Margot bảo với bà chủ nhà rằng cô sẽ sớm chuyển đi. Mọi chuyện diễn ra thật hoàn hảo. Khi ở trong căn hộ của ông, cô đã nhận ra sự giàu có của kẻ si tình là đúng thực. Hơn nữa, xét qua bức ảnh trên bàn ngủ, vợ ông hoàn toàn không như cô đã mường tượng, kiểu một bà to béo oai vệ với nét mặt dữ tợn đằng đằng sát khí và bàn tay sắt; trái lại, bà ta xem chừng kín đáo, thuộc típ người dễ dàng bị loại khỏi vòng chiến mà không cần mấy công sức.
Và cô lại khá thích Albinus: ông là người hào hoa, ăn mặc chỉnh tề chải chuốt, thoáng mùi bột phấn rôm và thuốc lá sang. Dĩ nhiên, cô không thể hy vọng cô lại được sự ngây ngất của mối tình đầu. Và cô cũng không cho phép mình nghĩ về Miller, về gò má hõm màu trắng đục, về mái tóc đen bù xù và đôi bàn tay dài khéo léo của anh ta.
Albinus có thể vỗ về làm hạ cơn sốt của cô, như chiếc lá mã đề mát lịm làm dịu cơn đau khi đắp lên vết sưng. Ngoài ra, còn có điều gì hơn thế nữa. Ông không những khá giả mà còn thuộc tầng lớp dễ tiếp cận sân khấu và điện ảnh. Cô vẫn thường đứng sau cánh cửa phòng khóa trái mà tạo đủ các kiểu mặt tuyệt hảo cho khán giả là chiếc tủ gương, hay là biểu diễn giật lùi trước một nòng súng tưởng tượng. Và cô tự thấy dường như mình có điệu làm duyên và nụ cười khinh bạc không kém bất kỳ một minh tinh điện ảnh nào.
Sau khi khổ công tìm kiếm kỹ lưỡng, cô thuê được một căn hộ nhiều phòng khá đẹp trong một khu phố rất sang. Albinus bực bội vì chuyện cô ghé thăm lần trước đến độ cô thấy thương ông và không gây khó dễ mỗi khi ông nhét vào túi cô tập tiền dày cộm trong lúc dạo chơi buổi chiều nữa. Hơn nữa, cô còn để ông hôn trong chỗ khuất của hiên nhà. Ngọn lửa của nụ hôn này chảy quanh ông như vầng hào quang nhiều màu sắc đến tận khi ông về tới nhà. Ông không thể đặt nó xuống trong sảnh như đặt chiếc mũ nỉ đen, và khi đi vào phòng ngủ ông nghĩ bụng vợ mình chắc phải nhìn thấy vòng sáng đó.
Nhưng Elisabeth, một phụ nữ điềm tĩnh ở tuổi ba mươi lăm, không bao giờ nghi ngờ chồng có thể lừa dối mình. Bà biết ông có vài cuộc phiêu lưu tình ái trước khi họ cưới nhau, và chính bà vẫn nhớ mình khi bé từng thầm yêu một diễn viên lớn tuổi hay đến thăm cha bà và làm vui nhộn không khí bữa ăn sáng bằng trò bắt chước tuyệt hay các âm thanh trong sân trại. Bà từng nghe nói và cũng đọc được rằng các cặp vợ chồng không ngừng lừa dối nhau: thực vậy, ngoại tình là chủ đề trọng tâm của những lời ong tiếng ve, ngoại tình là chủ đề trọng tâm của những lời ong tiếng ve, của thơ ca, của những chuyện hài hước và của các vở opera nổi tiếng. Tuy vậy, bà vẫn giữ niềm tin đơn giản và kiên định rằng cuộc hôn nhân của ông bà là một sự kết nối rất đặc biệt, quý giá, sang trọng, không thể bị rạn vỡ.
Những buổi tối chồng bà vắng nhà, với lý do đi gặp các họa sĩ quan tâm đến ý tưởng điện ảnh của ông, cũng không hề làm bà mảy may nghi ngờ. Thái độ cáu kỉnh và bồn chồn của ông được bà quy cho thời tiết lạ lùng của tháng. Năm năm đó: vừa mới nóng đây thôi thì đã trút xuống những trận mưa giá buốt, kèm theo những hạt đá nảy trên bệ cửa sổ như những quả bóng tennis nhỏ xíu.
