Trái Tim Em Thuộc Về Đất

Chương 13: Chương 13




Sáng hôm sau bà Marston từ trong bếp bước ra cùng món bánh mì nướng mà bà không tin tưởng giao cho bất cứ ai làm ngoài bản thân bà, với vẻ mặt báo trước những điều quan trọng sẽ xảy ra.

“Edward, hãy chú ý để tất cả bọn chúng được đặt đúng chỗ nhé; chúng nên được xếp cùng nhau trong một phòng.”

“Ai cơ?” Hazel hỏi.

“Mận, 1960; lý gai, 1908; anh đào không đường, 1909. Loại có đường lâu đời hơn.” Bà Marston nói thật khó hiểu khiến Hazel tròn mắt.

“Đó là những thứ được mang đi dự hội chợ, Hazel ạ,” Edward giải thích.

“Đúng. Chúng được đem đi trưng bày hết năm này đến năm khác, và đều giữ được vị trí rất vững chắc. Mẹ chỉ hy vọng việc di chuyển liên tục sẽ không thúc đẩy quá trình lên men của chúng. Mẹ mong món Morellas đó tồn tại lâu hơn đời mẹ. Một công thức mà mẹ kiếm được của Jane Thorn, mà bà ấy thì đã chết vì bệnh phù thũng, tội nghiệp, và bà ta uống rượu tới tận lúc cuối đời.”

“Bà không bao giờ ăn những thứ đó sao?” Hazel hỏi.

Thật là báng bổ. Ai lại ăn món Morellas 1909 cơ chứ! Sự báng bổ đó trôi qua trong sự im lặng căng thẳng, và trong sự chiếu cố dành cho cô con dâu tương lai. “Tội nghiệp! Con bé lo lắng quá mà.”

Những món đồ ăn thức uống tham dự hội chợ được xếp trên một thảm rêu sao tươi tốt mọc lên từ những xó xỉnh bí mật nào đó ở trong rừng, đang đợi ở bậc cửa trong những chiếc hộp quen thuộc. Có một ít thạch mới làm rất ngon và Hazel ước giá mình là bà Marston để được giữ quyền kiểm soát buồng kho. Đó là nơi đám lá thường xuân cọ vào ô cửa sổ đầy mạng nhện, và những chiếc hộp dáng cao màu xanh lá cây đứng trên giá cùng những lọ thủy tinh được dán nhãn cẩn thận, và những thùng rượu vang làm tại gia; nơi những chiếc đùi lợn muối xông khói treo lủng lẳng trên trần, còn thảo mộc thì được bó thành bó hoặc để trên khay tỏa ra mùi hương hăng ngọt. ở đó sự kỳ diệu được tôn cao bởi sự hiện diện - trang nghiêm ngay cả trong vẻ xềnh xoàng - của một chiếc bánh cưới đang được phết kem một cách từ từ nhưng triệt để.

Người ta thường tự hỏi bằng cách nào mà bà Marston làm được tất cả những thứ ấy. Không ai từng nhìn thấy bà bận rộn hoặc mải vội, tuy nhiên những bằng chứng về sự siêng năng của bà hiện diện ở đây. Bà làm việc như loài sinh vật tạo nên san hô, trong bóng tối, bởi đó là thiên đường chưa được trí năng thắp sáng, và, giống như loài sinh vật tạo nên san hô, bà dựng được cả một cấu trúc kiểu tượng đài xung quanh mình.

Họ phải khởi hành sớm, được một giáo dân vạm vỡ của Edward chở đi bằng xe ngựa, người vừa là chủ khảo vừa có vật trưng bày và vừa là nhà tổ chức hội chợ. Các vật tham gia trưng bày phải hiện diện ở hội chợ trước giờ; nhưng Edward không mảy may quan tâm mình sẽ ở đó bao lâu. Đối với chàng ngày chỉ bị làm cho thành đêm tối bởi duy nhất một điều.

