Trần Chân

Chương 7: Chương 7: Nguyên phi Huỳnh Phúc




Tôi đi theo cô cung nữ ấy đến tẩm cung của Nguyên phi. Lần trước khi anh Cát cưới tôi Nguyên phi không về nhà nên tôi trước sau chưa từng biết mặt của nàng ấy. Nhưng theo những gì tôi nghe được từ tôi tớ trong nhà thì Nguyên phi là cô gái đẹp nhất miền Hải Đông, thậm chí nói đẹp nhất Đại Cồ Việt này cũng không ngoa. Trước giờ tôi gặp không nhiều người, không hình dung được đẹp như thế nào là nhiều, chỉ biết Tú Bình quả thật là một người xinh đẹp, chị cả cũng đẹp, vậy chắc Nguyên phi cũng sẽ đẹp như vậy.

Nhưng đến khi trông thấy người phụ nữ uy nghi ngồi trên ghế tôi mới hình dung ra hết chữ “Đẹp” mà bọn tôi tớ nói lại. Tú Bình xinh đẹp nhưng nhìn có vẻ tự do và hoang dại, chị cả đẹp một cách dịu dàng còn Nguyên phi thì thật sự giống như một con chim phượng hoàng. Gương mặt người nhỏ nhắn, làn da trắng mịn như trứng gà bóc, mắt phượng lúng liếng, môi đỏ thắm như son. Người mặc bộ xiêm y màu mận chín càng tỏa ra khí chất vương giả đến rợn người. Người không cười nhưng gương mặt không mang nét bi ai, khi người cười thì mọi loài hoa cũng phải khép mình. Trên người Nguyên phi có một cảm giác khiến người khác vừa kính phục vừa sợ hãi. Tôi không biết do là Nguyên phi nên người có khí chất như vậy, hay do chính bản thân người có khí chất như thế nên mới trở thành Nguyên phi.

Tôi quỳ xuống, dập đầu hành lễ: “Thần thiếp tham kiến Nguyên phi nương nương.”

Chị ấy chìa một tay ra trước mặt tôi, ngón ngọc thon dài, đầy vẻ kiêu sa: “Là người một nhà không cần lễ nghi rườm rà. Em ngồi lên ghế đi, ta có vài chuyện cần hỏi.”

Không hiểu sao tôi có cảm giác trong lời nói của Nguyên phi có điều gì không ổn lắm. Nhưng tôi cũng không dám trái lệnh, ngồi lên ghế theo chỉ dẫn của cô cung nữ kia. Đoạn, Nguyên phi nhìn cô cung nữ ấy: “Thu Cúc, ngươi đi ra ngoài đi, ta có chuyện cần nói với Huỳnh phu nhân.”

Cô cung nữ tên Thu Cúc ấy dạ một tiếng rồi nhanh chóng lui ra. Trong phòng chỉ còn lại tôi và Nguyên phi – một cảm giác ngột ngạt đến khó tả.

Nguyên phi hỏi tôi: “Em gả vào nhà họ Huỳnh rồi, thế đã quen với cuộc sống ở đây chưa?”

Tôi thành thật trả lời: “Dạ bẩm thiếp đang tập làm quen. Anh chị cả và mọi người bảo ban thần thiếp nhiều điều lắm.”

“Ừm, anh chị cả có ức hiếp em không?”

“Dạ không thưa nương nương, anh chị thương yêu thiếp như em gái ruột vậy.”

“Ý em là xem em như ta?” Nguyên phi hỏi một câu khiến tôi cứng họng. Có vẻ sở thích của nàng ta là bắt bẻ người khác. Tôi ngập ngừng, không biết trả lời sao cho hợp lí. Nhưng Nguyên phi bật cười: “Đã là người nhà, em hay ta cũng như nhau, có gì mà em ngại.”

Tôi vội vã quỳ xuống: “Dạ bẩm nương nương, tuyệt không giống nhau được. Người là phượng hoàng trên cao còn thiếp là con gà dưới đất. Không thể nào đem ra so sánh được.”

“Ta chỉ đùa thôi, em ngồi lại ghế đi.”

Tôi tuân lệnh ngồi lên ghế, nhưng trong lòng thấp thỏm không yên. Chị ấy lại hỏi tiếp: “Vậy Huỳnh Cát đối với em như thế nào?”

Lần này mới thật sự khó trả lời. Tôi không biết chị ấy có biết chuyện xảy ra trong nhà hay không, nếu tôi trả lời có gì sai sót, chỉ e là rước họa vào thân. Thôi thì cứ nói tốt, biết đâu mọi chuyện sẽ tốt: “Dạ bẩm… anh Cát đối với thiếp cũng rất tôn trọng, chưa bao giờ hành xử quá đáng.”

