Tình Nhân

Chương 11: Chương 11




Lạc nhịp

Một ống dấn dài chừng 110 cm , có đường kính 0. 42 milimet bằng nhựa tổng hợp. Một điện cực dưới dạng một cái kim đường kính 4 milimet được gắn vào một đầu của ống dẫn. Mỗi điện cực được đánh dấu bằng một số ẩn. Điện cực của anh mang số 18085402350. Nói chung các bác sĩ không biết số này, nhưng các nhấn viên kế toán trong bệnh viện thì bắt buộc phải biết để còn vào sổ “khấu hao thiết bị”. Ống dẫn được khấu hao sau ba lần sử dụng. Bộ Y tế qui định có thể đưa điện cực vào ba quả tim và sau đó có thể “xóa sổ”. Nếu bệnh nhân bị chết trong quá trình làm thủ thuật thì điện cực cũng được gạch tên khỏi danh sách trước thời hạn ba phiên sử dụng. Muốn “xóa sổ” trước thời hạn phải có “giấy chứng tử của bệnh nhân”. Điện cực được đưa vào động mạch đùi bên háng phải.

Động mạch đùi bên háng phải của anh phồng lên. Vì đã hôn nhiều lần vào chỗ đó nên tôi biết. Bao giờ cũng thế, khi tôi chạm môi hay lưỡi vào chỗ đó thì anh đặt tay lên đầu tôi, run rẩy gọi tên tôi. Đôi khi rất nhẹ nhàng, đôi khi anh ấn mạnh lên những chỗ khác nhau trên đầu tôi. Nhưng chỉ bằng tay trái. Tay phải anh vuốt tóc tôi. Chưa bao giờ tôi hỏi anh đang chơi hay đang nghe bản nhạc nào trong trí tưởng tượng của mình khi làm thế. Tôi biết để không làm tôi bị tổn thương, nhất định anh sẽ chối. Tôi cũng biết đó sẽ là lời nói dối. Bao giờ tôi cũng thua âm nhạc của anh. Cả ở trên giường cũng thế.

Thậm chí anh cởi quần áo cho tôi cũng giống như thể lấy cây đàn violon của anh từ hộp đàn ra. Tay xoa xoa rất trang trọng. Chính xác như một người chơi violon vuốt ve cây đàn của mình, những ngón tay lướt trên mặt gỗ ngăm đen làm tung lên những hạt bụi hoàn toàn không thể nhìn thấy, mà chỉ riêng anh biết. Sau đó ngắm cây đàn. Có lẽ đó là cái nhìn đẹp nhất. Anh cũng nhìn tôi khỏa thân như vậy. Như nhìn cây đàn của mình trước một buổi hòa nhạc lớn quan trong nhất. Và mặc dù biết rằng buổi hòa nhạc ấy khiến tôi ngỡ ngàng, mê đắm và toại nguyện, tôi vẫn cảm thấy rằng thậm chí anh có phóng trong tôi thì vào cái khoảnh khắc ấy, anh nghe thấy không phải tiếng rên của tôi, không phải tiếng khóc của tôi mà là một đối âm chết tiệt nào đấy. Bởi với anh, giường cũng là phòng hòa nhạc.

Tôi nghe thấy tiếng thở của anh, tiếng phát ra từ chiếc ácsê lướt đều trên dây đàn. Giống như thể nó lọt vào hồn tôi và khẽ thổi vào chân tóc tôi. Từ đó tất cả đều là chung: hơi thở, thời gian, không khí, thể xác. Và hoàn toàn không nói đến những âm thanh chậm, trầm và rung. Đâu đó ngoài những âm thanh nhanh, chính xác và mạnh còn nghe thấy nỗi nhớ và niềm mê đắm. Đầu tiên là người chơi piano, thể hiện chủ đề. Ánh mắt của chúng tôi gặp nhau ở một nơi nào đó giữa khán phòng, truyền đạt cho nhau nhịp độ, sự biểu cảm và mầu sắc. Tất cả dàn nhạc cùng vang lên, một rừng ácsê đổi hướng trong một nhịp độ đều tuyệt đối, sự hưng phấn càng tăng khi tất cả các âm thanh hòa vào nhau, càng nhanh, càng mạnh và càng sống động. Cuối cùng chỉ còn anh, cây đàn violon và tôi nghẹt thở trong một sự hài hòa tuyệt vời. Chúng tôi sống qua một cái gì đó biết bao cần thiết, không thể quên được đối với nỗi khát nhau cạn khô đầy ắp đợi chờ. Chỉ có điều ở cuối con đường, tôi tan hòa làm một chỉ với anh, trong khi anh lại cùng với gạch nhịp cuối cùng.