Khi xe ngựa tới, và Hazel hớn hở trèo lên xe, Edward lập tức quên bẵng những vật cần được đem đi hội chợ. Chàng hẳn là đã đi đến hội chợ mà không đem theo chúng nếu như Martha không lao như bay xuống con đường dốc mà hét toáng lên:

“Ông Ed’ard ơi! Một nghìn chín trăm linh sáu! Một nghìn chín trăm linh chín! Mứt!”

“Tại sao Martha gào toáng lên như thế nhỉ?” Hazel hỏi.

Edward nhìn quanh, thấy khuôn mặt của mẹ chàng hiện ra cửa, thất vọng, ngạc nhiên, đau đớn. Chàng vội nhảy khỏi xe và chạy ngược trở về nhà.

“Ôi, mẹ! Làm sao con có thể quên được cơ chứ?” chàng nói vẻ khổ sở.

Bà Marston nhìn lên; miệng bà, cái miệng đang khẽ run rẩy một cách tội nghiệp, còn đôi mắt bà, đôi mắt nhức nhối với những giọt nước mắt đau khổ của tuổi già.

“Con ạ, không phải tại con,” bà nói; “con không bao giờ quên gì cả; đó là tại... cái người đàn bà trẻ kia.”

Đã là thánh thần của ai đó thì dù thế nào chăng nữa cũng không thể bị trách cứ.

Edward hôn mẹ, nhưng hôn một cách rụt rè, và khi trở lại xe, chàng đặt cánh tay che chở lên vai Hazel.

“Mình đúng là một kẻ ngớ ngẩn!” chàng nghĩ. “Giờ thì mọi chuyện hỏng cả rồi.”

Trong căn buồng kho im ắng, hết giờ này đến giờ khác, bà Marston bơm hỗn hợp trứng và đường qua ống phụt, tạo ra những họa tiết phức tạp có màu trắng đục.

Lưng bà đau mỏi, và dường như bà đã loay hoay với cái bánh khá lâu, nhưng bà vẫn tiếp tục công việc cho tới khi Martha, với sự thấu hiểu đầy cảm thông trong giọng nói, thông báo:

“Thưa bà, bữa tối của bà và một tách trà đã sẵn sàng rồi đấy ạ.”

Bà Marston thở dài với vẻ biết ơn.

“Thật thú vị và dễ chịu!” bà nói. “Nhưng không còn thú vị và dễ chịu như trước kia nữa.”

“Đúng thế bà ạ!” Martha sốt sắng nói. Bởi vì Hazel đã “hút mắt” của tất cả đàn ông tại buổi diễn âm nhạc đó, và nói chung đã gây xáo trộn tất cả.

“Martha ạ, có lẽ,” bà Marston nói vẻ bâng khuâng, “khi con bé đó ở đây được một thời gian, và khi chúng ta đã quen với nó, khi nó đã trở thành một phần của gia đình này - mọi chuyện sẽ lại thú vị và dễ chịu như trước kia nhỉ?”

“Khi men được cho vào,” Martha nói vẻ bi quan, “bột sẽ nở ra!”

Khi Edward và Hazel tới gần nơi diễn ra hội chợ, họ đi qua những người cước bộ và bị những chiếc xe hai bánh vượt qua.

Một người đàn ông phi ngựa nước đại vượt qua họ, và Hazel chợt nhớ đến Reddin. Rồi bỗng nhiên nàng nói:

“Edward, nếu có ai đó theo đuổi anh như một con chồn theo một con thỏ hoặc như một con chó sục săn một con cáo thì anh có thích không? Anh sẽ làm gì?”

“Em yêu, tại sao em lại nghĩ về những điều thiếu lành mạnh thế!”

“Anh sẽ làm gì?”

“Anh không biết.”

“Chẳng thể làm gì cả.”

Edward nhớ đến tín ngưỡng của chàng.

