Edit: Sa
[35] – Phiên dịch
Đón được tôi và 187, em họ của 187 dẫn chúng tôi vào bệnh viện, vừa đi 187 vừa hỏi cậu ấy về tình hình của bố anh.
Cậu em họ nói chú đã được đưa ra khỏi phòng phẫu thuật hồi năm giờ chiều nay, lúc cậu ấy ra đón chúng tôi thì chú đã được đưa về phòng bệnh, họ hàng nghe tin hôm nay chú làm phẫu thuật đã từ quê lên, bây giờ đều ở trong bệnh viện thay nhau chăm sóc chú.
Ba chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, chẳng bao lâu đã vào bệnh viện.
Ra khỏi thang máy, em họ đi trước dẫn đường, tôi và 187 theo sau. Dọc đường, chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân mặc quần áo bệnh viện, có người già, có người trẻ, nhưng nhìn ai cũng tương đối phờ phạc. Những bệnh nhân này đều vừa được phẫu thuật xong, bên dưới vạt áo treo túi đựng chất bài tiết. Họ được treo bình truyền dịch, ngồi trên xe lăn, tới bậc thang thì được người thân đỡ dậy, chầm chậm di chuyển.
Trong lúc tôi thất thần, giọng nói của cậu em họ kéo tôi trở về với thực tại. Cậu ấy quay lại, chỉ tay về phía cửa, nói: “Tới rồi.”
Tôi ngẩng đầu, nhìn thấy một căn phòng đầy ắp người, nữ có nam có, quần áo đơn sơ, lớn nhất chừng năm mươi tuổi, nhỏ nhất tầm hơn ba mươi. Sự xuất hiện của ba người chúng tôi khiến họ chú ý, ai nấy đều nhìn về phía chúng tôi.
Tôi ngẩn người, mãi đến khi 187 chào hỏi mọi người bằng giọng địa phương, tôi mới sực nghĩ ra họ là bà con nhà 187. Tôi vội vã tươi cười, lòng căng thẳng muốn chết.
187 thoải mái nói giọng địa phương: “Mẹ, đây là XX (tên tôi).”
Trước đó, tôi đã xem ảnh của mẹ 187, nhưng mãi tới tháng 5 năm 2019, tại thành phố A, tôi mới được gặp cô lần đầu.
Cô cao và gầy hơn trong ảnh. Mẹ tôi cũng cao, nhưng khác với cảm giác khôn khéo, giỏi giang mà mẹ tôi tạo ra, ấn tượng đầu tiên về cô là vô cùng dịu dàng và chân chất, đó là cảm giác mà khó người phụ nữ thành thị hiện đại nào có được. Ở cô toát ra vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Trung Quốc.
Trải qua mấy ngày vất vả và lo lắng, trông cô rất tiều tụy, nhưng vừa nhìn thấy chúng tôi, cô lập tức nở nụ cười chân thành.
187 nắm tay tôi, nói nhỏ: “Đây là mẹ anh.”
“Cháu chào cô ạ.” Tôi đi tới, cười chào hỏi.
“Ừ.” Cô vui thấy rõ, niềm vui lan tận khóe mắt chân mày. Cô đáp lại lời chào, sau đó nắm tay tôi, dẫn tôi vào phòng bệnh.
Tôi hơi lúng túng, quay đầu nhìn 187, 187 kéo va li đi theo sau hai cô cháu. Tôi thoáng yên tâm, theo cô vào phòng bệnh.
Viết tới đây, tôi dừng bút suy tư hồi lâu, nhận ra mình rất khó dùng ngôn ngữ để diễn tả lại tình cảnh khi ấy.
Phòng bệnh là phòng ba người bình thường, giường của bố 187 nằm gần cửa, hai giường khác cũng có bệnh nhân. Chú nằm trên giường, mũi được đút hai ống thở, mắt nhắm chặt, mặt tái nhợt không có chút máu nào. Cũng như các bệnh nhân mà chúng tôi đã gặp trên đường vào phòng bệnh, chú đeo cái túi đựng chất bài tiết, cột giường treo hai bình dịch đang tí tách truyền vào cơ thể chú.
Cô cúi người kề vào tai chú, nói gì đó bằng giọng địa phương, cũng may giọng quê của 187 không quá khác giọng phổ thông nên nếu không nói nhanh quá thì tôi vẫn hiểu.
Theo như những gì nghe được kết hợp với ngữ cảnh, tôi đoán cô nói với chú là: “Ông mau xem ai tới kìa.”