Ống dẫn được đưa vào qua một lớp vỏ nhựa đàn hồi đặt tại chỗ chích vào động mạch đùi, từ từ đi đến tim. Đầu tiên đến buồng tim phải, sau đó đến tâm nhĩ phải. Từ đó nó phải xuyên sang tâm nhĩ trái. Trong tâm nhĩ trái nó được đưa đến gần cửa ra của động mạch phổi và đầu mút của nó được nung nóng đến nhiệt độ khoảng 6—70 độ Celsiusa bằng dòng điện âm tần. Nhiệt độ đạt được theo cách này đủ để làm nóng thành mạch phổi và làm vón – như họ gọi – mô mạch, tức là đơn giản tạo thành vết sẹo có chức năng kìm hãm sự rối loạn truyền dẫn điện gây nên rối loạn nhịp tim.

Những vết sẹo.

Vết sẹo của anh bị vỡ, khi tôi nhìn thấy anh lần đầu tiên. Cách đây hai năm.

Tôi ra khỏi ký túc xá vào khoảng bốn giờ sáng. Đúng lúc có một người nào đó từAmsterdam về và mang theo “rau xanh”. Hoặc là tôi đã uống quá nhiều rượu vang, hoặc là tôi đã hít quá mạnh, hoặc là cái gai dầu ấy đã ngấm một chất hóa học tổng hợp bền vững nào đấy. Tôi đã có một “chuyến đi” thảm khốc. Một không gian không giới hạn, câm lặng và tối đen bị cắt ngang bởi một dòng sữa nóng đang bốc hơi chảy vào miệng tôi.

Nó làm bỏng môi và vòm miệng tôi, chạy qua tôi và dừng lại trong cổ họng, đến ngực và nâng ngực tôi lên làm cái nịt vú bật ra, rồi nó trở lại và phun ra giữa đùi tôi. Nó không còn trắng nữa. Lẫn với máu, nó có màu hồng hồng. Khi không kịp nuốt sữa, tôi bắt đầu bị nghẹn và ngạt thở và chạy ra ngoài nguyên trạng như khi đứng trong phòng. Tôi cảm thấy đau nhói ở bụng dưới. Tôi có kinh. Tôi băng qua khu rừng quanh ký túc xá, vấp phải những đống tuyết đóng băng , ra phố. Khi tàu điện đến, đơn giản là tôi leo lên.

Anh ngồi trong chuyến tàu điện sớm của ngày chủ nhật, mắt nhắm lại. Má phải áp vào cửa kính bẩn và mờ vì sương giá, hơi thở ấm để lại một vệt không đều trên kính. Hai tay ôm hộp đàn. Giống như bế một đứa trẻ. Trên má phải anh có một vết sẹo to. Tàu điện chuyển bánh. Tôi đứng đối diện với anh và nhìn vào vết sẹo đó. Ảo giác kiểu ma túy vẫn chưa hết. Tôi thấy vết sẹo như là đang vỡ, mở ra như đôi môi hẹp tím ngắt không bình thường của ai đó và máu cứ đầy dần. Tôi rút chiếc khăn mùi xoa của túi quần, quỳ trước anh và dịt vào vết sẹo ấy để giữ cho máu ngừng chảy. Anh mở mắt. Chạm vào bàn tay đang ấn lên má anh của tôi. Phải mất một lúc, anh không rời tay tôi mà cứ xoa nhẹ lên những ngón tay.

- Xin lỗi…

- Tôi đã thiếp đi. Mời chị ngồi.

Anh đừng dậy nhường chỗ cho tôi. Trong toa tàu điện vắng vẻ.

