Dù có bị cười cho thối mũi thì Phong vẫn muốn được tường trình rõ ngọn ngành câu chuyện kia với An. Chẳng thế mà suốt một tháng qua, ngày nào cậu chàng cũng bỏ về trước vài tiết để đến sớm và đứng chầu chực đón đường con bé. Chờ đợi vất vả là thế nhưng kết quả thật chẳng như ý chút nào vì từ dịp đó tới nay, Phong vẫn chưa được nhìn thấy mặt An dẫu chỉ một lần. Hôm nay thì hay rồi, chỉ tại Lệ Băng xấu xa không chịu đánh thức gọi dậy nên Phong mới ngủ say lì bì đến quên cả giờ trống đánh bên trường của An thế này đây. Bực ghê cơ!
Nhưng rồi “trong cái rủi lại có cái may”, mọi khi đi sớm thì chẳng gặp được hôm hay làm ngược tới trễ, Phong lại trông thấy An đang đứng nơi cổng trường. Đưa tay lên dụi dụi một hồi, phải tới khi mắt đã tèm nhem những nước, cậu mới dám tin đó là sự thật. Chỉ tiếc rằng môi còn chưa kịp nở nụ cười thỏa mãn, đỉnh đầu Phong đã liền nghi ngút khói tỏa khi bắt gặt cái bản mặt đáng ghét của Tuệ Minh. Nhìn xem, anh ta đang làm cái trò gì vậy kìa? Tỏ tình sao? Hoành tráng quá nhỉ, thuê được cả một đám học sinh bu quanh reo hò cổ vũ nhiệt tình cơ mà. Lại cả Bảo Kỳ và Trúc Linh nữa, có gì vui đâu mà mặt mày cứ hớn ha hớn hở hết lên thế kia. Chả có nhẽ hai đứa nó cũng bị Tuệ Minh mua chuộc luôn rồi? Đáng ghét!
Khuôn miệng há hốc, Phong đang cố sức thở hồng hộc vì bị cục tức chẹn ngang cổ họng đây. Tuệ Minh cũng biết lựa thời cơ quá đi thôi. Chắc có lẽ do biết được mối quan hệ giữa An với Phong đang trong giai đoạn trục trặc nên anh ta mới tính chơi trò “nước đục thả câu” đó mà.
Nắm đấm đã sớm thành hình trên tay, Hoài Phong chỉ muốn lao ngay vào và đập cho Minh một trận tơi bời hoa lá. Nhưng chính lúc anh chàng kia ngỏ lời lượm ý với An, cậu lại bất chợt thắng chân đánh “két” dừng lại. Phong không nhảy vào phá đám vì cậu muốn thấy đích thân An lắc đầu từ chối cơ. Nói chẳng phải ngoa, chứ suốt thời gian qua bên An, Phong hiểu tính khí con bé quá mà. Nom điệu bộ An thế kia, cậu tin chắc rằng con bé chẳng muốn nhận lời chút nào đâu. Tự tin lắm nhưng có điều này Hoài Phong nghĩ mãi chưa thông. Chữ “không” ngắn gọn và đơn giản là thế, hà cớ làm sao đôi môi An lại cứ mấp máy mãi vậy chứ? Qúa sốt ruột, Phong chỉ muốn nhảy luôn vào cuộc giải quyết luôn cho rồi.
Hoài Phong thuộc tuýp người nghĩ đến đâu làm tới đó. Chẳng thế mà ý nghĩ kia vừa dứt, cũng là khi cậu chàng thét lên đầy tức tối:
“Tao cấm mày đồng ý.”
Nghe có người hùng hổ quát tháo, đám học sinh bèn nhao nháo quay mặt nhòm ngó và không ngớt miệng bàn tán về kẻ phá đám. Ai nấy đều hớn hở ra mặt và Bảo An cũng không nằm ngoài số đó. Đang trong lúc bí bách hết cách vì không muốn phũ phàng với Minh, giọng nói kia vang lên quả đã cữu đỗi cho tấm lòng An rất nhiều. Bấy giờ con bé chẳng mảy may lo sợ Phong sẽ hiểu lầm thêm nữa, vì chỉ cần được cậu cầm tay lôi đi là An đã thấy mừng rơi nước mắt luôn rồi.
Nhìn thấy Phong gương mặt hầm hầm bước tới, Bảo An thấy trong mình như đang vỡ òa cảm xúc. Đôi mắt rơm rớm lệ, con bé mếu máo gọi tên:
“Phong...”
Khoảnh khắc Hoài Phong giật phắt tay An ra khỏi cái nắm chặt của Minh và gườm gườm nhìn anh ta, tất cả đám học sinh đều ồ lên thích thú. Bảo Kỳ còn hắng giọng hô to cổ vũ “Đánh nhau đê!” nữa chứ. Trừ Linh nhăn mặt huých vai tỏ ý không bằng lòng ra, số còn lại đều vỗ tay đôm đốp hùa theo nhiệt tình:
“Đúng rồi, đánh đi cho vui cửa vui nhà.”
