Mùa hè năm ấy, Ngô Tiếu Thiên vừa phải tranh thủ viết luận văn tốt nghiệp vừa phải bận rộn lo chuyện công ty, anh bận đến bù đầu bù cổ. Có hôm anh phải chạy mấy nơi, về đến nhà mệt đến nỗi lăn đùng ra ngủ.
Một hôm, sau khi đến thư viện trường cũ tra tài liệu xong, anh phải vội vàng chạy đến công ty, xong bụng đói cồn cào, anh tạt vào một quán mì ngay cạnh cổng trường ăn vội một tô mì. Lúc anh cầm đũa định ăn, đột nhiên nghe giọng đặc sệt tiếng miền Nam của một cô gái, cô cuống quýt giục ông chủ tiệm: “Ông chủ, làm gấp cho cháu một tô mì xào Bắc Kinh, bỏ nhiều cay, cháu phải ăn gấp để còn tranh thủ đến lớp.”
Ngô Tiếu Thiên bất giác ngẩng đầu lên nhìn cô gái ấy. Cô có dáng người cao ráo, khuôn mặt tròn trịa, vừa nhìn đã biết cô là dân miền Nam với gương mặt nhỏ nhắn, xinh xắn, nước da trắng ngần thanh tú. Lúc đó, sau lưng cô gái còn mấy người đứng xếp hàng ở đấy, họ vừa nghe cô nói xong đã nhốn nháo hẳn lên:
“Cô gấp lên lớp, tụi tui không gấp à?”
“Ngoan ngoãn xếp hàng đi!”.
Ngô Tiếu Thiên nhìn vào tô mì của mình, vẫy cô đến, nói với cô: “Cô bạn, nếu cô không ngại, cô có thể ăn trước tô mì của tôi, tô mì này tôi chưa đụng đũa đâu.”
Cô gái bưng tô mì lên hít hà, rồi cho nửa hũ tương ớt vào, vừa xuýt xoa vừa ăn một cách ngon lành, không hề khách sáo.
Ngô Tiếu Thiên phải đi xếp hàng. Mấy tên con trai cười trêu anh: “Anh bạn này, xem ra anh ga lăng quá nhỉ”.
Cô gái ăn xong tô mì, lau miệng hỏi Ngô Tiếu Thiên: “Này, điện thoại anh số mấy?”.
Ngô Tiếu Thiên: “Chẳng phải cô ăn xong rồi sao? Sao không tranh thủ đến lớp đi?”
Cô gái nói: “Anh không cho em số điện thoại, thì lần sau làm sao em mời anh được?!”.
Ngô Tiếu Thiên đưa số điện thoại của mình cho cô gái. Sau đó, anh cũng quên béng ngay chuyện này.
Không ngờ hai ngày sau, vào lúc xế chiều, Ngô Tiếu Thiên đột nhiên nhận cuộc điện thoại của cô gái ấy gọi đến, cô muốn mời anh đi ăn.
Lúc đó đúng vào giờ tan sở, Ngô Tiếu Thiên nghĩ buổi tối anh muốn chỉnh sửa xong chương cuối cùng của luận văn, tuần sau nộp cho thầy hướng dẫn. Anh đang do dự, tìm cách từ chối. Nhưng cô gái nói: “Vậy nhé, 7 giờ em đợi anh ở trước cổng trường, em sẽ đợi anh cho bằng được đấy.”
Ngô Tiếu Thiên nhìn đồng hồ, đã 6 giờ 15 phút, anh bèn kêu một chiếc tắc-xi chạy đến truờng học. Trên đường đi anh thấy có chút đường đột, mình làm sao vậy, chẳng lẽ chỉ vì một bữa cơm tối sao? Cả tên cô ấy anh còn chưa biết mà!.
Bữa cơm rồi cũng xong, chưa tới hai tiếng đồng hồ, mọi việc diễn ra suôn sẻ, cô gái ấy hoạt bát, thông minh, cô nhanh chóng xóa tan mọi mệt mỏi mấy ngày nay của anh. Tối đó, anh ăn rất ngon, còn uống hai ly rượu, về đến nhà, anh cũng chẳng buồn ngó đến luận văn cứ thế lăn ra ngủ.
Cô gái ấy tên Trần Thu Địch, lưu học sinh từ Đài Bắc sang.
Cha cô vốn người Hồ Nam, là một quân nhân danh tiếng, gần năm mươi tuổi mới lấy một cô gái miền trung Đài Loan chính gốc về làm vợ, đó là mẹ của Thu Địch. Cha của Trần Thu Địch về già thường hay nhớ nhà, thế là ông đưa cô về Đại lục học. Cô theo học Quản trị kinh doanh, ngành học mà bằng cấp của nó không được hoan nghênh ở Đài Loan. Lúc đó khi đến Đại lục, cô chẳng nghĩ gì đến tương lai của mình, chẳng qua là cảm thấy vui vẻ, mới mẻ mà thôi.
Trần Thu Địch từ nhỏ đã được cha cưng chiều, bề ngoài trông rất dịu dàng, nhưng bên trong lại rất hiếu thắng, bất cần.
Sau khi dọn về ở chung với Ngô Tiếu Thiên, động một chút là Thu Địch nhõng nhẽo như tiểu thư, Ngô Tiếu Thiên chỉ có cách chiều theo ý cô. Nhưng sau khi mọi việc qua đi, cô lại cực kỳ ôn hòa dịu dàng.
