Hỷ Hỷ ngồi ưỡn ngực, hai chân duỗi thẳng, đôi tay vươn về phía trước nắm lấy gót chân.
Cô tò mò nhìn người đàn ông. Anh ta trạc 30 tuổi, mặc chiếc áo cộc tay màu trắng và chiếc quần thể thao rộng rãi, có một sải vai rộng và đôi mắt ánh lên vẻ sáng lạn.
“Bắt đầu từ ngày hôm nay, tôi sẽ tạm thời thay NiNa.” Anh ta giới thiệu với mọi người bằng một giọng thanh sảng, “Tôi tên là Trịnh Lỗ, Lỗ trong Lỗ Tấn, nhưng tất nhiên không già bằng ông ấy.
Trong lớp vang lên vài tiếng cười.
Cô phát hiện ra trên người anh ta toát lên một phong thái rất đặc biệt, bây giờ rõ ràng đã là buổi chiều muộn, nhưng trông anh ta như vừa dạo bộ từ một cánh rừng sớm mai, trở về mang theo ánh sáng của buổi bình minh. Có lẽ trên da anh ta còn vương lại mùi của lá cây và sương ướt.
Sau đó có một lần tan lớp, cô cuộn chiếc thảm và đứng dậy, Trịnh Lỗ đi qua hỏi:
“Có phải em đã từng học múa rồi không? Anh thấy người em rất dẻo.”
Cô ngẩng đầu lên nhìn anh ta, nhún vai trả lời:
“Em múa không được ổn cho lắm.”
Trịnh Lỗ hào hứng nói tiếp:
“Nhưng em tập Yoga rất tốt, có tài năng.”
Mặt cô ừng đỏ, bối rối đáp:
“Làm gì có? NiNa bảo khi tập Yoga phải rũ sạch hết tạp niệm trong đầu, nhưng em không làm được.”
Anh ta không nghĩ như vậy:
“Tại sao lại phải làm được?”
Cô kinh ngạc nhìn anh ta.
Mắt anh ta trong vắt như nước hồ.
“Em ngồi xuống đây.” Trịnh Lỗ bảo cô.
Cô đành trải thảm ra, ngồi xuống sàn nhà, khép hai chân lại, đôi tay vươn về phía trước theo thói quen, nắm lấy mười đầu ngón chân.
Trịnh Lỗ ngồi khoanh chân nhìn cô, nhíu mày nói:
“Em không cần nắm vào ngón chân như vậy, anh dám đảm bảo là chúng sẽ không chạy đi đâu mất đâu.”
Cô cười, rồi làm theo anh ta, buông lỏng tay, lòng bàn tay úp xuống hai bên đầu gối, ngón cái và ngón trỏ cuộn lại.
Anh ta cười cười:
“Anh cũng có rất nhiều tạp niệm. Nhưng nếu em thực sự muốn không suy nghĩ lung tung, vậy hãy làm theo anh...”
Anh ta nói xong, rồi chầm chậm mở miệng phát ra một âm tiết đơn điệu từ bên trong:
“Gâng...”
Anh ta dừng lại, giải thích:
“Đây là một từ Phạn âm...”
Nói xong, anh ta nhắm mắt, hít một hơi dài rồi tiếp tục:
“Gâng...”
Cô nhắm mắt đọc theo:
“Gâng...”
Rồi mở mắt ti hí nhìn trộm.
Mắt anh ta nhắm nghiền, mái tóc nhuộm màu nâu đậm mềm mại phủ trên đôi mày rậm nam tính.
Cô lại nhắm mắt, tiếp tục “gâng...”, tư tưởng như được giải phóng.
Cuối cùng anh ta cũng dừng lại, mở mắt hỏi:
“Tốt hơn nhiều rồi phải không? Em cảm thấy thế nào?”
Cô trả lời:
“Em thấy mình như một con muỗi.”
Anh ta mỉm cười:
“Là một con muỗi không có tạp niệm.”
Tối hôm đó, họ đi ăn cùng nhau. Cô ăn thịt, còn anh ta ăn chay.
Cô uống vodka vị đào, còn anh ta uống nước khoáng có ga.
Trịnh Lỗ từng đi làm ở phố Wall - New York, sau đó vứt bỏ tất cả sự nghiệp để tầm sư học đạo nhiều bậc thầy Yoga của Mỹ, sau khi trở về Đài Loan, anh mở câu lạc bộ Yoga này.
Anh ta vẫn độc thân, ở một mình, cung Xử Nữ và rất yêu thích thiên nhiên.
Trịnh Lỗ có một vài người bạn cùng chung chí hướng, trong đó có một anh chàng sau khi tốt nghiệp đại học thì lại bỏ về quê làm nông dân, một cô gái khác thì mở một cơ sở trị liệu bằng liệu pháp hương thơm.
Họ đều là những người yêu mến cuộc sống.