Tàu điện chạy như điên. Ở khúc quành tiếp theo tôi bị ngã xuống sàn tàu - ẩm ướt. Tôi không thể đứng dậy được. Anh để ý thấy điều đó. Anh thận trọng lùi hộp đàn trên cái ghế cạnh chỗ tôi đang quỳ đoạn ôm ngang thắt lưng tôi và thận trọng đặt tôi lên ghế. Anh cởi cái áo khoác da của mình và khoác cho tôi.

- Chị đi đâu đấy? – Anh hỏi khẽ

- Tôi về nhà – tôi trả lời, cố át tiếng phanh rít lên của tàu điện.

- Anh có vệt sẹo trên má – tôi cười – nhưng không chảy máu nữa rồi…

Đến bến tiếp theo thì chúng tối xuống. Anh vẫy taxi. Anh đưa tôi lên tận cửa phòng trọ của tôi. Hôm sau tôi đi trả anh chiếc áo khoác. Mời tôi vào nhà là mẹ kế của anh. Anh không để ý thấy tôi khi tôi bước nhẹ vào phòng anh. Anh đứng bên cửa sổ, quay lưng ra phía cửa chỗ tôi đang đứng. Anh đang chơi violon. Như điên dại. Bằng toàn bộ bản thân mình. Tôi nhìn và không thể rời mắt khỏi tay phải đang điều khiển ácsê của anh. Giờ đây tôi không thể gọi tên cái mà tôi cảm thấy vào khoảnh khắc ấy. Mê hoặc ? Gần gũi? Riêng tư ? Âm nhạc? Chỉ biết là tôi đã dùng hết sức để áp cái áo khoác của anh vào người mình và nhìn cánh tay phải của anh.

Anh dừng chơi. Quay lại. Anh hoàn toàn không ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi trong phòng anh. Như thể anh đã biết là tôi đứng ở đó. Anh lại gần tôi, gần đến mức tôi nhìn rõ những giọt mồ hôi trên mặt anh. Anh như đang ở trong trạng thái bị thôi miên. Anh khóc.

- Chỉ có mẹ tôi là chạm vào vết sẹo của tôi giống như chị lúc ở trong tàu điện ấy – anh nhìn vào mắt tôi nói.

Hai tuần sau anh thôi không gọi tôi là “chị” nữa. Một tháng sau tôi không nhớ lại cuộc sống của mình “trước anh”. Sau nửa năm thì tôi như người bị lạc đi khi anh đi biểu diễn cùng dàn nhạc và tắt di động trong vòng mấy tiếng.

28 tháng Sáu, vào thứ bảy, lần đầu tiên anh cởi quần áo tôi. Và nhìn tôi. Tôi nhìn vào mắt anh. Như một công chúa trong gương. Khi đó tôi vẫn còn hoàn toàn dửng dưng với việc anh nhìn tôi đang bị năm dòng kẻ cắt ngang…

Đêm ấy tôi không đạt được đỉnh điểm. Nhưng dẫu thế tôi vẫn biết mình sẽ cảm thấy thế nào khi đạt được cùng anh. Tôi nhớ điều này giống như người ta nhớ về nỗi xấu hổ lớn đầu tiên của mình từ thời thơ ấu…

Vào nửa đêm ngày 30 tháng Tư, anh hổn hển đừng trước cửa phòng tôi. Bắt đầu ngày sinh của tôi. Anh thậm chí không hỏi liệu tôi có muốn đi với anh không. Taxi đang chờ bên dưới. Anh bảo lái xe dừng lại trước một nhà thờ nhỏ ở khu Mokotov. Anh mang theo violon. Chúng tôi đi theo hành lang vào một ngôi nhà thờ còn đang tối om. Tôi sợ khi anh để tôi một mình trên ghế trước bàn thờ. Anh thắp nến trên mặt bàn đá. Bản nhạc để dựa vào một chân để đựng nến. Anh lấy đàn và đứng dưới cây thánh giá. Và bắt đầu chơi. Đó là một cái gì đó nhiều hơn sự đụng chạm. Nó thấm vào ta nhiều hơn. Tôi cảm thấy cơ thể mình bị kích thích. Với mỗi gạch nhịp lại rõ hơn lên. Khi tôi nhắm mắt, anh chạm vào tôi đang khép kín ở phía sau sự lõa thể, lời nói và ánh sáng. Tôi cảm thấy ở giữa hai đùi mình ướt và nóng. Trong phòng tối của ngôi nhà thờ lạnh và vắng vẻ.

