Tình Yêu Trồng Răng

Chương 12: Chương 12: Thành kiến 1




Trần Lãng về đến nhà đã là lúc nhà nhà lên đèn. Đầu tiên cô đi gặp bệnh nhân vẫn chờ để được chính miệng nói tiếng cảm ơn với mình, thậm chí còn trao đổi số điện thoại với nhau, sau đó được Diệp Thần kéo vào văn phòng dùng lời ngon ý ngọt làm công tác tư tưởng, ngoài tỏ ý áy náy chị còn đồng ý sẽ trả cho Trần Lãng mức lương và đãi ngộ hậu hĩnh hơn so với các nhân viên mới bình thường khác. Chủ nhiệm Đặng vừa giải oan cho cô cũng tìm đến, mời Trần Lãng gia nhập đội ngũ nhân viên dưới quyền anh ta. Sau một hồi bị oanh tạc tới tấp như vậy, đầu óc choáng váng thế nào mà cô đã gật đầu đồng ý.

Trên đường về nhà, Trần Lãng khó hiểu, tự hỏi bản thân: “Sao mình lại đồng ý nhỉ?” Thậm chí còn mơ mơ màng màng ký tên lên bản hợp đồng được Diệp Thần đưa cho. Bây giờ Trần Lãng không tài nào nhớ nổi rốt cuộc trong bản hợp đồng đó có những nội dung nào, chỉ nhớ Diệp Thần luôn mỉm cười nhìn mình, đôi môi đỏ thắm hết đóng lại mở. Trần Lãng sợ hãi bởi chính suy nghĩ của mình, ặc, mình đang nghĩ cái gì thế này? Mình đâu phải lesbian! Trần Lãng lập tức quăng hết những suy nghĩ kia ra khỏi đầu, cố gắng hồi tưởng lại nội dung của cuộc nói chuyện cuối cùng trong buổi chiều nay. Nhưng đến tận cửa nhà rồi mà đầu óc vẫn trống không, sau khi nhấn chuông cửa còn cố tự trấn an mình: “Haiz, dù sao cũng là cậu Vu Bác Văn muốn tống mình vào nha khoa Hạo Khang.”

Vừa nghĩ đến cái tên Vu Bác Văn thì ông cậu Vu Bác Văn lập tức xuất hiện sau cánh cửa, làm Trần Lãng shock toàn tập, lắp bắp hỏi: “Cậu… Cậu… Sao cậu lại ở đây?”

Vu Bác Văn cười: “Đây là nhà của chị gái cậu, tại sao cậu không thể ở đây?”

Trần Tụng đứng sau cũng ló cái đầu xanh đỏ tím vàng của mình đến trước cửa: “Sao giờ chị mới về? Cả nhà đã chờ chị lâu lắm rồi đó!”

Trần Lãng lại giật mình: “Hôm nay mặt trời mọc đằng Tây à? Giờ này không phải bình thường em vẫn ở ngoài đường sao?” Nói xong còn ngắm nghía mái tóc của Trần Lãng: “Em mang cái đầu này đi biểu diễn ở đâu thế?”

Trần Tụng rướn cổ, ra sức đưa mắt về phía gương tự ngắm bộ tóc giả của mình từ trên xuống dưới: “Cái này hử? Định dùng để tham gia party của một người bạn, em bảo mẹ mượn ở đoàn văn công về đấy!” Rồi cười nói: “Cậu gọi điện thoại cho em, bảo em nếu rảnh thì tối ra ngoài ăn tiệc chúc mừng chị tìm được công việc mới.”

Trần Lãng nghe xong bất giác rùng mình một cái, đánh mắt nhìn về phía Vu Bác Văn. Vu Bác Văn cười hì hì xách túi của Trần Lãng vào nhà: “Hôm nay cháu vất vả rồi. Sao cứ đứng ngoài cửa mãi vậy? Vào nhà, mau vào nhà thôi.”

Đầy bụng nghi hoặc, Trần Lãng bước vào trong, cô phát hiện bà Vu Nhã Cầm và ông Trần Lập Hải đã ăn mặc chỉnh tề đâu ra đấy, bộ quần áo họ khoác trên người làm họ thăng thêm một cấp, thật sự là tiêu chuẩn mặc đi thăm viếng người thân vào dịp Lễ tết. Vừa thấy Trần Lãng, và Vu Nhã Cầm liền mỉm cười: “Cô cả về rồi, nếu còn chưa về mẹ nhất định sẽ nhấc máy gọi điện giục con. Cậu con bảo tối nay ra ngoài ăn tiệc chúc mừng con được nhận vào phòng khám nha khoa gì đó, con xem, mẹ đã bảo nhất định con sẽ thành công mà!”

