Tài liệu 1: Hành Trình Tìm Kiếm Thời Gian Đã Mất của Marcel Proust: Hướng Dẫn Đọc The Remembrance of Things Past Dành Cho Độc Giả - Patrick Alexander (1)
(1) Tên khác của sách, dịch thô là "Tưởng nhớ chuyện quá khứ"
"Đi tìm thời gian đã mất" là cuốn tự truyện giả tưởng được viết bởi một người đàn ông có cuộc đời gần như phản chiếu tiểu sử của Marcel Proust. Bốn mươi trang đầu miêu tả nhân vật tôi dưới hình hài một cậu bé nằm trên giường chờ đợi, và một người đàn ông trung niên nhớ về, nụ hôn chúc ngủ ngon của mẹ. Mặc dù độc giả lúc ấy còn chưa nhận ra nhưng bốn mươi trang đầu này đã thiết lập phần lớn chủ đề của bảy tập tiểu thuyết và giới thiệu đa số nhân vật quan trọng. Phần còn lại của truyện kể lại, theo trình tự thời gian, cuộc đời của Marcel trong năm mươi năm tiếp theo cũng như cuộc đời của người thân, bạn bè, và người quen của ông. Câu chuyện đi đến hồi kết ở một bữa tiệc long trọng tại Paris mà Marcel và phần lớn các nhân vật còn lại tham dự.
[...] Hai chủ đề lớn của truyện là khao khát trở thành nhà văn mà Marcel không đạt được và nỗi tuyệt vọng của ông với dấu vết bào mòn của Thời gian. Sự bào mòn này khiến tất cả cảm xúc và trải nghiệm của con người tan vào hư vô. Chính trong bữa tiệc kết thúc câu chuyện, Marcel cuối cùng đã hiểu ra những cảm xúc và trải nghiệm trong quá khứ không hề mất đi mà mãi luôn tồn tại trong vô thức. Những "kí ức" này có thể được giải phóng qua tác phẩm nghệ thuật, và chính bởi vậy ông tìm được cái nghề của mình: viết để Đi Tìm Thời Gian Đã Mất. Ở những trang cuối cùng, khi độc giả chuẩn bị đóng sách lại, tác giả vội vã về nhà để bắt đầu quá trình viết ra nó.
[...] Sự ngắn ngủi và Thời gian là những chủ đề thực sự của truyện, là cái mà Samuel Beckett gọi là "phương trình Proust... con quái vật hai đầu đại diện cho trừng phạt và cứu rỗi - Thời gian." Nói như vậy không phải để chỉ ra Proust có những "học thuyết" về thời gian mà ông muốn truyền tải. Trái lại, ông từng viết: "Một tác phẩm nghệ thuật mang theo học thuyết tựa như một món đồ còn để mác giá." Tuy nhiên, tiểu thuyết của ông có những chủ đề đặc trưng và "Thời gian" chắc chắn là một phần quan trọng.
Tất cả chúng ta đều chịu sự chi phối của thời gian và những thay đổi nó gây ra, từ lúc trẻ tới khi về già. "Bản thể" rất ngắn ngủi và luôn biến đổi; điều này đúng với bản thể của chính ta và "bản thể" của những người ta quen. Không chỉ con người mà cả sự vật và địa điểm cũng bị thời gian chi phối. "Nhà cửa, đại lộ, đường phố đều, trời ạ, tựa phù dung chóng nở tối tàn, giống như năm tháng vậy." Mỗi người trong chúng ta đều từng trải nghiệm cảm giác thất vọng khi trở về nơi chốn cũ thời thơ ấu để rồi nhận ra phép màu đã biến mất rồi. Những nơi mà ta nhớ đến không đươc đặt trong không gian, mà là thời gian. Trừ khi chúng ta có thể lại lần nữa trở thành đứa trẻ được lần đầu cảm nhận niềm vui và tình yêu có liên hệ mật thiết với những nơi chốn kia, nơi ấy đã biến mất mãi mãi rồi.
Mọi nỗ lực của con người đều bị Thời gian chế nhạo và huỷ hoại. Những sự kiện lịch sử vĩ đại bị nhầm lẫn và lãng quên cùng với dòng chảy Thời gian. Những giá trị xã hội thay đổi chỉ trong vài thập kỉ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thậm chí với tư cách là các cá nhân, chúng ta quên đi những chi tiết trong quá khứ của chính mình và gương mặt những người ta từng yêu quý. Thời gian làm tê liệt nỗi đau của ta trước cái chết của người thân thiết và khiến những đê mê của mối tình đã mất dần trở nên kiệt quệ. Ta quên nhanh biết bao: Thời gian chế ngự tất thảy.
Nhưng may thay, Thời gian có thể bị đánh bại. Nó có thể bị đánh bại qua quá trình hồi phục ký ức không tình nguyện (2), ví như vô tình nhúng miếng bánh con sò vào một tách trà. Nó cũng có thể bị đánh bại thông qua nghệ thuật.