Chú không ngủ, nghe cô nói thì mở mắt ra, nhìn về phía tôi và 187.
187 thấy chú nhìn sang, anh cười, nói với chú, cũng bằng giọng địa phương: “XX (tất cả XX trong chương này đều là tên tôi) tới thăm bố ạ.”
Có thể thấy chú còn rất yếu sau ca phẫu thuật, thậm chí còn không có sức để nói. Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi lúc ấy là chú cười nhẹ, cằm khẽ cử động tỏ ý gật đầu.
Chú gật đầu, rồi lại gật đầu, liên tục gật đầu.
Tôi đi tới gần, cười nói: “Cháu chào chú.”
Chú vẫn gật đầu, gắng gượng nói, giọng rất yếu: “Chào cháu.”
Cô giật nhẹ tay áo tôi, tôi quay đầu lại, thấy cô đang cười tít mắt nhìn tôi, sau đó nói nhỏ bằng giọng phổ thông lơ lớ: “Chú cháu gặp cháu nên vui đó.”
Tôi mừng rỡ: “Tốt quá ạ.”
Cô lại nói: “Gọi “bố” thì ổng càng vui.”
Tôi thuỗn người: “…”
187 đứng sát bên chúng tôi nên tất nhiên nghe rõ chúng tôi nói gì. Anh nhíu mày, hạ giọng bất mãn: “Mẹ, mẹ dạy cô ấy cái gì thế.”
Chúng tôi đang nhỏ giọng trò chuyện thì trên giường bệnh vang lên tiếng nói yếu ớt: “Khô miệng quá.”
“Bố con bảo khô miệng.” Cô dặn dò 187: “Bác sĩ nói không được uống nước, chỉ được dùng tăm bông thấm môi cho đỡ khô thôi.”
Trên tủ đầu giường có ly nước và gói tăm bông sạch, 187 lấy cây tăm bông ra.
“Để em.” Tôi bảo, không chờ 187 trả lời đã tự nhiên rút cây tăm bông khỏi tay anh, chấm vào ly nước ấm, cẩn thận thấm ướt môi chú.
Chú mấp máy môi để nước lọt vào trong miệng, sau đó nhìn tôi nói: “Cảm ơn cháu.”
Tôi cười: “Chú đừng khách sáo với cháu.”
Sau đó 187 dẫn tôi tới chỗ họ hàng để giới thiệu, tôi ngoan ngoãn chào hỏi từng người. Lúc nghiêng đầu thì trông thấy cô đang sửa soạn lại hành lý của tôi và 187, bấy giờ tôi mới sự nhớ ra mình mang theo đồ, bèn chỉ vào túi trái cây và sữa, ngượng nghịu: “Cô ơi, cháu mua ít trái cây với sữa cho cô chú, nhưng ban nãy nghe bảo chú chưa được uống sữa, cũng chưa được ăn gì. Cháu xin lỗi, cháu không biết.”
“Cháu tới là cô chú mừng lắm rồi, cháu mua gì cô chú cũng thích hết.” Nụ cười chân thành luôn hiển hiện trên gương mặt hiền từ của cô, “Cô nói giọng phổ thông không được chuẩn lắm, cháu nghe có hiểu không?”
Tôi gật đầu: “Hiểu ạ, hiểu ạ. Nếu cô không quen nói giọng phổ thông thì nói giọng quê cũng được ạ.”
Cô khẽ ngạc nhiên: “Cháu nghe hiểu giọng quê cô à?”
“Dạ không.” Tôi thành thật đáp: “Nhưng cháu đoán được.”
Cô cười, sau lưng tôi cũng vang lên tiếng cười.
Tôi ngoái đầu, 187 đang ngồi trên giường bệnh, nhìn tôi bằng vẻ mặt buồn cười.
Tôi: “…”
Tôi tới gần, trừng anh: “Anh cười cái gì?”
“Cười em quá đỗi ngốc nghếch đáng yêu.” 187 nói, “Sau này có anh phiên dịch rồi, đoán mò làm gì.”
***
[36] – Chơn chớt
Không thể để chú ở lại một mình nên chúng tôi thay phiên nhau đi ăn tối. Cô lôi 187 qua một bên, nhỏ giọng dặn dò: “Mấy bác của con đều bỏ công bỏ việc lặn lội từ quê lên đây, cả em họ con nữa, nó phải nhiều lần xin phép trường chạy qua chạy lại bệnh viện, con phải mời cơm mọi người đó.”
187 đáp: “Con biết rồi mẹ.”
