Toái ngọc đầu châu
Tác giả: Bắc Nam
Edit: Dú
Chương 4: Đồ khốn kiếp.
Cuốn "Chiến tranh và hòa bình" đã được Kỷ Thận Ngữ đọc hết một nửa, thẻ đánh dấu bằng vàng đó vừa khéo dùng đến, kẹp ngay ngắn vào trong. Cậu biết Đinh Hán Bạch ngứa mắt cậu, cũng biết chẳng qua đêm hôm đó Đinh Hán Bạch sinh lòng trắc ẩn mà thôi, cậu chẳng quan tâm nữa, thế nào cũng được.
Đinh Hán Bạch cũng không để tâm, từ nhỏ hắn đã được nuôi thành cái tính bắt bẻ, sau sự đồng tình nhất thời thì vẫn không nhìn Kỷ Thận Ngữ khác đi mảy may. Đáng thương thì đáng thương thật, nhưng vô dụng thì vẫn vô dụng thôi, cùng lắm là khi nhớ đến cảnh gặp người ta thì sẽ mềm lòng một chốc, chứ không hề có gì khác.
Trời nóng nực quá đỗi, ngồi gần nhau ăn cơm cũng bực, cả nhà Đinh Hậu Khang ở viện của mình, cả nhà Đinh Duyên Thọ ở tiền viện, tạm thời giải tán. Đồ ăn vẫn chưa bày, Đinh Duyên Thọ rút một tập hồ sơ ra, đoạn nói: "Thận Ngữ à, ta nhờ người làm học bạ cho con ở trường cấp ba số 6 rồi đấy."
Kỷ Thận Ngữ đang bưng mâm, mém tí nữa đã đổ thức ăn đổ canh ra, đặt xuống và lau tay xong mới đáp: "Cảm ơn sư phụ, khi nào thì con đi học ạ?"
"Sắp nghỉ hè rồi, con cứ học đại một lớp nào đó, đợi thi cuối kỳ xong xuôi xem kết quả thế nào rồi bảo thầy cô sắp cho con một lớp cố định sau." Đinh Duyên Thọ rất hào hứng, rót thêm một chén rượu vang, "Hiệu trưởng quen bố, năm ấy Phương Hứa đến đây chơi còn tặng cho ông ấy một cái cây đào làm bằng đá Phù Dung ba màu, đến nay vẫn còn đặt trong văn phòng của ông ấy đó."
(*Nguyên văn ở đây là: 还送过他一座三色芙蓉的桃李树.
1. Khi tra "phù dung thạch" thì ra loại đá có màu như hoa phù dung, thuộc dòng đá thạch anh. Tra theo tên tiếng Anh của baidu thì ra thạch anh hồng. Tuy nhiên, khi cộng thêm cả "ba màu" ở phía trước sẽ cho ra đá có màu khác. Nên tôi để đá Phù Dung chứ không phải Thạch Anh nhé. Chi tiết sẽ ở phần chú thích cuối truyện.
2. Cây đào ở đây còn ý chỉ việc trồng người của nghề giáo.)
Kỷ Thận Ngữ không hay nói nhiều ở nhà, chỉ thầm ghi nhớ chuyện này, tảng đá này rơi xuống, đến cả ăn cơm cũng thấy có hứng hơn. Đinh Hán Bạch nhai rệu rạo, cắm mặt ăn chẳng buồn lên tiếng. Hắn đã nghỉ mấy ngày nay, chán đến nỗi chẳng còn tâm trạng gì nữa cả.
Khương Sấu Liễu nhìn hắn: "Con không đi làm thì đến cửa hàng đi, mới mấy tuổi đầu đã rảnh rang thế khó coi lắm."
Đinh Hán Bạch lựa hạnh nhân: "Ngọc Tiêu Ký có làm ăn được đâu, ườn ở nhà nom còn dễ coi hơn ườn trong cửa hàng đó."
Hắn lỡ nói câu không nên nói, Đinh Duyên Thọ ngày đêm lo nghĩ phải vực dậy như thế nào, thế mà thằng con lại chẳng đếm xỉa, bèn nói: "Dù gì mày cũng nhàn mà, vậy mày đưa đón Thận Ngữ đi học đi."