(2) Xem Tài liệu 2
"Chỉ có nghệ thuật mới giúp ta vượt lên khỏi chính mình, giúp ta hiểu được người khác thấy gì trong một vũ trụ không giống với thế giới của ta. Nếu không có nghệ thuật, phong cảnh nơi ấy sẽ mãi là bí ẩn với ta, tựa như những vũ trụ tồn tại trên mặt trăng. Nhờ có nghệ thuật, thay vì chỉ ngắm một thế giới duy nhất, thế giới của chính ta, ta thấy thế giới nhân bản chính nó và có bao nhiêu nghệ thuật gia thì ta có trong tay từng ấy thế giới. Những thế giới này khác nhau còn hơn những cái đang xoay tròn trong không gian vô tận. Những thế giới ấy, dù là hàng thế kỉ sau khi ngọn lửa thắp lên ánh sáng đầu tiên cho nó đã lụi tàn, dù ngọn lửa ấy có tên là Rembrandt hay Vermeer, nó vẫn phô bày thứ hào quang chói lọi đặc biệt của nó cho mỗi người trong chúng ta." (3:932)
Bản dịch cắt đi những đoạn không liên quan đến khái niệm thời gian (và một trích đoạn trong tiểu thuyết siêu khó hiểu và khó dịch)
Nguồn: https://web.stanford.edu/~jsabol/self/readings/proust_overview_alexander.pdf
(Từ khoá Google: What Happens in Proust - Stanford University)
Link mua sách của Patrick Alexander: https://www.amazon.com/dp/B002PXFYM4/ref=dp-kindle-redirect?_encoding=UTF8&btkr=1
(Từ khoá: Marcel Proust"s Search for Lost Time: A Reader"s Guide to The Remembrance of Things Past Amazon)
Tài liệu 2: Wikipedia - trích phần Chủ đề
Kí ức
Vai trò của kí ức trong truyện cực kì quan trọng và được giới thiệu lần đầu trong tình tiết "bánh con sò" nổi tiếng ở phần đầu tiểu thuyết. Trong tập cuối "Thời gian tìm lại được", một cảnh hồi tưởng tương tự với kí ức được gợi nhớ bởi bánh con sò đã mở đầu cho quá trình mở nút của truyện. Trong suốt chiều dài câu chuyện, có nhiều tình tiết liên quan đến kí ức không tình nguyện (3), được gợi nhớ bởi những trải nghiệm giác quan như cảnh vật, âm thanh, mùi hương. Những thứ này đã gợi lên nhiều hồi ức quan trọng cho nhân vật tôi và đôi khi hướng sự chú ý tới những sự kiện xảy ra trước đó trong tiểu thuyết. [...]
(3) Kí ức không tình nguyện là kí ức vô tình được gợi nhớ bởi sự hiện diện của những sự vật, sự việc trong cuộc sống hàng ngày. Trái ngược với nó là kí ức tình nguyện, xảy ra khi ta nhớ lại sự kiện trong quá khứ một cách có chủ đích.
Gilles Deleuze tin rằng Proust không tập trung vào kí ức và quá khứ mà là quá trình nhân vật tôi học cách sử dụng các "dấu hiệu" để hiểu và truyền tải hiện thực tối thượng, từ đó trở thành một nghệ sĩ. Proust có nhận thức đầy chua chát với sự mất mát và cô lập - mất đi người thân yêu, mất đi tình cảm, bạn bè và niềm vui trong trẻo. Những trải nghiệm này được kịch hoá thông qua sự ghen tuông, phản bội và cái chết của người thân - những sự kiện trở đi trở lại trong tiểu thuyết. Câu trả lời của ông chính là tác phẩm nghệ thuật có thể tái hiện lại những gì đã mất đi và nhờ vậy cứu rỗi chúng khỏi sự huỷ diệt. Nghệ thuật sẽ chiến thắng năng lực phá huỷ của thời gian. [...]
Đồng tính
Những câu hỏi liên quan đến xu hướng tính dục đồng tính xuất hiện xuyên suốt tiểu thuyết, đặc biệt là ở các tập về sau. [...] Các nhà phê bình thường quan sát thấy mặc dù nhân vật tôi bề ngoài có vẻ là dị tính, nhưng Proust lại để lộ ra anh ta là một người đồng tính chưa come out. Dù anh ta luôn có thái độ xa cách với khái niệm đồng tính nam, nhưng lại hiểu biết về nó một cách khó hiểu. Cách xây dựng này cho phép Proust theo đuổi các chủ đề liên quan tới đồng tính nam, cụ thể là bản chất của việc giữ bí mật về xu hướng tính dục. Proust khám phá chủ đề này từ góc nhìn của cả người đồng tính và những người khác. Khái niệm đồng tính nữ tra tấn nhân vật tôi vì nó mở ra một thế giới không thể tiếp cận. Trong khi ham muốn đồng tính nam có thể nhận diện, ít nhất là ở mức độ nó có bao hàm bản năng sinh dục nam, nhưng cuộc tình của các nhân vật đồng tính nữ đại diện cho việc nhân vật tôi bị cô lập với người mà anh ta khao khát.
Một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi là việc xu hướng tính dục của Proust có ảnh hướng thế nào tới việc lý giải những khía cạnh này của tác phẩm. Mặc dù nhiều người thân và bạn bè của Proust nghi ngờ ông là người đồng tính nhưng Proust chưa bao giờ thú nhận. Chỉ sau khi ông qua đời, André Gide mới tiết lộ xu hướng tính dục của Proust qua việc xuất bản thư từ riêng với Proust. Để đáp lại lời phê phán của Gide rằng Proust đã che giấu xu hướng tính dục thực sự của mình trong tiểu thuyết, Proust nói với Gide rằng "một người có thể nói bất cứ điều gì, miễn là người đó không nói ra chữ "Tôi"." Quan hệ thân mật của Proust với Alfred Agostinelli và Reynaldo Hahn được ghi chép lại rất kĩ càng, mặc dù Proust không phải kiểu come out một cách phóng khoáng, có lẽ là ngoại trừ với những người thân thiết.
Bản dịch cắt đi những đoạn đi sâu vào tình tiết truyện.
Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/In_Search_of_Lost_Time#Themes
(Từ khoá: In Search of Lost Time Themes Wikipedia)