Trăng Lạnh Như Sương

Chương 16: Chương 16: LÁ SEN QUẦN VẢI MỘT SẮC NGỜI




Trời nóng như phun lửa xuống nhân gian. Đường núi thẳng tắp, hai bên sườn chẳng hề có một bóng cây che, những tảng đã bị ánh nắng chói chang hun nóng đến mức phát ra tia sáng, vó ngựa bước trên đường mà đã sắp tóe ra lửa đến nơi. Một đội hình cả hàng trăm người đi men theo rìa núi quanh co khúc khuỷu, sau giờ ngọ, một ngọn gió cũng không cảm nhận được. Mười bảy người đi ngựa chính là các thủ lĩnh hộ vệ mặc quân phục, ba mươi tư con ngựa cũng được huấn luyện cực kỳ chu đáo, mỗi bước chân đạp xuống đều răm rắp, giống như tiếng trống đều nhịp. Cờ xí có hơn mười chiếc đều rủ xuống bên cột, trên đường đi cũng thỉnh thoảng phất lên đôi cái, lộ ra tấm cờ hiệu màu đen có thêu hoa văn rồng vàng, rõ ràng là nghi trượng dành cho vương gia. Bọn thị vệ thì sớm đã ra mồ hoi ướt đẫm cả áo ngoài, phơi giữa nắng thì khô, rồi lại ra mồ hôi, lại ướt, lúc bây giờ lớp áo trong đã đọng thành một lớp váng trắng, nhưng cũng chỉ dám im lặng mà thúc ngựa đi. “Thời tiết con mẹ nó nóng như chó!” Có một giọng thiếu niên thì thào nói. “Phì!” Từ Trường nhịn không được rốt cuộc cười ra tiếng, gã mặc dù chỉ khoảng trên dưới hai mươi tuổi, nhưng thân là nội thị thân cận, lập tức thu lại nụ cười, làm ra vẻ một ông cụ non, hầm hố nói: “Thập nhất gia, thân phận ngài cao quý, không thể cứ tùy tiện mở mồm là lại con mẹ nó.” Người thiếu niên này quả thực rất khôi ngô, mi thanh mục tú đẹp một cách kỳ lạ, khóe miệng hơi trễ xuống, vẻ mặt cực không đồng tình. Từ Trường thầm nghĩ trong lòng, các hoàng tử của Ngu thị quả nhiên đều có tướng mạo xuất chúng, chẳng trách ngày Kính Thân Vương vừa mới nhập ngũ, mọi người ai cũng có ý khinh thường, đặt cho cậu cái biệt danh “anh chàng mặt phấn”, chính là muốn chế giễu cái vẻ đẹp trẻ con của cậu. Không ngờ vị thân vương tuổi thiếu niên này mấy năm qua lăn lộn đánh đấm, ăn bờ ở bụi, xông pha chiến đấu mà ngay cả đầu mày cũng chẳng hề nhăn nhó một lần. Tôi luyện giữa mảnh đất sương gió gian nan phía Bắc Trường Thành, thế nhưng cơ thể cũng không tráng kiện hơn được chút nào, vẫn cứ là một vẻ anh tuấn mà yếu ớt như vậy, chỉ có ánh mắt là đã dần ẩn chứa một tia nhìn sắc bén, rất có khí phách ngang ngược. “Một mực phải đi kinh thành, ngay cả chửi con mẹ nó cũng chẳng cho.” Kính Thân Vương thật ảo não. “Ngẫm lại thực chẳng có gì hứng thú.” “Vương gia, nếu gặp được Hoàng Thượng, cũng không cho phép nói như vậy đâu đấy.” Trên mặt Từ Trường cũng ẩn chứa ưu sầu. Tây Trường kinh không giống như vùng quan ngoại, có thể tùy tiện mà cười nói hỉ hả, nhất cử nhất động, không biết có bao nhiêu người đang dòm ngó, huống chi Hoàng Đế và Kính Thân Vương vốn là anh em cùng một mẹ sinh ra, trước giờ cũng đã có hiềm khích thầm kín. Kính Thân Vương dáng vẻ thì