Đinh Hán Bạch đặt đũa xuống, đối mặt với ánh nhìn của bố mẹ mới biết có phản bác cũng vô dụng. Cũng phải, Kỷ Thận Ngữ không quen chốn này, sau khi đến đây, trừ đến Ngọc Tiêu Ký ra thì hình như vẫn chưa ra ngoài bao giờ.
Hắn nhớ lại cảnh Kỷ Thận Ngữ thoa kem bèn liên tưởng đến tiểu thư khuê các cửa lớn không ra cửa trong không bước.
Cười khì một cái, hắn đồng ý ngay: "Trân Châu à, thế sư ca đưa cậu đi nhé."
Kỷ Thận Ngữ vừa nghe danh xưng này thể nào cũng nổi da gà, bèn siết chặt muôi sứ rồi đáp: "Cảm ơn sư ca."
Tiếng "Sư ca" này đã đánh thức Đinh Duyên Thọ. Ông chỉ Đinh Hán Bạch và nhìn sang Kỷ Thận Ngữ rồi bảo: "Thận Ngữ này, đến trường cũng không được bỏ phí tay nghề đâu đấy, nghề này của chúng ta mới là nghề chính, những nghề khác toàn là phụ cả. Nếu con đã nhận ta là sư phụ, ta sẽ dạy hết những gì mình biết cho con, khi không tìm thấy ta thì bảo Hán Bạch dạy con cũng giống nhau thôi."
Kỷ Thận Ngữ xác nhận lần nữa: "Sư ca cũng giống người ạ?"
Đinh Duyên Thọ bật cười, cả đời này ông chỉ đắc ý ở điểm này thôi: "Sư ca con nói năng và hành xử khiến người ta ghét, nhưng tài cán thì không soi mói được." Ông nhìn về phía Đinh Hán Bạch, không khỏi trách cứ, "Thận Ngữ đã đến đây lâu thế rồi mà sao hai đứa vẫn chưa luận bàn xem sao? Sống trong cùng một viện làm gì thế?"
Vẻ mặt Đinh Hán Bạch cứ như thể không muốn nghe hết vậy, luận bàn á? Hắn chẳng thiếu tế nhị mà đi nói sự thật cho Đinh Duyên Thọ thế đâu, sợ Kỷ Thận Ngữ sẽ ngượng muốn chui xuống lỗ kia kìa. Ngước mắt lên thoáng nhìn, không ngờ Kỷ Thận Ngữ đang quan sát hắn, mặt bình tĩnh.
Hắn cảm thấy mặt mũi nhóc con Nam Man này giống bạch ngọc trong suốt ấy, cơ mà độ dày cũng không vừa đâu.
Sau khi đến đây, Kỷ Thận Ngữ vẫn chưa từng thấy Đinh Hán Bạch khắc đồ, chỉ biết là đối phương ăn cơm thì kén cá chọn canh, nói năng thì vô tình, lông bông nằm ườn không đi làm, mặc áo lụa quần là, không giống một người có chuyên môn cao.
Chủ yếu là không tin tay nghề hắn cao hơn mình.
Hai người, một thì kiêu ngạo lồ lộ, một thì kiêu ngạo ngầm, ai cũng chướng mắt người nấy, càng không nói đến chuyện chịu thua. Buổi tối trên đường về tiểu viện, khi chia tay trước cửa, Kỷ Thận Ngữ mở lời: "Sư ca à, sáng mai đi học đó." Cậu sợ Đinh Hán Bạch lại ngủ tít mít đến khi mặt trời lên cao.
"Đi chứ." Bước chân Đinh Hán Bạch không dừng, "Xem cậu thi cuối kỳ được mấy điểm đây."
Kỷ Thận Ngữ không hề lo lắng suông, sáng sớm hôm sau, cậu đã sửa soạn xong cả rồi nhưng cửa phòng ngủ của Đinh Hán Bạch hãy còn đóng, máy điều hòa ở góc sau chạy suốt đêm rỉ một bãi nước lạnh. Cậu thấy thời gian còn dư bèn ngồi chờ ở hành lang, tiện thể đưa sách giáo khoa ra để ôn tập.
Đợi nửa tiếng, nếu không đi sẽ muộn, cậu đành gõ cửa: "Sư ca ơi, anh dậy chưa?"
Bên trong không hề có tiếng động gì, Kỷ Thận Ngữ ra sức gõ mạnh hơn: "Sư ca, sắp đi học muộn rồi."
