Trần Chân

Chương 25: Chương 25: Rối bời




Mấy ngày liền tôi đều ghé ngang phủ huyện coi có dán thông báo truy nã nào không. Ở đó ngoại trừ mấy tên tội phạm trộm cắp vặt đã bị truy nã từ mấy tháng trước thì không xuất hiện thêm ai khác. Lòng tôi nhẹ nhõm được một chút, hy vọng anh ta thật sự là một người bình thường.

Nhược Lan bị động thai nên tôi qua ở hẳn nhà chăm sóc cho chị ấy tận mười ngày. Mọi việc liên quan đến tên kia tôi giao hết cho Xuân Mai, cũng không có thời gian gặp chị ấy để hỏi xem tình hình ra sao. Xuân Mai chưa đến tìm tôi thông báo gì khác, tôi nghĩ hắn ta vẫn nằm lại tại y quán, chưa rời khỏi được.

Sức khỏe Nhược Lan ổn định hơn tôi mới rời khỏi nhà Hoàng phệ. Tôi đi đến ruộng bông để xem xét một lượt tình hình nơi này rồi mới ghé qua y quán. Trên đường đi tôi không quên lướt ngang qua nha môn một lần nữa để kiểm tra. Vẫn không có thông báo nào mới. Kể ra cũng an tâm hơn đôi ba phần.

Lúc tôi đến y quán thì người đàn ông kia đã ngồi dậy được. Thấy tôi lạ nên anh ta cứ nhìn trân trối. Xuân Mai nhẹ nhàng giải thích cùng anh ấy: “Đây là mợ ba, chính mợ đã cứu anh đó.”

Anh ta nghe Xuân Mai nói thì cặp chân mày dãn ra một chút, cúi đầu với tôi: “Cảm ơn.”

Giọng anh ta trầm trầm, ấm áp, do còn bị thương nên có một chút khàn khàn. Chỉ tiếc mấy vết sẹo trên mặt anh ta quá đáng sợ, nếu không tôi nghĩ người sở hữu giọng nói như thế hẳn phải là một người dễ nhìn.

Tôi lại gần anh ta hơn một chút, hỏi: “Anh là người ở đâu? Sao lại bị thương đến nông nổi này?”

Anh ta lặng im một lúc. Xuân Mai kéo tay tôi ra, thì thầm: “Mợ ơi, em đã hỏi nãy giờ mà anh ta vẫn im lặng, có vẻ không nhớ gì cả.”

Lão thầy lang vuốt mấy sợi râu lung phúng trên cằm, nói với tôi: “Lúc bị thương đầu có va chạm, xem ra là ảnh hưởng không nhỏ đến não nên có khả năng quên một số chuyện trước kia.”

Tôi nghe mà thấy thật phi thường, liền hỏi: “Vậy khi nào anh ta mới nhớ lại?”

Lão ấy nhìn về hướng anh ta, lắc đầu: “Chuyện này tôi chịu. Có khi ít hôm, ít tháng hoặc cũng có khi cả đời cũng sẽ không nhớ được gì không chừng.”

“Còn mấy vết sẹo trên mặt anh ta?” Tôi hỏi tiếp

“Chúng quá nặng, e là sau này cũng không thể khả quan hơn.”

“Vậy không lẽ anh ấy phải sống với một cái đầu trống rỗng và một diện mạo như vậy sao? Ông không còn cách nào à?”

“Tôi không còn cách, nhưng tôi biết có một người sẽ cứu được hắn”

“Ai vậy?”

“Tiên!”

“Nói chuyện với ông thà tôi nói với đầu gối còn hơn.”

Tôi mặc kệ lão ấy cười sặc sụa tại nơi đó, tôi quay lại chỗ người bị thương kia, không biết với tình trạng hiện nay của hắn thì tôi còn làm được gì đây. Hắn vẫn ngồi im lìm một chỗ, không biết đang suy nghĩ gì. Tôi ngó qua thấy các vết thương trên người hắn, có vẻ đã khá hơn đôi chút: “Anh thấy trong người như thế nào rồi?”

