Tố Hoa Ánh Nguyệt

Chương 62: Chương 62: Khi Xưa Bốn Món Mỗi Ngày No Nê




Đúng là hai cha con ruột, một người hai người đều treo lên miệng bốn chữ “đích thê chính thất”, là mỉa mai kế thất như ta sao? Ân phu nhân vừa tức vừa tủi thân, năm đó Triệu thị qua đời, mình không so đo danh phận địa vị, không chút do dự mà xuất giá, lúc đó ông vỗ về ta, an ủi ta thế nào? Bây giờ đích trưởng tử của ông đường làm quan tốt, con cái lại có tiền đồ, ông liền bênh vực nó mà mỉa mai ta. Từ Tiết, ông không có lương tâm.

Trừ tức giận và tủi thân, Ân phu nhân còn có chút khó hiểu. Hôm đó ông ấy vẻ mặt như thường về nhà, căn dặn mình:

- Trong số các tôn nữ thứ xuất chọn ra một đứa dịu dàng hiền thục để gả cho Nghiêm Phiên.

Ban đầu mình kinh hãi, Nghiêm Phiên kia không phải đã định hôn rồi sao, sao có thể hứa gả tôn nữ cho nó? Đến khi hiểu rõ là gả đến Nghiêm gia làm thiếp, mình liền nhanh nhạy:

- Con bé Tố Hoa rộng lượng hiểu chuyện nhất, chắc chắn sẽ thông cảm cho khổ tâm của tổ phụ. Mà dung mạo con bé xuất chúng, ngôn hành cử chỉ lại đúng mực, gả tôn nữ như vậy đi thể hiện rõ là chúng ta vô cùng coi trọng Nghiêm gia, Nghiêm gia chắc chắn sẽ vui mừng.

Ông ấy do dự mấy lần:

- Tố Hoa? Đích chi đích nữ, thật đáng tiếc.

Mình nhân cơ hội kể lể trước mặt ông ấy:

- Thứ nữ chi thứ hai và thứ ba thật sự không lên được mặt bàn! Nha đầu Tố Phương kia tính tình nóng nảy, động một tí là bị kích thích, nó sao có thể hạ mình làm thiếp? Cũng do thê tử lão tam không có bản lĩnh, nuông chiều thứ nữ thành ra như vậy. Tố Tâm càng khỏi phải nhắc, nhút nhát rụt rè, trời sinh nhỏ mọn, nếu gả Tố Tâm đi, Nghiêm gia sẽ tưởng là chúng ta khinh thường họ, ứng phó họ cho có lệ, chẳng phải sẽ giận dữ sao? Lão gia, chúng ta là kết thân chứ không phải kết thù, Tố Phương và Tố Tâm, thực sự không gả được.

Sắc mặt ông ấy dường như hơi buông lỏng. Mình thấy thế thì mừng rỡ, cho thêm chút lửa:

- Kế sách hiện nay, chỉ có thể hi sinh tôn nữ mới giữ được Từ gia chu toàn. Tố Hoa từ nhỏ đã đọc thi thư, đạo lý này con bé không thể không hiểu, thân là đích chi đích nữ, khi Từ gia gặp nạn, con bé không hi sinh thì ai hi sinh? Vả lại, lão gia hứa gả thứ tôn nữ, Tố Hoa không phải chính là nhị tiểu thư sao.

Ông ấy suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng cũng ngầm đồng ý. Mặc dù ông cái gì cũng chưa nói nhưng không dặn mình chọn Tố Phương hay Tố Tâm gả đi Nghiêm gia nữa, cũng chính là nói, trong lòng ông đã quyết định chọn nha đầu nhà quê Tố Hoa này làm “thứ tôn nữ” xui xẻo kia.

Ân phu nhân trăm mối vẫn không có cách giải. Ông ấy cũng không thấy thân thiết bao nhiêu với Tố Hoa, lúc Từ gia gặp nạn, lúc ông ấy xảy ra chuyện sẽ đem Tố Hoa làm vật hi sinh, đẩy nó vào hố lửa. Hôm nay mình chẳng qua chỉ muốn đem Tố Hoa đến trước mặt để nuôi dạy chứ không phải gây khó dễ cho nó, tại sao lại không cho phép, mà còn không cho mình mặt mũi ngay trước mặt nhi tử, con dâu, tôn tử và cháu rể.

