Châu Lạng là miền núi, mùa đông nơi này là cả sự cô liêu. Tôi đưa chiếc áo mình đã may xong từ lâu cho Xuân Mai, kêu chị ta để vào phòng cho Cát. Hy vọng chiếc áo này sẽ giúp anh ấy ấm hơn trong mùa đông.
Vào một ngày từng cơn gió lạnh đầu mùa se thắt, thân hình mảnh mai của Tú Bình trong bộ xiêm y màu trà phảng phất nơi cổng nhà tôi. Tôi không tin vào mắt mình, chạy ào ra cổng để kiểm tra lại. Quả thật là chị ấy.
“Chị có đi ngang Hải Đông tìm em, thì biết em hiện tại đang ở Châu Lạng.”
Gặp lại Tú Bình tôi vui mừng thật sự. Tôi chạy lại, ôm lấy chị ấy, nước mắt thi nhau lăn dài trên má. Chị lau nước mắt cho tôi, mỉm cười: “Gặp chị không vui sao lại khóc?”
Tôi lắc đầu: “Không, vui lắm. Vui đến nổi không cầm được nước mắt. Chị vào nhà với em đi.”
Tú Bình nhìn vào trong, thăm dò: “Huỳnh Cát có ở nhà không?”
“Không, anh ấy hôm nay có việc ngoài ruộng, chắc chiều tối mới về.”
Tú Bình vui vẻ theo tôi vào nhà. Dường như Tú Bình dạo này cao hơn, gương mặt cũng xinh đẹp đằm thắm hơn lúc trước nhiều lắm. Tôi mới thấy mình thật vô tâm, hơn một năm nay không thư từ liên lạc với Tú Bình, không biết chị ở Diễn Đông ra sao, và cả chuyện với Bát vương gia nữa nên hỏi: “Chị và Bát vương gia thế nào rồi. Sao em không nhận được tin vui từ trong ấy?”
Tú Bình cắn dở miếng bánh chuối, nhún vai: “Chị từ hôn rồi.”
Tôi cả kinh nhìn Tú Bình, không hiểu lý do chị làm như vậy. Như hiểu những gì tôi đang nghĩ, Tú Bình nói tiếp: “Chị không thể yêu ông ta.”
“Nhưng em thấy Bát vương là một người đàn ông tốt mà.” Tôi thắc mắc.
Tú Bình ngưng ăn, nhìn xa xăm: “Ông ấy đích thị là một người đàn ông xứng đáng để dựa dẫm cả đời. Nhưng sau một quãng thời gian dài suy nghĩ chị vẫn không thể nào yêu ông ấy được. Nếu không yêu thì làm sao có thể cùng nhau đi hết đoạn đường này hả em?”
Tôi nhìn qua Tú Bình, nghi hoặc hỏi: “Chẳng lẽ… vì Huỳnh Cát?”
Tú Bình nhanh chóng lắc đầu: “Đó chỉ là những rung động đầu đời thôi, không đủ sâu sắc đâu Chân à. Lần này chị đến đây để thăm em thôi, không phải để tìm Cát. Em đừng suy nghĩ lung tung rồi buồn bã nhé.”
Tôi mỉm cười với Tú Bình. Nếu tôi nghĩ lung tung rồi sinh ra buồn bã vì chuyện của Cát và chị thì chắc hẳn giờ đây tôi không thể tiếp tục làm mợ ba của nhà họ Huỳnh rồi. Thậm chí khi xưa có lần tôi còn đề nghị chị ấy cùng tôi đồng phu, thì chẳng có lí do gì để tôi ghen tuông cả. Nhưng Tú Bình lặn lội từ Diễn Châu xa xôi ra đây, tôi không tin chị ấy chỉ có một mục đích là đi thăm tôi.
“Chị à, đừng giấu em. Chị ra ngoài này để làm gì?”
“Đúng là không giấu được em. Chị định đi một vài nơi du ngoạn để không lãng phí cuộc đời này. Sẵn dịp ra đến đây thì chị ghé thăm em luôn.” Tú Bình vừa cười vừa nói, tôi không biết có thể tin được bao nhiêu đây.