yếu ớt, nhưng trời sinh lại có cái tính nóng nảy, một khi đã nổi bướng lên thì ai cũng không ngăn được, cho nên trong lòng Từ Trường vẫn cứ lo ngay ngáy, chỉ sợ sẽ gây cãi lộn ngay giữa ngự cung. Kính Thân Vương bèn an ủi gã: “Ta đã biết phải nói gì rồi mà.” Khóe miệng khẽ nhếch, chợt có một vẻ mặt nghiêm trang khó thấy: “Ngươi yên tâm đi.” Đi suốt ba ngày không ngừng nghỉ, giữa trưa mới vào được đến trong kinh thành Tây Trường. Bên ngoài thành, cách chừng mười dặm, có một khu vực gọi là “Đình nghỉ chân”, từ trước đến nay quan lại văn võ mỗi lần rời kinh hay trở về, đều được nghênh đón đưa tiễn tại chỗ này. Nói là đình, thực chất cũng chỉ là một tòa lầu hình bát giác nhỏ, nằm ở một bên đường lớn. Bên lề đường, dương liễu lả lướt rủ cành, thấp thoáng lộ ra một góc lan can màu đỏ chót của lầu nhỏ, tiếng ve râm ran cả ngày. Lúc này mồ hôi đã mả mướt như mưa, phủ doãn(chức quan cai trị đứng đầu kinh thành) Trường kinh đã sớm phái người ra đón, bước lên trước hành lễ, song Kính Thân Vương xưa nay vốn ghét lễ nghi rườm rà, vội cho người ngăn lại. Gã quan chạy việc cũng hết sức thức thời: “Tiết trời nóng quá, thỉnh Vương gia bước vào trong lầu nghỉ ngơi hóng mát.” Những lời này quả thực đầy ý quan tâm. Đến lúc bước vào trong lầu, bốn mặt xung quanh đều rợp bóng râm, nhà chính thì vừa sâu vừa rộng rất mát mẻ, toàn bộ mồ hôi đều tản đi, cảm giác nhẹ nhàng thoải mái vô cùng. Đã sớm có trà nước cùng trái cây ướp lạnh được chuẩn bị sẵn, Kính Thân Vương lên đường gấp rút giữa cái nắng đổ lửa, tới lúc này mới cảm thấy khắp người ngay cả từng lỗ chân lông đều nở ra một cách khoan khoái. Thấy được bốn bề cửa sổ chạm khắc đều được mở thông, gió mát cuồn cuộn thổi vào trong lầu, cực kỳ mát mẻ. Phóng tầm mắt ra xa còn có núi non xanh biếc như bức họa đồ, chính là núi Tây Sơn. Mà phía xa mé đông tường thành trông lúc nhúc những mái nhà, chìm ngập trong làn ánh sáng mờ ảo, quả nhiên là Tây Trường kinh mười dặm hồng trần. Từ Trường thấy cậu đăm chiêu, vội hỏi han: “Vương gia, nước ô mai này vừa mát lại mang vị ngọt ngọt chua chua, quả thực là loại ngon tiêu chuẩn.” Kính Thân Vương nhoẻn miệng cười, một hơi uống cạn nước ô mai trong ly, trong miệng sinh tân dịch, không khỏi khen ngợi: “Ngon thật đấy.” Gã nội quan chạy việc vội vàng tiến lên cười nịnh: “Được một câu khẳng định này của Vương gia, chính là phúc phận hãnh diện của hạ thần.” Kính Thân Vương ra kinh hơn một năm, đã lâu không nghe cái loại a dua nịnh hót như vậy, chỉ thấy buồn nôn, không thèm để ý đến gã này nữa, đặt tách trà xuống, thong thả bước đến bên cửa sổ, nhìn về phía xa xa. Bỗng thấy trên đường có vài cỗ xe ngựa vách dầu nhẹ nhàng lướt qua, ba bốn chiếc xe đều được trang trí lộng lẫy, trong đó có một chiếc cực kỳ nổi bật, toàn thân xe màu đỏ thẫm, màn trướng buông