Tôi Rất Nhớ Em

Chương 9: Chương 9




Kỳ nghỉ hè trước khi Chu Giai Ý đi học đại học, Hà Sùng đã bắt đầu thực tập công việc của mình.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp của cô coi như đã phát huy tốt hơn bình thường, thuận lợi đỗ vào một trường nổi tiếng ở Quảng Đông. Bố Chu Giai Ý cười không khép miệng lại được, thưởng cho cô nhân kỳ nghỉ hè này được đi du lịch cùng mẹ. Thế là Chu Giai Ý và Hà Sùng, người thì bận đi chơi, người thì bận đi thực tập, cả một kỳ nghỉ hè thậm chí còn chẳng ăn được cùng nhau một bữa cơm.

Buổi tối trước ngày Chu Giai Ý tới Quảng Châu, Hà Sùng mới gọi điện thoại cho cô.

“Mẹ cậu đưa cậu qua đó phải không? Đi đường chú ý an toàn nhé!” Dường như cậu rất mệt mỏi, giọng nói nghe chẳng có chút tinh thần nào, định dặn dò chuyện gì đó xong lại thôi: “Ngày mai mình phải đi làm, không đi tiễn cậu được. Khi nào lên tàu hỏa thì nhắn tin cho mình, tới trường rồi phải gửi cho mình số điện thoại của cậu ở đó. Nếu nhà trọ có điện thoại, cũng gửi luôn.”

“Ừm, được rồi!” Nghĩ tới chuyện đã lâu lắm rồi cô không trò chuyện với cậu, trong lòng Chu Giai Ý vẫn còn một chuyện quan trọng, bèn nói ngắn gọn: “Hà Sùng! Mẹ mình làm việc ở tỉnh, nên thuê nhà ở đó. Căn nhà ở tiểu khu nhà mình cho thuê rồi. Người thuê nhà đó có vẻ hung dữ lắm. Đây cũng là lần đầu tiên mẹ mình cho thuê nhà. Mình sợ mẹ bị người ta bắt nạt. Khi nào cậu về mà có thời gian thì chú ý giúp mình nhé?”

“Được, mình sẽ để ý.” Hà Sùng đồng ý rất tự nhiên, rồi ngáp ngủ, hỏi cô: “Có căng thẳng không? Lần đầu một mình lên thành phố lớn học mà?”

“Cũng không lo lắng lắm. Nơi ở của mình cũng khá giống trước đây, chỉ là hơi xa nhà một chút.” Cô vẫn nói thật với cậu: “Nhưng mà nghĩ tới chuyện sau này nghỉ hè quay về phải sống trong một căn nhà chưa từng ở, cứ cảm thấy không quen.” Nghĩ một lúc, cô vẫn chưa thể diễn tả hết cảm xúc của mình: “Thật sự chẳng khác nào không có nhà.”

Bên đó vang lên tiếng loa phát thanh, có lẽ Hà Sùng đã lên xe buýt.

“Một thời gian là quen cả thôi.” Cậu vẫn lãnh đạm như mọi ngày, luôn khiến cô cảm thấy việc cô thấy đau đầu thực chất nhỏ như con kiến: “Rãnh rỗi mình sẽ tới thăm cậu, tới lúc đó nhớ mời mình ăn cơm đấy.” . “Bên đó hình như có nhiều món ngon lắm, nhưng khá nhiều món mùi vị nặng.” Chu Giai Ý nhắc nhở trước: “Cậu mà ăn được, mình mời cậu một bữa no nê luôn.”

Sáng sớm ngày hôm sau đã phải vội ra ga tàu, nên họ không nói chuyện quá lâu. Sau khi Chu Giai Ý vào học, ngay lập tức đã phải đi quân sự mười mấy ngày, bận rộn bù đầu. Buổi tối cô thường ngủ rất sớm, thậm chí chẳng có thời gian gọi cho cậu một cú điện thoại. Hà Sùng hình như cũng hiểu cô rất bận nên cũng không chủ động gọi tới. Ngược lại người chủ động là mẹ cô.

Mẹ Chu Giai Ý tào lao mấy chuyện. Lần này bà nghe nói thời gian tập quân sự của Chu Giai Ý khá dài, lo lắng cô ăn uống không tốt, rồi lại nghe tin tức thấy sắp có bão đổ bộ vào Quảng Đông, nên vội vàng gọi điện tới, dặn dò cô phòng chống mưa bão, thu dọn hết quần áo đang phơi bên ngoài vào.