Dù không đồng ý thế nào thì ngay trước mặt vãn bối, ông không thể nhẫn nhịn sao? Mình và ông ấy là phu thê, phu thê nhất thể mà. Ân phu nhân lại nghĩ đến chuyện cũ trước kia, nhìn phụ tử Từ thứ phụ và Từ Sâm dường như rất ăn ý thì lại càng tủi thân, uất ức vô cùng.

Từ tam gia và tam phu nhân từ sau khi bị phạt quỳ từ đường thì cẩn thận từng li từng tí, khiêm tốn làm người, không dám nói nhiều một câu, không dám đi nhiều một bước. Vốn hai người họ là cái đuôi dính theo Ân phu nhân nhưng người cha ruột Từ thứ phụ này so với đích mẫu lại càng có uy thế hơn, cha ruột cùng đích mẫu đối đầu, hai người họ lại càng khiêm tốn cúi đầu, thở mạnh cũng không dám.

Từ nhị gia rất hiếu thuận với người mẹ ruột Ân phu nhân này, nhưng ông càng sợ và kính trọng Từ thứ phụ hơn. Cùng thi đậu tiến sĩ nhưng ông không giống với Từ Sâm một mình xông xáo bên ngoài nhiều năm mà mọi chuyện của ông đều dựa vào cha ruột, bao gồm cả chức quan của ông ở Thượng Bảo Giám cũng nhờ vào cái bóng của Từ thứ phụ mới có. Cho nên, ông nào dám ở trước mặt Từ thứ phụ nói chữ “không”.

Từ nhị phu nhân suy xét, khuôn mặt tươi cười nói:

- Ý của mẫu thân cũng là vì thương yêu Tố Hoa. Phụ thân và đại ca thử nghĩ xem, Tố Hoa từ nhỏ sinh trưởng ở Nam Kinh, bây giờ phải gả đến phủ đệ cổ kính nhất, phú quý nhất kinh thành, chuyện xã giao qua lại ở kinh thành, dù sao vẫn cần có người chỉ bảo con bé chứ? Mẫu thân là có lòng tốt.

Từ nhị phu nhân trong lòng cảm thấy rất không đáng thay cho Ân phu nhân. Tuy là kế thất nhưng mấy năm qua người làm chủ việc trong nhà là bà, người nuôi dạy con cái là bà, người xã giao với bằng hữu thân thích, chu toàn cho người trong tộc cũng là bà, vậy mà đến lúc muốn nuôi dạy tôn nữ lại không thể đem thân phận ra nói chuyện, thật là uất ức.

Tổ mẫu muốn nuôi dạy tôn nữ, đây là chuyện tự nhiên, có gì đáng nói? Nhà người ta, tổ mẫu chỉ cần nói một tiếng là nhi tử và con dâu liền hai tay dâng nữ nhi lên, còn dám cãi lại sao? Từ gia thì ngược lại, đem bốn chữ “đích thê chính thất” đè xuống làm cho tổ mẫu bị bức không còn lời nào để nói.

Đã không thể nói thân phận, vậy chúng ta nói đến chuyện khác cũng được. Một nhà chi lớn các ngươi ở Nam Kinh đã lâu, chuyện qua lại lui tới ở kinh thành, các ngươi hiểu sao? Vị công chúa, vương phi quyền thế nhất trong triều là ai, thích cái gì, kiêng kỵ điều gì, nịnh nọt thế nào cho thỏa đáng; các gia đình bạn bè thân thích cũ, nhà ai phải thường xuyên qua lại, nhà ai chỉ là giao tình bình thường, nhà ai có thể không cần để ý; ngày lễ ngày tết phải tặng lễ, đáp lễ thế nào, mở tiệc chiêu đãi ra sao, trong lòng các ngươi biết sao?

