Tình Yêu Trọn Vẹn

Chương 76: Chương 76: Chú Thích: Phúc Âm Gioan - Gospel of John [chương 49]




Trang này chú thích cho văn án nhưng gắn tag chương 49, chủ yếu là vì nếu đọc mỗi văn án thì không đủ ngữ cảnh để hiểu câu "Con có tội" rốt cuộc là tội gì. Tuy nhiên, bài này trích nguồn từ một trang chuyên giải đáp các câu hỏi về Thiên Chúa giáo và sẽ chỉ giải thích cho đoạn đầu, đoạn trích trong Phúc Âm Gioan (Gospel of John). Từ đây có thể lý giải đôi chút về lời tuyên bố của Dư Lạc và có lẽ suy đoán về sự khác biệt giữa tình yêu trọn vẹn trong truyện với tình yêu trọn vẹn trong Kinh Thánh.

Câu hỏi: ""Tình yêu trọn vẹn đẩy lùi sợ hãi" nghĩa là gì?"

Trả lời: Trong Kinh Thánh có viết, "tình yêu đến từ Thiên Chúa" và "Thiên Chúa là tình yêu" (1). Nói cách khác, tình yêu là đặc tính cơ bản của Thiên Chúa. Mọi điều Thiên Chúa làm đều xuất phát từ tình yêu của Người. Có một từ riêng để gọi tên tình yêu mà Thiên Chúa ban phát. Trong tiếng Hy Lạp, từ này là agape, ám chỉ tình yêu nhân từ và khoan dung luôn kiếm tìm điều tốt đẹp nhất cho người thân thương.

(1) Trích từ "1 John 4:7-8". Kinh Thánh được trích nguồn theo format: {tên viết tắt của sách} {thứ tự chương}:{thứ tự câu}. Ví dụ "1 John 4:7-8" nghĩa là câu 7 và câu 8 trong chương 4 của Quyển 1, Phúc Âm Gioan.

Đoạn 1 John 4:18 nói rằng "tình yêu trọn vẹn đẩy lùi sợ hãi." Cả câu như sau: "Trong tình yêu không có nỗi sợ. Tình yêu trọn vẹn sẽ đẩy lùi sợ hãi. Bởi e sợ gắn liền với hình phạt, kẻ sợ sệt là kẻ yêu chưa trọn vẹn." Ngữ cảnh rất quan trọng ở đây: câu 17 là, "Bởi vậy mà tình yêu trở nên trọn vẹn trong chúng ta, để ta có niềm tin vào ngày phán xét: ở thế giới này chúng ta giống như Chúa Giêsu."

"Nỗi sợ" mà tình yêu trọn vẹn đẩy lùi là nỗi sợ với sự phán xét của Thiên Chúa. Chúng ta biết Ngày Phán xét (2) sẽ tới, nhưng những người ở trong Chúa Giêsu (3) hiểu tình yêu của Thiên Chúa, và tình yêu ấy loại bỏ nỗi sợ bị kết tội. Loại trừ nỗi sợ phán xét là một trong những tác dụng chính từ tình yêu của Thiên Chúa. Một người không có Chúa Giêsu sẽ bị phán xét và có nhiều điều phải lo sợ (John 3:18), nhưng một khi người đó ở trong Chúa Giêsu, nỗi sợ ấy sẽ biến mất. Người ấy giảng hoà với Thiên Chúa, và "giờ thì không còn sự kết tội cho những người ở trong Chúa Giêsu" (Romans 8:1).

(2) Ngày Phán xét là thời điểm Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa, sẽ phán xét "người sống và kẻ chết" trước khi phá huỷ thiên đàng và trái đất cũ vốn đã ngập trong tội lỗi. Những người trung thành với Thiên Chúa và được đánh giá tích cực sẽ có cuộc sống vĩnh hằng trên trái đất. Số phận của kẻ ác độc và người không phải tín đồ được đánh giá dựa trên tâm hồn và hành động của họ.