Chu Giai Ý vâng dạ từng việc một. Cúp điện thoại một lúc lâu, cô lại nhận được tin nhắn của mẹ. Cô cầm điện thoại, đứng ở cửa phòng, chỉ đọc tin nhắn một lần, mũi cô đã cay cay. Biết có thể mình sẽ không nhịn được mà bật khóc, Chu Giai Ý không quay về phòng ngay mà quay đầu đi tới tận cùng hành lang ký túc xá. Cô lật rất lâu trong nhật ký điện thoại, cuối cùng nhìn thời gian rồi gọi cho Hà Sùng.

“Alô? Hà Sùng?” Điện thoại vừa được kết nối, cô đã lên tiếng trước. Người đó mấy giây không đáp lại, cô tưởng tín hiệu không tốt, bèn thử gọi lại lần nữa: “Hà Sùng?”

“Ừm, mình đây!” Cuối cùng Hà Sùng cũng lên tiếng, nghe như đang cười: “Lâu lắm không được nghe giọng cậu rồi, suýt nữa thì không nhận ra.” . “Trí nhớ kiểu gì vậy? Rõ ràng mới có hai tuần.” Cô bất giác chê một câu, rồi lại hỏi: “Cậu tan làm chưa?”

“Tan làm rồi. Tuần sau mình bắt đầu được nhận chính thức. Hôm nay đã được nhận ba tháng lương thực tập.” Ngữ điệu của cậu cũng khá nhẹ nhàng. Cậu nhận được lương, tâm trạng đương nhiên rất vui: “Sao bỗng nhiên lại nhớ ra gọi điện cho mình thế?” . “Vậy chúc mừng cậu trước. Có thời gian khao mình một bữa nhé. Tiền lương tiêu tiết kiệm vào, đừng vừa có lương là bắt đầu ăn tiêu hoang phí.” Là một chuyện đáng vui mừng nhưng vừa nghĩ tới bản thân, Chu Giai Ý lại chẳng vui nổi nữa: “Còn năm ngày nữa mới kết thúc đợt quân sự, mệt chết đi được!”

Hà Sùng bật cười: “Đã cố gắng được hai tuần rồi, nhẫn nhịn thêm chút nữa đi, mình ủng hộ cậu trên tinh thần.”

Cậu nói rất thản nhiên, đúng là “có ăn nhạt mới biết thương đến mèo”. Chu Giai Ý nghĩ như vậy, chợt cảm thấy ấm ức vu vơ.

“Mẹ vừa gọi điện thoại cho mình, rồi lại nhắn thêm một tin, nói là nằm mơ thấy mình được nghỉ học về nhà. Mình nói tới kỳ nghỉ mình nhất định sẽ về. Với lại mình còn mang theo máy tính xách tay tới đây, sau này nối mạng là có thể trò chuyện trực tuyến với mẹ.” Trong đầu cô vẫn còn hiện lên hình ảnh đoạn tin nhắn của mẹ. Nhớ lại những lời dặn dò của mẹ, nước mắt lại lăn dài trên má Chu Giai Ý. Cô nói trong nghẹn ngào: “Hà Sùng! Mình nhớ mẹ lắm. Cậu bảo bà ở nhà bao năm nay rồi, giờ bỗng thay đổi môi trường sống, còn phải bắt đầu làm việc trở lại, có phải sẽ rất buồn không?”

Cô không thể tưởng tượng được mẹ mình sẽ sống thế nào. Gặp phải những chuyện rất khó khăn sao? Liệu có bị người khác bắt nạt không? Ốm đau, mệt mỏi liệu có ai chăm sóc không? Những câu hỏi ấy cứ liên tục nảy lên trong suy nghĩ của cô, càng nghĩ nước mắt càng tí tách rơi, muốn ngừng mà ngừng không được.

“Cuộc sống của cô ấy trước đây đều dồn cả vào cậu, bây giờ phải chuyển nhà tìm công việc mới, nhất định cần thời gian để thích ứng.” Hà Sùng nghe ra cô đang khóc, ngữ khí càng bình tĩnh hơn. Cậu nói chầm chậm để cô kịp bình tĩnh lại: “Cậu làm rất tốt. Bớt lo lắng một chút. Mẹ cậu là người lớn, biết tự chăm sóc bản thân mình mà. Cậu chỉ cần lo tốt cho chính mình là được rồi, đừng để mẹ cậu bận lòng.”