Đinh Hán Bạch đương say mộng Xuân Thu, mơ Trương Dần trở về từ Phúc Kiến, xách một cái rương hàng thứ phẩm tệ lậu, nếu không phải do tiếng đập cửa càng lúc càng lớn thì hắn sẽ còn chìm đắm trong giấc mơ thêm một lát nữa. Buồn ngủ dễ cáu kỉnh, hắn lê dép xắn tay áo lên, mở phăng cửa khiến Kỷ Thận Ngữ giật mình.
"Cứ như đi đòi mạng ấy." Đinh Hán Bạch đi rửa mặt, đủng đà đủng đỉnh. Kỷ Thận Ngữ sốt ruột trong lòng, bèn vào phòng ngủ chuẩn bị quần áo cho đối phương, vừa chạm vào tủ đồ đã mắc bệnh nghề nghiệp ngay, mắt quyến luyến và lưỡng lự, chun mũi hít hà, gập ngón tay gõ gõ, cảm nhận hết độ cứng bóng loáng và mùi hương của gỗ một lượt.
Đinh Hán Bạch rửa mặt xong thì bước vào, dựa khung cửa gật gù: "Thích tủ quần áo của anh à?"
Kỷ Thận Ngữ không ngoái đầu lại: "Gỗ này tốt quá, ở Dương Châu khó tìm lắm."
"Ở đây cũng khó tìm thôi." Đinh Hán Bạch cảm thấy Kỷ Thận Ngữ rất biết phân biệt đồ đạc, tiến lên kéo cửa tủ lấy một bộ quần áo ra, sau đó thay ngay trước mặt Kỷ Thận Ngữ. Hắn vừa đeo thắt lưng vừa sai bảo người ta: "Cài cúc cho anh."
Kỷ Thận Ngữ làm ngay lập tức, nhanh nhảu cài cúc áo sơ mi cho Đinh Hán Bạch, khi cài đứng sát rạt nhau, cậu chạm mặt ngang hầu kết của Đinh Hán Bạch, nuốt nước miếng rồi mở lời: "Sư ca à, sáu giờ rưỡi là tan học."
Đinh Hán Bạch nói: "Anh từng đi học rồi, cậu không cần bảo với anh đâu."
Kỷ Thận Ngữ rút tay về, có hơi do dự: "Vậy anh đến đón em sớm chút nhé?"
Ở đây cậu chỉ quen người nhà họ Đinh, dù Đinh Hán Bạch có bắt bẻ cậu thì cũng là người thân quen nhất, song đối với Đinh Hán Bạch thì cậu không giống vậy, không bằng bạn bè hay người thân, không đáng để lo lắng.
Cũng như sáng nay không dậy nổi, cậu sợ chiều nay Đinh Hán Bạch quên đón mình.
Ra cửa quá muộn nên Đinh Hán Bạch lái xe nhanh như gió, lạng lách đến nỗi Kỷ Thận Ngữ suýt nữa đã ói ra, nhưng vẫn đến muộn. Cổng sắt của trường đã đóng, Kỷ Thận Ngữ một mình xuống xe gõ cổng, giải thích hết nước hết cái với ông cụ trong phòng bảo vệ, nhưng cậu không có giấy chứng minh, cũng không mặc đồng phục, người ta không cho vào.
Kỷ Thận Ngữ lấy hồ sơ ra: "Ông ơi, cháu là học sinh mới chuyển tới, hôm nay là ngày đầu tiên đi học ạ."
"Học sinh mới chuyển tới cũng phải do phụ huynh lo thủ tục chứ, không thì chứng minh thế nào được?" Ông cụ cầm chiếc cốc sứ tráng men, "Ngày đầu tiên đi học mà đi muộn vậy à? Kỳ cục quá."
Ô tô đã quay đầu, Đinh Hán Bạch nhìn thấy hết tất cả từ kính chiếu hậu, đành tắt máy xuống xe, chạy chậm qua: "Bác à, làm thủ tục gì cơ ạ? Cháu làm cho em nó, nhưng bác không cho vào cổng thì sao mà làm?"
Ông cụ choáng: "Cậu là anh trai cậu nhóc?"
