Trên điện thoại hiện lên một tin nhắn nhắc nhở từ trong nước. Dư Lạc không lau khô tay mà chỉ nhìn màn hình tối dần. Sau khi rửa xong cái đĩa thứ năm mươi chín, anh nhấc những ngón tay nhăn nheo khỏi bồn, đưa tay ra dưới vòi nước rồi lau bằng cái khăn khô bên cạnh. Một tin nhắn mới được gửi đến ngay lúc anh bật màn hình điện thoại lên. Lần này anh nhấn vào chứ không bỏ qua nữa.
Tin nhắn viết, đừng có đi làm nữa, nếu còn đi thì phải về nhà.
Anh ngậm điếu thuốc trong miệng, là cái loại rẻ nhất mua ở cửa hàng ven đường (1). Sau khi rít mạnh một hơi, anh nhắm ngay nút xoá để cắt cái tin nhắn kia đi.
(1) Vào ngày 20/12/2019, luật liên bang của Mỹ có quy định tuổi tối thiểu để được mua thuốc lá sẽ tăng từ 18 lên 21 tuổi (FDA). Ở thời điểm diễn ra câu chuyện, có lẽ luật về tuổi tối thiểu sẽ khác nhau tuỳ theo bang.
Giữa làn khói mù mịt, Dư Lạc vừa tựa lên bức tường phủ kín thứ dầu mỡ màu vàng vừa nghĩ, giọng của bố giống ngày xưa y đúc. Ông ta sẽ đứng bật dậy làm ghế phát ra tiếng chói tai, rồi giơ tay lên chỉ thẳng vào mặt mình: “Nếu mày không ra nước ngoài, tao sẽ làm cho cái thằng kia không thi nổi!”
Đôi khi, Dư Lạc cảm giác mình đã quên hoàn toàn người đàn ông hơn năm mươi tuổi ấy. Nhưng mà nghĩ lại, thói quen cử chỉ của ông ta, ngay cả lọn tóc trước trán luôn nhảy dựng lên mỗi khi ông ta giận dữ, đều đã khắc sâu trong đầu mình. Bây giờ anh chỉ thấy mình hơi nực cười.
Lúc bếp trưởng đi vào và ngửi thấy mùi thuốc lá, gã đẩy đầu Dư Lạc với thái độ hung hăng. Gã đàn ông này lùn và phốp pháp, hốc mắt trũng sâu trong lớp mỡ, ngón tay thô và khoẻ còn dính bột mì. Bị gã đẩy, Dư Lạc tránh né theo bản năng.
Bếp trưởng nhận ra tư thế hàm chứa sự ghét bỏ của anh nên đẩy vai anh càng lỗ mãng: “Brand! Ra ngoài đi! (1)”
(2) Bản gốc tác giả để tiếng Anh, xin phép được dịch sang tiếng Việt cho liền mạch.
Dư Lạc chỉ yên lặng dập tắt điếu thuốc, ném vào thùng rác rồi đi ra bếp sau.
Ông chủ là một ông già người Mỹ từng tới Trung Quốc du lịch nên khá tốt với Dư Lạc, giống như yêu ai yêu cả đường đi lối về vậy.
Lão gật đầu với Dư Lạc: “Brand, hôm nay là Trung thu đấy! Ngày lễ đó có ý nghĩa gì ở nước cậu?”
Dư Lạc nhặt một cái khăn bị rơi ở khu dọn dẹp rồi lau bàn, sau hồi lâu mới mở miệng: “Ngày ấy tượng trưng cho nhớ nhung.”
Ông chủ gật đầu mà cái hiểu cái không: “Ồ.”
Sau khi tan làm, Dư Lạc quẹt thẻ xong thì tới phòng thay đồ thay quần áo. Anh còn chưa ăn cơm, nhưng nhà hàng sẽ không quản chuyện cơm nước của nhân viên, đi làm đều là quẹt thẻ tính giờ mà mỗi ngày chỉ được nghỉ hai mươi phút. Phương pháp bóc lột của chủ nghĩa tư bản đúng là vô cùng bài bản và có hệ thống.