rủ. Kính Thân Vương thấy cỗ xe do một tên đầy tớ cưỡi con ngựa cao lớn bảo hộ, cũng chỉ nghĩ hẳn là nữ quyến trong nhà quan lại trở về kinh thành. Thình lình có một ngọn gió thổi qua, mành xe chợt phất lên, lộ ra một lớp rèm lụa mỏng, hoa văn được thêu bằng kim tuyến, dưới ánh mặt trời lấp loáng như một dải bạc, chồng chéo đan xen đập vào mắt con người. Nguyên là thân vương còn đang ở đây, cho nên mấy chiếc xe kia chỉ đành tạm dừng lại, phía sau xe lập tức có một gã đầy tớ phi ngựa lên muốn thương lượng, song Vương gia thân phận tôn quý, hơn hẳn trăm quan, tuyệt nhiên là không có cái đạo lý nhường đường. Đôi bên tranh chấp mấy câu, mà gã đầy tớ thì hết sức ngạo mạn, nói: “Hắn có là ai mà ở chỗ này, cũng đều phải tránh đường hết cho ta.” Hộ vệ của Kính Thân Vương vẫn ăn nói hết sức chuẩn mực, rằng: “Theo “Luật Đại Ngu”, trăm quan từ trên xuống dưới, mỗi khi gặp nghi trượng của Vương gia thì đều phải lánh đi.” Gã đầy tớ liên tục cười gằn, nói: “Còn dám lôi “Luật Đại Ngu” ra mà dọa người, ngươi cứ chờ đó.” Rồi gã giơ roi giục ngựa chạy trở về, lại xuống ngựa hướng vào chủ nhân trong xe mà bẩm báo. Kính Thân Vương vốn là con người trong thô lỗ lại có tinh tế, gặp sự tình kỳ quặc như thế, cũng chỉ gọi Từ Trường đi xuống xem xét. Từ Trường nhìn kỹ mấy cỗ xe ngựa, cũng chẳng thấy có gì khác thường, quay lại bẩm báo với Kính Thân Vương: “Hình như đều là nữ quyến thì phải.” Kính Thân Vương nói: “Nếu đã là thân bằng nữ quyến, vậy ta nhường một chút cũng có làm sao.” Đoạn lệnh cho đội quân tránh sang một bên, để cho xe ngựa đi qua trước. Bọn tôi tớ của đối phương thế nhưng lại còn kiêu căng ngạo nghễ, nhất định không chịu tạ ơn, cũng chẳng thèm xuống ngựa, cả đoàn cứ nghênh ngang mà đi như vậy. Kính Thân Vương đứng yên lặng bên cửa sổ, xe ngựa đi rất chậm, chợt bắt gặp từ trong chiếc xe màu đỏ son, tấm mành lụa bạc được vén lên một góc. Ánh mắt trời chiếu lên hoa văn kim tuyến vốn dĩ đã rất lóa mắt, thế nhưng dung mạo như đóa hoa phù dung hé ra từ phía sau rèm kia, nháy mắt thoảng qua như cánh hồng nhạn, trông lại càng chói ngời hơn cả cái nắng tháng sáu. Kính Thân Vương chỉ cảm thấy chấn động tâm thần, mà tấm rèm lụa kia thì đã buông xuống mất rồi. Chàng nghi mình hẳn đã hoa mắt, song dung nhan chỉ hé lộ trong khoảnh khắc như ánh chớp lằn ấy, rạch ngang bầu trời tối tăm tĩnh mịch, rất lâu sau đó vẫn còn lưu lại một đường cung lửa giữa màu xanh u thẳm, khiến kẻ khác thần tình mê mẩn. Chàng nhìn đoàn xe ngựa cứ đi xa dần xa dần, không hiểu sao dâng lên một cảm giác phiền muộn chưa từng có. Bỗng nhiên những lời dạy của sư phụ ngày còn thơ ấu chợt nảy lên trong tim. “Sông dài núi rộng biết tìm nơi nao…” Từ Trường vỗ tay cười sằng sặc: “Cái kiểu văn thơ tắc tị của Vương gia, một câu văn đã toan đánh rụng cả hàm răng của đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc rồi.” Kính Thân Vương vốn đã quen đùa giỡn với gã, thẹn quá hóa giận, giả vờ đạp cho gã một cước. Kính Thân Vương là bởi vì phụng chỉ về kinh, cho nên vừa thay y phục liền tiến cung yết kiến, Từ Trường vẫn còn lo chàng sẽ nổi tính khí lên, cứ dặn đi dặn lại: “Gặp Hoàng Thượng, trò chuyện chốc chốc phải cẩn trọng, ngài vốn quen tính tùy tiện, nếu mà truyền đến tai người ta, không chừng lại sinh ra đủ chuyện rắc rối.” Kính Thân Vương vừa trở về kinh đô, đã cảm thấy chân tay bị trói buộc, chỉ luôn rầu rĩ không vui. Đến tận lúc lên kiệu rồi, Từ Trường vẫn còn lo lắng mà kéo ống tay chàng, thì thầm cực nhỏ: “Thập Nhất gia, cũng nên vì Hiếu Di Hoàng thái hậu mà nhẫn nại một chút.” Kính Thân Vương phì cười: “Ngươi cứ yên tâm, ta tuyệt sẽ không đánh nhau với hắn là được.” Rời cung đã hơn một năm, quả thực tính nóng nảy đã bớt đi rất nhiểu, vào triều, đứng ở phía sau cửa điện Vĩnh Thái mà hầu chỉ, Triệu Hữu Trí tự mình bước ra nghênh đón, cười hì hì nói: “Hoàng Thượng vẫn còn đang nghỉ trưa, thỉnh Vương gia cùng nô tì đi “Thanh Phong Minh Nguyệt các”, nơi đó mát mẻ, chốc nữa Vạn Tuế gia cũng sẽ đến đó triệu kiến Vương gia.” “Thanh Phong Minh Nguyệt các” kỳ thực là một tòa cung điện có quy mô tương đối ổn, nằm ở bên bờ hồ Thái Dịch, vốn là nơi đọc sách của chư vị hoàng tử, Kính Thân Vương cũng đã từng khổ luyện đèn sách nơi đây mười năm. Lúc bấy giờ đi theo Triệu Hữu Trí bước vào điện, thấy giữa điện, toàn bộ đồ đạc bài trí đều đã thay đổi, không còn chút dấu tích nào của ngày xưa nữa, tâm trạng không khỏi thấy buồn xốn xang. Triệu Hữu Trí đưa được chàng đến tận nơi rồi, sợ Hoàng Đế đã tỉnh, bèn lập tức quay trở về điện Thanh Lương, chỉ còn một tên tiểu thái giám ở lại hầu trà. Kính Thân Vương không kiên nhẫn chờ lâu, thấy trong điện ngoài điện đều một mực nghiêm trang, Tiểu Hoàng Môn cũng cúi đầu chắp tay, đứng hầu phía sâu trong đại điện. Chàng lững thững bước thong thả ra hành lang phía sau điện, hành lang vắng vẻ này vốn xây vươn ra trên nước, bên dưới chính là nước hồ Thái Dịch xanh ngắt sâu thẳm. Thời điểm nắng gắt ngày hè, dõi mắt nhìn lại, thấy lá xanh sen hồng trong ao Thái Dịch, tầng tầng lớp lớp nối nhau chạy thẳng về phía chân trời. Mà ngay cạnh lan can đỏ thắm này, lá sen như màu ngọc bích phủ trùm, tươi đẹp thanh khiết, còn có một vài phiến lá nghiêng nghiêng ngả vào bên trong lan can. Lá to bằng cả cái bánh xe, lúc nha lúc nhúc, mà ở giữa những lá sen trùng điệp lại chợt vươn lên một nhánh hoa, giống như một nét bút son chắc nịch, chấm phá sắc nét tựa hồ không bao giờ phai. Bốn bề đều là hương hoa thơm ngát, pha lẫn vào hơi thở thanh thoát của đám lục bình, chầm chậm phả vào mặt, khiến người ta sảng khoái tinh thần. Còn đang lúc bồi hồi, ở giữa đám lá sen rậm