Với tư cách là một gã “trai làng”, anh Sao đỏ học năm thứ ba trong trường được dịp lên giọng ra oai, rằng thì là mà “Bên nào thắng, tôi gả An cho.”
Chẳng những hô hào đánh nhau, lũ học sinh tinh ranh đó còn nhanh chóng đặt ra những vụ cá cược nho nhỏ nữa cơ. Hội con trai vì đã hay tên biết mặt nên đều đồng loạt thống nhất đặt cho Hoài Phong chiến thắng. Những cô con gái mới lớn mộng mơ do đã sớm phải lòng Tuệ Minh ngay ngày đầu gặp gỡ nên chúng không nỡ để anh thành đôi với An đâu. Với hy vọng Minh ở giá suốt đời, hội chị em cũng bỏ phiếu cho Phong. Một mình bơ vơ nơi chiến tuyến, Minh tự thấy bản thân cô đơn biết mấy. Muốn xoáy thật sâu vào đôi mắt An như để van xin con bé đứng về phe mình nhưng xem ra Minh không làm được mất rồi. An cứ chăm chăm nhìn Phong thế kia, Minh cũng đành buông tay hết cách.
Ai nấy đều lăm lăm cái điện thoại trên tay, sẵn sàng ghi lại trận đánh nhau sắp tới. Bản thân Phong cũng vậy, cậu thực rất muốn đập cho Minh một trận tơi bời hoa lá để bớt ngứa ngáy tay chân. Có điều vì hiểu và muốn chiều theo ý An nên là cuộc ẩu đả mà tất cả đều trông đợi nãy giờ, Hoài Phong quyết định sẽ không để nó diễn ra nữa. Túm gọn bàn tay nhỏ bé của An, cậu nhanh chóng kéo con bé ra khỏi màn tỏ tình mà bất kỳ cô gái nào cũng mong được làm nữ chính.
Bỏ lại sau lưng những tiếng kêu ca đầy tiếc nuối của chúng bạn cùng trường, Bảo An ngoan ngoãn theo Phong bước vội. Trông theo bóng An mỗi lúc một xa, Minh biết lúc này có đuổi kịp cũng chẳng thể giữ nổi con bé ở lại nên đành lắc đầu cho qua. Cúi xuống và khẽ cười thầm, Minh quả không biết nên trách bản thân số nhọ hay do An đã quá vô tình bạc bẽo nữa đây.
“Không thèm ngoảnh lại nhìn anh lấy một cái mà. Em ác thật đấy.”
Chẳng muốn nghe thêm những tiếng bàn tán và đôi lời thương hại, Minh bèn làm mặt bình thản rồi leo lên xe. Trước lúc phóng đi, anh còn vỗ vỗ vào yên sau và dùng nụ cười chết người của mình để thông báo với đám con gái một tin quan trọng rằng:
“Vẫn còn cơ hội cho những người khác.”
Nghe vậy những cô nữ sinh liền reo lên thích thú, vỗ tay đôm đốm và tranh nhau đọc to số điện thoại cũng như tài khoản Facebook của mình, còn kèm theo lời nhắn “Anh nhớ nha anh” nữa chứ. Mấy cậu con trai cũng lấy làm phấn khích vô cùng. Cậu nào cậu nấy đều không tiếc lời tung hô tấm gương nam nhi bất khuất, quyết không lụy tình Tuệ Minh. Chẳng giống như đám con gái thụ động, chỉ biết ngồi chờ bậc đàn anh chủ động nhắn tin liên lạc, hội nam sinh nhìn thấy bộ đồng phục của Minh mới rục rịch rủ nhau la lên rằng:
“Đại ca, bọn em nhất định sẽ thi vào trường đó để được làm đàn em của anh.”
So với việc bị mọi người nhìn bằng ánh mắt thương hại, Minh thà phải nghe họ chửi là kẻ lăng nhăng, không nặng tình vẫn thấy tốt hơn. Chính thế nên ban nãy anh mới cố ý làm cái hành động phũ phàng và bạc bẽo đó. Nhưng thật không ngờ kết quả lại thành ra thế kia, quả là vượt xa những gì Minh mong đợi mà.
Vì mang tiếng là những kẻ có quen có biết những người trong cuộc nên Linh và Kỳ chẳng thèm nhập cuộc reo hò như chúng bạn đầu. Cụp mắt buồn diễn sâu, hai đứa nhìn chiếc xe điện của An và đồng thanh than thở:
“Lại phải dắt cái đống sắt này về nữa rồi.”
Bằng phán đoán của mình, An tin sau bao ngày xa cách vừa qua, chắc hẳn đến giờ phút này trong lòng Phong phải đang chất chưa bao nỗi tâm tư cần được giãi bày. Cho rằng khi nãy đông người chưa tiện nói ra nên An chẳn dám kêu la gặng hỏi, chỉ biết gắng sức để có thể bắt kịp bước chân cậu bạn mà thôi. Nhưng đã đi xa đến thế này rồi, hà cớ làm sao mà Phong vẫn cứ im re vậy chứ? Qúa sốt ruột và tò mò, An mới đánh liều thét lên:
“Ê, cậu không có gì muốn nói với tớ hả?”