Tú Bình đứng dậy, phủi phủi tay cho rơi hết vụn bánh rồi nói tiếp: “Lần đầu mới ghé thăm nhà em, dắt chị đi dạo một vòng tham quan đi.”
Tôi đứng dậy, nắm tay Tú Bình đi ra phía vườn, không quên nói thêm một câu: “Nhà ở đây đơn sơ, không được tiện nghi như ở trong Hải Đông, chị đừng cười chê nhé!”
Tú Bình gõ đầu tôi cái cốc: “Ngốc! Chị mà quan tâm những việc ấy à? Chị chỉ muốn biết em sống có tốt không thôi.”
Tôi dẫn Tú Bình đi vòng quanh, thăm quan các gian phòng. Chị chắp tay sau lưng, thong thả vừa đi vừa nghe tôi thuyết minh công dụng của từng căn phòng. Ra đến sân, Tú Bình có chút để ý khi thấy gương mặt của Nam. Tôi sợ chị ấy không biết sẽ đụng chạm đến anh ta nên vội vàng giải thích: “Anh ấy là Nam, do một vài tai nạn nên thành ra như vậy.”
Tú Bình nhìn Nam một lúc rồi nói: “Ừm anh ta cao thật. Nếu không phải vì những vết sẹo trên mặt, chắc chắn là một người ưu tú.”
Tôi đề nghị dắt Tú Bình đi ra thăm ruộng bông và cả Nhược Lan nhưng chị từ chối. Chị nói còn có bạn đang đợi nên chào từ biệt tôi rồi ra chiếc xe ngựa chờ sẵn. Tôi tiễn chị ra xe, không quên kêu Xuân Mai vào bếp lấy hết số bánh để chị mang theo đi đường. Trước khi xe ngựa lăn bánh, chị còn dúi vào tay tôi một cái túi thơm, căn dặn khi nào chị đi xa rồi hãy mở. Nhưng cuối cùng sự tò mò của tôi không để tôi chờ đợi thêm được, vừa vào nhà tôi đã vội vã mở túi thơm ra: “Chân, giữ sức khỏe em nhé. Chị đi tìm Nùng Trí Cao đây.”
Tôi hoảng hốt cho người lập tức tìm một chiếc xe ngựa nhưng thời gian quá lâu. Trong nhà tôi có nuôi vài con ngựa, tôi thì lại không biết cưỡi. Sẵn Nam đang đứng chẻ củi, tôi hỏi anh ta: “Anh biết cưỡi ngựa không?”
Nam ngạc nhiên giây lát rồi gật đầu. Tôi kêu anh cùng tôi chạy đi theo Tú Bình.
Nam ngồi trước cầm cương, tôi ngồi sau ôm lấy eo anh và cố quan sát. Nhưng Nam quá cao nên tôi chỉ có thể nghiêng một bên để lần theo chiếc xe ngựa của Tú Bình. Chúng tôi đi gần nửa ngày ra khỏi ngoại thành tới ngã ba thì liền mất hút. Nam dừng lại, hỏi tôi: “Nên đi hướng nào?”
Tôi nhìn vết xe ngựa chằng chịt dưới đường mà không biết nên đi về đâu. Nếu chị Bình đi tìm Nùng Trí Cao thì chắc chắn sẽ đi thẳng ra Quảng Nguyên. Nhưng tình hình hiện tại của tôi và Nam không thể cứ thế này mà đi được. Tôi nhìn theo hướng về Quảng Nguyên, thở dài: “Thôi, chúng ta quay về.”
Tú Bình là vậy, trước giờ chỉ làm việc theo cảm xúc. Việc Tú Bình muốn không ai có thể cản ngăn, việc Tú Bình không muốn dù trời sập xuống chân cũng không ép buộc được chỉ. Có điều, Quảng Nguyên chiến tranh loạn lạc, chị ấy đi như vậy biết có bảo toàn được tính mạng hay không? Tôi ngồi yên trên lưng ngựa, mải mê suy nghĩ biết bao điều cho Tú Bình. Chợt con ngựa quay đầu, Nam phi theo hướng đi đến Quảng Nguyên.
