó, hoá ra là Tứ Chấp Khố cất giữ.”
Hoạ Châu đáp: “Tiểu Phùng ở Tứ Chấp Khố nói, chiếc khăn này vốn là ở trong ống tay áo một bộ y phục của Vạn Tuế Gia, vì hoàn toàn không phải là vật dụng của người, mà cũng không dám ném đi, cho nên mới giữ lại để sang một bên.”
Hoàng đế chỉ gật gật đầu, tiểu thái giám bên ngoài vén mành lên, là Lâm Lang bưng khay trà tiến vào. Hoạ Châu đỏ mặt đứng lui sang một bên, Lâm Lang cũng không để ý nên không thấy.
Thời tiết càng ngày càng nóng. Triệu Xương từ Từ Ninh cung trở về, dừng lại dưới mái hiên, lấy mũ xuống lau qua mồ hôi trên trán, rồi lại đội mũ ngay ngắn lên, chỉnh trang y phục rồi đi vào trong điện. Vừa vặn gặp Lương Cửu Công đi ra từ Đông Noãn Các (buồng sưởi hướng đông), nhìn thấy hắn liền nháy mắt ra hiệu. Triệu Xương đành theo ra ngoài, nhẹ nhàng hỏi: “Sớm như vậy mà Vạn Tuế Gia đã ngủ trưa rồi?”
Lương Cửu Công cười cười: “Không phải Vạn Tuế Gia ngủ trưa, mà là đang xem tấu sớ.” Lại càng khiến Triệu Xương khó hiểu hơn, hắn nói: “Vậy nô tài đi vào bẩm vài câu với Vạn Tuế Gia.”
Lương Cửu Công vội nói thêm: “Sao ngươi cứ như không có mắt vậy? Bây giờ chỉ có Lâm Lang hầu hạ trong đó thôi.”
Lúc này Triệu Xương mới vỗ vỗ vào trán mình, nhỏ giọng tự trách: “Nô tài đúng là đầu heo... Lão huynh, đa tạ nhắc nhở, nếu không thì nô tài cứ ngu ngốc xông vào, thể nào cũng khiến Vạn Tuế Gia chán ghét.” Hắn vừa nói vừa nhìn ra bên ngoài điện. Bầu trời xanh lam thăm thẳm, trong suốt như pha lê. Có tiếng ve từ nơi xa xăm vọng về. Ánh mắt trời buổi trưa chiếu xuống nắng gắt.
Mành trúc rủ xuống trước cửa Đông Noãn Các. Từng dây trúc trơn nhẵn, bọc ngoài khéo léo bởi tơ lụa màu vàng, đang nhẹ nhàng ma sát vào nhau, thắt lại bởi như ý đồng tâm kết*. Như ý đồng tâm kết của chiếc mành đó làm từ hàng ngàn sợi tơ tằm. Tia nắng mặt trời soi nghiêng vào, chiếc mành ngả bóng trên nền đá vàng, im ắng tịch mịch.
* Như ý đồng tâm kết: Kiểu thắt nút của Trung Quốc, rất hay gặp, ảnh tại đây
Trên ngự án vốn đặt một bát dưa ướp đá lạnh ngọt lịm, đá đang dần dần tan ra trong chiếc bát màu xanh như lá sen, thế rồi đọng lại những hạt nước li ti bên ngoài chiếc bát.
Trên chóp mũi của Lâm Lang cũng đã có vài giọt mồ hôi, nàng nín thở, không dám thở mạnh. Chỉ thấy hơi thở ấm áp của Hoàng đế đang phả trên tóc mai nàng khiến nó hơi rối, chạm vào má nàng, cảm giác ngưa ngứa, rộn rạo thẳng vào tim.
Tiếng Hoàng đế cực nhỏ, nhưng vì nó kề sát bên tai nên ngược lại lại làm người ta giật mình: “Đừng run, nguyên tắc đầu tiên khi viết chữ là lực cổ tay phải đều, vững vàng. Chỉ cần nàng run là chữ sẽ lộn xộn ngay.”
Đầu bút chậm chậm hất lên một nét mác. Trên cổ tay hắn là tay áo màu vàng thêu hoa văn rồng, tay áo lại rũ xuống cổ tay nàng, khiến nàng chẳng còn hơi sức nào mà cầm bút. Mực đỏ chu sa nghiêng nghiêng đẹp đẽ như ráng chiều, mặt nàng cũng đỏ bừng diễm lệ y như vậy. Chỉ đành tuỳ ý để hắn nắm tay nàng, quệt quệt bút lông vào nghiên mực, lần này lại viết một nét chấm đầu tiên, rồi một nét ngang, gạch sổ, lại sổ...
Nàng nhẹ nhàng cắn cắn môi, nói nhỏ: “Nô tì khi quân phạm thượng...”