Đinh Hán Bạch duỗi tay ra, xuyên qua song cửa chạm vào thanh cài sắt, kéo ra rồi đẩy cửa vào, ông cụ thấy thế thì quát, hắn chắn ngay phía trước, ngoặt tay kéo quai cặp của Kỷ Thận Ngữ, quẳng cả người lẫn cặp ra hơn nửa mét, gào lên: "Ngẩn ra đó làm gì! Chạy đi!"
Kỷ Thận Ngữ chạy vào tòa nhà dạy học, gặp giáo viên thì chứng tỏ lai lịch, được đưa vào phòng học một cách vô cùng thuận lợi. Đến khi ngồi xuống thì thở đều đều, cậu không khỏi lo cho Đinh Hán Bạch đang ở cổng trường thế nào rồi.
Đinh Hán Bạch vẫn khỏe re, bị ông cụ lắc tay còn vừa cười vừa bực mắng: "Bác cứ tìm trên bức tường treo ảnh các học sinh tốt nghiệp ưu tú trong đại sảnh đi, xem có Đinh Hán Bạch cháu không? Mở cổng trường cũ thì có làm sao? Phù điêu trong đại sảnh toàn là ba cháu dẫn cháu khắc lên đó!"
Ông cụ đã làm việc ở đây mười mấy năm: "Đinh gì cơ? Cậu là Đinh Hán Bạch á!"
Đinh Hán Bạch giật cổ áo bị kéo: "Cháu là học sinh tốt nghiệp ở đây mà, không phải phần tử phạm pháp gì đâu, bác yên tâm chưa?"
Ông cụ tức đến nỗi đẩy hắn, gào như đang đi buôn: "Đúng là thằng nhãi này rồi! Khi ấy trên xe đạp sườn ngang của các thầy cô có khắc chữ, gì mà đồ con rùa đồ khốn kiếp, gì mà không làm xong bài tập, tôi không bắt được người nên ngày nào cũng bị trừ lương, nhãi con cậu toàn ôm ý xấu trong bụng thôi!"
Đinh Hán Bạch đã quên chuyện cũ năm xưa, vừa cười vừa chạy, chạy vào xe rồi còn nghe thấy chửi đổng của ông cụ. Lái ra phố rồi mới dần nhớ ra, hồi đó hộp bút hắn nặng trình trịch, một chiếc bút bốn chiếc dao, ghét giáo viên nào là khắc chữ lên sườn xe của người ta, chữ nhỏ tí ti, khắc xong còn quét mực vàng lên.
Đi ngang qua Cục Di sản văn hóa, hắn đánh vô-lăng quẹo vào. Hắn đã nghỉ hơn một tuần nay, chắc là chủ nhiệm Trương đã về, hắn muốn xem gã có đem đồ gì về không.
Văn phòng vẫn là những người đó, thấy Đinh Hán Bạch vào cửa bèn rộn ràng lên. Bình thường Đinh Hán Bạch hay hào phóng, xưa giờ giúp đỡ gì cũng chẳng so đo, nhân duyên không tệ. Hắn bĩu môi về phía văn phòng chủ nhiệm, đoạn hỏi: "Đã về rồi hả?"
Đồng nghiệp gật đầu: "Chủ nhiệm Trương và tổ trưởng Thạch đang chia của đó."
Đinh Hán Bạch đi trả phép, lúc đi vừa gặp tổ trưởng Thạch đi ra. Hắn phát hiện tổ trưởng Thạch đã gầy đi, có thể thấy là chuyến công tác lần này vất vả. Hắn nghênh đón, xách ấm nước để pha trà cho đối phương, đoạn hỏi: "Tổ trưởng à, có nhớ cháu không?"
Tổ trưởng Thạch liếc văn phòng một cái, cắn răng đáp: "Ngày nào chú cũng nhớ cháu hết!"
Phúc Kiến vớt được hiện vật nổi trên mặt biển, các Cục Di sản văn hóa đều đến nhìn, mở hội nghị, sàng lọc sơ bộ, giới hạn mức mua, làm liền tù tì hao sức, tổ trưởng Thạch thụi hắn một cú: "Chú phải nghỉ mấy ngày, kế đó cháu chạy việc thay chú đi."
Đinh Hán Bạch hỏi: "Không mua gì hả chú?"