Ân phu nhân nổi lên cảm giác tri âm:

- Nhà lão nhị nói có lý; ta còn không phải là vì muốn tốt cho Tố Hoa, muốn tốt cho Từ gia sao, nếu không thì ta thoải mái vui vẻ sống qua ngày chẳng phải dễ chịu ư, tội gì phải dùng hết tâm sức đi chỉ điểm Tố Hoa.

Mẹ chồng nàng dâu Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân trước giờ luôn hài hòa, nay lại càng tâm linh tương thông. Hai người nhìn nhau, trong lòng đều hiểu: đợi nha đầu nhà quê kia thật sự tới thì họ sẽ mời một ma ma hà khắc không hiểu lý lẽ trong cung đến, chỉnh đốn cho nó một trận. Không cần nhiều, chỉ hai ba tháng thôi là nha đầu kia không chết cũng bị lột một lớp da.

Nói thêm vào như vậy thì dù là Từ thứ phụ hay Từ Sâm cũng không nói được gì nữa. Cô nương nhà ai khi xuất giá đến nhà chồng mà không giữ mặt mũi cho nhà mẹ đẻ, nuôi dạy kém như vậy, ra ngoài làm Từ gia mất mặt thì sao? Không chỉ không thể nói gì mà hai vợ chồng chi lớn dù có khổ đi nữa, ngoài mặt vẫn phải tươi cười nói cám ơn, cám ơn chúng ta thay hai phu thê bọn họ dạy dỗ hài tử.

Từ Sâm là một đại ca tốt, không tranh cãi cùng đệ muội, do đó vẻ mặt vẫn đạm nhạt, không hề mở miệng; Từ Tốn không nhịn được, tiến về trước một bước định nói thì bị Trương Mại bên cạnh kéo lại.

Trương Mại thờ ơ lạnh nhạt, muốn xem rốt cuộc Từ thứ phụ xử sự thế nào. Kỳ thực hắn rất hiếu kỳ, Từ thứ phụ ban đầu là nghĩ như thế nào mà lại muốn hi sinh A Trì? Trong số các tôn nữ, thân phận của A Trì tôn quý nhất, tài mạo xuất chúng nhất, nếu Từ thứ phụ muốn lợi dụng quan hệ thông gia của tôn nữ thì cũng không nên vứt bỏ A Trì.

Ánh mắt mẹ chồng nàng dâu Ân phu nhân nóng bỏng, phụ tử Từ Sâm, Từ Tốn trầm mặc không nói, Từ nhị gia, vợ chồng Từ tam gia kính cẩn đứng yên, không dám lên tiếng. Từ thứ phụ do dự chốc lát, rồi ôn hòa nói:

- Phu nhân thật là vì muốn tốt cho Tố Hoa.

Một bụng ấm ức của Ân phu nhân lập tức biến mất, cả người vui vẻ hẳn lên. Trong lòng ông ấy vẫn hướng về mình! Không phải sao, vợ lão nhị mới nói giúp một câu mà khẩu khí của ông ấy đã dao động rồi.

Trương Mại dường như hơi hiểu được chân tướng. Từ thứ phụ người này đối nhân xử thế không đủ nguyên tắc, làm việc gì cũng dùng cách đỡ tốn công nhất mà làm. Chẳng hạn như thứ bậc của A Trì, Ân phu nhân không được sự đồng ý của ông mà tự chủ trương, tung tin trước mặt các bằng hữu thân thích, nếu ông truy cứu, nói tới nói lui đều là việc xấu trong nhà Từ gia, cho nên ông ngầm thừa nhận; nhưng A Trì rõ ràng là trưởng tỷ, trong lòng ông biết rõ nên cũng không nhẫn tâm ép Từ Sâm, A Trì ở Nam Kinh xưng đại tiểu thư, ông cũng mặc kệ. Dù sao cũng không gặp mặt nên không có gì đáng ngại; nếu gặp mặt, vậy thì phân gia.

Lại chẳng hạn như ông vì bị Nghiêm thủ phụ nghi kỵ, nhiều lần hãm hại, không tránh né được thủ đoạn âm độc. Ông liền hứa gả thứ tôn nữ cho ấu tôn được Nghiêm thủ phụ sủng ái nhất là Nghiêm Phiên làm tiểu thiếp để lấy lòng Nghiêm thủ phụ. Kỳ thực biện pháp làm Nghiêm thủ phụ bỏ đi phòng bị có rất nhiều, chẳng qua là ông chọn biện pháp đỡ phiền toái nhất.