rạp như rừng chợt truyền đến tiếng cười trong trẻo. Chàng ngỡ là mình đã nghe lầm mất rồi, một lúc sau, lại nghe tiếng cười của con gái vang lên như chuông, trong veo vô ngần còn hơn trước, kêu lên: “Ái chà, không được rồi…” Chợt thấy lá sen lay động, từ sâu trong hồ biếc có một chiếc thuyền bé bơi ra, lá lùa kêu loạt xoạt bên mạn thuyền, hỗn độn mà tẽ ra hai bên. Con thuyền rất nhỏ, trông như một chiếc thoi ngọc, chỉ nháy mắt đã xuyên qua đám hoa lá mà đi đến. Trên thuyền có hai người, thiếu nữ cầm chèo đứng ở đuôi thuyền đã trông thấy Kính Thân Vương, không khỏi cúi mặt kêu lên một tiếng. Thiếu nữ ngồi nơi mũi thuyền thì đặt ngang chiếc mái chòe bên mạn, trong tay vẫn còn cầm một cành sen hồng, trông thấy có người đàn ông lạ mặt đứng lặng trên hành lang, vội vội vàng vàng đưa ngang cành hoa lên che mặt đi. Trên đóa sen hồng cứ cánh này xen vào cánh kia, như mây tựa sắc, càng tôn lên một đôi cánh tay nõn nà trắng tựa sương mai. Hai con ngươi đen nháy màu nước sơn, lấp ló giữa tầng tầng lớp lớp cánh hoa, nhìn Kính Thân Vương, chẳng khác nào hai viên thủy ngân đen, trong suốt lấp lánh không thôi. Kính Thân Vương bắt gặp một nửa khuôn mặt hé ra ấy, cũng xinh đẹp động lòng người như cánh sen rung rinh bên gò má nàng, bất chợt nhớ đến dung nhan kia, thốt lên: “Là nàng!” Nàng bối tóc hai bên, dải tóc mây đen nhánh đến châu ngọc cũng không thể sánh, người vận một bộ y xanh lục bằng lụa mỏng manh, màu xanh của váy rất nhạt, chẳng khác nào phiến lá sen vừa chớm mở. Cô gái vận trang phục dân gian mà đi ngắt hoa sen, không ngờ có thể gặp nhau trong cung, mặc dù nàng ăn mặc vô cùng giản dị, song nụ cười chúm chím xinh đẹp lại toát ra một phong thái tao nhã hơn người, dung mạo mờ ảo như thế, thực khó mà miêu tả thành lời. Cô gái đang cầm mái chèo bối rối đứng lên, muốn hành kễ với Kính Thân Vương, mà chiếc thuyền con vốn cực hẹp, người hoảng loạn làm cho nó chòng chành. Cô gái vận đồ xanh cúi đầu kêu lên, vội vàng vứt vật trong tay mà giữ lấy mé thuyền, hoa sen kia rơi tõm trong làn nước biếc, vô cùng đẹp mắt. Tuy nhiên. mắt thấy cô gái áo xanh lúc này đã sắp rơi xuống nước, Kính Thân Vương hoảng hốt la lên: “Cẩn thận!” Trông tình thế cấp bách chỉ muốn đưa tay ra đỡ, thế nhưng khoảng cách không cho phép, cho nên cũng vô dụng. Cô gái cầm chèo luống cuống tay chân, chiếc thuyền bé quay quay một vài vòng, cuối cùng cũng ổn định trở lại. Cô gái cầm chèo bấy giờ mới thản nhiên cười nói: “Cũng không thể đứng lên mà hành lễ chào hỏi, thỉnh Vương gia thứ tội.” Kính Thân Vương từ trước đến nay cũng chẳng buồn truy cứu mấy chuyện này, chàng đoán hai người này nhất định là cung nữ, không biết vì sao lại đi hái hoa sen, chỉ thấy cô gái vận đồ xanh hồn nhiên xán lạn, tâm sinh cảm tình, hỏi: “Các cô là người của ai trong cung?” Cô gái