Anh ta nghe tôi hỏi, trả lời không thừa một chữ: “Đã ổn rồi.”

Tôi gật đầu: “Vậy là tốt rồi. Tôi nghĩ chắc anh đã có thể tự chăm sóc bản thân rồi. Tôi định đợi anh tỉnh dậy, hỏi xem nhà cửa ở đâu, ít ra thì tôi có thể đưa anh về nhà. Nhưng hiện giờ thì…”

Tôi quay qua Xuân Mai, phân phó: “Chị chuẩn bị cho anh ấy ít tiền đi, để anh ấy có thể lo cho bản thân trong thời gian này.”

Xuân Mai nhìn tôi, ngập ngừng: “Nhưng mợ ơi bây giờ anh ta còn không biết bản thân là ai thì có thể đi đâu được đây?”

Tôi liếc nhìn anh ta. Việc anh ta đi đâu thì liên quan gì đến tôi. Tôi đã giữ lại được mạng sống cho anh ấy, không lẽ bây giờ còn muốn tôi cưu mang. Hiện tại quan phủ chưa có cáo thị gì, nhưng có ai biết được ít hôm nữa có biến chuyển gì không. Mấy ngày qua chăm sóc anh ta, ít nhiều tôi cũng có chút cảm tình. Nếu lỡ anh ấy là tội phạm thật, làm sao tôi có thể đành lòng giao cho quan phủ. Thôi thì xem như ân nghĩa gì đến đây cũng nên chấm dứt, không dây dưa nhiều, sẽ không buồn bã!

Anh ta có vẻ cũng thấy được vẻ chần chừ của tôi nên cố đứng dậy. Tôi thấy anh ta hơi chau mày, chắc vết thương bị động nên đau đớn: “Ơn cứu mạng, có dịp sẽ đền đáp.”

Tôi không mong anh ta có thể đền đáp, chỉ mong anh có thể bình an.

Anh cố gắng bước đi thật nhanh ra phía cửa, một ít máu chảy ra từ các vết thương trên người, ước chừng rất đau đớn. Tôi nhìn thấy cũng không đành lòng. Xuân Mai lại ở bên cạnh tỉ tê: “Mợ à, anh ấy không nhận tiền, nếu cứ vậy mà đi em e chưa được nửa ngày đã bỏ mạng rồi.”

Tôi vẫn im lặng không nói gì cả. Anh ta đi đến cửa thì gần như sắp ngã nhào. Xuân Mai vội vã chạy đến đỡ lấy phần thân thể to lớn mà yếu ớt ấy: “Cẩn thận!”

Rồi chị ấy quay qua phía tôi, ánh mắt đầy khẩn cầu: “Mợ ơi, hay mình đem anh ta về nhà, đợi ít hôm nữa khi anh ta hoàn toàn bình phục hãy để anh ta đi.”

Tên thầy lang nãy giờ ra ngoài chẩn bệnh, không biết quay trở lại từ lúc nào, cũng xỏ xiên bên tai tôi vài câu: “Người ta đã không muốn cứu, cô năn nỉ ích gì. Sống chết âu cũng là số trời thôi. Mà nếu không muốn cứu thì hôm ấy khiêng đến đây làm gì cho cực thân.”

Lần này lão nói lại không khiến tôi khó chịu. Dĩ nhiên nếu là một người bình thường tôi chẳng ngại ngần gì cứu giúp, thậm chí để anh ta ở lại… Nhưng thôi, nếu sống chết có số, mọi sự tùy duyên thì coi như tôi nhận cái duyên này, giúp anh ta một lần nữa. Tôi nói với Xuân Mai: “Đi kêu một chiếc xe ngựa để về nhà. Anh ta bị thương như vậy không đi bộ nổi đâu.”

Xuân Mai nghe tôi nói lập tức cho anh ấy ngồi xuống ghế, nhanh chóng đi chuẩn bị xe ngựa để chúng tôi về nhà.