Cô an lòng, gật đầu, xoay người gọi tên thân mật của tôi, cười tươi: “Mấy đứa đi ăn trước đi, cô ở lại trông chú, chờ mấy đứa về rồi cô đi ăn sau.”
Tôi thảng thốt: “Cô ở lại một mình ạ?”
“Ừm.” Cô đáp.
“Mấy ngày qua cô cũng mệt rồi, ở một mình sao được.” Tôi nghĩ, nói: “Cháu ở lại với cô.”
Gương mặt thoáng hiện lên vẻ ngạc nhiên, tựa như không ngờ tôi sẽ đề nghị như vậy. Cô ngẩn người, nhìn về phía 187, hỏi ý con trai bằng ánh mắt.
187 trầm tư vài giây rồi nói với cô: “Bố con to tướng, lại mới phẫu thuật xong, nhỡ xảy ra chuyện gì thì e hai cô cháu không xoay xở nổi. Thế này đi, ba chúng ta ở lại, để em họ dẫn mấy bác đi ăn cơm.”
Cô nhíu mày nói nhỏ: “Sao lại phiền em họ con nữa, ngại lắm.”
“Mấy bác đâu phải người ngoài, mời cơm thì hôm nay hay ngày mai gì chả được, hôm nay con không yên tâm để hai cô cháu ở lại một mình.” 187 nói, “Mọi người tới đây cũng là vì lo lắng cho bố, không ai muốn có sự cố nào cả.”
“Đúng đấy ạ.” Tôi vô cùng tán thành quan điểm của 187, nhẫn nại khuyên, “Cô đừng nghĩ nhiều quá, hiện giờ sức khỏe của chú mới là quan trọng nhất, ngày mai mời cơm các bác cũng không muộn, không ai trách cứ đâu ạ.”
Cô bị chúng tôi thuyết phục, chần chờ chốc lát, cuối cùng cũng gật đầu, nói: “Được rồi, nghe các con vậy.”
Bàn bạc xong, cô dẫn hai đứa chúng tôi quay lại giường bệnh, kéo ghế cho tôi ngồi rồi vào phòng vệ sinh. 187 gọi em họ ra khỏi phòng bệnh để nói chuyện, chỉ vài phút sau, đồng chí 187 vào lại phòng bệnh.
Tôi nhìn ra ngoài phòng, hỏi nhỏ: “Em họ dẫn mọi người đi ăn cơm rồi ạ?”
“Ừm.” 187 gật đầu, ngồi xuống cái ghế đẩu cạnh giường.
Ban nãy cô nói với tôi là mỗi giường ở bệnh viện này chỉ chuẩn bị một chiếc ghế, đồng chí em họ rất hiểu chuyện, lần nào tới thăm cũng nhường ghế lại cho cô, còn mình thì đứng cả buổi, cô thấy vậy mới ra siêu thị nhỏ gần bệnh viện mua thêm hai cái ghế đẩu.
Cái ghế đẩu được làm bằng nhựa, mà vị đại ca này lại cao to, ngồi xuống trông cứ sao sao, rất buồn cười.
Tôi vỗ cánh tay anh, gọi: “Nè.”
187 đang bật điện thoại lên, nghe tôi gọi thì ngước đầu: “Hửm?”
“Tụi mình đổi chỗ đi.” Tôi chỉ vào cái ghế cao mình đang ngồi, nói, “Anh cao nhòng nhòng mà ngồi cái ghế thấp tè thế kia sẽ mỏi đấy.”
“Không sao.” 187 mỉm cười đáp lại, véo tay tôi rồi lại xem điện thoại.
Tôi thấy anh mở Wechat, nhấn vào một khung trò chuyện, chuyển tiền cho đối phương.
Tôi lờ mờ đoán ra, hất cằm hỏi nhỏ: “Em họ?”
“Không biết nó chịu nhận không.” 187 nhướn mày, giọng nói rất hờ hững, tựa như đang nói với tôi mà cũng giống như đang lầm rầm một mình, sau đó anh cất điện thoại.
Cô bày trái cây ra tủ đầu giường, 187 nhìn qua, lấy quả chuối, lột vỏ rồi đưa cho tôi: “Ăn đi.”
Bây giờ tôi đang rất đói, không khách sáo nữa, nhận lấy luôn.
Một lát sau, chú mở mắt ra, giọng của chú vẫn rất nhỏ, yếu ớt gọi tên 187.
187 lập tức đứng dậy rồi khom lưng: “Sao ạ?”
Chú nói: “Nằm lâu rồi, ngồi dậy một chút.”