áo xanh nhìn cô gái cầm chèo, cô gái cầm chèo mỉm cười nói: “Không thể nói cho Vương gia được.” Bên môi cô lại nở một nụ cười tinh quái: “Các nữ quan, tu nghi đều đang ngủ trưa, cho nên chúng tôi mới lén chuồn ra ngoài chơi, Vương gia quay về mà nói cho người ta là chuyện của chúng tôi hỏng bét cả.” Vẻ mặt nàng xinh xắn vui tươi, có những lời nói như vậy nhưng cũng không làm người ta thấy ghét, Kính Thân Vương không thể không nói: “Đương nhiên ta sẽ không nói cho ai.” Cô gái cầm chèo cười cười: “Cám ơn Thập Nhất gia.” Cô gái áo xanh thì vẫn không nói lời nào, ngồi ở mũi thuyền, tùy tay nghịch nước, mặt hồ gợn sóng, nước theo kẽ ngón tay nõn nà của nàng chảy xuống, tựa như một chiếc lược bằng ngọc trắng, chải xuống vô số những dải lụa tơ tằm xanh biếc cực nhỏ. Kính thân Vương nhìn vạt áo đơn của nàng bị gió hồ thổi lay động, ống tay áo phơ phất như muốn bay lên, sóng dồn lấp lánh, bóng nàng in trên mặt nước, như phiến lá khẽ nghiêng, mang theo nét thanh tao tươi đẹp khó mà diễn tả. Tự cổ chí kim vẫn luôn ví người đẹp như hoa, không ngờ hôm nay được tận mắt nhìn thấy, rốt cuộc mà ví như lá xanh, rực rỡ không thua nửa phần. Đúng lúc sợi tơ trên ngọn cờ lòng đang khẽ lay động, chợt nghe từ phía xa xa vang lên tiếng vỗ tay, chính là kiệu loan của Hoàng Đế từ trong cung đang đi đến, nội quan vỗ tay là để làm hiệu, tiếng vỗ tay đã nghe càng ngày càng gần. Trong lòng chàng khẽ rùng mình một cái, nghĩ đến từ nay về sau có thể sẽ không còn có duyên gặp mặt, vội hỏi cô gái áo xanh: “Cô tên là gì?” Cô gái kia chỉ cười mà không đáp. thuận tay nhặt đóa hoa sen vừa rơi xuống nước lúc nãy, từ xa mà ném về phía chàng. Chàng đón lấy trong tay, hoa sen ấy vẫn còn vương nước hồ mát lạnh, những hạt nước li ti đọng lại, thấm ướt lòng bàn tay, chậm rãi chảy từ cổ tay vào trong ống tay áo, cảm giác tươi mát mà diệu kỳ, tựa như đã có một cái gì đó chảy vào trong cõi lòng. Cô gái đứng ở sau mũi thuyền đã bắt đầu động mái chèo, chiếc thuyền bé xoay mũi, lại một lần nữa tiến vào sâu trong đám lá. Lá sen lay động hỗn loạn, bóng chiếc thuyền đã xa dần, ở phía xa xa ấy, vẫn thấy cô gái áo xanh ngoái đầu, hướng về phía mình mà nở một nụ cười say đắm lòng người. Sông thu dạo bước làn thu Yêu sao sắc ấy sen hồng vẫn tươi Ngọc non lá biếc xanh ngời Dập dềnh sóng nước nào tròn hay vuông Giai nhân mây tía vẫn còn Muốn tặng mà nỗi cách xa chân trời Nhớ người sao chẳng gặp người Ngẩn ngơ gió mát trước thềm trông theo. (Chiết hà hữu tặng – Lý Bạch – dịch thơ:Đông Y Lâm) Quả thực là “Nhớ người sao chẳng gặp người/Ngẩn ngơ gió mát trước thềm trông theo”. Chàng đeo một nỗi muộn phiền vô hạn, chỉ có thể hận cái cô cầm chèo kia thì nói chuyện liên mồm, mà bản thân ngay cả giọng nói của thiếu nữu áo xanh như thế nào cũng còn chưa biết. Nếu có thể được nghe