“Anh đi đâu vậy?” Tôi hoảng hốt hỏi.
“Đi tìm cô ấy.” Nam lãnh đạm trả lời.
“Anh biết ở đâu mà tìm?” Tôi la lên vì tốc độ của ngựa ngày càng nhanh.
“Nếu không tìm được cô ấy cô sẽ không yên lòng.”
Nam ngốc. Trời đã sắp tối rồi, nếu bây giờ mà đi vào rừng thì chúng tôi lành ít dữ nhiều. Tôi không thể cứ thế mà bán mạng được. Ít nhất bây giờ quay về rồi từ từ nghĩ cách. Tôi siết chặt lấy eo Nam, hét to lên: “Quay về đi. Không thể tìm chị ấy bằng cách này. Về nhà rồi nghĩ cách sau.”
Nam lên tiếng hỏi, giọng vẫn kiên định: “Cô chắc chứ?”
“Chắc.” Tôi trả lời một cách dứt khoác. Nam nghe đến đây thì cho ngựa dừng lại rồi quay đầu. Chúng tôi nhanh chóng rời khỏi đường mòn trước khi trời tối.
Về đến trấn chúng tôi giảm tốc độ lại đi từ từ, đến khi vào nơi chợ đông đúc Nam liền nhảy khỏi ngựa, cầm dây cương đi bộ bên cạnh tôi.
“Anh làm gì vậy? Sao không ngồi ngựa?”
“Con ngựa mệt rồi.”
“Vậy anh dừng lại để tôi xuống luôn. Dù gì nó cũng chạy một quãng đường dài rồi.”
“Không, cô ngồi đó đi. Một mình cô không ảnh hưởng.”
Tôi biết lý do anh xuống ngựa không phải vì con ngựa mệt, mà là vì từ lúc quay lại thị trấn với tốc độ chầm chậm, chúng tôi nghe được tiếng xì xào bàn tán của mọi người. Hộ bàn về dung mạo của anh, bàn về sự thân mật của anh và tôi khi ngồi chung một con ngựa. Tôi nghĩ anh nhạy cảm về việc đó nên tự nguyện xuống đi bộ để giữ thể diện cho tôi. Tôi không nghĩ là anh quan tâm những lời xì xào đó, nhưng rốt cuộc thì anh có. Tôi nói như ra lệnh: “Anh dừng ngựa để tôi xuống. Không việc gì anh đi bộ còn tôi ngồi ngựa cả.”
Nam vẫn như giả câm giả điếc không thèm quan tâm đến lời nói của tôi. Tôi dùng biện pháp mạnh hơn: “Anh không đỡ tôi xuống thì tôi nhảy xuống đó.”
Nam không dừng lại. Tôi giả vờ cho một chân qua bên còn lại để hù dọa anh. Tôi còn nghĩ mình giữ thăng bằng tốt, nhưng ai ngờ con ngựa ngu ngốc thấy tôi động đậy lại tự nhiên hí lên rồi gần như nhảy chồm lên khiến tôi tuột hẳn ra đằng đuôi nó. Tôi nhắm mắt lại, tự nghĩ phen này tiêu rồi, chắc phải nằm dưỡng thương mấy tuần thì phát hiện mình rơi xuống một vòng tay thật chắc chắn. Tôi bàng hoàng mở mắt, gương mặt Nam đang thật gần tôi.
Nam không có vẻ gì là sốt ruột, anh nhẹ nhàng đặt tôi xuống rồi hỏi: “Cô có sao không?”
Tôi lắc đầu: “Không. Cảm… ơn anh.”
Nam không ép tôi lên ngựa nữa mà chúng tôi cuốc bộ ra về. Đoạn đường về nhà tôi đã đi hằng trăm lần nhưng sao hôm nay có vẻ dài hơn. Nhìn từng giọt mồ hôi đọng trên trán Nam, tôi muốn lau cho anh nhưng lại phát giác hành động đó không phù hợp chút nào. Tôi đành đưa cho anh ấy chiếc khăn tay: “Anh lau mồ hôi đi, ra nhiều dễ bị cảm.”
