Nơi nào có sự cạnh tranh, nơi ấy tồn tại lời đồn thổi.
Cảnh nữ sinh của học viện ra vào có xe đưa xe đón nhìn mãi cũng thành quen.
Trong số những người được đưa đón đó có một sinh viên khoa Văn, quan trọng nhất
là cô gái ấy nhan sắc chẳng có gì để tự hào. Đây chẳng phải là điều đáng chú ý
sao.
Ai mà không biết đến chuyện trâu già cỏ non của bọn họ chứ? Bộ dạng õng ẹo,
giọng nói lả lướt, mói trúng tuyển, diện mạo không phải thứ đáng bàn, chỉ có một
ưu điểm là rất chăm chỉ... đúng là nô lệ của công việc!
Ánh mắt ngưỡng mộ, ghen tỵ lẫn căm hận đã hoàn toàn phớt lờ tin đồn về hai
nhân vật chính, một là vị đại thúc não không ngô nghê, hai là người khí chất
xuất chúng tuyệt đối bên cạnh.
Đối với một bộ phận mà nói, họ chỉ tin vào những gì mình muốn tin, dù có
người nói nam nữ chính kia đã lấy đăng ký kết hôn rồi, thì đã làm sao? Nhất định
là cuộc sống của nữ chính tốt, nam chính bị mê hoặc, nếu không tại sao đầy hoa
thơm cỏ lạ, mà anh ta đến liếc mắt một cái cũng không thèm?
Nghe xong những lời đồn thổi ấy, Chu Quân phẫn nộ vô cùng. Trọng điểm anh ta
quan tâm không phải là việc người ta đồn đại về quá trình mình và Khánh Đệ sống
chung, sau đó bị cô vứt bỏ vì được ông chủ mỏ than bao nuôi, rồi cuối cùng thăng
chức thành vợ. Mà điều khiến anh ta tức giận là sự vô tri của đám người kia!
Khuôn mặt bình thường của Hân Địch cùng với sự trợ giúp của nhân viên hóa trang,
thể hiện xuất sắc thế nào dưới ánh đèn cao áp, chỉ con mắt của nhiếp ảnh gia
chuyên nghiệp mới có thể nhận ra.
Làn da tương đối nhẵn, khuôn mặt rất châu Á, hợp tiêu chuẩn, thân hình với tỉ
lệ đẹp nhất, không cần bất cứ kỹ thuật nào, cũng thể hiện được một cách hoàn mỹ
nhất yêu cầu của nhiếp ảnh gia qua ánh mắt. Khí chất trời ban của cô còn chưa
được khai thác thì đã bị lụi tàn trong tình yêu rồi.
Anh ta tức tối, bất bình vì Khánh Đệ bị hủy hoại dung mạo. Thực ra từ lúc
những lời đồn thổi bắt đầu cho tới khi kết thúc, đương sự chẳng hề quan tâm.
Có thể nói, năm mang thai Bác Nghiệp là thách thức lớn nhất trong cuộc đời
Khánh Đệ. Dù có bà với kinh nghiệm phong phú hướng dẫn, có hai người mẹ ở bên
giúp đỡ, nhưng bào thai trong tử cung hít hết dưỡng chất rồi dần phát triển
thành người, nỗi vất vả khổ sở trong quá trình ấy chỉ mình cô mới hiểu.
Sau khi kết hôn, vai trò xã hội của cô càng thêm nặng nề. Là người vợ, tình
yêu và Khương Thượng Nghiêu chính là lý do để gia đình tồn tại. Là người mẹ, mỗi
ngày cô đều phải trải nghiệm sự vất vả và niềm tự hào khi nuôi dạy con cái. Còn
thân làm phụ nữ, cô lại hy vọng có thể kiên trì theo đuổi giấc mơ của mình, một
ngày nào đó trong tương lai, cô sẽ có được cảm giác thành công khi mục đích trở
thành hiện thực.