Có chứ, Phong có cả đống câu chuyện cần phải kể lể với An đây. An không biết đâu, suốt quãng thời gian vừa qua, ngày nào Phong cũng đứng trước gương tập hàng tiếng đồng hồ chỉ để tập nói cho lưu loát bản tường trình được viết bằng cả tấm chân tình của mình. Đã thuộc làu làu rồi đấy chứ nhưng chẳng hiểu sao tới thời khắc quan trọng này, đầu óc cậu bỗng dưng lại trống rỗng mới thật oái oăm. Nãy giờ lặng im như hến, âu cũng bợi cậu đang tập trung cố nhớ từng câu từng chữ đó thôi. An chẳng hiểu gì cả, cứ léo nhéo thế kia thì làm sao chữ nghĩa dám chui vào đầu cậu được. Mệt ghê!
Nghĩ rằng Phong chắc cũng đang giận mình lắm vì sốt tội An mang nào có thua kém gì cậu. Vậy nên con bé mới cất tiếng thỏ thẻ xin được giảng hòa trước tiên:
“Tớ xin lỗi.”
“Tao xin lỗi.”
Vừa hay lúc ấy, Phong đã quyết định rũ bỏ hết đống câu từ rườm rà mà bộc bạch hết những gì đang sẵn có trong đầu. Thành thử ra, hai đứa mới cùng đồng thanh vậy đấy. Theo như lẽ thường tình thì trong trường hợp kể trên, đôi bên sẽ ra sức đùn đẩy cho nhau nói trước. Nhưng vì phải khó khăn lắm mới thốt ra được lời nói kia, nên An đừng hòng Phong sẽ nhượng bộ. Sẵn lúc An còn đang đơ mặt ngơ ngơ, chàng ta liền nhanh mồm chặn họng con bé:
“Để im, tao nói trước.”
Và thế là sau cái gật đầu chấp nhận của An, Hoài Phong liền kể tù tì một hơi hết sạch những tâm tư đang nặng trĩu cõi lòng. Từ chuyện ghen ghét chủ chó nhà Minh đến kế hoạch “tẩy não mới tinh” mà cậu đã nhọc công ngẫm nghĩ, Phong đều thật thà nhận hết với An. Rồi công cuộc mượn mèo gian nan ra sao, đống rắc rối khi lỡ tay đánh rơi điện thoại thế nào và cả nguyên nhân thực sự dẫn tới vụ ẩu đả với Lâm nữa, Phong đều thành tâm khai báo tất cả. Cuối cùng, cậu ta dùng chất giọng vừa tủi vừa tội mà chốt hạ một câu thế này:
“Tha hay không, tùy mày.”
Những chuyện trên kia, lúc trước An đã được biết thông qua lời kể của Băng. Giờ được nghe từ chính miệng Phong, con bé càng cảm nhận sâu sắc tội của mình thật không hề nhỏ chút nào. Không tin Phong, là An sai. Cướp đoạt cơ hội giải thích của cậu, cũng là An sai. Tự thân tổng kết lại, con bé mới thấy từ đầu chí cuối bản thân mình chẳng đúng tí nào cả. Một câu xin lỗi, sao có thể bù đắp được những tổn thất mà Phong phải gánh chịu suốt cả tháng trời đằng đẵng vừa qua được cơ chứ. An muốn làm điều gì đó cho cậu. Nhưng não bộ còn chưa kịp nghĩ, con bé đã giật mình bởi giọng điệu hơn thua của Phong:
“Mà mày định xin lỗi chuyện gì?”
Chết toi, câu hỏi khó thế này, Bảo An biết trả lời như thế nào đây? Con bé không thể thật thà khai rằng, vì đã được Băng nói cho hết sự thật nên trong lòng mới ngập tràn áy náy và khi nãy do muốn giảng hòa nên đã chủ động xin lỗi. An hiểu tính Phong mà, nghe xong trình bày cậu không đùng đùng nổi giận bỏ đi mới là lạ. Phong sĩ diện lắm. Còn nếu rằng sau khi nghe cậu kể, con bé mới thấy hối lỗi và muốn xin cũng chẳng xong. Bởi lẽ như thế lại chênh lệch thời gian mất rồi. Cúi mặt nhìn xuống và phát hiện ra đôi giầy đã bung đế tự lúc nào không hay, An mới thản nhiên nói dối rằng:
“Tớ định xin lỗi vì giày tớ hỏng rồi. Không thể chạy theo kịp cậu được nữa đâu. Đấy, lỗi của tớ đấy.”