Tôi đang ngồi ở cuối giường, sát bên cái tay điều khiển giường, nghe thế thì vừa xoay chậm cái tay điều khiển vừa nói với chú: “Bao giờ chú thấy được thì phất tay nhé chú.”
Chú cười, đến khi thấy thoải mái rồi thì phất tay: “Được rồi, cảm ơn cháu.”
“Không có gì ạ.” Tôi cười, buông cái tay điều khiển giường ra. 187 lấy miếng khăn ướt đưa cho tôi, tôi vừa lau tay vừa ngồi xuống cái ghế đẩu mà ban nãy 187 đã ngồi, nói với chú: “Chú đừng khách sáo với cháu ạ.”
Trên gương mặt tiều tụy của chú nở nụ cười vui vẻ. Chú nửa nằm nửa ngồi trên giường, quan sát tôi, chợt cười, nói: “Nghe nói cháu là tác gia.”
Mặt tôi thoáng chốc đỏ lựng, không phải vì xấu hổ mà là vì bối rối trước chữ “tác gia”. Trước nay tôi nhận thức rất rõ ràng về bản thân, đối với tôi, từ cổ chí kim, ở tất cả ngành nghề, chữ “gia” chỉ dành cho những người thực sự tài ba, kiến thức của họ không phải ai cũng sánh được.
Tôi cười khô khốc, chân thành nói: “Là tác giả ạ. Cháu chỉ viết tiểu thuyết trên mạng, may mắn được xuất bản vài cuốn thôi, chưa đạt được thành tựu lớn lao gì, vẫn chưa đạt tới trình độ tác gia.”
Chú nhíu mày, nghi hoặc: “Xuất bản sách mà còn không phải là tác gia?”
“Cháu là tác giả văn học mạng thôi chú.”
“Viết văn thì là tác gia rồi còn gì.”
“…” Hmmmm…
Tư tưởng của người khác thế hệ quả là khác biệt.
Tôi biết không thể giải thích rõ ràng trong một sớm một chiều, chú không hiểu văn học mạng là gì nên không phản bác nữa, bèn mỉm cười lễ phép, nhân tiện nhìn 187 bằng khóe mắt.
Đồng chí 187 trông rất bình thản và ung dung, nhưng tôi là ai chứ? Tôi là bạn gái của vị huynh đệ đó đấy! Ở bên anh bao lâu nay há có thể không hiểu chút nào về anh ư?! Vừa nhìn đã biết là đang nhịn cười! Suýt nội thương rồi kia kìa!!!
Tôi bối rối đến độ suýt biến thành con ếch.
Bấy giờ, chú lại nói: “Tác gia này, cháu phải viết thật nhiều sách, phải viết sách hay, sách tích cực, sách mà Đảng và nhân dân đều cần ấy.”
Tôi: “…”
Tôi gật đầu như gà mổ thóc, ngoan ngoãn đáp: “Dạ.”
187 không nhịn nổi nữa, cúi thấp đầu cười.
*
Tầm tám giờ tối, em họ dẫn các bác về, tôi cùng 187 và cô đi ăn cơm. Buổi tối phải có người ở lại chăm sóc chú, vì vậy lúc đi ngang qua siêu thị, chúng tôi ghé vào mua cái giường xếp để tối ngủ tạm.
Tối đó, 187 ở lại bệnh viện, tôi muốn ở lại với anh nhưng cô thấy gác đêm vất vả quá nên kiên quyết phản đối, tôi bèn về khách sạn.
Bảy giờ sáng hôm sau, chúng tôi cùng tới bệnh viện. Vì ngủ không ngon nên 187 trông khá mệt mỏi, mắt vằn tơ máu, tôi thấy lòng xót xa, nói: “Anh về khách sạn ngủ đi, ở đây có bọn em rồi.”
“Ăn trưa rồi về.” 187 nói.
Chú là bộ đội giải ngũ, tuy xuất ngũ đã lâu nhưng vẫn giữ thói quen rèn luyện thân thể hằng ngày, nhờ vậy mà sức khỏe của chú khá tốt.
Ngày thứ hai sau khi phẫu thuật, tinh thần của chú hồi phục rất nhiều.
Không lâu sau, bác sĩ kiểm tra phòng bệnh bước vào, là bác sĩ mổ chính cho chú.
Bác sĩ nói ca phẫu thuật của chú vô cùng thành công, bảo chúng tôi an tâm, ngoài ra còn dặn dò chúng tôi là để cho chú xuống giường, đỡ chú đi bộ, nguyên nhân tại sao thì giờ tôi không nhớ rõ lắm, hình như là để nội tạng không bị dính lại với nhau thì phải.