Nguyên phi im lặng lắng nghe, xong chị ấy hớp một ngụm trà rồi mới nói tiếp: “Ta cũng không phải không biết chuyện đã xảy ra. Nhưng tất cả đã qua rồi, ai trước lúc thành thân lại không tránh khỏi việc tâm tư có để ý người nào đó. Nhưng đến cuối cùng người nằm chung giường, đắp chung chăn mới là người cùng đi đến hết cuộc đời. Ta đã răn đe Huỳnh Cát, loại bỏ tạp niệm mà chấp nhận những gì mình đang có. Em cũng đừng vì chuyện đó mà nặng lòng, thời gian trôi qua, vết thương nào cũng lành, quan trọng là hai đứa sống với nhau cho phải đạo vợ chồng.”

Tôi nghe những lời Nguyên phi nói như rót mật vào tai. Không ngờ chị ấy sống xa như vậy mà vẫn biết mọi chuyện đang diễn ra tại nhà họ Huỳnh. Ai nói con gái gả đi không còn là con trong nhà, chị ấy gả đi, nhưng gả cho hoàng thượng, địa vị cao sang, cũng chẳng khác nào vẫn làm chủ nhà họ Huỳnh.

“Dạ thiếp đã hiểu, thưa nương nương.”

“Hiểu thì tốt… Vậy… khi ở vườn Quỳnh Lâm, em đã gặp ai? Hai người quen nhau từ trước à?”

Tôi nghĩ đi một vòng thật xa, giờ đây chị ấy mới chính thức vào vấn đề. Dĩ nhiên người mà nàng ta hỏi đến không phải là tên thị vệ đã đắt đường ta mà chính là Lý Trung. Có lẽ chị ấy đã trông thấy những gì diễn ra tại vườn Quỳnh Lâm chăng. Tôi không biết việc ấy có ảnh hưởng gì đến anh ta không nên vội vã quỳ xuống cầu xin.

“Nương nương, chuyện là trước đây thiếp có gặp anh ta ở Diễn Châu và mang ơn cứu mạng. Lần này vào cung không ngờ lại gặp lại nên chỉ muốn lời cảm ơn. Xin nương nương phán xét.”

Ta có thể nghe tiếng Nguyên phi đập nhẹ xuống bàn: “Ta có nói gì đâu, sao em lại luống cuống lên như vậy, khác nào ngầm ám chỉ là giữa hai người có gì đó không trong sáng?”

Tôi nhận ra thái độ của mình chẳng khác nào đưa Lý Trung vào chỗ nguy hiểm, nhưng lời lỡ nói ra làm sao có thể thu lại được, chỉ còn cách phóng lao thì phải theo lao: “Nương nương, thật sự chỉ là mang ơn, không có ý gì khác, xin nương nương đừng hiểu lầm.”

“Có thật chỉ là mang ơn hay không?” Nguyên phi nhấn mạnh từng chữ với tôi.

“Thật sự chỉ có vậy, nếu có nửa lời sai sự thật thiếp nguyện để nương nương xử phạt.” Tôi sợ hãi đến mức mếu máo. Nguyên phi lại chất vấn tiếp: “Hắn ta là ai, thân thế ra sao?”

Việc này thật là tôi cũng không biết rõ, nên chỉ có thể trả lời những gì mình đã biết: “Thiếp chỉ biết anh ta tên gọi Lý Trung, xung quân cho triều đình. Ngoài ra gia thế, thân phận cụ thể ra sao thiếp hoàn toàn không biết.”

Đến lúc này Nguyên phi có vẻ đã tạm tin tôi, gương mặt chị ấy dãn ra một ít, nhưng không lâu sau lại tiếp tục chau mày lại: “Xem ra là ngươi cũng không biết gì. Lần này người mà ngươi đụng đến, thân phận không nhỏ đâu.”

Tôi giật mình, tự nhủ mình ngốc nghếch. Nguyên phi ở trong triều đình, đại yến hôm nay toàn mời những viên quan quyền cao chức trọng, không thì những người đặc biệt được hoàng thưởng ban thưởng thì làm sao Nguyên phi lại không kiểm soát được. Chị ấy hỏi tôi về người ấy, thực chất chỉ để kiểm tra xem tôi thành thật đến đâu. Nói thật nếu tôi biết nhiều hơn tôi cũng không nói ra hết đâu, chỉ là những gì tôi có thể nói, chung quy lại cũng chỉ là những gì tôi biết. Lần này nghe chị ấy nói Lý Trung tôi quen, thân phận không nhỏ thì tôi nghĩ nó còn vượt xa hơn những gì tôi tưởng tượng. Tôi mở to mắt nhìn Nguyên phi: “Nương nương…”

Chị ấy ra hiệu cho tôi đứng lên, chậm rãi nói tiếp: “Đó chính là Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung, cũng chính là tứ hoàng tử.”