“Ừm.” Chu Giai Ý hít một hơi, rụt cổ lại gật đầu rất mạnh. Khó khăn lắm hô hấp mới trở lại bình thường. Chợt nhớ tới sau này phải xa cách mẹ những bốn năm trời, đến việc liên lạc với Hà Sùng cũng phải gọi điện thoại đường dài, lại nghẹn lời: “Nhưng mà… mình thật sự rất… rất nhớ mẹ…”

“Ngoan! Một thời gian nữa là ổn thôi.” Không nhìn thấy mặt cô, cũng không hiểu tại sao vừa ngưng được một lúc cô lại khóc dữ hơn, Hà Sùng chỉ biết an ủi, vỗ về rồi cười nói: “Lớn rồi còn suốt ngày nhớ mẹ. Cậu đúng là khiến mình biết thêm nhiều điều mới lạ đấy.” Muốn để cô thoải mái hơn một chút, cậu bèn trêu chọc: “Không nhớ ai khác chút nào sao? Ví dụ như… mình chẳng hạn?”

“Nhớ chứ!” Cô mím chặt môi, cố gắng để nói một câu hoàn chỉnh nhưng cuối cùng vẫn thất bại: “Mình cũng rất nhớ… cậu.”

Nói xong, cô không đợi phản ứng của Hà Sùng, lại khóc tức tưởi: “Ở đây người Quảng Đông nói nhanh lắm… cứ bô lô ba la như chim hót, mình nghe không hiểu… Trước đây học tiếng Quảng Đông cũng chẳng có tác dụng gì cả.”

Tâm trạng cô bây giờ giống hệt như lúc nhỏ khi kể cho Hà Sùng nghe chuyện bố mẹ mình ly hôn, hồn phách cậu bay biến hết. Cậu không nhịn được, cười vang, thấy mình càng cười cô càng khóc tợn, như trở lại năm mười tuổi, không biết làm cách nào.

“Không sao! Sớm muộn cũng quen thôi. Cùng lắm thì cậu dùng tiếng quê chúng ta đối phó lại họ.” Hà Sùng cười đủ rồi mới gợi ý cho cô: “Tập mệt rồi thì nghỉ sớm đi, ngủ một giấc là quên hết à.” Nói xong cậu còn bổ sung thêm: “Đừng có làm nũng mình!”

“Vậy… Vậy mình đi ngủ… ngủ trước đây.” Cậu cười lâu như vậy, cũng may Chu Giai Ý không giận cậu, sụt sịt rồi nín dần: “Tạm biệt cậu!”

“Ừ, ngủ ngon nhé!”

Có lẽ vì cuộc điện thoại này, tối đó cô đã mơ thấy Hà Sùng. Trong mơ chính là buổi tối sau lễ tốt nghiệp, họ cùng đi ăn tôm hùm. Cô rầu rĩ bóc vỏ từng con tôm cho cậu, còn không cẩn thận bị xước vào tay. Hà Sùng ngồi đối diện cô, vừa cười đùa vừa tháo giúp cô chiếc găng tay đầy dầu mỡ xuống, rồi tự mình bóc, đặt vào trong bát của cô. Chính cậu cũng không ăn quá nhiều.

Sau khi tỉnh dậy, Chu Giai Ý mở mắt, nằm trên giường rất lâu.

Sống mười tám năm nay, ngoại trừ người thân, người đối xử với cô tốt nhất chính là Hà Sùng. Chu Giai Ý vẫn chưa quên lời ông ngoại nói với cô, cô và cậu phải làm bạn bè cả đời này. Nghe quá nhiều quá khứ của bố mẹ, rồi lại chứng kiến chuyện bố mẹ Hà Sùng, Chu Giai Ý thật sự không quá đề cao thứ gọi là tình yêu ấy. Bất luận trước kia chia ngọt sẻ bùi thế nào, khi cần phải biến mất cũng chẳng cần bất kỳ lý do gì. Dù đã khoác lên người chiếc khóa “trách nhiệm”, hôn nhân cũng rất dễ dàng bị phá vỡ. So với thứ phù phiếm ấy, tình thân và tình bạn luôn bền vững và dài lâu hơn.

Chu Giai Ý không muốn thừa nhận nhưng đích thực là cô thiếu cảm giác an toàn. Cô muốn cả đời này được sống cùng Hà Sùng, thế nên luôn lo lắng nếu hai người họ không đơn thuần chỉ là bạn bè nữa, rồi sẽ có một ngày phải xa cách.

Sáng sớm đã suy nghĩ như vậy nên tâm trạng cô cả ngày không được tốt. Tin tức mẹ cô xem rất chuẩn xác, cơn bão đổ bộ vào Quảng Đông. Cả ngày trời cứ âm u, tối mù mù, một cơn mưa dọa dẫm mãi vẫn chưa chịu trút xuống, chỉ có gió là gào rít mỗi lúc một mạnh. Buổi sáng có tin báo cả một hàng cây trong khu tập quân sự của họ bị bão quật đổ, tình trạng khẩn cấp được gia tăng, mọi người nhanh chóng quay về phòng.