nàng nói nửa câu, niềm sung sướng ấy chắc hẳn không có lời nào diễn tả. Chàng cứ âm thầm mà suy diễn đủ thứ, dù sao cũng là tâm tình người thiếu niên, nỗi lòng ra sao chẳng thể giấu, đến tận lúc xa giá rầm rộ đi tới, quỳ xuống hành lễ mà tâm thần vẫn bất định không thôi. Hoàng Đế xưa nay không ưa đứa em cùng mẹ này lắm. Hai người hơn kém nhau đến bảy tuổi, cho nên thuở nhỏ cũng chẳng hề thân thiết, tuổi tác đã cách biệt, mà tính tình cả hai lại càng cách xa vạn dặm. Lúc này Hoàng Đế cau mày, nhìn Kính Thân Vương thi hành đại lễ xong, lạnh nhạt nói: “Miễn lễ.” Hoàng Đế hỏi qua về tình hình vùng biên giới, đoạn nói: “Trẫm mệnh cho ngươi đi vùng quan ngoại, là muốn rèn giũa tính tình cho ngươi, mong ngươi có thể sửa bớt cái tính khí của mình đi, thế nhưng xem ra hiện tại ngươi cũng chẳng có chuyển biến gì. Nhìn cái bộ dạng của ngươi, thực sự càng ngày càng nóng nảy không yên, thật uổng một phen trẫm khổ tâm.” Kính Thân Vương vẫn nhớ kỹ lời dặn dò của Từ Trường, chỉ cúi đầu mà lĩnh giáo huấn. Tai thì nghe Hoàng Đế nghiêm khắc dạy dỗ, mà trong bụng thì cứ nghĩ hoài, hai cô gái kia sao cứ không chịu nói ra mình làm ở đâu, bản thân lại chẳng biết tên nàng, trong cung mấy vạn cung nữ, biển người mờ mịt, làm sao còn cơ duyện gặp lại đây? Vừa nghĩ đến đó, trong lòng lại buồn rầu, không khỏi thở dài một tiếng. Hoàng Đế vừa nghe cậu chàng thở dài ngậm ngùi, lại như đổ dầu vào lửa, đã cáu đến cực điểm, tuy nhiên giọng điệu lại vẫn hờ hững như không: “Ngươi không cần trở về vùng quan ngoại nữa, chắc có ở đến hai chục năm cũng công cốc. Trẫm thấy, tốt hơn là ngươi vẫn nên ở lại trong kinh, đi theo Thất ca ngươi mà học hỏi dăm ba năm, xem có thể học cho ra cái phong thái lịch lãm hay không.” Kính Thân Vương nghe nói là sẽ không được hồi quân ngũ, đã cảm thấy rầu đến già rồi, chàng xưa nay lại cực không vừa mắt Dự Thân Vương, thế mà Hoàng Đế lại còn muốn đem mình giao vào tay “kẻ thù không đội trời chung”, cục tức này thử hỏi nuốt sao nổi? Lập tức đáp: “Thỉnh Hoàng Thượng vẫn cho thần trở về vùng quan ngoại đi thôi, thần đệ ngu dốt, mỗi ngày ở trước mặt Hoàng Thượng, chỉ sợ khi không lại chọc cho Hoàng Thượng phát cáu, thần đệ thà rằng cách Hoàng Thượng thật xa.” Hoàng Đế lãnh đạm nói: “Ngươi nói cái gì gì thế . . . cũng không sợ Hiếu Di Hoàng Thái hậu dưới đất còn linh, nghe được sẽ buồn lòng lắm sao?” Kính Thân Vương kinh ngạc bật thẳng người dậy, trong mắt như tóe lửa, lớn tiếng nói: “Đừng nhắc đến mẫu hậu với ta! Ngươi đừng có mà nhắc đến mẫu hậu trước mặt ta!” Chàng phẫn nộ, căn bản đã quên phắt vua tôi trên dưới, mà Hoàng Đế thì ngược lại, cực kỳ bình tĩnh: “Xem lại cái bộ dạng này của ngươi đi, chẳng còn ra cái thể thống gì nữa. Kẻ bất hiếu là người, trẫm trước giờ cũng chưa từng làm cho mẫu hậu phải hổ thẹn bao giờ.” Trong