Đến người được chọn là “thứ tôn nữ” cũng giống vậy. Ông không phải không tiếc A Trì, không phải không biết A Trì còn có thể ký kết được cuộc hôn nhân càng có lợi hơn cho Từ gia nhưng vì để bớt việc, ông vẫn chọn A Trì.

Trương Mại âm thầm lắc đầu, thảo nào Từ thứ phụ đấu không lại Nghiêm thủ phụ, tạm thời đang ở thế hạ phong. Nghiêm thủ phụ tuy nịnh bợ bề trên để ôm quyền nhưng làm người biết co biết dãn, khẩu thị tâm phi, cực am hiểu lung lạc thân tín của Hoàng đế, còn Từ thứ phụ hình như kém hơn một chút.

Lời Từ thứ phụ vừa thốt ra khỏi miệng, sắc mặt Từ Sâm lập tức thay đổi, trong lòng hoảng sợ. Bất luận kế mẫu nói gì, ông đều có thể không để bụng, nhưng phụ thân thì không thế. Đó là người phụ thân ruột thịt mà từ nhỏ đến lớn ông kính trọng và yêu quý, lời của phụ thân sao có thể ngỗ nghịch.

Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân thấy vậy thì nụ cười trên mặt càng thêm tươi rói, đắc ý. Lão gia đã mở miệng, chi lớn dù có lớn lối đi nữa thì có biện pháp gì. Từ Sâm ngươi có thể đem “đích thê chính thất” để mỉa mai kế mẫu nhưng với cha ruột thì ngươi có thể làm gì? Chỉ có thể cúi đầu nghe lệnh mà thôi.

Từ Sâm ổn định lại tinh thần, chậm rãi nói:

- Tố Hoa không nên ở chung với nữ tử tuổi dậu, bằng không, gia đình không yên, tai nạn không ngừng.

Đây là cái cớ mà lúc mới về kinh ông đã dùng, bây giờ lại có công dụng.

Cái cớ này Từ thứ phụ có thể tiếp nhận nhưng Từ nhị phu nhân không phải dễ gạt, bà tươi cười nói:

- Đại ca có điều không biết, phàm là loại chuyện này đều có thể hóa giải. Chúng ta mời về một cao tăng đắc đạo, để ông ấy hóa giải là được.

Ngươi có thể dùng tiền sai hòa thượng đạo sĩ nói cái gì mà “không nên ở chung”, ta liền có thể bỏ càng nhiều tiền hơn sai hòa thượng đạo sĩ nói rằng “rất dễ hóa giải”.

Dưới ống tay áo rộng của Từ Sâm, hai tay nắm chặt lại, vẻ mặt kiên nghị. Mặc cho miệng lưỡi các người có tốt đẹp cỡ nào, ta cũng không thể đưa A Trì tới! A Trì rất yếu ớt, không thể so với các hài tử khác, không chịu nổi đám phụ nhân ngu ngốc các người xếp đặt đâu.

Nhất cử nhất động của Từ Sâm đều lọt vào mắt Trương Mại “nhạc phụ so với phụ thân tuy kém hơn không ít nhưng cũng xem như là một phụ thân tốt, bất kể thế nào cũng không vứt bỏ nữ nhi thân sinh của mình.” Trương Mại vui mừng nghĩ.

Hắn cười nói:

- Theo lý mà nói, trước mặt các trưởng bối, vốn không có chỗ cho con nói chuyện. Nhưng chuyện này liên quan đến thê tử chưa qua cửa của con nên con cả gan nói hai câu. Phu nhân, nhị phu nhân, con hiện đang nhậm chức ở Nam Kinh, về sau thành thân, thê tử cũng sẽ theo con xuôi nam nên chuyện qua lại xã giao ở kinh thành, nàng không hiểu cũng không sao. Nếu muốn dạy bảo thì đợi sau khi xuất giá, gia mẫu chắc chắn sẽ tận tâm tận lực dốc túi truyền thụ cho nàng.