Hoàng đế bật cười: “Đúng thật là nàng đã khi quân phạm thượng... Trẫm vừa bảo hiện tại không được phép tự xưng là nô tì.”
Lâm Lang lại đỏ mặt: “Hai chữ này... Lâm Lang biết viết.”
Hoàng đế “ồ” một tiếng, sau đó quả nhiên thả lỏng tay nàng ra. Lâm Lang vững tay viết thêm một nét sổ, rồi viết tiếp chữ còn lại...
Vì kiêng kị nên ở mỗi chữ đều viết thiếu một nét cuối cùng (ở đây nàng viết tên huý của vua là Huyền Diệp), nhưng mỗi chữ lại vẫn thanh tú, vừa nhìn đã biết có luyện qua nhiều năm. Hoàng đế không ngờ đến, bất giác nở nụ cười: “Đúng là đã khi quân phạm thượng, để xem Trẫm phạt nàng thế nào... Phạt nàng viết một trang.”
Lâm Lang chỉ đành đáp “vâng”, thế nhưng lại đặt bút trong tay xuống. Hoàng đế nói: “Chỉ có hai người chúng ta thì không cần để ý mấy quy củ đó.” Lâm Lang lại đỏ mặt, cuối cùng vẫn chọn một chiếc bút khác, chấm vào nghiên mực. Tuy nàng không dùng mực đỏ như chu sa nữa nhưng trên ngự án đều là ngự bút, nàng cúi đầu nói nhỏ: “Lâm Lang phạm thượng.”
Nàng trầm ngâm suy nghĩ rồi thong dong hạ bút. Sau một lúc khua tay múa bút, nàng dâng trang giấy bằng hai tay lên cho Hoàng đế.
Là những chữ vô cùng thanh lệ kiểu Trâm Hoa Tiểu Giai:
“Trú lậu hi văn tử mạch trường, phi phi tế vũ quá nam trang.
Vân phi ngự uyển thu hoa thấp, phong đáo hồng môn dã thảo hương.
Ngọc liễn diêu lâm bình điện khoát, vũ kì cận bàng viễn lâm dương.
Sơ tình thiểu khoảnh bố vi liệp, hảo sấn thanh lương dược túc sương.”
Chính là bài thơ của hắn viết lúc đi săn ở Hạnh Nam Uyển. Nét nào nét nấy đẹp đẽ vô cùng, nhìn vào có thể thấy được công sức cả chục năm, ắt hẳn đã từng ở danh gia khuê các. Thanh tú như “Cổ danh cơ thiếp” của Vệ phu nhân, “Mai hoa phú” của Triệu phu nhân*... Nét bút mượt mà quyến rũ, khiến người ta ngạc nhiên. Hắn cầm bút lên, viết một hàng chữ nhỏ xíu vào mặt sau: “Đêm qua sao sáng lấp lánh, gió lạnh khẽ thổi. Đông có Hoạ Lầu, tây có Giai Đường**.”
*Vệ phu nhân và Triệu phu nhân đều rất nổi tiếng với nét chữ Trâm Hoa Tiểu Giai, còn có lời đồn là Vệ phu nhân là người sáng tạo ra kiểu chữ này.
**Hoạ Lầu, Giai Đường đều chỉ sự đẹp đẽ tráng lệ, thường tả nhà cửa, thành lầu
Chỉ một câu này đã đủ, mặt Lâm Lang đỏ bừng như thiêu như đốt, ánh mắt dao động không yên, trông như hoa dưới ánh trăng, thuận theo gió mà lay động. Viền tai cũng đỏ ửng, hiện tại trắng trong như con dấu cứng ngắc trên ngự án, cơ hồ như có thể nhìn xuyên qua được, nổi rõ từng tơ máu nho nhỏ trên đó. Dưới cổ có vài giọt mồ hôi trong suốt, càng làm dấy lên hương thơm sâu kín từ xiêm y toả ra. Hắn không nhịn được mà hôn vào vành tai đỏ bừng đó của nàng.
Cả người nàng chợt mềm nhũn, lại bị hắn nắm chặt tay chẳng thể nhúc nhích. Hắn cảm thấy nàng đang run nhè nhẹ, trong mắt chỉ có sợ hãi và sợ hãi, khiến người ta muốn yêu thương vô cùng. Hắn gọi nhỏ: “Lâm Lang.”
Tim nàng đập vừa mạnh vừa nhanh, tay Hoàng đế đang nắm lấy tay nàng, càng ngày càng nóng. Một giọt nước từ hơi lạnh ngưng tụ bên ngoài chiếc bát dưa ướp lạnh kia đang chảy xuống thuận theo viền bát. Nàng thấy bốn bề đều yên tĩnh hẳn, hương Long Tiên trên y phục hắn nồng đậm khiến nàng khó thở. Nàng khẽ xoay mặt, đứng vững lên rồi nói nhỏ: “Vạn Tuế Gia, đá tan rồi, nô tì đi đổi bát khác.”