Cho tới lúc anh kết thúc, có ba lần như vậy.

Trong thủ thuật cắt bỏ động mạch phổi, mũi kim phải ở trong tim vài tiếng và chuyển động của nó trong hệ tuần hoàn cũng như trong tim được quan sát trên mônittơ rơngen. Để tránh các biến chứng tắc nghẽn, bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông máu từ mấy ngày trước khi phẫu thuật. Khi thủ thuật cắt bỏ được hướng vào động mạch phổi, rất hiếm khi người ta tìm kiếm những trung tâm loạn nhịp khác và chủ yếu chỉ là làm vón mô của động mạch phổi. Suốt thời gian làm thủ thuật, bệnh nhân ở tư thế nằm và vẫn tỉnh táo. Bởi có thể xuất hiện tắc nghẽn quá độ trong buồng tâm nhĩ nên trong suốt thời gian thao tác, việc kích thích tim được đảm bảo bằng một điện cực thời gian đặt ở khoang trong. Những rối loạn hô hấp có thể xảy ra được điều chỉnh tức thời bằng máy thở oxi.

Khi chúng tôi nằm bên nhau, tôi thường hay gối đầu lên ngực anh. Anh nhẹ nhàng vuốt tóc tôi, còn tôi nghe tiếng tim anh đập. Chưa bao giờ tôi nghe thấy bất cứ một sự rối loạn nào. Khi anh thiếp đi, tôi nhìn anh hàng giờ, anh thở mềm mại và thanh thản biết bao. Đôi khi , nhịp thở của anh nhanh hơn và miệng anh hé mở trong khoảnh khắc. Và khi đó tôi muốn được ở trong đầu anh. Hơn lúc nào hết…

Cắt bỏ là một loại thủ thuật điều trị rất hiệu quả nhưng sau đó rối loạn nhịp tim vẫn có thể tái phát. Nếu điều trị rối loạn nhịp bằng liệu pháp dược lý không kết quả, thì có thể phải nhắc lại thủ thuật cắt bỏ. Tuy nhiên loại trừ cắt bỏ động mạch phổi.

Anh bị bệnh tim. Anh giấu tất cả mọi người chuyện này. Anh giấu tôi. Nó làm anh xấu hổ giống như những cậu thiếu niên đang tuổi lớn xấu hổ vì vỡ giọng hay những cái mụn trên mặt. Tôi biết được là do tình cờ. Anh đi Hannover mấy ngày cùng với dàn nhạc. Ngay trước Giáng sinh. Giáng sinh chung đầu tiên của chúng tôi. Bố anh cùng với mẹ kế và đứa em gái cùng cha khác mẹ của anh đi nghỉ Noel ở Thụy Sĩ.

Tôi mua cây thông Noel. Chúng tôi định hai đứa đón Giáng sinh ở nhà anh và hôm sau sẽ đến chỗ bố mẹ tôi ở Torun. Tôi dọn dẹp phòng anh. Tôi gom những bản partia chép tay của anh trên sàn nhà và định cất vào ngăn kéo bàn làm việc của anh. Ngăn kéo đầy những bản điện tâm đồ màu hồng của anh.

Trong ngăn kéo ấy có tới 360 bản điện tâm đồ!

Được đo ở phần lớn các thành phố của Ba Lan. Ở cả Đức, Ý, Czek, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ. Ngoài ra còn có các trích lục của hơn chục bệnh viện, các hóa đơn điều trị bằng mấy thứ tiếng, hai ống nghe, những đơn thuốc chưa dùng, giấy giới thiệu đến các phòng khám, chẩn đoán của các bác sĩ tâm lý liệu pháp và tâm thần học, các bản photo các chứng nhận cho phép anh được điều trị bằng thủ thuật cân bằng nhịp bằng dòng điện, kim châm cứu, những vỉ thuốc dùng dở, trích đoạn những trang internet liên quan đến rối loạn nhịp tim và chứng tim đập nhanh.