lòng Kính Thân Vương đau đớn, phẫn nộ, thất vọng đan xen lẫn lộn, chỉ nói: “Mẫu hậu dù đối đãi với huynh như thế nào, người cũng là mẹ, người sinh ra huynh, nuôi nấng huynh, vậy mà huynh lại ghi hận trong tâm. Nếu không phải do huynh . . . huynh . . .” Tâm trạng chàng kích động, rốt cuộc nói không nên lời, tiến lên từng bước, Triệu Hữu Trí thấy tình hình không ổn, vội kêu một tiếng: “Vương gia!” Kính Thân Vương nhớ lại một trận tranh chấp ngay trước giường bệnh trong điện Từ Ý năm đó, quả thực khiến cho Hiếu Di hoàng thái hậu đau thấu tâm can. Chàng nhớ lúc ấy mẹ đã bệnh trầm trọng, chính mình lại bị Hoàng Đế khiển trách ngay trước giường bệnh của người, khiến cho mẹ đã bệnh lại càng thương tâm, nếu không phải vì đó thì hoàng thái hậu cũng đã không phải đau khổ mà chết đi. Mà bản thân ngay cả nhìn mặt mẫu hậu lần cuối cũng không kịp. Nghĩ đến đây ruột gan không khỏi thắt lại, siết chặt nắm tay, trừng trừng con mắt mà nhìn Hoàng Đế. Hoàng Đế bị chàng chọc cho sôi máu sắp điên lên rồi, thế nhưng tạm thời lại không thể phát tác. Cuối cùng Kính Thân Vương cũng buông lỏng tay, lui về sau từng bước: “Thần đệ cáo lui.” Một nửa phần khiêm cung mà bề tôi nên có cũng chẳng thấy đâu, hoàng đế giận lắm, còn chưa nói được lời nào, Triệu Hữu Trí chạy nhanh lại nói: “Vạn Tuế gia, Vương gia đi đường vất vả, có chuyện gì thỉnh ngày mai hãy truyền Vương gia tới.” Hoàng Đế cũng biết dưới cơn thịnh nộ này mà xử lý Kính Thân Vương, nhất định sẽ tạo nên động thái cực sai lầm, cho nên cũng chỉ phất tay. Triệu Hữu Trí vội nháy mắt với Kính Thân Vương, mà Kính Thân Vương cũng chả buồn cảm kích, trừng mắt với lão một cái, cũng không thèm hành lễ với Hoàng Đế, phất tay áo ngang nhiên mà đi. Hoàng Đế thấy chàng như thế, tức đến nỗi một hồi lâu cũng không nói nổi. Trong điện im ắng, gió lạnh thổi như muốn tung tấm mành trúc giữa điện, hương sen thoang thoảng bay vào. Xa xa tiếng ve lác đác rền rĩ, rồi lại rơi vào yên lặng. Một lúc sau, đột nhiên từ mặt hồ phía sau điện truyền đến một giọng hát của con gái dịu dàng mềm mại. Hoàng Đế thì còn đang nổi nóng, “rầm” một tiếng đập mạnh tay lên tập công văn trên bàn, nói: “Đi, đi ra ngoài xem, là kẻ nào đang tranh cãi om sòm ở kia, lôi cái loại nô tì vô lễ đó ra lập tức đánh hai mươi gậy cho trẫm.” Triệu Hữu Trí vội vã tự mình đi, một lát sau, đã nghe tiếng hát càng ngày càng gần, âm thanh kia cực kỳ êm ái mà trầm bổng, du dương đến động lòng người, ca từ lọt vào tai nghe hết sức rõ ràng: “Lá xanh thanh nước biếc, sen tươi khoác lụa hồng, dưới gốc còn có ngó[1], trên có vợ thương chồng[2] . . .” ******************************** [1]Ngó sen [2]Nguyên bản: “thượng hữu tịnh đầu liên”: ý nói vợ chồng yêu thương nhau như hai đóa sen mọc chung gốc.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.