Mẹ cô quay về quê chăm sóc cho mẹ con Ái Đệ, nhưng bà và mẹ chồng vẫn luôn ở
cạnh Khánh Đệ, còn cả y tá nữa. Quan trọng nhất là có lao động cần cù Khương
Thượng Nghiêu, vì vậy cô có sự hậu thuẫn lớn về mặt kinh tế. Ba năm học thạc sỹ,
Khánh Đệ không chỉ nhận được lời khen ngợi của giáo viên hướng dẫn, mà còn có
được sự chấp thuận và công nhận của bạn bè học chung. Cô đã hoàn thành kịch bản
cho ba bộ phim truyền hình, dù số tiền trả cho kịch bản bị Khương Thượng Nghiêu
cười chê.
Điều khiến Khánh Đệ phiền lòng nhất là tính cách của Bác Nghiệp đã bắt đầu
hình thành. Nó giống như một ông cụ non nghiêm túc, trầm lặng có thừa mà hoạt
bát lại quá thiếu. Theo lời bà thì nó giống như ông, ông của Khương Thượng
Nghiêu năm ấy trốn nạn binh đao từ Hà Bắc tới Tế Tây, không mang theo thịt và
lương thực khi đi chạy nạn mà đem một chồng sách gia truyền và đống công cụ. Bà
nhớ lại chuyện cũ, vui vẻ kể rằng khi ông lấy bà đã phải bán đi viên đá cuối
cùng mới sắm đủ của hồi môn, tự lập nghiệp. Gen di truyền của nhà họ Khương quá
mạnh, Khánh Đệ đau đầu không biết làm thế nào mới khiến khuôn mặt anh tuấn nhưng
lạnh lùng như cha nó kia trở nên ngây thơ trong sáng hơn, dù chỉ là một nụ cười
ngây ngốc thôi cũng được.
Đối với một người tham lam mà nói, có tất cả những thứ đó, Khánh Đệ tự cảm
thấy mình thật hạnh phúc. Vì sự chăm chỉ cần cù và cô đơn lạnh lẽo của lao động
chính trong nhà, cô cũng nên bỏ ra thứ gì đó mới phải.
Khánh Đệ chủ động bàn với Khương Thượng Nghiêu dự định sau khi tốt nghiệp, cô
muốn quay về Tế Tây, định tìm một công việc biên kịch trong đài truyền hình
tỉnh. Khương Thượng Nghiêu kinh ngạc, nếu luận về văn hóa hay tài nguyên, cả sức
ảnh hưởng nữa, thì Bắc Kinh chiếm ưu thế hơn bất kỳ địa phương nào khác. Anh còn
tưởng Khánh Đệ không nỡ quay về, vì vậy càng đến ngày Khánh Đệ chuẩn bị tốt
nghiệp, anh càng không muốn động tới vấn đề nhạy cảm này.
Sắp tốt nghiệp, Học viện Điện ảnh yêu cầu sinh viên mỗi khoa làm một đoạn
phim ngắn tầm ba mươi phút, và kịch bản của Khánh Đệ đã được chọn.
Kịch bản của cô kể về chuyện một người phụ nữ ly hôn xong mới biết mình có
thai ở cùng nhà với một cô gái chưa chồng mà có thai, kể về từ sự hiểu lầm ban
đầu tới sau này họ nương tựa giúp đỡ lẫn nhau. Vai phụ có người chồng trước của
thiếu phụ và người bạn trai thiếu trách nhiệm của thiếu nữ, còn thêm cả bà chủ
nhà trọ nữa.
Bà Khương đảm nhận một vai phụ trong bộ phim đó, mặc dù từ đầu đến cuối chỉ
có ba câu đối thoại, nhưng cũng vui tới mức cả đêm không ngủ được, đọc thầm đi
đọc thầm lại cho nhớ.
Hôm nay Khương Thượng Nghiêu vội trở về nhà từ Vấn Sơn, nơi nào có mẹ của các
con mình thì nơi đó là nhà. Sau khi về nhà thì phát hiện trong nhà chỉ có cô bảo
mẫu. Bà, mẹ, vợ đến cả hai cô y tá, cả đoàn người sớm đã đến nơi quay phim
rồi.
Anh vội vàng đi đến, đúng lúc mẹ anh xuất hiện trước ống kính. Bà chủ nhà trọ
đang đứng trước cửa nhà chặn người chồng trước của thiếu phụ lại, chửi bới đuổi
anh ta ra ngoài, rồi lên lầu thu tiền trọ.