“Anh sẽ cầu nguyện, Hazel ạ.”

“Làm thế thì có ích gì chứ?”

“Chúa đáp lại những lời cầu nguyện.”

“Chúa chẳng đáp lại đâu! Nếu Ngài làm thế thì những kẻ săn cáo ở đâu, và ai sẽ ăn bánh nhân thịt thỏ? Em không nghĩ Chúa có thể đáp lại những lời cầu nguyện.”

“Các cô gái không nên làm cái đầu xinh đẹp của họ phải lo lắng.”

“Nếu anh tìm thấy nhiều con vật bị mắc bẫy như em đã thấy và gỡ chúng khỏi bẫy, đã từng thấy những cái chân bị gãy của chúng, những con mắt hoảng sợ như thể đã nhìn thấy ma, đã từng thấy một con chó bị móc lưỡi - ẹ! thì anh sẽ lo lắng! Anh sẽ lo lắng đấy! Cứ vào Ngày Thứ Sáu Tốt Lành là cha em lại giết lợn.”

“Tại sao lại là Ngày Thứ Sáu Tốt Lành?”

“Đúng thế đấy. Phải! Ngày Thứ Sáu Tốt Lành nào em cũng phải đánh nhau với cha em!”

“Ôi cô bé!”

“Anh sẽ lo lắng nếu nhìn thấy con lợn đang thoải mái và vui vẻ như thế nào, và biết chỉ một phút sau trông nó sẽ ra sao. Nếu có thể, em đã giết chết cha em rồi.”

“Tại sao? Việc em muốn giết cha em chắc chắn tồi tệ hơn cả việc cha em muốn giết con lợn, đúng không?”

“Em không biết. Nhưng em không thể chịu đựng nổi chuyện đó. Có lần em đã đánh cha một trận ra trò, còn ông ấy thì lấy cái que cời than vụt vào đầu em và thế là em lịm đi.”

Edward toát mồ hôi hột.

“Lạy Chúa lòng lành!” chàng nghĩ. “Chúa hãy tha thứ cho những chuyện như thế!”

“Và khi em nghe thấy những con vật bị mắc bẫy kêu gào, khóc lóc đòi được thả ra, em chẳng thấy một ai đến cứu chúng ngoài em, em không biết ai sẽ đến cứu em nếu em bị mắc bẫy.”

“Chúa sẽ cứu em.”

“Em không nghĩ vậy. Chúa chẳng bao giờ làm thế.”

Edward im lặng. Ngày đang tươi sáng bỗng trở thành đen tối, và chàng mò mẫm trong bóng tối của nó.

“Chúa cho những con vật đó cái miệng biết kêu để làm gì khi mà chúng cất tiếng kêu Chúa lại không nghe thấy? Em nghe thấy tiếng Cáo Nhỏ mỗi khi nó kêu.”

Đúng lúc đó Edward nhìn thấy Abel đang đi tới, với cây đàn hạc lúc la lúc lắc sau vai. Trước đây chưa bao giờ chàng vui khi gặp lão; bây giờ chàng cảm thấy gần như có tình cảm với lão.

“Trời ơi, Ed’ard!” Abel nói, kéo căng sự trìu mến đến mức nguy kịch, “không nghi ngờ gì hai người tha hồ mà bù khú! Sẽ vui chơi, nhảy múa, ta nghĩ thế có đúng không?”

“Không. Tôi sẽ rời khỏi đây trước khi phần khiêu vũ diễn ra.”

“Vậy thì ông sẽ không đưa được con ‘Azel đi khỏi đây cùng ông đâu. Nó thích nhảy múa, nhảy như một cái lá mùa thu.”

“Em thích về nhà với anh trong đêm trước ngày cưới, đúng không Hazel?”

Abel nhìn vẻ mặt ỉu xìu của Hazel, cười rống lên. Edward ghét lão đến độ chỉ những người tính tình quá nhạy cảm mới có thể ghét đến mức ấy, và chàng cảm thấy lương tâm cắn rứt khi chàng hiểu ra sự thật đó.