Hoài Phong nghe xong mà thấy chẳng thỏa đáng chút nào, tức ghê cơ. Rõ ràng An cũng có lỗi rành rành ra đấy nhưng đến cuối cùng cậu lại phải gánh thay cả hai là sao? Lần nào cũng vậy, Phong lấy làm ấm ức lắm. Nhưng chẳng dễ gì mới có cơ hội hàn gắn mối quan hệ, nghĩ đi nghĩ lại cậu thấy mình cứ nhận tất cũng được. Lôi hết sự ga lăng đặt vào nơi đầu lưỡi, Hoài Phong giả bộ cao thượng đáp:
“Lỗi to nhờ? Tao đồng ý tha. Thế còn lỗi của tao thì sao? Mày muốn thế nào?”
Phong đã nhún nhường thế kia, chẳng có lí do gì để An không được đà lấn tới cả? Xoa xoa cái bụng đang sôi ùng ục, con bé vênh váo nói:
“Tớ tạm tha một nửa thôi. Chỗ còn lại, cậu phải mời tớ một bữa ra trò tớ mới tha.”
Đồ trẻ con, Phong nghe xong mà không giữ nổi mồm, đành phì cười thành tiếng. Nhìn xuống đôi giầy đã bung mất đế của An, Phong mới nảy ra một ý thế này. Cậu muốn đích thân cõng con bé tới một quán ăn nào đó ở xa thật xa. Rồi đến khi An thấy được được cậu đã sẵn sàng xả thân vì con bé thế nào, ắt hẳn An chẳng những thứ tha mà còn cảm thấy “cuồng” cậu thêm rất nhiều. Và vì thế, con sẽ lại bám theo cậu quanh năm suốt tháng cho coi. Nghĩ là làm, Hoài Phong khoác khoác cánh tay và hào phóng nói:
“Qúa đơn giản, đi.”
Đi giật lùi đến trước mặt An và khòng lưng xuống, Phong nhiệt tình đề nghị:
“Lên đây tao cõng, chứ giày dép thế kia thì đi nỗi gì.”
Bình thường, có khi Phong chẳng cần rủ An cũng nhất định bắt ép cậu cúi lưng xuống và tự tiện leo lên. Nhưng giờ thì khác, món ngon khoái khẩu đang hiện hữu ngay bên kia đường thế này, An chẳng muốn đi đâu xa xôi nữa đâu. Ngồi phịch xuống đất và chỉ tay vào cô bán hàng rong đang đi thong thả bên đường, con bé liền chỉ thẳng vào đó và yêu cầu Phong:
“Ở đó có người bán cháo trai kìa. Cậu sang đấy bưng hai bát về đây, bọn mình ngồi luôn tại chỗ ăn cho tiện. Cần gì đi đâu xa.”
“Hả?” Trưng ra khuôn mặt ngu hiếm thấy, Hoài Phong ngạc nhiên hỏi lại.
Hoài Phong vốn cũng khoái lê la mấy quán vỉa hè lắm. Nhưng cậu mới chỉ ngồi ăn ở những nơi có bàn có ghế đàng thôi. Còn đặt mông bừa phứa ở một xó bên vệ đường thế này, quả thật đây là lần đầu tiên cậu nghe nói tới. Và Phong nghĩ, chắc cũng chỉ có An mới sáng tạo ra được cái kiểu ăn quái gở này. Vốn định mở miệng thuyết phục lại An vì cậu thấy như thế thì thật ngại và mất mặt lắm. Cơ mà nhìn con bé đang hí hửng thế kia, cậu lại không nỡ lòng làm trái ý. Tặc lưỡi một cái, Phong quyết định vẫy tay gọi cô bán cháo bên đường:
“Cô ơi, bưng cho cháu hai tô.”
Tuy ngoài miệng nhiệt tình vì An vậy thôi, chứ thực lòng Phong vẫn ngập ngỏm hy vọng con bé sẽ đổi ý nghĩ lại. Có điều trong tình hình hiện tại, cậu biết chắc đấy là điều không thể xảy ra nên đành âm thầm trông mong nồi cháo của cô chú gánh rong đã được bán xong từ lâu lâu trước đó. Ngờ đâu vừa đặt chân bước tới, cô ấy đã nhoẻn miện cười tươi và vui giọng chào hàng:
“Mới bước ra khỏi nhà đã gặp được khách rồi. Cháo cô vừa nấu còn nóng hôi hổi đây, hai đứa mở hàng ăn ngon cho cô buôn may bán đắt cái nào.”
“Cô cứ yên tâm, cháu vẫn được mọi người khen là có duyên mở hàng đấy ạ.” Bảo An vỗ ngực đắc ý, hứng chí khoe khoang về cái danh hiệu mà con bé mới vừa tự đặt.
Chẳng còn hy vọng gì nữa rồi, cháo ế cháo nguội may ra An còn đổi ý bỏ qua. Chứ thơm ngon nóng hổi thế kia, đời nào con bé chịu đứng lên để bỏ đi ăn món khác. Sự thật phũ phàng, Phong nghe tiếng sấm đùng đoàng bên tai. Loạng choạng mấy bước về sau, Hoài Phong ngã ngồi xuống cạnh Bảo An một tiếng đánh phịch, gương mặt thất thần vẻ như chẳng còn chút sức lực nào vậy.