Trần Lãng thầm nghĩ: đúng là không nơi nào không có KGB[1], mình còn chưa về đến nhà mà cả nhà đã kích động như vậy. Cô chép miệng, chỉ có thể đưa mắt nhìn cậu Vu Bác Văn, Vu Bác Văn nở nụ cười: “Hết cách rồi, cậu cháu dù thế nào cũng được coi là người trong ngành này, có chuyện to nhỏ gì mà cậu không biết chứ?!”

[1] KGB là tên viết tắt của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên bang Xô viết, có nhiệm vụ chính là hoạt động tình báo, giáp điệp và chống tình báo, gián điệp của đối phương.

Trần Lãng thở dài: “Cháu biết ngay mà. Con khỉ họ Tôn là cháu đây sao có thể thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ Như Lai là cậu chứ!” Trần Tụng cũng nói xen vào: “Cháu cũng vậy, cũng không sao nhảy ra khỏi lòng bàn tay cậu được. Vốn dĩ, tối nay em đã hẹn bạn đến Cashbox hát Karaoke nhưng cậu bảo muốn đưa cả nhà đến ăn ở Tứ hợp viện, em liền chạy như điên về nhà.”

Ông bố Trần Lập Hải đón lời: “Trần Tụng, thế là không ổn đâu. Bố phát hiện con rất cố chấp với đồ ăn thức uống nhé, không có chút miễn dịch nào!” Trần Tụng đã nghe những lời này của ông Trần Lập Hải lặp đi lặp lại hàng trăm nghìn lần đến nỗi tai đã thành kén nên chỉ nghịch ngợm thè lưỡi một cái. Trần Lãng kéo mớ tóc giả sặc sỡ trên đầu Trần Tụng xuống rồi tự đội lên đầu mình, ngắm nghía thật kỹ qua tấm gương toàn thân ngoài phòng khách, nhìn kiểu gì cũng thấy không được tự nhiên, cô lên tiếng biện bạch thay Trần Tụng: “Nó có ăn nhiều đến đâu cũng không béo lên thì cố chấp một chút cũng không sao.”

Thấy Trần Lãng đội tóc giả ngó trước trông sau, Vu Bác Văn có vẻ rất kinh ngạc, bỗng nhiên cảm thấy cảnh tượng này rất đỗi quen thuộc, im lặng một lát mới nói: “Mọi người chuẩn bị xong cả chưa? Trần Lãng, cháu có cần đi thay quần áo không? Chúng ta xuất phát thôi.”

Trần Lãng liếc qua bộ áo sơmi váy ngắn trông như trang phục công sở trên người mình liền gỡ mái tóc giả xuống rồi ném cho Trần Tụng: “Chờ cháu một lát, cháu đi tắm qua, chỉ mấy phút thôi.”

Trần Lãng tắm rửa rất nhanh, có thể hình dung bằng tốc độ của ánh sáng. Cô khác hẳn Trần Tụng, Trần Tụng chỉ hận không thể ngâm mình trong bồn tắm dưỡng già, khi rảnh rỗi còn phải thoa sữa tắm, tinh dầu, vân vân và vân vân. Còn Trần Lãng thì tắm nhanh như đánh trận, chỉ mấy phút là xong, điều này khiến bà Vu Nhã Cầm thường hỏi con gái với đầy bụng nghi ngờ: “Con không phải thịt dê, chỉ trụng qua thế là xong sao?[2]”

[2] Ý của bà là trụng thịt dê trong món lẩu đó ^^

Trần Lãng chẳng bận tâm. Đây là tật xấu cô bị nhiễm phải hồi còn làm việc trong bệnh viện. Ở đó lúc nào cũng giành giật từng giây thậm chí là từng tích tắc, sao có thể cho phép bản thân ngâm mình than thân trách phận trong bồn tắm? Vì vậy, Trần Lãng tắm rửa xong, thay một bộ váy dài màu tím nhạt rộng rãi thoải mái, buộc qua loa mái tóc dài rối tung vẫn còn ẩm ướt, làm xong tất cả mọi việc bước ra ngoài phòng khách thì vẫn chưa hết mười phút đồng hồ. Trần Tụng huýt sáo: “Chị đúng là người có hơi thở nghệ sĩ. Nếu ăn mặc thế này ra đường, chắc chắn không ai đoán được chị là bác sĩ!”