Một hôm bà lơ đãng hỏi: "Chúng mình đi du lịch ở đâu đó đi? Tyrol? Hay là Rome nhé?"
"Em thích thì cứ đi," Albinus đáp. "Anh còn một đống việc phải làm, em yêu à."
"Vâng, đó là em nghĩ vậy thôi," bà trả lời và sau đó đi chơi sở thú với Irma để xem chú voi sơ sinh. Hóa ra chú voi này gần như không có vòi mà có một dải lông ngắn dựng đứng dọc sống lưng.
Còn với Paul, tình thế lại khác. Chuyện cửa bị khóa để lại trong ông cảm giác bất an lạ lùng, Albinus chẳng những không báo cảnh sát mà còn bực mình khi ông nhắc đến chuyện ấy. Vì thế ông không thể không nghiền ngẫm về sự việc đó. Ông cố nhớ xem lúc bước vào tòa nhà rồi đi về phía thang máy thì có thể ông đã thấy nhân vật khả nghi nào đó chăng. Ông tự cho mình là người quan sát giỏi, chẳng hạn như ông nhớ lúc đi qua thì có con mèo nhảy lên, rồi nó trườn qua giữa mấy song sắt hàng rào quanh vườn, và một cô nữ sinh mặc váy đỏ được ông giữ cửa cho, tiếng cười và giọng hát từ chiếc đài vẫn bật như mọi khi trong phòng thường trực. Ừ, tên trộm chắc hẳn chạy xuống lúc ông đang ở trong thang máy. Nhưng điều gì làm ông cảm thấy bực bội thế này đây?
Hạnh phúc hôn nhân của chị mình rất thiêng liêng đối với ông. Một vài ngày sau, khi ông được nối điện thoại đến Albinus giữa lúc ông anh rể còn đang nói chuyện với người khác, ông nghe lỏm được vài từ (nghe trộm: lại vẫn là cái thủ thuật cổ điển của định mệnh) và suýt nuốt chửng que diêm đang dùng để xỉa răng.
"Đừng hỏi anh, cứ mua cái gì em thích."
"Nhưng anh không thấy sao, Albert..." một giọng nữ thô lậu đỏng đảnh nói.
Ông rùng mình dập điện thoại xuống như vừa sơ xuất tóm phải một con rắn.
Tối đó, lúc ngồi với chị gái và anh rể, ông không thể nghĩ ra điều gì để nói. Ông chỉ ngồi đó, lúng túng và nhấp nhổm, sốt ruột xoa cằm, vắt cặp chân mập mạp sang bên này rồi sang bên kia, nhìn đồng hồ của mình rồi lại nhét cái vật vô cảm không kim đó vào túi áo gi lê. Ông thuộc loại người nhạy cảm, đỏ mặt xấu hổ kể cả khi người khác làm điều luống cuống.
Cố thể nào người mà Paul yêu mến và kính trọng này lại đang lừa dối chị của ông? "Không, không thể, không đúng như thế, một sự hiểu nhầm ngu ngốc nào đó thôi," ông không ngừng tự nhủ thầm như vậy khi liếc sang Albinus đang đọc sách với vẻ mặt điềm tĩnh, thỉnh thoảng ho húng hắng và cẩn thận rọc những trang sách bằng con dao cắt giấy màu ngà... "Không thể như thế được! Cái cửa phòng bị khóa đã găm vào đầu mình ý nghĩ này. Những lời mình nghe thấy chắc chắn có cách giải thích nào đó đường đường chính chính. Ai lại có thể lừa dối Elisabeth được?"
Còn bà thì đang cuộn mình ở góc xô pha, thuật lại chậm rãi và tỉ mỉ nội dung vở kịch vừa xem. Đôi mắt nhạt màu của bà với những vết tàn nhang mờ phía dưới trông ngay thẳng như mắt của mẹ bà vậy, và cái mũi không đánh phấn bóng lên một cách tội nghiệp. Paul gật đầu mỉm cười. Nếu bà đang nói tiếng Nga đi chăng nữa thì có lẽ với ông cũng không khác. Rồi bỗng nhiên, chỉ trong một tích tắc, ông bắt được ánh mắt Albinus nhìn ông qua cuốn sách trên tay.