“Có bát không con?”
Cô bán cháo vừa dứt câu hỏi, bạn An cũng chưa đáp lại lời cô, Phong nhà ta đã vội vàng bật dậy và ra sức lắc đầu nói không. Trưng ra gương mặt buồn bã, cậu ta đang cố giấu đi tâm trạng hân hoan trong lòng đó mà. Đấy nhé, Phong cũng muốn làm vừa lòng An lắm đấy nhưng bát chẳng có, thìa múc cũng không thế này, cậu cũng chỉ biết nai lưng cõng con bé đến một hàng quán nào đó coi như lời đền bù vậy thôi. Chỉ tiếc rằng nỗi vui mừng thầm chưa kéo dài được bao lâu, Phong đã lại nhận thêm được một tin đáng đau lòng nữa rồi. Lấy ra một cặp bát thìa loại dùng một lần từ trong thúng đựng, cô bán cháo niềm nở cười nói:
“Chả sao sất, không có bát sứ thì ăn tạm bằng bát này của cô cũng được. Cô đi bán rong thế này, làm gì mà không có bát phục vụ khách dọc đường.”
“Hoan hô cô. Cô múc cho cháu đầy đầy cô nhé. À, cắt thêm nhiều quẩy cho cháu nữa nha cô.” Bảo An vỗ tay đôm đốp, mồm miệng liếng thoắng không ngừng.
Bị đẩy vào đường cùng mất rồi, Hoài Phong biết chạy đâu cho thoát kiếp nạn này đây. Chống cự vô ích, lại thêm mệt người, Phong đành buông tay chấp nhận số phận hẩm hiu. Nghĩ vậy, Phong bèn ngồi phịch xuống cạnh An và miễn cưỡng đưa tay ra đón nhận tô cháo nóng hổi cô chủ quán trao. Bạn An ngoan ngoãn nói lời cảm ơn:
“Cháu xin cô ạ.”
Xong xuôi thấy bạn Phong cứ chăm chăm thổi cho nguội cháo, chẳng có vẻ gì là muốn cảm ơn cô cả, An mới huých vai cậu một cái tỏ ý không bằng lòng. Hiểu ra điều An muốn nói, Phong mới lễ phép cúi đầu và nói câu tương tự con bé.
“Hai đứa ăn ngon miệng nhé, cô đi đây.”
“Cháu chào cô.”
Bảo An vui vẻ tạm biệt, Hoài Phong mếu máo nói lời chia tay. Ngon làm sao được cơ chứ, mặt cậu đang méo xẹo đi rồi đây này. Phong vốn định ăn nhanh về nhanh cho sớm qua cơn ác mộng, thế cơ mà tay còn chưa đưa được miếng cháo đầu tiên tới miệng đã bị An đập cho rơi lại xuống bát. Giơ điện thoại lên và áp sát mặt vào cạnh Phong, con bé bảo:
“Từ từ đã, cậu vội cái gì chứ? Chụp ảnh “check-in” vỉa hè đã nào. Chả mấy khi được ăn uống kiểu này.”
Nhìn thấy cái điện thoại, Phong mới chợt nhớ ra vẫn còn có chuyện chưa được giải quyết. Lúc trước cậu đoán, chắc máy của An cũng gặp phải tai nạn nào đó giống cái của mình vậy nên mới không gọi được. Song Phong cũng nghĩ, nhà An giàu đến thế, giả dụ điện thoại có hỏng thật thì chắc chắn con bé sẽ được mua ngay máy mới cho xem. Đến nghèo rớt như Phong còn tự cứu vớt được tình hình cơ mà. Giờ lại thấy An lôi máy ra và đòi chụp ảnh, Phong thấy tức và hờn lắm nha. Đặt vội bát cháo xuống đất và bắt lấy bàn tay An đang cầm điện thoại, Phong giở giọng dỗi hờn ra để trách móc con bé:
“Mày đổi số à? Thay cả tài khoản Facebook luôn hả? Tính từ mặt tao luôn đúng không?”
Ôi trông kìa, đôi môi Phong đang cong lên vì giận kìa, An thấy đáng yêu lắm nhé. Dù biết làm thế sẽ khiến cậu bạn thêm phần cau có khó chịu hơn nhưng thực tình An chẳng kiềm chế nổi bản thân nữa rồi, đành giật mạnh tay về và vội vàng chụp lại khoảnh khắc hiếm hoi kia. Ngay lúc Phong vẫn còn đần mặt chưa kịp phản ứng, An liền nhanh chóng giải thích luôn để cậu sớm hạ hỏa:
“Từ mặt cái gì, cậu không thấy tớ đang dùng điện thoại mới hay sao? Máy cũ tớ hỏng rồi còn đâu. Đều tại cậu hết đấy.”