Nhị Hóa trợn mắt, khen ngợi: "Diễn hay quá".
Khương Thượng Nghiêu nhớ tới cảnh bị cây cán bột của bà nện hồi nhỏ, da đầu
tê tê. Bà chủ phòng trọ đang lên cơn không thể nhìn thẳng, ánh mắt anh chuyển
hướng tìm vợ, kết quả là thấy Khánh Đệ cao cao đứng trong đám người sau máy quay
đang ngã ngất ra đất.
Diễn xuất của bà Khương không đạt, "again" vô số lần, Khánh Đệ đứng quá lâu
dưới ánh nắng mặt trời oi ả, không chịu được phải vào bệnh viện.
Được tin Khánh Đệ lại mang thai lần hai, Chu Quân nhớ tới những nốt tàn nhang
leo đầy lên mũi và hai má Khánh Đệ mà rùng mình.
"Hân Địch, em ba mươi rồi, không phải hai mươi, hình tượng thiếu nữ nổi mụn
dậy thì không còn hợp với em nữa." Phùng Thiếu Hàng lải nhải, Chu Quân đồng
tình.
"Còn cả cái eo này! Anh phải tốn bao nhiêu công sức mới giúp em giảm béo!" vẻ
mặt Phùng Thiếu Hàng đau khổ chau mày, cứ như người phải vào địa ngục giảm béo
là anh ta không bằng.
"Nhìn, nhìn mắt em đi." Khánh Đệ cố gắng tỏ ra trịnh trọng, nhưng không thể
khống chế được cơn buồn cười.
Mắt cô tràn ngập hạnh phúc.
Chẳng biết có phải khi dậy thì tâm hồn cô thiếu sự ấm áp của gia đình không,
mà hai chị em nhà họ Thẩm vô cùng yêu trẻ con.
Khánh Đệ còn có thể sinh lần hai, cùng lắm chịu phạt là xong, Ái Đệ thì không
được. Hắc Tử rất yêu chiều vợ con, nhưng cũng yêu công việc, vì vậy hai vợ chồng
anh chỉ có mình Khu Đường Đường.
Ban đầu hai ông bà Khu có vẻ không vui, nhưng mỗi lần nhắc tới chuyện này, Ái
Đệ lại lập tức hùa vào phụ họa, thậm chí còn nói Hắc Tử bỏ việc về cô nuôi. Hai
vợ chồng già không có chỗ để giải tỏa, đành mang con trai ra trút giận, cằn nhằn
nhiều, con trai lấy cớ bận việc, không buồn về nhà. Hai ông bà già lúc ấy mới
chịu thôi.
Chấp nhận hiện thực cả đời này chỉ có một cô cháu gái, Đường Đường trong mắt
họ rõ ràng là bảo bối, lại thêm Khánh Đệ hai lần sinh đều không sinh được con
gái, nên rất thương yêu Đường Đường miệng lưỡi dẻo quẹo ngọt như mía lùi. Vị trí
của Khu Đường Đường sớm đã vượt qua cả trưởng tôn Khương Bác Nghiệp nhà họ
Khương rồi.
Khương Bác Nghiệp lúc nào cũng rất điềm đạm, theo như lời mẹ nó thì chính là
"Sụp đổ rồi, vẻ mặt trầm ngâm sao có thể xuất hiện trên người đứa trẻ tám
tuổi?".
Khương Bác Nghiệp cảm thấy bị cướp mất vị trí sủng ái có gì là ghê gớm, đôi
co với tiểu nha đầu để làm gì, chỉ em trai Quảng Nghiệp thỉnh thoảng mới nổi
hứng ghen tỵ. Quảng Nghiệp là đứa trẻ hòa đồng, không thù dai. Đường Đường chỉ
cần cười híp mí cho nó quả dâu cái bánh, nó lập tức thay đổi lập trường.
Tình cảm ba anh em rất tốt, đặc biệt là Bác Nghiệp và Đường Đường. Hai đứa
cùng học một trường tiểu học. Bố mẹ hai nhà cùng thống nhất quan điểm không được
chiều hư bọn trẻ, vì vậy bắt đầu từ năm lớp một, Bác Nghiệp đã bắt đầu phải quen
với cảnh sau khi tan học đứng ở cửa lớp em gái đợi Đường Đường cùng về.