Tổ trưởng Thạch lại thụi thêm một cú nữa: "Cháu chỉ nhớ mấy cái này thôi!" Rồi hạ giọng, thì thào, "Đồ hư hao nhẹ thì phải xin phê chuẩn, chú chỉ lấy mấy cái hư hao nhiều thôi, đồ để triển lãm trong thành phố thì chú không làm chủ được, toàn do chủ nhiệm Trương chọn cả..."
Đinh Hán Bạch ngứa ngáy khó nhịn nổi: "Tối nay cháu bao, cho cháu coi nhé?"
Cả ngày nay hắn cũng chẳng có tâm tư gì khác, gom đủ sức làm xong đống công việc tồn đọng, chỉ đợi tan tầm đi xem cho đã mắt với tổ trưởng Thạch nữa thôi. Sáu giờ rưỡi vừa điểm là lái xe kéo người ta đi, đến nhà hàng lần trước để gói vài món rồi chạy thẳng đến nhà đối phương.
Phòng đơn có hơi tẻ nhạt, Đinh Hán Bạch không rảnh để uống rượu ăn cơm, bèn trải ga giường cũ ra, chuyển các mảnh vỡ hiện vật tổ trưởng Thạch đem về, ngồi xổm bên giường để thưởng thức. Tổ trưởng Thạch sáp lại gần hỏi: "Toàn là đồ vứt đi cả, cháu thích à?"
Đinh Hán Bạch bịt miệng mũi lại để chặn mùi tanh của biển, giọng ồm ồm: "Cháu thấy hứng thú với đồ cổ, hiện vật ở chợ trông giả quá, tiếc là mấy cái này quá nát, nhưng ngọc vỡ cũng chắc hơn ngói lành mà."
Tổ trưởng thạch khoát tay: "Vậy cháu cứ lấy đi, cái đống sứ vỡ này chị dâu cháu không cho giữ, trên có giun ống serpulid, bẩn."
Đinh Hán Bạch tức khắc bọc lại ngay, sợ đối phương đổi ý, cái này có thể cầm về nhà nghiên cứu dần. Dọn sạch xong thì ngồi xuống ăn cơm, trời bên ngoài đã đen kịt, dự báo thời tiết đã sắp phát sóng hết, hắn đang kẹp vỏ cua bỗng khựng lại, cứ cảm thấy đã quên mất chuyện gì đó.
Tổ trưởng Thạch hỏi: "Sao hôm nay lại lái xe đến thế? Vậy đừng uống rượu."
Tại sao lại lái xe đến? Bởi vì lái xe thì nhanh, tại sao phải nhanh, bởi vì ra cửa muộn nên sẽ đi trễ... Đinh Hán Bạch để đũa xuống cái "cạch", hắn quên đi đón Kỷ Thận Ngữ tan học mất rồi!
Đống đồ "nát" đặt trên ghế ngồi, sợ xóc vỡ nên không dám lái quá nhanh. Đinh Hán Bạch đi men theo đường đến cổng trường cấp ba số 6, cổng đã đóng chặt, bên trong đen ngòm, căn bản không hề có bóng người.
Hắn xuống xe gào qua cổng sắt: "Bác ơi! Nhóc học sinh mới chuyển đến đã đi rồi hả?"
Ông cụ đi ra: "Bám cửa sổ phòng tôi xem thời sự phát sóng xong đi luôn."
Đinh Hán Bạch lái xe rời đi, suốt dọc đường chú ý hai bên đường phố, nhưng ô tô không thể chạy chậm quá, luôn có nơi không nhìn rõ. Hắn đoán không chừng Kỷ Thận Ngữ đã về nhà rồi, bèn tăng tốc lái về nhà.
Phòng khách tiền viện không có ai, Đinh Duyên Thọ đưa Khương Sấu Liễu đi sinh nhật bạn rồi. Đinh Hán Bạch chạy vào tiểu viện, thấy đèn tắt cửa đóng, Kỷ Thận Ngữ vẫn chưa về, lại chạy vào phòng ngủ tiền viện tìm Khương Thải Vi rồi hỏi: "Dì út ơi, Kỷ Thận Ngữ đã về chưa?"
"Chưa, không phải hôm nay Thận Ngữ đi học à?" Khương Thải Vi nói, "Không phải cháu phụ trách đưa đón ư? Dì tưởng cháu chở nó đi ăn ngoài..."