“Bao giờ ăn cơm được vậy bác sĩ?” Cô hỏi.
Bác sĩ nói: “Tạm thời thì chưa.”
Tôi hỏi: “Thế ăn cháo có được không ạ?”
“Cũng không được.” Bác sĩ vừa nói vừa rút cây bút khỏi túi áo blouse, viết nhanh lên giấy rồi đưa cho tôi: “Thời gian này bệnh nhân còn yếu, nên bổ sung đạm sữa, có thể mua ở hiệu thuốc đối diện bệnh viện.”
Tôi nhận lấy tờ giấy, trên đó viết mấy nhãn hiệu đạm sữa, có thể lựa chọn.
Tôi gật đầu cảm ơn bác sĩ.
Kiểm tra phòng bệnh xong, bác sĩ rời đi. Tiễn bác sĩ xong, 187 nói với tôi: “Em giữ tờ giấy đi, trưa ăn cơm thì đưa cho anh, để anh đi mua.”
Tôi ngẫm nghĩ chốc lát, cười hỏi: “Em muốn uống sữa chua, anh uống không?”
“Anh không uống.” 187 nhìn tôi, “Để anh đi mua cho em.”
“Không cần đâu, anh ở đây với chú đi, nếu chú muốn nằm thì cũng có anh, chứ cô gầy quá, đỡ chú sao nổi.” Tôi ngăn anh lại, nói, “Đằng nào siêu thị cũng sát bên, em đi mua là được.”
187 im lặng vài giây rồi gật đầu: “Em đi cẩn thận nhé.”
“Dạ.”
Ra cổng bệnh viện, tôi lập tức băng qua đường. Bệnh viện trên cả nước chắc đều giống nhau ở điểm lân cận luôn có ba loại hình kinh doanh là siêu thị chuyên bán vật dụng hằng ngày, quán cơm bình dân và hiệu thuốc.
Đối diện với bệnh viện có tới bốn, năm hiệu thuốc lớn, tôi đi vào hiệu thuốc lớn nhất, đưa tờ giấy cho chị chủ, chị chủ đọc một lượt, hỏi: “Mua mấy hộp?”
Tôi hỏi: “Bao nhiêu một hộp?”
Chị chủ lấy một hộp ra cho tôi xem, rất to, bằng hộp sữa bột trẻ em.
Tôi cầm nhìn mấy bận, hỏi tiếp: “Một hộp uống được bao lâu?”
“Nhiều nhất là một tuần.”
“Hả?” Tôi rất ngạc nhiên: “To thế này mà uống được có một tuần thôi á?”
“Giai đoạn đầu không thể ăn uống gì nên phải uống cái này thay cơm, cho nên chỉ đủ cho nhiều nhất là một tuần. Khi đã có thể ăn uống được rồi thì vẫn có thể uống cái này để bổ sung chất dinh dưỡng.” Chị chủ giải thích, “Hơn nữa chỗ chị đang khuyến mãi đạm sữa, mua ba tặng một, em cứ lấy bốn hộp đi, hôm nay là ngày cuối rồi.”
Mấy phút sau, tôi xách hai túi to về phòng bệnh.
Trông thấy tôi, 187 và cô cùng ngớ người, 187 đi tới nhận lấy cái túi, nhìn vào trong, hỏi: “Em mua đạm sữa?”
Tôi gật đầu: “Vâng.”
“Vậy mà xạo là đi mua sữa chua.” 187 cau mày.
Tôi hắng giọng, nói dối: “Nào có, em đi mua sữa chua, sẵn tiện ghé mua ít đạm sữa luôn.”
187 nhìn tôi, trên mặt hiện rõ dòng chữ “Ngu mới tin em”.
Cô mở túi ra nhìn, ngạc nhiên nói: “Sao mua nhiều thế?!”
“À, tại hiệu thuốc đang khuyến mãi, mua vậy mới hời ạ.” Tôi thành thật giải thích.
Chú dựa vào giường bệnh lẳng lặng nhìn tôi, một lát sau chợt cười, nói: “Cảm ơn cháu, con bé này chơn chớt ghê.”
Tôi ngu ngơ, hỏi nhỏ đồng chí 187: “Chơn chớt?”
“Ý bố anh là em thành thật quá, dễ bị lừa.” 187 véo mặt tôi, thấp giọng: “Nói cách khác là ngu đó.”
Tôi: “… ”
Tôi hất tay anh ra, trừng: “Hứ, chú khen em mà, không phải như anh nói đâu nhá!”