Những người này cô đều gặp ở nhà Trịnh Lỗ. Bà chủ của cơ sở trị liệu hương thơm kia hỏi cô đang sống ở đâu, cô trả lời:
“Khách sạn Con Thỏ.”
Nhà của Trịnh Lỗ ở vùng ngoại ô, đó là một căn phòng lớn với ba mặt cửa sổ kính kiểu Pháp lọt thỏm giữa lưng chừng núi .
Hỷ Hỷ gọi nơi đó là “căn phòng khủng khiếp”.
Trong phòng nuôi sáu con vẹt sặc sỡ, không nhốt trong lồng và béo múp như gà, chúng thường tản bộ tự do trong phòng khách. Những con vẹt này hễ thấy Trịnh Lỗ trở về là sẽ bay phành phạch lên người anh ta, hò hét làm nũng:
“Trịnh Lỗ! Trịnh Lỗ!”
Ngoài ra, trong phòng còn có một con thằn lằn vàng thích ngủ trên sô pha, và một con thằn lằn xanh thích cuộn tròn trên đầu tượng phật lớn ở phòng khách, tên của nó là Vô Hoa.
Chim chóc thường xuyên bay đến và trú chân trong khu vườn. Ban đêm, trong rừng thi thoảng còn vọng lại tiếng gu gu của cú mèo.
Một tối nọ, Hỷ Hỷ đứng trước khung cửa số kiểu Pháp trong phòng khách và ngắm nhìn khu rừng.
Sương đã buông trĩu và sắc đêm mịt mùng, gần đây dường như chẳng có nơi nào có thể ẩn náu.
Lâm Khắc đang trốn ở đâu.
Cô từng bước từng bước men theo khung cửa, ánh mắt lần tìm bóng dáng anh ta. Trong giây phút này, có lẽ chỉ anh ta nhìn thấy cô, còn cô thì không. Liệu anh ta có trốn đằng sau những chiếc cột cầu thang dưới mái hiên khu nhà?
Cô lấy chiếc kính viễn vọng mà Trịnh Lỗ dùng để ngắm gà soi ra bên ngoài.
Lúc này, Trịnh Lỗ bước đến bên cạnh cô và nói:
“Buổi tối không nhìn thấy gà đâu.”
Cô trả lời: “Em định nhìn cú mèo mà.”
“Cú mèo rất hiếm khi để con người nhìn thấy. Chúng đều trốn hết cả rồi.”
“Vậy em sẽ xem chúng trốn thế nào.”
Một trong sáu con vẹt vỗ cánh phành phạch bay về phía Trịnh Lỗ, anh giơ cánh tay đón lấy nó.
Hỷ Hỷ khẽ tránh sang một bước.
“Em không thích động vật à?” Trịnh Lỗ hỏi.
Cô bỏ kính viễn vọng ra, nói:
“Em thích mà! Từ trước đến nay em vẫn thích nuôi một chú mèo, mỗi tối em sẽ buộc dây và dắt nó đi dạo.”
Trịnh Lỗ bật cười ha hả.
“Chỉ có người dắt chó đi dạo, chứ làm gì có ai dắt mèo đi chứ?”
Cô bĩu môi:
“Vậy em sẽ tìm một con mèo thích được người dắt đi dạo...”
Đột nhiên Trịnh Lỗ cong hai vai lên, dùng tay ra dấu cho cô im lặng.
“Bên ngoài có người!” Anh khẽ nói.
Nói xong, anh thả con vẹt trên tay xuống, vớ một cây gậy rồi xông thẳng ra bên ngoài.
Cô quay người, mắt dõi ra ngoài căn phòng.
Đèn trong sân lần lượt bật sáng, tim cô đập thình thịch trong lồng ngực, tay với lấy chiếc kính viễn vọng.
Cô nhìn thấy một bóng người nhảy qua tường rào nhanh như cắt.
Chạy mau đi! Lâm Khắc.
Sau đó vài phút, Trịnh Lỗ đã quay trở lại.
“Ngoài đó có người à?” Cô hỏi, giọng hơi run.
“Có lẽ là lợn rừng!” Anh quẳng cây gậy trên tay xuống, đến bên ôm lấy cô, nhẹ nhàng vỗ về:
“Đừng sợ.”
Cô thở phào nhẹ nhõm.
Chín giờ tối, Trịnh Lỗ lái xe đưa cô về khách sạn.
10 giờ đêm anh về đến nhà, lên giường đi ngủ.
Còn Hỷ Hỷ, 12 giờ đêm vẫn đang ngồi trong quán bar uống vodka vị đào của cô. Và Lâm Khắc thì sớm đã ngồi bên quầy bar giải sudoku.
Đêm hôm đó, anh ta đã uống nửa chai brandy. Bộ dạng đắng chát kia cho thấy, thứ mà anh ta đã uống dường như là sự giày vò và cảm giác bất lực.