Ân phu nhân buột miệng nói:

- Sao có thể? Con đã là quan viên nhị phẩm, đi nhậm chức sao lại mang theo gia quyến được?

Võ tướng nếu nhậm chức bên ngoài, gia quyến đều phải ở lại kinh. Không chỉ tổng binh, tướng quân, mà thiêm thư tay nắm thực quyền như Trương Mại, theo thông lệ cũng phải như thế.

Trương Mại mỉm cười nhìn về phía Ân phu nhân:

- Gia phụ đặc biệt cầu xin bệ hạ, bệ hạ thánh minh khoan hậu, cũng đã đồng ý rồi.

Phụ mẫu, huynh trưởng đều ở trong kinh, Hoàng đế còn sợ ta tạo phản, có dị tâm sao? Cho nên liền vui vẻ thuận nước đẩy thuyền.

Trương Tịnh không chỉ lập nhiều chiến công hiển hách mà còn giúp Tiên đế đăng cơ, cứu mạng thái hoàng thái hậu, chẳng qua chỉ xin cho con dâu đi theo nhi tử ra ngoài nhậm chức, sớm ngày được bồng đích tôn thôi, loại chuyện nhỏ nhặt này, làm sao lại không cho phép chứ.

Trương Mại đứng bên cạnh Từ Sâm, cao hơn ông một cái đầu, điềm tĩnh ung dung, rất có khí thế, Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân thấy thì vừa ao ước vừa đố kị. Vốn nghĩ rằng Ngụy quốc công phủ kia có thái phu nhân Lâm thị và một đám tộc nhân khó chơi, nha đầu nhà quê Tố Hoa sẽ chịu chút cực khổ, nào ngờ nó lại muốn theo chồng xuôi nam, đến thành cổ Kim Lăng nơi đô hội thập triều mà sống tự tại qua ngày. Nhìn không ra, nha đầu nhà quê này số mệnh thật tốt.

Từ nhị phu nhân ghen tị nói:

- Trượng phu ra ngoài nhậm chức, người làm thê tử đương nhiên nên ở lại trong nhà chăm sóc cha mẹ chồng. Sao có thể chỉ lo tự mình hưởng lạc, đem cha mẹ chồng quẳng đi không thèm để ý? Người ngoài nhìn vào, không khỏi chê là bất hiếu.

Từ Tố Hoa ngươi bất hiếu cũng sẽ làm liên lụy đến Mẫn nhi của ta không có danh tiếng tốt.

Trương Mại không kiên nhẫn với phụ nhân ngu ngốc ở hậu trạch này, liền không chút khách khí, lời lẽ sắc bén:

- Bất hiếu có ba điều, không con là lớn nhất. Trượng phu ở bên ngoài, thê tử ở trong kinh thì sao có đích tử? Đây mới là đại bất hiếu!

Nhà ai cưới dâu về mà không mong ôm tôn tử, phu thê ở hai nơi thì hài tử lấy đâu ra? Trương Mại lắc đầu, loại lời nói cố gắng chia rẽ phu thê này thật không biết là làm sao mà nói được.

Mọi người trong phòng vẻ mặt đều cứng đờ. Trương Mại ngươi còn chưa thành thân đâu mà hai chữ “đích tử” liền treo lên miệng rồi? Thật không biết xấu hổ.

Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân đều là phu nhân tôn quý biết giữ lễ nghi, lúc này liền ngậm miệng không nói. Họ đối với đứa con rể này cũng không còn yêu thích, dù sao rốt cuộc là người xuất thân võ tướng, không biết văn nhã.

Bọn họ thật sự hay giả vờ không thích cũng được, nhưng Từ Tố Mẫn và Từ Tố Lan quả thực thích. Nghe nói Trương Mại qua phủ bái kiến, Từ Tố Mẫn, Từ Tố Lan và Từ Tố Phương sớm đã trốn sau bình phong lén nhìn vị hôn phu của Tố Hoa.