Đinh Hán Bạch chưa nghe xong đã xoay người đi mất, cưỡi xe đạp chạy vọt vào bóng đêm, vừa cưỡi dọc bên đường vừa gào. Nhà cách trường rất xa, sáng nay lái xe lại nhanh, chắc chắn Kỷ Thận Ngữ không nhớ được đường, có khi bây giờ đang đi một mình đâu đó.
Đúng là Kỷ Thận Ngữ đã lạc đường. Cậu đợi ở cổng trường một tiếng, đến tận khi trường đã vắng tanh. Cậu cố nhớ đường để về, càng đi càng đói, nơi đây rộng lớn hơn nhiều so với Dương Châu, đường cái rộng thênh thang, khoảng cách giữa các đèn đường cũng rất xa. Cậu đi qua một cái hồ, khi tới không nhớ là có hồ, lại vòng ra, rẽ từ hồ vào công viên.
Lúc rẽ ra lại gặp một cảnh vật khác, ven đường có cây dương liễu và hoa hồng, tiệm sách báo đang đóng cửa, cậu bước qua hỏi đi Ngọc Tiêu Ký như thế nào, người ta đáp là rất xa. Cậu ngẩng đầu nhìn mặt trăng, mặt trăng nơi đây giống y như mặt trăng ở Dương Châu vậy.
Cậu muốn về Dương Châu, muốn đời này được gọi Kỷ Phương Hứa là "bố" một lần nữa.
Rõ là cậu đã nhắc Đinh Hán Bạch đến đón cậu sớm chút, tại sao Đinh Hán Bạch không đến.
Là bởi vì cậu khắc trúc Phú Quý tệ quá, hay là bởi vì cậu dùng Phỉ Thúy giả để gạt người ta, hay là bởi cậu không cho mượn cuốn "Như núi như biển" nọ. Kỷ Thận Ngữ tiếp tục đi, gánh hết ánh trăng sáng rỡ trên lưng. Cậu đi kề chân tường, tường đỏ ngói đen rất đẹp, cậu cứ đi men theo nó mãi.
Khi Đinh Hán Bạch bắt gặp Kỷ Thận Ngữ thì đối phương đang ngắm một tổ chim dưới mái hiên.
"Kỷ Trân Châu." Hắn gào lên.
Kỷ Thận Ngữ nhìn lại, không lộ biểu cảm gì, dẫu là mừng vui hay thất vọng, không hề có gì cả.
Đinh Hán Bạch cưỡi xe đến, vươn tay giỡ cặp sách xuống vai Kỷ Thận Ngữ, rất nặng, hắn xách cũng ngại nặng. Hắn có phần không biết mở miệng ra làm sao, cuối cùng vẫn là cái đức hạnh đó: "Sao cậu không đợi anh mà chạy lung tung làm gì?"
Kỷ Thận Ngữ đáp: "Em biết anh sẽ không đón em."
"Gì cơ?"
"Em biết anh không định đón em."
"Anh quên thôi mà..." Đinh Hán Bạch bóp chuông, lộ tim đen ra không sót một tí gì, "Anh có chút chuyện nên quên mất. Mà không phải đã tìm được cậu rồi à, lên xe đi."
Chiếc xe đạp vững vàng chạy chầm chậm ven đường, cặp sách treo lắc lư trên tay lái, Đinh Hán Bạch tìm người mà mướt rượt mồ hôi, quần áo phía sau lưng đều dán sát da thịt. Kỷ Thận Ngữ cầm lò xo của yên xe, hơi cong chân khẽ lung rung.
"Đói bụng không?, "Hôm nay học gì?", "Các bạn không bắt cậu nói đôi câu tiếng Dương Châu đó chứ?" Đinh Hán Bạch hỏi một tràng, nhưng không nhận được nửa chữ đáp lại, hắn bỗng hãm phanh, "Rốt cuộc cậu muốn thế nào nữa? Ngày mai cậu đi hỏi bác bảo vệ xem anh có đi đón không, quên thì cũng quên rồi, đừng làm như thể anh cố ý không cần cậu vậy."
Kỷ Thận Ngữ nện một cú vào lưng hắn: "Quên cũng không được!"
Đinh Hán Bạch bị đánh thừ người ra, hiểu được ý ngoài lời của Kỷ Thận Ngữ. Đúng là hắn đã quên thật, nhưng đối với Kỷ Thận Ngữ, đã quên chẳng khác nào bị vứt bỏ, bởi cảm nhận lúc đó đều như nhau.