Dư Lạc định vào cửa tiệm ở mặt sau nhà hàng bởi chỉ nơi ấy có đồ ăn khá rẻ. Lúc ra cửa, anh đã cảm giác được có người theo sau, nhưng rẽ xong vẫn không cắt đuôi được. Anh vào nhà hàng đồ ăn nhanh gọi một suất hamburger và một cốc sữa nóng. Chẳng mấy đã xong bữa, nhưng Dư Lạc thấy mình còn chưa no, có lẽ về nhà uống nhiều nước là ổn rồi. Người vừa nãy hẳn là người ăn xin ở gần đây, anh thường nghe ông chủ kể chuyện có người bị đòi tiền.
Anh chẳng có tiền.
Sau nửa tiếng, bồi bàn trong nhà hàng qua bê khay đồ mà khách khác đã ăn xong. Người phụ nữ trung niên mặc tạp dề hoa liếc sang đây rất nhiều lần, mỗi cái liếc nhìn lại càng thêm khó chịu. Chuyện này là đương nhiên, ở đây có rất nhiều người mang thái độ thù địch với người nước ngoài. Họ cho rằng địa phương của họ bị xâm phạm, cho rằng đám người đến từ nơi khác này đang đoạt lấy tài nguyên, cướp đi số lượng việc làm hữu hạn. Con người vốn có bản năng bảo vệ lãnh thổ, chưa kể tới kinh tế Mỹ thập kỉ đầu đang trì trệ.
Dư Lạc chỉ đành vác balo đứng lên. Chưa đi tới mười bước thì thấy đường càng ngày càng vắng, bởi vậy anh định đổi đường khác để tới chỗ nào đông đúc hơn.
Tiếc là không kịp.
Có tiếng nắm đấm giáng xuống đầu.
Dư Lạc chỉ thấy đầu ong lên, đau đớn từ phía bên phải đằng sau làm anh tưởng như đầu sắp nứt ra. Anh ngã lăn ra đất, còn balo bị quăng ra vũng nước gần đó. Khi Dư Lạc vươn người cố gắng đứng dậy, một cú đấm vào sau người làm anh nằm nhoài trên mặt đất một lần nữa. Nhưng anh lại chỉ thấy được một gã đàn ông.
Dư Lạc nhấc chân đá vào đầu gối tên kia làm hắn run cả chân. Trong thoáng chốc ấy, anh đỡ một tay trên đất, dẫm chân lên cánh tay của gã rồi bật người đứng dậy. Tên kia chẳng phải một người lang thang liều mạng mà chính là bếp trưởng mới ăn Tết với anh hồi chiều. Dư Lạc thở phào.
Trong khi Dư Lạc nhảy về sau, gã kia ra sức vươn người dậy, vừa nói những lời sỉ nhục vừa tung ra một cú đấm. Dư Lạc khom lưng né tránh, sau đó đấm thẳng vào eo và ghì lên cánh tay mới bị dẫm lên của gã. Tiếng chửi bới lập tức tắt ngấm, thay vào đó là tiếng kêu thảm thiết.
Dư Lạc buông gã ra rồi nhìn xoáy vào. Đôi mắt ấy đã không còn vẻ ngây ngô trong trẻo như bạn đồng trang lứa, chỉ còn lại hung tàn và thê lương. Gã đàn ông kia không còn gây ra tiếng động thừa thãi gì, chỉ yên lặng thở hổn hển và nhìn anh với ánh mắt dữ tợn. Anh nhặt lên balo bị nước bẩn thấm ướt rồi xoay người đi khỏi.
Anh biết, công việc này mất rồi.
Cậu thiếu niên bị bùn đất và bụi bẩn dính khắp người, nom vô cùng chật vật, ngồi chuyến tàu điện ngầm rất muộn để về nhà. Nơi anh ở là một phòng kho bé tí được cải tạo lại. Bên trái chất đầy sách và một cái bàn cũng ngổn ngang sách y chang, bên phải là một cái giường nhỏ, nhưng không có cửa sổ. Dư Lạc để balo lên chiếc tủ gần cửa, bật đèn, cầm đồ tắm và quần áo ra ngoài, lát sau lại vào và khoá kĩ cửa lại.
Anh mở balo ra thì thấy sách ở dưới đáy đã ướt quá nửa. Chữ viết bằng bút máy trên vở bị nhoè hết, có những trang sách vừa mở ra đã rách luôn. Anh nhanh chóng chuyển đồ lên bàn, rồi mở ngăn kép của balo lấy ra một cuốn sổ rất nhỏ cũng bị ướt ở góc. May mà sổ nằm trong ngăn kép nên không thảm như những quyển vở khác.