Lời nói vừa rồi của Trương Mại, Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân nghe thấy thô tục nhưng lại làm cho Từ Tố Mẫn và Từ Tố Lan mặt đỏ tim đập, ngẩn người mê mẩn. Nếu được gả cho trượng phu như vậy, nhất định là phu thê tình thâm, sẽ không để phu thê chia cách, thật là tốt.

Từ Tố Phương nhìn thấy rất thích thú. Đại bá phụ rất không tệ, vị hôn phu của Tố Hoa cũng rất không tệ, mắng lão thái bà và nhị thẩm mụ la sát kia không nói nên lời, tốt, rất tốt! Từ Tố Phương là người thẳng tính, nàng ghét nhất là Ân phu nhân và chi thứ hai của Từ gia nên bất cứ ai đối nghịch với Ân phu nhân và chi thứ hai của Từ gia trong mắt nàng đều là người tốt, người vô cùng tốt.

Nhất thiết phải nói, Từ tam gia tuy là một thứ tử vô tích sự nhưng cũng có chút bản lãnh. Ông có thể thuận lợi dụ dỗ tam phu nhân để bà ấy đối xử tử tế với thứ tử thứ nữ, có thể để thứ nữ Từ Tố Phương được sống trong sự cưng chiều, lớn lên ngây thơ như vậy cũng không dễ dàng. Cùng là thứ nữ nhưng Tố Tâm của chi thứ hai không có mẹ ruột, cha ruột lại không quan tâm, so với Tố Phương thì bi thảm hơn nhiều.

Bên ngoài bình phong, Trương Mại xun xoe nịnh nọt Từ Sâm:

- Nhạc phụ, sau này ngài ở Tàng Thư Các của Phượng Hoàng Đài chơi đồ cổ, con đều giúp ngài bảo quản thật tốt, không để bị mất hay hư hỏng.

Từ Sâm đương nhiên hiểu dụng ý của Trương Mại, hài lòng mỉm cười:

- Trọng Khải đừng lừa ta, nhất định phải cẩn thận bảo quản cho tốt. Nếu lừa ta, làm mất đồ cổ mà ta yêu thích hoặc làm tổn hại đến thư tịch, ta sẽ không tha đâu, phải phạt.

Trương Mại cười nói:

- Muốn đánh muốn mắng hay muốn phạt đều tùy ngài, con không phản đối. Nhạc phụ, nếu bảo quản tốt, đó cũng là một công lao, ngài cũng phải thưởng.

Trương Mại cười hì hì, dáng vẻ thân thiết với trưởng bối làm nũng đòi quà.

Từ Sâm trong lòng vui vẻ, giả bộ cau mày suy nghĩ:

- Vậy, thưởng con một bữa cơm tối đi. Xế chiều đưa ta về đường lớn Đăng Thị Khẩu, tối ở lại hàn xá ăn bữa cơm rau dưa.

Trương Mại mỉm cười đa tạ:

- Vậy con liền mặt dày đến nhà làm phiền. Nhạc phụ, con mỗi lần dùng cơm cùng ngài là cảm thấy thức ăn cực kỳ ngon, khẩu vị cũng rất tốt.

Hóa ra vị con rể này của chi lớn không chỉ phú quý hơn người mà còn quen nịnh nọt nhạc phụ! Từ thứ phụ khóe miệng co quắp, Sâm nhi, đứa con rể này con từ đâu kiếm được vậy? Thật là thế gian hiếm thấy.

Từ thứ phụ nào biết, đây là bản lãnh Trương Mại đã luyện từ nhỏ, bất kể là dụ dỗ sư công, ông ngoại bà ngoại hay cha mẹ huynh trưởng cũng thế, luôn luôn hiệu nghiệm, chưa bao giờ thất thủ. Đặc biệt là sư công Hoa Sơn lão nhân, lần đầu tiên gặp Trương Mại đã bị tiểu tử thúi này dụ nên đã ra quyết định ở lại Bình Bắc hầu phủ, không coi bốn biển là nhà nữa.

Từ Tố Mẫn, Từ Tố Lan sau tấm bình phong sóng lòng dao động mãnh liệt, huynh ấy đối với nhạc phụ tôn kính như vậy, thân thiết như vậy! Đây mới là quân tử khiêm nhường, so với những kẻ ngu dốt sĩ diện ở nhạc gia thì mạnh hơn không biết bao nhiêu lần.