“Đúng không, Hazel?” chàng dịu dàng hỏi.

“Em không biết,” Hazel nói, vẻ lúng túng. Sự im lặng căng thẳng bao trùm lên hai người; cả hai đều cảm thấy thất vọng đầy cay đắng. Abel, tựa như một thần lùn giữ của tinh quái, quay gót bỏ đi, để lại cho Hazel mấy lời oang oang:

“Khi giám khảo chấm xong, mày nhớ dọn giọng sẵn đi nhé!”

Các vị giám khảo bị nhốt trong một nhà khi nơi các vật tham gia hội chợ được trưng bày. Họ mất nhiều thời gian để chấm, có lẽ bởi vì họ nếm mọi thứ, thậm chí cả món củ cải muối (bà James khoái món củ cải). Edward và Hazel đi qua cửa sổ nhà kho và ghé mắt vào bên trong.

“Họ nhìn mấy lọ mứt của bà già kia thèm thuồng chưa kìa!” Hazel nói. “Thật may nắp lọ được dán kỹ nếu không họ sẽ khoắng chúng như những con côn trùng! Nhìn ông Frodley và mấy quả trứng kìa! Trời ạ, ông ta mút một quả giống như một thằng ranh mút trứng của một tổ chim hoét kìa! Ôi! Cha em phải ở đây mới phải! Ông ấy chẳng bao giờ ăn một quả trứng đã luộc chín. Toàn ăn sống thôi. Ôi! Lão James đã khui một chai mật ong của cha và thò tay vào lấy mật ra kìa! Nhìn lão ta mút ngón tay kìa!”

“Người ta sẽ mua những đồ ăn thừa đó chứ nhỉ?” Edward hỏi, nửa thích thú nửa ghê tởm.

“Đúng vậy! Tại sao không?”

Các giám khảo giờ đây đang chén một bữa pho mát ra trò.

“Không biết mấy hộp pho mát đó là của ai nhỉ?” Edward thầm hỏi.

Đó là của Vessons. Lão luôn đòi làm pho mát vì một lý do khó hiểu nào đó; có lẽ đó là niềm tự hào của một người đầy tớ lạc hậu khi chứng tỏ rằng lão đáng giá hơn mức công xá mà mình nhận được. Vessons chắc chắn đáng giá hơn. Lão làm hàng đống pho mát, và đem chúng đến các hội chợ triển lãm mà không nhận được sự khuyến khích, dù là mảy may, của ông chủ, người mà, khi Vessons trở về với cái đỏ mặt bừng bừng vì xung đột, ném tiền xuống với vẻ hãnh diện bốc lên bừng bừng vào nói, “Đây! Tôi đã phải nhọc thân vì những đồng xu này đây,” chỉ gật đầu một cách thờ ơ. Nhưng pho mát của Undern vẫn cứ hiện diện tại các hội chợ triển lãm với cái nhãn “Của ngài John Reddin, A. Vessons thừa lệnh.”

Cuối cùng các vị giám khảo cũng bước ra khỏi cái nhà kho đó. Chỉ chấm không thôi thì chẳng tốn mấy thời gian, bởi vì ông James thường coi món của mình là nhất và thường xuyên tuyên bố như vậy; những người khác, giữ vai trò ít quan trọng hơn, nhìn chung đều quá lịch sự nên chẳng phản đối ông ta.