Trần Lãng chau mày: “Bác sĩ thì sao?”

Trần Tụng cười hi hi: “Bác sĩ luôn khuôn phép, lạnh lùng, không hề có ‘vị tình người’.” Nói xong còn bổ sung một câu: “Chẳng phải trên TV đều đóng như vậy sao?”

Vu Bác Văn định thần lại, cười ngượng ngùng: “Đi thôi, cậu đặt bàn lúc bảy giờ rưỡi, nếu còn chần chừ nữa sẽ bị muộn mất.”

Vu Bác Văn chở cả nhà Trần Lãng trên chiếc Audi của mình, khoan thai chạy trên đường phố Bắc Kinh, cuối cùng rẽ vào một ngõ nhỏ gần khu vực Đông Đơn, lái qua lái lại nửa ngày mới tìm được chỗ đỗ xe, sau đó ông dẫn mọi người đi sâu vào trong ngõ. Trần Tụng rất đắc chí khoe khoang với Trần Lãng: “Chị chưa đến đây bao giờ đúng không? Nơi này tuyệt lắm, nửa năm trước cậu đã đưa em đến đây một lần!”

Chắc chắn là nhân cơ hội mình không có ở Bắc Kinh đây mà!!! – Trần Lãng tức tối nghĩ bụng. Sau mấy phút đi bộ trong ngõ thì có thể trông thấy hai cánh cửa nhỏ màu đỏ kiểu cũ, trên cửa không gán biển hiệu gì mà chỉ có một đôi đèn lồng màu đỏ đung đưa theo gió. Dưới sự chỉ dẫn của Vu Bác Văn, Trần Lãng mở cửa bước vào, hóa ra bên trong là một “chốn bồng lai”.

Chập tối mùa hè ở Bắc Kinh khác hẳn với mùa đông, mặt trời đang lặn dần về phía chân trời dù đã không còn cái nóng gay gắt như buổi trưa chiều nhưng vẫn được bao quanh bởi những luồng sáng vàng kim, chiếu lên gạch xanh ngói xám trong tứ viện hợp, càng toát lên vẻ ấm cúng. Thỉnh thoảng có tiếng ô tô xình xịch truyền từ xa đến, điều này càng làm nổi bật sự yên tĩnh trong tứ hợp viện. Trong sân có một góc để đồ gia dụng cũ kỹ nhưng thanh thoát được xếp một cách cố ý nhưng lại trông như vô tình, phóng khoáng. Lúc cô vẫn chưa hết ngạc nhiên thì có nhân viên phục vụ đẹp trai mặc áo sơmi trắng vừa người bước lên đón khách. Sau khi đối chiếu lịch đặt bàn tối nay với cuộc hẹn của Vu Bác Văn liền lập tức dẫn khách vào một Chái phòng[3] mang phong cách cổ kính.

[3] Chái phòng là phòng nằm phía Đông hoặc phía Tây của Tứ hợp viện, trong đó phòng nằm phía Bắc thì gọi là Chính phòng. Chái phòng là phòng dành cho các bậc con cháu.

Trần Lãng giờ đã hiểu nguyên nhân tại sao Trần Tụng phải “chạy như điên về nhà”. Chưa nhắc đến những món ăn ngon lành trong truyền thuyết mà chỉ có nhà giàu có, quyền thế thời xưa mới được thưởng thức còn người bình thường thì ngay cả việc hít mùi cũng không có cơ hội. Trong thời gian chờ món ăn được mang lên, Trần Lãng tò mò giở thực đơn ra xem. Cô nhận ra tất cả đồ ăn ở đây đều được đặt bằng những cái tên xứng tầm sơn hào hải vị, cái nào cái nấy lộ rõ vẻ thần thông quảng đại nhưng vẫn chỉ theo khuôn mẫu như những nhà hàng, khách sạn thông thường khác mà thôi. Trần Lãng chợt vỡ lẽ, hóa ra cũng chỉ là một nơi treo đầu dê bán thịt chó, cái được ăn là phong cảnh đẹp, cái được nếm là phẩm vị, chỉ có vậy thôi.