Không biết từ lúc nào, nam nhân bên ngoài bình phong lần lượt rời đi, đến khách sảnh ngoại viện ăn uống tiệc rượu. Từ Tố Lan rầu rĩ nghĩ: “Hôm nay còn có thể gặp tạm biệt huynh ấy một lần nữa nhỉ. Huynh ấy đến bái kiến thì trước khi rời đi cũng nên đến từ biệt mà.”

Trương Mại không hề vào từ biệt. Hắn và Từ Sâm, Từ Tốn uống nhiều quá, đứng cũng không vững, còn đi từ biệt theo lễ nghi thế nào? Từ nhị gia muốn giữ họ ở lại, Từ tam gia im lặng không nói gì, Từ thứ phụ ôn hòa nói:

- Đường lớn Đăng Thị Khẩu chỉ có đại ca con và đại chất tử là hai nam tử trưởng thành, bọn họ không về sao được? A Thuật, A Dật còn nhỏ, thê tử lão đại và Tố Hoa đều là nữ tử yếu đuối, đại ca con chính là trụ cột của họ.

Ông sai người đưa Từ Sâm, Từ Tốn và Trương Mại lên xe ngựa, căn dặn vị gia nhân dày dạn kinh nghiệm đưa họ về:

- Đưa đại gia đến đường lớn Đăng Thị Khẩu bình an, rồi trở về báo cho ta.

Gia nhân kính cẩn đáp ứng, xoay người rời đi.

Về đến đường lớn Đăng Thị Khẩu, Trương Mại lập tức có sức sống hẳn lên:

- Nhạc phụ, cữu huynh, ta dìu mọi người.

Ánh mắt của Từ Tốn cũng sáng lên không ít:

- Trọng Khải, ta không say.

Từ Sâm không phải không biết ngượng nên tiếp tục giả vờ một lát, đợi vào nhà uống canh giải rượu mới từ từ tốt lại.

Bữa tối chỉ có chút điểm tâm nhẹ và ít cháo, ngoài ra còn có bánh trứng gà thơm phức. Bánh trứng gà màu vàng rực, hương thơm phả vào mũi, được đặt trong một chiếc rổ tinh xảo độc đáo, lót bằng rau cải xanh làm người ta vừa nhìn là muốn ăn.

Từ Sâm ho một tiếng:

- Sai người hỏi phu nhân xem, đây là bữa tối sao?

Có khách đến nhà mà thế này, thực sự quá sơ sài. Thức ăn chẳng qua chỉ năm sáu món, mà tất cả đều là đồ chay, phu nhân nàng cho thỏ ăn à?

Có lẽ do uống nhiều rượu, trong đầu Từ Sâm chợt hiện lên câu thơ “Khi xưa bốn món mỗi ngày no nê, Mà nay cơm chẳng đủ ăn”, trước kia mỗi bữa bốn món mà nay cơm cũng ăn không đủ no! Phu nhân, nhà chúng ta không tới mức đó, nàng làm sao vậy.

Thị nữ hồi bẩm:

- Bữa tối này không phải do phu nhân mà là đại tiểu thư căn dặn.

Từ Sâm càng cảm thấy băn khoăn, con bé A Trì này cũng thật là, Trọng Khải là khách, nào có ai đãi khách như vậy? Nên long trọng hơn một chút mới được.

Cháo có hai loại, mặn là cháo cá viên, ngọt là cháo bí đỏ. Hai loại cháo này nấu đủ lửa, nhìn rất ngon, Trương Mại chỉ ngón trỏ:

- Nhạc phụ, con muốn ăn chính là mấy món này, không cần thứ khác đâu.

Từ Tốn cười nói:

- Mới uống rượu, con cũng muốn húp ít cháo, ăn điểm tâm nhẹ thôi, không cần món khác. Với lại, bánh này nhìn rất hấp dẫn, rất ngon.

Phụ thân ngài không thấy ánh mắt chờ mong của Trọng Khải sao, mau mau thúc đẩy đi.