Edward và Hazel đi vào trong nhà kho nơi các vật tham gia hội chợ được xếp đặt với sự đơn giản cứng nhắc, toát lên vẻ tao nhã và đẹp đẽ trong sự quyến rũ trần tục. Có những cuộn bơ màu vàng ngậy, những quả trứng màu nâu sẫm, những bó cải bông màu tuyết, những bó thủy tiên được ánh mặt trời chiếu qua những cánh hoa mỏng manh, vô số những bông hoa quế trúc sẫm màu tha hồ cho một con ong lạc hút nhụy. Ở đó còn có những chai mật ong của Abel, kèm một tờ áp phích với tuyên bố do chính tay lão viết bằng chữ hoa nghiêng ngả:

ABEL WOODUS. NGƯỜI NUÔI ONG

LÀM QUAN TÀI. LÀM MẬT ONG. LÀM VÒNG HOA

SẴN SÀNG CHƠI ĐÀN HẠC TẠI CÁC ĐÁM CƯỚI, ĐÁM THỨC CANH NGƯỜI CHẾT VÀ CÁC BUỔI LIÊN HOAN.

Những chai mật ong vàng sánh; các khay mật được để trong hộp trang trí có diềm đăng ten, gắn xi trắng trông khêu gợi tựa như sự e lệ của một người đàn bà đẹp.

Edward mua một chai mật ong cho Hazel. “Em hãy mở chai mật này vào ngày cưới của em,” chàng nói. Nhưng ý nghĩa tượng trưng của nó, rất rõ ràng đối với chàng, lại chẳng thâm nhập được vào đầu Hazel.

Khoảng thời gian chen giữa lúc giám khảo chấm thi và giờ uống trà khá buồn tẻ. Cuộc đua ngựa chưa bắt đầu, và mặc dầu một ông già có dáng vẻ phúc hậu luôn miệng tuyên bố, “Tôi sẽ đặt cược hai ăn một!” không một ai thèm đáp lại ông ta.

Mọi người đứng quanh quẩn tại nơi diễn ra hội chợ, tận hưởng cảm giác nhàn tản thú vị như bị gây mê, trông giống như những con ong bị say thuốc. Thỉnh thoảng một ông già từ một vùng núi hẻo lánh gặp một ông già khác từ một vùng núi hẻo lánh khác, và cái bắt tay của họ có lẽ kéo dài tới tận một phần tư giờ.

Trong khi Abel chơi đàn, mọi người vẫn im lặng và lạnh nhạt cho dù cây đàn có phát ra những âm thanh điên cuồng hay ai oán đến mức nào. Họ tiếp nhận thứ nhạc hay như là quyền lợi của mình.

Sau đó Hazel hát, vừa hát vừa nhìn đăm đăm lên những ngọn đồi tím biếc giăng giăng như thành lũy phía trên khu đất diễn ra hội chợ, và những giọt lệ dâng đầy trong mắt Edward.

Một ông già, thân thiện và đầy ngạc nhiên như một đứa trẻ, chống gậy đi tới, đứng trước mặt Hazel, nhìn miệng nàng chằm chằm với vẻ tò mò không thay đổi của một con chó trước một chiếc máy hát. Nếu nàng cử động, ông ta cũng cử động, mê mải và say sưa, trong khi cằm ông ta trễ xuống vì thích thú. Hazel không để ý đến ông ta. Nàng tự do trên đôi cánh di trú của âm nhạc. Nàng không để ý thấy Vessons đang nhìn qua đám đông với vẻ thất vọng, cũng không biết rằng lão đang chen ra xa, vừa chen vừa lẩm bẩm, “Lại là cô gái đó đấy! Mình sẽ không bao giờ nói cho ông chủ biết đâu! Không đời nào!”