*

* *

Thể trạng anh ta thật tốt, chỉ mới hai tuần trôi qua thôi mà các vết thương trên cơ thể gần như khép miệng hoàn toàn. Tuy nhiên mặt mày anh ta vẫn không khả quan và đầu óc cũng chẳng nhớ được gì. Tôi cũng không thể cứ gọi anh ấy là anh gì ơi mãi được, tiện thể lúc tôi gặp anh là trên sông Lục Nam, nên tôi tạm gọi anh ấy là Nam.

Nam trầm tính, bình thường cũng không hay nói chuyện với ai câu nào. Xuân Mai giao việc gì thì anh chăm chăm làm việc ấy. Gia đinh trong nhà tuy thấy anh khó gần, nhưng cũng không đến mức ghét bỏ. Chỉ có mỗi việc mọi người vì ái ngại gương mặt anh nên cũng không ai dám lại gần. Tôi làm sao có thể bắt ép họ phải xem anh như một người bình thường được, việc duy nhất tôi có thể làm lúc này là căn dặn mọi người đừng để anh đụng vào mấy chuyện quá nặng nhọc để tránh ảnh hưởng đến vết thương.

Cát trở về nhà vào một ngày giữa tháng mười, khi vụ bông thứ ba sắp đến kỳ thu hoạch. Tôi nghe tin từ Xuân Mai báo lại lúc đang ngồi ngoài sân uống trà. Nam gánh nước ngang qua, dừng lại hỏi vu vơ: “Cậu ba là ai?”

Xuân Mai trả lời Nam: “Cậu ba là chồng của mợ ba.”

Đã lâu rồi không gặp Cát nên cũng không biết dùng tâm thế gì để chào đón anh trở về. Trước khi anh đi Phú Lương chúng tôi vốn hạn chế gặp mặt nhau, bây giờ anh trở về Châu Lạng, nếu tôi dùng thái độ niềm nở để chào đón anh, liệu có quá giả tạo hay không. Tôi suy đi tính lại, cuối cùng cũng ra nhà ngoài, chuyện hôn nhân không phải ngày một ngày hai, tôi cũng không thể cứ như vầy mà trốn tránh anh cả đời.

Cát sau chuyến đi dài có vẻ phong trần và mệt mỏi hơn. Đã bao lâu rồi tôi chưa kịp nhìn kĩ anh, dường như cả ấn tượng về Mai Xuân Phong trong tôi cũng sắp không còn. Tôi đứng đối diện với anh, ngượng ngùng cười chào. Anh hơi ngạc nhiên khi thấy tôi, rồi cũng nhanh chóng làm ra điệu bộ lãnh đạm đáp lại. Tôi chưa bao giờ nói với anh rằng tôi ghét cái dáng vẻ lạnh lùng của anh nhiều ra sao, cũng như anh chưa từng nói với tôi rằng tôi phải làm sao để anh không còn đối xử với tôi lạnh lùng như thế.

“Anh muốn tắm trước hay dùng cơm trước để tôi kêu Xuân Mai đi chuẩn bị?”

Cát lắc đầu: “Tôi không đói. Nói Xuân Mai chuẩn bị nước đi.”

Tôi kêu Xuân Mai đến, cẩn thận dặn dò. Cát cũng không buồn đứng đây với tôi thêm giây phút nào nữa. Lúc anh lướt ngang qua tôi, tôi nghe đâu đó mùi gió bụi bên ngoài. Chuyện làm ăn của anh chắc rất mệt mỏi!

Cát sau khi tắm xong liền ở lì trong phòng, không buồn bước chân ra khỏi cửa. Tôi đứng dưới góc đào lẳng lặng nhìn về phía ấy mà bản thân cũng không biết mình đang muốn gì. Những chiếc lá cuối thu rơi rụng xuống vai tôi. Cũng tại bàn này các đây chưa đầy một năm, Cát cũng từng lấy tay nhặt cánh hoa đào vương trên tóc rồi nhẹ nhàng bế tôi về phòng, tránh đánh thức tôi khỏi giấc ngủ say. Lúc đó tôi thậm chí còn cho rằng làm vợ anh cũng không khó khăn như tôi từng nghĩ. Đi một vòng thật lớn, hóa ra tôi vẫn chỉ quanh quẩn ở nơi bắt đầu.