Chị ấy vừa nói xong tôi thấy chân mình bủn rủn, như có thể khụy xuống bất cứ lúc nào. Người đàn ông mà tôi quen, thậm chí để lại bao nhiêu vương vấn trong tôi lại chính là hoàng tử đương triều. Tôi đúng là không biết tốt xấu, thân phận thấp kém mà còn dám tơ tưởng đến người ở xa vời. Tôi chợt nhớ đến những khi tôi cau có giận dỗi với anh, thậm chí chỉ đạo anh phải làm theo ý mình… những điều ấy, chỉ khiến tôi trở nên kệch cõm hơn. Dù tôi đã từng nhủ trong lòng sẽ không để tình cảm này sinh sôi nảy nở nhiều hơn, nhưng giờ đây, khi ngọn ngành mọi chuyện, tôi mới biết dù tôi có chưa gả đi, thì cũng không có khả năng mơ tưởng đến con người kia.

Nguyên phi lại nói tiếp: “Không phải vì ngươi đã gả về nhà nên ta nói việc này, mà cho dù ngươi chưa gả đi thì cũng xem như ta chân thành khuyên ngươi, đàn ông chốn cung cấm, tuyệt đối không thể đụng vào. Tứ hoàng tử chỉ có một, còn những cô gái như ngươi thì bên ngoài có cả ngàn, cả vạn. Ngươi có đủ dũng khí chiến đấu với họ, ngươi có đủ thâm hiểm để tồn tại trên mạng sống người khác, ngươi có đủ bao dung để chịu cảnh một chồng mười vợ? Gả cho một người bình thường, cùng lắm chỉ chia sẻ người chồng với một hai người nữa, nhưng ít ra ngươi cũng là mợ cả. Còn gả vào vương thất, thậm chí cả cuộc đời ngươi cũng không được gặp mặt chồng mình…”

Tôi hầu như cũng chẳng còn tâm trạng nghe xem chị ta nói những gì. Trong đầu tôi lúc này hoàn toàn trống rỗng: “Thiếp hiểu rồi, thưa nương nương!”

“Hiểu thì tốt. Không hiểu thì cũng ráng mà hiểu. Ngươi gả vào nhà họ Huỳnh, bên trên còn ta và anh cả. Trên ta vẫn còn hoàng thượng. Nếu ngươi mà lỗi đạo với Cát, đừng trách ta không niệm tình với gia đình ngươi.”

Tôi nghe mà nghẹn đắng ở cổ. Muốn khóc nhưng cũng không dám khóc. Chỉ đứng yên lặng, mặc cho chị ta nói gì thì nói. Rồi chị ta có vẻ dịu giọng, tiến đến cầm lấy tay tôi: “Ta cũng không muốn lấy danh nghĩa chị chồng ra để hà khắc với em dâu. Ta nghe nói em sinh năm Canh Thân (1034) đến nay cũng chỉ mới mười ba, chẳng lớn hơn con gái ta là bao nhiêu mà đã phải theo chồng. Ngày thành hôn của hai em ta không tham dự được, cũng chưa tặng riêng em lễ vật gì. Đây là hộp trang sức ta đặc biệt yêu quý, vàng bạc châu báu không nói đến, toàn bộ đều là những chế tác của những bậc thầy hoàng kim khắp nơi, mỗi mẫu không quá hai món, giá trị tuyệt nhiên không nhỏ. Em cứ lại chọn một cây trâm em thích, để thay thế cho cây trâm em đã đánh rơi ngoài vườn.”

Tôi đã định từ chối nhưng Nguyên phi cứ như nhấn mạnh việc chị ta đã trông thấy tứ hoàng tử lấy cây trâm trên tóc tôi, nhưng chị xem đó như là tôi đánh rơi. Tôi đành phải tuân lệnh, tiến đến bàn trang điểm của chị ấy, chọn một món cho không phật ý.