“Sao lại tại tao? Chứ không phải tại mày muốn yên tĩnh hẹn hò với Minh nên cố tình làm thể để tao đỡ gây phiền hả?”
Đang to mồm là thế, ấy vậy mà vừa nghe An cau mày và nói lời cảnh cáo “Cậu làm tớ bực rồi đấy nhớ”, Hoài Phong ngay lập tức co rúm người lại ngay. Hạ bớt âm điệu xuống, cậu chàng nem nép nhìn An và hỏi:
“Thế tại sao?”
“Người ta còn chưa nói xong đã chen mồm vào đặt điều rồi. Tối hôm đấy, sau khi về nhà và nhìn thấy trên áo có sót lại mấy sợi lông của con mèo đáng ghét kia, thành ra tớ mới điên quá mà đem giặt cái áo ngay lập tức. Nhưng quên chưa bỏ điện thoại ra, nên hỏng luôn rồi. Mẹ tớ phạt tớ một tháng không được dùng điện thoại. Tớ vừa được mua máy mới hôm qua thôi, vì lâu quá rồi không làm lại được sim nữa nên đành đổi số luôn. Facebook thì tớ chỉ khóa thôi, vì không muốn nhìn thấy cảnh chúng bạn yêu đương trong khi mình đang thất tình.”
Vừa chăm chú lắng nghe từng câu từng chữ, Phong vừa lúc lắc gật đầu ra điều đã thông mọi chuyện. Phong còn đang tủm tỉm cười mỉm vì mừng rơn, An đã lại “ban ơn” cho cậu thêm một tội lớn nữa thế này:
“Nhưng tớ mở Facebook từ hôm qua rồi? Cậu không biết à? Tớ cứ tưởng ngày nào cậu cũng sẽ vào tìm tớ chứ, ai dè...”
Nhưng Phong tỉnh lắm, chẳng vì thế mà cậu cuống cà kê lên rồi vội vàng nói lời xin lỗi An đâu. Nhìn thẳng vào mắt An, cậu từ tốn nói:
“Sao mày không đi làm lại sim ngay lúc ấy, giống như tao vậy đấy?”
“À thì... tại vì tớ...”
Thực tình, An cũng chẳng biết lý giải thế nào cho hành động đó nữa. Một tháng sau mới được dùng lại điện thoại thì sao chứ? Con bé vẫn có thể làm lại sim và để đấy mà. Thay vì cố gặng thanh minh và cúi đầu xin lỗi, An chọn cách nói lời cảm ơn với Phong:
“Cảm ơn cậu đã không làm như tớ.”
Nom thấy An áy náy ra mặt, Phong liền mở lòng độ lượng ra ngay. Thú thực, có thể làm lành với con bé như lúc này, cậu đã thấy vui lắm rồi, chẳng muốn tính toán so đo thiệt hơn gì đâu. An cứ sai đi, lỗi để đó Phong nhận hết cũng được mà. Đưa tay lên và tùy tiện bẹo hai bên má phính của An, Phong thấy nỗi nhớ nhung trong mình đã được thỏa mãn phần nào. Buông tay ra khi thấy má An đã đỏ ửng, Phong lại dịu dàng xoa xoa đỉnh đầu con bé và chính thức tiếp nhận lời cảm ơn của An:
“Tại tao luôn muốn đợi mày gọi đến thôi mà.”
Dứt lời, cậu chàng bèn đưa máy điện thoại của An lên và kéo con bé sát lại gần mình, sẵn sàng cười tươi chụp ảnh theo đúng ý ai kia. Xong xuôi, Phong lại cắm cúi vào tô cháo húp nhanh cho qua bữa cực hình. Thấy thế, An thật thà nói rằng:
“Ban nãy tớ đoán cậu ngại cơ nhưng xem ra không phải. May mà tớ vẫn lì mặt đòi ngồi đây ăn nên giờ cậu mới được một bữa ngon lành thế này đấy.”
“Khụ khụ...”
Câu vừa rồi của An quả đã khiến Phong được một phen suýt chết sặc. Vốn định bê nguyên gương mặt nhăn nhăn nhó nhó sang lườm An cho bõ ghét nhưng con bé lại đang ung dung ngắm đường và thưởng thức cháo nóng mất rồi còn đâu.
Bữa tiệc làm hòa này xem ra chỉ có mỗi An là cảm thấy ăn rất vào và ngon miệng thôi. Còn Hoài Phong thì chẳng khác nào đang trải qua một bữa trưa căng thẳng vậy. Bởi lẽ, đoạn đường này tuy rằng khá xa nhưng cũng đâu có thiếu những người thân quen qua lại. Và như đã nói, Hoài Phong không muốn đánh đổ hình tượng “lạnh lùng trai” chỉ vì mấy bát cháo trai còn đang nóng hổi này đâu. Suốt từ lúc đặt mông thưởng thức cho tới khi tô cháo đã hết sạch sành sanh, cứ phải canh cánh nỗi lo trong lòng thử hỏi làm sao mà Phong ngon miệng cho được.