Edward vui mừng khi tiết mục đàn hát và thu tiền đã kết thúc và chàng có thể đưa Hazel vào trong lều, nơi có những người thuộc giới tinh hoa, để mời nàng uống trà. Mọi người vẫn ngồi thong thả thưởng thức bữa trà trong khi cuộc đua ngựa chính của buổi chiều đã bắt đầu bằng tiếng chuông báo. Cuộc đua diễn ra rất lâu, các tay đua phải thực hiện nhiều vòng đua đến nỗi mọi người tiếp tục thỏa sức thưởng trà, chỉ thỉnh thoảng mới nhìn ta ngoài xem cuộc đua diễn biến ra sao, ngắm các tay đua phóng vụt qua - một tay đua đeo những chiếc vòng màu đỏ tươi, một tay đua mặc áo khoác bằng vải bông màu xanh dương, hai người đàn ông trung tuổi đội chiếc mũ quả dưa đẹp nhất của họ, và một người mặc bộ đồ kỵ sĩ đúng kiểu, rõ ràng là đang vượt lên tất cả các tay đua còn lại. Lần nào họ cũng phóng ngựa qua theo đúng một trật tự - người mặc đồ kỵ sĩ, rồi đến người đeo vòng đỏ, người mặc áo khoác màu xanh dương, và hai người đội mũ quả dưa chạy sau cùng. Rõ ràng người dẫn đầu biết rằng mình có thể dễ dàng giành chiến thắng, còn những tay đua khác thì đã xác định rằng “mọi sự đã an bài”. Trong guồng máy - với sự quay vòng đều đặn, vị trí không thay đổi, nhịp độ nhàn nhã, họ giống như những con ngựa gỗ trong vòng đu quay.

“Họ đã chạy bao nhiêu vòng rồi nhỉ?” Hazel hỏi người phục vụ, cô này vừa rót trà vừa trò chuyện với vẻ hòa nhã.

“Sắp đến vòng thứ bảy rồi. Có lẽ họ sắp kết thúc cuộc đua. Họ chỉ đang cố gắng để giữ nguyên vị trí.”

“Em muốn xem họ về đích,” Hazel nói. Hai người đi ra khỏi lều, nhưng Abel đã rình sẵn để chặn họ lại và kéo Edward ra để chỉ cho chàng xem một con ong chúa trong một chiếc hòm của Ý. Edward rất ghét cảnh lũ ong chui ra chui vào chiếc hòm gỗ, nhưng chàng quá tốt bụng nên không thể từ chối. Abel quá thiếu nhạy cảm khiến chàng động lòng.

Hazel tìm được một chỗ ở cách đường đua một đoạn, nơi nàng có thể nhìn thẳng về đích đến của cuộc đua; nàng thích nghe tiếng những tay đua chạy qua. Nàng rướn người trên thanh chắn nhìn họ phi ngựa tới, những người vốn tin rằng số phận đã an bài, nhưng không chùn bước và đầy quyết tâm ở vòng đua cuối đầy kịch tính, cúi gập người thúc ngựa chạy, Tay đua dẫn đầu cho ngựa chạy ở bên phía nàng đứng. Nàng nhìn gã chằm chằm bằng ánh mắt sửng sốt khi gã tiến về phía nàng. Đôi mắt xanh đầy sức mạnh của gã, đôi mắt bị thu hít bởi cái nhìn chăm chú hoặc mái tóc rực rỡ của nàng, nhận ra nàng bỗng ánh nên vẻ mừng rỡ. Gã dừng khựng ngựa lại và khi chỉ còn cách đích vài thước nữa, gã cho ngựa chạy vòng trở lại phía sau, giữa tiếng la ó, gào rú của đám đông những người cho rằng gã chắc hẳn là một kẻ say rượu.

“Cô đã khiến tôi phải tìm kiếm khá lâu đấy,” gã nói, nghiêng người về phía nàng. “Cô sống ở nơi quái quỷ nào thế?”

“Ôi, đừng dừng lại! Ông ấy đến bây giờ đấy.”

“Ai cơ?”

“Ông Marston, mục sư.”

“Anh ta có là cả tá mục sư thì tôi cũng cóc quan tâm.”

“Nhưng ông ấy sẽ giận đấy.”

“Nếu anh ta nổi giận tôi sẽ làm cho mũi anh ta chảy máu luôn.”