Con gái đều như thế, lằng nhằng rắc rối, còn không được giục, giục là họ mất
vui, nói bạn tính khí không ra gì, không yêu họ nên mới không kiên nhẫn. Có thời
gian cuống quýt sốt ruột thì hãy dùng thời gian đó để liếc xem trong lớp có bạn
gái nào vừa mắt hay không - điều một trong nhật ký trưởng thành của Khương Bác
Nghiệp.
"Khương Bác Nghiệp, sao hôm qua anh không đợi em? Làm em tìm anh khắp
nơi."
Sáng sớm cuối tuần, Khu Đường Đường lao vào nhà hét lớn.
Không gõ cửa thì cũng thôi, "Đóng cửa vào".
"Anh đang làm gì?" Ban ngày ban mặt đóng cửa rõ ràng đang làm chuyện xấu! Khu
Đường Đường tò mò, "Đây là cái gì?".
"Tôn Ngộ Không." Khương Bác Nghiệp cúi đầu tiếp tục nặn đất, "Hôm qua anh nói
với Tôn Viện Viện có việc về trước, bạn ấy không nói lại với em à?".
"Đáng ghét, em không thích Tôn Viện Viện, anh nặn thêm cái nữa đi!" Khu Đường
Đường quên mất cả dự định ban đầu là tới tìm anh họ hỏi tội.
"Em tránh ra một chút, đừng làm đổ nguyên liệu." Khương Bác Nghiệp lườm em
một cái, "Ai nói tặng em?".
"Anh Bác Nghiệp, anh thật khéo tay." Chỉ trong nháy mắt, Tôn Ngộ Không đã
đứng một chân rất tài, tay che trán, mắt nhìn ra xa, thần sắc hoạt bát sống
động. Khu Đường Đường mắt lấp lánh, cười xinh đẹp, "Trước kia sao em không phát
hiện ra nhỉ?".
"Nói năng thận trọng, làm việc nhanh nhạy." Khương Bác Nghiệp miệng nhắc lại
lời mẹ, mắt cảnh giác liếc nhìn em gái.
Con gái mà đã cất lời khen chắc chắn là muốn trao đổi thứ gì đó, giống như mẹ
mình, khen mình xong, liền bảo mình đi rửa xe, đến tiền công cũng chẳng trả -
điều thứ hai trong nhật ký trưởng thành của Khương Bác Nghiệp.
Quả nhiên, "Anh Bác Nghiệp, em thích nhân vật hoạt hình Tony Tony Chopper,
tốt nhất là cầm kim tiêm cưỡi tuần lộc, đúng rồi, mũi nhất định phải là màu
hồng!".
"Em cũng thích Chopper." Giọng nói trẻ con yếu ớt vang lên ở cửa.
"Quảng Nghiệp, vào đây." Khu Đường Đường chẳng chút tự giác về thân phận làm
khách của mình.
Một tai họa còn chưa đi, tai họa khác lại tìm đến, đang định hoàn thành Tôn
Ngộ Không vào buổi sáng nay cơ, xem ra ảo tưởng rồi.
Nhưng thấy cậu em trai năm tuổi bước đôi chân múp míp về phía mình, Khương
Bác Nghiệp đột nhiên chẳng còn cáu nữa. "Đợi anh làm xong sẽ làm Chopper. Hai
con."
Mong muốn thành sự thật, Đường Đường cười híp mí, nghĩ đến chuyện hôm qua,
hỏi: "Anh nói với Tôn Viện Viện à? Xí, con bé háo sắc, chắc chắn lại nghệch ra
nhìn anh nên chẳng để ý gì".
Nhớ lại cảnh hôm qua Tôn Viện Viện chăm chú nhìn mình, ngẩn ngơ, chỉ thiếu
nước cho ngón tay cái vào miệng ngậm nữa thôi, Khương Bác Nghiệp trịnh trọng gật
đầu tỏ ý tán đồng.
"Còn chưa nói, hôm qua anh đi đâu làm gì?"