Tới khi bát cháo vừa “chổng mông”, Phong còn chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, An đã lại léo nhéo đòi ăn thêm một bữa tráng miệng nữa cơ. Chỉ vào xe bán hoa quả dầm và nước ép trái cây vừa đi ngang, An cười nịnh ướm hỏi ý Phong:
“Cậu có muốn ăn chút hoa quả hay uống cốc nước ép cho sạch miệng không?”
“Vì bát cháo vừa rồi, tớ tha cho cậu thêm 30% nữa là vừa tròn 80%. Còn 20% kia, cậu có muốn nhận nốt hay không thì tùy.”
Lời An vừa dứt, Phong liền bật dậy luôn mới thật đáng khen. Thò tay lục túi tìm tiền, Hoài Phong nhanh chóng phóng theo chiếc xe vừa qua, quên luôn cả hỏi An muốn dùng gì. Bảo An cũng chẳng gọi với theo Phong dặn dò, vì chỉ cần là đồ Phong mua, con bé nghiễm nhiên sẽ thấy ngon hết.
Lệ khệ xách mấy túi bóng đem về, Phong nhẹ nhàng đưa cho An và nói:
“Đồ ăn thức uống đủ cả đấy, trừ sầu riêng ra vị nào cũng có. Tha hồ mà chén nhớ.”
Đưa thì đưa thế thôi, chứ An còn chưa kịp mở túi, Phong đã ngồi xuống và tự tay bày sẵn đống đồ ra trước mặt con bé. Ga lăng vô cùng!
Phong vừa dừng tay, An cũng lôi ngay điện thoại ra, tựa đầu vào vai cậu và bắt đầu chụp choẹt lưu giữ khoảnh khắc vàng này. Thỏa mãn xong căn bệnh sống ảo, con bé mới bắt đầu công cuộc chiều chuộng cái bụng không đáy của mình.
“Cậu không ăn hả? Vậy uống nước ép đi.” Bảo An mồm lúng búng hỏi.
Đáp lại đó, Hoài Phong chỉ từ tốn lắc đầu, đôi mắt khẽ hép hờ tỏ vẻ lãng tử. Khi nãy vì đói nên buộc lòng phải ăn thôi, giờ đã no rồi cậu chỉ muốn ngồi bên và nhìn An nhiệt tình ăn uống thôi. Thực ra Phong cũng tính cả rồi, ngồi im không đụng đũa thế này, nhỡ có gặp người quen cậu còn tiện đường chống chế. Rằng thì là mà cậu chỉ mua đồ cho bạn ăn và vì sợ bạn ngại nên mới nên nán lại đôi chút thôi. Nhưng rồi một sự cố xảy ra, Phong đã vì thế mà không giữ được mồm nữa rồi.
Thẳng tay đút một miếng dưa hấu rõ to vào miệng cậu bạn, An hạ giọng nịnh bợ:
“Ăn cùng đi, một mình tớ không giải quyết được hết chỗ này đâu. Với lại, ăn uống phải có cạ mới vui chứ.”
Tuy đơ như cây cơ nhưng Phong cũng xuôi lòng mà nghe theo lời An nói, nhai và nuốt một cách ngon lành. Một miếng, rồi hai miếng, ba miếng,... cứ thế cứ thế, Phong ngoan ngoãn há miệng chờ An đút cho miếng mới. Lúc đầu còn ngại và ngơ, cơ mà sau đó thì cậu ta đánh chén nhiệt tình chẳng kém gì An.
Xong xuôi bữa tráng miệng, đôi trẻ còn làm thêm mấy đợt ăn vặt nữa cơ. Hễ có gánh hàng rong hay chiếc xe đẩy nào đi ngang là Phong nhanh nhanh chóng chóng chạy ra mua mang vào để cả hai cùng thưởng thức. Nem chua, bánh tráng, kẹo bông,... không gì là không mua. Đến ngót nghét hai giờ chiều, bữa tiệc giảng hòa mới chính thức được kép lại, bạn An đã hoàn toàn tha thứ cho bạn Phong rồi đó.
“Ăn kiểu này vui nhờ Phong nhờ? Cứ như lẩu băng chuyền ý, cứ món nào đi qua là chén.”
Xoa xoa cái no căng, An hăng say tán dương phong cách ăn mới lạ bản thân vừa nghĩ ra. Trái lại vì bụng quá đầy, Phong bỗng dưng lại ngại nói chuyện, chị ầm ừ đồng ý cho xong:
“Ờm... Ợ...”
Ăn xong là phải dọn, điều này với An từ lâu đã trở thành thói quen mất rồi. Chính thế nên khi thấy Phong có ý định để mặc đống rác này mà cắp cặp đi thẳng, An liền nhăn mặt bất bình ngay. Cơ mà con bé chưa kịp mở miệng ra nhắc, cả hai đã bị ai đó từ trong ngồi nhà kia đi ra và tặng cho đôi phát gõ vào đầu.