“Ôi, ông ấy đến bây giờ đấy, ông Reddin! Tôi phải đi đây.” Nàng quay gót. Reddin bám theo nàng.

“Tại sao anh ta lại tức giận chứ?”

“Bởi vì ngày mai chúng tôi sẽ cưới nhau.”

Reddin huýt sáo.

“Và Cáo Nhỏ sẽ đến ở với chúng tôi, tất cả những con vật khác cũng đến. Nhà đó có một chiếc đồng hồ kêu tích tắc đến là buồn ngủ và một bà già lờ đờ ngái ngủ, và Ed’ard đã mua cho tôi một hòm đầy váy áo.”

“Tôi cũng đã cho em một hòm đầy váy áo đấy thôi,” gã nói bằng giọng van vỉ. “Kẻ bỏ trốn bé nhỏ!”

Hazel bực mình vì bị gã quấy rầy. Nàng muốn thoát khỏi gã, và nàng muốn sử dụng sức mạnh của mình. Vậy là nàng ngước lên nói đầy ranh mãnh:

“Váy áo của ông là đồ cũ. Của anh ấy toàn là đồ mới - mới tinh như buổi sáng.”

Gã tức đến nỗi không thể bật ra một tiếng chửi thề.

“Tối nay khi bọn họ khiêu vũ, em nhất định phải đến nói chuyện với tôi,” gã nói.

“Tôi sẽ không đến đâu.”

“Em phải đến. Nếu em không đến, tôi sẽ nói với ông mục sư rằng em đã ở lại Undern qua đêm. Chắc chắn em biết anh ta sẽ không cưới em nữa, đúng không?”

Gã chơi trò tháu cáy. Gã biết nếu gã nói về chuyện đó, Vessons sẽ nói cho mục sư biết sự thật. Nhưng trò tháu cáy đó thành công.

“Ông sẽ không làm thế đâu!” nàng van vỉ.

Gã cười.

“Thôi được,” nàng nói, “nếu ông không nói cho ai biết.”

“Anh ta sẽ ở lại xem khiêu vũ chứ?”

“Không. Và tôi sẽ phải về cùng với anh ấy.”

“Em nên biết điều thì hơn.”

Khi Edward đi tới gã vội vã bỏ đi. Gã biết chàng chính là vị mục sư mà gã đã gặp ở gần Callow. Edward đang mải buộc mấy bông thủy tiên thành một bó hoa cho Hazel nên không nhìn thấy Reddin.

Tay đua đeo vòng đỏ, người giờ đây không còn theo thuyết định mệnh nữa, phi nước kiệu lại gần.

“Có chuyện gì thế?” anh ta hỏi trong niềm vui chiến thắng được ngụy trang sơ sài.

“Mọi chuyện,” Reddin nói bằng giọng đốp chát, và gọi Vessons, rồi đi vào trong lều bán bia để đợi buổi khiêu vũ bắt đầu.

“Những bông hoa này dành cho căn phòng của em, Hazel ạ,” Edward nói, “bởi vì thời khắc những con chim cất tiếng hót đã tới rồi.”

Chàng nghĩ Chúa thực sự đang dẫn chàng đến bên mé nước an tịnh.

Hazel không nói gì. Nàng đang lo không biết mình sẽ vin vào cớ gì để ở lại.

“Đừng nhăn nhó thế, cô bé. Bây giờ không còn gì khiến em phải lo lắng nữa đâu.”

“Thật ư?”

“Đúng vậy. Em sẽ đến Núi Nhỏ Của Chúa. Điều không hay nào có thể xảy ra ở đó chứ? Hazel, hãy ngẩng lên mỉm cười đi em.”

Nàng nhìn vào đôi mắt màu xám của chàng, đôi mắt rất đỗi dịu dàng và thâm trầm. Tuy nhiên, những gì nàng nhìn thấy lại là đôi mắt xanh, đầy vẻ cứng rắn, và chẳng thâm trầm chút nào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.