Ngô Tiếu Thiên cũng nhận ra rằng, bỏ Trần Thu Địch thì thương mà vương thì tội, cuộc đời anh chắc sẽ khổ sở, thê thảm vì cô mất.
Không lâu sau đó, Trần Thu Địch tốt nghiệp, Ngô Tiếu Thiên hết lòng khuyên cô nên quay về Đài Loan lập nghiệp. Trần Thu Địch khăng khăng không muốn quay về, cô nói Đài Loan nhỏ quá, cô muốn đi Mỹ. Ngô Tiếu Thiên hết sức ngạc nhiên. Anh nhớ 5 năm trước Hà Như cũng sang Mỹ. Mỹ với chả miếc, nó có cái quái gì mà thu hút biết bao cô gái thế nhỉ? Lẽ nào đàn ông bên ấy có sức hấp dẫn đến thế sao? Anh tiếp xúc với đàn ông Mỹ không nhiều, gần như không.
Trong ý thức của anh, nước Mỹ giống trại tị nạn của người Hoa hơn là chốn thiên đường.
Trần Thu Địch đã muốn đến Mỹ, Ngô Tiếu Thiên cũng đành chấp nhận. Cô muốn đến một trường đại học danh tiếng ở Mỹ học MBA, nhưng sẽ rất chật vật nếu chỉ dựa vào số tiền ít ỏi của cha mẹ Trần Thu Địch. Tuy cô có hộ chiếu “Trung Hoa Dân Quốc”, làm visa đến Mỹ dễ dàng hơn nhiều so với lưu học sinh Đại lục, nhưng nếu không có tiền học bổng thì học phí, sinh hoạt phí một năm 20.000 đô đâu phải chuyện nhỏ.
Ngô Tiếu Thiên làm việc gần sáu năm trời mới tích cóp được hơn hai trăm ngàn nhân dân tệ. Cuối cùng, Ngô Tiếu Thiên cũng nói thẳng với Trần Thu Địch, anh đồng ý lấy toàn bộ số tiền anh tích góp mấy năm nay cho Trần Thu Địch đi du học, yêu cầu duy nhất là sau khi cô học xong phải quay về nước, cùng gầy dựng sự nghiệp với anh.
Ngô Tiếu Thiên nghiêm trang nói: “Em cũng biết đấy, anh xuất thân từ một vùng hẻo lánh ở Triết Giang... anh đền không nổi đâu!”.
Trần Thu Địch đồng ý.
Lúc mới đến Mỹ, hầu như ngày nào cô cũng gọi điện thoại cho anh, sau nửa năm, một tháng cô chỉ gọi một lần. Họ nói với nhau toàn những chuyện vụn vặt không đâu.
Cũng đúng ngay lúc đó, công ty nước ngoài nơi Ngô Tiếu Thiên làm việc có rắc rối với một công ty Đức, doanh thu giảm 50%, công ty bắt đầu cắt giảm nhân viên. Ngô Tiếu Thiên vẫn giữ chức cũ nhưng thu nhập bị giảm đi một nửa. Sau đó một năm, Trần Thu Địch đột nhiên cắt đứt quan hệ với anh, khiến anh khốn đốn đủ bề. Anh gọi điện thoại cho cha mẹ Trần Thu Địch ở Đài Loan, họ nói lâu lắm rồi con gái họ không có liên lạc với họ.
Ngô Tiếu Thiên không biết Trần Thu Địch như thế nào. Anh nhớ lại Hà Như lúc đầu cũng thề thốt chân thành lắm, nhưng còn đỡ hơn Trần Thu Địch bạc tình bạc nghĩa này. Anh thấy hối hận để vuột mất tình đầu.
Sau đó anh tốn mất một năm trời để thi TOEFL và GRE, liên hệ với Đại học C California, cuối cùng anh cũng được chấp nhận. Anh cảm thấy bây giờ mình ra đi như thế này không khác nào một tên lưu manh, nếu Hà Như gặp không biết trong lòng cô sẽ suy nghĩ gì.
Nhưng anh ở lại trong nước cũng không ngẩng đầu lên được, bạn bè ai cũng biết chuyện anh ăn ở với Trần Thu Địch suốt hai năm trời, chỉ chưa đưa nhau đến Phòng dân chính mà thôi.
Trước khi gởi mail cho Hà Như, anh đã suy nghĩ rất lâu, nhưng cuối cùng anh cũng gởi đi, nói hết suy nghĩ của mình. Không ngờ mới đến Los Angeles, Hà Như cũng tạt cho anh một gáo nước lạnh, anh đã tỉnh ngộ rất nhiều. Từ lúc Hà Như đưa anh từ sân bay Los Angeles đến nơi ở, anh không dằn được lòng mình lại nhớ đến Trần Thu Địch.
Anh nghĩ, thảo nào Trần Thu Địch sau khi đến Mỹ lưu lạc không biết tăm tích, thực ra nước Mỹ không phải là một mảnh đất màu mỡ mà là một ngôi sao đã tắt.
Chính lúc đó, trái tim anh như vỡ ra. Khi anh nhìn Hà Như quay xe gấp rút lao đi, anh cảm giác mạch máu mình bị vỡ. Anh hiểu rất rõ, cho dù anh và Hà Như có tịnh tâm ngồi lại, họ cũng khó có thể nói chuyện một cách vui vẻ được.
Đêm hôm đó, anh không tài nào ngủ được, không phải do sự chênh lệch về thời gian mà là vì cảm giác mất mát không hiểu vì đâu. Anh nghĩ, rốt cuộc anh đã mất những gì nhỉ?