Nam đón lấy chiếc khăn từ tôi không chút dè dặt: “Cảm ơn.”
Cứ thế, chúng tôi lại đi thêm một đoạn nữa cũng về đến nhà.
Xuân Mai đứng ở cổng chờ tôi. Vừa trông thấy tôi đã vội vàng chạy lại xem tôi có bình an không.
Tôi thấy Xuân Mai nhìn qua Nam, có lẽ cô ấy cũng vừa lo vừa trách anh. Trách anh dám liều mình dẫn tôi đi kiếm Tú Bình, và lo vì trời tối chúng tôi mới về lại nhà được. Nhưng Xuân Mai chưa kịp hỏi han Nam đã dắt ngựa vào chuồng.
Xuân Mai chợt nhớ ra điều gì đó, lấy từ tay áo cho tôi một bức thư. Là thư của Tú Bình.
“Đừng tìm chị. Con đường chị chọn, không ai cản được. Không hề hối tiếc.”
Tôi nhìn xa xăm về hướng Tây Bắc, nếu năm xưa tôi không cứu Nùng Trí Cao, thì giờ đây Tú Bình của tôi cũng sẽ không chọn con đường này…
Tôi phân vân không biết có nên kể cho Cát nghe chuyện của Tú Bình hay không. Nếu anh biết, không chừng anh sẽ có cách tìm lại Tú Bình. Lần này Tú Bình quyết tâm đến mức rời khỏi Diễn Châu, rời khỏi chú ba để đi tìm Nùng Trí Cao thì tôi nghĩ chị ấy cũng đã suy nghĩ nhiều lắm. Một bên là Bát vương gia quyền cao thế trọng, một bên là loạn thần tặc tử - nếu không thật sự yêu thương, liệu có cô gái nào liều mình mạo hiểm như vậy. Tâm trạng tôi rối bời khi bước đến chiếc bàn ngoài sân. Tôi ngồi ở đó chờ anh vì đã từng hứa với lòng sẽ không bước chân đến phòng anh nên cũng không buồn gõ cửa. Tôi đánh cược một phen, nếu anh bước ra ngoài này trong lúc tôi ngồi đây thì tôi sẽ kể chuyện Tú Bình cho anh nghe. Nhưng tôi đã đợi đến giờ hợi (21 – 23 giờ khuya), đến mức đầu mình gục xuống bàn anh vẫn không bước ra.
Xuân Mai khẽ đánh thức tôi, kêu tôi quay về phòng ngủ. Tôi uể oải đứng dậy, vươn vai một cái làm tấm áo khoác trên người rơi xuống đất. Tôi hỏi Xuân Mai: “Là chị khoác cho tôi à?”
Xuân Mai lắc đầu: “Không, em mới vừa xong công việc ở bếp, định bụng quay về phòng ngủ thì thấy mợ nằm ở đây nên lại đánh thức mợ.”
Xuân Mai nhặt áo lên, xem xét rồi nói tiếp: “Là áo của Nam.”
Tôi ngáp một hơi rồi khoác tay với Xuân Mai: “Tôi tự về phòng được, chị không cần theo tôi. Áo này mai chị đem giặt sạch rồi trả cho anh Nam. Chắc khi nãy anh ấy thấy tôi ngủ gật nhưng không tiện kêu nên khoác tạm cho tôi thôi.”
Tôi rời khỏi sân, đi về phòng mình. Lần này không phải tôi có ý giấu Cát chuyện của Tú Bình, mà là anh không cho tôi cơ hội nói. Nhưng chẳng phải Cát vẫn luôn cho người dõi theo tin tức của Tú Bình hay sao, nhiều khi anh ấy đã biết chuyện này trước tôi rồi cũng nên. Thôi thì… chuyện hai người đó, xem như tôi không can dự.