Nói là một hộp nhưng theo tôi thì đó là cả một ngăn tủ có vẻ đúng hơn. Số trâm trong đó tôi ước tính chắc khoảng mấy trăm, vàng bạc ngọc ngà không thiếu món gì. Ngăn ngoài cùng tôi thấy toàn là trâm phượng, rất giống phong cách mà Nguyên phi đang cài trên tóc, cây nào cũng được bảo quản cẩn thận, không một vết xước trên thân. Tôi vốn là thường dân, cài cây trâm ấy lên đầu chẳng khác nào ăn mày mặc áo hoa, thô lỗ kệch cỡm. Ngăn tiếp theo là những cây trâm có vẻ trẻ trung hơn, nhưng vẫn không phù hợp với tôi. Còn ngăn trong cùng tôi có thể nhận ra, chúng na ná những cây trâm tôi hay thấy ở tiệm kim hoàn, có lẽ đây là vật dụng năm xưa Nguyên phi mang theo khi tiến cung. Dù chúng đã sờn nhưng vẫn được cất giữ chung với những loại trâm quý giá khác, đủ thấy chủ nhân cũng rất trân trọng. Tôi còn đang bối rối không biết nên chọn cây nào thì một cây trâm bạc vô cùng đơn giản đập vào mắt tôi. Trên cây trâm ấy chẳng có gì ngoài một viên ngọc bích được gọt giũa thành hình hoa đào. Nhìn trâm tuy đã cũ nhưng không sờn, có lẽ ít được sử dụng. Tôi mừng rỡ cầm nó lên, dâng bằng hai tay lên Nguyên phi.

“Thưa nương nương, thiếp chọn cái này.”

Nguyên phi thoáng sửng sốt nhìn tôi, rồi lại nhanh chóng lấy lại vẻ mặt điềm tĩnh vốn có của người. Nàng ta cầm lấy cây trâm, cài lên tóc cho tôi.

“Sở thích của em cũng thật đặc biệt, suýt chút là ta đã quên đi sự tồn tại của vật này. Bây giờ ta tặng nó cho em, hãy bảo quản cho thật tốt, đừng vì nó đơn giản mà chê bai, có hiểu không?”

“Tạ ơn nương nương đã ban thưởng.”

Nguyên phi còn định nói gì với tôi nhưng cung nữ bên ngoài gõ cửa rồi nói vọng vào: “Bẩm nương nương, ông bà Huỳnh đang đợi Huỳnh phu nhân để quay về.”

Trước khi tôi rời khỏi cung Tuyên Đức, Nguyên phi còn siết chặt lấy tay tôi dặn dò: “Nhớ những gì ta đã nói.”

Tôi lặng lẽ bước theo cô cung nữ ấy để trở ra xe ngựa. Đoạn đường đi lúc quay ra sao mới thật nặng nề. Chợt cô cung nữ thủ thỉ vào tai tôi: “Thái tử đang trên đường đến chỗ chúng ta, phu nhân mau quỳ xuống, đừng ngẩng mặt lên nhé!”

Tôi nghe lời cô ấy quỳ mọp xuống nền gạch lạnh băng. Một thân ảnh cường tráng lướt ngang qua chỗ chúng tôi rồi chợt dừng lại. Tiếng vị công công vang lên, không lớn không nhỏ: “Thu Cúc, đó là ai?”

Thu Cúc lễ phép đáp lại: “Dạ bẩm, đây là phu nhân của em trai của Nguyên phi. Hôm nay có lệnh hoàng thượng vào cung dự tiệc, bây giờ nô tì đang đưa phu nhân ra lại xe ngựa để quay về.”

Vị công công ấy không trả lời. Đoàn người của Thái tử lại tiếp tục rời đi. Lúc này tôi mới đứng dậy, tiếp tục theo chân Thu Cúc ra đến nơi hai chiếc xe ngựa đang chờ sẵn.

Tôi lại ngồi cùng Cát trở về. Anh đưa mắt nhìn tôi, nhưng không hỏi gì cả. Tôi cũng chẳng còn tâm trạng để nói chuyện với anh.

Xe chạy chầm chậm, tôi có thể nghe tiếng gió rít từng cơn bên ngoài.

Hoàng cung rộng lớn là vậy, nhưng sao quá cô liêu.

Trong lòng tôi, một cảm giác chưa được gọi tên đã vội vã chết đi.

Đã bao nhiêu lần tự nhủ quên anh ta đi, nhưng chưa có lần nào tôi thấy tuyệt vọng như lúc này. Quên anh ta không phải việc tôi được lựa chọn, mà giờ như một mệnh lệnh.

Ngược lại, với địa vị như thế, chắc gì anh ấy đã từng để tôi vào lòng. Cớ sao lại hết lần này đến lần khác trêu đùa tôi?

“Món thứ hai, đợi đến khi uyên ương đủ cặp, người hữu duyên sẽ thuộc về người hữu duyên.”

Câu nói trước lúc anh rời đi vẫn lảng vảng quanh tôi. Tôi còn bõ công ra suy nghĩ anh có ý gì. Giờ thì, anh có ý gì không quan trọng, quan trọng là tôi không được có ý gì.

Tôi bất chợt run lên, muốn khóc cũng không thể khóc trước mặt Huỳnh Cát.

“Yêu nhau không đặng

Bỏ nhau không đành

Nuốt giọt lệ đắng

Tiếc cho lương duyên chẳng thành!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.