“Không dọn đi mà còn định đi đâu hả? Vì nghĩ “Trời đánh còn tránh bữa ăn” nên bác mới để yên cho chúng mày đánh chén nãy giờ đấy. Chứ ngồi trong nhà nhìn ra, bác thấy hết cả rồi.”
Rõ là không có ý xấu như bác nam đó nói nên nghe xong An vội ấm ức lên tiếng thanh minh:
“Không đâu ạ, cháu quả thực đang định dọn đó bác. Có mỗi bạn kia...”
Gương mặt nhăn nhó, An chỉ vào Phong muốn nói rõ sự thật. Ngờ đâu lời còn chưa xong, An đã thấy trình ình trước mặt mình cái chổi cán dài rồi.
Đưa cho đôi trẻ một chổi một hót, bác ấy dứt khoát ra lệnh:
“Không phải trình bày. Nhân danh tổ trưởng khu phố, bác phạt chúng mày quét sạch từ đầu đến hết đoạn đường này ngay lập tức. Làm xong bác ra kiểm tra, sạch mới được tha.”
“Ơ nhưng bác ơi,... bác ơi...”
Dứt lời, bác ấy liền thẳng lưng quay gót bước vào trong nhà, bỏ ngoài tai những lời kêu gào tha thiết của cô gái nhỏ. Trước lúc khuất sau cánh cổng, bác tổ trưởng kia còn cố trêu đùa thêm một câu như sau:
“Bác tạo điều kiện cho hai đứa được ở lâu lâu cùng nhau thế còn gì.”
Phong nghe xong liền bụp miệng cười và mở lời an ủi cô bạn đặc biệt:
“Thôi, vận động một chút cho dễ tiêu cũng tốt.”
Nhưng An không nghe, giậm giậm chân xuống đất, con bé hậm hực nói:
“Tớ thực sự không xấu như cậu. Tớ đã định gọi cậu ở lại dọn rồi đấy chứ. Thế mà bác ấy chẳng thèm nghe tớ thanh minh gì cả. Bác ấy không tin tớ.”
Mặt mũi đã sớm tối sầm vì lời đầu An nói nhưng vì muốn xoa dịu nỗi ấm ức trong con bé nên Phong vẫn gắng nhận nhịn. Đặt tay lên vai An, cậu nhìn thẳng vào đôi mắt nâu của con bé và dõng dạc bảo
“Tao tin mày.”
Phong vừa dứt, An cũng ngưng kêu la bất bình ngay tức thì. Vì câu nói kia, quả có ý nghĩa với An lắm đấy. Rằng Phong không chỉ tin con bé ở mỗi chuyện cỏn con này đâu, mà trong cả những vấn đề lơn lớn nữa, cậu cũng sẽ không nghi ngờ con bé. Và chỉ cần thế thôi, cũng đủ để An có thêm động lực tiếp tục đơn phương cậu bạn thêm lâu lâu nữa rồi.
Khuôn miệng cười toe, An híp mắt gật đầu với niềm vui sướng đang lâng lâng trào dâng.
“Có cậu làm cùng thì tớ quét thêm mấy khu phố nữa cũng được.”
Nói thế thôi, chứ đôi trẻ vừa chấp hành xong hình phạt, cũng là lúc giày của An toạc đế ra rồi. Thấy hai đứa đã nghiêm túc hối cải và đường phố cũng đã được quét sạch tinh tươm, bác nam kia mới tặng cho An đôi dép tổ ong coi như là quà. Cơ mà An xin phép từ chối vì con bé đã có tài xế riêng đây rồi.
“Cháu cảm ơn bác nhưng cháu không nhận đâu ạ.”
Quay sang Phong, An nghiêng đầu nói tiếp:
“Cậu cõng tớ về nhớ. Ban nãy cậu cũng muốn thế còn gì.”
Toàn thân đã sớm mệt đến rã rời nhưng Phong vẫn muốn vâng lời Bảo An. Còng lưnv xuống trước mặt cô bạn, Phong vô thức cười một cách không kiểm soát rồi nói:
“Chào bác đi rồi về.”
Nhớ lại ngày trước cõng An, Phong đã mặt nặng mày nhẹ và bắt con bé phải khóa chặt cái miệng lắm điều nhiều chuyện lại. Giờ thì khác, cậu cảm thấy phải được nghe tiếng An léo nhéo bên tai thì mới có thêm sức lực mà vác cái cục nợ này về. Tâm trạng thoải mái, đoạn đường với Phong vì thế cũng trở nên ngắn hơn rất nhiều. Chẳng mấy đã đặt chân tới đầu ngõ nhà An.
Trước lúc thả con bé xuống, Phong khé ngoái đầu lại và dùng tất cả tấm chân tình của mình để nói cho An hiểu một điều thế này:
“Lúctrước, tao chỉ nghĩ tới mày như một người bạn của Băng thôi. Nhưng đã từ lâu rồi,với tao, Băng chỉ là bạn của mày.”