(3) Cụm từ "trong Chúa Giêsu" ám chỉ trạng thái của con chiên. Nếu con chiên xin Thiên Chúa xá tội và tuyên bố quyết định đi theo Giêsu cả đời, con chiên ấy đã được cứu rỗi. Mọi con chiên đều ở trong Chúa Giêsu (scriptureconfidentliving.com).

Để phần nào hiểu tình yêu của Chúa, ta cần hiểu sự phán xét của Thiên Chúa đã giáng lên Chúa Giêsu trên thập tự giá để ta được xá tội: "Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta" (Isaiah 53:6) (4). Chính Chúa Giêsu đã khuyên giải Thiên Chúa và được Người chấp thuận. Giêsu thường nói về nhiệm vụ của mình: "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ." Kẻ duy nhất phải sợ phán xét là kẻ chối bỏ Chúa Giêsu: "Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa" (1 John 3:18) (5)

Theo Kinh Thánh, không gì có thể chia rẽ một tín đồ với tình yêu của Thiên Chúa trong Giêsu (Romans 3:38-39). Tình yêu của Thiên Chúa không dao động và không phải thứ cảm xúc dễ đổi thay. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho kẻ tội đồ là lý do Giêsu chết trên thập tự giá. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho những con chiên tin vào Giêsu là lý do Người nắm họ trong tay mình và hứa không bao giờ thả ra. Tình yêu thần thánh ấy sẽ tước bỏ nỗi sợ của ta: "Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi, vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên đàng" (Luke 12:32) (6).

"Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của kỉ luật." (7) Nỗi sợ và sự nhút nhát không đến từ Thiên Chúa. Đôi khi "tâm thần sợ hãi" chiếm trọn chúng ta, và để vượt qua nỗi sợ ta cần tin tưởng và yêu Thiên Chúa trọn vẹn hơn. "Trong tình yêu không có nỗi sợ. Tình yêu trọn vẹn sẽ đẩy lùi sợ hãi. Bởi e sợ gắn liền với hình phạt, kẻ sợ sệt là kẻ yêu chưa trọn vẹn" (1 John 4:18). Nếu, với tư cách là đứa con của Thiên Chúa, ta vẫn sợ sự trừng phạt của Người, ta còn chưa đạt đến sự trưởng thành trong tình yêu. Để giúp ta trọn vẹn trong tình yêu, Thiên Chúa đã cổ vũ ta chống lại nỗi sợ xuyên suốt Kinh Thánh. Thiên Chúa dặn ta đừng sợ ở một mình, sợ mình quá yếu đuối, sợ lời nguyện cầu không được lắng nghe, sợ cạn kiệt những nhu cầu cơ bản. Những lời răn đe này bao hàm nhiều khía cạnh của "tâm thần sợ hãi."

Chìa khoá để vượt qua nỗi sợ là niềm tin hoàn toàn và trọn vẹn vào Thiên Chúa. [...] Tin tưởng Thiên Chúa tức là từ chối đầu hàng nỗi sợ. Ngay cả những thời khắc tăm tối nhất, ta có thể tin mọi chuyện sẽ ổn nhờ vào Thiên Chúa. Niềm tin này xuất phát từ sự thấu hiểu với Thiên Chúa và thấu hiểu rằng Người tốt đẹp. Một khi ta học được cách đặt niềm tin vào Thiên Chúa, ta sẽ không còn sợ sệt những thứ chống lại chúng ta. [...]

Tóm tắt lại, từ perfect (9) trong 1 John 4:18 có nghĩa là trọn vẹn hoặc trưởng thành và tình yêu được đề cập tới là tình yêu agape vị tha của Thiên Chúa. Nỗi sợ mà tình yêu trọn vẹn đẩy lùi là nỗi sợ trừng phạt. Thiên Chúa hứa với các con chiên tin vào Chúa Giêsu rằng họ sẽ không bị phán xét cùng với thế giới: "Vì Thiên Chúa không dành cho ta án thịnh nộ, nhưng là để ta chiếm lĩnh phúc cứu rỗi nhờ Chúa chúng ta, Đức Chúa Giêsu." (10) Ta có thể nói với tác giả của thánh thi, "Tôi tin vào Thiên Chúa và chẳng hề sợ hãi." (Psalm 56:11)

(9) Trong bản tiếng Anh, "tình yêu trọn vẹn sẽ đẩy lùi sợ hãi" tương đương với "perfect love drives out fear".