Vu Bác Văn thấy Trần Lãng hoàn toàn không hưng phấn, thích thú như Trần Tụng, bèn ngạc nhiên hỏi: “Sao vậy? Không thích à?”

Trần Lãng lắc đầu cười, nhấp một ngụm rượu vang đỏ, gắp một con tôm he rán vàng cho vào miệng: “Một nơi dễ chịu thế này, cháu lại không cần bỏ tiền túi của mình, dĩ nhiên là thích rồi!”

Vu Nhã Cầm nghe Trần Lãng nói vậy thì cười mắng: “Đừng nói thế, nếu không lần sau cậu con sẽ không mời chúng ta đến đây nữa đâu.”

Trần Lập Hải cũng bảo: “Cô cả, con đến lần đầu nên bố mới nói cho con biết, màn hay vẫn còn ở phía sau kìa!”

Quả nhiên màn hay vẫn còn ở phía sau. Tầm khoảng tám giờ, màn đêm đã dần buông xuống, bầu trời chỉ còn được chiếu sáng nhờ ánh trăng, tỏa ra thứ ánh sáng dịu mát. Phục vụ tiến vào, mở cánh cửa gỗ khắc hoa của chái phòng ra, từ đó có thể thấy rõ khoảnh sân vừa đi qua lúc này đã được dựng thành một sân khấu nhỏ, đèn pha từ bốn phía của Tứ hợp viện cùng rọi về hướng này, tiếng đàn sáo dìu dặt vang lên. Lúc này Trần Lãng mới bị chấn động hoàn toàn, hai nhân vật nam nữ được hóa trang theo kiểu cổ xưa với diện mạo phi phàm xuất hiện trên sân khấu, giọng ca oanh vàng vừa cất lên lập tức làm tất cả mọi người kinh ngạc.

Trần Lãng ngẩn ngơ, còn đang cố nhớ tên ca khúc mà họ đang hát thì Vu Bác Văn đã kịp thời lên tiếng: “Đây là bài ‘Mẫu đơn đình’ của Côn khúc[4].” Trần Tụng cũng gật gù tỏ vẻ đồng ý, phun ra một câu rất không đúng lúc: “Lại một lần nữa được trải nghiệm cảm giác làm đại gia!”

[4] Mẫu đơn đình là một trong những vở kịch nổi tiếng trong lịch sử sân khấu Trung Quốc, do nhà soạn kịch nổi tiếng thời nhà Minh là Thang Hiển Tổ viết năm 1598, là một trong những vở Côn khúc nổi tiếng.

Vừa dứt lời, Trần Tụng đã bị bà Vu Nhã Cầm ngồi cạnh véo mạnh một cái: “Tư tưởng gì đây? Không phù hợp với nguyên tắc giản dị, mộc mạc của nhân dân lao động nghèo khổ gì cả?!” Sau đó sự chú ý của bà Vu Nhã Cầm lại bị Côn khúc hút mất, tiếp đó còn gõ tay lên mặt bàn đánh nhạc theo nhịp bài hát. Trần Tụng vô cùng bất mãn bèn than thở với ông Trần Lập Hải: “Tư tưởng mẹ con cũng thế thôi, nhìn mẹ bây giờ đi, chẳng khác nào dáng vẻ của một phu nhân vợ tư bản cả!”

Trần Lập Hải rất cưng chiều cô con gái này, ông chỉ “suỵt” một cái: “Nói nhỏ chút, con còn chưa biết tính mẹ con hay sao, đừng làm bà ấy giận, phải thuận theo bà ấy mới được.”

Ban đầu Trần Lãng còn nhập tâm vừa xem vừa nghe, cô cảm thấy phong thái của họ rất tao nhã, cuốn hút, giọng ca êm ái, du dương nhưng nghe quá lâu lại thấy có phần không tập trung. Đầu tiên cảm thấy vở Côn khúc này nghe không rõ, tiếp theo lại thấy nó quá chậm, chậm đến nỗi Trần Lãng thấy trái tim mình như đang bay bổng trên không trung, thật lâu vẫn chưa chịu rơi xuống. Thế là cô quyết định chia sự chú ý của mình thành hai nửa, một nửa đặt lên đồ ăn, không biết nên chọn quýt, dưa chuột chao nước xương lợn hay màng chân vịt bung tương. Thấy Trần Lãng có vẻ hơi lơ đãng, chợt Vu Bác Văn nở nụ cười: “Hôm nay có thể coi cháu đã được nở mày nở mặt rồi nhé!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.