Từ Sâm cười:

- Trọng Khải không chê là được.

Nói rồi ông động đũa trước. Ông vốn cảm thấy món ăn ít quá thì không tốt, đãi khách không có thành ý, chẳng qua đây là A Trì căn dặn nên phải cho nữ nhi mặt mũi. Nữ nhi rất ít khi nhúng tay vào việc nhà, lâu lâu mới căn dặn một bữa tối, phụ thân, huynh trưởng và vị hôn phu đều là người thân nhất của nó, không thể tạt cho nó gáo nước lạnh được.

Cháo nóng hổi thơm phức xuống bụng, phối hợp với chút thức ăn nhẹ ngon miệng, ba người đều cảm thấy trong bụng ấm áp, cực kì hưởng thụ. Lại nếm thử chút bánh trứng, mùi vị hòa tan vào miệng, bữa cơm này quả thật là bữa cơm gia đình bình thường nhưng ăn rất ngon lành.

Sau bữa tối, Trương Mại lưu luyến cáo từ, Từ Tốn tiễn hắn ra ngoài. Từ Thuật, Từ Dật cũng chạy theo:

- Tỷ phu sắp đi sao? Ngày mai huynh lại đến nữa, có được không? Lão công công râu bạc nếu trở về cũng mời ông ấy qua cùng luôn nhé?

Bởi vì Từ Sâm, Từ Tốn và Trương Mại uống rượu, mà Từ Thuật, Từ Dật không được phép uống rượu cho nên tối nay không cùng ăn với họ.

Trương Mại cười đáp ứng:

- Được, tỷ phu nếu rảnh sẽ qua dẫn các đệ đi chơi. Nếu sư công trở về, cũng sẽ mời các đệ sang Bình Bắc hầu phủ chơi, bên đó có rất nhiều chỗ thú vị.

Từ Thuật, Từ Dật vui vẻ không còn biết phương hướng:

- Được, được.

Trương Mại ra cửa, Từ Tốn không cho hắn cưỡi ngựa mà sai người kéo hắn vào trong xe ngựa, khăng khăng bảo hắn đi xe:

- Trọng Khải, ta biết kĩ thuật cưỡi ngựa của đệ giỏi nhưng hôm nay có rượu vào, nên cẩn thận vẫn hơn.

Trương Mại sờ sờ mũi, một đại nam nhân ngồi xe ngựa, chuyện này quả thật không quen. Thôi kệ đi, cữu huynh rất kiên trì, vậy thì ngồi một lần vậy.

Trương Mại ngồi xe ngựa của Từ gia về Bình Bắc hầu phủ. Du Nhiên quen chế giễu nhi tử, cười khanh khách trêu chọc:

- Khi đi cưỡi ngựa, khi về ngồi xe ngựa? Trương nhị công tử, nhạc gia con rất chu đáo nhỉ.

Trương Mại chống đỡ không được, vội vàng trốn:

- Mẹ, người con toàn mùi rượu, không muốn làm ngạt người. Con về phòng tắm rửa thay quần áo rồi quay lại nói chuyện với người.

Nói rồi chạy đi nhanh như chớp.

Đến khi Trương Mại tắm rửa thay quần áo, sảng khoái quay trở lại, vẻ mặt đường hoàng chính trực ngồi cạnh Du Nhiên, đem chuyện hôm nay từ đầu đến cuối kể lại một lần:

- Mẹ, con vẫn cảm thấy A Trì ở Từ gia không an toàn.

- Vậy thì tốt.

Du Nhiên mỉm cười nói. Trương Mại nghiêm mặt, mẹ, người lúc nào cũng cười hi hi, không nghiêm chỉnh gì hết, người ta đang nói chuyện chính sự mà mẹ chỉ lo cười nhạo con!

Du Nhiên không chút hoang mang, vẫn cười hì hì nói:

- Mại Mại con nghĩ xem, bởi vì tổ phụ Từ gia không đáng tin cậy, chuyện chung thân đại sự của con liền thuận lợi mà định ra; bây giờ Từ gia càng có nhiều người không đáng tin cậy thì con càng sớm rước được thê tử về nhà, có hiểu không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.