Giải thích về tên truyện:

Khác với rất nhiều đoạn trích Kinh Thánh trong bài này, đoạn trích trong văn án là mình kết hợp cả bản dịch tiếng Trung và tiếng Anh để chuyển ngữ, chủ yếu vì lúc ấy không nghĩ đến chuyện tra bản dịch tiếng Việt:(. Trên thực tế, bản tiếng Anh của đoạn trích 1 John 4:18 đều miêu tả tình yêu của Thiên Chúa là perfect love. Nếu dịch theo nghĩa thông thường thì tiêu đề nên là "Tình yêu hoàn hảo", và một số bản tiếng Việt trên mạng có dịch như vậy. Tuy nhiên, mình chuyển ngữ thành "Tình yêu trọn vẹn" vì:

- Như bài đã giải thích trong đoạn cuối, từ perfect ở đây không có nghĩa thông thường. Nó có nghĩa là trọn vẹn hoặc trưởng thành. Trong một số bản dịch tiếng Anh, câu cuối là "the one fearing has not been perfected in love", tức là perfect còn có thể được dùng như một động từ. Hàm ý của perfected ở đây không phải là chuyển từ sự thiếu hoàn hảo sang hoàn hảo không tì vết. Trong Tân Ước, từ tiếng Hy Lạp mà John dùng (teleioo) nghĩa là hoàn thành, đạt được, hoặc đưa mục tiêu tới kết quả cuối. Trong bối cảnh này, mình nghĩ từ trọn vẹn phù hợp với tiếng Việt hơn. (11)

- Giang Yêm Đạo không sử dụng bản tiếng Trung khớp 100% với perfect love, tức là không dịch cụm đó thành 完美的爱 - tình yêu hoàn mỹ. Trong bản dịch được tác giả sử dụng, perfect love tương đương với 爱既完全 - ái ký hoàn toàn. Trong từ điển vdict, 完全 vừa là hoàn toàn vừa là trọn vẹn. Một lần nữa, từ này tương đồng với complete, đúng với hàm ý thật sự của perfect trong bản tiếng Anh. Bên cạnh đó, 既 có nghĩa là đã hoặc xong, hết. Mình không biết tiếng Trung nên không chắc, nhưng nếu từ này có bao hàm sự chuyển đổi trạng thái thì nghe khá giống perfected in love.

- Vẫn có bản dịch tiếng Việt dịch perfect love là tình yêu trọn vẹn, điển hình là "Kinh Thánh Bản Dịch 2011" xuất bản bởi Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, với Chủ biên là Mục sư Đặng Ngọc Báu. (12)

Nguồn chính: What does "perfect love casts out fear" mean? - GotQuestions

(5) Nguồn: Muốn Biết Chúa

(6) Nguồn: dcctvn.org

(7) Nguồn: transcripture.com

(8) Nguồn: https://sites.google.com/site/codocnhandn/home

(10) Nguồn: Tân Ước Online, thay Đức Yêsu Kito bằng Đức Chúa Giêsu để nhất quán với toàn bài

(11) Nguồn: desiringgod.com

(12) Link liên quan: kinhthanhbd2011.org

Lúc dịch tiêu đề là hứng lên thì edit nên không nghiên cứu gì, may mà tra xong vẫn không phải đổi tên, không thì chắc giấu nhẹm bài chú thích này đi. Bài này ngắn hơn một chương truyện nhưng tốn thời gian bằng hai chương truyện. Sau XXX tiếng đồng hồ vật lộn, hiểu biết của tôi về Thiên Chúa giáo từ số không tròn trĩnh đã tăng lên số một:(

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.