Chim mỏi phải về tổ, Kỷ Thận Ngữ đứng đợi ở cổng trường mãi đến khi mọi người đã về hết, chật vật như khi rời khỏi Dương Châu.
Hắn nhất thời nghẹn lời, Kỷ Thận Ngữ bèn nói: "Em sẽ nhớ đường nhanh thôi, trước khi em nhớ được đường thì anh không quên không được ư?" Lần này giọng của cậu nhẹ khôn cùng.
Đinh Hán Bạch đạp một hơi về nhà, Khương Thải Vi đang đợi cả hai ở cổng lớn, đã hâm bữa tối xong xuôi. Kỷ Thận Ngữ không ăn, về thẳng phòng ngủ làm bài tập, Đinh Hán Bạch nài Khương Thải Vi: "Dì đưa đồ cho em ấy ăn đi."
Khương Thải Vi đã xới cơm xong: "Cháu tự đi đi."
Đinh Hán Bạch bưng bát bằng một tay rồi về tiểu viện, thấy cánh cửa bình thường khép hờ nay đóng chặt, gõ cũng chẳng ai đáp. "Anh vào đây." Hắn nói xong thì đẩy cửa vào, bên trong sáng đèn, trên bàn bày sách vở, nhưng Kỷ Thận Ngữ không có ở đó.
Hắn đoán Kỷ Thận Ngữ đi tắm, bèn đặt bát xuống vội rời đi, miễn cho lúc gặp lại cãi nhau không mấy thoải mái.
Một đêm trôi qua, Đinh Hán Bạch dậy sớm, cầm ống bơm hơi định bơm lốp, đến gần mới phát hiện ra trên sườn xe có một hàng chữ nhỏ xíu, Sấu Kim Thể đúng chuẩn, khắc xong còn mạ vàng, chỗ chuyển bút tàng phong.
Cực kỳ bắt mắt – "Đồ khốn kiếp!"
*Chú thích:
(1) Sấu Kim Thể: Là một thể chữ thư pháp được sáng tạo bởi hoàng đế Tống Duy Tông – vị vua thứ tám của triều đại nhà Tống. Trong lĩnh vực thư hoạ, ông chủ yếu vẽ tranh công bút. Khi vẽ tranh công bút, ông dùng chiếc bút câu tuyến 勾线笔 (bút đi nét, bút tỉa hoạ tiết nhỏ) để vẽ những nét rất bé, mảnh. Ông dùng loại bút trên để viết chữ và tạo ra những đặc điểm rất riêng. Sau đó chữ ông viết tạo thành một phong cách rất riêng. Mọi người nhìn thấy viết chữ viết như vậy rất đẹp, có sự thẩm mỹ cao. Vì vậy, mọi người gọi thể chữ này là Sấu Kim thể 瘦金体. Sấu 瘦 ở đây nghĩa là gầy, còn Kim 金 có ý nghĩa là thể chữ này có mối liên quan đến hoàng gia. Như vậy, Tống Huy Tông chính là người sáng tạo ra thể chữ Sấu Kim Thể.
(2) Tàng phong 藏鋒 cũng gọi ẩn phong 隱鋒 (giấu ngọn bút) hay nghịch phong 逆鋒 (ngược ngọn bút). Khi khởi bút, ta hướng bút ngược lại chiều muốn kéo (nghịch phong). Khi thu bút ta hướng ngược chiều đã kéo (cũng gọi là hồi phong 回鋒). Tàng phong làm cho nét bút đầy đặn, khí lực sung mãn, ngoài nhu trong cương. Trong hình dưới thì nó là ba nét chữ phía trên.
(3) 三色芙蓉石 – Đá Phù Dung ba màu:
Ngoài ra, còn có thông tin về đá Phù Dung như thế này: Đá Phù Dung là một trong các loại đá Thọ Sơn phổ biến nhất tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Đá Phù Dung được chia ra thành một số loại như Phù Dung trắng, Phù Dung vàng, Phù Dung nhiều màu, Phù Dung xanh lá cây,... Nơi sản sinh chủ yếu là ở các hang động: Động Tướng Quân, động Thượng, động Thiên Diện. Đá Phù Dung còn là một trong tam bảo thạch ấn, là một trong tuyệt phẩm đẹp nhất dùng để làm con dấu ở núi Thọ Sơn.