Từ mười hai năm nay anh được chẩn đoán bị rối loạn nhịp hoàn toàn tấn công. Chỉ trong khoảng thời gian tôi biết anh, anh đã phải qua tám lần làm thủ thuật tim mạch phải gây mê toàn thân, tức cân bằng nhịp tim bằng sốc điện. Lần cuối cùng được tiến hành ở Heidelberg. Vào hai tuần trước khi tôi phát hiện ra cái ngăn kéo chứa đầy những bản điện tâm đồ. Dàn nhạc của anh tham dự một festival nào đó ở đấy. Suốt mười hai tiếng anh không có tin gì cho tôi cũng như tôi không thể gọi cho anh được. Anh bảo tôi là đã để di động trong khách sạn. Sự thật hoàn toàn khác. Trong các phòng trị liệu tích cực bệnh nhân không được phép dùng điện thoại di động bởi chúng gây nhiễu đối với hoạt động của các thiết bị. Theo ngày và giờ ghi trên điện tâm đồ làm trước và sau đợt tăng nhịp tim cuối cùng của anh thì thấy rằng cơn loạn nhịp phải xảy ra vào thời gian đang diễn ra buổi hòa nhạc.

Thoạt đầu tôi định gọi điện cho anh để hỏi. Để hét lên nỗi sợ hãi kinh hoàng của mình. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm và phản bội khủng khiếp. Anh biết về tôi nhiều hơn cả bố tôi, người đã từng thay tã cho tôi, còn lúc này những vị bác sĩ đáng nguyền rủa của cả châu Âu lại biết về anh nhiều hơn tôi! Một anh chàng thế đấy! Tôi biết tinh dịch của anh có mùi vị như thế nào, nhưng lại không biết tí gì về chuyện người ta truyền điện qua tim anh trung bình một lần trong vòng sáu tuần.

Chắc anh sẽ im lặng. Chắc tôi sẽ gào lên trong điện thoại, còn anh lúc đó sẽ im lặng. Cho tới khi tôi bắt đầu khóc anh mới nói :

- Em yêu…vấn đề không phải như vậy. Anh không muốn để em lo lắng. Sẽ qua thôi mà…Rồi em sẽ thấy.

Tôi không muốn để anh tưởng là anh có thể an ủi tôi bằng cái câu “sẽ qua thôi”. Nên tôi đã không gọi. Tôi quyết định sẽ hỏi khi nào tôi đặt trước mặc anh cả đống những bản điện tâm đồ ấy. Và tôi tự hứa nhất định lúc đó sẽ không khóc.

Ăn tối xong, anh thắp nến khắp phòng, thay áo đuôi tôm và chơi đàn violon cho tôi nghe những bản nhạc mừng Giáng Sinh. Chỉ có trong kỷ niệm của những mùa Giáng Sinh từ tuổi ấu thơ tôi mới có cái cảm giác bình yên đến thế, hạnh phúc đến thế như với anh vào cái tôi hôm ấy.

Đêm, anh dậy khỏi giường và xuống bếp. Anh cầm cốc nước, đi đến bàn làm việc và mở ngăn kéo. Tôi không ngủ. Tôi bật đèn đúng vào lúc anh uống thuốc

- Anh kể cho em nghe về tim của mình chứ ?- Tôi hỏi, tay chạm vào vết sẹo trên má anh.

Năm tháng sau, lão bác sĩ chuyện khoa tim vô tích sự, với mái tóc chải vazơlin bóng mượt ấy, với cái mác giáo sư ấy đã giết chết anh khi đưa ống dẫn từ tâm nhĩ phải sang tâm nhĩ trái đã làm thủng tim gây tràn máu sang khoang màng ngoài tim. Lão đã giết anh ấy của tôi, rồi như thể không có chuyện gì xảy ra, đi nghỉ. Đến Hy lạp. Vào hai ngày sau khi làm thủ thuật. Bằng một mũi kim lão đã kết thúc hai cuộc đời và bình thản đi tắm nắng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.