Tôi mải mê suy nghĩ mà không hay có ánh mắt đang nhìn về phía tôi. Đến khi tôi phát hiện thì có lẽ người ấy đã đứng nhìn tôi từ rất lâu rồi. Tôi giật mình nhìn về nơi ấy, thấy Nam đứng yên một chỗ, lẳng lặng nhìn tôi không nói năng gì. Tôi không thích người khác nhìn mình chằm chằm như thế nên mắng anh: “Anh có chuyện gì mà đứng đó nhìn tôi? Xuân Mai không giao việc cho anh hay sao?”

Nam thì ngược lại, chẳng có vẻ gì là sợ hãi đối với lời tôi mắng, anh chỉ ôn tồn trả lời: “Tôi làm xong hết việc rồi. Tôi cũng không nhìn cô, tôi chỉ nhìn theo hướng cô nhìn thôi.”

“Vậy anh nhìn thấy được gì?”

“Tôi thấy cô nhìn về hướng ấy!”

Tên Nam này nói chuyện chẳng đâu vào đâu, tôi nghe càng thêm phát bực. Không biết trước khi mất trí nhớ anh ta có ngây ngốc như thế không hay bản chất anh ta vốn là kẻ thật thà. Nhưng nhìn gương mặt của anh, khi nghiêm túc chau mày, những vết sẹo chi chít trên mặt dường như cũng nhăn theo khiến tôi không nhìn được phì cười. Anh ta thấy tôi cười, gương mặt càng tối sầm hơn nữa.

“Cô cười gì đó?”

Chẳng lẽ tôi nói với anh tôi cười vì gương mặt của anh. Không khéo anh lại không hiểu ý tôi, nhầm tưởng rằng tôi khinh khi anh xấu xí thì càng phiền phức hơn. Tôi ngồi đây, đơn giản chỉ là muốn tĩnh lặng để có thể suy tư nhưng cũng bị Nam phá hỏng. Tôi đành trả lời qua quýt cho có lệ.

“Tôi cười sao trên đời này lại có người thật thà như anh!”

Nam chưa bao giờ kêu tôi hai tiếng “Mợ ba”, dù cho ngay lần đầu anh gặp tôi thì Xuân Mai đã giới thiệu cho anh biết tôi là mợ ba nhà này nhưng anh vẫn cố chấp. Cùng lắm anh chỉ xưng hô với tôi là cô cô – tôi tôi, nghe chẳng có thể thống gì. Xuân Mai vài lần cũng nhắc khéo anh ta nhưng anh ta vẫn không chịu sửa. Tôi thì nghĩ dù gì anh ấy cũng đâu chính thức là nô bộc trong nhà, biết đâu mai anh ta lại nhớ ra mọi chuyện, rời khỏi đây thì giữa chúng tôi cũng nào còn quan hệ chủ tớ nên cứ để mặc. Thành ra giữa những câu “Bẩm mợ ba, Thưa mợ ba” tôi nghe đến mức ngán ngẩm thì việc anh ấy kêu tôi là “Cô” khiến tôi có cảm giác mình vẫn chỉ là một con bé mười lăm tuổi, chứ không phải người phụ nữ đã theo chồng. Tôi nhìn Nam, ước gì tôi có thể giống như anh, quên đi hết mọi chuyện để bắt đầu một cuộc sống mới thì có phải sẽ tốt hơn không.

“Gió lạnh rồi, nếu cô còn ngồi ở đây nữa thì sẽ bị bệnh.”

Không năn nỉ, không ra lệnh, đó chỉ là một câu nói bình thường thôi nhưng cũng khiến tôi ngoan ngoãn quay về phòng. Giống như khi xưa, lúc tôi dùng dằng đòi theo Tự Khải ra ngoài chơi, anh ấy nói với tôi rằng: “Trời lạnh rồi, ra ngoài sẽ bị bệnh.” Tôi đã ngoan ngoãn ở nhà cùng với mẹ. Hóa ra, những câu nói đơn giản như thế, đối với tôi lại ấm áp vô chừng!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.