Nhân lúc hai người không chú ý, Khương Quảng Nghiệp thò tay sờ vào đất nặn,
tự cảm thấy hai người đó chẳng quan tâm tới sự tồn tại của mình, lúc này nghênh
mặt nói với anh, "Hôm qua em khóc".
"Ai hỏi anh? Có ngày nào anh không khóc?" Đường Đường bẹo má Quảng
Nghiệp.
"Em khóc thật mà! Anh, hôm qua em nghe mẹ nói, muốn sinh cho chúng ta một em
gái." Khương Quảng Nghiệp nhếch miệng ra.
Khu Đường Đường chớp mắt, miệng há hốc nhìn anh trưởng nhà họ Khương, Khương
Bác Nghiệp cũng há miệng, có thể nhét vừa quả trứng gà.
"Em nhớ cụ quá." Năm ngoái sau khi cụ qua đời, Khương Quảng Nghiệp luôn có
cảm giác mình bị ức hiếp, nên vô cùng thương nhớ cụ. "Em muốn bỏ nhà đi."
Khương Bác Nghiệp tức giận dọa em trai: "Em dám! Anh sẽ bán em đi để mua cơm
ăn!".
Nước mắt của Khương Quảng Nghiệp vội vàng ngưng lại, "Vậy em... vậy em...".
Nó không nghĩ ra nên làm thế nào.
Trên thực tế, tối hôm trước Khánh Đệ có nói với chồng rằng dạo này thấy cơ
thể là lạ, kết hôn tám năm rồi, đã trải qua hai lần kinh nghiệm, song vẫn không
dám chắc, dù gì cũng đã ba mươi sáu tuổi. Khương Thượng Nghiêu hoảng sợ hơn là
vui mừng. Nhiều tuổi mà sinh đâu phải chuyện đùa, dù có bỏ đi cũng rất hại sức
khỏe. Đặc biệt anh nghe như vợ đang mong chờ có thai, nếu cứ nhất định muốn sinh
cho anh một cô con gái, thì đúng là anh cũng không thể ngăn cản... nhưng lại
nghĩ, nếu hơn bốn mươi rồi mà còn làm bố, thì cũng là việc đáng vui mừng.
Lòng Khương Thượng Nghiêu thấp thỏm, không biết nên buồn hay vui, có điều sức
khỏe của vợ vẫn quan trọng hơn, vì vậy sáng sớm cuối tuần, hai người đến bệnh
viện kiểm tra.
Hai vợ chồng không để ý, Quảng Nghiệp chạy vào phòng bố mẹ đòi ngủ cạnh mẹ
căn bản không ngủ, đã nghe hết chuyện.
Khương Bác Nghiệp vò đầu, một mình Quảng Nghiệp đã đủ phiền rồi, giờ lại thêm
một con bé hay khóc nữa... Em trai nói xong bộ dạng nghiêm túc như đang bảo vệ
lãnh thổ của mình, Bác Nghiệp cũng không biết nên khuyên nhủ em ra sao, lẽ nào
nói: "Quảng Nghiệp, anh dạy em cách thay bỉm và cho em bé ăn sữa nhé?".
Quảng Nghiệp còn đang đợi để khóc kia kìa.
Khương Bác Nghiệp làm bộ làm tịch ho một tiếng, đúng lúc ấy bà ở ngoài phòng
gọi ra ăn cơm, nó thầm kêu lên cứu tinh đến rồi.
Ăn cơm trưa xong, em trai đã quên chuyện được yêu chiều và hạnh phúc hay
không hạnh phúc, Khương Bác Nghiệp lại có đối sách. Nó kéo Đường Đường vào
phòng, tiếp tục hoàn thành sản phẩm vừa nói với em gái.
"Hôm qua... ông cụ mà lần trước anh kể lại đến tìm anh."
Khu Đường Đường đứng lên, "Ông anh?".
Chỉ nghe suỵt một tiếng, con bé quay đầu nhìn ra cửa phòng, rồi lại ngồi
xuống, khẽ tiếng hỏi: "Nói gì?".
Khương Bác Nghiệp vào lớp một đã không cần bảo mẫu và xe đưa đón, cũng bắt
đầu từ đấy luôn có một ông cụ tướng mạo uy nghiêm, nụ cười nhân từ xuất hiện,
thường tới tìm nó sau khi tan học.