Hoàng đế không buông tay, chỉ đáp: “Mấy ngày nay vì sao nàng tránh Trẫm?”
Lâm Lang đỏ mặt: “Nô tì không dám, nô tì hoàn toàn không tránh Vạn Tuế Gia.”
“Câu này của nàng không phải là nói thật. Hôm nay nếu như không phải do Lương Cửu Công thì nàng nhất định sẽ không ở lại một mình. Hắn nháy mắt ra hiệu với nàng, đừng tưởng Trẫm không nhìn thấy.”
Lâm Lang không thể quay mặt lại, nàng run sợ nhìn chằm chằm vào viên đá trong chiếc bát màu xanh lá sen kia, viên đá đang tan dần thành những miếng mỏng, sắp sửa trôi nổi. Dưa ngọt có màu xanh biếc hơi vàng, được thái lát rất mỏng, dường như toả ra hương thơm ngọt ngào như mật, quện với hơi lạnh vấn vít trong chiếc bát. Nàng nói: “Thân phận nô tì thấp hèn, không xứng Vạn Tuế Gia quan tâm.”
Vốn dĩ trong điện đã rất yên tĩnh, loáng thoáng mơ hồ nghe thấy tiếng ve vọng từ ngoài vào. Mành cửa sổ của noãn các vừa được thay mới mấy hôm trước, là hàng dệt từ cánh ve tiến cống từ Giang Ninh, mỏng manh như khói.
Nàng nhớ đến căn phòng hồi nhỏ, nhớ đến vải xanh da trời mỏng tang nơi đó. Bóng cành trúc chiếu qua, chiếu lên chiếc bàn, đặt trên nó là cái lò lớn đang cháy hương, khói hương cũng xuyên qua chiếc mành xanh ra ngoài. Gió thổi vào cành trúc xào xạc, nghe như tiếng mưa. Gió lạnh từ hướng bắc qua cửa sổ, thổi tới mấy trang giấy đang đặt trên bàn khiến nó phát ra tiếng xoạt xoạt nho nhỏ.
Trên ngự án, trang giấy trắng mịn Tuyên Thành của tấu sớ cũng đang phát ra tiếng động nho nhỏ bởi gió. Tay Hoàng đế lạnh dần, từ từ buông lỏng, chậm rãi thả ra. Đầu ngón tay dường như mất đi hơi nóng, như chạm vào chiếc bát lạnh kia, lạnh lẽo, băng giá, lướt nhẹ qua tay nàng.
Nàng lùi về phía sau một bước, giọng Hoàng đế vẫn bình thản như thường lệ: “Ngươi lui xuống đổi bát khác đi.”
Nàng đáp “vâng” một tiếng. Lúc dâng bát dưa ngọt khác lên thì Hoàng đế đã đi ngủ trưa rồi. Vừa vặn gặp Lương Cửu Công đi ra từ noãn các, thấy hắn ra hiệu, nàng liền lui xuống. Loáng thoáng nghe được Lương Cửu Công dặn dò Triệu Xương: “Ngươi lắng tai nghe Vạn Tuế Gia, ta đi gọi Thượng Ngu Bị Dụng Sở*, Vạn Tuế Gia nghe tiếng ve, đang buồn bực cả người.”
*Thượng Ngu Bị Dụng Sở: còn có tên khác là Niêm Can Sở, bảo vệ và theo hầu Hoàng đế câu cá
Triệu Xương không nhịn được cười hỏi: “Lương Am Đạt có cách trị cả ve sầu?”
“Đừng nói lung tung!” Lương Cửu Công nói nhỏ. Hai ngón tay hắn gập lại, chính là ám hiệu hay được dùng. Triệu Xương hiểu ngay là Hoàng đế không vui liền lập tức câm như hến.
Lúc Lâm Lang giao đồ dùng lại cho phòng ngự trà xong quay về chỉ thấy một nhóm thị vệ Thượng Ngu Bị Dung Sở, cầm sào tre đi tuần tra kỹ càng vài vòng bốn phía xung quanh cung Càn Thanh. Mười con ve thì giết được sáu bảy con, số còn lại cũng bị xua đuổi đi xa lắc. Chung quanh dần yên tĩnh, ánh nắng mặt trời chói loà chiếu lên mặt đá nền trong điện. Đá vốn màu đen tuyền, nay được chiếu trong như gương, như ngọc thạch màu đen vậy, trên đó đang ánh lên vô số tia sáng trắng lấp lánh bởi vạt nắng gay gắt kia chiếu tới.