Bức ảnh này không bị dính nước, chỉ hơi ố vàng. Trong ảnh, vài cậu nhóc mười mấy tuổi đang ôm bóng rổ cười vui vẻ. Dư Lạc phát hiện có giọt nước rơi xuống ảnh, nhưng định thần lại mới nhận ra ấy không phải nước mà là chất lỏng màu đỏ sậm, có lẽ là chảy xuống theo sợi tóc cạnh cổ anh. Phần da đầu ở đằng sau có cảm giác vừa tê vừa nhói.
Anh nhíu mày, lướt tay qua vết máu trong hình, để lộ gò má của cậu thiếu niên tầm tuổi anh. Cậu ấy có nụ cười rạng rỡ và phần mái hơi dài, che khuất một bên lông mày. Có lẽ là dáng vẻ của Hoắc Dương lúc mười một, mười hai tuổi. Dư Lạc vội vã lấy giấy lau vết máu trên tóc, sau đó qua nhà hàng xóm mượn urgo và băng dính rồi băng bó vết thương một cách vụng về.
Đêm nay anh ngủ rất sớm.
Dưới ánh trăng chiếu rọi, ngủ quá muộn sẽ làm mình nhớ nhung một người lâu chút nữa. Anh quyết định tha cho bản thân một đêm. Trước khi ngủ, anh đánh dấu tích lên cuốn lịch rồi viết một con số bên lề, 2825.
2,8,2,5 - đến khi con số này trở về không, anh có thể tìm người kia ư?
Anh ngồi bên giường, lấy lọ thuốc ra như thường lệ rồi uống liều lượng thích hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ. Vết thương hơi đau, nhưng chẳng quan trọng, anh chỉ ngẩng đầu lên nhìn ánh trăng xuyên qua rèm cửa sổ.
Sau 2825 buổi tối, vết thương này sẽ khỏi hẳn. Vậy anh có thể về không, có thể sở hữu một ngôi nhà của riêng mình, ở một nơi không bị ai dò xét không?
Có thể tiếp tục yêu thầm thiếu niên kia không?
Có thể có được một người chỉ cho mình anh socola không?
Có thể không?
Sau 2825 ngày, cậu sẽ còn ở đó chứ?
Tôi còn có thể tìm được cậu không?
Anh nhíu mày trong mơ, miệng mấp máy một câu gì đó.
Cơn mưa to ngoài cửa sổ làm ánh trăng mờ dần. Đất nước này cũng chẳng có ngày lễ nào dành cho nỗi nhớ nhung.
Anh trở mình rồi than nhẹ một câu vì vết thương bị đè lên.
Chia tay xin cởi tặng, với cả tấm lòng này (3).
Tôi rất nhớ cậu.
Cậu đừng đi.
- --------------------------------------
(3) Đây là hai câu thơ trích trong bài “Tiễn Chu Đại vào Tần” của Mạnh Hạo Nhiên, một nhà thơ Trung Quốc thời nhà Đường, thuộc thế hệ đàn anh của Lý Bạch (Wikipedia). Dưới đây là bản dịch trong “Đường thi tuyển dịch” của NXB Thuận Hoá, được đăng lại trên thivien.net:
“Tối Ngũ Lăng rong ruổi
Nghìn vàng bảo kiếm đây
Chia tay xin cởi tặng
Với cả tấm lòng này”
Vì có lòng, có sức mà không có trình độ nên xin phép không chuyển ngữ bản phân tích (bằng tiếng Trung) của bài thơ này. Tuy nhiên, nếu Google Translate đáng tin thì bài thơ khắc hoạ tình bạn sâu sắc giữa Mạnh Hạo Nhiên và Chu Đại. Tác phẩm có ngôn ngữ giản dị, và chủ yếu sử dụng hình ảnh bảo kiếm để nhấn mạnh tấm lòng thành của hai nhân vật trong lời thơ.
Ban đầu vì chương này có liên hệ giữa ánh trăng và nỗi nhớ nên mình nhớ tới bài “Tĩnh dạ tứ” của Lý Bạch cơ, nhưng cuối cùng câu thơ được trích trực tiếp trong truyện lại là của Mạnh Hạo Nhiên, một nhà thơ được Lý Bạch sùng kính và còn viết thơ tặng nữa. Hình như bài “Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng” của Lý Bạch còn có mặt trong SGK Ngữ văn lớp 10, nhưng không có ấn tượng gì luôn.