Lần đầu tiên nó rất cảnh giác, chỉ đứng bên đường cạnh trường học nói với ông
cụ vài câu. Nghe ông cụ nói khi nó lên bốn đã gặp nó rồi, Khương Bác Nghiệp có
ấn tượng rất mơ hồ. Sau đó còn có lần thứ hai lần thứ ba, vào quán cà phê uống
trà, hoặc ăn pizza, còn có một lần đến Ken Hutchison. Ông cụ nói có chút hiểu
lầm với bố nó, khuyên nó không nên kể với người khác, Khương Bác Nghiệp mới tí
tuổi đầu đã có cảm giác kích thích khi làm việc mạo hiểm, ví như gián điệp. Hơn
nữa ông cụ cũng hiểu biết nhiều, có lần còn nói với nó về sự hình thành và tiến
hóa của mặt trời, Khương Bác Nghiệp rất thích thú.
Lần này ông cụ nói Chủ nhật là lễ mừng thọ của mình, muốn mời anh bạn nhỏ tới
Nguyên Châu chơi, nếu tiện thì đưa theo cả em trai. Khương Bác Nghiệp sớm đã
biết được chút tin tức qua lời nói và hành động của bố kết hợp với biểu hiện của
ông cụ nên cũng đoán ra thân phận thần bí. Chỉ là nó tự nhận mình là đứa trẻ
ngoan, đến giờ vẫn chưa quyết là đi hay không, nếu đi thì phải giải thích với bố
mẹ thế nào, làm thế nào để được bố mẹ đồng ý?
Khu Đường Đường nói, "Nếu anh đoán sai thì sao? Không phải là ông anh, mà là
kẻ lừa đảo hoặc là người bắt cóc trẻ con, đúng rồi, còn có khả năng là kẻ thù
của bố anh! Hỏng rồi, trên ti vi thường chiếu như thế, bắt cóc sau đó chặt ngón
tay, gửi về cho bác trai đòi rất nhiều rất nhiều tiền, cuối cùng giết anh và
Quảng Nghiệp, chặt nát rồi ném xuống sông Tích Sa. Thảm rồi, sau này em ăn cá
không cẩn thận ăn phải hai anh thì làm sao?".
Khương Bác Nghiệp muốn lườm cô em một cái. "Em nói thẳng ra rằng em cũng muốn
đi là xong mà!"
Khu Đường Đường kiên quyết không thừa nhận, "Anh khẳng định đó là ông nội
anh?".
Khương Bác Nghiệp gật đầu, nó không thể xem chứng minh thư của bố, nhưng nhìn
bằng lái xe thì có lẽ cũng được.
"Chỉ là anh không biết phải nói với bố mẹ thế nào."
"Còn nói gì? Chúng ta cứ đưa Quảng Nghiệp theo là được." Khu Đường Đường càng
nghĩ càng thấy mình đúng là một mỹ nữ thiên tài. Con bé nắm chặt tay, đấm vào
ngực, nói: "Bị phát hiện thì đổ hết cho Quảng Nghiệp, nói là anh ấy muốn bỏ nhà
đi, chúng ta chỉ là không yên tâm, tiễn anh ấy một vòng thôi".
Khương Bác Nghiệp vờ trầm tư suy nghĩ, nhưng lòng thì reo lên "tuyệt quá". Nó
cũng đang định lên kế hoạch như vậy, có điều em họ đã đề nghị trước thì nó cũng
không lắm lời tranh công làm gì. Sợ sẽ cười ra miệng, nó bèn thận trọng quay
người về phía bàn học, "Vậy để anh làm xong Tôn Ngộ Không, tặng cho ông nội
đã".
Con gái không cần biết có đẹp hay không, nhưng trước tiên phải biết cách giả
vờ ngốc. Có điều thường xuyên bị mẹ chụp mũ giống như bố cũng là hiếm thấy. Tìm
một người vợ tốt như mẹ thật quá khó, trách nhiệm nặng nề - điều thứ ba trong
nhật ký trưởng thành của Khương Bác Nghiệp.