Chưa tới giờ ăn cơm, Chu Giai Ý bèn cùng mấy bạn chung phòng bật máy tính lên xem phim. Mới xem được một nửa, cô đã nhận được tin nhắn của Hà Sùng: Buổi tập sáng nay đã kết thúc chưa? Giờ cậu đang ở đâu?

Cô vừa uống nước vừa nhắn lại: Gió lớn quá, các thầy đã bảo bọn mình về ký túc xá rồi.

Hai phần sau đó không thấy cậu nhắn lại. Chu Giai Ý cứ tưởng cậu không trả lời nữa, đang định đút di động vào túi quần bỗng thấy nó lại rung lên. Vừa mở tin nhắn ra xem, cô giật mình tới nỗi suýt nữa thì đánh rơi chiếc cốc trong tay xuống đất.

Mình tới trước cổng ký túc xá của cậu rồi. Không ra đón mình sao?

Không kịp giải thích với các bạn, Chu Giai Ý đặt cốc nước xuống rồi vội vàng chạy ra khỏi phòng. Vừa xuống dưới cô đã nhìn thấy Hà Sùng đứng ngoài. Cậu đang cầm điện thoại, cúi đầu nhắn tin, có lẽ nghe thấy tiếng bước chân, ngẩng đầu lên rất đúng lúc. Sau khi nhìn rõ Chu Giai Ý, Hà Sùng bất ngờ cười sằng sặc.

Từ lúc về phòng, cô chỉ mải xem phim với các bạn, bộ quân phục còn chưa thèm thay. Ban nãy cô lại chạy ra ngoài quá gấp gáp, đầu tóc rối bời, mái ngố cũng hất ngược ra sau, để lộ hoàn toàn một khoảng trán, bản thân thì thở hổn hển, trông vừa thê thảm vừa buồn cười.

Không quan tâm cậu đang cười cái gì, Chu Giai Ý đi về phía Hà Sùng, lập tức bị cậu ngăn lại: “Đứng yên! Cứ ở đó, mình chụp cho kiểu ảnh!” Hà Sùng vừa nói vừa bật chức năng chụp ảnh của di động ra, cười như sắp tắt thở tới nơi, giơ máy chụp liên tục.

“Cậu đến từ khi nào vậy? Làm mình hết hồn…” Chu Giai Ý vội vàng chạy thẳng về phía cậu, nắm chặt tay lại, đấm vào cánh tay cậu, biểu hiện thái độ phẫn nộ.Từ quê nhà họ tới Quảng Châu phải mất bảy, tám tiếng ngồi tàu hỏa. Hà Sùng đột ngột xuất hiện trước cổng ký túc xá thế này thật sự đã khiến cô sợ chết khiếp.

“Mình đi tàu hỏa từ tối hôm qua, sáng nay thì tới.” Cậu cười tít mắt trả lời cô, giọng rất thoải mái nhưng không hề đùa cợt chút nào: “Chẳng phải cậu nói nhớ mình sao, mình tới thăm cậu.” Vừa dứt lời, chợt nhớ ra chuyện gì, cậu hỏi: “Nghe nói ở đây bọn cậu dùng thẻ cơm? Thẻ của cậu đâu, có mang xuống không?”

Một loạt các vấn đề khiến Chu Giai Ý bỏ qua lý do tại sao cậu tới đây. Cô cúi đầu lục túi áo rồi rút thẻ cơm ra đưa cho cậu: “Đây này!” Hà Sùng rút luôn, vân vê trong tay: “Mình vẫn chưa ăn sáng, đói chết mất thôi. Cậu đã nói sẽ mời mình một bữa mà.” Nói rồi cậu kéo tay cô, thúc giục: “Đi nào, đi nào! Dẫn mình tới nhà ăn đi.”

Chu Giai Ý vốn dĩ còn đang định quay về phòng thay quần áo, vừa nghe cậu nói bữa sáng còn chưa ăn, cô lập tức ngậm chặt miệng, để mặc cho cậu dắt tới nhà ăn.

Hà Sùng vẫn thích bá cổ khoác vai cô như ngày nào. Có một khoảnh khắc cô bỗng thấy ảo giác.

Dường như họ vẫn mãi đi cùng nhau. Dẫu rằng trước mặt không phải con đường về nhà quen thuộc, nhưng đích đến luôn là một gia đình…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.